Bản án 02/2018/DS-ST ngày 28/03/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Q, TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 02/2018/DS-ST NGÀY 28/03/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOẠI HỢP ĐỒNG DO SỨC KHỎE XÂM PHẠM

Ngày 28 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2017/TLST-DS ngày 19 tháng 10 năm 2017 về việc tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 02/2018/QĐXXST-DS ngày 08 tháng 02 năm 2018; Quyết định hoãn phiên tòa số: 02/2018/QĐST-DS ngày 08 tháng 3 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lục Khương S, sinh năm 1971;

Địa chỉ cư trú: Đội 03 thôn T, xã Q huyện Q, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

- Bị đơn: Bà Phan Thị H, sinh năm 1975;

Địa chỉ cư trú: Thôn L, xã Q, huyện Q, tỉnh Hà Giang. Vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Cáo Thị D, sinh năm 1979;

Địa chỉ cư trú: Đội 03 thôn T, xã Q huyện Q, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

2. Ông Lệnh Lục H, tên gọi khác Lục Hữu Hạc, sinh năm 1959; Địa chỉ cư trú: Tổ 03 thị trấn T, huyện Q, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 12/10/2017, bản tự khai ngày 25/10/2017, biên bản lấy lời khai ngày 21/12/2017 và tại phiên tòa nguyên đơn ông Lục Khương S trình bày: Ngày 09/10/2016, bà Phan Thị H sinh năm 1975, là chủ xưởng mộc có hộ khẩu tại: Thôn L, xã Q, huyện Q, tỉnh Hà Giang, gọi điện cho ông S bảo ông đi làm công cho bà H tại Xưởng mộc vào sáng ngày 10/10/2016. Khoảng 08 giờ ngày 10/10/2016, ông S đến làm tại xưởng mộc nhà bà H làm việc theo thỏa thuận (làm cửa), ông tiến hành xẻ gỗ để làm cửa, làm việc đến khoảng 09 giờ cùng ngày khi ông S đang làm việc và điều khiển máy bào cuốn (Máy bào đa năng gồm chức năng xẻ, bào, cuốn…), bà H đứng đối diện với ông S ở đầu máy bào, thấy mùn cưa đã đầy nên cầm một thanh gỗ có kích thước 2,5cm x 3,5cm, chiều dài khoảng 70 cm để khều mùn cưa, thì máy bào cuốn, hút thanh gỗ vào máy rồi bắn về phía ông S găm vào bụng ông S, sau đó ông S bị ngất, vợ chồng bà H đã đưa ông S đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Q và Bệnh viện đa khoa huyện Q. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Q, các bác sĩ kết luận ông Lục Khương S bị cây chọc vào bụng xuyên thấu thủng dạ dày, gãy đầu ngoài xương sườn số 10 mạn xườn trái. Phải mổ khâu lỗ thủng dạ dày thắt nhánh động mạch mạc nối lớn; Truyền dịch, kháng sinh, chống viêm, giảm đau. Sau khi mổ khâu lỗ thủng dạ dày, ông S bị nôn ra nhiều máu nên đã được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang để điều trị, sau 10 ngày điều trị thì được ra viện. Ông S được bảo hiểm chi trả 100% tiền viện phí.

Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Hà Giang, bà H không chăm sóc ông S, mà chỉ gửi cho người nhà ông 3.000.000đ để chí phí sinh hoạt. Sau khi ra viện, ông S gọi bà H đến để nói chuyện bồi thường về sức khỏe cho ông S thì bà H đưa thêm cho ông S 1.000.000đ nhưng ông S không nhận vì quá ít so với tổn thất mà ông S phải chịu. Sau đó ông S đã gửi đơn đến Công an huyện Q để yêu cầu giải quyết về trách nhiệm hình sự. Tại công văn số: 889/BC-CAH ngày 25/7/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Q đã chuyển vụ việc yêu cầu của ông S đến Tòa án huyện Q để giải quyết về trách nhiệm dân sự do không có đủ cơ sở để xác định tội danh của bà Phan Thị H. Ông Lục Khương S đề nghị Tòa án giải quyết buộc bà Phan Thị H phải bồi thường cho ông cụ thể như sau:

- Tiền thuê xe từ bệnh viện Hà Giang về nhà khi ra viện là 550.000đ;

- Tiền mua Mg tan để truyền là 570.000 x 3 túi = 1.710.000đ;

- Tiền công người chăm sóc là 01 tháng = 30 ngày x 150.000đ = 4.500.000đ;

- Tiền mất thu nhập 03 tháng = 90 ngày x 200.000đ = 18.000.000đ;

- Tiền bồi thường hao tổn về sức khỏe bản thân ông S phải gánh chịu là 20.000.000đ;

- Tiền chi phí giám định bệnh, tật là 1.626.000đ.

Tổng cộng ông S yêu cầu bà H phải bồi thường cho ông là: 46.386.000đ (Bốn mươi sáu triệu ba trăm tám mươi sáu nghìn đồng), trừ đi số tiền bà H đã bồi thường và các chi phí hợp lý.

Việc ông S làm công cho bà H không có hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận bằng miệng, những lần trước bà H trả công cho ông S là 230.000đ một ngày.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 20/12/2017 bà Phan Thị H trình bày: Ngày 09/10/2016, ông Lục Khương S gọi điện thoại cho bà H hỏi là có việc làm không cho ông S làm với, bà H đồng ý và hẹn ngày hôm sau ông S đến làm việc. Vào khoảng 08 giờ ngày 10/10/2016, ông S đến xưởng mộc nhà bà H để làm công cho bà H theo thỏa thuận, công việc của ông S là làm cửa, ông tiến hành sẻ gỗ để làm cửa, ông S làm việc đến khoảng 10 giờ cùng ngày khi ông S đang điều khiển máy cưa, bà H thấy mùn cưa đã đầy nên cầm một thanh gỗ (thanh dát giường) để khều mùn cưa tại máy cưa ông S đang làm thì lưỡi bào của máy cưa cuốn, hút thanh gỗ tuột khỏi tay bà H, cuốn vào trong máy cưa thì bị gãy làm đôi một nửa nằm dưới máy cưa, một nửa lao ra cắm vào bụng ông S, ông S dùng tay rút thanh gỗ ra, sau đó bà H cùng chồng đưa ông S đến Trạm y tế xã Q để sơ cứu và đưa ông S đến Bệnh viện đa khoa huyện Q để cấp cứu, điều trị. Bà H đã ở lại để chăm sóc ông S đến 22 giờ cùng ngày thì về, về nhà được một tiếng thì vợ ông S báo là phải chuyển ông S xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, bà H nhờ ông Lục Khắc S, địa chỉ thôn T, xã Q, huyện Q mang 2.000.000đ đưa cho vợ ông S để chi phí điều trị tại Bệnh viện Hà Giang, ba ngày sau bà H gửi xe ô tô khách Cường Thúy xuống cho vợ ông S 1.000.000đ để chi phí sinh hoạt, khi ông S ra viện, bà H đến nhà thăm và đưa cho ông S 1.000.000đ để bồi dưỡng sức khỏe nhưng ông S không nhận. Hai tuần sau thì bà H được Công an huyện Q mời lên làm việc. Công an huyện Q đã hòa giải để hai bên bồi thường cho nhau, bà H nhất trí trả cho ông S 10.000.000đ nhưng ông S không nhất trí, sau đó ông S nhất trí nhận 10.000.000đ thì bà H lại không trả cho ông S nữa. Nay ông S yêu cầu bà H bồi thường các khoản với tổng số tiền 46.386.000đ, bà H không chấp nhận bồi thường bất kỳ một khoản tiền nào cho ông S nữa vì bà H đã bồi thường tiền chi phí điều trị bệnh cho ông S đầy đủ, cụ thể: Chi phí tại bệnh viện đa khoa huyện Q là 2.500.000đ, bà H gửi xuống bệnh viện Hà Giang cho vợ ông S hai lần với tổng số tiền là 3.000.000đ. Việc bà H thuê ông S làm công không có hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận bằng miệng, tiền công là 230.000đ một ngày.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 22/01/2018, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bà Cáo Thị D trình bày: Tôi là vợ của ông Lục Khương S, ngày 10/10/2016 bà nhận được điện thoại của bà H báo ông S bị tai nạn đang cấp cứu tại Bệnh viện huyện Q, bà D lên đến Bệnh viện huyện Q khoảng 12 giờ trưa, lúc này ông S đã vào phòng mổ, bà D ở đó chăm sóc ông S từ đó rồi chuyển viện xuống Bệnh viện Hà Giang cho đến khi ông S ra viện về nhà, một tháng đầu ông S chưa đi lại được, mọi sinh hoạt của ông S đều do bà chăm sóc. Một năm sau ông S mới làm việc được nhưng không được như trước. Bà D đề nghị Tòa án buộc bà H phải trả tiền công chăm sóc của bà cho ông S theo yêu cầu của ông Lục Khương S, vì trong thời gian chăm sóc ông S bà không đi làm được nên không có thu nhập là 30 ngày x 150.000đ/ ngày =4.500.000đ, ngoài ra bà D không đề nghị gì thêm. Quá trình chăm sóc  ông S tại Bệnh viện đa khoa huyện Q, bà H có mua cho ông S 01 chậu rửa mặt và 01 khăn mặt, 01 cặp lồng đựng thức ăn, mua 01 cái quần đùi, 02 bát phở và khi ông S chuyển viện xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang bà H có nhờ người gửi cho ông S 2.000.000đ và gửi xe khách xuống cho ông S 1.000.000đ, hai lần bà H gửi tiền đều do bà D là người nhận số tiền, ngoài ra bà D không nhận gì thêm từ bà H.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 22/01/2018, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ông Lệnh Lục H trình bày: Tôi là anh kết nghĩa với ông S, trưa ngày 10/10/2016, bà H gọi điện thoại cho tôi bằng máy điện thoại của ông S báo ông S bị tai nạn đang trên đường lên Bệnh viện huyện Q, nhờ tôi đến Bệnh viện để chuẩn bị làm thủ tục cấp cứu cho ông S. Khi đến Bệnh viện, các bác sỹ chỉ định ông S phải mổ ngay thì tôi nói chuyện với bà H là các bác sỹ phải mổ cho ông S lúc giờ nghỉ trưa, nên mình bồi dưỡng cho họ, bà H bảo em còn mỗi 500.000đ nhờ tôi đưa để bồi dưỡng kíp mổ, tôi lấy thêm 300.000đ của tôi để làm phong bì bồi dưỡng cho kíp mổ tổng cộng là 800.000đ. Ngoài số tiền 500.000đ, bà H không đưa tôi thêm một khoản tiền nào khác. Số tiền 300.000đ tôi đã bỏ ra tôi không có yêu cầu nhận lại hay có đề nghị gì khác.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà Phan Thị H không hợp tác, khôngchấp hành thực hiện quyền và nghĩa  vụ của mình theo quy định tại Điều 70 và Điều 72 của Bộ luật tố tụng dân sự, không có mặt theo giấy triệu tập, các thông báo của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án. Không có ý kiến bằng văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo nên Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ lấy lời khai của đương sự H. Bà H không nhất trí bồi thường, đề nghị Tòa án không tiến hành hòa giải và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến: Về tố tụng, việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định pháp luật. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự theo quy định tại các Điều 70, 71 và 73 của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với bị đơn chưa thực sự hợp tác tốt với Tòa án, còn có sự né tránh chưa chấp hành thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 70, 72 của Bộ luật tố tụng dân sự khi tham gia tố tụng và vắng mặt tại phiên tòa ngày 08/3/2018 dẫn đến việc hoãn phiên tòa và hôm nay vắng mặt lần thứ hai không có lý do, gây khó khăn cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Về quan điểm giải quyết vụ án, căn cứ vào nội dung vụ án cũng như các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, xét thấy yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm của ông S là có cơ sở nên cần chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn; căn cứ các Điều 604, 605, 609 của Bộ luật dân sự năm 2005; Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; khoản 5 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Buộc bà H phải bồi thường cho ông S số tiền từ 20 triệu đến 30 triệu cho các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế của người chăm sóc và khoản tiền bù đắp về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu từ 05 đến 10 tháng lương cơ sở, tương đương 6.500.000đ đến 13.000.000đ, trừ đi các chi phí, bồi thường mà bà H đã thực hiện, số tiền còn lại cần buộc bà H bồi thường cho ông S. Về án phí, bà H phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Căn cứ đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo của nguyên đơn, Tòa án xác định đây là vụ án: Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Q theo quy định tại khoản 6 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2]. Về sự vắng mặt của đương sự trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án: Bị đơn bà Phan Thị H đã từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình không tham gia tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án nên Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Bà H đã được Tòa án triệu tập hợp lệ mà vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai không có lý do. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn bà Phan Thị H.

[3]. Về yêu cầu bồi thường của nguyên đơn ông Lục Khương S:

Việc bà Phan Thị H cầm một thanh gỗ dát giường để gạt mùn cưa tại máy cưa ông S đang điều khiển, không may máy cưa đã cuốn thanh gỗ vào máy rồi bắn ra cắm vào bụng ông S, gây thiệt hại về sức khỏe cho ông S là thực tế, đúng với lời khai của ông S và bà H đã khai có trong hồ sơ vụ án (từ bút lục số 04 đến bút lục số 07, bút lục số 56, bút lục số 62 đến bút lục số 64). Việc bà H gây tổn thất về sức khỏe cho ông S là lỗi hoàn toàn của bà H, vì khi máy cưa đang hoạt động mà bà H đưa thanh gỗ vào gạt mùn cưa thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, bà H phải nhận biết được điều này, nhưng bà H lại không nghĩ sẽ xảy ra tai nạn, đây là lỗi vô ý vì quá tự tin. Từ lỗi vô ý của bà H làm cho một đoạn gỗ từ tay bà H bị cuốn vào Máy và bắn ra cắm vào bụng ông S, gây ra viết thương thấu bụng, thủng dạ dày, gãy đầu ngoài xương sườn số 10 mạn sườn trái, phải mổ khâu lỗ thủng dạ dày thắt nhánh động mạch mạc nối lớn (theo bệnh án sao của Bệnh viện đa khoa huyện Q, bút lục số 23, 24). Sau khi mổ khâu lỗ thủng dạ dày, ông S bị nôn ra máu, được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang để điều trị do chảy máu sau mổ thủng dạ dày, đứt mạch máu treo (theo Bệnh án khoa ngoại của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang từ bút lục số 25 đến 41).

Tại Biên bản giám định bệnh tật số: 53/GĐYK-YC ngày 28/9/2017 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Hà Giang, kết luận: Ông Lục Khương S, được xác định: Chấn thương cũ: Vết thương thủng dạ dày, đứt mạch máu mạc treo, gẫy xương sườn số X hiện tại đã ổn định.

Tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 32% (ba hai phần trăm), (bút lục số 47).

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ông Lục Khương S yêu cầu bà Phan Thị H bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm do lỗi của bà H đã gây ra cho ông với số tiền là 46.386.000đ (Bốn mươi sáu triệu ba trăm tám mươi sáu nghìn đồng), trừ đi số tiền bà H đã bồi thường và các chi phí hợp lý. Hội đồng xét xử, xét thấy tổng số tiền yêu cầu bồi thường của ông S đối với bà H gồm các khoản cụ thể sau:

- Tiền thuê xe từ Bệnh viện Hà Giang về đến nhà ông S khi ra viện là 550.000đ. Ông S không cung cấp được hóa đơn hay hợp đồng thuê xe, nhưng việc thuê xe khi ra viện là cần thiết đối với người vừa bị phẫu thuật như ông S, vết mổ còn rất đau, không thể đi lại như người bình thường được. Số tiền thuê xe của ông S yêu cầu là phù hợp với thực tế giá của thị trường, nên cần chấp nhận.

- Tiền mua 03 túi Mg tan để truyền là 1.710.000đ (theo bút lục số 42), chi phí này không có chỉ định của bác sĩ, nhưng do lúc này ông S sức khỏe còn yếu, lại không ăn được nên truyền Mg tan để nạp năng lượng nuôi dưỡng cơ thể cho ông S là cần thiết, nên cần chấp nhận.

- Ông S yêu cầu bà H bồi thường tổn thất về tinh thần cho ông là 20.000.000đ. Hội đồng xét xử xét thấy, tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm mà bà Phan Thị H gây ra cho ông Lục Khương S là lỗi vô ý, làm ông S bị suy giảm khả năng lao động là 32% đã được điều trị khỏi, nên ông S yêu cầu bà H bồi thường số tiền 20.000.000đ là chưa phù hợp. Căn cứ mức độ tổn thất về tinh thần ông S phải gánh chịu thì cần bác một phần yêu cầu này của ông S, chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần cho ông S là 12 tháng lương tối thiểu của hiện tại (12 x1.300.000đ = 15.600.000đ) là phù hợp với tổn thất mà ông S phải gánh chịu và phù hợp với khoản 2 Điều 609 của Bộ luật dân sự năm 2005.

- Tiền mất thu nhập là ba tháng là: 90 ngày x 200.000đ = 18.000.000đ, ông S bị tổn thương cơ thể và phải phẫu thuật, sau 10 ngày điều trị thì được ra viện, trong thời gian hai tháng, hai mươi ngày sau thì chưa thể làm việc như người bình thường được, vì nghề chính của ông là làm ruộng, ngoài ra có nghề phụ là làm mộc, lúc này thì ông S chưa thể cầm cái cày, cái cuốc để làm ruộng, hoặc bào xẻ gỗ được, thì không có thu nhập ba tháng là phù hợp. Về tiền công, bà H khai trả công cho ông S 230.000đ một ngày công, ông S yêu cầu bồi thường mất thu nhập với mức 200.000đ là phù hợp với tiền công lao động phổ thông của lao động Nam ở địa phương tại thời điểm đó, nên cần chấp nhận số tiền mất thu nhập ông S trong thời gian ba tháng là 18.000.000đ.

- Tiền chi phí giám định bệnh, tật là 1.626.000đ, đây là chi phí thực tế có biên lai (bút lục số 43 đến 45), nên cần chấp nhận.

- Tiền công của một người chăm sóc một tháng là 30 ngày x 150.000đ/ngày = 4.500.000đ. Thời gian ông S đi viện 10 ngày, bà Cáo Thị D là vợ ông S đi theo để chăm sóc, sau khi ra viện thì vết thương ổn định nhưng chưa thể đi lại bình thường và tự làm những công việc vệ sinh cá nhân được, vì vậy bà D vẫn phải chăm sóc cho ông S, thời gian phải có người chăm sóc mà nguyên đơn yêu cầu là phù hợp. Bà D vợ ông S, công việc chính là làm ruộng, thu nhập chủ yếu từ ruộng nương, vì vậy mức tiền công chăm sóc 150.000đ một ngày là phù hợp với lao động phổ thông của lao động Nữ tại địa phương, nên cần chấp nhận yêu cầu này của ông S đối với mức tiền công cũng như thời gian chăm sóc là một tháng.

Như vậy, yêu cầu bồi thường của ông S đối với bà H được chấp nhận là 41.986.000đ.

[4] Ý kiến của bị đơn bà Phan Thị H trong quá trình giải quyết vụ án:

Khi ông S bị tai nạn và điều trị tại Bệnh Viện đa khoa huyện Q bà H đã chi phí cho ông S là 2.500.000đ, sau đó chuyển viện xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang bà có nhờ người gửi cho ông S 2.000.000đ và gửi xe khách xuống cho ông S 1.000.000đ. Tổng số tiền bà H đã chi phí và bồi thường là 5.500.000đ nên bà H không nhất trí bồi thường thêm cho ông S bất kỳ một khoản tiền nào nữa.

Hội đồng xét xử thấy rằng: Số tiền bà H khai chi phí cho ông S tại Bệnh viện đa khoa huyện Q là 2.500.000đ, bà H không cung cấp được các chứng cứ để chứng minh, căn cứ lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Cáo Thị D xác nhận, khi ông S chồng bà điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Q thì bà H có chi phí mua 01 chậu rửa mặt và 01 khăn mặt, 01 cặp lồng đựng thức ăn, 01 cái quần đùi, 02 bát phở, ngoài ra bà H không chi phí gì khác. Hội đồng xét xử xét thấy, theo giá cả thị trường thì 01 chậu rửa và 01 khăn mặt có giá là 50.000đ, 01 cặp lồng đựng thức ăn có giá là 50.000đ, 01 cái quần đùi có giá là 50.000đ, 02 bát phở có giá là 60.000đ. Tổng các khoản bà H chi là 210.000đ 

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Lệnh Lục H xác nhận khi ông S chuẩn bị mổ tại Bệnh viện đa khoa huyện Q, bà H có đưa cho ông 500.000đ và ông bỏ ra 300,000đ để bồi dưỡng kíp mổ, ngoài ra bà H không đưa cho ông hay chi phí gì khác. Hội đồng xét xử thấy rằng, số tiền 500.000đ bà H tự nguyện bỏ ra đưa ông H để bồi dưỡng cho kíp mổ nên bà H phải chịu số tiền này.

Do bà H không cung cấp được các chứng cứ chứng minh cho các khoản bà H đã chi phí cho ông S tại Bệnh Viện đa khoa huyện Q là 2.500.000đ, nên Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận bà H đã chi phí cho ông S là 210.000đ.

Số tiền bà H khai gửi xuống cho ông S khi ông S điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, tổng hai lần là 3.000.000đ, đúng với lời khai của người nhận tiền bà Cáo Thị D và lời khai của nguyên đơn ông S, nên cần chấp nhận.

Như vậy, số tiền bà H đã chi phí và bồi thường cho ông S được chấp nhận là 3.210.000đ, số tiền này chưa tương xứng với tổn thất mà ông S phải gánh chịu, chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử căn cứ Điều 604, Điều 605 và Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2005 và Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cần buộc bà Phan Thị H còn phải bồi thường các chi phí hợp lý và thiệt hại phù hợp với quy định của pháp luật cho ông Lục Khương S.

[5] . Về ý kiến của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

Bà Cáo Thị D đề nghị Tòa án buộc bà H phải trả tiền công bà chăm sóc ông S theo yêu cầu của nguyên đơn ông Lục Khương S, ngoài ra bà D không có yêu cầu gì; ông Lệnh Lục H không có yêu cầu gì đối với số tiền 300.000đ ông đã bỏ ra để bồi dưỡng kíp mổ, nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Như vậy, tổng các khoản yêu cầu bồi thường của ông S được Hội đồng xét xử chấp nhận là 41.986.000đ. Số tiền bà H đã chi phí, bồi thường được chấp nhận là 3.210.000đ, được khấu trừ vào số tiền phải bồi thường. Số tiền còn lại bà H phải bồi thường là 38.776.000đ (ba mươi tám triệu bảy trăm bảy mươi sáu nghìn đồng).

[6] Xét ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghỉ nghị án và đề nghị giải quyết vụ án là có căn cứ nên chấp nhận sau khi trừ đi các chi phí, bồi thường bị đơn đã thực hiện.

[7] Về án phí: Nguyên đơn ông Lục Khương S được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm. Bị đơn bà Phan Thị H phải chịu 5% giá trị của số tiền phải bồi thường là: (38.776.000đ x 5%) = 1.938.800đ theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 6; điểm d khoản 1 Điều 12; khoản 1, 4 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[8] Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định tại Điều 271; khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 5 Điều 147; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 3 Điều 228; Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ vào Điều 604, Điều 605 và Điều 609 của Bộ luật dân sự năm 2005; Căn cứ vào Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Căn cứ vào Điều 6; điểm d khoản 1 Điều 12; khoản 1, 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lục Khương S. Buộc bà Phan Thị H phải bồi thường cho ông Lục Khương S số tiền 38.776.000đ (ba mươi tám triệu bảy trăm bảy mươi sáu nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi xuất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Lục Khương S được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Phan Thị H phải chịu 1.938.800đ (một triệu chín trăm ba mươi tám nghìn tám trăm đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

3. Quyền kháng cáo: Nguyên đơn, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

303
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2018/DS-ST ngày 28/03/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:02/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quản Bạ - Hà Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về