Bản án 04/2019/DS-PT ngày 26/04/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất là ngõ đi

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 04/2019/DS-PT NGÀY 26/04/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÀ NGÕ ĐI

Ngày 26 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 08/2019/TLPT-DS ngày 15/02/2019 về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất là ngõ đi.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 05/2018/DS-ST ngày 25/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện T bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2019/QĐ-PT ngày 28 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn S - sinh năm 1961.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Đức L - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hưng Yên

* Bị đơn: Cụ Nguyễn Thế G (tức Nguyễn Văn G ), sinh năm 1927

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Nguyễn Văn S1, sinh năm 1968

* Người làm chứng:

Cụ Trần Thị K, sinh năm 1936

Người được cụ K ủy quyền: Ông Nguyễn Văn T1, sinh năm 1954.

Các đương sự đều có địa chỉ: thôn A, xã A1, huyện T, tỉnh Hưng Yên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông S trình bày: Ông bà nội ông sinh được 03 người con trai gồm: Nguyễn Thế G, Nguyễn Văn T2, Nguyễn Văn S2. Ông là con cụ Nguyễn Văn S2, gọi cụ Nguyễn Thế G là bác ruột. Khi bà nội ông còn sống đã chia đất cho ba người con trai, phần đất cụ G, cụ T2 ở bên ngoài, còn phần đất cho bố ông ở bên trong có 01 ngõ chung đi ra đường làng. Đã nhiều năm gia đình ông sử dụng ngõ đi chung với gia đình cụ G, cụ T2 không xảy ra tranh chấp.

Sau khi bố ông qua đời, mẹ và anh chị em ông sử dụng phần đất được chia cho đến khi xây dựng gia đình riêng thì gia đình họp bàn thống nhất giao ông và ông Nguyễn Văn S1 mỗi người một nửa, đã đứng tên trong sổ sách địa chính, đóng thuế hàng năm nhưng chưa được cấp bìa đỏ. Phần ngõ đi vẫn sử dụng chung với gia đình cụ G, cụ T2 cho đến năm 2009 thì cụ G tự ý xây tường bịt ngõ đi chung lại, không cho ông và ông S1 đi ra đường làng. Ông đã làm đơn gửi UBND xã A1 giải quyết vụ việc, UBND xã đã hòa giải yêu cầu cụ G dỡ bỏ tường xây để anh em ông có lối đi lại. Đến tháng 11/2016 cụ G tiếp tục xây tường, xây bếp trên phần ngõ đi chung. Anh em ông phải tạo lối đi tạm men theo bờ ao để ra đường làng. Ông tiếp tục gửi đơn đề nghị UBND xã A1 giải quyết vụ việc nhưng không được. Vì vậy, ông S khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần đất tranh chấp là ngõ đi chung, buộc cụ G phải phá bỏ tường, bếp đã xây trên ngõ để anh em ông có lối đi lại và bồi thường thiệt hại số tiền 60.000.000 đồng do không có ngõ đi sinh hoạt, sản xuất. Sau đó ông S rút yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bị đơn cụ Nguyễn Thế G trình bày: cụ G xác nhận mối quan hệ huyết thống và việc phân chia đất đai như nguyên đơn trình bày là đúng. Khoảng năm 1940 bố mất, đến năm 1954 mẹ tiến hành chia đất cho 03 người con trai liền kề nhau. Cụ G, cụ T2 mỗi người được chia 03 miếng đất phía ngoài đều có hố bom trên đất, cụ S2 còn nhỏ chưa có vợ con nên mẹ và các anh ưu tiên chia cho 06 miếng đất ở bên trong không có lối đi, nên cụ T2 phải để ra 02 mét đất chiều rộng dọc theo khổ đất để làm ngõ đi riêng. Cụ G, cụ T2 đi ở những lối khác nhau cho đến những năm 1980 thì san lấp thùng vũng để có lối đi chung như ngày nay. Cũng trong năm 1980, cụ G xây nhà nhưng không xây hết đất để lại 01 gian do khả năng kinh tế không có. Cụ Phạm Thị D (vợ cụ S2) cùng các con còn nhỏ, nên cụ G để 01 lối nhỏ cho đi tạm sang nhà và cũng là để cụ sang chăm sóc các cháu cho thuận tiện. Cụ D và các con vẫn đi tạm ngõ cho đến năm 2009 thì xảy ra tranh chấp đất đai giữa anh em ông S, cụ D đã rào ngõ lại không cho ông S đổi đất với ông S1, nhưng ông S lại làm đơn gửi UBND xã A1 giải quyết. Ông S còn tỏ thái độ hỗn láo nên cụ G xây tường bịt lối đi, làm 01 gian bếp nhỏ đun nấu, không cho ông S, ông S1 đi nhờ nữa. Đất gia đình cụ đã được chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2014, không cấp phần đất ngõ vào đất của gia đình cụ là sai. Trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cụ G không chấp nhận vì sai sự thật, đề nghị Tòa án bác bỏ đơn khởi kiện của ông S.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ông Nguyễn Văn S1 đồng ý với lời trình bày và yều cầu của ông Nguyễn Văn S, đề nghị Tòa án xác định đất tranh chấp là ngõ đi chung, buộc cụ G phải phá bỏ tường, bếp đã xây trả lại ngõ đi cho anh em ông. Ông S1 trình bày từ trước đến nay, gia đình ông vẫn đi ngõ chung để ra đường làng. Khi xóm tiến hành tu sửa, nâng cấp đổ bê tông ngõ ông đều đóng góp công và tiền của cùng gia đình cụ G và gia đình cụ K.

Người làm chứng: cụ Trần Thị K xác nhận lời trình bày của bị đơn cụ Nguyễn Thế G là đúng sự thật, đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông S, xác định phần đất tranh chấp không phải ngõ đi chung mà là đất của cụ G.

Xác minh tại UBND xã A1: đất gia đình cụ G, cụ T2 (đã được cấp bìa đỏ mang tên vợ là cụ K), cụ S2 (vợ là cụ D) có nguồn gốc là của cha ông để lại chia cho liền kề nhau. Theo hồ sơ, sổ sách địa chính qua các thời kỳ đều thể hiện có 01 ngõ đi chung, cụ thể như sau: Theo bản đồ 299 đo vẽ năm 1986 có 01 ngõ đi chung từ đường thôn A, xã A1 qua đất đứng tên hộ cụ S2 (tức cụ D vợ cụ S2) đến đất hộ ông Nguyễn Văn S2 ra ngõ xóm của hộ gia đình ông Bùi Văn Đ. Trên ngõ có các thửa đất tại tờ bản đồ số 08 đứng tên Nguyễn Văn G tại thửa số 233 diện tích 645m2; thửa số 662 đứng tên Nguyễn Thị S2 diện tích 203m2; thửa số 263 đứng tên Nguyễn Văn S1 diện tích 300m2 (theo bản đồ, còn sổ mục kê ghi 261m2); thửa số 264 đứng tên Nguyễn Văn T2 diện tích 252m2.

Theo bản đồ đo vẽ năm 1998 thể hiện có 01 ngõ đi chạy từ đường làng thôn A thẳng vào đất hộ ông Nguyễn Văn S1 đến phần đất ao đứng tên Nguyễn Văn S (phần đất ao do ông S tự mua, không phải đất các cụ để lại). Trên bản đồ không còn thể hiện phần ngõ đi nối vào phần ngõ qua nhà ông Bùi Văn Đ như bản đồ 299 nữa. Các thửa đất nằm trên phần ngõ đi đều thể hiện tại tờ bản đồ số 15, số thửa như sau: Số 323 diện tích 619,4m2 đng tên chủ sử dụng Nguyễn Văn G; số 340 diện tích 111,4m2 và số 353 diện tích 306,3m2 đng tên Nguyễn Văn S1; số 356 diện tích 332,6m2 đứng tên Nguyễn Văn T1; số 339 diện tích 211,1m2 và số 254 diện tích 175,1m2 đng tên chủ sử dụng Nguyễn Văn S.

Theo bản đồ Vlap số hóa năm 2015 vẫn thể hiện có 01 ngõ đi chạy từ đường làng thôn A đến đất hộ ông Nguyễn Văn S, trên bản đồ thể hiện ngõ đi qua các thửa đất tại tờ bản đồ số 19 gồm; thửa số 101 diện tích 110,8m2 và thửa số 126 diện tích 115,8m2 mang tên Nguyễn Văn S1; thửa số 102 diện tích 618,4m2 mang tên Nguyễn Thế G; thửa số 127 diện tích 330,6m2 mang tên Trần Thị K; thửa số 99 diện tích 209,2m2 và thửa số 100 diện tích 175,8m2 mang tên Nguyễn Văn S. Đất đứng tên cụ G, cụ K đã được UBND huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 03/12/2014 đúng số tờ, số thửa, diện tích như bản đồ Vlap. Còn đất mang tên ông S1, ông S chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tòa án nhân dân huyện T tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ ngày 01/11/2018, đo vẽ hiện trạng phần ngõ đất đang tranh chấp xác định: Phần ngõ đang tranh chấp thể hiện ở cuối ngõ đi từ đường làng thôn A vào phần đất ông Nguyễn Văn S, Nguyễn Văn S1 đang sử dụng. Hiện có 05 hộ gia đình đang sử dụng ngõ đi gồm: gia đình ông Tư T3, ông Lê Văn K1, ông Hoàng Văn B, cụ Nguyễn Thế G và gia đình ông Nguyễn Văn T1 (sống cùng cụ Trần Thị K ). Ở cuối ngõ giáp đất ông T4 cụ G xây 01 bếp nhỏ lợp Prooximăng, chiều rộng phía Nam 2,2m, phía Bắc rộng 1,85m, còn tường phía Đông và phía Tây là tường nhà của cụ G và cụ T2.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 05/2018/DS-ST ngày 25/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện T đã quyết định: Căn cứ Điều 166, 170, 202, 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 160; 163; 164 Bộ luật dân sự; khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 146, khoản 1 Điều 147, Điều 158 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn S.

Xác định phần ngõ đang tranh chấp là ngõ đi chung. Buộc cụ Nguyễn Thế G phải tự phá bỏ 01 đoạn tường xây, 01 gian bếp nhỏ đã xây trên ngõ để trả lại ngõ đi chung cho gia đình ông Nguyễn Văn S, gia đình ông Nguyễn Văn S1 (Có sơ đồ cụ thể kèm theo).

Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí, về chi phí tố tụng khác, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/01/2019 cụ Nguyễn Thế G kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giải quyết ngõ đi của gia đình cụ theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị đơn, cụ Nguyễn Thế G giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S.

Ông Nguyễn Văn S giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Ông S và Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông S đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.

Về đường lối giải quyết vụ án: kháng cáo của cụ G là không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của cụ Nguyễn Thế G, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ, HĐXX nhận định:

[1] Về tố tụng: Bị đơn kháng cáo trong thời hạn quy định của pháp luật, cụ G là người cao tuổi nên được miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên thụ lý vụ án là đúng quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung:

[2. 1]. Về thẩm quyền giải quyết:

Nguyên đơn, ông Nguyễn Văn S khởi kiện yêu cầu bị đơn phá tường, bếp để trả lại ngõ, xác định ngõ đi chung, cấp sơ thẩm đã thụ lý giải quyết là đúng theo quy định tại khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2. 2]. Về yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn:

Bố ông S là cụ S2 là em của cụ G và cụ T2. Nguồn gốc đất của cụ G, cụ T2 và cụ S2 là do bố mẹ các cụ để lại. Đến năm 1954 thì mẹ cụ G phân chia đất cho các con. Mọi người ở ổn định từ đó cho đến nay. Năm 2009 xảy ra tranh chấp, cụ G đã xây tường, xây bếp không cho gia đình ông S và ông S1 đi ra ngõ đi chung. Căn cứ vào lời khai của ông S, các tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ, Hội đồng xét xử thấy: Ngõ đi hiện đang tranh chấp được hình thành từ khi các cụ phân chia đất cho cụ G, cụ T2 và cụ S2, được thể hiện trên giấy tờ sổ sách của địa phương qua các thời kỳ như bản đồ 299 đo vẽ năm 1986, năm 1998 và bản đồ VLAP đo vẽ năm 2015 . Ngõ đi này có nhiều hộ đi chung chứ không phải chỉ riêng anh em nhà ông S. Khi địa phương tiến hành nâng cấp, bê tông hóa ngõ đi, ông S1 đã đóng góp tiền, công sức cùng mọi người trong việc nâng cấp ngõ đi này. Cụ G cho rằng ngõ đi là phần đất của gia đình được chia từ năm 1954, do chưa sử dụng nên cho mẹ ông S là cụ D đi nhờ nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh. Cụ G cũng thừa nhận năm 1954 mẹ của cụ phân chia đất cho 03 con trai liền kề nhau, bố ông S là cụ S2 được chia ở trong không có lối đi. Vì vậy khi mẹ các cụ phân chia sẽ phải thống nhất để lại ngõ đi ra đường làng, chứ không thể phân chia đất cho các con mà không có ngõ đi. Mặt khác, ngày 03/12/2014, đất của gia đình cụ G, cụ K đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại Giấy CNQSDĐ không thể hiện có ngõ đi, diện tích đất đúng như diện tích được thể hiện trên giấy tờ sổ sách của địa phương. Chính vì vậy, Tòa án nhân dân huyện T đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông S, xác định ngõ đang tranh chấp là ngõ đi chung, buộc cụ G phải tháo dỡ tường, bếp xây trên ngõ là đúng quy định của pháp luật.

[3]. Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn:

Cụ G kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giải quyết ngõ đi của gia đình theo quy định của pháp luật. Xét thấy bản án cấp sơ thẩm đã tuyên là đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho đương sự. Trong hồ sơ xin cấp Giấy CNQSDĐ của cụ G, cụ xin cấp diện tích 618,4 m2, kết quả đo đạc địa chính thửa đất là 618,4 m2, không thể hiện phần ngõ bê tông là đất của cụ. Cụ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2014, không có ý kiến thắc mắc gì. Vì vậy không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của cụ G.

[4]. Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tại phiên tòa:

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát xác định bản án cấp sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn giữ nguyên bản án sơ thẩm. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ, được chấp nhận.

[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[6] Về án phí phúc thẩm: Cụ G kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Luật người cao tuổi. Cụ G là người cao tuổi nên miễn toàn bộ tiền án phí dân sự cho cụ theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, cụ Nguyễn Thế G vì không có căn cứ.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 05/2018/DS-ST ngày 25 - 12 - 2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hưng Yên như sau:

Căn cứ Điều 166, 170, 202, 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 160; 163; 164 Bộ luật dân sự; khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 146, khoản 1 Điều 147, Điều 158 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn S.

Xác định phần ngõ đang tranh chấp là ngõ đi chung. Buộc cụ Nguyễn Thế G phải tự phá bỏ 01 đoạn tường xây, 01 gian bếp nhỏ đã xây trên ngõ để trả lại ngõ đi chung cho gia đình ông Nguyễn Văn S, gia đình ông Nguyễn Văn S1 (Có sơ đồ cụ thể kèm theo).

Về án phí: Miễn toàn bộ tiền án phí dân sự phúc thẩm cho cụ Nguyễn Thế G.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

445
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2019/DS-PT ngày 26/04/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất là ngõ đi

Số hiệu:04/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về