Bản án 07/2017/ DSPT ngày 09/01/2017 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 07/2017/DSPT NGÀY 09/01/2017 VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Trong các ngày 06, 09 tháng 01 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 05/2016/TLPT-DS ngày 05/10/2016 về “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 09/2016/DSST ngày 29/6/2016 của Tòa án nhân dân huyện V bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2016/QĐ-PT ngày 14/11/2016 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1966 (Có mặt tại phiên tòa).

Địa chỉ: thôn Q, xã C, huyện V, tỉnh Bắc Ninh.

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1962 (Có mặt tại phiên tòa).

Địa chỉ: thôn Q, xã C, huyện V, tỉnh Bắc Ninh. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị T

NHẬN THẤY

Theo án sơ thẩm và tài liệu trong hồ sơ thì nội dung vụ kiện như sau:

Phía nguyên đơn là bà Nguyễn Thị N trình bày:

Khoảng 06h30 ngày 07/8/2014, khi tôi đang đi xe đạp đến ngã ba lối rẽ vào cổng nhà tôi thì có người túm tóc tôi giật ngã xuống đường bê tông. Sau đó tôi mới biết là chị T (tôi và chị T có quan hệ họ hàng nội tộc, chị T phải gọi tôi là chị); khi tôi bị ngã vẫn nằm dưới đất thì chị T dùng chân đạp tôi, một tay túm tóc còn tay còn lại tát tôi. Chị T nói sẽ ghè răng rút lưỡi tôi rồi chị T cho tay vào mồm tôi. Sau đó chị T đút tay vào mồm tôi để bẻ răng rút lưỡi tôi, theo phản xạ tôi cắn vào tay chị T. Lúc đó anh Nguyễn Văn U sinh năm 1987 là người cùng xóm ra can ngăn nhưng không được. Anh U nói tôi là chị N há mồm ra không được cắn tay cô T thì tôi há mồm ra và thấy gãy hai cái răng cửa hàm dưới, không biết là gãy như thế nào; sau đó chồng tôi đưa tôi ra trạm xã C để cấp cứu rồi chuyển tôi lên bệnh viện huyện V. Bệnh viện kết luận tôi bị chấn thương đa phần mềm ở dưới hàm, cánh tay trái, hông trái..... gãy hai răng cửa trước hàm dưới. Tôi phải nằm viện khoảng 07 – 10 ngày. Vụ việc này tôi đã làm đơn ra cơ quan điều tra công an huyện V, quá trình xem xét giải quyết, tôi đã được đưa đi giám định thương tật, tôi bị tổn hại 03% sức khỏe. Do cơ quan điều tra công an huyện V quyết định không khởi tố vụ án, nên tôi khởi kiện ra Tòa án đề nghị Tòa án buộc chị T phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe mà chị T đã gây ra cho tôi với khoản tiền tổng cộng là 36.680.000 đồng.

Phía bị đơn là bà Nguyễn Thị T trình bày: Do tôi nghe mọi người nói chị N chửi tôi nên ngày 07/8/2014 khi gặp chị N đi xe đạp gần lối rẽ vào nhà tôi, tôi có gọi chị N xuống xe để nói chuyện, nhưng chị N không xuống, tôi cầm tay phải túm vào búi tóc để chị N dừng lại. Khi chị N dừng lại đỗ xe và dựng vào tường tôi vẫn túm tóc chị N và bảo hôm qua mày chửi gì ông bà, cụ kỵ nhà tao; chị N có bảo tao chửi cả bố mẹ mày vì không dạy được mày. Lúc này tay phải tôi túm tóc chị N, chị N dùng hai tay lôi bàn tay trái tôi vào mồm cắn. Chị N đã cắn vào ba ngón tay trái tôi gồm ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn; chị N dùng hai tay tụt quần tôi khi đó có anh Nguyễn Văn U và bà Nguyễn Thị Chín là hàng xóm chạy ra can ngăn. Sau đó vì bị chị N cắn đau tay quá nên tôi đã giật mạnh tay tôi ra khỏi mồm chị N, tôi thấy ba ngón tay trái tôi bị rách ra, đau tê tái và chảy nhiều máu. Mồm chị N cũng bị chảy máu do gẫy chiếc răng cửa vẫn dính ở tay tôi, sau đó bị rơi xuống đường không biết ai nhặt mất. Sau đó tôi có đi tiêm phòng uốn ván ở nhà bác sỹ tư trên Phố Mới. Tổng tiền thuốc và tiền tiêm hết khoảng 150.000 đồng nhưng tôi không yêu cầu chị N phải bồi thường gì cho tôi. Nay đối với yêu cầu đòi bồi thường của bà N thì bà T không đồng ý.

Tại cấp sơ thẩm, tòa án cấp sơ thẩm có tiến hành lấy lời khai của anh Nguyễn Văn U có nội dung: Khoảng 07h00 ngày 07/8/2014, tôi đang ở nhà thì thấy bà N đi xe đạp về, bà T chạy đuổi theo bà N vừa chửi vừa dùng tay phải túm tóc bà N kéo xuống, lúc này bà N gần như đỗ xe lại rồi. Bà T dùng tay phải túm tóc bà N kéo xuống đường làm bà N ngã, tôi liền chạy ra can ngăn. Hai bà tiếp tục chửi nhau, bà T vẫn túm tóc bà N, khi đó tôi một tay phải túm tay bà T, tay trái túm tóc bà N kéo lại để bà N đỡ bị bà T kéo tóc gây đau. Khi quay mặt lại thì tôi thấy tay trái bà T trong mồm bà N rồi, bà N cắn chặt mấy ngón tay của bà T, sau đó bà N dùng hai tay với lại phía sau tụt quần bà T xuống tận gót chân, bà T theo phản xạ ngồi xuống, khi đó bà T nói với tôi U ơi cô đau quá, lôi tay cô ra. Tôi có nói cả hai bà cùng bỏ nhau ra, bà T thôi túm tóc bà N, bà N thôi cắn bà T. Nhưng bà N không nhả tay bà T ra, bà T đã giật tay ra khỏi mồm bà N đồng thời tay phải thôi không túm tóc bà N nữa. Hai bên không xô xát với nhau nữa, chỉ lời qua tiếng lại, tôi có nhặt được 01 chiếc răng đưa cho bà N. Ngoài sự việc nêu trên các bên không có đấm đá gì nhau hết, ngoài ra tôi cũng không nghe thấy bà T nói với bà N là: “Hôm nay tao sẽ bẻ răng rút lưỡi mày” như bà N khai.

Từ nội dung trên, bản án sơ thẩm đã căn cứ vào các Điều 604, 605, 606, 607, 609 Bộ luật dân sự; Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Điều 131, 210 Bộ luật tố tụng dân sự; Pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị N. Buộc bà Nguyễn Thị T phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Nguyễn Thị N số tiền là 10.749.000 đồng (mười triệu bẩy trăm bốn mươi chín nghìn đồng chẵn) bao gồm tiền viện phí, tiền làm răng giả, tiền thu nhập thực tế bị mất, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi án sơ thẩm xử, ngày 12/7/2016 bà Nguyễn Thị T có gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị N vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; Bà Nguyễn Thị T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Về đường lối giải quyết vụ án: Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm, bác kháng cáo của bà T.

XÉT THẤY

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ cũng như lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa hôm nay thì thấy:

Do có mâu thuẫn từ trước, khoảng 07h00 ngày 07/8/2014, tại đoạn rẽ vào cổng nhà bà N ở thôn Q, C, V, Bắc Ninh. Khi bà T gặp bà N đang đi xe đạp về nhà, bà T có gọi bà N xuống để nói chuyện nhưng bà N không xuống vẫn cứ đi. Bà T đã dùng tay phải túm tóc bà N kéo xuống làm bà N ngã ra đường, hai bên giằng co chửi nhau. Khi đó anh U là người hàng xóm gần đó chạy ra can ngăn nhưng không được. Bà N đã với tay trái của bà T lại cắn chặt vào 03 ngón tay là ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Sau đó bà N lại dùng hai tay tụt quần bà T xuống tận gót chân. Khi bị cắn đau quá, bà T đã giật mạnh tay ra khỏi miệng bà N khiến bà N bị gẫy 02 chiếc răng số 41, 42 hàm dưới. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định thiệt hại thực tế của bà N tổng cộng là 17.915.000 đồng (bao gồm: tiền mất thu nhập thực tế 6.000.000 đồng; tiền làm răng giả là 7.000.000 đồng; tiền viện phí là 680.000 đồng; tiền tổn thất về tinh thần là 4.235.000 đồng) và xác định cả bà N và bà T đều có lỗi trong việc để xảy ra thiệt hại về sức khỏe cho bà N; bà T phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình gây ra là 60% thiệt hại là phù hợp.

Xét kháng cáo của bà T: Bà T kháng cáo bản án sơ thẩm bà không đồng ý phải bồi thường thiệt hại cho bà N như tòa cấp sơ thẩm đã tuyên. HĐXX xét thấy: Mặc dù quá trình xảy ra va chạm, bà N chính là người đã chủ động cắn tay bà T, do đau quá không chịu được nên bà T mới giật mạnh tay ra khỏi miệng bà N khiến bà N bị gẫy hai chiếc răng; tuy nhiên thiệt hại gẫy 02 chiếc răng của bà N bắt nguồn từ việc bà T đã có hành động xâm phạm đến sức khỏe của bà N trước khi đã dùng tay phải kéo tóc bà N khi bà N đang đi xe đạp; nếu không có hành vi kéo tóc bà N thì chắc chắc chắn không có hậu quả xảy ra đối với bà N. Bởi vậy, tòa án cấp sơ thẩm đã xác định bà N; bà T đều có lỗi và bà T phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình đối với thiệt hại đã gây ra tương ứng với 60% thiệt hại gây ra cho bà N là phù hợp; phần thiệt hại còn lại của bà N, bà N phải tự chịu vì cũng có lỗi dẫn đến thiệt hại xảy ra cho bản thân mình. Bởi vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà T, cần giữ nguyên quyết định của bản án dân sự sơ thẩm.

Về án phí phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của bà T không được chấp nhận, Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm nên bà T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Bởi các lẽ trên,

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 604, 605, 606, 607, 609 Bộ luật dân sự; Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án xử:

Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm;

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị N. Buộc bà Nguyễn Thị T phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Nguyễn Thị N số tiền là 10.749.000 đồng (mười triệu bẩy trăm bốn mươi chín nghìn đồng chẵn) bao gồm tiền viện phí, tiền làm răng giả, tiền thu nhập thực tế bị mất, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án bên phải thi hành án còn phải chịu một khoản tiền lãi suất cơ bản do Ngân h àng nhà nước quy định tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị T phải chịu số tiền 200.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm. Xác nhận bà T đã nộp đủ số tiền 200.000 đồng theo biên lai thu tiền số 04382 ngày 12/7/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện V.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2, Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1017
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2017/ DSPT ngày 09/01/2017 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:07/2017/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 09/01/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về