Bản án 01/2019/HNGĐ-PT ngày 11/01/2019 về tranh chấp hôn nhân gia đình

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 01/2019/HNGĐ-PT NGÀY 11/01/2019 VỀ TRANH CHẤP HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

Ngày 11 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án Thụ lý số 28/2018/TLPT-HNGĐ ngày 12 tháng 12 năm 2018 về việc tranh chấp Hôn nhân gia đình 

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 72/2018/HNGĐ-ST ngày 02 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 121/2018/QĐ-PT ngày 24 tháng 12 năm 2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H; nơi cư trú tại thôn TT, xã ĐT, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng.

2. Bị đơn: Ông Trần Niêm P (tên gọi khác Trần Đăng C); nơi cư trú tại thôn TH, xã ĐT, huyện LH, tỉnh Lâm Đồng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Nguyễn Văn D – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lâm Đồng.

Người kháng cáo: Ông Trần Niêm P (Trần Đăng C) – Bị đơn  (các đương sự và trợ giúp viên pháp lý có mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm Nguyên đơn bà Nguyễn Thị H trình bày: Bà và ông Trần Niêm P chung sống với nhau không hòa thuận nên đã ly hôn tại Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự số 53/2012/QĐHNGĐ-ST ngày 16/8/2012. Theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự thì bà có trách nhiệm trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 01 con chung chưa thành niên tên là Trần Thu H, sinh ngày 04/12/1996, ông P (C) không cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên, do cháu H bị khuyết tật không nhận thức được hành vi và không tự sinh hoạt phục vụ cho bản thân được. Bản thân bà bị bệnh cột sống, thường xuyên đau lưng nên việc chăm sóc cháu H cũng hết sức khó khăn, mọi chi phí sinh hoạt đều do bà phải tự lo. Ngoài ra bà còn phải lo chi phí chữa bệnh cho bản thân và sức khỏe giảm sút nên bà cũng không thể lao động như trước nữa. Do vậy, bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông P (C) phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu H mỗi tháng là 2.000.000đ cho đến khi cháu H qua đời. Ngoài ra bà không yêu cầu gì thêm.

Bị đơn ông Trần Niêm P (Trần Đăng C) trình bày: Ông và bà Nguyễn Thị H thuận tình ly hôn và thỏa thuận giao con chung là Trần Thu H, sinh ngày04/12/1996 cho bà H có trách nhiệm trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Ông không phải cấp dưỡng nuôi con theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự số 53/2012/QĐHNGĐ-ST ngày 16/8/2012 của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà. Sau khi ly hôn, ông và bà H đã tự thỏa thuận phân chia tài sản chung, bà H được chia phần đất nhiều hơn để bà H có thu nhập nuôi con. Hiện nay ông cũng đã lập gia đình và đang có con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, việc cấp dưỡng nuôi con là nằm ngoài khả năng của ông nên ông không đồng ý cấp dưỡng nuôi con theo yêu cầu của bà H. Ngoài ra ông không trình bày gì thêm.

Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không thành.

Tại Bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 72/2018/HNGĐ-ST ngày 02 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà đã xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H đối với ông Trần Niêm P (Trần Đăng C) về việc tranh chấp về cấp dưỡng.

Buộc ông Trần Niêm P (Trần Đăng C) phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con Trần Thu H, sinh ngày 04/12/1996 với mức cấp dưỡng là 700.000đ/tháng. Thời gian cấp dưỡng nuôi con kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và trách nhiệm thi hành án của các bên đương sự.

Ngày 15/11/2018, bị đơn ông Trần Niêm P (Trần Đăng C) có đơn kháng cáo với lý do vì điều kiện hoàn cảnh của ông rất khó khăn, ông đã có gia đình riêng và phải nuôi con nên ông không đồng ý cấp dưỡng nuôi con theo quyết định của bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa hôm nay,

Nguyên đơn bà Nguyễn Thị H vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử (sau đây viết tắt là HĐXX) giữ nguyên bản án sơ thẩm, cháu H là con chung thì cha, mẹ phải có trách nhiệm chung. Bà không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Bị đơn ông Trần Niêm P (Trần Đăng C) vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, do điều kiện hoàn cảnh gia đình ông hiện tại rất khó khăn, đất đai ít không đảm bảo cho thu nhập trang trải cuộc sống gia đình hàng ngày, cháu H cũng được nhận tiền bảo trợ xã hội của UBND huyện Lâm Hà mỗi tháng là 540.000đ nên ông đồng ý trợ cấp thêm cho cháu H số tiền 300.000đ/tháng, đề nghị HĐXX chấp nhận sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà.

Ông Nguyễn Văn D - Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông Trần Niêm P trình bày do hoàn cảnh hiện nay của ông P và gia đình ông P là hộ cận nghèo nên không có khả năng cấp dưỡng nuôi con và thực tế sau khi ly hôn hai bên tự thỏa thuận đã chia tài sản cho bà H nhiều hơn để nuôi cháu H. Tuy nhiên cũng đề nghị ông P trong phạm vi điều kiện khả năng kinh tế của mình cũng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo quy định của Luật Hôn nhân & gia đình vì cháu H hiện nay đã trưởng thành nhưng không tự lao động để nuôi bản thân. Đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận mức cấp dưỡng nuôi cháu H theo yêu cầu của ông Trần Niêm P.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc Thẩm phán và các đương sự đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm, đồng thời đề nghị HĐXX căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân ân huyện Lâm Hà.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa và ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về nội dung tranh chấp: Theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thoả thuận của các đương sự số 53/2012/QĐHNGĐ-ST ngày 16/8/2012 của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà thì bà Nguyễn Thị H và ông Trần Niêm P (tên gọi khác Trần Đăng C) thỏa thuận giao con chung chưa thành niên là Trần Thu H, sinh ngày 04/12/1996 bị bệnh bại não cho bà H có trách nhiệm trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Ông P không cấp dưỡng nuôi con. Hiện nay, do điều kiện kinh tế khó khăn và bản thân bà H cũng bị bệnh nên bà H yêu cầu ông P có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, mức cấp dưỡng 2.000.000đ/tháng. Ông P không đồng ý cấp dưỡng nuôi con vì cho rằng ông đã giao cho bà H phần tài sản nhiều hơn sau khi khi ly hôn để có điều kiện nuôi con, đồng thời hiện nay ông đã lập gia đình và đang nuôi con nhỏ, điều kiện gia đình khó khăn và bản thân ông cũng bị bệnh nên việc cấp dưỡng nuôi cháu H là ngoài khả năng của ông nên ông không đồng ý cấp dưỡng theo yêu cầu của bà H do đó các bên phát sinh tranh chấp.

[2] Về yêu cầu kháng cáo của ông Trần Niêm P: Hội đồng xét xử thấy rằng cháu Trần Thu H sinh năm 1996 giới tính nữ, bị bệnh bại não từ nhỏ, hiện nay cháu đã đến tuổi trưởng thành nhưng mọi vấn đề sinh hoạt, vệ sinh cá nhân bình thường cháu không tự chủ được, phải hoàn toàn phụ thuộc vào người nuôi dưỡng chăm sóc, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày; chi phí thuốc men thường xuyên cho người bị bệnh bại não và các chi phí sinh hoạt khác đối với nữ giới đã trưởng thành là khoản chi phí khá lớn đối với mức thu nhập bình quân tại vùng nông thôn. Trong khi đó bà H là người trực tiếp được giao chăm sóc nuôi dưỡng cháu H thì đang mắc bệnh Thoát vị đĩa đệm và thoái hóa gai xương (theo kết quả MRI ngày 31/7/2017) và có hoàn cảnh rất khó khăn mặc dù cháu H hàng tháng được nhận tiền trợ cấp xã hội tại địa phương theo chính sách là đối tượng được bảo trợ xã hội. Theo Điều 81, 82, 110 Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha hoặc mẹ là người không trực tiếp nuôi con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con là nghĩa vụ bắt buộc nên cấp sơ thẩm buộc ông P có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung đã trưởng thành nhưng không có khả năng lao động để tự nuôi sống mình tên là Trần Thu H là đúng quy định của pháp luật.

[3] Về mức cấp dưỡng nuôi con: Theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 thì mức cấp dưỡng được căn cứ vào khả năng thực tế của người phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Cấp sơ thẩm đã căn cứ vào điều kiện kinh tế của ông P không có thu nhập ổn định, đồng thời hiện nay ông P đã lập gia đình và đang nuôi con nhỏ, bản thân ông cũng đang bị bệnh và thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời chị H cũng có tiền trợ cấp xã hội hàng tháng là 540.000đ/tháng và tiền trợ cấp xã hội cho bà H nuôi chị H là 270.000đ/tháng tổng cộng là 810.000đ/tháng nên buộc ông P có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung là 700.000đ/tháng. Tại phiên tòa phúc thẩm sau khi được HĐXX và trợ giúp viên pháp lý phân tích giải thích các quy định của pháp luật Hôn nhân & gia đình Việt Nam, ông P (C) đồng ý cấp dưỡng nuôi con tên Trần Thu H số tiền 300.000đ/tháng. Tuy nhiên so sánh với điều kiện kinh tế xã hội chung ở khu vực nông thôn thì mức cấp dưỡng mà bản án sơ thẩm đã tuyên là 700.000đ/tháng là mức cấp dưỡng phù hợp với thời điểm hiện tại bao gồm các chi phí về ăn, ở, mặc, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cho cuộc sống sinh hoạt tối thiểu của người được cấp dưỡng và mức cấp dưỡng này thấp hơn rất nhiều mức thu nhập cơ bản của xã hội mà Chính phủ quy định (1.390.000đ/tháng) nên đề nghị cấp dưỡng 300.000đ/tháng của ông P là không phù hợp. Đại diện Viện kiểm sát cũng nhận định về điều kiện hoàn cảnh bệnh tật của người được cấp dưỡng và điều kiện hoàn cảnh của người trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc cũng như điều kiện hoàn cảnh của người có nghĩa vụ cấp dưỡng đế nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Từ những nhận định trên HĐXX phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Niêm P, cần giữ nguyên bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà.

Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên ông P phải chịu tiền án phí Hôn nhân gia đình sơ thẩm và tiền án phí Hôn nhân gia đình phúc thẩm theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án. Tuy nhiên trường hợp của ông P có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền địa phương xác nhận là hộ cận nghèo (ông P xuất trình tại phiên tòa phúc thẩm) nên được miễn tiền án phí Hôn nhân gia đình sơ thẩm và tiền án phí Hôn nhân gia đình phúc thẩm theo điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Từ những nhận định trên cần sửa bản án sơ thẩm đối với phần án phí. Các phần khác của bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm vẫn được giữ nguyên.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào Khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Niêm P (Trần Đăng C) đối với nguyên đơn bà Nguyễn Thị H.

- Sửa bản án sơ thẩm đối với phần án phí.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị H đối với bị đơn ông Trần Niêm P (tên gọi khác Trần Đăng C) về vụ án “Tranh chấp Hôn nhân gia đình về cấp dưỡng nuôi con” giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Hương và bị đơn ông Trần Niêm P (tên gọi khác Trần Đăng C).

2. Buộc ông Trần Niêm P (tên gọi khác Trần Đăng C) phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung tên là Trần Thu H; sinh ngày 04/12/1996 với mức cấp dưỡng là 700.000đ/tháng (Bảy trăm ngàn đồng). Thời gian cấp dưỡng nuôi con kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án tương ứng với thời gian chưa thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi mức cấp dưỡng.

3.Về án phí:

Miễn án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm cho ông Trần Niêm P (tên gọi khác Trần Đăng C). Hoàn trả cho ông P 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số AA/2016/000836 ngày 28/11/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lâm Hà.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 - Luật thi hành án dân sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2014; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 - Luật thi hành án dân sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2014”.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

416
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2019/HNGĐ-PT ngày 11/01/2019 về tranh chấp hôn nhân gia đình

Số hiệu:01/2019/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 11/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về