Bản án 04/2017/LĐ-PT ngày 30/11/2017 về tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 04/2017/LĐ-PT NGÀY 30/11/2017 VỀ TRANH CHẤP TRƯỜNG HỢP BỊ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 30 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 05/2017/TLPT-LĐ ngày 09/8/2017 về tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 02/2017/LĐ-ST ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Toà án nhân dân quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 735/2017/QĐ-PT ngày 31/8/2017, Quyết định hoãn phiên tòa số 795/2017/QĐ-PT ngày 19/9/2017, Quyết định hoãn phiên tòa số 820/2017/QĐ-PT ngày 27/9/2017 và Thông báo mở lại phiên tòa số 954/TB-TA ngày 27/10/2017, Thông báo thay đổi lịch xét xử ngày 20/11/2017, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đặng Vũ T; nơi cư trú: Số 8/40 đường A, phường B, quận C, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Bùi Quốc T, Luật sư Văn phòng luật sư N thuộc Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng (từ chối bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đặng Vũ T).

- Bị đơn: Công ty TNHH C có trụ sở tại: Đường C, phường E, quận C, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Tạ Văn N, chức vụ: Phó Tổng Giám đốc Công ty C là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 11/11/2016 của Tổng Giám đốc Công ty C); có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Thanh Đ, Luật sư Văn phòng luật sư Hội An thuộc Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Tổng Công ty C; có trụ sở tại số 172 đường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị Ph, chức vụ: Phó trưởng Ban Tổ chức nhân sự & Đào tạo là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 22/11/2017 của Tổng Công ty C - SBIC); có mặt.

- Người kháng cáo: Công ty TNHH C là bị đơn.

- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 05/5/2016 và các lời khai của nguyên ðõn anh Đặng Vũ T trình bày:

Tổng Công ty C Việt Nam (viết tắt là Vinashin), nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ (viết tắt là SBIC) là một bên liên doanh trong Hợp đồng liên doanh ngày 05/5/1995 để thành lập nên Công ty TNHH Shell Gas Hải Phòng (nay là Công ty TNHH C).

Ngày 24/10/2005, Vinashin có Quyết định số 1924/CNT/TCCB-LD cử ông Đặng Vũ T tham gia Hội đồng quản trị của Công ty TNHH Shell Gas Hải Phòng để quản lý phần góp vốn của Vinashin. Cùng ngày 24/10/2005 Công ty TNHH Shell Gas Hải Phòng có công văn chấp thuận ông Toàn sẽ là Phó tổng giám đốc mới của liên doanh, ngày bắt đầu làm việc 24/10/2005 với tư cách là một nhân viên của Shell Gas Hải Phòng.

Ngày 10/4/2006, Công ty Shell Gas Hải Phòng ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn số SHG/2006/71 với ông Đặng Vũ T với chức danh chuyên môn: Phó Tổng giám đốc; mức lương 21.200.000 đồng/tháng; ngoài ra hợp đồng còn quy định về việc trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của Shell Gas Hải Phòng, tiền thưởng, chế độ nghỉ ngơi và các chế độ khác đối với ông Toàn.

Trong quá trình làm việc tại Công ty Shell Gas Hải Phòng, ông Toàn không nhận tiền lương hay bất cứ một chế độ nào từ Vinashin. Tiền lương và các chế độ của ông Toàn do Công ty Shell Gas Hải Phòng trả theo Hợp đồng lao động số SGH/2006/71. Theo thanh toán tiền lương từ tháng 01/2014 đến tháng 01/2015 của Công ty Shell Gas Hải Phòng thì mức lương ông Toàn được nhận là 35.510.000 đồng/tháng, trừ tiền Công ty đóng Bảo hiểm xã hội, BHYT ông Toàn còn nhận 31.565.749 đồng.

Ngày 25/12/2014, SBIC đã có Quyết định số 1089/QĐ-CNT thôi cử ông Đặng Vũ T làm người đại diện quản lý vốn tại Công ty Shell Gas Hải Phòng Citygas.

Ngày 26/12/2014, SIBC có Văn bản số 3600/CNT-TCNS tới Công ty Shell Gas Hải Phòng về việc thay đổi người đại diện quản lý vốn tại Công ty Shell Gas Hải Phòng .

Căn cứ vào văn bản trên của SBIC, ngày 31/12/2014, Hội đồng quản trị Công ty Shell Gas Hải Phòng đã thông qua nghị quyết về công tác nhân sự phê chuẩn: Bãi miễn ông Toàn khỏi Hội đồng quản trị và chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty Shell Gas Hải Phòng kể từ ngày 31/12/2014.

Ngày 23/01/2015, Công ty Shell Gas Hải Phòng có Công văn số 05-2014/CV yêu cầu ông Toàn bàn giao công việc và các tài sản được giao có liên quan đến chức vụ đảm nhiệm tại Công ty Shell Gas Hải Phòng trước ngày 31/01/2015. Công ty Shell Gas Hải Phòng đã thực hiện ngay việc thu hồi các công cụ làm việc của ông Toàn như: Cắt dịch vụ điện thoại, khóa thẻ Taxi Mai Linh và bố trí ông Tạ Văn N là người đại diện mới của SIBC vào làm việc tại phòng làm việc của ông Toàn. Đồng thời, Công ty kê khai, tính tiền lương và các khoản trợ cấp cho ông Toàn đến ngày 31/01/2015.

Ông Toàn cho rằng bằng Công văn số 05-2015/CV ngày 23/01/2015 “Về việc bàn giao công việc” và từ ngày 31/01/2015 Công ty không bố trí công việc, không trả tiền lương, tiền thưởng, tiền bảo hiểm xã hội và không cho ông vào Công ty là Công ty đã đơn phương chấm hợp đồng lao động trước thời hạn đối với ông. Công ty không thực hiện báo trước việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là vi phạm quy định của Bộ luật Lao động.

Sau đó, ông Toàn nhiều lần có đơn khiếu nại về việc bị Công ty chấm dứt hợp đồng lao động, yêu cầu Công ty tiếp tục thực hiện hợp đồng, thanh toán tiền lương và các chế độ nhưng Công ty không giải quyết.

Ngày 24/01/2016, ông Toàn vẫn có đơn đề nghị Công ty Shell Gas Hải Phòng tiếp tục thực hiện hợp đồng và chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền thưởng, tiền phép năm 2014, 2015. Tại Công văn số 58/CTGN-BC ngày 02/02/2016, Công ty chỉ chấp nhận trách nhiệm thanh toán tiền nghỉ phép năm 2014 cho ông Toàn.

Không đồng ý với giải quyết của Công ty, ngày 09/5/2016 ông Toàn đã có đơn khởi kiện Công ty Shell Gas Hải Phòng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông, bao gồm các yêu cầu như sau:

1. Nhận ông Đặng Vũ T trở lại làm việc theo hợp đồng lao động.

2. Thanh toán các khoản tiền sau:

- Tiền lương trong những ngày không được làm việc là: 532.650.000 đồng;

- Tiền BHXH, BHYT Công ty phải có nghĩa vụ đóng từ tháng 02/2015 đến tháng 05/2016) : 89.700.000 đồng;

- Tiền phép năm 2014 và năm 2015: 48.422.727 đồng;

- Tiền lương tháng 13 của năm 2015: 35.510.000 đồng;

- Tiền thưởng năm 2014 chưa được lĩnh: 136.000.000 đồng;

- Trả 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động: 71.020.000 đồng;

- Bồi thường tiền lương do vi phạm thời gian báo trước 41 ngày = 66.177.723 đồng;

- Tiền lãi (theo lãi suất tiền gửi Ngân hàng 9%/năm) do chậm thanh toán các khoản tiền lương là 27.964.125 đồng; đóng bảo hiểm là 4.709.250 đồng; tiền thưởng năm 2014: 12.240.000 đồng và tiền phép năm 2014 là 181.585 đồng; Tổng cộng các khoản ông Toàn yêu cầu Công ty Shell Gas Hải Phòng phải thanh toán là 1.024.575.410 đồng.

Quá trình tố tụng, người đại diện hợp pháp của Công ty C trình bày:

Việc ký kết Hợp đồng lao động số SHG/2006/71 ngày 24/10/2006 giữa ông Toàn với Công ty Shell Gas Hải Phòng là không phù hợp với Điều 12 của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996; Khoản 2 Điều 2 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính Phủ và Điều 10 Điều lệ hoạt động của Công ty ký ngày 05/5/1995, vì ông Toàn là Phó Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị doanh nghiệp nên không thuộc trường hợp phải ký Hợp đồng lao động. Công ty Shell Gas Hải Phòng không có văn bản hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Toàn, do đó Công ty không đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động, không vi phạm thời hạn báo trước. Việc Công ty Shell Gas Hải Phòng bãi miễn ông Toàn khỏi Hội đồng quản trị và bãi miễn chức vụ Phó Tổng Giám đốc là căn cứ Quyết định số 1089/QĐ-CNT ngày 25/12/2014 và Văn bản số 3600/CNT-TCNS ngày 26/12/2014 của SBIC, hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 7, Điều 10 của Điều lệ hoạt động của Công ty.

Đối với các yêu cầu của ông Toàn, Công ty Shell Gas Hải Phòng chỉ chấp nhận trả tiền phép của năm 2014 là: (35.510.000đồng/22ngày) x 17 ngày =27.439.545 đồng. Công ty yêu cầu ông Đặng Vũ T hoàn trả máy tính xách tay, điện thoại di động. Nếu ông Toàn không hoàn trả, Công ty sẽ khấu trừ vào khoản tiền ông Toàn được nhận theo quy định.

Các yêu cầu khác của ông Toàn, Công ty Shell Gas Hải Phòng không chấp nhận.

Quá trình tố tụng, người đại diện của Vinashin trình bày:

Ngày 20/10/2005, Vinashin và ông Đặng Vũ T có ký hợp đồng lao động số 50/HĐLĐ ngày 20/10/2005(thời hạn 04 năm kể từ ngày 20/10/2005) và đã được chuyển là Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Đến ngày 24/10/2005, Vinashin có quyết định cử ông Toàn tham gia Hội đồng quản trị Công ty Shell gas Hải Phòng để quản lý phần góp vốn của Vinashin. Cùng ngày 24/10/2005, Shell gas Hải Phòng có văn bản chấp thuận đề nghị của Vinashin đề cử ông Toàn giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc.

Việc ông Toàn ký Hợp đồng lao động với C, SIBC không biết. Thời gian ông Toàn làm đại diện vốn góp tại Citygas thì Citygas trả lương và các chế độ cho ông Toàn theo thỏa thuận. Sau khi SBIC thôi cử ông Toàn làm đại diện vốn tại Citygas thì việc thanh toán và các chế độ sẽ do SBIC trả.

Ngày 03/11/2016, SBIC đã có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Toàn, SBIC chịu trách nhiệm thanh toán tiền trợ cấp mất việc làm và các chế độ khác cho ông Toàn. Tuy nhiên đến này SBIC chưa thanh toán cho ông Toàn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đòi khoản tiền BHXH, BHYT; tiền thưởng năm 2014 và tiền lãi do chậm thanh toán các khoản; tổng cộng 270.794.960 đồng.

Tại Bản án sơ thẩm số 02/2017/LĐ-ST ngày 27/6/2017 của Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Vũ T.

Buộc Công ty TNHH C phải nhận ông Đặng Vũ T trở lại làm việc theo Hợp đồng lao động đã ký.

Công ty TNHH C phải bồi thường cho ông Đặng Vũ T tổng số tiền là 1.107.670.864 đồng.

2. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của ông Toàn đòi 270.794.960 đồng bao gồm tiền BHXH,BHYT, tiền thưởng năm 2014, tiền lãi do chậm thanh toán các khoản.

Ngoài ra Bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29/6/2017 Công ty TNHH C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do:

Ông Toàn là người lao động của SBIC được cử xuống Công ty liên doanh (Công ty TNHH C) tham gia Hội đồng quản trị và làm Phó Tổng giám đốc Công ty liên doanh. Theo Công văn số 284/TTrSLĐTBXH Hải phòng ngày 29/12/2015 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng trả lời đơn khiếu nại Công ty của ông Toàn đã khẳng định: Hợp đồng lao động giữa Công ty TNHH C với ông Toàn không làm phát sinh quan hệ lao động do Hợp đồng không được ký đúng theo quy định của pháp luật, Điều lệ Công ty. Hợp đồng lao động không có nội dung công việc, lương và các chế độ của ông Toàn được Công ty TNHH C trả theo Quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước.

Công ty TNHH C ra Thông báo số 05/2015/CV ngày 23/01/2015 trên cơ sở quyết định thay đổi người đại diện quản lý vốn của SBIC nhưng ông Toàn lại cho rằng Công ty đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động nên đã khiếu nại đến Công ty. Công ty đã ban hành quyết định số 28/QĐ-CTGN ngày 14/7/2015 để giải quyết khiếu nại, do ông Toàn không khiếu nại lần hai nên quyết định này đã có hiệu lực. Căn cứ khoản 1 Điều 33 Nghị định 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ thì: “Quyết định giải quyết khiếu lần đầu có hiệu lực sau 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai hoặc không khởi kiện tại Tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này”.

Ngày 05/5/2016, ông Toàn gửi đơn khởi kiện đến Tòa án và được Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền thụ lý giải quyết là không đúng vì nội dung sự việc đã giải quyết bằng Quyết định đã có hiệu lực, các bên đương sự không có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án như quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 119/2014/NĐ-CP.

Công ty đề nghị cấp phúc thẩm sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm, không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 26/7/2017, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng kháng nghị cho rằng Tòa án sơ thẩm đã có một số sai lầm trong đánh giá chứng cứ dẫn tới áp dụng không đúng quy định của pháp luật:

Bản án sơ thẩm cho rằng ông Toàn ký hợp đồng lao động trước rồi sau đó mới được đề cử là đại diện quản lý phần góp vốn của Tập đoàn là không phản ảnh đúng sự thật khách quan của vụ án, bởi lẽ:

Ông Toàn đã làm việc tại Công ty Shell gas Hải Phòng với tư cách là Phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị, đại diện phần góp vốn của Vinashin từ ngày 24/10/2005. Đến ngày 10/4/2006, giữa ông Toàn và Công ty Shell gas Hải Phòng mới ký hợp đồng lao động. Việc bản án nhận định “khi ký hợp đồng lao động ngày 10/4/2006 giữa Công ty Citygas với ông Toàn là trên văn bản ngày 24/10/2005 của Công ty Citygas, ông Toàn chưa là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Citygas. Vì đến ngày 07/11/2007 Vinashin mới có văn bản 3554 đề xử ông Toàn tham gia Hội đồng quản trị Công ty Citygas thay ông Nguyễn Quốc Anh” là không đúng.

Việc ký Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 ngày 10/4/2006 không phù hợp quy định tại Điều 12 Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996, khoản 2 Điều 2 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính Phủ và Điều 10 của Điều lệ Công ty Citygas:

Theo hợp đồng liên doanh ngày 05/5/1995 về việc thành lập Công ty liên doanh TNHH Shell Gas Hải Phòng quy định: “Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc sẽ được chỉ định bởi Hội đồng quản trị theo đúng với luật pháp Việt Nam”.

Ngày 24/10/2005 Vinashin có quyết định cử ông Toàn tham gia Hội đồng quản trị Công ty Shell Gas Hải Phòng, cùng ngày Công ty Shell Gas Hải Phòng cũng có công văn gửi Vinashin với nội dung: “…Sau khi tiến hành phỏng vấn ông Đặng Vũ T, ứng cử viên cho vị trí Phó tổng giám đốc Liên doanh Shell Gas Hải Phòng do phía Vinashin đề cử, phía Shell Gas chấp thuận việc Vinashin đề cử”.

Do ông Toàn là Phó Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị nên căn cứ các quy định trên ông Toàn thuộc trường hợp không áp dụng Hợp đồng lao động.

Về việc bãi miễn chức danh Phó tổng giám đốc của ông Đặng Vũ T:

Tại khoản 7.5 Điều 7 Điều lệ Công ty Shell Gas Hải Phòng quy định: “Bên tham gia đã chỉ định ủy viên nào đó vào trong Hội đồng cũng đều được phép rút và bãi miễn ủy viên mà mình đã chỉ định và bổ nhiệm người khác thay thế”. Theo Điều 10 Điều lệ Công ty Shell Gas Hải Phòng cũng quy định: “….Phó tổng giám đốc sẽ được bổ nhiệm cho mỗi khoảng thời gian mà Hội đồng có thể quyết định và cũng có thể bị Hội đồng phế truất vào bất cứ lúc nào bằng một nghị quyết”.

Việc Hội đồng thành viên Công ty Shell Gas Hải Phòng căn cứ quyết định 1089/QĐ-CNT ngày 25/12/2014 và văn bản 3600/CNT-TCNS ngày 26/12/2014 của SBIC bãi miễn chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với ông Toàn là phù hợp với quy định tại Điều 7 và Điều 10 của Điều lệ Công ty.

Do đó, Tòa án sơ thẩm cho rằng việc Công ty C đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật và phải bồi thường cho ông Toàn là không đúng mà phải tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn có đơn đề nghị hoãn phiên tòa, xét thấy nguyên đơn là người không kháng cáo, phiên tòa đã được hoãn hai lần. Căn cứ Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt nguyên đơn. Do nguyên đơn vắng mặt nên người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn từ chối bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn.

Bị đơn giữ nguyên kháng cáo và không đồng ý thỏa thuận về việc giải quyết vụ án với nguyên đơn. Viện kiểm sát giữ nguyên kháng nghị.

Người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH C trình bày quan điểm bảo vệ:

Thực hiện thỏa thuận giữa Tổng Công ty C Việt Nam và Shell Gas Hải Phòng là hai bên liên doanh tại Công ty TNHH Shell gas Hải Phòng). Tại cuộc họp ngày 14/10/2005 và ngày 24/10/2005, Tổng Công ty C Việt Nam có Quyết định số 1924/CNT/TCCB-LĐ về việc cử ông Đặng Vũ T tham gia Hội đồng quản trị của Công ty TNHH Shell Gas Hải Phòng để quản lý phần vốn góp của Tổng công ty.

Ngày 24/10/2005, Chủ tịch Hội đồng quản trị Shell Gas Hải Phòng đã có thông báo về việc chấp thuận ông Đặng Vũ T, ứng cử viên cho vị trí Phó tổng giám đốc Shell Gas Hải Phòng do Vinashin đề cử, giữ chức Phó tổng giám đốc Shell Hải Phòng (văn bản này đã được gửi tới Vinashin).

Ngày 24/10/2005 Tổng giám đốc Shell Hải Phòng thông báo: Căn cứ theo Quyết định 1924 của SBIC, ông Toàn chính thức nhậm chức phó Tổng Giám đốc Công ty Shell gas từ ngày 24/10/2005. Ông Đặng Vũ T đã chính thức làm việc tại Shell Gas Hải Phòng từ ngày 24/10/2005. Công việc cụ thể của ông Đặng Vũ T do điều hành của Tổng giám đốc và Hội đồng quản trị Shell Gas Hải Phòng.

Về việc báo cáo của ông Đặng Vũ T đối với Vinashin: Theo quyết định của Vinashin, theo thông báo của Shell Hải Phòng, việc ông Đặng Vũ T thực hiện báo cáo Vinashin là quan hệ giữa Vinashin và ông Đặng Vũ T, Shell Gas Hải Phòng không có quyền can thiệp. Đồng thời, ông Toàn cũng không chuyển tài liệu báo cáo Vinashin để lưu tại hồ sơ lưu Shell Gas Hải Phòng.

Sau khi Tổng giám đốc Shell Gas Hải Phòng ký hợp đồng lao động số SGH/2006/71 với ông Đặng Vũ T, Shell Gas Hải Phòng không báo cáo với Vinashin.

Ngày 07/11/2007, Vinashin có quyết định số 3554/QĐ-CNT-TCCB-LĐ, trong đó nêu: “Cử ông Đặng Vũ T – Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty TNHH Shell Gas Hải Phòng (nguyên chuyên viên Ban kinh doanh đối ngoại Tập đoàn) là đại diện quản lý vốn của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và đề cử tham gia Hội đồng quản trị Công ty TNHH Shell Gas Hải Phòng thay ông Nguyễn Quốc Ánh”.

Theo văn bản số 3117/CNT-TCNS ngày 20/11/2015 của Vinashin, trong đó Vinashin khẳng định: “Kể từ khi ông Toàn thôi làm người đại diện của SBIC (Theo QĐ số 1089/QĐ-CNT ngày 25/12/2014 của Tổng Công ty về việc thay đổi người đại diện vốn của SBIC tại Công ty TNHH C) việc giải quyết, bố trí sắp xếp việc làm mới do Tổng công ty thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng Công ty và ông Đặng Vũ T.”

Ông Đặng Vũ T có các quyền lợi và nghĩa vụ đối với Vinashin thực hiện theo quy định của Vinashin và của pháp luật có liên quan.

Việc Shell Gas Hải Phòng trả lương cho ông Đặng Vũ T đã được thông báo cho Vinashin tại văn bản đề ngày 24/10/2005 do Chủ tịch Hội đồng quản trị Shell Hải Phòng gửi Vinashin.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận Hợp đồng lao động số No: SGH/2006/71 ký ngày 10/4/2006 là hợp đồng có hiệu lực trong khi tại Công văn số 284/TTrSLĐTBXH ngày 29/12/2015 về việc trả lời đơn khiếu nại của ông Đặng Vũ T khiếu nại công ty TNHH C đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đã khẳng định là Hợp đồng này không làm phát sinh quan hệ lao động do Hợp đồng không được ký đúng theo quy định của pháp luật, điều lệ của Công ty.

Sau khi xét xử sơ thẩm, tại đơn đề nghị ngày 26/10/2017,ông Đặng Vũ T trình bày: Ông Toàn làm công việc Phó Tổng giám đốc Shell Gas Hải Phòng từ ngày 11/11/2005 và giao kết hợp đồng số SGH/2006/71 với Shell Gas Hải Phòng từ ngày 10/4/2006. Tiền lương theo hợp đồng này là do ông Toàn thỏa thuận với Shell Gas Hải Phòng. Ngày 26/01/2006, Hội đồng quản trị Shell Gas Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về danh sách thành viên Hội đồng quản trị gồm 8 người; danh sách các chức danh quản lý gồm 03 người trong đó có ông Toàn là Phó tổng giám đốc. Đến ngày 07/11/2007. Vinashin có văn bản cử ông Toàn thay ông Nguyễn Quốc Ánh tham gia Hội đồng quản trị, ông Toàn đồng ý và được Hội đồng quản trị Công ty chấp thuận.

Như vậy từ ngày 11/11/2005 đến ngày 07/11/2007, ông Toàn không phải là thành viên Hội đồng quản trị của Shell Gas Hải Phòng. Tại thời điểm giao kết hợp đồng ông Toàn chỉ là Phó Tổng giám đốc, không làm việc với tư cách là thành viên Hội đồng quản trị như kết luận của Viện kiểm sát. Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 ngày 10/4/2006 không có điều khoản nào quy định về công việc, tiền thù lao, thu nhập hoặc nghĩa vụ trách nhiệm của công việc thành viên Hội đồng quản trị. Luật Đầu tư nước ngoài và Điều lệ doanh nghiệp quy định để điều chỉnh quan hệ giữa các nhà đầu tư hoặc cổ dộng góp vốn, không điều chỉnh mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Ông Toàn là người lao động được Vinashin cử sang Công ty liên doanh Shell gas Hải Phòng quản lý vốn của Vinashin. Ông được Shell Gas Hải Phòng ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng này ký hoàn toàn hợp pháp theo quy định của pháp luật. Công ty ký hợp đồng với ông với chức danh là Phó Tổng Giám đốc không ký với chức danh Thành viên hội đồng quản trị, tại thời điểm ký hợp đồng ngày 10/4/2006 ông cũng chưa tham gia Hội đồng quản trị Công ty. Vì vậy Tòa án sơ thẩm xác định hợp đồng lao động là hợp pháp là đúng.

Người đại diện hợp pháp của SIBC trình bày quan điểm bảo vệ:

Ông Toàn là người lao động của SIBC, được SIBC cử đến Shell gas Hải Phòng làm việc để quản lý vốn của SIBC nên việc ông Toàn ký hợp đồng lao động với Shell gas Hải Phòng là không đúng, vi phạm Điều lệ của Công ty. Hợp đồng lao động được ký giữa ông Toàn và shell gas Hải Phòng không có giá trị pháp lý. Mọi chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác của ông Toàn đã được C chi trả đầy đủ và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ngày 23/01/2015, C thông báo cho ông Toàn bàn giao công việc tại C là căn cứ Quyết định số 1089/QĐ-CNT ngày 24/12/2014 và Văn bản số 3600/CNT-TCNS ngày 26/12/2014 của SBIC. Do vậy, việc ông Toàn khởi kiện City gas đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là không có căn cứ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đa thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ, tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tộ tụng dân sự.

Về kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát: Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn và chấp kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền xác định quan hệ pháp luật tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thụ lý giải quyết là đúng quy định khoản 1 Điều 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Xét các lý do kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Hải Phòng:

2.1. Về kháng cáo của bị đơn cho rằng Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền thụ lý vụ án là không đúng vì căn cứ vào khoản 1 Điều 33 Nghị định 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 thì khiếu nại về việc bị chấm dứt hợp đồng lao động của ông Toàn đã được Công ty TNHH C giải quyết bằng Quyết định số 28/QĐ-CTGN ngày 14/7/2015 của Công ty đã có hiệu lực: Điểm a khoản 1 Điều 33 Nghị định 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính Phủ quy định:

Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật được quy định như sau: Sau 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai hoặc không khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này;Điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này quy định: Người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong trường hợp sau đây: Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân dạy nghề; tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Vì đây là vụ án lao động do vậy thời hiệu khởi kiện sẽ được tính theo quy định tại khoản 2 Điều 202 của Bộ luật Lao động: Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Cùng ngày 07/5/2015, ông Toàn có đơn khiếu nại gửi Công ty TNHH C và gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng. Ngày 14/7/2015, Công ty TNHH C có Quyết định số 28/QĐ-CTGN trả lời đơn khiếu nại của ông Toàn. Ngày 29/12/2015, Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng có văn bản số 234/TTrSLĐTBXH trả lời đơn khiếu nại của ông Toàn. Không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại, ngày 05/5/2016, ông Toàn khởi kiện tại Tòa án là còn thời hiệu. Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền thụ lý vụ án đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 202 của Bộ luật Lao động.

Do vậy, C kháng cáo cho rằng Quyết định số 28/QĐ-CTGN ngày 14/7/2015 của C về việc giải quyết khiếu nại đối với ông Toàn đã có hiệu lực pháp luật là không có căn cứ.

2.2. Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và của bị đơn về tính hợp pháp của Hợp đồng lao động số 71 ngày 10/4/2016:

Tổng Công ty C là một bên liên doanh trong hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH Shell gas Hải Phòng.

Ngày 20/10/2005, Tổng Công ty C Việt Nam và ông Đặng Vũ T có ký hợp đồng lao động số 50/HĐLĐ-2005, thời hạn 04 năm kể từ ngày 20/10/2005, chức danh chuyên môn: Chuyên viên; công việc phải làm: Thực hiện các công việc theo chức trách, chuyên môn nghiệp vụ của một chuyên viên Ban kinh doanh – Đối ngoại và các công việc khác do Trưởng ban Kinh doanh – Đối ngoại phân công.

Ngày 24/10/2005, Tổng Công ty C Việt Nam có Quyết định số 1923/CNT/TCCB-LĐ tiếp nhận ông Đặng Vũ T nhận công tác tại Ban Kinh doanh đối ngoại kể từ ngày ký Quyết định. Cùng ngày 24/10/2005, Tổng Công ty C Việt Nam có Quyết định số 1924/CNT/TCCB-LĐ cử ông Đặng Vũ T tham gia Hội đồng quản trị Công ty TNHH Shell gas Hải Phòng để quản lý vốn của Tổng Công ty C Việt Nam.

Cũng trong ngày 24/10/2005, Công ty Shell gas Hải Phòng có văn bản chấp thuận ông Toàn sẽ là Phó Tổng Giám đốc mới của Công ty liên doanh Shell gas Hải Phòng, thời gian làm việc từ ngày 25/10/2005. Tại mục 7 của văn bản này có quy định: .... “Tuy nhiên, với tư cách là người đại diện của phía Vinashin, ông Toàn có thể báo cáo cho Vinashin theo quy định nội bộ của phía Vinashin”. Tại Biên bản làm việc ngày 22/3/2017, đại diện của Tổng Công ty C xác nhận: Lý do ông Toàn chuyển sang Công ty C là do SBIC cử ông Toàn. Sau khi cử ông Toàn tham gia Hội đồng quản trị của Công ty C, SBIC đề cử ông Toàn giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc của Công ty C và đã được Công ty C chấp thuận. Mọi chế độ chính sách của ông Toàn do Công ty C chi trả.

Như vậy, ông Toàn là người lao động của Vinashin kể từ ngày 20/10/2005, được Vinashin cử đến Công ty Shell gas Hải Phòng làm việc kể từ ngày 24/10/2005 và chính thức làm việc tại Công ty Shell gas Hải Phòng từ ngày 25/10/2005 để quản lý vốn của Vinashin. Trong văn bản ngày 24/10/2005 của Công ty Shell gas Hải Phòng cũng xác nhận ông Đặng Vũ T là người đại diện của phía Vinashin. Và ngày 26/01/2006, Hội đồng quản trị Công ty Shell gas Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết Ban lãnh đạo mới của Công ty có ông Đặng Vũ T là Phó Tổng giám đốc.

Vì ông Toàn là người lao động của SBIC được SBIC cử đến Shell gas Hải Phòng để quản lý phần vốn của mình nên việc ông Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty Shell gas Hải Phòng ký Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 ngày 10/4/2006 với ông Đặng Vũ T là vi phạm Điều 2 Nghị Quyết Hội đồng quản trị ngày 18/7/2005 của Công ty Shell gas Hải Phòng quy định về thẩm quyền của ông Hoàng Giang, vi phạm Điều 7.1 Điều lệ của Công ty TNHH Shell gas Hải Phòng. Mặt khác, Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 được ký với chức danh “Phó tổng giám đốc” và thời hạn hợp đồng “không xác định thời hạn” đối với ông Toàn là không đúng với Điều 10 Điều lệ hoạt động của Công ty TNHH Shell Gas Hải Phòng quy định: “.....Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc sẽ được bổ nhiệm cho một khoảng thời gian mà Hội đồng có thể quyết định và cũng có thể bị Hội đồng phế truất vào bất cứ lúc nào bằng một nghị quyết.....”. Và việc ký Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 không được thông qua và biểu quyết nhất trí của Hội đồng quản trị là không đúng với quy định tại Điều 9 Điều lệ hoạt động của Công ty TNHH Shell Gas Hải Phòng.

Ngày 04/11/2007 Tổng Công ty C Việt Nam có quyết định số 3554/QĐ- CNT-TCCB-LĐ cử ông Đặng Vũ T – Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty TNHH Shell gas Hải Phòng (nguyên chuyên viên Ban kinh doanh đối ngoại Tập đoàn) là đại diện quản lý phần góp vốn của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và đề cử tham gia Hội đồng quản trị Công ty TNHH Shell gas Hải Phòng thay ông Nguyễn Quốc Ánh. Ngày 25/12/2014, Tổng Công ty C căn cứ Nghị quyết số 296/NQ-CNT ngày 16/12/2014 của Hội đồng thành viên Tổng Công ty ban hành Quyết định số 1089/QĐ-CNT về việc thay đổi người đại diện quản lý vốn của Tổng Công ty C, ông Đặng Vũ T thôi làm người đại diện quản lý vốn của Tổng Công ty C. Và ngày 03/11/2016, Tổng Công ty C có Quyết định số 493/QĐ-CNT về việc chấm dứt Hợp đồng lao động đối với ông Đặng Vũ T – chuyên viên Ban kinh doanh thương mại Tổng Công ty C kể từ ngày 15/11/2016. Với các Quyết định trên, là căn cứ khẳng định ông Đặng Vũ T là người lao động của SBIC do SBIC quản lý và điều hành.

Xét thấy Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 ngày 10/4/2006 do Shell gas Hải Phòng ký với ông Toàn chỉ là hình thức, hợp đồng lao động không hợp pháp, không có giá trị pháp lý nên không phát sinh hiệu lực với các bên. Hợp đồng lao động này không phải là căn cứ duy nhất xác lập quan hệ lao động giữa ông Toàn với C. Tổng Công ty C mới là cơ quan chủ quản và là cơ quan quản lý ông Toàn.

Đối với căn cứ kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng ông Toàn là thành viên Hội đồng quản trị của Shell gas Hải Phòng từ ngày 24/10/2005 nên theo quy định tại Điều 12 Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996, khoản 2 Điều 2 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính Phủ thì ông Toàn thuộc trường hợp không áp dụng Hợp đồng lao động để nhận định tính hợp pháp của Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 ngày 10/4/2006 là chưa chính xác.

2.3.Về việc bãi miễn ông Đặng Vũ T:

Theo quy định tại khoản 7.5 Điều 7 của Điều lệ Công ty Shell gas Hải Phòng: “Bên tham gia đã chỉ định ủy viên nào đó vào trong Hội đồng cũng đều được phép rút và bãi miễn Ủy viên mà mình đã chỉ định và bổ nhiệm một người khác thay thế”.

Tại Điều 10 của Điều lệ Công ty Shell gas Hải Phòng cũng quy định: ... “Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc sẽ được bổ nhiệm cho mỗi khoảng thời gian mà Hội đồng có thể quyết định và cũng có thể bị Hội đồng phế truất vào bất cứ lúc nào bằng một nghị quyết....”.

Do ông Đặng Vũ T là người người lao động của Tổng Công ty C Việt Nam được cử xuống Công ty TNHH C làm người quản lý phần vốn góp, tham gia Hội đồng quản trị và làm Phó Tổng giám đốc công ty nên khi Tổng Công ty C có Quyết định số 1089/QĐ-CNT ngày 25/12/2014 và Công văn số 3600/CNT-TCNS ngày 26/12/2014 về việc thay đổi người đại diện, theo đó ông Đặng Vũ T không còn được cử làm người đại diện phần vốn góp nên Hội đồng quản trị Công ty TNHH C đã căn cứ vào hai văn bản trên ban hành Nghị quyết bãi miễn ông Toàn khỏi Hội đồng quản trị là đúng. Cùng ngày 23/01/2015, Công ty có Thông báo số 04/2015/CV đề nghị Tổng Công ty C bố trí công việc và thực hiện các chế độ chính sách đối với ông Đặng Vũ T, có Thông báo số 05/2015/CV yêu cầu ông

Toàn bàn giao công việc mà mình đang đảm nhiệm trước ngày 31/01/2015 là phù hợp với quy định tại khoản 7.5 Điều 7, Điều 10 của Điều lệ Công ty TNHH C.

Trong thời gian ông Đặng Vũ T làm việc tại Công ty TNHH C, ông Toàn được đảm bảo đầy đủ quyền lợi, tiền lương và các chế độ khác, được tăng lương hàng năm, được đóng bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế theo. Ông Toàn đã được thanh toán tiền lương hết tháng 01/2015. Từ tháng 02/2015, tiền lương và chế độ khác của ông Toàn do Tổng Công ty C chi trả.

Do vậy, việc ông Đặng Vũ T cho rằng kể từ ngày 23/01/2015, Công ty TNHH C không bố trí việc làm, không trả tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội cho ông là vi phạm Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 ngày 10/4/2006 xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông là không có căn cứ. Công ty TNHH C không phải bồi thường các khoản tiền lương cho ông Toàn.

Tòa án cấp sơ thẩm công nhận tính hợp pháp của Hợp đồng, xác định Công ty TNHH C đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông Toàn; buộc Công ty phải nhận ông Toàn trở lại làm việc theo Hợp đồng lao động, bồi thường theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động là không đúng. Trên thực tế Hợp đồng lao động này không được các bên thực hiện do: Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 không có nội dung công việc, trong hợp đồng ghi công việc phải làm là “theo bản mô tả công việc” nhưng ông Toàn không cung cấp được bản mô tả công việc mà mình phải làm và trên thực tế tại Công ty Citygas không ban hành bản mô tả công việc nào.

Ông Toàn trình bày, trong quá trình làm việc tại Công ty Shell Gas Hải Phòng, ông Toàn không nhận tiền lương hay bất cứ một chế độ nào từ Vinashin. Tiền lương và các chế độ của ông Toàn do Công ty Shell Gas Hải Phòng trả theo Hợp đồng lao động số SGH/2006/71. Tuy nhiên, ông là người đại diện của SBIC tham gia quản lý vốn của SBIC tại Shell gas Hải Phòng nên Shell gas Hải Phòng sẽ trả tiền lương, thưởng và quyền lợi của người đại diện là đúng quy định tại Điều 47của Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính Phủ. Điều 47 quy định về Tiền lương, thưởng và quyền lợi của người đại diện như sau:

1. Người đại diện tham gia ban quản lý, điều hành doanh nghiệp khác được hưởng lương, phụ cấp, thưởng và các quyền lợi khác theo quy định trong điều lệ doanh nghiệp đó và do doanh nghiệp đó trả.

2. Người đại diện ở doanh nghiệp khác không được doanh nghiệp khác trả lương, phụ cấp, thưởng và các chế độ quyền lợi khác thì đại diện chủ sở hữu vốn là người trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện.

Người đại diện không được cùng lúc hưởng lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác ở cả hai nơi.

Ngay từ ngày 25/10/2005, khi chưa có hợp đồng lao động, ông Toàn đã làm việc và hưởng lương tại Công ty Shell gas Hải Phòng theo đề cử của Vinashin. Điều này thể hiện: Ngày 24/10/2005, Công ty Shell gas Hải Phòng có văn bản thông báo cho Vinashin chấp thuận ông Đặng Vũ T sẽ là Phó tổng giám đốc Shell gas Hải Phòng từ ngày 24/10/2005. Từ khi nhận được văn bản này, Vinashin không có ý kiến phản đối nào.

Như vậy trên thực tế, với chức danh Phó Tổng giám đốc, Shell gas Hải Phòng không có quyền quyết định mà thực hiện theo chỉ định của Vinashin, việc này phù hợp với quy định tại khoản 7.3 Điều 7 của Điều lệ Công ty cũng như Hợp đồng liên doanh ngày 05/5/1995 giữa đối tác Vinashin và đối tác nước ngoài (các bên tham gia liên doanh).

 [3] Về yêu cầu thanh toán tiền nghỉ phép năm 2014 và năm 2015 của ông Toàn là 48.422.727đồng:

Công ty C đồng ý trả tiền phép năm 2014 cho ông Toàn là (35.510.000đ/22 ngày) x 17 ngày = 27.439.545đồng là phù hợp quy định tại Điều 111, Điểu 112 của Bộ luật Lao động, bởi lẽ trong năm 2014 ông Toàn vẫn đang làm việc tại Công ty C. Mặc dù ông Toàn yêu cầu tiền nghỉ phép trong hai năm là 48.422.727 đồng nhưng C đã chấp nhận trả tiền phép năm 2014 cho ông Toàn 27.439.545đồng nên Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm của C, theo hướng có lợi cho ông Toàn. Buộc Công ty C phải thanh toán tiền nghỉ phép 2014 cho ông Toàn số tiền 27.439.545đồng.

Đối với tiền nghỉ phép năm 2015: Do ông Toàn đã trở về làm việc tại SIBC nên mọi chế độ của ông Toàn sẽ do SIBC chi trả cho ông Toàn.

Việc ông Toàn căn cứ vào Hợp đồng lao động số SGH/2006/71 ngày 10/4/2006 được ký với Công ty Shell Gas Hải Phòng cho rằng Công ty C đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông là không có căn cứ pháp luật. Mọi chế độ của ông Toàn khi làm việc tại Công ty C đã được Công ty chi trả đầy đủ, đã đảm bảo quyền lợi của ông Toàn. Do vậy, các yêu cầu bồi thường khác của ông Toàn đối với Công ty C không có căn cứ chấp nhận.

Từ những phân tích trên, căn cứ vào khoản 2 Điều 308; khoản 1 Điều 309 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Toàn; chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty C, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

[4] Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị được giữ nguyên.

[5] Về án phí lao động sơ thẩm: Sửa lại phần án phí lao động sơ thẩm đối với Công ty TNHH C. Ông Đặng Vũ T được miễn nộp toàn bộ án phí lao động sơ thẩm.

[6] Về án phí lao động phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên Công ty TNHH C không phải chịu án phí lao động phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Ðiều 32, khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148, khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào các Điều 30, Điều 38, Điều 41, Điều 42, Điều 111, Điều 112 của Bộ luật Lao động;

Căn cứ khoản 2 Điều 29 và Điều 48 của Nghị định 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án;

Căn cứ vào khoản 2 Điều 11 của Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12 về án phí, lệ phí Toà án ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Sửa Bản án sơ thẩm:

[1] Chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty TNHH C và chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

[2] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Vũ T: Buộc Công ty C phải thanh toán tiền nghỉ phép 2014 cho ông Toàn số tiền 27.439.545đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

[3] Đình chỉ giải quyết yêu cầu của ông Đặng Vũ T về việc buộc Công ty TNHH C phải trả khoản tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; tiền thưởng năm 2014; tiền lãi do chậm thanh toán các khoản; tổng cộng là 270.794.960 đồng (hai trăm bảy mươi triệu bảy trăm chín mươi bốn nghìn chín trăm sáu mươi đồng).

[4] Về án phí lao động sơ thẩm:

Sửa lại phần án phí lao động sơ thẩm: Công ty TNHH C phải chịu 1.371.977đồng (một triệu ba trăm bảy mươi mốt nghìn chín trăm bảy mươi bảy đồng) án phí lao động sơ thẩm.

Ông Đặng Vũ T được miễn nộp toàn bộ án phí lao động sơ thẩm.

[5] Về án phí lao động phúc thẩm: Công ty TNHH C không phải chịu án phí phúc thẩm. Trả lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 (ba trăm nghìn) đồng theo biên lai số 001895 ngày 18/7/2017 của Chi cục thi hành án dân sự quận Ngô Quyền cho Công ty TNHH C.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi thành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành dân sự đựơc thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1364
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2017/LĐ-PT ngày 30/11/2017 về tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:04/2017/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 30/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!