Bản án 08/2018/HS-ST ngày 19/03/2018 về tội trốn thuế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 08/2018/HS-ST NGÀY 19/03/2018 VỀ TỘI TRỐN THUẾ

Ngày 19 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 54/2017/TLST-HS ngày 23/11/2017, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 35/2018/QĐXXST-HS ngày 02/3/2018 đối với bị cáo:

Họ và tên: Nguyễn Thị Thanh X, sinh năm 1984 tại tỉnh Đồng Nai; Nơi ĐKHKTT và cư trú: số 199 TP, xã LN, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Thiên chúa giáo; Trình độ học vấn: Lớp 12/12; Nghề nghiệp: Kinh doanh; Con ông: Nguyễn Văn N (đã chết); Con bà: Phan Thị L, sinh năm 1958, hiện đang cư trú tại số 199 TP, xã LN, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng; Chồng: Trần Anh D, sinh năm 1979, hiện đang cư trú tại số 199 TP, xã LN, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng; Bị cáo có 02 người con, con lớn sinh năm 2012, con nh sinh năm 2016; Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo được tại ngoại. Có mặt.

* Nguyên đơn dân sự:

+ Cục thuế tỉnh Lâm Đồng

Địa chỉ: 01 Trần Phú, phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

- Đại diện cục thuế: Ông Nguyễn Văn T - Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

* Người làm chứng:

+ Ông: Phan V, sinh năm 1982.

Địa chỉ: 06/1 H, xã NS, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Bà: Chế Rơi V, sinh năm 1969.

Địa chỉ: Thôn TX, xã XT, thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Bà: Phạm Thị Thanh H, sinh năm 1972.

Địa chỉ: Tổ 10, thôn ĐL, xã XT, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Bà: Nguyễn Thị Ánh Tr, sinh năm 1972.

Địa chỉ: Thôn ĐT, xã XT , thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

+ Bà: Hoàng Thị Phương L, sinh năm 1967.

Địa chỉ: Số 397 LL, thôn KT, xã LT, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Vắng mặt.

+ Bà: Nguyễn Thị Ng, sinh năm 1980

Địa chỉ: 62 TN, thị trấn LD, huyện LD, tỉnh Lâm Đồng. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh X là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu LK, trụ sở tại 397 LL, xã LT, thành phố BL, tỉnh Lâm Đồng chuyên kinh doanh mua bán nông sản (chủ yếu là cà phê). Năm 2012, Nguyễn Thị Thanh X đã bàn với Phan V (anh họ của X) là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn TĐH, trụ sở tại 117A Quốc lộ 20, xã HT, huyện ĐT, tỉnh Lâm Đồng sẽ thu mua cà phê của các hộ kinh doanh, đại lý, hộ dân với giá cao hơn thị trường và yêu cầu họ không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty LK. Sau đó X mua hóa đơn giá trị gia tăng của các Công ty khác có chức năng kinh doanh mặt hàng cà phê để hợp thức hóa số lượng cà phê mua vào không có hóa đơn giá trị gia tăng và xuất bán, từ đó khoản tiền 5% thuế giá trị gia tăng X sẽ được hưởng mà không phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Muốn thực hiện được việc này thì Công ty TĐH của Phan V tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế và dùng hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TPA do Võ T, Hộ khẩu thường trú tại ấp BH, xã XP, huyện XL, tỉnh Đồng Nai làm giám đốc xuất bán khống để làm đầu vào kê khai thuế. Còn đầu ra thì Công ty TĐH của Phan V xuất hóa đơn giá trị gia tăng, ký hợp đồng kinh tế mua bán khống cho Công ty LK của X và một số cá nhân và đơn vị kinh doanh mặt hàng cà phê khác. Sau đó nhờ các cá nhân, đơn vị này xuất bán khống lại cho Công ty LK.

Để có được hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TPA làm đầu vào kê khai thuế cho Công ty TĐH, X đã bàn bạc, trao đổi với Võ T xuất bán khống hóa đơn giá trị gia tăng cho X và Võ T sẽ được hưởng số tiền 35% của tiền thuế giá trị gia tăng 5% ghi trên hóa đơn. Sau khi nghe X bàn bạc thì Võ T đồng ý. Sau đó, X đã soạn thảo sẵn các hợp đồng kinh tế thể hiện Công ty TPA xuất bán cà phê Arabica quả tươi và cà phê nhân xô cho Công ty TĐH, trong hợp đồng X ghi rõ số lượng, loại cà phê, đơn giá, thuế giá trị gia tăng, thành tiền, giá trị thanh toán và gửi xuống cho Võ T trước, sau đó chuyển lại hợp đồng cho X và X đưa cho Phan V ký. Căn cứ vào hợp đồng kinh tế và số lượng cà phê mà Công ty LK của X đã mua không có hóa đơn giá trị gia tăng, X cung cấp tên loại cà phê, số lượng, đơn giá, thuế giá trị gia tăng, giá trị thành tiền, trị giá thanh toán để Võ T xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống cho Công ty TĐH. Sau đó Võ T gom hóa đơn gửi cho X và X đưa lại cho Phan V để làm nguồn cà phê đầu vào cho Công ty TĐH.

Với thủ đoạn nêu trên trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 01/2013, X đã soản thảo 13 hợp đồng mua bán khống cà phê Arabica quả tươi và 49 hợp đồng mua bán khống cà phê nhân xô. Căn cứ vào số lượng cà phê trong hợp đồng mua bán khống, Võ T đã xuất khống 34 hóa đơn giá trị gia tăng mặt hàng cà phê Aribica quả tươi với số lượng 12.600.000 kg, thành tiền 118.843.000.000 đồng, thuế giá trị gia tăng là 5.942.150.000 đồng, tổng trị giá thanh toán là 124.785.150.000 đồng và 76 hóa đơn giá trị gia tăng khống cho mặt hàng cà phê nhân xô với số lượng 6.188.679 kg, thành tiền là 244.604.646.020 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng là 12.230.232.000 đồng, tổng trị giá thanh toán là 256.834.878.020 đồng. Đối chiếu với lượng cà phê mà Công ty TPA đã bán khống cho Công ty TĐH qua 110 hóa đơn thì X đã chuyển cho Võ T số tiền 3.419.000.000 đồng là số tiền Võ T được hưởng từ 35% trên tổng số 5% tiền thuế giá trị gia tăng.

Đối với lượng cà phê nhân xô Công ty TĐH mua khống của Công ty TPA để làm đầu vào thì X chỉ đạo Phan V lập hợp đồng mua bán khống và xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống sang Công ty LK. Cụ thể trong tháng 12/2012 và tháng 01/2013 Công ty TĐH đã lập 35 hợp đồng mua bán khống và xuất khống 48 tờ hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty LK với số lượng 6.249.421 kg, thành tiền 247.063.579.000 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 12.353.178.975 đồng, tổng giá trị thanh toán 259.416.758.475 đồng. Sau đó X đã dùng 48 tờ hóa đơn giá trị gia tăng này để kê khai đầu vào cho số cà phê mà Công ty LK mua không có hóa đơn chứng từ.

Ngoài ra, do Công ty LK đã ký một số hợp đồng bán cà phê thành phẩm và cà phê nhân xô tiêu chuẩn 4C (cà phê sạch) với một số doanh nghiệp khác nhưng số cà phê Arabica của công ty mua vào không có hóa đơn giá trị gia tăng và không đủ điều kiện tiêu chuẩn 4C. Để hợp thức hóa số cà phê của Công ty LK đạt tiêu chuẩn 4C, Nguyễn Thị Thanh X đã trao đổi và thỏa thuận với 04 hộ kinh doanh cà phê đạt tiêu chuẩn 4C tại địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương (gồm Nguyễn Thị Ánh Tr, Chế Rơi V, Phạm Thị Thanh H, Nguyễn Thị Ng), cụ thể: các hộ kinh doanh cà phê ký hợp đồng kinh tế khống và lấy hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TĐH làm đầu vào, sau đó ký hợp đồng khống và dùng hóa đơn của 04 hộ xuất bán khống cho Công ty LK để Công ty LK làm đầu vào, từ đó căn cứ vào số lượng cà phê trên hóa đơn giá trị gia tăng mà 04 hộ xuất khống cho Công ty LK thì X sẽ trả 80 đồng/1kg cà phê và 04 hộ kinh doanh đồng ý. Sau đó, X tiếp tục chỉ đạo Phan V lập các hợp đồng mua bán khống và xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống từ công ty TĐH sang 04 hộ kinh doanh đối với lượng cà phê Arabica quả tươi đã mua khống của công ty TPA. Nội dung trong bản hợp đồng X cung cấp cho Vũ, sau khi soạn thảo xong Vũ chuyển giao cho các hộ kinh doanh. Tổng số mặt hàng cà phê quả tươi Arabica Công ty TĐH bán khống theo 30 hóa đơn giá trị gia tăng cho 04 hộ dân là 12.600 kg, thành tiền 117.386.500.000 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 5.869.325.000 đồng, tổng thành tiền 123.255.825.000 đồng.

Sau khi 04 hộ nhận hóa đơn giá trị gia tăng khống của công ty TĐH làm đầu vào, X lập hợp đồng kinh tế khống và nói 04 hộ xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng của họ cho Công ty LK với số lượng cà phê 12.600 kg (bằng lượng cà phê mà Công ty TĐH xuất bán khống cho 04 hộ dân). Sau khi soạn thảo các hợp đồng kinh tế khống, X nhờ bà Hoàng Thị Phương L, trú tại 199 TP, xã LN, thành phố Bảo Lộc mang lên cho 04 hộ kinh doanh ký vào hợp đồng. Sau đó 04 hộ mang cả cuốn hóa đơn giá trị gia tăng của mình xuống giao cho X, X chỉ đạo kế toán viết hóa đơn và cập nhật sổ sách để làm báo cáo thuế. Qua đối chiếu hợp đồng kinh tế mua bán khống và xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống giữa 04 hộ kinh doanh với công ty LK thì tổng số hóa đơn giá trị gia tăng 04 hộ xuất khống cho công ty LK là 57 hóa đơn với số lượng 13.760.000 kg cà phê Arabica quả tươi (trong đó có 12.600.000 kg là mua bán khống, còn lại 1.160.000 kg là số lượng cà phê mua bán thực tế), thành tiền 129.781.500.000 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 6.488.475.000 đồng, tổng thành tiền 136.270.575.000 đồng.

Các hộ kinh doanh đã xuất bán khống cho Công ty LK như sau:

Nguyễn Thị Ánh Tr, ở địa chỉ thôn ĐT, xã XT, thành phố Đà Lạt là người đứng tên kinh doanh và cũng là người thực hiện ký 06 hợp đồng kinh tế khống và xuất khống 12 hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng 1.280.000 kg cà phê Arabica quả tươi, thành tiền 12.272.000.000 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 613.600.000 đồng, tổng thành tiền 12.885.600.000 đồng.

Chế Rơi V, ở địa chỉ thôn TX1, xã XT, thành phố Đà Lạt là người đứng tên kinh doanh và cũng là người thực hiện ký 10 hợp đồng kinh tế khống và xuất khống 21 hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng 6.000.000 kg cà phê Arabica quả tươi, thành tiền 56.037.500.000 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 2.801.875.000 đồng, tổng thành tiền 58.839.375.000 đồng.

Phạm Thị Thanh H, ở địa chỉ thôn TX1, xã XT, thành phố Đà Lạt là người đứng tên kinh doanh và cũng là người xuất khống 16 hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng 2.830.000 kg, thành tiền 26.757.000.000 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 1.337.850.000 đồng, tổng thành tiền 28.094.850.000 đồng.

Nguyễn Thị Ng, ở địa chỉ thị trấn LD, huyện LD là người đứng tên kinh doanh và cũng là người xuất khống 08 hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng 3.600.000 kg, thành tiền 33.515.500.000 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 1.675.775.000.000 đồng, tổng thành tiền 35.191.275.000 đồng.

Sau đó, Công ty LK đã dùng toàn bộ 57 hóa đơn giá trị gia tăng của 04 hộ kinh doanh xuất khống để kê khai đầu vào đối với lượng cà phê mua không có hóa đơn chứng từ. Để tránh bị phát hiện, các sổ sách mua cà phê không có hóa đơn thì X đã tiêu hủy hết, đến tháng 03/2013, Công ty LK đã nhập số cà phê mua vào không có hóa đơn với số cà phê mua vào có hóa đơn để xuất bán hết 13.760.000 kg cho một số công ty, doanh nghiệp thu mua cà phê. Cân đối số liệu từ sổ kế toán và hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào, tờ kê khai thuế giá trị gia tăng tại công ty LK xác định được: Tổng số lượng cà phê công ty LK mua vào không có hóa đơn giá trị gia tăng trong thời gian từ tháng 9/2012 đến tháng 01/2013 là8.392.278 kg cà phê nhân xô, thành tiền 366.782.839.951 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 18.339.141.998 đồng, tổng trị giá thanh toán 368.820.244.847 đồng. Toàn bộ số cà phê nói trên Công ty LK đã xuất bán hết cho 11 khách hàng và đã thanh toán đủ tiền hàng, tiền thuế giá trị gia tăng cho Công ty LK.

Ngoài ra theo quy định, để được khấu trừ tiền thuế giá trị gia tăng thì các giao dịch có trị giá trên 20.000.000 đồng đều phải giao dịch qua ngân hàng. Vì để đảm bảo điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho lô hàng được hợp thức hóa bằng hóa đơn giá trị gia tăng khống nói trên, Nguyễn Thị Thanh X đã sử dụng các chứng từ giao dịch thanh toán qua ngân hàng cho 04 hộ kinh doanh, Phan V và Võ T ký khống để X chỉ đạo cho nhân viên và người quen thực hiện chuyển rút tiền, cuối cùng số tiền Công ty LK b ra thanh toán giao dịch ngân hàng được, X chỉ đạo rút ra mang về cho X.

Như vậy, để hợp thức hóa số lượng cà phê 8.392.278 kg cà phê nhân xômua vào không có hóa đơn, Nguyễn Thị Thanh X đã kê khai khống tổng cộng 105 hóa đơn giá trị gia tăng để kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trong đó có 48 hóa đơn của công ty TĐH, 08 hóa đơn của Nguyễn Thị Ng, 12 hóa đơn của Nguyễn Thị Ánh Tr, 21 hóa đơn của Chế Rơi V, 16 hóa đơn của Phạm Thị Thanh H.

Kết quả giám định tư pháp ngày 10/7/2017 của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực Tài chính - Kế toán Sở tài chính Lâm Đồng; kết luận: Nguyễn Thị Thanh X và Công ty LK đã sử dụng hoá đơn bất hợp pháp của Công ty TPA, Công ty TĐH, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Ng, Nguyễn Thị Ánh Tr, Chế Rơi V và Phạm Thị Thanh H để lập khống hoá đơn và sử dụng để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng hàng hoá mua vào để trốn thuế giá trị gia tăng phải nộp là 17.562.860.231 đồng.

Hành vi mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng của Nguyễn Thị Thanh X, Phan V, Nguyễn Thị Ánh Tr, Chế Rơi V và Phạm Thị Thanh H đã bị kết án theo Bản án số 58/2014/HSST ngày 26/6/2014 của Toà án nhân dân thành phố Bảo Lộc về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” quy định tại Điều 164a của Bộ luật hình sự năm 1999. Bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Cáo trạng số 13/CT-VKSLĐ-P3 ngày 21/11/2017 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng truy tố bị cáo Nguyễn Thị Thanh X  về tội “Trốn thuế” theo khoản 3 Điều 161 của Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Tại phiên tòa bị cáo không thắc mắc, khiếu nại bản cáo trạng.

Viện kiểm sát tỉnh Lâm Đồng đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; điểm b, s khoản 1 Điều 51; khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 phạt tiền từ 03 tỷ đến 04 tỷ đồng đối với bị cáo để sung vào ngân sách Nhà nước,buộc bị cáo phải nộp lại số tiền trốn thuế là 17.562.860.231 đồng.

Đại diện Cục thuế tỉnh lâm Đồng đề nghị không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “khắc phục hậu quả” đối với bị cáo bởi vì số tiền 1.455.032.383 đồng bị cáo nộp ở thời điểm thanh tra thuế đã phát hiện, trong giai đoạn điều tra của công an bị cáo chưa nộp được số tiền nào. Đồng thời đại diện Cục thuế tỉnh Lâm Đồng đề nghị áp dụng khoản 4 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 phạt bổ sung bị cáo ba lần số tiền trốn thuế.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Trong thời gian từ tháng 09/2012 đến tháng 01/2013, bị cáo Nguyễn Thị Thanh X là giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn LK mua của các hộ dân, đại lý 8.392.278 kg cà phê nhân xô không có hóa đơn giá trị gia tăng; đã xuất bán hết cho 11 khách hàng và đã được thanh toán đủ tiền hàng, tiền thuế giá trị gia tăng. Để hợp thức hóa, Nguyễn Thị Thanh X đã mua 105 hóa đơn giá trị gia tăng khống (48 hóa đơn của Công ty trách nhiệm hữu hạn TĐH và 57 hóa đơn của 04 hộ kinh doanh) để kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào, nhằm khấu trừ số thuế phải nộp. Kết quả giám định tư pháp ngày 10/7/2017 của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực Tài chính - Kế toán Sở tài chính Lâm Đồng kết luận số tiền mà X sử dụng các hóa đơn mua vào để khấu trừ thuế từ đó không nộp số thuế giá trị gia tăng gây thất thoát ngân sách với tổng số tiền là 17.562.860.231 đồng. Hành vi của bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng truy tố về tội “ Trốn thuế” theo khoản 3 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật nên bị cáo phải chịu hình phạt do hành vi mà mình đã thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hành vi trốn thuế từ 01 tỷ đồng trở lên thì khởi điểm của khung hình phạt là phạt tiền. Do vậy, theo nguyên tắc có lợi nên Viện kiểm sát đề nghị áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và Bộ luật Hình sự năm 2015 để áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo, đồng thời do áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính thì không thể áp dụng thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền.

Về trách nhiệm dân sự: Tại biên bản làm việc ngày 14/01/2014 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và Tham nhũng (PC 46) và Chi cục thuế thành phố Bảo Lộc thì Công ty LK đã nộp thừa tiền thuế giá trị gia tăng là 1.455.032.383 đồng. Chi cục thuế thành phố Bảo Lộc có trách nhiệm sung vào ngân sách Nhà nước số tiền này.

Buộc bị cáo phải nộp lại số tiền trốn thuế là 17.562.860.231 đồng cho Cục thuế tỉnh Lâm Đồng để sung vào ngân sách Nhà nước được trừ đi số tiền1.455.032.383 đồng đã nộp và số tiền 20.000.000 đồng bị cáo nộp khắc phụchậu quả đã được Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và Tham nhũng (PC 46) Công an tỉnh Lâm Đồng chuyển vào tài khoản Cục thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng tại phòng giao dịch Kho bạc nhà nước tỉnh Lâm Đồng theo giấy ủy nhiệm chi lập ngày 20/11/2017, nên số tiền bị cáo phải tiếp tục nộp là 16.087.827.848 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Thanh X phạm tội “Trốn thuế”.

Áp dụng khoản 3 Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 200; điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 phạt tiền 04 tỷ đồng đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh X để sung vào ngân sách Nhà nước.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 buộc bị cáo Nguyễn Thị Thanh X có trách nhiệm nộp lại cho Cục thuế tỉnh Lâm Đồng số tiền trốn thuế còn lại là 16.087.827.847 đồngđể sung vào ngân sách Nhà nước.

Tuyên giao số tiền 20.000.000 đồng cho Cục thuế tỉnh Lâm Đồng để sung vào ngân sách Nhà nước. (số tiền đã được Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và Tham nhũng (PC 46) Công an tỉnh Lâm Đồng chuyển vào tài khoản Cục thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng tại phòng giao dịch Kho bạc nhà nước tỉnh Lâm Đồng theo giấy ủy nhiệm chi lập ngày 20/11/2017).

Chi cục thuế thành phố Bảo Lộc có trách nhiệm sung vào ngân sách Nhà nước số tiền là 1.455.032.383 đồng của Công ty LK đã nộp thừa tiền thuế giá trị gia tăng.

Về án phí: Áp dụng Điều 135; Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Buộc bị cáo Nguyễn Thị Thanh X phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo, nguyên đơn dân sự được quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1076
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2018/HS-ST ngày 19/03/2018 về tội trốn thuế

Số hiệu:08/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về