Bản án 01/2018/DS-ST ngày 30/01/2018 về tranh chấp lối đi và tưới tiêu nước

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HẠ LANG, TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 01/2018/DS-ST NGÀY 30/01/2018 VỀ TRANH CHẤP LỐI ĐI VÀ TƯỚI TIÊU NƯỚC

Ngày 30 tháng 01 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hạ Lang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 11/2017/TLST-DS ngày 18 tháng 10 năm 2017 về việc "Tranh chấp lối đi và tưới tiêu nước", theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 24/2018/QĐXXDS - ST ngày 23 tháng 01 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bế Văn H.

2. Bị đơn: Trương Văn T.

Cùng nơi cư trú: S Đ, xã AL, huyện HL, tỉnh C B. Cùng có mặt.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân xã A L, huyện HL, tỉnh CB. Đại diện theo pháp luật: Ông Triệu Văn Đ – Chủ tịch UBND xã. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 28/9/2017 và quá trình tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn Bế Văn H trình bày: Năm 1990, ông mua đám đất có tên Tẩư Thum với ông Nông Văn D (đã chết), khi mua đầu bờ ruộng đã có con đường và mương nước. Tháng 5 năm 2017, ông T san lấp phần đất ở bờ ruộng của ông để làm lán trông cá. Việc san lấp này làm ảnh hưởng đến đường đi xuống ruộng của gia đình. Mặt khác, khoảng năm 1996 ông T đã san lấp mương dẫn nước vào ruộng của ông, làm cho việc canh tác thửa đất 2x, tờ bản đồ 11m gặp nhiều khó khăn do không có nước. Nay yêu cầu ông T dừng san lấp đất, giữ nguyên hiện trạng như hiện nay. Đồng thời mở lại mương nước mà ông T đã lấp từ năm 1996.

Bị đơn ông T khai: Cạnh ao cá của gia đình có phần đất hoang diện tích khoảng 80 m2. Từ năm 1995 gia đình đã dựng lán và chuồng lợn trên diện tích này, khi dựng công trình không ai có ý kiến. Năm 2000 lán đổ, gia đình không dựng lại và cũng tháo dỡ luôn chuồng lợn do mưa dột sợ mục vật liệu. Đầu tháng 5 năm 2017, ông san phần đất hoang xuống thấp lấy mặt bằng để xây lán trông cá. Việc san lấp hoàn toàn không làm anh hưởng đến việc đi lại cũng như canh tác của ông H. Sau khi dựng lán ông vẫn dành một lối rộng từ 01 m – 1,5 m cho việc đi lại. Năm 1996, được sự nhất trí của ông H và ông N, ông đã lấp mương dẫn nước vào ruộng ông H, đổi lại ông mở một lối dẫn nước từ ao cá dẫn nước vào ruộng của ông H. Mặt khác, hiện nay ông H đã mở một lối dẫn nước khác để làm ruộng. Vì vậy ông không nhất trí với các yêu cầu của ông H.

Ngày 26/12/2017 Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ theo đơn yêucầu của ông H. Kết  quả như sau:

- Kiểm tra trên bản đồ phần đất đang tranh chấp có diện tích 117,7 m2 là đất hoang, do Ủy ban nhân dân xã AL đang quản lý, có phần bờ giáp các thửa 03n, 24n, 27n tờ bản đồ 11m.

- Đo trên thực tế:

+ Phía bắc giáp thửa 03 (ao cá của ông T); phía nam giáp đường đi và phai nước, có 01 lối dẫn nước ông H tự đào từ phai nước vào ruộng ông H; phía đông giáp thửa 27 (ruộng ông H), thửa 27 cao hơn thửa 24 và 03, bờ ruộng ông H nối liền phần đất hoang có chiều cao nhất là 2,6m, dài 12 m; phía tây giáp mương dẫn nước vào ao ông T.

+ Tiếp các thửa 03, 24 và 27 có khe dẫn nước từ ao ông T vào ruộng ông H; ông T đã san hạ xuống 1,4 m với diện tích là 32,7 m2. Trên ruộng ông H không có đất đá rơi vãi từ việc ông T san đất.

Các bên đương sự đều nhất trí với nội dung xem xét, thẩm định của Hội đồng. Tại phiên tòa:

- Ông H giữ nguyên yêu cầu buộc ông T dừng việc san lấp đất, giữ nguyên hiện trạng, nếu không phải dành một lối đi rộng 2m cho ông đi lại và mở lại mương nước mà ông T đã lấp.

- Bị đơn: Không nhất trí với yêu cầu của nguyên đơn.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: UBND xã AL. Đại diện theo pháp luật ông Triệu Văn Đ – Chủ tịch UBND xã trình bày: Phần đất đang tranh chấp hiện nay UBND xã đang quản lý, sau này bên nào có nhu cầu và đủ điều kiện phải làm thù tục trình UBND xã xem xét, hiện nay chưa thể giao đất cho ai quản lý, sử dụng được.

- Kiểm sát viên phát biểu: Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử , Thư ký Tòa án và của đương sự, kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án không có gì sai phạm. Về đường lối giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 169, 252, 253 và 254 Bộ luật Dân sự: Bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và miễn án phí cho ông H.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về quan hệ tranh chấp: Ông H yêu cầu buộc ông T dừng việc san lấp đất, giữ nguyên hiện trạng, nếu không phải dành lối đi rộng 02 m cho ông đi lại và mở lại mương nước mà ông T đã lấp từ năm 1996. Vì vậy đây là tranh chấp lối đi và tưới tiêu nước.

[2]. Về yêu cầu buộc ông T dừng việc san lấp đất, giữ nguyên hiện trạng, Hội đồng xét xử thấy rằng: Phần đất ông T san lấp là đất hoang, do Ủy ban nhân dân xã AL đang quản lý. Phần đất này ông T đã từng dựng lán trông cá và chuồng lợn trên đất từ năm 1996, nhưng sau đó tự tháo dỡ do không có người trông và sợ vật liệu mục do mua dột. Hiện nay ông T có nhu cầu dựng lại lán, sau khi san ông T cam kết vẫn dành lối đi lại rộng từ 01 m – 1,5 m. Việc san lấp không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông H, thậm chí nếu san xuống thấp còn thuận tiện hơn cho việc đi lại của ông Háy. Vì vậy yêu cầu của ông H là không có căn cứ và chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Hiện nay phần đất này do Ủy ban nhân dân xã AL đang quản lý, chưa giao cho ai nên Hội đồng xét xử không xem xét việc ai có quyền quản lý, sử dụng phần đất này.

[3]. Về yêu cầu mở lại mương nước mà ông T đã lấp: Năm 1996, ông T và ông H có thỏa thuận lấp mương, nhưng không lập văn bản và lấy nước ruộng từ ao của ông T. Từ lúc san lấp đến thời điểm tranh chấp ông H không có ý kiến, hằng năm ông H vẫn lấy nước ruộng từ ao ông T. Mặt khác, hiện nay ngoài nguồn nước từ ao ông T, ông H cũng đã tự mở một lối dẫn nước khác từ “Phai nước” vào ruộng. Xét thấy, nguồn nước canh tác đối với thửa đất 27, tờ bản đồ 11m của ông H vẫn được đảm bảo nên yêu cầu mở lại mương nước của ông H là không có căn cứ và chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

[4]. Về chi phí tố tụng: Ông H yêu cầu Tòa án thành lập Hội đồng xem xét, thẩm định tại chỗ. Đồng thời tạm nộp trước số tiền 1.000.000đ, số tiền này, Hội đồng đã chi phí hết. Do yêu cầu không được chấp nhận nên ông H phải chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định số tiền 1.000.000đ theo các Điều 157, 158, 165 và 166 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[5]. Về án phí: Do yêu cầu không được chấp nhận, nên ông H phải chịu án phí số tiền 300.000đ. Tuy nhiên, gia đình ông H thuộc hộ nghèo, nên được miễn án phí theo Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng các Điều 26, 157, 158, 165 và 166 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc ông T dừng việc san lấp đất, giữ nguyên hiện trạng và mở lại mương nước mà ông T đã lấp.

2. Về án phí: Áp dụng Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14; ông Bế Văn H được miễn án phí dân sự sơ thẩm, nay được hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí 300.000đ đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hạ Lang.

3. Về chi phí tố tụng: Ông Bế Văn H phải chịu số tiền 1.000.000đ (một triệu đồng), nhưng được trừ đi số tiền tạm ứng chi phí xem xét thẩm định đã nộp là 1.000.000đ, theo giấy biên nhận ngày 10/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện Hạ Lang.

4. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo Bản án, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

323
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/DS-ST ngày 30/01/2018 về tranh chấp lối đi và tưới tiêu nước

Số hiệu:01/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hạ Lang - Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về