Bản án 04/2019/DS-PT ngày 18/01/2019 về tranh chấp thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 04/2019/DS-PT NGÀY 18/01/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ

Trong các ngày 14 và 18 tháng 01 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử công khai phúc thẩm vụ án thụ lý số 123/2018/TLPT-DS ngày 14/12/2018 về “Tranh chấp thừa kế”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2018/DSST ngày 20/09/2018 của Toà án nhân dân huyện P bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 03/2019/QĐPT-DS ngày 03 tháng 01 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1 Bà Trần Thị A, sinh năm 1954 (có mặt)

Địa chỉ: Tổ 3, Kp 2, phường P, thị xã P, Bình Phước.

1.2 Ông Trần Văn B, sinh năm 1956 (vắng mặt)

Địa chỉ: Số 263A, tổ 9, Khu P, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bình Phước

1.3 Ông Trần Văn T, sinh năm 1959 (vắng mặt)

Địa chỉ: Khu P, phường L, thị xã P, tỉnh Bình Phước.

Người đại diện theo ủy quyền của ông B, ông T: Ông Bùi Phúc Q, sinh năm 1983 (Theo văn bản ủy quyền số 00002498 và 00002499 ngày 20/4/2018) (có mặt)

Địa chỉ: Ấp 1, xã T, huyện Đ, tỉnh Bình Phước

1.4 Bà Trần Thị Bích L, sinh năm 1957 (có mặt)

Địa chỉ: KP 2, phường P, thị xã P, tỉnh Bình Phước.

1.5 Ông Trần Văn H, sinh năm 1964 (có mặt)

Địa chỉ: KP 2, phường L, thị xã P, tỉnh Bình Phước.

2. Bị đơn: Ông Trần Văn N, sinh năm 1970 (có mặt)

Địa chỉ: Thôn P, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1 Bà Trần Thị Cẩm S, sinh năm 1974

Địa chỉ: Tổ 4, KP 8, P. L, thị xã P, Bình Phước.

3.2 Bà Trần Thị N, sinh năm 1971 (có mặt);

3.3 Anh Trần Tiến Đ, sinh năm 1994 (có mặt);

3.4 Anh Trần Đức A;

3.5 Anh Trần Nhật M, sinh năm 1999.

Địa chỉ: Thôn P, xã B, huyện P, Bình Phước.

3.6 Ông Cao C, sinh năm 1980;

3.7 Bà Huỳnh Thị Minh Th, sinh năm 1979

Địa chỉ: Khu P, phường P, thị xã P, tỉnh Bình Phước.

(Đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị Cẩm S, bà Trần Thị N, anh Trần Đức A; anh Trần Nhật M, ông Cao C, bà Huỳnh Thị Minh Th không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập)

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Trần Văn N, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 21/02/2018 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 01/5/2018 nguyên đơn bà Trần Thị A trình bày:

Tháng 3/1975 ba chị em bà A là Trần Văn T, Trần Thị Bích L và bà A được Ủy ban nhân dân xã P, huyện P, tỉnh S (cũ) cấp cho mỗi người 4.000m2 đất, tổng diện tích đất được cấp của cả 3 người là 12.000m2 tại khu N, xã P, huyện P (nay thuộc thôn P, xã B, huyện P), toàn bộ diện tích đất của 3 chị em được cấp liền thổ với nhau. Khi cấp không có quyết định cấp đất, chỉ có giấy xác nhận của ông thôn trưởng lúc đó là ông Nguyễn Ngọc B – địa chỉ: ở tỉnh B. Lúc đó do mới giải phóng nên tiêu chuẩn của mỗi người được cấp chiều ngang đất là 120m, còn chiều dài ai muốn khai phá bao nhiêu cũng được. Lúc đó mẹ bà A là Trần Thị N đang sống tại huyện B, tỉnh B với các em bà là Trần Văn B, Trần Văn H, Trần Văn N, Trần Thị S còn bố bà là cụ Trần Văn T đã chết năm 1967. Sau khi được cấp đất, đến tháng 6/1975, chị em bà rước mẹ (cụ N) và các em đến sinh sống tại phần đất ba chị em bà được cấp, gia đình bà cũng sống cùng phần đất đó với mẹ và các em. Đến năm 1992, cả ba chị em bà A thống nhất chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất được cấp cho bà Đ (không Nớ họ) hiện đang ở L, thị xã P được 1,2 cây vàng 24K. Việc mua bán do một mình bà A tiến hành, giữa hai bên chỉ thỏa thuận chuyển nhượng với nhau bằng miệng chứ không làm giấy tờ. Số vàng có được sau khi chuyển nhượng đất cho bà Đ, bà A mua lại miếng đất có diện tích khoảng 3.000m2 của ông Nguyễn Văn H – địa chỉ: Khu P, phường L, thị xã P với giá 03 chỉ vàng 24K, thời điểm nhận chuyển nhượng đất của ông H cũng trong năm 1992. Đất của ông H chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là GCNQSDĐ), giữa hai bên không làm giấy tờ mua bán đất nhưng hiện nay ông H có viết giấy xác nhận bán đất cho bà. Chị em bà A bán đất lấy tiền mua miếng đất mới của ông H và mua tranh nứa làm nhà để cho cụ N ở, còn lúc đó ông N đang đi nghĩa vụ quân sự. Thời điểm đó chị em bà đã có gia đình riêng nên ở riêng hết, chỉ có một mình cụ N ở trên đất. Chị em bà xác định mua đất cho mẹ ở, sau này tính sau.

Năm 1993, ông N hoàn thành nghĩa vụ quân sự và về kết hôn với bà Trần Thị N, vợ chồng ông N sinh sống trên phần đất mới chị em bà A mua cho cụ N. Trong quá trình sinh sống trên đất, vợ chồng ông N trồng khoảng 500 cây cao su trên đất, phá ngôi nhà tranh và dựng 01 ngôi nhà bằng tôn, lợp proximăng, láng nền xi măng.

Tháng 8/1993, cụ N chết không để lại di chúc, chị em bà A xây mộ cho cụ N trên đất cụ N đang ở. Vợ chồng ông N vẫn tiếp tục quản lý sử dụng đất sau khi cụ N chết. Bà xác định miếng đất chị em bà mua cho mẹ là cho hẳn mẹ nên là di sản thừa kế mẹ bà để lại sau khi chết. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ N gồm có: Bà A, Trần Thị Bích L, Trần Văn B, Trần Văn T, Trần Văn H, Trần Văn N và Trần Thị S, ngoài ra không còn ai khác.

Tháng 8/2017, chị em bà phát hiện ông N đã đập mộ của cụ N mang đi chôn chỗ khác. Chị em bà đã mời công an xã B đến lập biên bản, làm việc với vợ chồng ông N, lúc đó bà mới biết ông N đã được cấp GCNQSDĐ từ năm 1994 và vợ chồng ông N đã chuyển nhượng toàn bộ phần đất chị em bà mua cho cụ N ở cho ông Cao C từ tháng 6/2017. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông C đã cưa hết cao su trên đất và phá ngôi nhà tôn, ủi đất bằng phẳng.

Sau khi phát hiện ra ông N bán đất của mẹ, chị em bà có nói chuyện yêu cầu cả 2 vợ chồng ông N chia số tiền có được khi chuyển nhượng đất cho ông C nhưng vợ chồng ông N không đồng ý chia mà còn chửi bới, thách thức chị em bà đi kiện. Do đó, bà khởi kiện yêu cầu ông N phải sử dụng số tiền bán đất cho vợ chồng ông C là 2.400.000.000đ (Hai tỷ bốn trăm triệu đồng) chia làm 6 phần bằng nhau cho 6 chị em. Ngoài ra, bà không có yêu cầu nào khác.

Các đồng nguyên đơn Trần Văn T, Trần Thị Bích L có lời khai tương tự với lời khai của bà Trần Thị A. 

Nguyên đơn ông Trần Văn B trình bày:

Trước năm 1975 ông sống cùng với mẹ (cụ Trần Thị N) và các em tại huyện B, tỉnh Bình Dương, bố ông là Trần Văn T đã chết năm 1967. Sau ngày 30/4/1975, chị hai ông (bà A) rước mẹ, ông và các em đến sống chung tại khu đất N trên do bà A, bà L và ông T được cấp từ năm 1974 đến năm 1975, sau giải phóng thì người dân được cấp đất tái định cư. Đến năm 1992, bà A bán lô đất trên cho bà Đ lấy tiền mua miếng đất diện tích khoảng 03 sào nay thuộc thôn P, xã B, huyện P của ông Nguyễn Văn H cho mẹ ông ở. Lúc này các chị em trong gia đình đã có gia đình riêng, ở riêng chỉ còn em trai ông là Trần Văn N đang đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1993, ông N hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, xây dựng gia đình và sống chung với mẹ ông. Năm 1994 mẹ ông mất. Chị em ông thống nhất xây mộ cho mẹ tại vườn nhà để vợ chồng ông N ở đó chăm sóc ngôi mộ cho mẹ và giữ đất hương hỏa để hàng năm các anh chị em trong gia đình đến thắp hương, cúng giỗ chứ tuyệt đối ông N không được bán đất. Đến tháng 8/2017, chị em ông phát hiện vợ chồng ông N đã đào mộ mẹ lên để bán đất mà không cho chị em ông biết. Ông xác định đất là tài sản của mẹ ông để lại chứ không phải là tài sản của ông N. Do đó, ông đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu ông N phải sử dụng số tiền bán đất chia đều cho 6 chị em ông.

Nguyên đơn ông Trần Văn H trình bày:

Ông H thống nhất lời trình bày của bà Trần Thị A, bà Trần Thị Bích L, ông Trần Văn B, Trần Văn T về những người thừa kế của bà N, về thời gian ông chuyển đến huyện P (tỉnh Sông Bé) sinh sống trên khu vực N (nay là thôn P, xã B, huyện P) do bà A, bà L, ông T được UBND xã P cấp. Ông xác định diện tích đất 1,2ha được Nhà nước cấp là đất rừng, mẹ ông và các anh chị em trong gia đình phải tự khai phá đất, ông không Nớ diện tích đất gia đình ông được khai phá là bao nhiêu vì lúc đó ông còn nhỏ chỉ khoảng 10 tuổi. Diện tích đất tranh chấp khoảng 3.000m2 hiện nay đang tranh chấp là do bà A bán diện tích đất 1,2ha để nhận chuyển lại từ ông H. Ông xác định số tiền mua đất của ông H là từ tiền bán đất là tài sản chung của mẹ ông và các anh chị em trong gia đình. Sau khi mẹ ông chết, vợ chồng ông N vẫn sinh sống trên phần đất chị em ông mua cho mẹ. Sau này khi vợ chồng ông N chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông C, chị em ông mới biết ông N đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất mẹ ông để lại.

Ông đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu ông N đưa lại cho chị em ông số tiền 500.000.000 (Năm trăm triệu) đồng để chị em ông có tiền mua lại một miếng đất nhỏ khác xây am thờ mẹ.

Bị đơn ông Trần Văn N trình bày:

Ông sinh ra tại tỉnh Bình Dương, đến năm ông khoảng 07 tuổi thì ông, mẹ ông (cụ N) và em gái là Trần Thị S chuyển đến huyện P ở. Ban đầu khi mới đến P, mẹ con ông gồm: ông, mẹ (cụ N), bà A, ông H, ông B tự khai phá đất ở bưng có diện tích khoảng hơn 01 ha nay thuộc tổ 7, xã P, thị xã P. Bà L và ông T không tham gia khai phá đất vì 2 người lúc đó đang công tác tại Công ty cao su. Do ông và mẹ ông không có điều kiện để làm nên đã cho bà A canh tác 2/3 diện tích đất, còn lại ½ diện tích đất thì ông sử dụng một nửa, ông H sử dụng một nửa. Chị em ông tự chia như vậy để sử dụng. Sau đó ông H bán lại phần đất được chia cho bà A, lúc đó bà A, bà L, ông T, ông B và H đã có gia đình và ở riêng chỗ khác.

Năm 1990, ông đi nghĩa vụ quân sự, đến tháng 3/1993 hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương và sống cùng với mẹ ông. Trong thời gian ông đi nghĩa vụ quân sự thì bà A đứng ra bán toàn bộ đất mà mẹ con ông tự khai phá được. Trước khi bán, bà A có hỏi ý kiến mẹ ông thì mẹ ông đồng ý cho bán cả phần đất của ông và bảo bà A phải mua miếng đất khác trả cho ông thì mẹ ông mới cho bán. Ông không biết bà A bán đất cho ai nhưng phần đất của ông bán được 03 chỉ vàng 9999, mẹ ông đã sử dụng số vàng này mua mảnh đất khác có diện tích 2.600m2 tại thôn P, xã B, huyện P trả cho ông. Ông xác định miếng đất này là đất của ông do mẹ ông mua cho ông vì lúc đó các anh chị em trong gia đình đã đi xây dựng gia đình và ở riêng, chỉ còn ông sống chung và phụng dưỡng mẹ nên sau khi mẹ ông chết thì đất đương nhiên là của ông.

Năm 1994, ông kết hôn với bà Trần Thị N, vợ chồng ông sống chung với mẹ. Năm 1994, mẹ ông mất không để lại di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất của mẹ ông gồm có: Trần Thị A, Trần Văn B, Trần Văn T, Trần Thị Bích L, Trần Văn H, Trần Văn N và Trần Thị Cẩm S. Sau khi mẹ ông mất, bà L và bà A bảo ông làm thủ tục cấp GCNQSDĐ để sau này không ai tranh chấp. Do đó, ông đã làm thủ tục cấp GCNQSDĐ và được UBND huyện P (cũ) cấp GCNQSDĐ mang tên ông.

Khoảng tháng 8/2017, vợ chồng ông đã chuyển nhượng miếng đất trên cho vợ chồng ông Cao C và bà Huỳnh Thị Minh Th với giá 2.400.000.000đ (Hai tỷ bốn trăm triệu đồng) nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng chi ghỉ 700 triệu đồng để giảm số thuế phải nộp. Từ khi chuyển đến ở trên đất do mẹ ông mua cho ông đến khi chuyển nhượng cho vợ chồng ông C, bà Th chỉ khai phá, sử dụng đất chứ không khai phá mở rộng thêm đất.

Ông N không đồng ý chia di sản thừa kế là số tiền chuyển nhượng đất theo yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn vì đất là tài sản của mẹ ông cho ông, ông đã được cấp GCNQSDĐ nên không ai có quyền chia thừa kế.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N trình bày:

Bà là vợ của ông Trần Văn N, bà thống nhất với lời trình bày của ông N về nguồn gốc diện tích đất 3.000m2. Khi bà kết hôn với ông N, mẹ chồng bà (cụ N) có nói là mua mảnh đất này cho vợ chồng bà vì các anh chị em trong gia đình đều đã có phần riêng hết rồi. Hiện nay vợ chồng bà đã chuyển nhượng lại diện tích đất tranh chấp cho ông Cao C, bà Huỳnh Thị Minh Th với giá 2.400.000.000 đồng, bà không đồng ý với yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn vì vợ chồng bà đã được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ nên vợ chồng bà có quyền bán đất.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị Cẩm S trình bày :

Bà là anh em cùng cha cùng mẹ với ông Trần Văn N, còn bà L, bà A, ông B, ông T, ông H là anh chị em cùng mẹ khác cha.

Khi bà còn nhỏ, bà và gia đình chuyển đến P ở. Do lúc đó bà còn nhỏ nên bà không biết ban đầu gia đình bà ở đâu, đến lúc biết thì bà thấy bà và mẹ (cụ N), ông N sống với nhau tại mảnh đất có diện tích khoảng 2.600m2 do ông N được UBND huyện P (cũ) cấp GCNQSDĐ. Mảnh đất có nguồn gốc do mẹ bà bán miếng đất dưới bưng (bà không biết địa chỉ cụ thể) rồi mua miếng đất trên cho ông N để ông N sống cùng mẹ và phụng dưỡng mẹ vì lúc đó các anh chị em trong gia đình đều đã có gia đình riêng và sống riêng. Năm 1993, bà Ne mẹ nói mảnh đất này mẹ mua cho ông N còn các anh chị em khác đều đã có phần riêng hết rồi.Tháng 4/1994 ông N xây dựng gia đình với bà N, vợ chồng ông N sống chung cùng với mẹ. Ngày 18/7 (âm lịch)/1994 mẹ bà mất không để lại di chúc. Sau khi mẹ mất, vợ chồng ông N đứng ra lo ma chay, cúng giỗ mẹ. Sau này vợ chồng ông N chuyển nhượng đất cho người khác, bà không biết vợ chồng ông N chuyển nhượng đất cho ai, được bao nhiêu tiền vì đó là chuyện riêng của vợ chồng ông N. Đất mẹ bà đã cho vợ chồng ông N từ lúc mẹ bà còn sống và vợ chồng ông N đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ nên vợ chồng ông N được quyền sử dụng, bán, không ai có quyền yêu cầu chia.

Trong trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì bà từ chối không nhận phần của bà, bà tặng lại cho vợ chồng ông N và bà N phần của bà được hưởng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2018/DSST ngày 20/9/2018 của Toà án nhân dân huyện P đã tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L và ông Trần Văn H.

Xác định mảnh đất có diện tích 2.630m2 tại thôn P, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước trước khi ông Trần Văn N và bà Trần Thị N chuyển nhượng cho ông Cao C và bà Huỳnh Thị Minh Th là di sản thừa kế của cụ Trần Thị N. Do ông N, bà N đã chuyển nhượng đất cho ông C, bà Th với số tiền 2.400.000.000đ (Hai tỷ bốn trăm triệu đồng) nên số tiền này là di sản thừa kế của cụ Trần Thị N.

Ông Trần Văn N và bà Trần Thị N được hưởng 20% của số tiền 2.400.000.000đ (Hai tỷ bốn trăm triệu đồng) = 480.000.000đ (Bốn trăm tám mươi triệu đồng).

Số tiền còn lại 1.920.000.000đ (Một tỷ chín trăm hai mươi triệu đồng): 7 = 274.285.000đ (Hai trăm bảy mươi tư triệu hai trăm tám mươi lăm nghìn đồng). Bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L, ông Trần Văn H, ông Trần Văn N và bà Trần Thị Cẩm S mỗi người được hưởng 274.285.000đ (Hai trăm bảy mươi tư triệu hai trăm tám mươi lăm nghìn đồng).

Ghi nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị Cẩm S tặng lại toàn bộ kỷ phần được hưởng là 274.285.000đ (Hai trăm bảy mươi tư triệu hai trăm tám mươi lăm nghìn đồng) cho ông Trần Văn N và bà Trần Thị N.

Buộc ông Trần Văn N và bà Trần Thị N phải hoàn lại giá trị kỷ phần cho bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L và ông Trần Văn H mỗi người 274.285.000đ (Hai trăm bảy mươi tư triệu hai trăm tám mươi lăm nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về phần án phí, nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 10/10/2018 bị đơn ông Trần Văn N và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do: Diện tích đất 2.630m2 không phải là di sản thừa kế của cụ Trần Thị N để lại mà là tài sản cụ N tặng cho ông N, ông N đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1994; Tại đơn kháng cáo bổ sung ngày 11/10/2018 ông N và bà N lại cho rằng diện tích đất 2.630m2 do bà Trần Thị A lấy tiền của ông N nhận chuyển nhượng từ ông H, đây là tài sản riêng của ông N nên hiện nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế thì vợ chồng ông bà không đồng ý. Ngoài ra, ông N và bà N còn kháng cáo cho rằng Tòa án xác định thời hiệu chia thừa kế đối với vụ án trên vẫn còn là không đúng quy định tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông N và bà N xin rút một phần kháng cáo đối với việc xác định thời hiệu chia thừa kế.

Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước:

- Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử: Kể từ ngày thụ lý vụ án và tại phiên tòa Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung giải quyết vụ án: Ông N và bà N kháng cáo cho rằng diện tích đất tranh chấp 2.061m2 là tài sản riêng của ông N nhưng ông N không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của mình. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự thống nhất trong số tiền chuyển nhượng 2.400.000.000 đồng, có 8.000.000 đồng là giá trị 01 căn nhà gỗ, 91 cây cao su (đây là tài sản riêng của ông N, bà N) nên cần trừ số tiền này, di sản còn lại là số tiền 2.392.000.000 đồng. Hơn nữa, từ năm 1994 đến năm 2017 ông N và bà N là người quản lý di sản do cụ N để lại nên cần áp dụng Điều 618 Bộ luật dân sự 2015; Án lệ số 05/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tính một phần công sức đóng góp của ông N, bà N tương ứng 50% giá trị di sản, số tiền còn lại chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ N, ghi nhận sự tự nguyện của bà S tặng lại phần tài sản được hưởng cho ông N, bà N. Do đó, đề nghị HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 308; Điềi 310 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 chấp nhận một phần kháng cáo của ông N, bà N, sửa một phần bản án sơ thẩm; căn cứ khoản 3 Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo về thời hiệu chia thừa kế của ông N, bà N.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn ông Trần Văn N và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N xin rút một phần yêu cầu kháng cáo về thời hiệu chia thừa kế. Căn cứ khoản 3 Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo về thời hiệu chia thừa kế của ông N, bà N.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của ông N, bà N cho rằng diện tích đất 2.061m2 tọa lạc tại thôn P, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước không phải là di sản thừa kế do cụ Trần Thị N để lại mà tài sản riêng của ông N. Hội đồng xét xử thấy rằng:

Theo Bản tự khai (bút lục 55); Biên bản lấy lời khai ngày 30/3/2018 (bút lục 56) tại Tòa án cấp sơ thẩm bị đơn ông N trình bày diện tích đất tranh chấp 2.061m2 có nguồn gốc do mẹ ông là cụ Trần Thị N mua cho ông vì trước đây cụ N, ông N, bà A, ông B, ông H cùng nhau khai phá được diện tích đất 01ha tại tổ 7, xã P, thị xã P, tỉnh Bình Phước nhưng trong thời gian ông N thực hiện nghĩa vụ quân sự từ năm 1990 đến năm 1993 thì bà Trần Thị A đã tự chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất 01ha cho người khác trong đó chuyển nhượng luôn cả phần đất của ông N được số tiền là 03 chỉ vàng 9999, nên mẹ ông đã sử dụng số tiền này nhận chuyển nhượng lại diện tích đất 2.061m2 cho ông để sau này ông sống chung và phụng dưỡng cụ N. Tuy nhiên, tại đơn kháng cáo bổ sung ngày 11/10/2018 (bút lục 185) ông N thay đổi lời khai như sau: Trước khi ông N đi nghĩa vụ quân sự thì bà A có nợ ông N số tiền 03 chỉ vàng 9999, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về thì bà A, ông N và ông Phạm Văn M đến nhà ông Nguyễn Văn H thỏa thuận để nhận chuyển nhượng lại diện tích đất 2.061m2; Tại phiên tòa phúc thẩm ông N lại khai năm 1993 ông N cùng ông Đ (chồng bà A), ông M trực tiếp đứng ra nhận chuyển nhượng đất từ ông Nguyễn Văn H, tiền chuyển nhượng là 03 chỉ vàng 9999. Như vậy, lời khai của bị đơn ông N về nguồn gốc diện tích đất 2.061m2 trước sau không thống nhất, ông N cũng không đưa ra được bất kỳ tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc cụ Trần Thị N tặng cho ông diện tích đất 2.061m2 hay là bà A nợ ông 03 chỉ vàng 9999 nên ông lấy số tiền trên để nhận chuyển nhượng đất từ ông Nguyễn Văn H mà tại phiên tòa phúc thẩm chính ông N cũng thừa nhận việc nhận chuyển nhượng là do bà A trực tiếp trả tiền cho ông H.

Trong khi đó, phía các nguyên đơn bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L, ông Trần Văn H cho rằng diện tích đất 2.061m2 tọa lạc tại thôn P, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước có nguồn gốc do bà Trần Thị A nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn H vào năm 1992 để cho mẹ là cụ Trần Thị N sinh sống vì các ông bà đã có gia đình riêng, khi chuyển nhượng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng với giá 03 chỉ vàng 9999, tiền nhận chuyển nhượng diện tích đất 2.061m2 là do bà Trần Thị A chuyển nhượng lại diện tích 12.000m2 mà năm 1975 bà A, bà L, ông T được Ủy ban nhân dân xã P cấp. Chứng cứ chứng minh lời trình bày của các nguyên đơn là Giấy xác nhận của của thôn trưởng Thôn 1 khu N là ông Nguyễn Ngọc B (bút lục 34) và Giấy xác nhận của chủ sử dụng đất cũ là ông Nguyễn Văn H (bút lục 35).

Tại biên bản lấy lời khai ông Nguyễn Văn H ngày 23/4/2018 (bút lục 76) ông H khai: năm 1992 ông H là người chuyển nhượng cho bà A diện tích đất hiện nay các bên đang tranh chấp với giá 03 chỉ vàng 9999, khi đó ông H chỉ giao dịch chuyển nhượng với bà A và nhận tiền từ bà A. Tại biên bản lấy lời khai ông Nguyễn Ngọc B ngày 24/5/2018 (bút lục 82) ông B khai: Năm 1975 UBND xã P có cấp cho hộ bà Trần Thị A diện tích đất 12.000m2 tại khu N, khi đó là cấp cho cả hộ gia đình, sau khi được cấp thì bà A, bà L, ông T sinh sống, đến năm 1981 ông B chuyển về Bình Dương nên sau này có người khác sống hay không thì ông không biết. Tại Biên bản xác minh ngày 07/6/2018 tại Thôn P (bút lục 118) thì diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc do ông Nguyễn Văn H chuyển nhượng cho mẹ con cụ N.

Mặc dù, bị đơn ông N và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà N cho rằng năm 1995 ông N đã được UBND huyện P (cũ) cấp Giấy CNQSDĐ đối với diện tích đất 2.061m2 nên Giấy CNQSDĐ được cấp là căn cứ chứng minh diện tích đất 2.061m2 là tài sản của ông N. Tuy nhiên, như đã phân tích diện tích 2.061m2 là do nguyên đơn bà A nhận chuyển nhượng từ ông H cho cụ N nhưng tại Đơn xin cấp Giấy CNQSDĐ ngày 31/8/1995 ông N, bà N lại kê khai nguồn gốc đất là tự khai phá là không đúng với thực tế.

Từ những cơ sở như trên thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích đất 2.061m2 tọa lạc tại thôn P, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước là di sản do cụ Trần Thị N để lại là phù hợp các tình tiết khách quan, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đúng quy định tại Điều 612 Bộ luật dân sự 2015.

[3] Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự thống nhất thừa nhận năm 2017 vợ chồng ông N, bà N đã chuyển nhượng diện tích đất 2.061m2 cho ông Cao C, bà Huỳnh Thị Minh Th với giá 2.400.000.000 đồng, khi chuyển nhượng trên đất có 01 căn nhà gỗ, 91 cây cao su có giá khoảng 8.000.000 đồng. Số tiền 2.400.000.000 đồng ông C, bà Th đã giao cho vợ chồng ông N, bà N. Sau đó, ông C và bà Th đã cho lại vợ chồng ông N, bà N xác nhà gỗ và cho ông N cắt hết 91 cây cao su, ông C và bà Th đã đổ đất, san lấp mặt bằng nên hiện nay là đất trống. Về việc ông N, bà N chuyển nhượng đất cho ông C, bà Th các nguyên đơn không đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết mà chỉ đề nghị chia số tiền 2.400.000.000 đồng cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ N. Nhưng xét thấy, trong tổng số tiền chuyển nhượng có 8.000.000 đồng là giá trị căn nhà gỗ và 91 cây cao su nên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông N, bà N cần trừ số tiền 8.000.000 đồng là tài sản riêng của vợ chồng ông N, bà N, số tiền chuyển nhượng diện tích đất 2.061m2 còn lại là 2.392.000.000 đồng. Ngoài ra, từ năm 1993 vợ chồng ông N và bà N là người đã đứng ra quản lý, trông coi đất, đóng thuế nhà đất hằng năm nên cần áp dụng Án lệ số 05/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tính một phần công sức đóng góp của ông N, bà N trong việc gìn giữ di sản do cụ N để lại tương ứng 30% số tiền 2.392.000.000 đồng.

[5] Do đó, cần chấp nhận một phần kháng cáo của ông N, bà N. Sửa bản án sơ thẩm cụ thể như sau:

Chia cho ông N, bà N một phần công sức đóng góp là (30% x 2.392.000.000 đồng) = 717.600.000 đồng;

Số tiền còn lại (2.392.000.000 đồng - 717.600.000 đồng) = 1.674.400.000 đồng được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ N như sau: Chia cho bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L, ông Trần Văn H, ông Trần Văn N, bà Trần Thị Cẩm S mỗi người được hưởng số tiền (1.674.400.000 đồng : 7) = 239.200.000 đồng.

Ghi nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị Cẩm S tặng lại toàn bộ kỷ phần được hưởng là 239.200.000 đồng cho ông Trần Văn N, bà Trần Thị N.

Do ông N, bà N đã nhận số tiền chuyển nhượng nên ông N, bà N có trách nhiệm hoàn trả lại cho bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L, ông Trần Văn H mỗi người số tiền 239.200.000 đồng.

[6] Án phí sơ thẩm:

Bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L, ông Trần Văn H, ông Trần Văn N mỗi người phải chịu án phí tương ứng phần tài sản được chia là 11.960.000 đồng.

Ông Trần Văn N, bà Trần Thị N phải chịu án phí đối phần tài sản ông bà được tính công sức đóng góp là 32.704.000 đồng.

[7] Án phí phúc thẩm: Do kháng cáo của ông N, bà N được chấp nhận nên ông N, bà N không phải chịu.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 289, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo về thời hiệu chia thừa kế của bị đơn ông Trần Văn N, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn N, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N.

Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2018/DSST ngày 20/9/2018 của Toà án nhân dân huyện P.

Áp dụng Điều 612, 613, 618, 623, 649, 650, 651 Bộ luât dân sự 2015; Án lệ số 05/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L và ông Trần Văn H.

Xác định diện tích đất 2.630m2 tại thôn P, xã B, huyện P, tỉnh Bình Phước trước khi ông Trần Văn N và bà Trần Thị N chuyển nhượng cho ông Cao C và bà Huỳnh Thị Minh Th là di sản thừa kế của cụ Trần Thị N. Do ông N, bà N đã chuyển nhượng đất cho ông C, bà Th nên số tiền chuyển nhượng 2.392.000.000 đồng (Hai tỷ ba trăm chín mươi hai triệu đồng) là di sản thừa kế của cụ Trần Thị N. 

Chia cho ông Trần Văn N, bà Trần Thị N một phần công sức đóng góp là 717.600.000 đồng (Bảy trăm mười bảy triệu sáu trăm nghìn đồng);

Chia cho bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L, ông Trần Văn H, ông Trần Văn N, bà Trần Thị Cẩm S mỗi người được hưởng số tiền 239.200.000 đồng (Hai trăm ba mươi chín triệu hai trăm nghìn đồng);

Ông Trần Văn N, bà Trần Thị N có trách nhiệm hoàn trả lại cho bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L, ông Trần Văn H mỗi người số tiền 239.200.000 đồng (Hai trăm ba mươi triệu hai trăm nghìn đồng);

Ghi nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị Cẩm S tặng lại toàn bộ kỷ phần bà Trần Thị Cẩm S được hưởng là 239.200.000 đồng cho ông Trần Văn N, bà Trần Thị N.

Án phí sơ thẩm:

Nguyên đơn bà Trần Thị A, ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích L, ông Trần Văn H mỗi người phải chịu án phí tương ứng phần tài sản được chia là 11.960.000 đồng (Mười một triệu chín trăm sáu mươi nghìn đồng), được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí do các nguyên đơn đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí số 026302 ngày 08/3/2018 và 026433 ngày 17/5/2018 của Chi cục thi hành án nhân dân huyện P. Bà Trần Thị A, bà Trần Thị Bích L mỗi người phải nộp tiếp 5.410.000 đồng (Năm triệu bốn trăm mười nghìn đồng); Ông Trần Văn B, ông Trần Văn T, ông Trần Văn H mỗi người phải nộp tiếp 2.860.000 đồng (Hai triệu tám trăm sáu mươi nghìn đồng).

Bị đơn ông Trần Văn N phải chịu án phí đối với tài sản ông Trần Văn N được chia là 11.960.000 đồng (Mười một triệu chín trăm sáu mươi nghìn đồng).

Bị đơn ông Trần Văn N, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N phải chịu án phí đối phần tài sản ông bà được tính công sức đóng góp là 32.704.000 đồng (Ba mươi hai triệu bảy trăm lẻ tư nghìn đồng).

Án phí phúc thẩm: Bị đơn ông Trần Văn N, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị N không phải chịu. Chi cục thi hành án dân sự huyện P hoàn trả cho ông Trần Văn N, bà Trần Thị N số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng đã đóng theo Biên lai thu tiền tạm ứng, án phí lệ phí Tòa án số 026728 ngày 01/11/2018.

Kể từ ngày án có hiệu lực, có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến thi hành xong tất cả các khoản tiền. Hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

637
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2019/DS-PT ngày 18/01/2019 về tranh chấp thừa kế

Số hiệu:04/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 18/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về