Bản án về tranh chấp tiền lương số 06/2016/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ          

BẢN ÁN 06/2016/LĐ-PT NGÀY 19/08/2016 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG 

Trong các ngày 18 và 19 tháng 8 năm 2016 tại Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số: 10/2016/TLPT-LĐ ngà 07 tháng 7 năm 2016 về việc "Tranh chấp tiền lương".

Do bản án lao động sơ thẩm số: 01/2016/LĐST ngày 09/03/2016 của Tòa án nhân dân quận Bình Thủy bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 282/2016/QĐPT-LĐ ngày 19 tháng 7 năm 2016, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Võ Thị Kim H, sinh năm 1972 (Có mặt) Địa chỉ: ấp L, xã T, huyện V, thành phố Cần Thơ.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Viết C – Văn phòng Luật sư Tây Đô – Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ.

- Bị đơn: 1/ Bà Lê Thị D, sinh năm 1967 (Có mặt)

2/ Ông Nguyễn Ngọc T, sinh năm 1966 (Có mặt)

Cùng địa chỉ: Tổ 8, khu vực T, phường Đ, quận B, thành phố Cần Thơ.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Mai Công N – Văn phòng Luật sư Bình Nguyên – Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ.

NHẬN THẤY

- Phía nguyên đơn trình bày: Do mối quan hệ bà con nên bà D và ông T có đề nghị bà đến giúp việc nhà và nhắc nhở con bà D học hành. Hai bên chỉ thỏa thuận miệng, không làm hợp đồng lao động. Công việc bắt đầu làm từ ngày 30/3/2012, cụ thể mỗi tháng tiền công lao động của bà là 2.000.000 đồng, không thỏa thuận thời hạn chấm dứt hợp đồng. Tháng đầu tiên từ ngày 30/3/2012 đến ngày 30/4/2012 bị đơn có trả công cho bà đầy đủ. Nhưng đến tháng thứ hai, ông T và bà D nói không trả tiền công hàng tháng nữa mà đợi đến khi bà không làm nữa thì trả một lần để có số vốn lớn nên bà đồng ý.

Đến tháng 5/2014, bà nghỉ việc nhưng vợ chồng ông T và bà D không thanh toán tiền công cho bà. Do đó, bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông T và bà D phải trả cho bà tiền công lao động từ tháng 5/2012 đến tháng 4/2014 là 24 tháng x 2.000.000 đồng/tháng = 48.000.000 đồng. Bà không yêu cầu tính lãi khoản tiền này.

Về chứng cứ: Tại biên bản ngày 02/8/2014 ông Thứ - Trưởng khu vực có ghi nhận việc ông T hứa trả cho bà tiền công là 48.000.000 đồng.

- Phía bị đơn trình bày: Vợ chồng ông bà không có thuê mướn bà H giúp việc nhà. Bà H và bà D là bà con với nhau, bà H chỉ đến ở nhờ nhà ông bà để hốt thuốc nam uống trị bệnh. Do đó, ông bà không đồng ý với yêu cầu của bà H.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Sự việc bà D trước đây có thuê bà H làm việc nhà một tháng từ ngày 30/3/2012 đến ngày 30/4/2012 và nhắc nhở con của bà chuyện học hành để chuẩn bị thi cử. Sau đó thì không còn thuê bà H làm việc nữa mà cho bà H ở nhờ để điều trị bệnh bằng thuốc nam. Việc ông Thứ xác nhận như nguyên đơn trình bày là không có cơ sở bởi vì biên bàn đó không có chữ ký của ông T và tại các biên bản xác minh của Tòa án tổ hòa giải trình bày không đề cặp nội dung ông T thừa nhận trả cho bà H 48.000.000 đồng gì cả.

- Phần trình bày của những người làm chứng gồm ông Thạnh, bà Nga, bà Nguyên, bà Xuân, ông Minh Em, bà Hồng, bà Loan cùng trình bày:

Các ông bà có biết việc bà H đến ở nhờ nhà bà D và ông T để điều trị bệnh. Có thời gian ông bà thấy bà H phụ giúp bán căn tin trường học, đưa rước học sinh, phụ phơi  lúa… Những việc khác các ông bà không biết.

Vụ việc được hòa giải nhưng không thành nên đưa ra xét xử. Tại bản án sơ thẩm số: 01/2016/LĐST ngày 09/3/2016 của Tòa án nhân dân quận Bình Thủy đã tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 14/3/2016 bà H kháng cáo toàn bộ bản án trên và đề nghị cấp phúc thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến: Trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử, các đương sự tuân thủ đúng trình tự thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo trong hạn luật định nên hợp lệ về hình thức.

Về nội dung đơn kháng cáo: Cấp sơ thẩm bác đơn khởi kiện của nguyên đơn là không phù hợp với quy định pháp luật, vì căn cứ khoản 1 điều 179 Bộ luật lao động năm 2013 thì bà H đã làm tất cả các công việc nhà như: nội trợ, chặt củi, chăm sóc ao cá, làm cỏ vườn, nạo cá làm chả cho bà D bán... Tất cả những công việc này bà H đã làm thường xuyên trong suốt 02 năm liền, do đó bà H được xem là lao động với vai trò là người giúp việc gia đình được Bộ luật lao động điều chỉnh. Mặc dù giữa bà H với bị đơn không có ký kết hợp đồng lao động nhưng việc bà D trả cho bà H tháng lương đầu tiên với mức 2.000.000 đồng và bà H đồng ý nhận, hành động này được xem như một thỏa thuận miệng giữa nguyên đơn và bị đơn. Tuy nhiên, do bà H có làm thêm ngoài hợp đồng giúp việc và chưa tính chi phí ăn ở cũng như thời gian chữa bệnh.Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Sửa bản án sơ thẩm để buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 50% tiền công lao động là phù hợp.

Sau khi hỏi và thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, quan điểm của Viện kiểm sát.

Sau khi tranh luận và nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm.

XÉT THẤY

Xét mối quan hệ pháp luật, đây là vụ kiện tranh chấp đòi tiền lương lao động giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động được quy định tại điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo trong hạn luật định nên xem xét là hợp lệ về mặt hình thức.

Các bên thống nhất, giữa nguyên đơn và bị đơn có mối quan hệ bà con, trước đây bà D với ông T có thuê bà H làm việc nhà một tháng từ ngày 30/3/2012 đến ngày 30/4/2012 và nhắc nhở con của bà D chuyện học hành để chuẩn bị thi cử với mức lương 2.000.000 đồng. Bà H có ở nhà bà D, ông T từ tháng 3/2012 đến tháng 4/2014.

Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn: Án sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà H vì không có cơ sở. Bà H đề nghị cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, buộc bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán tiền công lao động 24 tháng cho bà là 48.000.000 đồng.

Bị đơn cho rằng, bà H được bị đơn cho ở trong thời gian 02 năm để bị đơn hốt thuốc nam trị bệnh của nguyên đơn. Bị đơn không thuê bà H giúp việc trong nhà ( trừ tháng đầu tiên), nên không đồng ý với yêu cầu của bà H đòi tiền công lao động.

Hội đồng xét xử nhận thấy: Việc bà H sống tại nhà bà D ông T suốt 02 năm và làm tất cả các công việc trong nhà, thì không thể cho rằng bà H chỉ ở để trị bệnh. Việc điều trị bệnh bằng thuốc Nam không cần thiết phải ngày nào cũng khám bệnh, nên bị đơn cho rằng cho bà H ở để trị bệnh là không hợp lý. Bị đơn cũng thừa nhận, do công việc, nên cả hai vợ chồng đều đi làm suốt ngày, con có một cháu còn nhỏ ( 16 tuổi). Ngoài ra, bà H trước khi đến nhà bị đơn có công ăn việc làm ổn định tại chỗ ở là huyện Vĩnh Thạnh. Bà H cũng làm các công việc nội trợ trong gia đình. Khoản 1 điều 179  Bộ luật lao động năm 2013 quy định như sau: người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, làm vườn… và các công việc khác cho hộ gia đình. Như vậy, bà H và bị đơn có thoả thuận về việc thuê bà H giúp việc gia đình như bà H trình bày là có cơ sở.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, ông T và bà D cũng thừa nhận có trả cho bà H tiền công tháng đầu là 2.000.000 đồng. Như vậy có thể xem đây là mức lương thỏa thuận giữa nguyên đơn và bị đơn. Tuy mức tiền lương do hai bên thỏa thuận   thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, nhưng hai bên đồng ý, nên không cần điều chỉnh.

Trong thời gian ở nhà bị đơn, bà H có làm thêm các công việc do người khác thuê mướn là giúp bán căn tin cho bà Loan từ 5giờ đến 7 giờ. Thời gian làm cho bà Loan là 08 tháng với tiền công bà Loan trả là 800.000đ/ tháng. Trông con cho bà Xuân từ 11 giờ đến 13h30 hàng ngày với tiền công từ 550.000đ – 600.000đ/tháng. Bà H cũng thừa nhận có hốt thuốc Nam để điều trị bệnh. Như vậy, bà H cũng không phải hoàn toàn làm giúp việc cho gia đình bị đơn.

Bên cạnh đó, do các đương sự không ký kết hợp đồng lao động với nhau nên chi phí ăn, ở của bà H không được rõ. Do đó,  cũng căn cứ vào quy định pháp luật nên khấu trừ một phần tiền lương về chi phí ăn ở của bà H thì sẽ bảo đảm quyền lợi cho cả nguyên đơn và bị đơn.

Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy, trừ 50% tiền lương của bà H trong khoảng thời gian làm việc tại nhà bị đơn để buộc bị đơn phải trả cho bà H số tiền 24.000.000 đồng như kiểm sát viên đề nghị là phù hợp.

Do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

Áp dụng:

QUYẾT ĐỊNH

- Khoản 1 Điều 32, khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Khoản Điều 179, Điều 181 và Điều 182 Bộ luật lao động năm 2013;

- Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Sửa bản án sơ thẩm.

1/ Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Võ Thị Kim H. Buộc ông Nguyễn Ngọc T và bà Lê Thị D có trách nhiệm trả cho bà Võ Thị Kim H tiền công lao động số tiền là 24.000.000 đồng (Hai mươi bốn triệu  đồng).

Nguyên đơn không yêu cầu tính lãi suất đối với số tiền này kể cả giai đoạn thi hành án.

2/ Án phí lao động sơ thẩm: Bị đơn phải chịu 720.000 đồng (Bảy trăm hai mươi hai nghìn đồng).

3/ Án phí lao động phúc thẩm: Không ai phải chịu.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2906
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp tiền lương số 06/2016/LĐ-PT

Số hiệu:06/2016/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 19/08/2016
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về