Bản án 04/2017/HC-PT ngày 22/08/2017 về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu bồi thường thiệt hại

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 04/2017/HC-PT NGÀY 22/08/2017 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH; QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Ngày 22 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 01/2017/TLPT-HC ngày 12/7/2017 về việc: “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Do bản án hành chính sơ thẩm số 01/2017/HCST ngày 06 /6/2017 của TAND huyện N bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2017/QĐPT ngày 27/7/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa giữa các đương sự:

1.Người khởi kiện: Ông Phạm Minh P, sinh năm 1960; Địa chỉ: Xóm 5, xã N, huyện N, tỉnh Thanh Hóa (có mặt).

2.Người bị kiện: Chủ tịch ủy ban nhân dân xã N, huyện N, tỉnh Thanh Hóa.

Địa chỉ: Xã N, huyện N, tỉnh Thanh Hóa (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện: Luật sư Lê Quốc T và Luật sư Nguyễn Xuân D- Văn phòng luật sư Lê Quốc Hiền - Đoàn Luật sư Thanh Hóa (có mặt Luật sư Tín, vắng mặt luật sư D).

4.Người kháng cáo: Ông Phạm Minh P;

5.Người kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và quá trình giải quyết tại Tòa án, người khởi kiện ông Phạm Minh P trình bày:

Năm 2010, ông làm đơn xin thuê đất của Ủy ban nhân dân (UBND) xã N với diện tích 1.600m2, thời hạn 05 năm; ngày 17/10/2010, ông làm đơn xin thuê tiếp diện tích 4.000m2, thời hạn 05 năm. Quá trình đang thực hiện hợp đồng thì UBND huyện N có Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 25/02/2011 hủy bỏ hợp đồng đấu thầu đất giữa ông và UBND xã N, do vậy ông không sử dụng đất và cũng không nộp thuế cho UBND xã N nữa. Đến tháng 01/2016, ông có sử dụng đất vào mục đích tập kết vật liệu và ngày 09/8/2016 bị UBND xã N lập Biên bản yêu cầu tháo dỡ, nhưng ông chưa tháo dỡ vì ông chưa nhận được văn bản pháp lý nào, đồng thời hàng rào sắt của ông không phải là hàng rào kiên cố, ông chỉ lập tạm để bảo vệ tài sản. Cùng thời điểm trên ông có đưa 150 cây sấu với đường kính 20 -25cm đến trồng trên đất, UBND xã có gặp ông yêu cầu ông không được trồng, nhưng ông đề nghị ông đã đưa cây ra rồi để cho ông trồng xuống không cây chết, sau này nếu ông sai ông sẽ tự rốc cây lên, nhưng vì UBND xã N ngăn cản nên ông mới chỉ trồng được một ít.

Ngày 23/8/2016, UBND xã N lập Biên bản vi phạm hành chính và ngày 31/8/2016 Chủ tịch UBND xã N ban hành Quyết định số 11/QĐXPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông. Ngày 09/9/2016, UBND xã N lập tiếp Biên bản vi phạm hành chính và ngày 12/9/2016, Chủ tịch UBND xã N ban hành tiếp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 12/QĐ-XPVPHC đối với ông. Sau đó, Chủ tịch UBND xã N ban hành Quyết định cưỡng chế số 71/QĐ-CC ngày25/10/2016 và đến ngày 05/3/2017 UBND xã N không ban hành một thông báo nào đã mà đã đưa phương tiện máy móc đến hủy hoại tài sản của ông và thu hồi mang đi.

Theo ông UBND xã N chưa xác định được lỗi của người sử dụng đất (ông được phép sử dụng tạm thời đất hành lang giao thông đường bộ vào mục đích nông nghiệp và trồng cây ăn quả) , đồng thời Quyết định cưỡng chế chưa đủ 15 ngày theo quy định của Nghị định 166/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Do vậy, ông yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) huyện N giải quyết: Hủy Quyết định số 11 ngày 31/8/2016; hủy Quyết định số 12 ngày 12/9/2016; Quyết định cưỡng chế thực hiện Quyết định XPVPHC số 71/QĐ-CC ngày 25/10/2016 của Chủ tịch UBND xã N, đồng thời yêu cầu Chủ tịch xã N phải bồi thường thiệt hại cho ông số tiền là 225.000.000đ vì đã ngăn cản không cho trồng cây dẫn đến 90 cây sấu bị chết; tại bản tự khai ngày 09/3/2017, ông phạm Minh P yêu cầu Chủ tịch UBND xã
N phải bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 753.797.000đ, cụ thể: thiệt hại về cây là 357.000.000đ, thiệt hại hàng rào sắt  là 396.797.000đ.

* Tại bản tự khai và quá trình giải quyết tại Tòa án, Chủ tịch UBND xã N trình bày:

UBND xã N cho ông Phạm Minh P nhận thầu đất theo 02 hợp đồng gồm: Hợp đồng số 03 ngày 27/3/2010, diện tích 1.600m2, thời hạn 05 năm, kết thúc ngày17/3/2015, vị trí: Phía Bắc áp ven đường cây xăng N đi huyện và Hợp đồng số 04 ngày 20/10/2010, diện tích 4.000m2, thời hạn 05 năm, kết thúc ngày 20/10/2015,vị trí: Ven sông Hưng Long áp phía Bắc đường cây xăng lên huyện. Năm 2015 cả 02 hợp đồng đều hết thời hạn, UBND xã N không gia hạn hợp đồng và đã thông báo yêu cầu ông P thanh lý hợp đồng và bàn giao đất cho xã nhưng ông chây ì không thực hiện, không giữ nguyên hiện trạng và liên tục có các hành vi vi phạm về quản lý đất đai như: tự ý trồng cây lưu niên trên đất, tự ý dựng hàng rào sắt bao quanh khu đất đã hết hạn hợp đồng.

Ngày 26/7/2016, UBND xã N đã lập Biên bản làm việc với ông P về việc dựng hàng rào sắt trái phép trên đất và kết luận: “ông P không được dựng hàng rào sắt, xây dựng các công trình trên đất chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Nếu ông P có nhu cầu thầu tiếp phải lập dự án trình các cấp có thẩm quyền cho phê duyệt” (ông P đã ký biên bản); ngày 09/8/2016, kiểm tra hiện trạng tại thửa đất nêu trên, ông P vẫn không thực hiện cam kết, cố tình dựng hàng rào sắt dài 135m và vật liệu vây xung quanh, tổng diện tích hiện trạng là 8.058,5m2, tăng so với hợp đồng 2.458m2; ngày 12/8/2016, UBND xã N lập biên bản yêu cầu ông P giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng và trồng cây trên đất, ông P có ý kiến: “gia đình tôi dựng hàng rào để bảo vệ tài sản, không phải xin phép” .

Ngày 17 và 18/8/2016, UBND xã mời ông P đến thanh lý 02 hợp đồng thuê đất nhưng ông P không đến, UBND xã đã ra Thông báo số 40/TB-UBND ngày 22/8/2016 về việc chấm dứt hợp đồng, đồng thời yêu cầu ông P tháo gỡ hàng rào sắt
di chuyển tài sản hoàn trả đất cho UBND xã quản lý, nhưng sáng ngày 23/8/2016, ông P vẫn cố ý đưa cây lưu niên vào trồng trái phép trên đất. Cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng nông nghiệp huyện N, UBND xã,
Chủ tịch mặt trận tổ quốc và các đoàn thể đã động viên yêu cầu ông P không được trồng cây trên đất hành lang an toàn giao thông đường bộ nhưng ông vẫn vi phạm.

Đây là việc làm trái quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật đất đai 2013; Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ, xâm phạm trật tự quản lý hành chính về đất đai, tạo dư luận xấu trong nhân dân. Do vậy việc Chủ tịch UBND xã N ban hành Quyết định số 11/QĐ-XPVPHC ngày 31/8/2016; Quyết định số 12/QĐ-XPVPHC ngày 12/9/2016 và Quyết định cưỡng chế số 71/QĐ-CC ngày 25/10/2016 để thực hiện Quyết định xử phạt hành chính là đúng thẩm quyền. Sau khi ban hành Quyết định cưỡng chế, UBND xã N đã ra Thông báo số 43/TB-UBND ngày 02/11/2016 về việc tạm hoãn thực hiện Quyết định cưỡng chế vì có một số công việc phải giải quyết.

Ngày 01/3/2017, UBND xã N nhận được Thông báo số 28/TB-UBND ngày 01/3/2017 của UBND huyện N về việc chỉ đạo tháo dỡ tường rào xây dựng trái phép của hộ ông Phạm Minh P, UBND xã N đã thông báo trên loa để ông P biết và thành lập Ban chỉ đạo tiến hành tháo dỡ tài sản.Trước khi tháo dỡ, đoàn đã lập biên bản kiểm đếm tài sản và mời ông P tham gia để nhận lại tài sản nhưng ông không nhận, do đó tài sản được đưa về UBND xã để trông coi, nếu ông P muốn nhận lại tài sản thì ông phải liên hệ với UBNND xã N. Việc ông P yêu cầu bồi thường thiệt hại hàng rào sắt và bồi thường về cây ông không đồng ý vì: Tại Biên bản làm việc ngày 26/7/2016, ông P đã đề nghị chỉ làm hàng rào tạm có thể di chuyển được, mục đích
bảo vệ an ninh, khi nào Nhà nước cần ông sẽ chấp hành tháo dỡ; tại Biên bản làm việc ông P đã đề nghị ông đã chở cây đến, để cây vậy thì cây sẽ chết, khi nào UBND xã lấy đất ông sẽ bứng cây trả lại đất cho xã, UBND xã chưa có bất kỳ tác động nào đến số cây ông P đã trồng.

Tại bản án hành chính sơ thẩm số 06/2017/HCST ngày 06/6/2017 của Tòa án nhân dân huyện N đã quyết định:

Căn cứ: Điều 7; khoản 1 Điều 31; khoản 1 Điều 348 Luật Tố tụng Hành chính; khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 206 Luật Đất đai; khoản 3 Điều 706 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 57, Điều 68 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 3, khoản 1 Điều 10, điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định số102/2014/NĐ-CP; khoản 1, khoản 3 Điều 31; khoản 2, 3 Điều 34; khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.

1. Bác đơn khởi kiện của ông Phạm Minh P yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 11/QĐ-XPVPHC ngày 31/8/2016; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 12/QĐ-XPVPHC ngày 12/9/2016; Quyết định Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 71/QĐ-CC ngày 25/10/2016 của Chủ tịch ủy ban nhân dân xã N;

2. Bác yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Phạm Minh P đối với Chủ tịch UBND xã N.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên buộc người khởi kiện nộp án phí hành chính sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm và giành quyền kháng cáo.

Ngày 15/6/2017, ông Phạm Minh P có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với các lý do:

-Tòa án cấp sơ thẩm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, quyết định gia hạn không đúng quy định của Luật TTHC;

-Tòa án cấp sơ thẩm không cho ông biết nội dung Biên bản phiên tòa; không xem xét tài liệu, chứng cứ do ông cung cấp tại phiên tòa dẫn đến ra bản án không khách quan, thiếu căn cứ;

-Bản án sơ thẩm viện dẫn căn cứ pháp lý sai lệch, thiếu khách quan;

-Quyết định cưỡng chế số 71/QĐ-CC ngày 25/10/2016 của Chủ tịch UBND xã N chưa đủ thời hạn thi hành, việc cưỡng chế không thực hiện theo Quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND xã N mà thực hiện theo Thông báo số 28/TB-UBND ngày 01/3/2017 của UBND huyện N là không đúng;

-Việc cưỡng chế không đúng trình tự thủ tục và có hành vi chiếm đoạt tài sản của ông;
 
-Nội dung yêu cầu bồi tường thiệt hại tài sản của ông chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xác minh, xem xét.

Ngày 06/7/2017, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thanh Hóa có Quyết định kháng nghị số 04/QĐ-VKS-HC đối với bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại với các lý do:

- Tòa án cấp sơ thẩm xác định tư cách Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho người bị kiện không đảm bảo, cụ thể: Không có Chứng chỉ hành nghề của Luật sư Lê Quốc T; Luật sư Lê Qốc Hiền, Luật sư Nguyễn Xuân Dcó bản sao Chứng chỉ hành nghề nhưng không có chứng thực (điểm a khoản 4 Điều 61; khoản 1 Điều 82 Luật TTHC; khoản 2 Điều 27 Luật Luật sư);

- Tòa án cấp sơ thẩm xem xét yêu cầu bổ sung của ông Phạm Minh P  đòi bồi thường thiệt hại nhưng không đưa UBND xã N Tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Người khởi kiện giữ nguyên nội dung kháng cáo. Kiểm sát viên VKSND tỉnh Thanh Hóa tham gia phiên tòa giữ nguyên nội dung kháng nghị và phát biểu ý kiến:

-Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử,Thư ký Tòa án cấp phúc thẩm đã tuân thủ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục từ khi thụ lý đến tại phiên tòa phúc thẩm; người tham gia tố tụng đã được thực hiện đầy đủ và chấp hành đúng quy định của Luật tố tụng hành chính (TTHC).

-Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 3 Điều 241 Luật tố tụng hành chính: Hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa, ý kiến trình bày của các đương sự; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện; kết quả tranh luận, ý kiến của Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

[1] Về đối tượng của vụ án hành chính: Quyết định số 11/QĐ-XPVPHC ngày 31/8/2016; Quyết định số 12/QĐ-XPVPHC ngày 12/9/2016 về việc xử phạt vi phạm hành chính (gọi tắt là QĐXPVPHC) và Quyết định số 71/QĐ-CC ngày 25/10/2016 về việc cưỡng chế thực hiện Quyết định XPVPHC do Chủ tịch UBND xã N ban hành là quyết định hành chính của người có thẩm quyền về đất đai trên cùng địa giới với TAND huyện N, khi có khiếu kiện được TAND huyện N thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền, thời hiệu theo khoản 1 Điều 31; Điểm a Khoản 2 Điều 116 Luật TTHC. Đối với Thông báo số 28/TB-UBND ngày 01/3/2017 của UBND huyện N về việc: “Tháo dỡ tường rào xây dựng trái phép của ông Phạm Minh P, xã N, huyện N” là văn bản chỉ đạo nội bộ của Cơ quan cấp trên với cấp dưới không phải là quyết định hành chính bị kiện (khoản 6 Điều 3 Luật TTHC)
 
[2] Về xác định người tham gia tố tụng: Tại khoản 1 Điều 14 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 qui định: “Cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường”. Theo đơn khởi kiện, ông Phạm Minh P yêu cầu hủy QĐXPVPHC và Quyết định cưỡng chế thi hành QĐXPVPHC của Chủ tịch UBND xã N, đồng thời yêu cầu người bị kiện phải bồi thường thiệt hại do việc thực hiện cưỡng chế gây nên với tổng số tiền là 753.797.000đ. Do đó việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa UBND xã N tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên nội dung kháng nghị của VKSND tỉnh Thanh Hóa là có căn cứ. Ngoài ra, việc UBND xã N thực hiện tổ chức cưỡng chế ngày 04/03/2017 đối với ông P là do thực hiện mệnh lệnh của UBND huyện N theo Thông báo số 28/TB- UBND ngày 01/3/2017, do vậy cần đưa UBND huyện N tham gia tố tụng với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan mới đảm bảo việc giải quyết vụ án được đầy đủ và không thể khắc phục được tại cấp phúc thẩm.

[3] Về thời hạn giải quyết vụ án tại tòa Tòa án cấp sơ thẩm: Theo quy định của Luật TTHC thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với quyết định hành chính là 04 tháng, trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án có thể quyết định gia hạn 01 lần, nhưng không quá 02 tháng (khoản 1, khoản 3 Điều 130 Luật TTHC). Ngày 22/11/2016, TAND huyện N thụ lý vụ án, do vụ án có tính chất phức tạp nên ngày 22/3/2017, TAND huyện N ra Quyết định gia hạn giải quyết 02 tháng kể từ ngày 23/3/2017 là có căn cứ, đến ngày 19/5/2017 TAND huyện N đã ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm trong thời hạn chưa quá 02 tháng kể từ ngày gia hạn, do đó ông Phạm Minh P kháng cáo Tòa án cấp sơ thẩm kéo dài thời hạn giải quyết không đúng quy định của Luật TTHC là không có cơ sở.

[4] Về xác định tư cách của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện tại cấp sơ thẩm: Việc tham gia tố tụng của Luật sư Lê Quốc T và Luật sư Nguyễn Xuân Dthuộc Văn Phòng Luật sư Lê Quốc Hiền - Đoàn Luật sư Thanh Hóa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Chủ tịch UBND xã N tại phiên tòa sơ thẩm ngày 06/6/2017 là chưa đủ điều kiện, bởi lẽ Văn phòng Luật sư không cung cấp bản sao Chứng chỉ hành nghề của Luật sư Lê Quốc T, đối với Luật sư Nguyễn Xuân Dcũng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xác nhận vào Giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (theo điểm a khoản 4; khoản 5 Điều 61 Luật TTHC), do đó nội dung kháng nghị của VKSND tỉnh Thanh Hóa là có căn cứ, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[5] Về việc xem xét tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp: Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Phạm Minh P có cung cấp 01 USB nhằm chứng minh việc Chủ tịch UBND xã N thuê máy múc cố ý phá hủy làm hư hỏng tài sản, thuê ô tô chiếm giữ chiếm đoạt trái phép tài sản của ông. Tại phiên tòa phúc thẩm, qua xem xét video trong USB thấy rằng, việc UBND xã N có sử dụng máy múc và lao động để phá dỡ hàng rào sắt do ông P xây dựng là đúng, các vật liệu sau khi tháo dỡ được đưa ngay lên xe ô tô chở đi, theo Chủ tịch UBND xã N trình bày: các vật liệu sau khi tháo dỡhiện đang tạm giữ tại Trụ sở UBND xã N, chứng cứ này chưa được Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét như nội dung ông P kháng cáo là có căn cứ.

[6] Xem xét tính hợp pháp của QĐXPVPHC số 11 ngày 31/8/2016 và QĐXPVPHC số 12 ngày 12/9/2016 của Chủ tịch UBND xã N thấy rằng:

Năm 2010 ông Phạm Minh P được UBND xã N cho thuê đất với thời hạn 05 năm gồm: Hợp đồng số 03 ngày 27/3/2010, diện tích 1.600 m2  tại các thửa 1,2,3, 6,7,7a,8,9,10,11 và Hợp đồng số 04 ngày 20/10/2010, diện tích 4.000m2   tại các thửa14, 15,16,17,18,19,20, tờ bản đồ 04, bản đồ địa chính xã N. Trong đó Hợp đồng thuê đất số 03 đã bị hủy bỏ theo Quyết định số 300/QĐ-UBND  ngày 25/02/2011 của UBND huyện N do UBND xã giao thầu đất sai mục đích, không đúng thẩm quyền (BL98); Hợp đồng số 04 đã hết hạn năm 2015 mà không được gia hạn. Tuy nhiên ông P không trả đất, mà có hành vi tự ý lập hàng rào bao quanh khuôn viên tại thửa đất trước Trụ sở Công ty Hảo P và đưa cây lâu năm vào trồng tại khu vực nêu trên. Tại Biên bản vi phạm hành chính số 02 ngày 23/8/2016 thể hiện ông P có hành vi: “Trồng cây lâu năm trên đất hành lang giao thông đường bộ và đất đã hết hợp đồng cho thuê” (BL BL85,86), theo đó tại QĐXPVPHC số 11 ngày 31/8/2016 phạt tiền 2.000.000đ và buộc:“di chuyển toàn bộ số cây hoàn trả diện tích mặt bằng cho UBND xã N”; tại Biên bản vi phạm hành chính số 03 ngày 09/9/2016, ông P có hành vi: “Tự ý dựng hàng rào sắt để vật liệu xây dựng trên diện tích cho thuê đã hết hạn không được gia hạn”, tại QĐXPVPHC số 12 ngày12/9/2016 phạt tiền 2.000.000đ và buộc: “tháo gỡ hàng rào, di dời tài sản ra khỏi diện tích đất thầu đã hết thời hạn hoàn trả mặt bằng cho UBND xã N”. Tại phiên tòa phúc thẩm đã xác định tổng diện tích ông Phạm Minh P lập hàng rào sắt và trồng cây có chiều dài 117,4m, chiều rộng khoảng 2m trong đó bao gồm cả đất hành lang giao thông đường bộ và đất công ích thuộc UBND xã N quản lý. Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, tại khoản 1 Điều 12 quy định: Nghiêm cấm hành vi: “Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai...”; khoản 1 Điều 206 quy định: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...”; khoản 2 Điều 3 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 quy định: “Chiếm đất là việc sử dụng đất không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất do được Nhà nước giao, nhưng đã hết thời hạn giao, cho thuê đất, không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất...”; điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định Chủ tịch UBND cấp xã có quyền: “Phạt tiền từ 1.000.000đ đến 3.000.000đ đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất” và có quyền áp dụng biện pháp: “Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm...”. Như vậy việc Chủ tịch UBND xã N ban hành các Quyết định XPVPHC đối với ông Phạm Minh P là có căn cứ, đúng thẩm quyền, phù hợp các quy định Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nên ông P yêu cầu hủy các Quyết định nêu trên là không có cơ sở chấp nhận.
 
[7] Xem xét tính hợp pháp của Quyết định cưỡng chế số 71/QĐ-CC ngày 25/10/2016 của Chủ tịch UBND xã N: Tại Quyết định XPHC số 11 ngày 31/8/2016 và QĐXPVPHC số 12 ngày 12/9/2016 yêu cầu ông Phạm Minh P phải chấp hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận Quyết định là phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật xử lý vi phạm hành chính, ngày 09/9/2016 ông P đã được nhận Quyết định XPHC số 11 và ngày 13/9/2016 nhận QĐXPHC số 12, nhưng ông không tự nguyện thi hành, do đó Chủ tịch UBND xã N ban hành Quyết định số 71/QĐ-CC cưỡng chế thi hành các Quyết định XPVPHC là cần thiết, tuy nhiên Quyết định cưỡng chế số 71 ấn định thời gian tổ chức cưỡng chế ngày 04/11/2016 là chưa đủ 15 ngày kể từ ngày ban hành quyết định (vi phạm khoản 3 Điều 5 Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ), nhưng Chủ tịch UBND xã N đã khắc phục bằng việc ra Thông báo số 43/TB-UBND ngày 02/11/2016 tạm hoãn thực hiện quyết định cưỡng chế, do đó việc ông P yêu cầu hủy bỏ quyết định cưỡng chế số 71 là không cần thiết, song cần rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch UBND xã N.

[7] Xem xét việc tổ chức thực hiện cưỡng chế của UBND xã N đối với ông Phạm Minh P: Sau khi tạm hoãn việc thi hành Quyết định cưỡng chế số 71/QĐCC, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện N theo Thông báo số 28/TB-UBND ngày 01/3/2017, Chủ tịch UBND xã N ra Thông báo số 02/TB-UBND ngày 02/3/2017 “về việc tháo dỡ tường rào xây dựng trái phép của hộ ông Phạm Minh P”, theo đó ông P phải thu dọn toàn bộ vật liệu ra khỏi vị trí đất chậm nhất đến hết 16h ngày 03/3/2017, sau thời gian trên, nếu ông không chấp hành việc tháo dỡ thì UBND xã sẽ tổ chức cưỡng chế vào 8h ngày 04/3/2017 (BL55). Việc UBND xã N ấn định thời gian tổ chức cưỡng chế sau 02 ngày kể từ ngày ra Thông báo là chưa phù hợp, không đủ thời gian để ông P tự tháo dỡ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại, mặt khác trong Thông báo giao ông P được tự thu dọn phế  liệu, vật dụng xây dựng chậm nhất đến hết 17h ngày 07/3/2017, nhưng ngay sau khi tháo dỡ, UBND xã N đã đưa vật liệu lên xe ô tô chuyên chở về Trụ sở UBND xã N, sau đó UBND xã cũng không ra Thông báo nêu rõ thời gian, địa điểm để ông Phạm Minh P nhận lại tài là thực hiện chưa đúng quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Việc thực hiện cưỡng chế chưa đúng trình tự thủ tục của UBND xã N có một phần do sự chỉ đạo của UBND huyện N, Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa tiến hành thẩm định, định giá để xác định thiệt hại và chưa xác định lỗi của các bên, nhưng đã xử bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của ông P đối với Chủ tịch UBND xã N là chưa đủ căn cứ và không thể khắc phục được tại cấp phúc thẩm, cần hủy một phần bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại, đưa UBND huyện N và UBND xã N tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[8]Về án phí:Tòa án cấp phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm nên ông Phạm Minh P không phải nộp án phí hành chính phúc thẩm, về án phí dân sự sơ thẩm bản án sơ thẩm buộc ông P nộp 34.151.880 đ là chưa đủ cơ sở, phần án phí dân sự sơ thẩm được xem xét lại khi Tòa án giải quyết lại vụ án tại cấp sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: Khoản 2; khoản 3 Điều 241; khoản 3 Điều 349 Luật tố tụng hành chính năm 2015;

Căn cứ vào: Khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 206 Luật Đất đai 2013; điểm b, điểm d khoản 1 Điều 38; Điều 58; Điều 68 Luật xử lý vi phạm hành chính; khoản 2 Điều 3; khoản 1 Điều 10; điểm b, điểm d khoản 1 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; khoản 3 Điều 5; khoản 5  điều 34 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP  ngày 12/11/2013 về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 34 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Phạm Minh P và một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

1. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2017/HCST ngày 06/6/2017 của Tòa án nhan dân huyện N về việc: Bác đơn khởi kiện của ông Phạm Minh P yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 11/QĐ-XPVPHC ngày 31/8/2016; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 12/QĐ-XPVPHC ngày 12/9/2016; Quyết định Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sơ thẩm số 71/QĐ-CC ngày 25/10/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N, huyện N.

2. Hủy một phần bản án hành chính sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện N về việc: Bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của ông Phạm Minh P đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã N.

Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện N giải quyết lại phần yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của ông Phạm Minh P theo thủ tục sơ thẩm.

3.Hủy phần án phí dân sự sơ thẩm của bản án hành chính sơ thẩm để giải quyết lại tại Tòa án cấp sơ thẩm.

4.Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Phạm Minh P không phải nộp, hoàn trả cho ông P số tiền tạm ứng án phí kháng cáo 300.000đ theo Biên lai thu số 0004500 ngày 19/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện N.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1185
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2017/HC-PT ngày 22/08/2017 về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu bồi thường thiệt hại

Số hiệu:04/2017/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 22/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về