Bản án 02/2019/DS-ST ngày 12/07/2019 về tranh chấp đòi lại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN SƠN HÀ, TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 02/2019/DS-ST NGÀY 12/07/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Ngày 12 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Sơn Hà xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2019/TLST-DS ngày 02 tháng 01 năm 2019 về “Tranh chấp đòi lại tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2019/QĐXX-ST ngày 26 tháng 6 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Võ Thị B, sinh năm 1961.

Địa chỉ: Thôn GĐ, xã SG, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

2. Bị đơn: Anh Trần Quốc B (tên gọi khác: X), sinh năm 1986.

Địa chỉ: Thôn GĐ, xã SG, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 26/12/2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên toà sơ thẩm nguyên đơn bà Võ Thị B trình bày:

Từ khoảng đầu năm 2013 đến đầu năm 2018, anh B là người có xe tải nhỏ thường hay nhận tiền của một số tư thương tại chợ xã để xuống thành phố Quảng Ngãi nhận hàng, giao tiền cho người bán hàng và vận chuyển hàng về lại cho tư thương. Theo đó vào năm 2017, bà và một số tư thương buôn bán hàng thường xuyên gửi tiền cho anh B xuống thành phố Quảng Ngãi nhận hàng và chở về, trong quá trình từ năm 2013 đến gần giữa năm 2017, anh B vẫn vận chuyển hàng hóa và sau khi chở hàng về và giao hàng thì các bên tính toán sòng phẳng, ai nợ ai thì trả tiền lại ngay.

Tuy nhiên vào các tháng 7, 8/2017 anh B có chở cho bà 05 chuyến hàng, sau khi về hai bên tính toán chi phí mua hàng và tiền cước chở hàng xong thì anh B còn nợ lại tiền thừa của bà tổng cộng là 3.000.000đồng. Cụ thể như sau:

Lần 01: Bà gửi 14.000.000đồng, anh B đưa tiền hàng theo toa hết 11.443.000đồng và tiền cước xe anh B lấy 140.000đồng, sau khi tính toán thì tiền thừa của bà còn lại là 2.417.000đồng.

Lần 02: Bà gửi 6.900.000đồng, anh B đưa tiền hàng theo toa hết 4.820.000đồng, cước xe vận chuyển 80.000đồng, sau khi tính toán tiền thừa của bà còn lại là 2.000.000đồng.

Lần 03: Bà gửi 4.200.000đồng, anh B đưa tiền hàng theo toa hết 5.060.000đồng, cước xe vận chuyển 70.000đồng, sau khi tính toán thì bà còn nợ tiền của anh B là 930.000đồng.

Lần 04: Bà gửi 5.000.000đồng, anh B đưa tiền hàng theo toa hết 5.272.000đồng, cước xe vận chuyển 80.000đồng, sau khi tính toán thì bà còn nợ tiền của anh B là 352.000đồng.

Lần 05: Bà gửi 3.000.000đồng, anh B đưa tiền hàng theo toa hết 3.101.000đồng, cước xe vận chuyển 65.000đồng, sau khi tính toán thì bà còn nợ tiền của anh B là 166.000đồng.

Như vậy, qua 05 lần số tiền bà gửi cho anh B là 33.100.000đồng, (đưa thêm 31.000đồng) tổng cộng 33.131.000đồng anh B giao tiền hàng cho các chủ hàng theo yêu cầu của bà tổng cộng là 29.696.000đồng và tiền công vận chuyển 435.000đồng, còn lại tiền thừa là 3.000.000đồng.

Bà đã yêu cầu anh B đến nhà bà chốt tính nhiều lần nhưng anh B không đến, sau đó bà đến nhà anh B yêu cầu tính toán tiền thì anh B xúc phạm bà. Do vậy, bà làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh B phải có nghĩa vụ thanh toán lại số tiền còn thừa là 3.000.000đồng không yêu cầu tính lãi được thể hiện tại mặt sau hóa đơn thanh toán Thanh Nhạn ngày 01/8/2017.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 08/5/2019 bà B thừa nhận bà khởi kiện buộc anh B trả số tiền 3.000.000đồng là tiền thừa qua các lần chở hàng là không đúng mà là số tiền 3.000.000đồng do bà đã gửi anh B để trả tiền hàng giúp bà cho một số tiểu thương tại thành phố Quảng Ngãi khi anh B nhận hàng. Tuy nhiên khi chốt tính thì anh B không lấy số tiền mà bà đã gửi để tính toán mà lại khấu trừ vào số tiền thừa qua những lần chở hàng trước đó để tính. Bà không có tài liệu chứng cứ gì để chứng minh việc có gửi số tiền 3.000.000đồng cho anh B vì theo thông lệ và tin tưởng nhau từ trước nên vào sáng ngày nào anh B đi xuống thành phố Quảng Ngãi thì anh B đi xe ngang qua nhà bà, nếu cần lấy những mặt hàng gì là bà chuẩn bị tiền trước để đưa tiền cho anh B mang đi xuống thành phố Quảng Ngãi nhận hàng và đưa tiền giúp bà chứ hai bên không viết giấy tờ gì. Thời gian đầu mỗi khi nhận tiền chở hàng đến khi giao hàng anh B giao luôn biên lai, hóa đơn cho bà, tuy nhiên trong khoản thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2017 khi giao hàng thì anh B không giao hóa đơn cho bà mà anh B giữ hết, đến khi bà yêu cầu chốt tính thì anh B mới mang toàn bộ đến nhà bà để tính. Bà không nhớ là đã gửi số tiền 3.000.000đồng vào ngày tháng nào nhưng bà khẳng định rằng số tiền này bà gửi trước lúc bà và anh B chốt tính tại mặt sau hóa đơn thanh toán Thanh Nhạn ngày 01/8/2017. Còn thời điểm chốt nợ thì bà không nhớ rõ ngày tháng nhưng sau lần cuối cùng chở hàng là ngày 01/9/2017, khoảng hơn một tháng sau tức là khoảng tháng 10 hoặc tháng 11/2017 anh B mang theo toàn bộ hóa đơn của những lần bà mua hàng trước đó đến nhà bà tự liệt kê những lần gửi tiền và tự trừ trên hóa đơn từng đợt chở hàng.

Khi hai bên tính toán bà có nhắc anh B là “còn 3.000.000đồng của cô đâu” thì anh B nói “mua hàng cho cô rồi”; bà hỏi tiếp “Thế phiếu tính tiền đâu”; anh B đáp “để tính sau”, rồi sau đó mấy ngày bà có gọi điện thoại bảo anh B đến nhà để tính tiền thì anh B cứ nói là bận việc và sau đó là khoản thời gian cận Tết và sau Tết lo buôn bán và ngại đầu năm mới nên bà không hỏi. Đến ngày 14/4/2018 bà đến nhà anh B để hỏi số tiền 3.000.000đồng thì anh B không trả mà còn có những lời lẽ xúc phạm bà. Đêm khuya hôm đó, anh B đã sử dụng bia rượu rồi đến nhà bà đập phá và có những lời lẽ xúc phạm gia đình bà, bà đã yêu cầu UBND xã giải quyết hành vi của anh B. Tài liệu chứng cứ chứng minh thì bà chỉ dựa vào tài liệu duy nhất là tại mặt sau của Hóa đơn thanh toán Thanh Nhạn ngày 01/8/2017 nhưng bà không nhớ anh B ghi và chốt vào ngày nào vì tại hóa đơn này là lúc bà và anh B chốt tính các lần đã gửi tiền và nhận hàng, chính tay anh B đã liệt kê lại các lần bà gửi tiền, trong đó tại dòng “Gởi 3 triệu” anh B không chéo dấu “*” và cũng tại tài liệu này chính bà là người ghi chữ “xg” (tức: xong) tại lần lượt (đầu dòng) các lần gửi tiền do anh B đã ghi trước đó nhưng tại dòng “Gởi 3 triệu” bà chưa ghi chữ “xg”. Do đó, bà khẳng định rằng đây là tài liệu duy nhất thể hiện việc bà có gửi số tiền 3.000.000đồng cho anh B nhưng hai bên chưa tính toán chốt nợ xong.

Vì thân quen nên bà không buộc anh B phải viết thêm giấy tờ gì đối với số tiền 3.000.000đồng này. Nay bà yêu cầu anh B trả cho bà số tiền 3.000.000đồng, không yêu cầu tính lãi.

Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên toà sơ thẩm bị đơn anh Trần Quốc B trình bày:

Anh thừa nhận việc anh là người có xe tải nhở chuyên nhận tiền của một số tư thương buôn bán tại chợ xã và một số nơi khác xuống thành phố Quảng Ngãi nhận hàng do các tư thương đã tự liên hệ đến các chủ cửa hàng ở thành phố Quảng Ngãi từ trước để mua hàng, nhiệm vụ của anh là dừng đậu xe ở một vị trí cố định, các chủ của hàng tự mang hàng hóa mà tư thương đã đặt mua đến vị trí anh dừng xe để giao hàng và biên lai hoặc hóa đơn cho anh, sau khi nhận hàng xong và giao số tiền cho chủ cửa hàng theo yêu cầu của tư thương anh vận chuyển hàng hóa về đúng nhà hoặc cửa hàng và giao ngay trong ngày hoặc chậm nhất là đến sáng ngày hôm sau cho các tư thương và tiến hành chốt, tính tiền cước phí vận chuyển, tiền mua hàng, thừa thiếu như thế nào là các bên trả cho nhau sòng phẳng. Tuy nhiên, đối với bà B thì có những lúc anh xuống tính tiền thì bà B có việc đi đâu anh không rõ, vì cũng gần nhà nên việc tính chốt với bà B có lúc cũng chậm hơn so với những người khác. Nay bà B khởi kiện yêu cầu anh trả số tiền còn thừa lại là 3.000.000đồng, anh không đồng ý, bởi lẽ:

- Lần thứ nhất, bà B gửi cho anh số tiền 14.000.000đồng, anh đưa tiền hàng theo toa hết tổng cộng 11.443.000đồng và tiền cước xe anh lấy 140.000đồng, tổng cộng sau khi tính toán thì tiền thừa của bà B còn lại lần này là 2.417.000đồng.

- Lần thứ hai, bà B gửi cho anh số tiền 6.900.000đồng, anh đưa tiền hàng theo toa tổng cộng 4.820.000đồng, cước xe vận chuyển 80.000đồng, sau khi tính toán tiền thừa của bà B còn lại là 2.000.000đồng.

- Lần thứ ba, bà B gửi 4.200.000đồng, anh đưa tiền hàng theo toa tổng cộng 5.060.000đồng, cước xe vận chuyển 70.000đồng, sau khi tính toán thì bà B nợ lại tiền của anh là 930.000đồng.

- Lần thứ tư, bà B gửi số tiền 5.000.000đồng, anh đã đưa tiền hàng theo toa tổng cộng 5.272.000đồng, cước xe vận chuyển 80.000đồng, sau khi tính toán thì bà B còn nợ lại tiền của anh là 352.000đồng.

Anh và bà B đã chốt tính số tiền bà B còn nợ của anh 02 lần (lần thứ 3 và lần thứ 4) tổng cộng hai lần là 1.282.000đồng được thể hiện tính toán tại mặt sau của Hóa đơn bán lẻ ngày 24/8/2017 và sau đó anh và bà B đã tính và trừ vào số tiền thừa của lần chở hàng thứ hai (tức lần gửi số tiền 6.900.000đồng) được thể hiện tại mặt trước của Hóa đơn bán lẻ của cửa hàng xe đạp Hữu Hạnh ngày 17/8/2017. Sau khi tính toán cấn trừ xong, anh còn nợ lại bà B số tiền 718.000đồng.

Theo đó, sau khi tính toán tổng cộng qua 04 lần nhận tiền và chở hàng thì anh còn giữ tiền thừa của bà B là 3.135.000 đồng được thể hiện việc tính toán giữa hai bên tại mặt sau của Hóa đơn bán hàng Đồ chơi trẻ em Trung Hoa ngày 28/7.

Lần thứ năm: Do bà B biết tiền gửi những lần trước của bà B vẫn còn thừa nên lần này bà B không gửi tiền cho anh mà yêu cầu anh giao tiền hàng cho một số cửa hàng gồm: Hữu Nở, Linh Chi, Ngọc Hải và Thanh Nhạn tổng cộng số tiền anh phải trả tiêng hàng là 3.101.000đồng và tiền cước xe là 65.000đồng. Tổng cộng là 3.166.000đồng. Sau khi giao hàng và chốt tính tại mặt sau của phiếu xuất hàng NPP thiết bị điện Hữu Nở ngày 13/8/2017 thì anh đã trừ vào số tiền thừa của bà B mà anh đang giữ là 3.135.000đồng. Như vậy, tại phiếu tính toán này bà B còn phải trả thêm cho anh số tiền 31.000đồng, bà B đã trả cho anh xong.

Nay, bà B khởi kiện buộc anh phải có nghĩa vụ thanh toán lại số tiền còn thừa là 3.000.000đồng, anh không đồng ý vì giữa anh và bà B đã chốt tính xong các khoản tiền thừa được thể hiện tại mặt sau của phiếu xuất hàng NPP thiết bị điện Hữu Nở ngày 13/8/2017 đã nêu trên.

Bà B khởi kiện anh và cho rằng anh còn giữ tiền thừa qua các lần chở hàng là 3.000.000đồng, tuy nhiên tại phiên hòa giải lần thứ nhất bà B lại cho rằng anh đã nhận tiền của bà B số tiền 3.000.000đồng nhưng chưa mua hàng và tính toán sòng phẳng thể hiện tại Hóa đơn thanh toán Thanh Nhạn ngày 01/8/2017, anh không đồng ý. Bởi lẽ, nội dung thể hiện tại tài liệu này là anh chỉ viết các từ “gởi 5 triệu…..gởi 69.000 và một số dấu *”, còn các chữ “Xg” là do bà Bé tự ghi vô thêm chứ không phải chữ anh ghi. Tại tài liệu này anh ghi nhưng không tréo dấu “*” vào vị trí hàng “gởi 3 triệu” là do anh nhớ ra số tiền này là tiền còn thừa lại của bà B chứ không phải anh nhận của bà B để chở hàng, nếu anh nhận số tiền 3.000.000đồng của bà B thì hóa đơn để nhận hàng với số tiền này là không có.

Tại bản tự khai ngày 14/6/2019 anh B khai bổ sung thêm là do sự việc chở hàng, nhận tiền giữa anh và bà B diễn ra quá lâu rồi nên thời gian qua Tòa án thụ lý giải quyết vụ án anh đã không nhớ và bỏ sót một tình tiết đó là: Cũng vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2017 anh có nhận số tiền 3.000.000đồng của bà B để nhận hàng, chở hàng như thường lệ nhưng tại ngày chở hàng này anh có nhận và chở hàng cho bà B tổng cộng 02 toa hàng, mặt hàng gì thì anh không còn nhớ nhưng chỉ nhớ tổng số tiền hai toa hàng là 2.960.000đồng, khi chiều về giao hàng cho bà B thì anh không giữ biên lai, hóa đơn như các lần trước mà anh giao hàng xong là đưa luôn cho bà B, vì nghĩ rằng 02 toa hàng này không như các toa hàng trước là thừa thiếu lộn xộn mà tiền thừa của bà B tại 02 toa hàng này còn lại 40.000đồng, nên anh tự ước tính cước phí chở hàng tầm 40.000đồng đến 50.000đồng gì đó là vừa khớp nên anh giao luôn biên lai cho bà B rồi cho xe chạy để đi giao hàng cho người khác, lúc anh giao hàng và biên lai hóa đơn thì chỉ có anh và bà B không có ai chứng kiến. Do vậy, vào ngày anh và bà B chốt tính các toa hàng qua 05 lần chở hàng thì anh có hỏi bà B “còn 02 toa hàng hôm trước cháu đưa cho cô đâu, đem ra cháu tính luôn” thì bà B trả lời “để cô tìm lại đã rồi tính sau” nên tại mặt sau của hóa đơn thanh toán Thanh Nhạn ngày 01/8/2017 chính anh liệt kê ra các lần bà B gửi tiền trong đó có 3.000.000đồng nhưng tại dòng 3.000.000đồng này anh không đánh dấu “*” và bà B cũng không ghi chữ “xg” (tức xong).

Từ những sự việc trên nên khi nghe bà B gọi điện thoại, rồi lên nhà anh hỏi tiền 3.000.000đồng anh rất bức xúc không nghĩ mình còn nợ bà B 3.000.000đồng mà bà để nợ cho mình một khoảng thời gian lâu như vậy, có nhầm lẫn gì trong lúc chốt tính hay không thì cũng chỉ vài ba trăm nghìn chứ làm gì tới 3.000.000đồng. Khi bà B đến nhà anh hỏi nợ anh vào tháng 4/2018 và có những lời lẽ xúc phạm nên anh cũng bực tức và có những lời lẽ xúc phạm lại bà B.

Tại phiên toà, nguyên đơn bà Võ Thị B vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện buộc anh Trần Quốc B phải có nghĩa vụ trả cho bà số tiền 3.000.000đồng mà anh B đã nhận của bà.

Bị đơn anh Trần Quốc B vẫn giữ nguyên quan điểm và cho rằng mình không còn nợ tiền của bà B là 3.000.000đồng nên không đồng ý trả.

Ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Hà tại phiên tòa sơ thẩm:

- Việc tuân theo pháp luật: Trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đều đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án đã xác định quan hệ tranh chấp phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc chấp hành pháp luật của nguyên đơn, bị đơn đúng theo quy định của pháp luật.

- Về nội dung:

Xuất phát từ lòng tin lẫn nhau nên khi giao nhận tiền không có viết giấy, bà B không có chứng cứ chứng minh việc có giao số tiền 33.131.000đồng cho anh B và bà cũng không nhớ ngày tháng giao tiền.

Ban đầu, tại các bản tự khai biên bản đối chất và biên bản hòa giải anh B không thừa nhận việc mình có nhận 3.000.000đồng của bà B gửi để giao cho những người bán hàng. Tuy nhiên, tại bản tự khai ngày 14/6/2019 (BL: 43) và tại phiên tòa hôm anh B thừa nhận từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2017 anh có nhận số tiền 3.000.000đồng của bà B để trả tiền hàng rồi nhận và cho bà B 02 toa hàng trị giá 2.960.000đồng và 40.000đồng tiền cước xe. Khi giao hàng không giữ lại hóa đơn mà giao luôn cho bà B. Tại mặt sau của hóa đơn Thanh Nhạn anh B đã thừa nhận có nhận 5 lần tiền của bà B tổng cộng là 33.100.000đồng, trong đó có số tiền 3.000.000đồng. Việc anh B thừa nhận có nhận số tiền 3.000.000đồng và đã đưa tiền hàng thì phải có nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự.

Mặt khác, bà B không thừa nhận việc mình có nhận 02 toa hàng và hóa đơn từ lần đưa số tiền 3.000.000đồng cho anh B. Do đó bà B khởi kiện đòi lại số tiền 3.000.000đồng đã giao cho anh B là phù hợp và có căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015.

Đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 các điều 91, 92 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 163, 164, 166 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị B. Buộc anh Trần Quốc B phải trả cho bà Võ Thị B số tiền 3.000.000đồng (Ba triệu đồng).

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Anh Trần Quốc B phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện; ý kiến của Kiểm sát viên và ý kiến của những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Thẩm quyền thụ lý, giải quyết và xác định quan hệ tranh chấp:

- Theo đơn khởi kiện ngày 26/12/2018, các lời khai trong quá trình giải quyết và các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn bà Võ Thị B cung cấp có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử nhận định quan hệ tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án giải quyết được quy định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó, Tòa án nhân dân huyện Sơn Hà thụ lý giải quyết vụ án là đúng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Qua các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy các đương sự tranh chấp với nhau về việc giao, nhận tiền và đòi lại tiền đã gửi nên xác định đây là quan hệ “tranh chấp đòi lại tài sản” theo quy định của pháp luật tại Điều 166 của Bộ luật dân sự 2015.

[2] Về nội dung vụ án:

Bà Võ Thị B và anh Trần Quốc B là hàng xóm ở gần nhau; bà B là người buôn bán tạp hóa, anh B là người có xe tải nhỏ chuyên nhận tiền của một số tư thương buôn bán tại chợ xã và một số nơi khác xuống thành phố Quảng Ngãi.

Vào các tháng 7, 8/2017 anh B có chở cho bà B 05 chuyến hàng, qua 05 lần số tiền bà gửi cho anh B là 33.100.000đồng, (sau này đưa thêm 31.000đồng) tổng cộng 33.131.000đồng, anh B giao tiền hàng cho các chủ hàng theo yêu cầu của bà B tổng cộng là 29.696.000đồng và tiền cước vận chuyển 435.000đồng, còn lại tiền thừa là 3.000.000đồng.

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả lại số tiền 3.000.000 đồng đã nhận và không yêu cầu tính lãi.

Bị đơn, anh B thừa nhận (tại BL 43); ngoài số tiền và hàng đã tính xong, trong quá trình nhận vận chuyển hàng cho bà B, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2017 anh có nhận số tiền 3.000.000đồng của bà B để trả tiền hàng rồi nhận và chở hàng như thường lệ tổng cộng 02 toa hàng, tổng số tiền là 2.960.000đồng, khi giao hàng cho bà B thì anh không giữ biên lai, hóa đơn như các lần trước mà anh giao luôn cho bà B, lúc giao hàng và biên lai hóa đơn thì chỉ có anh B và bà B không có ai chứng kiến. Khi anh B và bà B chốt tính các toa hàng qua 05 lần chở hàng thì anh có hỏi bà B “còn 02 toa hàng hôm trước cháu đưa cho cô đâu, đem ra cháu tính luôn” thì bà B trả lời “để cô tìm lại đã rồi tính sau” nên tại mặt sau của Hóa đơn thanh toán Thanh Nhạn ngày 01/8/2017 (BL 03) chính anh B liệt kê ra các lần bà B gửi tiền trong đó có 3.000.000đồng nhưng tại dòng 3.000.000đồng này anh B không đánh dấu “*” và bà B cũng không ghi chữ “xg” (tức xong).

Anh B không đồng ý trả lại số tiền 3.000.000đồng cho bà B, nhưng thừa nhận có nhận tiền 3.000.000đồng của bà B đưa để giao tiền cho người bán, nhận và vận chuyển hàng cho bà B xong. Tuy nhiên, anh không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh cho việc đã giao hàng và hóa đơn cho bà B. Việc anh B thừa nhận có nhận tiền 3.000.000đồng của bà B, bà B không phải chứng minh nên có cơ sở để chấp nhận buộc anh B phải trả lại số tiền này cho bà B được quy định tại Điều 166 của Bộ luật dân sự; khoản 4 Điều 91 và khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; quan điểm này phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn, anh Trần Quốc B phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) sung quỹ Nhà nước.

[4] Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

- Áp dụng khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 4 Điều 91; khoản 2 Điều 92 ; khoản 1 Điều 147, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Áp dụng khoản 1 Điều 166 của Bộ luật dân sự;

- Áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Tuyên xử:

- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị B. Buộc anh Trần Quốc B phải trả cho bà Võ Thị B số tiền 3.000.000đồng (Ba triệu đồng).

- Về án phí dân sự sơ thẩm:

Anh Trần Quốc B phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) sung quỹ Nhà nước.

Hoàn trả cho bà Võ Thị B số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số AA/2016/0000129 ngày 28/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sơn Hà.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

275
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 02/2019/DS-ST ngày 12/07/2019 về tranh chấp đòi lại tài sản

Số hiệu:02/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Sơn Hà - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về