Bản án 06/2019/KDTM-PT ngày 24/04/2019 về tranh chấp hợp đồng xây dựng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 06/2019/KDTM-PT NGÀY 24/04/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Ngày 24 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số: 16/2018/KDTM-PT ngày 26/12/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, về việc “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”.

Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST, ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 07/2019/QĐ-PT ngày 26/02/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 07/2019/QĐ-PT ngày 26/3/2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty A;

Đa chỉ trụ sở chính tại: Đường T, khu phố A, Phường P, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Quang H, chức vụ: Tổng giám đốc;

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Hồng T, chức vụ: Nhân viên của Công ty; Địa chỉ: Đường H, phường A, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. (Văn bản ủy quyền ngày 06/05/2014), có mặt.

2. Bị đơn: Công ty B, Địa chỉ trụ sở chính tại: Thị trấn E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: ông Đoàn Ngọc S, chức vụ: Tổng giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Thanh T, chức vụ: Kế toán trưởng của Công ty; Địa chỉ: Thôn Q, xã T, huyện E, tỉnh Đắk Lắk (Văn bản ủy quyền ngày 12/11/2018), có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tng công ty C;

Đa chỉ trụ sở chính tại : Đường T, phường X, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh;

Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Văn M, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Quá trình giải quyết vụ án là ông Nguyễn Khắc D, có địa chỉ: Thôn A, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk (Văn bản ủy quyền ngày 23/01/2018), vắng mặt;

Người đại diện tại phiên tòa phúc thẩm: Có ông Nguyễn Công T, chức vụ: Trưởng ban đổi mới Doanh nghiệp và thanh tra của Tổng công ty (Văn bản ủy quyền ngày 10/4/2019), có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong đơn khởi kiện ngày 06 tháng 5 năm 2014 và quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn là Công ty S,người đại diện là bà Nguyễn Thị Hồng T trình bày:

Ngày 27/5/2003, Công ty A1 (nay là Công ty A) và Công ty B1 (nay là Công ty A) có ký Hợp đồng kinh tế về việc giao nhận thầu xây lắp số 25/HĐKT ngày 27/5/2003 nhằm thực hiện gói thầu số 02 thuộc công trình “Sửa chữa, nâng cấp đường giao thông từ thị trấn N đi Nông trường Y”.

Ngày 31/12/2008, đại diện 3 bên gồm chủ đầu tư là Công ty B, đơn vị thi công là Công ty A1 và đơn vị tư vấn giám sát là Công ty D đã tiến hành ký kết Hồ sơ thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành bàn giao công trình sửa chữa nâng cấp đường giao thông từ thị trấn N vào nông trường Y.

Căn cứ Hợp đồng kinh tế số 25, Hồ sơ thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành, hồ sơ nghiệm thu 6 đợt cũng như hồ sơ tổng nghiệm thu thì tổng giá trị công trình “Sửa chữa, nâng cấp đường giao thông từ thị trấn N đi nông trường Y” là 4.262.946.000 đồng. B1 đã trả 3.194.029.000 đồng, còn nợ lại 1.038.164.000 đồng (Một tỷ không trăm ba mươi tám triệu một trăm sáu mươi tư ngàn đồng);

Tuy nhiên, đã quá 5 năm nhưng Công ty B vẫn chưa thanh toán số tiền còn lại, vì lý do Tổng công ty C chưa chuyển tiền về nên không có tiền trả nợ.

Căn cứ vào Hợp đồng kinh tế số 25/HĐKT, theo Biên bản nghiệm thu, nguyên đơn công ty A và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Yêu cầu Công ty B trả 1 lần cho Công ty A số tiền còn nợ lại là 1.038.164.000 đồng (Một tỷ không trăm ba mươi tám triệu một trăm sáu mươi tư ngàn đồng);

- Tiền lãi chậm thanh toán từ ngày 01/01/2009 đến 30/4/2014 là 996.637.000 đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn có yêu cầu thay đổi đơn khởi kiện, được thể hiện tại Biên bản hòa giải 11/05/2017, yêu cầu bị đơn phải trả một lần cho Công ty A số tiền còn nợ lại là 1.038.164.000 đồng (Một tỷ không trăm ba mươi tám triệu một trăm sáu mươi tư ngàn đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán từ ngày 01/01/2009 đến nay theo lãi suất nợ quá hạn bình quân của 3 Ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

* Đại diện theo ủy quyền của bị đơn là Công ty B trình bày:

Công ty B thừa nhận phần trình bày của nguyên đơn về việc ký kết Hợp đồng kinh tế số 25/HĐKT ngày 27/5/2003, các văn bản nghiệm thu và giá trị công trình“Sửa chữa, nâng cấp đường giao thông từ thị trấn N đi nông trường Y” là 4.262.946.000 đồng là đúng và cũng xác nhận Công ty B1 đã trả cho Công ty A 3.194.029.000 đồng, còn nợ lại 1.038.164.000 đồng.

Tuy nhiên, bị đơn cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến việc thanh toán chậm là vì phía nguyên đơn quyết toán hoàn thành gói thầu chậm so với hợp đồng là hơn 05 năm nên đã ảnh hưởng đến việc nghiệm thu, quyết toán, kiểm toán và bố trí vốn của toàn bộ dự án.

Ngoài ra, trong thời gian thi công, Công ty B1 chuyển đổi hình thức chủ sở hữu từ Doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty B. Căn cứ vào các văn bản gồm Công văn số 145/TCT/HĐQT-CV ngày 26/02/2007; Biên bản ngày 20/06/2008 về việc bàn giao Doanh nghiệp Nhà nước - Công ty B1 sang Công ty B; Công văn số 1887/BNN- TC ngày 04/03/2015 chỉ đạo về việc quyết toán hoàn thành các dự án sử dụng ngân sách của Bộ N; Báo cáo kiểm toán số 699/2010/CPA-BCXD ngày 06/04/2010 của Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội; Quyết định số 133/TCT-HĐTV-QĐ ngày 24/04/2015 của Tổng công C, bị đơn xác định việc thanh toán nợ tồn đọng cho nguyên đơn thuộc về trách nhiệm của Tổng công ty C. Do đó, không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tổng công C, người đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty trình bày:

Tng công ty C đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc Công ty B có nghĩa vụ phải trả nợ cho Công ty A, với lý do sau:

- Tổng công ty C không ký Hợp đồng kinh tế nhận thầu xây dựng nào với Công ty A. Tại thời điểm ký Hợp đồng kinh tế số 25/HĐKT ngày 27/5/2003, Tổng công ty C không có văn bản ủy quyền cho ông Phạm Xuân T thực hiện ký kết thay cho Tổng công ty; hơn nữa, Quyết định phê duyệt dự án số 5290/QĐ/BNN-XDCB ngày 30/10/2001 không phải do Tổng công ty ký và phê duyệt dự án.

- Các khoản nợ cũng như xác nhận nghĩa vụ đều được Công ty B và Công ty A là hai công ty có đầy đủ năng lực pháp nhân, xác nhận.

- Việc Tổng công ty C tiếp trình Bộ N và việc Tổng công ty C ký biên bản bàn giao doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa Công ty B1 ký ngày 30/6/2006 là thực hiện theo quy định của Nhà nước, là vấn đề xử lý nội bộ trong quản lý, điều hành giữa đơn vị quản lý vốn Nhà nước với doanh nghiệp Nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hóa. Không liên quan đến việc quyết toán hợp đồng của Công ty B và Công ty A.

Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 30, điểm b Khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 266, Điều 267, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 22, Điều 23 Pháp lệnh về Hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989 của Hội đồng Nhà nước; Điều 3, Điều 81 Luật Xây dựng 2003; Điều 306 Luật Thương Mại năm 2005; Căn cứ vào khoản 2 Điều 8 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về chuyển đổi Công ty Nhà nước thành công ty cổ phần của Chính phủ; Khoản 4 Điều 18; Khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí lệ phí Tòa án 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty A.

Buộc Công ty B phải trả cho Công ty A số tiền 1.038.164.000 đồng theo Hợp đồng kinh tế số 25/HĐKT, ngày 27/5/2003 về việc giao nhận thầu xây dựng và số tiền lãi chậm thanh toán tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 1.689.035.942 đồng. Tổng cộng là 2.727.199.942 đồng (Hai tỷ bảy trăm hai mươi bảy triệu một trăm chín mươi chín ngàn chín trăm bốn mươi hai đồng).

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án chưa thi hành án thì hàng tháng phải chịu tiền lãi trên số nợ gốc theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự và quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ngày 15/11/2018, bị đơn là Công ty B có đơn kháng cáo với nội dung: Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng, không xem xét đánh giá chứng cứ khách quan và đầy đủ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi hợp pháp của Công ty. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn Công ty A giữ nguyên yêu cầu khởi kiện là buộc Công ty B có nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn; Bị đơn là Công ty B giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và có ý kiến là buộc Tổng công C trả nợ cho nguyên đơn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tổng công ty C đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đồng thời giữ nguyên quan điểm là buộc Công ty B có nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Qua phần tranh luận, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk trình bày ý kiến như sau:

- Về tố tụng: Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án cũng như các đương sự trong vụ án đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 308 và Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của bị đơn là Công ty B, hủy Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk; giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân huyện Ea Kar để giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn được nộp trong hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, do đó Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm là phù hợp.

[2]. Về nội dung, xét đơn kháng cáo của bị đơn là Công ty B, thì thấy: Công ty B1 được Tổng công ty C thành lập, có tư cách pháp nhân, vốn Nhà nước 100% trước khi cổ phần hóa và trực thuộc Bộ N. Về vốn của Công ty B1 trước khi cổ phần hóa là vốn của Nhà nước phân bổ về cho Tổng công C, sau đó chuyển về cho Công ty B1.

Tại Quyết định số 5290/QĐ/BNN-XDCB ngày 30/10/2001 của Bộ trưởng Bộ N đã phê duyệt dự án sửa chữa nâng cấp đường giao thông từ thị trấn N đi Nông trường Y và giao chủ đầu tư là giám đốc Công ty B1 và quy định mối quan hệ và trách nhiệm của Bộ N là cấp quyết định đầu tư và Tổng công ty C chỉ đạo chủ đầu tư là Công ty B1 tổ chức thực hiện dự án theo đúng nội dung của quyết định đầu tư và quy định hiện hành của Nhà nước về “Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng”, “Quy chế đấu thầu”. Ngày 27/5/2003, Công ty A1 (nay là Công ty A) và Công ty B1 (nay là Công ty B) có ký Hợp đồng kinh tế về việc giao nhận thầu xây lắp số 25/HĐKT thực hiện gói thầu thuộc công trình “Sửa chữa, nâng cấp đường giao thông từ thị trấn N đi Nông trường Y”, đây là dự án phục vụ dân sinh khu vực được thực hiện từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn này được Bộ N phân bổ hàng năm thông qua Tổng công ty C, sau đó Tổng công ty C sẽ phân bổ lại cho các công trình của các đơn vị trực thuộc. Như vậy, Chủ đầu tư dự án là Công ty B nhưng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là do Bộ N cấp, còn Tổng công ty C chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án theo nội dung của quyết định đầu tư của Bộ N. Nhưng trong thời gian thi công công trình nêu trên, ngày 28/6/2006, Công ty B1 chuyển đổi hình thức chủ sở hữu chuyển thành Công ty B. Hiện nay, vốn của Công ty B là 100% vốn do các cổ đông đóng góp, không còn phụ thuộc vào Tổng công ty C và Bộ N.

Sau khi hợp đồng và các phụ lục được ký kết, Công ty A đã triển khai thực hiện thi công công trình. Đến ngày 31/12/2008, hai bên tiến hành tổng nghiệm thu hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng. Theo hồ sơ nghiệm thu 6 đợt và hồ sơ tổng nghiệm thu thì tổng giá trị công trình là 4.262.946.000 đồng và Công ty B đã thanh toán cho Công ty A số tiền 3.194.029.000 đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước được Tổng công ty C phân bổ về và còn nợ lại số tiền 1.038.164.000 đồng. Công ty B đã nhiều lần gửi công văn trình Tổng công ty C để xin vốn đầu tư thanh toán nợ (Công văn Số 69/TT/CT-2011 ngày 08/03/2011, Số 151/TT/CT-2011 ngày 06/06/2011, Số 327/TT/CT-2011 ngày 28/12/2011, Số 07/CV/CT-2013 ngày 07/01/2013, Số 206/CV/CT-2011 ngày 21/10/2013, Số 156/CV/CT-2011 ngày 07/07/2015). Về phía Tổng công ty C cũng có nhiều Công văn trình Bộ N để xin vốn cho dự án nhưng đến nay công trình “Sửa chữa, nâng cấp đường giao thông từ thị trấn N đi Nông trường Y” vẫn chưa được bố trí đủ vốn để quyết toán xong công trình, trong đó nội dung Công văn số 257/TT-TCT ngày 19/4/2011 của Tổng Công ty C về việc “Xin bố trí vốn ngân sách” gửi Bộ N nêu rõ “Tổng công ty C kính đề nghị Bộ N bố trí đủ vốn còn lại cho 02 công trình trên (trong đó, có dự án “Sửa chữa, nâng cấp đường giao thông từ thị trấn N đi Nông trường Y”) để chủ đầu tư sớm tiến hành công tác thanh quyết toán, bàn giao công trình về địa phương theo đúng quy định của Nhà nước”.

Mặt khác, tại Biên bản bàn giao doanh nghiệp Nhà nước - Công ty B1 sang Công ty B vào ngày 20/06/2008, không có nội dung nào thể hiện việc bàn giao khoản nợ đối với dự án nói trên từ Công ty B1 cho Công ty B. Hơn nữa, cụ thể tại Mục 1 , phần IV của Biên bản ghi rõ “02 công trình: Đập N, Đường giao thông được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước, đang thi công dỡ dang, Tổng công ty C uỷ quyền cho Ông Phan Xuân T, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty B1 tiếp tục làm chủ đầu tư. Tổng công ty C sẽ bố trí vốn để chủ đầu tư sớm hoàn thiện và thanh quyết toán dự án”.

Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, ngày 26/01/2015, Công ty B tiếp tục có Công văn số 27/2015/CT-CV gửi vụ Tài chính Bộ N để xin ý kiến của Bộ về công tác quyết toán 02 dự án (trong đó, có dự án “Sửa chữa, nâng cấp đường giao thông từ thị trấn N đi Nông trường Y”) thì ngày 04/3/2015 Bộ N có công văn số 1887/BNN-TC (và trước đó cũng có nhiều văn bản chỉ đạo) về việc quyết toán hoàn thành các dự án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước gửi Tổng công ty C và Công ty B, công văn nêu rõ : “… Đối với Tổng công ty C: thực hiện thẩm định và phê duyệt quyết toán hoàn thành hai (02) dự án trên theo chỉ đạo của Bộ căn cứ các quy định hiện hành về quyết toán vốn NSNN; chủ động sử dụng nguồn vốn của Tổng công ty thanh toán dứt điểm khối lượng đã hoàn thành (nếu còn thiếu)”.

Tại biên bản làm việc ngày 26/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk thì phía bị đơn Công ty B và Tổng công ty C đều yêu cầu đưa Bộ N vào tham gia tố tụng để làm rõ trách nhiệm của các bên. Do đó, cần phải đưa Bộ N tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án để làm rõ Bộ chỉ đạo Tổng công ty C sử dụng nguồn vốn nào? Làm rõ trách nhiệm của Bộ, Tổng công ty C, Công ty B trong việc thanh quyết toán, cấp vốn và trách nhiệm chỉ trả khoản nợ cho Công ty A thuộc về đơn vị nào.

Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, Công ty A chỉ khởi kiện Công ty B để trả nợ cho nguyên đơn là chưa đầy đủ và Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty B có nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn trong khi chưa xác định rõ trách nhiệm của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và nguồn vốn thanh toán nợ là thiếu sót ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự.

Vi những thiếu sót và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần chấp nhận kháng cáo của bị đơn, hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 12/11/2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân huyện Ea Kar để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm là phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.

[3]. Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật, có nhận định như Hội đồng xét xử nên cần chấp nhận.

[4]. Về án phí: Do bản án sơ thẩm bị hủy toàn bộ, nên án phí sơ thẩm sẽ được quyết định khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án; Về án phí phúc thẩm, Công ty B không phải chịu án phí phúc thẩm và hoàn trả lại cho Công ty B số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Căn cứ khoản 3 Điều 308; khoản 1 Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự;

Chp nhận kháng cáo của bị đơn là Công ty B; Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 12/11/2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tinh Đắk Lắk; Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung;

[2]. Về án phí:

[2.1]. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Sẽ được quyết định khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án;

[2.2]. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Hoàn trả lại cho Công ty B số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) là tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0004698 ngày 12/10/2018 tai Chi cục Thi hành án dân sự huyện E, tỉnh Đắk Lắk;

[3]. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1208
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2019/KDTM-PT ngày 24/04/2019 về tranh chấp hợp đồng xây dựng

Số hiệu:06/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 24/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về