Bản án 02/2017/LĐ-PT ngày 26/06/2017 về tranh chấp trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 

BẢN ÁN 02/2017/LĐ-PT NGÀY 26/06/2017 VỀ TRANH CHẤP TRỢ CẤP THÔI VIỆC, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 26 tháng 6 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2017/LĐ-PT ngày 24 tháng 3 năm 2017 về việc “Tranh chấp về trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động”, do Bản án lao động sơ thẩm số: 01/2017/LĐ-ST ngày 15/02/2017 của Tòa án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 02/2017/QĐPT-LĐ ngày  22 tháng 5 năm 2017 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 01/2017/QĐPT ngày 20 tháng 6 năm 2017 giữa:

1/ Nguyên đơn: Ông Vũ Công N, sinh năm: 1972.

Địa chỉ: 22 đường T, quận H, thành phố Đà Nẵng (có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của ông N (Giấy ủy quyền ngày 12/6/2017)

Bà Nguyễn Thị H, sinh năm: 1974.

Địa chỉ: 22 đường H, quận H, thành phố Đà Nẵng (có mặt).

2/ Bị đơn: Công ty TNHH TM&DV L.

Địa chỉ: 18 đường N, quận T, thành phố Đà Nẵng

Người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 01/4/2017)

Bà Ngô Thị Kiều O - Chức vụ: Kế toán công ty (có mặt).

3/ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm Xã hội quận T, thành phố Đà Nẵng.

Địa chỉ: 574A đường T, quận T, thành phố Đà Nẵng

Người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 26 tháng 6 năm 2017).

Ông Nguyễn Tấn Hồng Q - Chuyên viên (có mặt).

Người kháng cáo: Công ty TNHH TM&DV L

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện, các biên bản hoà giải, đơn trình bày và tại phiên toà sơ thẩm bà Nguyễn Thị H trình bày (nội dung liên quan đến kháng cáo):

Ông Vũ Công N vào làm việc tại Công ty TNHH TM & DV L từ năm 2003 đến ngày 01/01/2007 mới ký kết hợp đồng lao động và đến ngày 01/8/2013 thì nghỉ việc.

Sau 02 năm nghỉ việc, qua thông tin đại chúng ông N mới biết mình là người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng do Công ty L nợ tiền bảo hiểm xã hội nên chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông N bị chậm hơn 14 tháng nên ông N không nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Ông N khiếu nại đến Phòng L quận T, TP Đà Nẵng và Sở L, TP Đà Nẵng. Tại Sở L, TP Đà Nẵng, ông N mới được sao chép Hợp đồng lao động giữa ông N và Công ty L ký ngày 01/01/2007. Ông N mới biết trong hợp đồng lao động có các chế độ, các khoản phụ cấp và chế độ nghỉ phép mà BLLĐ đã quy định. Tất cả các khoản đó, ông N đều chưa được nhận. Trước đó, ông N không được nhận hợp đồng lao động đã ký kết.

Công ty L đóng bảo hiểm xã hội cho ông N không đúng với các mức lương mà ông N đã ký nhận, cụ thể: năm 2003 mức lương 2.000.000đ, sau đó lên dần đến năm 2013 là 5.000.000đ, các mức lương này không có các khoản phụ cấp nhưng Công ty L đóng theo mức lương như sau: năm 2007 đóng 711.450đ, năm 2008: 1.000.000đ, năm 2009:  1.100.000đ,  năm  2010:  1.100.000đ,  năm  2011:  1.284.000đ,  năm  2012: 1.905.000đ, năm 2013: 3.394.000đ. Sau đó bồi thường bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 2.247.000đ.

Ngày 11/12/2015 ông N khởi kiện đến TAND quận T yêu cầu Công ty trả những khoản tiền liên quan đến kháng cáo như sau:

-Tiền nghỉ phép hàng năm tính từ ngày 01/01/2007 đến ngày 01/8/2013 theo tiền lương/một ngày làm việc cụ thể 5.000.000đ : 22 ngày = 227.000đ/ngày x 79 ngày = 17.933.000đ.

- Tiền phép thâm niên 06 năm 07 tháng = 01 ngày phép năm x 300% x 227.000đ = 681.000đ.

-Tiền trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động là: 02 năm x 0,5 tháng lương/năm = 5.000.000đ.

-Tiền BHTN do chậm chốt sổ BHXH là 14 tháng được tính theo tổng thời gian tham gia BHXH từ ngày 01/01/2009 đến tháng 7/2013 là 04 năm, 07 tháng = 55 tháng theo quy định là 06 tháng x 60% tiền lương của 06 tháng liền kề tại thời điểm thôi việc khi  chấm  dứt  hợp  đồng  lao  động  là: 06  tháng x 5.000.000đ/tháng x 60% = 18.000.000đ.

+ Tổng các khoản yêu cầu Tòa án giải quyết được tính theo hợp đồng lao động là: 167.332.000đồng.

- Tiền BHXH, BHYT, trợ cấp thôi việc, nghỉ phép năm được tính trong 03 năm = 36 tháng không được ký hợp đồng lao động từ tháng 8/2003 đến ngày 31/12/2006. Tiền lương bình quân của 03 năm nói trên là: 3.500.000đ/tháng : 22 ngày = 159.000đ/ ngày được tính cụ thể:

- Tiền nghỉ phép hằng năm 36 tháng = 36 ngày phép x 159.000đ = 5.724.000đ.

- Tiền đóng BHXH, BHYT 36 tháng x 3.500.000đ x 21% = 26.460.000đ.

- Tiền  trợ  cấp  khi  thôi  việc  3  năm x  0,5  tháng  lương/năm  x  5.000.000đ  = 7.500.000đ.

+ Tổng các khoản yêu cầu Tòa án giải quyết nêu trên được tính không ký hợp đồng lao động từ tháng 8/2003 đến tháng 12/2006  là:  39.684.000đ.

Tổng số tiền ông N yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ L phải thanh toán là: 207.016.000đ.

- Tại văn bản giải trình đơn khởi kiện và các biên bản hòa giải đại diện theo ủy quyền cho bị đơn, bà Ngô Thị Kiều O trình bày (nội dung liên quan đến kháng cáo):

Ngày 01/01/2007, ông Vũ Công N và Công ty L có ký hợp đồng lao động không số với những nội dung được ghi theo điều khoản của hợp đồng lao động. Trong quá trình thực hiện HĐLĐ về phía ông N thường xuyên nghỉ việc, không xin phép và không có lý do, nhưng về phía Công ty L vẫn trả lương và thanh toán các khoản khác cho ông N nhận đầy đủ, ông N không có ý kiến hay khiếu nại gì về việc chi trả lương của Công ty L đối với ông theo HĐLĐ.

Ngày  01/8/2013 ông N đơn phương xin thôi việc và được Công ty L chấp nhận kể từ ngày 01/8/2013.

Công ty L đã thanh toán lương và các chế độ khác đầy đủ cho ông N, trong đó chỉ còn lại hai khoản trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc Công  ty chưa chi trả là do hai bên chưa thống nhất. Tuy nhiên Công ty L có mời ông N nhiều lần lên để thanh toán nhưng ông N không chịu nhận cho nên Công ty chưa chi trả hai khoản tiền này cho ông N dẫn đến việc ông N khởi kiện.

Nay ông N khởi kiện yêu cầu:

-Tiền chênh lệch cho các khoản BHXH, BHYT, BHTN là: 62.518.280đ, tiền trợ cấp thôi việc 5.000.000đ, tiền nghĩ phép hàng năm 17.933.000đ, tiền phép thâm niên 681.000đ, tiền chế độ phụ cấp tính theo HĐLĐ 63.200.000đ, tiền BHTN do chậm chốt sổ BHXH 14 tháng 18.000.000đ với tổng các khoản yêu cầu trên theo HĐLĐ là 167.332.000đ.

- Các khoản về chi phí phải trả theo chế độ gồm BHXH, BHYT, trợ cấp thôi việc, nghỉ phép năm được tính trong 03 năm = 36 tháng ông N không được ký hợp đồng lao động 39.684.000đ.

Tổng cộng số tiền ông N yêu cầu Công ty L phải thanh toán trả là 207.016.000đ, Công ty L chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đó là chỉ trả 02 khoản gồm: Trợ cấp thất nghiệp 4 năm 7 tháng là 2.247.000đ x 60% x 6 tháng = 8.089.200đ  và trợ  cấp  thôi  việc năm 2007  và năm 2008  là  02  năm  x  0,5  tháng lương/năm x 5.000.000đ = 5.000.000đ. Tổng số tiền Công ty L phải chi trả cho ông Vũ Công N là 13.089.200đ.

-Tại văn bản số 19/BHXH ngày 13/01/2017, biên bản hòa giải, tại phiên tòa sơ thẩm đại diện BHXH quận T, thành phố Đà Nẵng trình bày:

Căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội, các văn bản liên quan và văn bản của BHXH Việt Nam, BHXH quận T, thành phố Đà Nẵng thực hiện thu BHXH, BHYT cho người lao động thực hiện chế độ tiền lương do đơn vị sử dụng lao động quyết định là tiền lương tháng đóng BHXH được ghi trong HĐLĐ và phù hợp với mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm do nhà nước quy định trên cơ sở căn cứ vào hồ sơ, các giấy tờ do Công ty TNHH TM&DV L cung cấp. Việc chi trả các khoản BHXH và trợ cấp thất nhiệp của Công ty L cho ông Vũ Công N, Bảo hiểm xã hội quận T chi trả là đúng quy định của pháp luật, vì vậy đề nghị Tòa án căn cứ theo quy định của pháp luật về lao động để giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Với nội dung trên, án sơ thẩm đã xử và quyết định:

1/ Buộc Công ty TNHH TM&DV L phải bồi thường tiền nghỉ phép hàng năm theo chế độ cho ông Vũ Công N, số tiền: 7.087.000đ.

2/ Ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của Công ty TNHH TM&DV L về việc chi trả tiền trợ cấp thôi việc trong hai năm 2007 và 2008 cho ông Vũ Công N, số tiền: 5.000.000đ.

Án phí LĐST: 605.286đ Công ty TNHH TM&DV L phải chịu.

Ngoài ra bản án còn quyết định về tiền trợ cấp thất nghiệp; Bác đơn khởi kiện bổ sung của ông N tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu; Bác yêu cầu của ông N đối với số tiền 186.840.000đ; Miễn án phí cho ông N do bị bác yêu cầu nhưng các quyết định này không bị kháng cáo, kháng nghị.

Ngày 02 tháng 3 năm 2017, Công ty TNHH TM&DV L kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét thời hiệu khởi kiện đối với tiền nghỉ phép năm và cấp sơ thẩm buộc Công ty trả tiền phép năm là không có căn cứ. Đồng thời đề nghị xem xét án phí đối với số tiền 5.000.000đ, vì đây là số tiền do Công ty tự nguyện.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh luận tại phiên tòa; Sau khi đại diện Viện kiểm sát TP Đà Nẵng phát biểu; Sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Tại Bản án sơ thẩm số: 01/2017/LĐ-ST ngày 15/02/2017 TAND quận T, TP Đà Nẵng đã chấp nhận một phần yêu cầu của ông Vũ Công N, buộc Công ty TNHH TM&DV L (gọi tắt là Công ty) phải thanh toán cho ông N 8.089.200đ  trợ cấp thất nghiệp; 7.087.000đ tiền nghỉ phép hằng năm. Đồng thời ghi nhận sự tự nguyện tự nguyện thỏa thuận của Công ty về việc trả cho ông N 5.000.000đ trợ cấp thôi việc .

[2] Công ty kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại án phí đối với số tiền 5.000.000đ vì trong đó có số tiền do Công ty tự nguyện hỗ trợ; xem xét thời hiệu khởi kiện đối với tiền nghỉ phép hằng năm và số tiền nghỉ phép năm mà cấp sơ thẩm buộc Công ty thanh toán cho ông N là không có căn cứ. Do đó, HĐXX chỉ xem xét kháng cáo của Công ty. Các quyết định khác của bản án không bị kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật.

[3] Đối với thời hiệu khởi kiện yêu cầu thanh toán tiền nghỉ phép hằng năm: Ông N vào làm việc tại Công ty từ năm 2003 đến tháng 8 năm 2013. Sau khi nghỉ việc, đến tháng 7 năm 2015 ông N mới biết quyền lợi của mình được quy định tại hợp đồng lao động ký giữa ông và Công ty. Trước đó ông N không được Công ty giao cho hợp đồng lao động. Sau khi nhận quyết định nghỉ việc, ông N khiếu nại đến Phòng L, quận T. Ngày 24/9/2015 Công ty ra Quyết định số: 02/QĐ về việc giải quyết khiếu nại của ông N, theo đó Công ty sẽ thanh toán cho ông N tiền trợ cấp thất nghiệp: 8.089.200đ, tiền trợ cấp thôi việc: 5.000.000đ. Ông N tiếp tục khiếu nại đến Sở L, TP Đà Nẵng.

[4] Tháng 12 năm 2015 ông N khởi kiện tại TAND quận T yêu cầu Công ty trả các khoản tiền quy định tại hợp đồng lao động và theo quy định của pháp luật, trong đó có yêu cầu Công ty phải thanh toán số tiền nghỉ phép hằng năm là trong thời hạn khởi kiện theo quy định tại khoản 2 điều 202 Bộ luật lao động. Do đó kháng cáo của Công ty về thời hiệu khởi kiện đối với tiền nghỉ phép hằng năm là không có cơ sở, không chấp nhận.

[5] Cùng thời điểm, ngoài việc khởi kiện Công ty tại TAND quận T, ông N còn khởi kiện Công ty tại Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng, tại Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng liên quan đến lao động giữa ông và Công Ty. Các yêu cầu khởi kiện này của ông N vì còn thời hiệu nên được Tòa án các cấp thụ lý và xét xử tại Bản án số: 45/2016/HC-PT ngày 16/9/2016 và Bản án số: 02/2016/HCPT ngày 02/12/2016 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng; Bản án số: 04/2016/HC-ST ngày 10/6/2016 của TAND TP Đà Nẵng.

[6] Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty có khiếu nại về thời hiệu khởi đối với tiền nghỉ phép hằng năm nhưng cấp sơ thẩm không xác định thời hiệu khởi kiện còn hay hết, là thiếu sót.

[7] Công ty kháng cáo cho rằng: Cấp sơ thẩm buộc Công ty thanh toán tiền nghỉ phép năm cho ông N là không có căn cứ, vì hằng năm, ông N đã xin nghỉ phép năm. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty không xuất trình chứng cứ, tài liệu gì mới để chứng minh là ông N nghỉ phép hằng năm hoặc đã hưởng phép năm dưới hình thức khác, kể từ khi ông N vào làm việc tại Công ty đến khi ông N nghỉ việc.

[8] Theo quy định tại khoản 1 Điều 114 Bộ luật lao động khi  “Người lao động….vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ”. Cấp sơ thẩm buộc Công ty thanh toán số tiền nghỉ phép năm cho ông N là có căn cứ, do đó HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Công ty về nội dung này như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tại phiên tòa, đại diện cho Công ty xác định là trong trường hợp HĐXX xác định yêu cầu khởi kiện về tiền nghỉ phép hằng năm còn thời hiệu thì Công ty đồng ý trả số tiền như cấp sơ thẩm quyết định.

[9] Về án phí đối với số tiền trợ cấp thôi việc 5.000.000đ: Trong quá trình giải quyết tranh chấp, ngoài số tiền 2.247.000đ mà Công ty phải trả cho ông N theo quy định, tại buổi hòa giải do Phòng L, quận T tổ chức, Công ty tự nguyện hỗ trợ cho ông N số tiền 2.753.000đ. Sự tự nguyện này của Công ty được tiếp tục thể hiện tại các lần hòa giải của Tòa án cấp sơ thẩm.

[10] Trong trường hợp Công ty có mặt tại phiên tòa sơ thẩm và vẫn giữ nguyên sự  tự nguyện  này thì  Công  ty  chỉ  chịu  án  phí  đối  với  số  tiền  buộc  phải  trả là: 2.247.000đ. Tuy nhiên, Công ty vắng mặt tại phiên tòa nhưng cấp sơ thẩm lại“ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của Công ty” tại phiên tòa là không đúng. Mặt khác đã chấp nhận sự tự nguyện của Công ty nhưng lại buộc Công ty phải chịu toàn bộ án phí đối với số tiền 5.000.000đ lại càng không đúng. HĐXX chấp nhận kháng cáo phần này của Công ty. Sửa phần án phí, buộc Công ty chỉ chịu án phí đối với số tiền 2.247.000đ và án phí đối với số tiền nghĩ phép hàng năm: 7.087.000đ; tiền trợ cấp thất nghiệp: 8.089.200đ.

[11] Đại diện Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên về án phí mà cấp sơ thẩm đã quyết định.

[12] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện cho Công ty vẫn giữ nguyên sự tự nguyện hỗ trợ cho ông N số tiền 2.753.000đ.

[13] Về án phí LĐPT: Do sửa bản án sơ thẩm nên Công ty không chịu án phí lao động phúc thẩm.

[14] Ngoài ra, trong quá trình giải quyết ở cấp phúc thẩm, ông N có đơn kiến nghị, đề nghị Tòa án xem xét việc Công ty TNHH TM&DV L có một số hành vi làm trái quy định của pháp luật, lừa dối cơ quan chức năng. Đề nghị này của ông N không phải là nội dung kháng cáo và không thuộc phạm vi giải quyết của Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 307 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự

Căn cứ Điều 36, Điều 48, Điều 114 và Điều 202  BLLĐ; Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1/ Chấp nhận một phần kháng cáo của Công TNHH TM&DV L. Sửa Bản án sơ thẩm số: 01/2017/LĐ-ST ngày 15/02/2017 của TAND quận T, TP Đà Nẵng về án phí.

1.1. Buộc Công ty TNHH TM&DV L phải thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm cho ông Vũ Công N số tiền: 7.087.000đ (bảy triệu, không trăm tám mươi bảy ngàn đồng).

1.2. Buộc TNHH TM&DV L thanh toán trợ cấp thôi việc cho ông Vũ Công N số tiền: 2.247.000đ (hai triệu, hai trăm bốn mươi bảy ngàn đồng).

1.3. Chấp nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH TM&DV L về việc trợ cấp thôi việc cho ông Vũ Công N số tiền: 2.753.000đ (hai triệu, bảy trăm năm mươi ba ngàn đồng).

1.4. Án phí LĐST, Công ty TNHH TM&DV L phải chịu: 522.696đ (Năm trăm hai mươi hai nghìn, sáu trăm chín mươi sáu đồng)

2/ Hoàn cho Công ty TNHH TM&DV L 300.000đ tạm ứng án phí LĐPT (theo biên lai số: 0003137 ngày 08/3/2017 và biên lai số: 0003185 ngày 22/3/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, TP Đà Nẵng).

3/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4/ Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành không thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

5/ Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên và được thi hành theo quy định tại Điều 02 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1502
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2017/LĐ-PT ngày 26/06/2017 về tranh chấp trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:02/2017/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 26/06/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về