Bản án 06/2019/DSST ngày 18/04/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại sức khỏe

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LONG PHÚ, TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 06/2019/DSST NGÀY 18/04/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI SỨC KHỎE

Ngày 18 tháng 4 năm 2019, tại Hội trường xét xử – Tòa án nhân dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng tiến hành mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 58/2018/TLST-DS ngày 16 tháng 7 năm 2018 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về sức khỏe” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09/2019/QĐXXST-DS ngày 06 tháng 3 năm 2019; giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trần Thanh T, sinh năm: 1981.

Địa chỉ: Ấp P, xã H, huyện L, tỉnh Sóc Trăng.

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Đặng Đăng K; sinh năm: 1981.(Có mặt)

Địa chỉ: Ấp P, xã H, huyện L, tỉnh Sóc Trăng.

- Bị đơn: Ông Hứa Văn L; sinh năm: 1984.

Địa chỉ: Ấp P, xã H, huyện L, tỉnh Sóc Trăng.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Trần Văn T; sinh năm: 1970.(Vắng mặt)

Địa chỉ: Đường H, phường 6, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện đề ngày 29/6/2018 cũng như tại phiên tòa đại diện ủy quyền của nguyên đơn ông Đặng Đăng K trình bày:

Vào lúc 06 giờ 30 phút ngày 13/12/2017, khi ông T đang điều khiển xe máy mang biển số 83P2-474.02 đến đoạn Quốc lộ 60 thuộc ấp B, xã H, huyện L, tỉnh Sóc Trăng thì bị ông Hứa Văn L điều khiển xe máy chạy từ trên cầu bắc ngang sông đâm xuống ngang hông vào xe ông T, vụ tai nạn khiến ông T bị chấn thương sọ não. Sau khi xảy ra tai nạn, ông T được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, sau đó được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung Uơng cần Thơ. Đến ngày 25/12/2017 thì ông T mới được xuất viện. Ngày 03/01/2018 thì ông T tiếp tục đi khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Tp. Hồ Chí Minh. Sau đó ông T tiếp tục đi nằm viện điều trị tại bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ từ ngày 23/01/2018 đến ngày 02/02/2018 thì xuất viện.

Ngày 07/2/2018 và ngày 27/02/2018, ông T tiếp tục đi khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Thông báo kết luận giám định số 14 ngày 02/5/2018 của Cơ Quan cảnh sát điều tra huyện Long Phú đã xác định ông T bị tỷ lệ tổn thương cơ thể do tai nạn giao thông là 46%. Trong khoảng thời gian ông T nằm viện và điều trị đã phải chi trả các khoản chi phí như sau:

Chi phí điều trị theo toa là: 11.335.000 đồng.

Chi phí đi lại ( bao gồm: 04 lần thuê xe đi Bệnh viện đa khoa Trung Ương Cần Thơ, 03 lần thuê xe đi Bệnh viện Chợ rẫy –Tp. Hồ Chí Minh và những lần đi xe buýt lên Cần Thơ lấy thuốc điều trị) là 8.972.000 đồng.

Tiền mua sữa bồi dưỡng sức khỏe: 5.000.000 đồng.

Tiền công lao động bị mất từ ngày 13/12/2017 đến ngày 02/02/2018 là:150.000 đồng/ngày x 50 ngày = 7.500.000 đồng.

Tiền công lao động của người nuôi bệnh từ ngày 13/12/2017 đến ngày 02/02/2018 là 150.000 đồng/ngày x 50 ngày = 7.500.000 đồng.

Tiền tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm là: 50.000.000 đồng.

Tiền mất sức lao động và phục hồi sức khỏe sau tai nạn là: 120.000.000 đồng.

Tiền sửa xe: 4.000.000 đồng.

Tổng cộng số tiền yêu cầu là: 214.307.000 đồng.

Ông T yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng: Buộc ông Hứa Văn L có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm là: 214.307.000 đồng.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 24/9/2018, bị đơn ông Hứa Văn L trình bày: “Tôi không nhớ chính xác ngày xảy ra tại nạn, nhưng vào lúc 6 giờ sáng vẫn như mọi khi, tôi chuẩn bị đi làm, tôi chạy từ nhà tôi qua cây cầu, khi xuống cầu tôi quẹo phải, vì tôi thấy đống cát xây dựng nhà tôi sắp bị đổ xuống sông, nên tôi định dừng kéo cát lên, thì bất ngờ có 1 chiếc xe từ sau đâm tới, làm xe tôi ngã vào lề, tôi ngã trên đống cát nên không bị gì, còn người thanh niên kia nằm bất tỉnh giữa lộ, thấy vậy tôi cùng mọi người đưa anh ta vào trạm xá. Sau đó chuyển lên Sóc Trăng cấp cứu. Hiện nay tôi vẫn chưa biết vụ việc tai nạn giao thông xảy ra giữa tôi và ông T ai đúng, ai sai vì cơ quan chức năng vẫn chưa thông báo cho tôi biết. Nếu tôi sai, tôi sẵn sàng bồi thường theo quy định của pháp luật, nhưng do bên ông T yêu cầu bồi thường quá cao nên tôi không đồng ý”.

* Tại phiên tòa Kiểm sát viên phát biểu ý kiến: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử vụ án, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng theo qui định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với những người tham gia tố tụng, nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Riêng bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Về nội dung vụ án: Vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Gồm các khoản: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa bệnh bao gồm chi phí điều trị theo toa là 11.335.000 đồng; chi phí đi lại 8.972.000 đồng; chấp nhận một phần tiền mua sữa; thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại là 7.500.000 đồng; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế của người nuôi bệnh là 7.500.000 đồng; tiền bù đắp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm hại là 23 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định với số tiền là 31.970.000 đồng; về tiền mất sức lao động và phục hồi sức khỏe sau tai nạn là 120.000.000 đồng, ông T yêu cầu quá cao, sau khi điều trị bệnh không có chỉ định của bác sĩ về việc ông T phải cần có thời gian phục hồi sức khỏe nên khoản tiền này cần thống nhất bồi thường cho ông Toàn mỗi ngày 150.000 đồng trong thời gian 180 ngày là 27.000.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Do đó, căn cứ vào khoản 2, Điều 227, và khoản 3 Điều 235; Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt đại diện ủy quyền của bị đơn là ông Trần Văn T.

[2] Về nội dung vụ án: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm là: 214.307.000 đồng.

Nhận thấy, vào khoảng 06 giờ 30 phút sáng ngày 13/12/2017, ông Trần Thanh T điều khiển xe máy mang biển số 83P2-474.02 đi từ S về Đ, đến đoạn Quốc lộ 60 thuộc ấp B,xã H, huyện L, tỉnh Sóc Trăng thì bị ông Hứa Văn L điều khiển xe máy, chạy từ trên cầu bắc ngang sông chạy xuống Quốc lộ 60, thì xe ông L đâm vào xe ông T, hậu quả khiến ông T bị tổn thương ổ của não.

Sau khi xảy ra tai nạn, ông T được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng, sau đó chuyển lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung Uơng cần Thơ. Đến ngày 25/12/2017 thì ông T mới được xuất viện. Sau khi xuất viện, do vẫn còn đau nhức nên ngày 03/01/2018 ông T đến khám tại Bệnh viện C. Ngày 23/01/2018, do lỗ tai không nghe được, chân bị tê nên ông T nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung ương C đến ngày 02/02/2018 thì xuất viện.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 24/9/2018, bị đơn ông Hứa Văn L trình bày: “Khi xuống cầu tôi quẹo phải, vì tôi thấy đống cát xây dựng nhà tôi sắp bị đổ xuống sông, nên tôi định dừng kéo cát lên, thì bất ngờ có 1 chiếc xe từ sau đâm tới, làm xe tôi ngã vào lề, tôi ngã trên đống cát nên không bị gì, còn người thanh niên kia nằm bất tỉnh giữa lộ”. Theo sơ đồ biên bản hiện trường do Công an nhân dân huyện L lập ngày 13/12/2017, thể hiện chiếc xe ông L điều khiển mang biển số 83F3-6876 không ngã vào lề, mà ngã nằm về bên trái, phần đầu xe hướng về Đ, phần sau hướng về T. Còn xe của ông T biển số 83P2-47402 nằm ngã về phía bên trái. Theo Báo cáo kết luận điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông của Công an huyện L ngày 20/12/2017, cũng xác định nguyên nhân chính gây ra tai nạn là do ông Hứa Văn L điều khiển xe từ đường nhánh (ngõ) chạy ra không quan sát, nhường đường cho xe ông Toàn đang lưu thông trên trục đường chính. Hành vi của ông L đã bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm điểm b khoản 3 điều 6 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Do đó, có cơ sở khẳng định hành vi trái pháp luật của ông L đã dẫn đến tai nạn giao thông, hậu quả là ông Trần Thanh T bị tổn thương ổ của não, tỷ lệ tổn thương 46% .

Theo quy định khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “ Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín , tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường..” và Điều 585 của bộ luật dân sự cũng quy định về nguyên tắc bồi thường: “ Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời..”.

Từ các điều luật viện dẫn trên, thấy rằng ông Trần Thanh T bị thiệt hại về sức khỏe là do hành vi trái pháp luật của ông L gây ra, nên ông L phải có trách nhiệm bồi thường các chi phí điều trị là phù hợp theo quy định tại các Điều 584; 585; 586; 588; 590 Bộ luật dân sự năm 2015 và Nghị Quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Đối với các khoản chi phí mà ông T yêu cầu bị đơn bồi thường tổng cộng là 214.307.000 đồng, Hội đồng xét xử (HĐXX) thấy rằng:

Sau khi bị tai nạn, ông T được đưa đến bệnh viện đa khoa Sóc Trăng, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần thơ, đến ngày 25/12/2018 thì xuất viện. Do vẫn còn đau nhức nên ngày 03/01/2018 ông T đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày 23/01/2018, do lỗ tai không nghe được, chân bị tê nên ông T tiếp tục nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa trung ương C. Đây là các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa và có toa vé rõ ràng.

+ Tại Bệnh viện đa khoa trung ương C: Ông T nằm điều trị từ ngày 13/12/2017 đến ngày 25/12/2017, theo bảng kê viện phí tổng hợp (Bút lục 54) thì chi phí điều trị là: 923.644 đồng. Từ ngày 23/01/2018 đến ngày 02/02/2018: Theo các toa vé (bút lục 45,46,47) ông T cung cấp với số tiền là 7.050.982 đồng. Tổng chi phí điều trị là: 7.974.626 đồng.

+Tại Bệnh viện C: Theo các toa vé (Bút lục 26, 27, 28, 29,30,31, 32) thì chi phí điều trị là: 4.010.000 đồng.

Cộng lại chi phí điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung ương C và bệnh viện C là: 11.984.626 đồng.

- Chi phí đi lại:

Bao gồm:

+ 04 lần thuê xe đi Bệnh viện đa khoa Trung Ương C: 4 x 700.000 đồng = 2.800.000 đồng.

+ 03 lần thuê xe đi Bệnh viện C –Tp. H: 2.000.000 đồng x 3= 6.000.000 đồng.

Các lần đi xe buýt lên C là: 199.000 đồng.

Cộng lại là 8.999.000 đồng.

Đây là các khoản chi phí cần thiết phục vụ cho việc khám và điều trị bệnh và có toa vé rõ ràng, đối với chi phí điều trị ông T chỉ yêu cầu 11.335.000 đồng, chi phí đi lại ông T chỉ yêu cầu 8.972.000 đồng nên HĐXX chấp nhận.

- Tiền mua sữa bồi dưỡng sức khỏe: 5.000.000 đồng.

Số tiền này nguyên đơn có cung cấp hóa đơn, nhưng hóa đơn không hợp lệ. Tuy nhiên ông T bị tổn hại về sức khỏe, cần phải bồi dưỡng, do đó Hội đồng xét xử chấp nhận tiền mua sữa là 3.000.000 đồng.

- Tiền công lao động bị mất từ ngày 13/12/2017 đến ngày 02/02/2018 là:150.000 đồng/ngày x 50 ngày = 7.500.000 đồng.

Xét thấy, ông T cung cấp giấy chứng nhận thương tích số 17 ghi nhận ông Toàn nhập viện ngày 13/12/2017, xuất viện ngày 25/12/2017; Giấy chứng nhận thương tích số 82, ghi nhận ông T nhập viện ngày 23/01/2018, ra viện ngày 02/2/2018. Thời gian bị mất thu nhập tổng cộng là 50 ngày. Theo biên bản xác minh ngày 22/11/2018 số tiền lao động phổ thông tại địa phương đối với lao động nam là 220.000 đồng/ngày, nên nguyên đơn yêu cầu mức 150.000 đồng ngày, HĐXX chấp nhận 50 ngày x 150.000 đồng = 7.500.000 đồng.

- Tiền công lao động của người nuôi bệnh từ ngày 13/12/2017 đến ngày 02/02/2018 là 150.000 đồng/ngày x 50 ngày = 7.500.000 đồng.

Theo giấy chứng nhận thương tích số 17 và giấy chứng nhận thương tích số 82, thì ông T chỉ nằm viện điều trị trong thời gian 22 ngày. Tuy nhiên, ông T bị tổn thương ổ của não nên thời gian được xuất viện cũng như việc đi tái khám cũng cần có người chăm sóc, hỗ trợ, nên tiền mất thu nhập người nuôi bệnh trong thời gian 50 ngày cũng là hợp lý. Theo biên bản xác minh ngày 22/11/2018 số tiền lao động phổ thông tại địa phương đối lao động nữ 160.000đ/ngày/người, nên nguyên đơn yêu cầu mức 150.000 đồng/ ngày là có cơ sở chấp nhận 50 x 150.000 đồng= 7.500.000 đồng.

Tiền tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm hại là: 50.000.000 đồng. Theo quy định tại điểm b tiểu mục 1.5, mục 1, phần II, Nghị Quyết số 03/2006/NQ- HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định:“ Trong mọi trường hợp, khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần” … “việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, sự thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân” và theo quy định tại khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự thì “… Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Xét thấy, tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông T là 46%, nên ông T yêu cầu bị đơn bồi thường tổn thất tinh thần là có căn cứ. Tuy nhiên, ông T yêu cầu về tiền tổn thất tinh thần là 50.000.000 tương đương 36 tháng lương cơ bản, yêu cầu này là quá cao, HĐXX xem xét theo tỷ lệ tổn thương, buộc bị đơn bồi thường tổn thất tinh thần cho ông T 23 tháng lương tối thiểu là 23 x 1.390.000 đồng = 31.970.000 đồng.

Đối với yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường tiền mất sức lao động và phục hồi sức khỏe sau tai nạn là: 120.000.000 đồng. Trong đó tiền mất sức lao động là 70.000.000 đồng và tiền phục hồi sức khỏe sau tai nạn là 50.000.000 đồng.

Đối với số tiền về mất sức lao động, Tòa án có yêu cầu nguyên đơn cung cấp chứng cứ chứng minh ông T bị mất sức lao động, để xác định tỷ lệ mất sức, nhưng nguyên đơn không cung cấp được nên HĐXX không xem xét. Nếu sau này có căn cứ, nguyên đơn có thể khởi kiện sau.

Riêng tiền phục hồi sức khỏe. Mặc dù ông T không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào như chỉ định của cơ quan y tế về việc tịnh dưỡng, cần phải nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe, nhưng xét thấy ông T bị tai nạn giao thông, di chứng tổn thương nội sọ, tỷ lệ tổn thương của ông Toàn là 46%, làm ảnh hưởng đến khả năng lao động và cần có thời gian để phục hồi. Do đó HĐXX chấp nhận cho ông T phục hồi sức khỏe với số tiền: 150.000 đồng/ngày trong thời gian 180 ngày, cụ thể: 150.000 đồng x180 ngày = 27.000.000 đồng.

Chi phí sửa xe: 4.000.000 đồng. Nguyên đơn trình bày hiện nay chiếc xe vẫn chưa được sửa chữa, nên không thể cung cấp chứng từ. Vì vậy nguyên đơn được quyền khởi kiện sau đối với yêu cầu này.

Như vậy tổng số tiền ông L phải bồi thường cho ông T là: 97.277.000 đồng.

[3] Từ những phân tích nêu trên, xét đề nghị của Vị đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện L, tỉnh Sóc Trăng là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Về án phí: Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm d khoản 1, Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Ông Hứa Văn L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 4.863.850 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Ông Trần Thanh T không phải chịu án phí đối với phần không được Tòa án chấp nhận (214.307.000 đồng – 97.277.000 đồng = 117.030.000 đồng)

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; điểm b khoản 2 Điều 227; Điều 235; Điều 238; Điều 266; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào các Điều 584; 585; 586; 588; 590 Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ vào phần I và mục 1 phần II của Nghị Quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Thanh T về việc yêu cầu ông Hứa Văn L bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm.

Buộc ông Hứa Văn L có trách nhiệm bồi thường cho ông Trần Thanh T số tiền 97.277.000 đồng.

Kể từ ngày ông T có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng ông L còn phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, tương ứng với thời gian chậm thi hành án.

2/ Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Hứa Văn L phải chịu số tiền 4.863.850 đồng. Ông Trần Thanh T không phải chịu án phí.

3/ Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự vắng mặt thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

4/ Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

564
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2019/DSST ngày 18/04/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại sức khỏe

Số hiệu:06/2019/DSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Long Phú - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 18/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về