Bản án 01/2019/KDTM-ST ngày 29/05/2019 về tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại (hợp đồng tín dụng)

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN DẦU TIẾNG, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 01/2019/KDTM-ST NGÀY 29/05/2019 VỀ TRANH CHẤP PHÁT SINH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, THƯƠNG MẠI (HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG)

Ngày 29/5/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 435/2018/TLST - KDTM ngày 13/12/2018 về việc tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại (hợp đồng tín dụng), theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 18/2019/QĐXXST-KDTM ngày 28/3/2019, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 02/2019/QĐST ngày 12/4/2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 16/2019/QĐST-DS ngày 10/5/2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng A; địa chỉ: Số X, phường L, quận Đ, Thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông B – Chủ tịch Hội đồng quản trị. Người đại diện theo ủy quyền của ông B: Ông C – Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý tài sản A kiêm Phó giám đốc Khối pháp chế và kiểm soát tuân thủ phía Nam.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông D - Chuyên viên của A (theo văn bản ủy quyền ngày 08/10/2018).

2. Bị đơn: Ông E, sinh năm 1980; nơi cư trú: Khu phố Y, thị trấn Z, huyện T, tỉnh Bình Dương.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà F (vợ ông E); nơi cư trú: Khu phố Y, thị trấn Z, huyện T, tỉnh Bình Dương Đại diện nguyên đơn (ông D) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà F) có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt; bị đơn ông E vắng mặt không có lý do.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 08/10/2018, đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 15/11/2018 và quá trình tố tụng, đại diện nguyên đơn (ông D) trình bày:

Ngân hàng A – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp tín dụng cho ông E. Hợp đồng mà Ngân hàng A và ông E ký kết với nhau là hợp đồng tín dụng, giải ngân ngày 03/01/2017 (căn cứ theo đơn đề nghị mở tài khoản, phát hành thẻ ghi nợ, vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản, thẻ ghi nợ ngày 22/12/2016), số tiền vay là 150.000.000 đồng, thời hạn vay là 60 tháng, mục đích vay tiêu dùng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông E vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng tín dụng đã ký. Phía Ngân hàng A đã tạo điều kiện để ông E trả nợ nhưng ông E tránh né và không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Theo đơn khởi kiện, Ngân hàng A yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông E và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà F phải thanh toán cho Ngân hàng A tổng số tiền nợ gốc, nợ lãi tính đến ngày 08/10/2018 là 249.980.506 đồng, trong đó nợ gốc là 145.512.389 đồng, nợ lãi là 104.468.117 đồng. Ngoài ra, yêu cầu ông E và bà F phải thanh toán tiền lãi phát sinh theo quy định tại hợp đồng kể từ ngày 09/10/2018 cho đến khi thanh toán xong toàn bộ khoản nợ.

Tại buổi hòa giải ngày 08/01/2019, Ngân hàng A đã thay đổi yêu cầu khởi kiện không yêu cầu bà F cùng ông E thanh toán nợ. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ hồ sơ nhận thấy bà F cũng phải có nghĩa vụ liên đới cùng ông E thanh toán nợ nên Ngân hàng A vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu ông E và bà F liên đới thanh toán nợ cho Ngân hàng A.

Theo bản chi tiết tính lãi tiền vay quá hạn đến ngày 29/5/2019 do Ngân hàng A cung cấp thì số tiền Ngân hàng A yêu cầu ông E và bà F thanh toán là 293.914.940 đồng, gồm nợ gốc là 145.512.389 đồng, nợ lãi là 148.402.551 đồng (lãi trong hạn 100.659.734 đồng, lãi quá hạn 47.742.817 đồng).

Quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa ngày 12/4/2019, bị đơn (ông E) trình bày:

Ông E thống nhất với lời trình bày của người đại diện của Ngân hàng A về việc ông E có ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng A để vay số tiền 150.000.000 đồng, ngày 03/01/2017 thì được Ngân hàng A giải ngân số tiền nêu trên, khi vay tiền thì ông E không thế chấp tài sản gì cho A. Ông E đã được nhân viên của Ngân hàng A giải thích về lãi suất tuy nhiên do ông E lúc đó đang cần tiền để kinh doanh xưởng may nên ông E đồng ý. Đối với yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A, ông E đồng ý thanh toán tòan bộ nợ gốc và nợ lãi, kể cả nợ lãi phát sinh.

Đi với yêu cầu của Ngân hàng A yêu cầu bà F cùng liên đơn trả nợ thì ông E không đồng ý vì khoản nợ vay này là nợ của cá nhân ông E, bà F không sử dụng số tiền vay nên bà F không có trách nhiệm trả.

Quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà F) trình bày:

Bà F là vợ của ông E. Vào khoảng đầu năm 2017 thì ông E có ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng A để vay số tiền 150.000.000 đồng. Ông E đã được Ngân hàng giải ngân số tiền trên, tuy nhiên bà F không biết rõ về việc ông E vay tiền như thế nào và lãi suất ra sao. Nay ngân hàng khởi kiện ông E thì bà F xác định đây là khoản nợ của cá nhân ông E, bà F không liên quan gì trong hợp đồng này nên bà F không có nghĩa vụ phải cùng ông E trả nợ.

Ti phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng có ý kiến:

Quá trình tố tụng cũng như diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, đã thực hiện đầy đủ việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng cho các bên đương sự. Tại phiên tòa, đại diện Nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà F có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt, bị đơn vắng mặt không có lý do. Việc vắng mặt của đại diện nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là phù hợp; bị đơn được triệu tập hợp lệ nên đề nghị xét xử vắng mặt theo các Điều 227, 228 của Bộ luật tố tụng dân sự. Không kiến nghị khắc phục, bổ sung các thủ tục tố tụng. Quan hê pháp luật của vụ án là “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại” (hợp đồng tín dụng).

Về nội dung vụ án: Đê nghi, Hội đồng xét xử châp nhân một phần yêu câu khơi kiên của nguy ên đơn, buộc ông E thanh toán nợ cho Ngân hàng A. Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng A về việc buộc bà F liên đới cùng ông E thanh toán nợ.

Chứng cứ được Hội đồng xét xử xem xét gồm:

Điều lệ Ngân hàng (bản sao); Bộ Điều khoản và điều kiện vay tiêu dùng cá nhân (bản sao); Văn bản ủy quyền số 34/2017/UQ-CT (bản chính); CMND + sổ tạm trú ông E (bản photo); Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao); Quyết định kiêm nhiệm chức danh nhân sự số 72/2015/QĐ-HĐQT (bản chính); Văn bản ủy quyền số 11/2018/UQQ-HĐQT (bản chính); Bản kê tiền nợ gốc, nợ lãi (bản chính); Đơn xin miễn lãi (đơn do bà F tự tay viết và chụp hình gửi qua zalo nên đại diện nguyên đơn chỉ photo đóng dấu công văn đến, không có bản chính); Văn bản viết tay trên giấy A4 (bản photo được đối chiếu bản chính); Giấy đăng ký vay tiêu dùng cá nhân ngày 22/12/2016 (bản sao); Văn bản ủy quyền ngày 08/10/2018 (bản chính); CMND ông D (bản photo); bản tự khai ngày 21/3/2019 của ông D; biên bản hòa giải không thành ngày 13/12/2018 (bản chính); đơn yêu cầu ngày 10/01/2019 (bản chính); biên bản đối chất ngày 28/3/2019; bản tự khai ông E ngày 20/12/2018; bản tự khai bà F ngày 20/12/2018 và ngày 21/3/2019; đơn xin giải quyết vắng mặt của bà F ngày 21/3/2019; hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gồm: giấy đề nghị đăng ký kinh doanh, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 16/5/2016, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, biên bản xác minh ngày 03/5/2019.

Lời khai của các bên thống nhất với nhau về khoản tiền nợ gốc theo hợp đồng tín dụng là 145.512.389 đồng (một trăm bốn mươi lăm triệu năm trăm mười hai ngàn ba trăm tám mươi chín đồng), lãi suất tính đến ngày mở phiên tòa (ngày 12/4/2019), không thống nhất với nhau việc bà F có nghĩa vụ cùng ông E trả nợ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Từ những tài liệu chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ. Sau khi nghe lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, đại diện nguyên đơn (ông D) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà F) có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị đơn (ông E) được triệu tâp hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự theo quy định tại các Điều 227, 228 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Nguyên đơn khởi kiện bị đơn về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng. Bị đơn là cá nhân có đăng ký kinh doanh, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 46C8024046 ngày 16/5/2016 do Ủy ban nhân dân thị xã G cấp cho ông E với tên gọi “Cơ sở may E”. Bị đơn có nơi cư trú tại Khu phố Y, thị trấn Z, huyện T, tỉnh Bình Dương nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương theo quy định tại các Điều 30, 35, 39 của Bộ luật tố tụng dân sự. Quan hệ pháp luật của vụ án là “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại” (hợp đồng tín dụng).

[3] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Nguyên đơn và bị đơn giao kết với nhau hợp đồng tín dụng được giải ngân ngày 03/01/2017 (căn cứ theo đơn đề nghị mở tài khoản, phát hành thẻ ghi nợ, vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản, thẻ ghi nợ ngày 22/12/2016), theo đó nguyên đơn đã cấp tín dụng cho bị đơn với số tiền 150.000.000 đồng, thời hạn vay là 60 tháng. Tại bản tự khai ngày 20/12/2018 và biên bản hòa giải ngày 08/01/2019, bị đơn thừa nhận có ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng A và được Ngân hàng A giải ngân ngày 03/01/2017 với số tiền 150.000.000 đồng, và hiện còn nợ Ngân hàng A 154.512.389 đồng tiền gốc và tiền lãi tính đến ngày 08/01/2019 là 121.815.619 đồng. Đây là tình tiết được các bên đương sự thừa nhận nên là tình tiết không cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự. Mặc dù tại buổi hòa giải ngày 08/01/219, bị đơn thừa nhân nợ nhưng bị đơn vẫn chưa thanh toán được nợ cho nguyên đơn, đến thời điểm xét xử sơ thẩm, tổng số nợ lãi phát sinh là nợ lãi là 148.402.551 đồng (lãi trong hạn 100.659.734 đồng, lãi quá hạn 47.742.817 đồng). Tổng số tiền gốc và tiền lãi là 293.914.940 đồng. Theo hợp đồng đã ký kết ngày 22/12/2016 thì mức lãi suất của khoản vay là 32% và có điều chỉnh lãi suất theo từng thời kỳ của Ngân hàng A.Tổng số ngày bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán đến ngày xét xử sơ thẩm là 751 (từ ngày 09/5/2017 đến ngày 29/5/2019) Mức lãi suất của hợp đồng tín dụng được Ngân hàng A điều chỉnh nhiều lần, mức cao nhất là 32,40% trong 92 ngày (từ ngày 01/7/2017 đến ngày 30/9/2017), còn lại 659 ngày, Ngân hàng A áp dụng mức lãi suất bằng và thấp hơn mức lãi suất khi ký kết hợp đồng (mức thấp nhất là 30,8%), điều này có lợi cho bị đơn, đồng thời cũng phù hợp với quy địnht tại Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Xét yêu cầu của Ngân hàng A yêu cầu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà F có nghĩa vụ cùng ông E trả nợ vì ông F vay tiền để mua máy may cho Cơ sở may E là phục vụ cho lợi ích của gia đình, và khi ông E không trả nợ được, bà F đã viết giấy đồng ý cùng ông E trả nợ. Ngân hàng A cung cấp chứng cứ là giấy viết tay cho bà F viết, theo đó bà F đồng ý cùng với ông E trả nợ. Xem xét toàn bộ nội dung chứng cứ thì bà F không hề biết việc ông E vay tiền, cho đến khi nhân viên Ngân hàng A làm việc với bà F, bà F cũng không hề sử dụng số tiền vay này. Nội dung của chứng cứ này phù hợp với lời khai của bà F tại bản tự khai ngày 21/3/2019 (bút lục số 103) và biên bản hòa giải ngày 08/01/2019 (bút lục số 89). Xem xét hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với Cơ sở may E do Tòa án thu thâp được thì cá nhân ông E là người thuê đất để làm xưởng may, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 46C8024046 ngày 16/5/2016 được Phòng Tài chính Kế hoạch thị xã G xác định là cấp cho cá nhân ông E chứ không phải cấp cho hộ ông E. Nơi Cơ sở may E hoạt động là ấp T, xã V, thị xã G, tỉnh Bình Dương, còn bà F có hộ khẩu thường trú và làm việc tại thị trấn Z, huyện T, tỉnh Bình Dương. Xem xét chứng cứ là “Giấy đăng ký vay tiêu dùng cá nhân, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ và dịch vụ ngân hàng điện tử” được Ngân hàng A ký kết với ông E thể hiện nhiều thông tin cá nhân của ông E như tên và địa chỉ của Cơ sở may E, không có nội dung nào ràng buộc trách nhiệm của bà F. Ngày 20/12/2018, Tòa án đã ra quyết định yêu cầu Ngân hàng A cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu Tòa án buộc bà F liên đới cùng ông E thanh toán nợ nhưng Ngân hàng A chỉ cung cấp được chứng cứ là giấy viết tay do bà E viết. Chứng cứ này không có cơ sở vững chắc để ràng buộc trách nhiệm của bà F như Hội đồng xét xử đã nhận định trên đây. Do vậy, yêu cầu của Ngân hàng A buộc bà F liên đới cùng ông E thanh toán nợ không có cơ sở chấp nhận.

[5] Xét lời khai của bị đơn (ông E): Ông E cho rằng mức lãi suất Ngân hàng A áp dụng là quá cao, do cần tiền nên khi vay ông E không để ý. Ý kiến của ông F là không phù hợp, bởi lẽ trước khi ký hợp đồng, ông F đã được giải thích về mức lãi suất và phương thức thnah toán. Ông E là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, việc ông E tự nguyện thỏa thuận giao kết hợp đồng là phù hợp quy định pháp luật, không bị ép buộc, cũng không bị đe dọa hay lừa dối, và mức lãi suất mà Ngân hàng A cho vay là phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng như Hội đồng xét xử đã nhận định trên đây. Như vậy lời trình bày của bị đơn là không có cơ sở chấp nhận.

[6] Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát vê phân cac thu tuc tô tung cung như về nội dung vụ án la phu hơp pháp luật.

[7] Về an phi : Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào các Điều 5, 30, 35, 39, 147, 227, 228, 266, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ các Điều 91, 95, 98 của Luật các tổ chức tín dụng;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A đối với ông E về việc “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại” (hợp đồng tín dụng).

Buộc ông E có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng A 293.914.940 đồng (hai trăm chín mươi ba triệu chín trăm mười bốn ngàn chín trăm bốn mươi đồng). Gồm 145.512.389 đồng nợ gốc; 148.402.551 đồng nợ lãi (lãi trong hạn 100.659.734 đồng, lãi quá hạn 47.742.817 đồng).

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (ngày 29/5/2019) cho đến khi thi hành án xong, ông E còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A về việc yêu cầu bà F liên đới cùng ông E thanh toán nợ.

3. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

3.1. Ông E phải chịu 14.695.747 đồng (mười bốn triệu sáu trăm chín mươi lăm ngàn bảy trăm bốn mươi bảy đồng).

3.2. Hoàn trả cho Ngân hàng A số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 6.249.513 đồng (sáu triệu hai trăm bốn mươi chín ngàn năm trăm trăm mười ba đồng) theo biên lai thu số AA/2016/0012698 ngày 13/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Dương.

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo Bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Bản án được tống đạt hợp lệ.

Trường hợp Bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

531
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2019/KDTM-ST ngày 29/05/2019 về tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại (hợp đồng tín dụng)

Số hiệu:01/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Dầu Tiếng - Bình Dương
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 29/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về