Bản án 09/2018/HNGĐ-ST ngày 18/09/2018 về ly hôn, tranh chấp nuôi con chung, phân chia nợ chung khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KỲ ANH, TỈNH HÀ TĨNH

BẢN ÁN 09/2018/HNGĐ-ST NGÀY 18/09/2018 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON CHUNG, PHÂN CHIA NỢ CHUNG KHI LY HÔN

Ngày 18 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 13/2018/TLST-HNGĐ ngày 29 tháng 01 năm 2018 về ly hôn, tranh chấp nuôi con chung, phân chia nợ chung khi ly hôn theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 09/2018/QĐXXST– HNGĐ ngày 30 tháng 7 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Chị Trần Thị Hoa H Sinh ngày: 27 – 8 – 1986; Địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Có mặt.

Bị đơn: Anh Phùng Quốc T Sinh ngày: 5 – 5 – 1981; Địa chỉ: Thôn K, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Vắng mặt (Đã được triệu tập phiên tòa hợp lệ đến lần thứ hai).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (có yêu cầu độc lập):

1. Chị Hoàng Thị J Sinh ngày: 20 – 4 – 1989; Địa chỉ: Thôn H, xã A, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Có mặt.

2. Ngân hàng chính sách xã hội Địa chỉ Phòng giao dịch: Tổ dân phố H, phường S, thị xã K, tỉnh Hà Tĩnh. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thành TN, chức vụ: Phó giám đốc phòng giao dịch huyện K, tỉnh Hà Tĩnh của Ngân hàng chính sách xã hội (Quyết định ủy quyền số 81/QĐ-NHCS ngày 14 – 5 – 2017 của Giám đốc phòng giao dịch huyện K, tỉnh Hà Tĩnh của Ngân hàng chính sách xã hội). Có mặt.

3. Bà Bùi Thị U Sinh ngày: 4 – 5 – 1942; Địa chỉ: Thôn Đ, xã P, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Có mặt.

4. Ông Ngô Đức Đ Sinh ngày: 12 – 5 – 1964; Địa chỉ: Khu phố 8, thị trấn R, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

5. Bà Nguyễn Thị Thu F Địa chỉ: Thôn K, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh.

Vắng mặt (Đã được triệu tập phiên tòa hợp lệ đến lần thứ hai).

6. Chị Trần Thị Thu S Sinh ngày: 10 – 10 – 1978; Địa chỉ: Thôn P, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh Có mặt.

7. Anh Nguyễn Tiến Z; Địa chỉ: Thôn P, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền là chị Trần Thị Thu S, vợ anh Nguyễn Tiến Z (Giấy ủy quyền ngày 11 – 7 – 2018). Có mặt.

Người làm chứng:

1. Chị Lê Thị N; Địa chỉ: Thôn N, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Vắng mặt.

2. Bà Nguyễn Thị C; Địa chỉ: Xóm 10 (thôn Đ), xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Vắng mặt.

3. Anh Võ Tiến V; Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, vụ án có nội dung như sau:

- Về quan hệ hôn nhân: Chị Trần Thị Hoa H đăng ký kết hôn với anh Phùng Quốc T tại Ủy ban nhân dân xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 26 – 5 – 2006. Sau khi kết hôn vợ chồng chung sống trong gia đình bố mẹ chồng tại xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2011 anh T đi xuất khẩu lao động tại Ăng Gô La đến năm 2017 về nước. Quá trình chung sống vợ chồng không hạnh phúc, không có tiếng nói chung, hay cãi vã lẫn nhau, anh T thỉnh thoảng đánh đập chị H. Từ ngày 5 – 11 – 2017 chị H đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ ở thôn T, xã P , huyện K, tỉnh Hà Tĩnh sinh sống, thỉnh thoảng về nhà bố mẹ chồng chăm sóc, thăm hỏi các con, gửi tiền cho bố mẹ chồng để nuôi con đồng thời chị làm đơn ly hôn. Nguyên nhân mâu thuẫn vợ chồng theo chị H do anh T thiếu trách nhiệm với gia đình, ham mê cờ bạc, rượu chè, không lo lắng làm ăn, thường xuyên vay mượn tiền đánh bạc để vợ phải gánh vác trả nợ, làm khổ vợ con đã nhiều lần, chị H và cha mẹ anh T, anh em bạn bè, hàng xóm láng giềng đã nhiều lần góp ý, can gián nhưng anh T không thay đổi. Còn theo anh T nguyên nhân do chị H ngoại tình và bỏ nhà đi bỏ rơi con cái, giả mạo chữ ký của chồng để vay tiền ngân hàng mua xe ô tô và giả mạo chữ ký của chồng để bán đất chung của vợ chồng lấy tiền chi tiêu riêng. Chị H yêu cầu được ly hôn và anh T đồng ý.

- Về con: Quá trình chung sống vợ chồng có 3 con chung là các cháu: Phùng Trần Như Q – Sinh ngày 29 tháng 7 năm 2007; Phùng Trần Như G – Sinh ngày 9 tháng 10 năm 2009; Phùng Trần M – Sinh ngày 25 tháng 11 năm 2011.

Từ khi chị H bỏ về nhà mẹ đẻ sinh sống, các cháu sống chung với anh T và ông bà nội tại nhà ông bà nội, chị H thỉnh thoảng về thăm hỏi, chăm sóc các con và gửi tiền cho ông bà nội để nuôi dưỡng các con. Chị H làm Trưởng ban kinh doanh khu vực Hà Tĩnh của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife, thu nhập ổn định trên 30.000.000đ/tháng, còn anh T trình bày từ năm 2011 đến 2017 anh T đi xuất khẩu lao động ở Ăng Gô La thu nhập 1.500USD/tháng, từ tháng 10/2017 anh về nước nhận công trình làm trang trí nội thất thu nhập 15.000.000đ/tháng, đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng các con. Tuy nhiên hiện nay anh T đi đâu, làm gì không ai biết. Cháu G có nguyện vọng được ở với mẹ, cháu Q có nguyện vọng được ở với bố sau khi bố mẹ ly hôn. Nhưng chị H yêu cầu được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cả 3 con mà không yêu cầu anh T phải đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con vì lý do chị H có trách nhiệm với con cái, có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao đủ khả năng nuôi con, trong khi đó anh T không có nghề nghiệp, thiếu trách nhiệm với con cái, gia đình, hiện nay đã bỏ đi đâu không ai biết. Còn anh T yêu cầu được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cả 3 con mà không yêu cầu chị H phải đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con vì lý do chị H bỏ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống bỏ rơi con cái.

- Về tài sản:

Anh T trình bày: Sau khi anh T đi xuất khẩu lao động, chị H ở nhà mua một xe Honda Vision vào năm 2013, giấy tờ xe đứng tên riêng chị H; mua một xe ô tô Kia Morning giá 470.000.000đ vào đầu năm 2017, giấy tờ xe đứng tên riêng chị H và mua 01 thửa đất giá 540.000.000đ vào cuối năm 2014, giấy tờ đất đứng tên cả hai vợ chồng. Đầu năm 2015 chị H đã giả mạo chữ ký của anh T tự ý ký hợp đồng bán đất cho vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z lấy tiền chi tiêu riêng. Tài sản hiện còn gồm xe máy trị giá 12.000.000đ và xe ô tô trị giá 350.000.000đ anh đã lấy từ chị H về quản lý, sử dụng.

Theo anh T anh đã có công sức đóng góp rất lớn vào việc hình thành các tài sản đó, cụ thể từ khi đi xuất khẩu lao động và sau này về nước anh đã gửi cho chị H tổng số tiền 23.000USD và 88.000.000đ để góp vào mua các tài sản nêu trên (trong đó trực tiếp đưa và chuyển khoản cho chị H 30.000.000đ + 500USD + 1.500USD; gửi thông qua những người trung gian là bà Nguyễn Thị K ở tiểu khu 3, tổ dân phố C, phường S, thị xã K, tỉnh Hà Tĩnh 3.500USD; ông Phùng Quốc Y ở Thôn K, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh, bố đẻ anh T 2.500USD; anh Phùng Quốc W ở Thôn K, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh, anh trai anh T 53.000.000đ; anh Phan Trọng R ở thôn H, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 300USD; chị Đặng Thị I không biết địa chỉ 200USD; anh Hồng Nhật D không biết địa chỉ 700USD; anh P không biết họ và tên lót ở Thôn K, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 1.300USD; anh G1 không biết họ và tên lót ở xã Kh, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 5.000.000đ; anh Nguyễn Đức A ở Đà Nẵng 3.000USD; anh Nguyễn Tiến L ở xã X, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 9.500USD).

Anh T yêu cầu hủy hợp đồng mua bán đất đã ký giữa chị H với vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z để thu hồi đất về, sau đó chia đôi đất, xe máy, ô tô cho chị H, anh T.

Để chứng minh cho lời trình bày và yêu cầu của mình anh T giao nộp: Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu xe máy, Giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu ô tô, bản sao hồ sơ về việc chị H bán lại đất cho vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z, Giấy xác nhận của anh Nguyễn Tiến L ở xã X, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh về việc anh Hải đã làm trung gian nhận 9.500USD từ anh T ở Ăng Gô La chuyển về cho chị H, nhưng trên đó không có chữ ký của chị H. Anh T còn yêu cầu Tòa án triệu tập những người đã làm trung gian nhận tiền từ anh T ở Ăng Gô La chuyển về cho chị H để làm chứng cho anh, nhưng những người này từ chối làm chứng, một số người Tòa án không triệu tập được do anh T không cung cấp được cụ thể họ tên và địa chỉ. Anh T còn yêu cầu Tòa án xác minh việc chị H giả mạo chữ ký của anh tự ý bán đất của vợ chồng, kết quả xác minh chị H thừa nhận chị đã giả mạo chữ ký của anh T ký hợp đồng bán đất để lấy tiền trả nợ các khoản chị đã vay để mua đất, ông Võ Tiến V – cán bộ địa chính xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh xác nhận khi làm hợp đồng, hồ sơ bán đất không thấy anh T có mặt nhưng vẫn có chữ ký của anh T trong hồ sơ.

Tuy nhiên sau khi trình bày và đưa ra yêu cầu nêu trên anh T bỏ đi khỏi địa phương không để lại địa chỉ, không nộp tiền tạm ứng án phí để được Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu của mình.

Còn chị H không yêu cầu phân chia tài sản nhưng trước ý kiến và hành động của anh T chị trình bày anh T không những không có đóng góp gì vào việc hình thành các tài sản nêu trên mà ngược lại còn ham mê cờ bạc, phá tán tài sản gia đình. Cụ thể là trước khi anh T đi xuất khẩu lao động, vợ chồng đã vay tiền (nay chị H chỉ nhớ được là có vay bà Bùi Thị U, còn lại chị H không nhớ hết là đã vay của những ai, vay bao nhiêu, lãi suất, thời hạn trả thế nào) để đầu tư thuê đất xây dựng 2 ki ốt hàn xì, mua sắm phụ tùng cho anh T làm nghề. Nhưng anh T không chăm lo làm ăn, ngược lại còn dùng tiền vay và doanh thu từ hai ki ốt đánh bạc nên không trả được nợ, sau đó vợ chồng phải tiếp tục vay 7.500USD (nay chị H không nhớ được là đã vay của những ai, số lượng, lãi suất, thời hạn trả thế nào) để nộp lệ phí cho anh T đi xuất khẩu lao động. Sau khi anh T đi xuất khẩu lao động, một ki ốt được bán lại và một ki ốt đã bị chính quyền giải tỏa, tổng số tiền có được do bán ki ốt và do được bồi thường khi giải tỏa ki ốt là 45.000.000đ. Từ khi đi xuất khẩu lao động và sau khi về nước anh T gửi cho chị H tổng số tiền là 7.150USD và 88.000.000đ (trong đó gửi thông qua 8 người trung gian là: bà Nguyễn Thị K ở tiểu khu 3, phường S, thị xã K, tỉnh Hà Tĩnh 3.500USD; ông Phùng Quốc Y, bố đẻ anh T ở Thôn K, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 1000USD; anh Phùng Quốc W, anh trai anh T ở Thôn K, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 53.000.000đ; anh Phan Trọng R ở thôn H, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 250USD; chị Đào Thị MB ở phường S, thị xã K, tỉnh Hà Tĩnh 200USD; chị Nguyễn Thị VX ở thôn H, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 700USD; HP không biết họ và tên lót ở xóm 2, xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 1000USD; anh G1 không biết họ và tên lót ở thôn Q, xã Kh, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 5.000.000đ; anh T trực tiếp đưa chị H 30.000.000đ và 500USD sau khi về nước). Số tiền có được do bán ki ốt, do được bồi thường ki ốt và do anh T gửi chị H đã góp vào cùng với tiền lương tích lũy của chị H để trả nợ vay nộp lệ phí cho anh T đi xuất khẩu lao động hết 7.500USD (chưa kể tiền lãi) và trả nợ vay đầu tư xây dựng ki ốt, nợ anh T vay đánh bạc hết 114.000.000đ (trong đó trả cô WS không biết họ và tên lót ở thôn H, xã P, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 15.000.000đ; chị N2 không biết họ và tên lót và không biết địa chỉ 15.000.000đ; anh L2 không biết họ và tên lót ở xã B, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh 11.000.000đ; bà CD không biết họ và tên lót và không biết địa chỉ 40.000.000đ; chị HT không biết họ và tên lót và không biết địa chỉ 17.000.000đ; bà TC, tức là bà Bùi Thị U – đương sự trong vụ án 16.000.000đ). Chị H còn phải gửi tiền sang Ăng gô la 53.000.000đ (gửi cùng với 100.000.000đ chị H nhận tại ông Ngô Đức Đ – người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) để anh T góp vốn cùng với ông Ngô Đức Đ mở tiệm sửa xe ở Ăng Gô La (trong đó gửi thông qua 2 người trung gian: chị Nguyễn Thị CN ở tiểu khu 2, khu phố T, phường S, thị xã K, tỉnh hà Tĩnh 1.500USD, bà Hoàng Thị N1 hay còn gọi là bác N1 không biết địa chỉ 3000USD và 30.000.000đ). Ngoài ra chị H còn nuôi 3 con trong thời gian 7 năm anh T đi xuât khẩu lao động. Còn các tài sản có được là do sau khi anh T đi xuất khẩu lao động, chị H ở nhà dùng tiền lương tích lũy của chị H mua một xe Honda Vision giá 30.000.000đ vào năm 2013, giấy tờ xe đứng tên riêng chị H, dùng tiền lương tích lũy của chị H và tiền chị H vay người khác (gồm vay chị Hoàng Thị J, chị Lê Thị N, bà Nguyễn Thị C, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn ...) mua một xe ô tô Kia Morning giá 470.000.000đ vào đầu năm 2017, giấy tờ xe đứng tên riêng chị H và mua 01 thửa đất giá 540.000.000đ vào cuối năm 2014, giấy tờ đất đứng tên cả hai vợ chồng. Đầu năm 2015 chị H đã bán đất cho vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z được 590.000.000đ và đã sử dụng hết tiền bán đất để trả nợ tiền vay mua đất, chị H còn dùng tiền lương tích lũy của mình trả được một phần tiền nợ vay mua ô tô. Tài sản còn lại là chiếc xe máy và xe ô tô mà chị H mua cùng giấy tờ xe sau khi Tòa án thụ lý vụ án ly hôn được một thời gian anh T đã cưỡng đoạt lấy cả hai xe quản lý, sử dụng rồi bán xe ô tô cho anh Hồ Văn B1 ở xã X, huyện N, tỉnh Hà Tĩnh và cầm cố xe máy ở cửa hàng cầm đồ Tuyết Việt tại Thôn Đ, xã P, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh lấy tiền rồi bỏ đi đâu đến nay không rõ. Chị H không đồng ý với ý kiến của anh T về việc hủy bỏ hợp đồng mua bán đất đã ký giữa chị H với vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z để thu hồi đất về chia cho vợ chồng, chị cũng không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bán xe ô tô và hợp đồng cầm cố xe máy mà anh T đã ký với người khác để thu hồi hai chiếc xe này về phân chia cho vợ chồng, nhưng chị yêu cầu Tòa án giao cho anh T phải chia sẻ với chị nghĩa vụ trả các khoản nợ vay để mua xe mà đến nay vẫn chưa trả hết.

Để chứng minh cho lời trình bày của mình, chị H đã giao nộp các tài liệu chứng cứ gồm Đăng ký kết hôn, bản sao Giấy khai sinh 3 con, bản sao Sổ hộ khẩu gia đình chị H – anh T, bản sao kê thông tin tài khoản của chị H tại Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam Chi nhánh K Phòng giao dịch Hoành Sơn, bản sao hồ sơ về việc chị mua đất của vợ chồng ông Nguyễn Hữu S1 – bà Trần Thị M1, giấy nhận tiền của hai người ghi nhận họ đã làm trung gian nhận tiền từ chị H chuyển sang Ăng Gô La cho anh T tuy nhiên trên các giấy nhận tiền này không có chữ ký của anh T. Chị H còn yêu cầu Tòa án triệu tập những chủ nợ mà chị đã vay tiền để mua xe ô tô và mua đất, những chủ nợ đã được chị trả tiền trong thời gian anh T đi xuất khẩu lao động, những người làm trung gian nhận tiền từ chị H gửi sang Ăng Gô La cho anh T để làm chứng cho chị. Tuy nhiên chỉ có chị Hoàng Thị J, bà Bùi Thị U, chị Trần Thị Thu S, chị Lê Thị N, bà Nguyễn Thị C có mặt làm chứng. Các tài liệu do chị H giao nộp và lời trình bày của những người này đều phù hợp với lời trình bày của chị H. Những người làm chứng còn lại từ chối làm chứng hoặc Tòa án không triệu tập được do chị H không cung cấp được đầy đủ họ tên, địa chỉ. Chị H còn yêu cầu Tòa án triệu tập bà Nguyễn Thị Thu F, mẹ đẻ anh T làm chứng cho chị. Mặc dù là mẹ đẻ anh T nhưng bà F xác nhận anh T vay tiền đánh bạc để lại nợ nần cho vợ phải trả, chính bà là người một số lần lấy tiền từ chị H đi trả nợ anh T vay trước khi đi xuất khẩu lao động, quá trình đi xuất khẩu lao động anh T gửi tiền về cho chị H không Đ bao nhiêu, không đủ để trả tiền vay nộp lệ phí cho anh T đi xuất khẩu lao động, chị H đã phải làm lụng vất vả nuôi con; xe máy, xe ô tô và đất của vợ chồng chủ yếu do chị H vay mượn người khác để mua.

Vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z không đồng ý với ý kiến của anh T về việc hủy bỏ hợp đồng mua bán đất đã ký giữa chị H với vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z để thu hồi đất về chia cho vợ chồng chị H – anh T.

- Về nợ:

+ Chị Hoàng Thị J trình bày: Ngày 10 – 2 – 2017 (âm lịch), tức ngày 7 – 3 – 2017 (dương lịch), chị H vay chị Hoàng Thị J 200.000.000đ, lãi suất tính theo lãi suất của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn là 0,9%/tháng, không xác định thời hạn trả nợ, mục đích để mua xe ô tô, đến ngày xét xử (18 – 9 – 2018) còn nợ 200.000.000đ tiền gốc và 33.060.000đ tiền lãi. Chị J yêu cầu phân chia nghĩa vụ trả khoản nợ của chị J cho vợ chồng chị H, anh T theo quy định của pháp luật. Để chứng minh cho lời trình bày của mình chị J nộp một giấy vay tiền 200.000.000đ trên đó có chữ ký của chị H ở mục bên vay và chữ ký của chị J ở mục bên cho vay. Chị H thừa nhận lời trình bày của chị J và cho rằng anh T phải chia sẻ nghĩa vụ trả khoản nợ này với chị vì mặc dù khi vay anh T không biết nhưng đây là tiền nợ vay mua ô tô và hiện nay anh T đã lấy ô tô bán chi tiêu riêng, nay anh T đã bỏ đi chị H nhận trách nhiệm trước mắt chị đứng ra trả toàn bộ khoản nợ cho chị J nhưng anh T phải đưa lại cho chị tiền chênh lệch nghĩa vụ trả nợ là một nửa giá trị khoản nợ, tức là 100.000.000đ tiền gốc, 16.530.000đ tiền lãi và tiền lãi phát sinh thêm sau ngày xét xử. Anh T không đồng ý chia sẻ nghĩa vụ trả khoản nợ này với chị H vì việc vay mượn như thế nào anh không biết.

+ Người đại diện Ngân hàng chính sách xã hội là ông Nguyễn Thành TN trình bày: Ngày 27 – 10 – 2015 chị H vay Ngân hàng chính sách xã hội 30.000.000đ, lãi suất 0,6875%/tháng, hạn trả nợ 27 – 10 – 2020, mục đích vay để đầu tư xây dựng kinh tế gia đình, đến ngày xét xử (18 – 9 – 2018) còn nợ 30.000.000đ tiền gốc và 74.589đ tiền lãi. Ngân hàng chính sách xã hội yêu cầu giao cho chị H phải trả khoản nợ này. Để chứng minh cho lời trình bày của mình, ông TN nộp bản sao hồ sơ vay vốn lưu tại Ngân hàng chính sách xã hội. Chị H thừa nhận lời trình bày của ông TN, theo chị khoản nợ này vợ, chồng mỗi người phải có trách nhiệm trả một nửa vì sau khi lĩnh tiền vay chị H đã dùng 12.000.000đ để bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông do chị H gây ra, còn 18.000.000đ dùng để chăm nuôi các con bởi lúc đó thu nhập của chị H còn thấp chỉ được từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi tháng, nay anh T đã bỏ đi chị H đồng ý trước mắt chị đứng ra trả toàn bộ nợ cho Ngân hàng chính sách xã hội nhưng anh T phải đưa lại cho chị tiền chênh lệch nghĩa vụ trả nợ bằng một nửa giái trị khoản nợ, tức là 15.000.000đ tiền gốc, 37.294đ tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm sau ngày xét xử sơ thẩm. Anh T không đồng ý chia sẻ nghĩa vụ trả khoản nợ này với chị H vì chị H vay anh không biết.

+ Bà Bùi Thị U trình bày: Chị H và anh T nhiều lần vay tiền bà U để đầu tư xây dựng ki ốt làm ăn. Ngày 5 – 2 – 2009 chốt nợ thì chị H và anh T còn nợ bà 35.000.000đ, lãi suất 1,5%/tháng, hạn trả ngày 5 – 3 – 2009 âm lịch. Sau khi anh T đi xuất khẩu lao động, chị H ở nhà đã trả cho bà 16.000.000đ tiền gốc, còn nợ 19.000.000đ tiền gốc và một số tiền lãi. Bà U yêu cầu chị H phải trả cho bà 19.000.000đ tiền gốc vì hiện nay anh T đã bỏ đi, không yêu cầu trả lãi. Cả chị H và anh T đều thừa nhận khoản nợ này và nhận trách nhiệm vợ, chồng đều phải trả cho bà U. Nay anh T đã bỏ đi, chị H đồng ý trước mắt chị đứng ra trả cho bà U toàn bộ 19.000.000đ nhưng anh T phải đưa lại cho chị tiền chênh lệch nghĩa vụ trả nợ là một nửa giá trị khoản nợ, tức là 9.500.000đ.

+ Ông Ngô Đức Đ trình bày: Ông Đ và anh T cùng đi xuất khẩu lao động ở Ăng Gô La và có thỏa thuận chung tiền mở tiệm sửa chữa xe máy ở bên đó. Dịp tháng 2 – 2015 ông Đ về nước và đã gửi cho chị H 100.000.000đ để chị H gửi sang cho anh T khi đó đang ở Ăng Gô La mở tiệm. Nhưng sau đó ông Đ không trở lại Ăng Gô La và không thể liên lạc với anh T. Sau khi anh T về nước gặp lại nhau anh T cho biết anh không mở tiệm sửa xe máy và anh đã trả cho ông Đ 20.000.000đ, còn nợ 80.000.000đ. Ông Đ yêu cầu Tòa án phân chia nghĩa vụ trả số nợ còn lại cho vợ chồng anh T, chị H theo quy định của pháp luật, nay anh T đã bỏ đi đâu không rõ thì trước mắt chị H phải đứng ra trả cho ông toàn bộ, không yêu cầu trả tiền lãi. Để chứng minh cho lời trình bày của mình ông Đ đã giao nộp một giấy nhận tiền 80.000.000đ trong đó có chữ ký của chị H ở mục người nhận tiền và chữ ký của ông Đ ở mục người gửi tiền và một giấy nộp tiền 20.000.000đ vào tài khoản của chị H ở Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam chi nhánh K, Hà Tĩnh trong đó có tên ông Ngô Đức Đ ở mục khách hàng nộp tiền. Cả chị H và anh T đều thừa nhận lời trình bày của ông Đ. Chị H cho rằng khoản nợ này anh T phải trả toàn bộ vì đây là quan hệ làm ăn riêng giữa ông Đ với anh T và toàn bộ số tiền của ông Đ chị đã chuyển sang Ăng Gô La cho anh T. Còn anh T đề nghị chia đôi chị H và anh T mỗi người trả một nửa khoản nợ này.

+ Bà Nguyễn Thị Thu F trình bày: Tháng 9 – 2017, chị H và anh T cùng nhau vay bà F 20.000.000đ, không lãi, không xác định cụ thể thời hạn trả nợ, mục đích để anh T mua vật liệu thi công Trường mẫu giáo xã Kỳ B, chưa trả đồng nào. Bà F yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng, chị H, anh T phải trả nợ cho bà khi ly hôn. Tuy nhiên bà F không nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án để được giải quyết yêu cầu của mình.

Phát biểu ý kiến tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị:

- Về tình cảm: Căn cứ Điều 56 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 chấp nhận đơn khởi kiện xin ly hôn của chị Trần Thị Hoa H.

- Về con chung và cấp dưỡng: Căn cứ các Điều 81, 82, 83 Luật hôn nhân gia đình giao các cháu Phùng Trần Như Q, Phùng Trần Như G, Phùng Trần M cho chị Trần Thị Hoa H chăm sóc và nuôi dưỡng. Anh Phùng Quốc T có quyền đi lại thăm non các cháu và không bị ai ngăn cấm. Về cấp dưỡng không xem xét giải quyết.

- Về tài sản chung: Không xem xét giải quyết.

- Về nợ chung:

+ Đối với khoản nợ 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng) của chị H với Ngân hành chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh huyện K: Căn cứ Điều 5, Điều 246 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 60 Luật hôn nhân gia đình ghi nhận sự thỏa thuận chị H phải trả cho Ngân hàng chính sách xã hội 30.000.000đ tiền gốc và tiền lãi phát sinh thêm. Anh T có trách nhiệm trả lại cho chị H 9.000.000đ.

+ Đối với khoản nợ của bà Bùi Thị U: Căn cứ Điều 5, Điều 246 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 60 Luật hôn nhân gia đình ghi nhận sự thỏa thuận chị H phải trả cho bà Bùi Thị U số tiền 19.000.000đ, buộc anh Phùng Quốc T phải có trách nhiệm trả lại cho chị H 9.500.000đ.

+ Đối với khoản nợ của bà Nguyễn Thị K: không xem xét giải quyết + Đối với khoản nợ của ông Ngô Đức Đ: Căn cứ vào Điều 27, khoản 1 Điều 37, Điều 60 Luật hôn nhân gia đình buộc anh T trả 2 phần số tiền nợ và chị H trả 1 phần số tiền nợ (chị H phải trả 20.000.000đ; anh T phải trả 60.000.000đ).

+ Đối với khoản nợ của chị Hoàng Thị J: Căn cứ Điều 5, Điều 246 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 60 Luật hôn nhân gia đình ghi nhận sự thỏa thuận chị H phải trả cho chị Hoàng Thị J số tiền 232.060.000đ, buộc anh T phải trả lại cho chị H số tiền 116.030.000đ.

Vị đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị buộc các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng:

- Bà Nguyễn Thị Thu F có yêu cầu độc lập buộc vợ, chồng chị H, anh T phải trả nợ vay cho bà khi ly hôn, nhưng bà F không nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án để được giải quyết yêu cầu của mình và vắng mặt tại phiên tòa đến lần thứ hai mặc dù đã được tống đạt hợp lệ giấy triệu tập phiên tòa, căn cứ vào Điểm d Khoản 1 Điều 192, Khoản 2 Điều 195, Điều 202 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án không thụ lý giải quyết yêu cầu đòi nợ của bà F. Bà F được quyền khởi kiện đòi nợ chị H, anh T trong một vụ án khác.

- Chị H không có yêu cầu phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Còn anh T có yêu cầu hủy hợp đồng mua bán đất đã ký giữa chị H với vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z thu hồi đất về và phân chia đất, xe máy, ô tô cho chị H, anh T khi ly hôn, nhưng anh T không nộp tiền tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án để được giải quyết yêu cầu của mình, nhiều lần vắng mặt mặc dù đã được Tòa án tống đạt hợp lệ giấy triệu tập. Căn cứ vào Điểm d Khoản 1 Điều 192, Khoản 2 Điều 195, Điều 202 của Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án không thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của anh T về việc hủy hợp đồng mua bán đất đã ký giữa chị H với vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z thu hồi đất về, phân chia đất, xe máy, ô tô cho chị H, anh T. Chị H, anh T được quyền khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản của vợ, chồng trong một vụ án khác.

- Bị đơn là anh Phùng Quốc T vắng mặt tại phiên tòa đến lần thứ hai mặc dù đã được tống đạt, niêm yết hợp lệ giấy triệu tập phiên tòa, căn cứ vào Điểm b Khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt anh T.

- Anh Nguyễn Tiến Z vắng mặt nhưng có người đại diện theo ủy quyền là chị Trần Thị Thu S, vợ anh Thường thay mặt tham gia phiên tòa. Hơn nữa yêu cầu của anh T về việc hủy hợp đồng mua bán đất đã ký giữa chị H với vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z thu hồi đất về không Đ Tòa án thụ lý giải quyết nên không bắt buộc chị Trần Thị Thu S và anh Nguyễn Tiến Z phải có mặt tham gia phiên tòa.

[2]. Về quan hệ hôn nhân: chị H và anh T đều thừa nhận mâu thuẫn vợ chồng, đến mức anh T đã một số lần đánh chị H, nay chị H, anh T đều bỏ nhà đi không còn liên lạc với nhau nữa, chứng tỏ quan hệ hôn nhân đã đến mức trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, đủ căn cứ để xử cho chị H ly hôn với anh T theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình.

[3]. Về con: Mặc dù anh T có nguyện vọng được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cả 3 con và cháu Q có nguyện vọng được ở với bố sau khi bố mẹ ly hôn, nhưng đủ cơ sở để xác định anh T vô trách nhiệm, bỏ bê gia đình, hiện nay đã rời khỏi địa phương không ai biết ở đâu. Còn chị H mặc dù bỏ đi khỏi nhà nhưng do bị anh T đánh đập, chị cũng không đi xa và vẫn thường xuyên về chăm sóc, thăm hỏi các con và chu cấp tiền cho bố mẹ chồng để nuôi dưỡng các con (được mẹ chồng xác nhận), chị lại có thu nhập khá cao đủ khả năng để chăm sóc, nuôi dưỡng các con của mình. Cho nên để đảm bảo quyền lợi, việc học tập, sinh hoạt bình thường và sự phát triển ổn định của cháu, Tòa án chấp nhận nguyện vọng của chị H, giao cả 3 con cho chị H trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo quy định tại các Điều 81, 82, 83 Luật hôn nhân gia đình. Anh T có quyền và nghĩa vụ đi lại thăm nom các con không ai được phép ngăn cấm, cản trở.

Chị H không yêu cầu anh T đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con, miễn xét.

[4]. Về nợ:

Xét thấy: Mặc dù anh T trình bày anh T đã gửi cho chị H 23.000USD và 88.000.000đ để đóng góp vào mua xe máy, ô tô, đất và nuôi dưỡng các con nhưng anh không cung cấp được bằng chứng nào để chứng minh vì: Anh T yêu cầu Tòa án triệu tập những người đã làm trung gian nhận tiền từ anh T ở Ăng Gô La chuyển về cho chị H để làm chứng cho anh, nhưng những người này từ chối làm chứng, một số người Tòa án không triệu tập được do anh T không cung cấp được cụ thể họ tên và địa chỉ; anh T giao nộp Giấy xác nhận của anh Nguyễn Tiến L ở xã X, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh về việc anh Hải đã làm trung gian nhận 9.500USD từ anh T ở Ăng Gô La chuyển về cho chị H nhưng trên giấy xác nhận này không có chữa ký của chị H nên không đủ giá trị chứng minh. Chị H thừa nhận từ khi đi xuất khẩu lao động và sau khi về nước anh T gửi cho chị H tổng số tiền là 7.150USD và 88.000.000đ, theo quy định tại Khoản 2 Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự thì đây là tình tiết không phải chứng minh, anh T được Hội đồng xét xử chấp nhận là có gửi cho chị H 7.150USD và 88.000.000đ, tương đương khoảng 246.000.000đ tiền Việt Nam. Số tiền anh T gửi cho chị H còn thiếu 224.700.000đ nữa mới đủ tiền mua xe ô tô, chứng tỏ chị H phải vay chị J 200.000.000đ thêm vào để mua xe ô tô là có thật và hợp lý, phải vay toàn bộ tiền mua đất sau đó phải bán đất trả nợ tiền vay mua đất là có thật và hợp lý, phải dùng một phần tiền vay ngân hàng chính sách xã hội để nuôi dưởng 3 con là có thật và hợp lý. Bà Nguyễn Thị Thu F, mẹ đẻ anh T cũng xác nhận anh T vay tiền đánh bạc để lại nợ nần cho vợ phải trả, chính bà là người một số lần lấy tiền từ chị H đi trả nợ anh T vay trước khi đi xuất khẩu lao động, quá trình đi xuất khẩu lao động anh T gửi tiền về cho chị H không Đ bao nhiêu, không đủ để trả tiền vay nộp lệ phí cho anh T đi xuất khẩu lao động, chị H đã phải làm lụng vất vả nuôi con; xe máy, xe ô tô và đất của vợ chồng chủ yếu do chị H vay mượn người khác để mua. Còn số tiền 45.000.000đ có được do bán ki ốt và do được bồi thường khi giải tỏa ki ốt anh T cũng không đề cập đến và số tiền này chị H trình bày chị đã dùng để nuôi con, trả nợ vay đầu tư xây dựng ki ốt là đúng sự thật, hợp lý vì chính anh T, bà U cũng thừa nhận vợ chồng có vay nợ bà U đã được chị H trả nợ một phần.

Vì vậy:

+ Đối với khoản vay của chị Hoàng Thị J: Khoản vay này do chị H đứng ra vay để mua xe ô tô anh T không biết, cho nên lẽ ra chị H có nghĩa vụ riêng trả nợ toàn bộ, đồng thời số tiền vay được thuộc quyền sở hữu riêng của chị H. Tuy nhiên trên thực tế số tiền vay này đã được chị H sử dụng mua xe ô tô, chiếc xe này mặc dù đăng ký sở hữu xe đứng tên riêng chị H nhưng hiện nay anh T đã giành quyền quản lý và sử dụng, coi đó là tài sản chung của vợ chồng và chị H cũng không yêu cầu công nhận quyền sở hữu xe cho riêng chị. Vì vậy, theo quy định tại Điều 27, Khoản 4 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ trả khoản nợ cho chị J trở thành nghĩa vụ chung liên đới của vợ chồng chị H - anh T, kỷ phần mỗi người trả một nửa, tức là mỗi người trả 100.000.000đ tiền gốc, 16.530.000đ tiền lãi và tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,9%/tháng.

+ Đối với khoản vay của Ngân hành chính sách xã hội: Sau khi lĩnh tiền vay chị H đã dùng 12.000.000đ đền bù thiệt hại tai nạn giao thông do chị H gây ra, cho nên theo quy định tại Khoản 4 Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình thì chị H phải có nghĩa vụ riêng rẽ trả nợ 12.000.000đ tiền gốc này và 12.000.000đ/30.000.000đ x 74.589đ = 29.836đ tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,6875%/tháng, hạn trả 27 – 10 – 2020. Còn lại 18.000.000đ, mục đích vay thể hiện trong hồ sơ vay là nhằm đầu tư xây dựng kinh tế gia đình, thoát nghèo và trên thực tế chị H đã sử dụng để nuôi con, phục vụ nhu cầu chung của gia đình, cho nên theo quy định tại Điều 27, các Khoản 2, 4 Điều 37 của Luật hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ trả nợ 18.000.000đ này là nghĩa vụ chung liên đới của vợ chồng chị H – anh T, mỗi người có trách nhiệm trả một nửa, tức là mỗi người trả 9.000.000đ tiền gốc và 9.000.000đ/30.000.000đ x 74.589đ = 22.377đ tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,6875%/tháng, hạn trả 27 – 10 – 2020. Như vậy khoản nợ này chị H phải trả 21.000.000đ tiền gốc, 52.213đ tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,6875%/tháng, hạn trả 27 – 10 – 2020; anh T phải trả 9.000.000đ tiền gốc, 22.377đ tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,6875%/tháng, hạn trả 27 – 10 – 2020.

+ Đối với khoản nợ của bà Bùi Thị U: Các giao dịch vay nợ bà U do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, hiện nay cả hai vợ chồng đều thừa nhận khoản nợ của bà U. Theo quy định tại Điều 27, Khoản 1 Điều 37 của Luật hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ trả nợ cho bà U là nghĩa vụ chung liên đới của vợ chồng, mỗi người trả một nửa, tức là mỗi người trả 9.500.000đ.

+ Đối với khoản nợ của ông Ngô Đức Đ: Ông Đ góp vốn gửi cho anh T để đầu tư mở tiệm sửa xe nhưng anh T không mở tiệm sửa xe như đã thỏa thuận thì phát sinh nghĩa vụ phải trả lại phần vốn góp cho ông Đ. Chị H nhận tiền tại ông Đ nhằm mục đích chuyển sang Ăng Gô La cho anh T mở tiệm sửa xe chứng tỏ giữa chị H và anh T đã có sự thỏa thuận đồng tình với nhau về việc tiếp nhận phần vốn góp của ông Đ để đầu tư làm ăn phục vụ phát triển kinh tế gia đình, cho nên theo Điều 27, Khoản 1 Điều 37 của Luật hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch này phải là nghĩa vụ chung liên đới của vợ chồng, hay nói cách khác nghĩa vụ trả lại tiền cho ông Đ là nghĩa vụ chung liên đới của vợ chồng chị H – anh T. Về kỷ phần, xét thấy sau khi về nước anh T tự mình trả cho ông Đ 20.000.000đ chứng tỏ phần vốn góp của ông Đ đã được chị H chuyển cho anh T, chính anh T cũng thừa nhận, như vậy chị H không Đ hưởng lợi gì từ khoản vốn góp này, kể cả lợi nhuận. Do vậy, để đảm bảo sự công bằng, anh T phải trả lại phần lớn phần vốn góp, cụ thể là 80.000.000đ, khấu trừ 20.000.000đ đã trả trước còn lại 60.000.000đ; chị H phải trả 20.000.000đ còn lại (tương tự như khoản vay Ngân hàng chính sách xã hội, chị H phải trả phần nhiều hơn, anh T phải trả phần ít hơn).

Như vậy, chị H, anh T phải trả tổng số tiền nợ cả gốc và lãi là 362.134.589đ và tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm, trong đó kỷ phần chị H phải trả cả gốc và lãi là 167.082.213đ và tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm, anh T phải trả cả gốc và lãi là 195.052.377đ và tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm.

Tại phiên tòa hôm nay, chị Hoàng Thị J, Ngân hàng chính sách xã hội và bà Bùi Thị U đạt được thỏa thuận với chị H theo đó trước mắt chị H sẽ đứng ra trả toàn bộ giá trị các khoản nợ cho chị J, Ngân hàng chính sách xã hội và bà U, đổi lại chị J, Ngân hàng chính sách xã hội và bà U chuyển quyền đòi nợ của các chủ nợ này đối với anh T sang cho chị J (hay nói cách khác chị H trả toàn bộ nợ cho 3 chủ nợ này, còn anh T đưa lại cho chị J tiền chênh lệch nghĩa vụ trả nợ). Sự thỏa thuận này là tự nguyện, phù hợp với Điều 288, Điều 365 của Bộ luật dân sự, Điều 246 của Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 60 Luật hôn nhân gia đình, cho nên được công nhận.

[5]. Về án phí:

- Chị H là nguyên đơn yêu cầu ly hôn, cho nên phải chịu 300.000đ án phí ly hôn sơ thẩm, theo quy định tại Khoản 4 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 6, Điểm a Khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội và Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án kèm theo.

- Chị H phải chịu 167.082.213đ x 5% = 8.354.000đ án phía phân chia nghĩa vụ trả nợ, anh T phải chịu 195.052.377đ x 5% = 9.753.000đ án phí phân chia nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 6, Khoản 6 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội và Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án kèm theo.

Chị H được khấu trừ vào 300.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp trước.

Chị J được trả lại 5.000.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp. Bà U được trả lại 475.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp. Ông Đ được trả lại 2.000.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp.

[6]. Về quyền kháng cáo: Chị H, chị J, người đại diện Ngân hàng chính sách xã hội, bà U, ông Đ, vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z có mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; anh T, bà F vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án theo quy định tại Khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng:

Khoản 2 Điều 92, Điều 147, Điểm b Khoản 2 Điều 227, Điều 246, Khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 6, Khoản 6 Điều 26, Điểm a Khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội và Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án kèm theo;

Điều 27, các Khoản 1, 2, 4 Điều 37, Khoản 4 Điều 45, Khoản 1 Điều 56, Điều 60, Điều 81, Điều 82, Điều 83 của Luật hôn nhân và gia đình; Điều 288, Điều 365 của Bộ luật dân sự:

- Về quan hệ hôn nhân: Chấp nhận yêu cầu của chị Trần Thị Hoa H về việc ly hôn anh Phùng Quốc T.

- Về con: Giao các cháu Phùng Trần Như Q – Sinh ngày 29 tháng 7 năm 2007, Phùng Trần Như G – Sinh ngày 9 tháng 10 năm 2009, Phùng Trần M – Sinh ngày 25 tháng 11 năm 2011 cho chị Trần Thị Hoa H trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục kể từ ngày Bản án của Toà án có hiệu lực cho đến khi con chung đủ 18 tuổi hoặc đến khi có quyết định thay đổi người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của Toà án. Anh Phùng Quốc T có quyền và nghĩa vụ đi lại thăm nom con chung, chị Trần Thị Hoa H và các thành viên trong gia đình chị Trần Thị Hoa H không Đ ngăn cấm, cản trở.

Anh Phùng Quốc T không phải đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con chung cho chị Trần Thị Hoa H.

- Về nợ:

+ Buộc chị Trần Thị Hoa H và anh Phùng Quốc T phải liên đới trả cho chị Hoàng Thị J 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) tiền gốc, 33.060.000đ (Ba mươi ba triệu không trăm sáu mươi nghìn đồng) tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,9%/tháng, trong đó kỷ phần của mỗi người là 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) tiền gốc, 16.530.000đ (Mười sáu triệu năm trăm ba mươi nghìn đồng) tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,9%/tháng. Công nhận sự thỏa thuận trước mắt chị Trần Thị Hoa H trả cho chị Hoàng Thị J toàn bộ giá trị khoản nợ của chị J là 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng) tiền gốc, 33.060.000đ (Ba mươi ba triệu không trăm sáu mươi nghìn đồng) tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,9%/tháng, nhưng anh Phùng Quốc T phải đưa lại cho chị Trần Thị Hoa H kỷ phần của anh T là 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) tiền gốc, 16.530.000đ (Mười sáu triệu năm trăm ba mươi nghìn đồng) tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,9%/tháng.

+ Buộc chị Trần Thị Hoa H và anh Phùng Quốc T phải trả cho Ngân hàng chính sách xã hội 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng) tiền gốc và 74.589đ (bảy mươi tư nghìn năm trăm tám chín đồng) tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,6875%/tháng, hạn trả 27 – 10 – 2020, trong đó kỷ phần của chị H là 21.000.000đ (Hai mươi mốt triệu đồng) tiền gốc, 52.213đ (Năm mươi hai nghìn hai trăm mười ba đồng) tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,6875%/tháng, hạn trả 27 – 10 – 2020; kỷ phần của anh T là 9.000.000đ (Chín triệu đồng) tiền gốc, 22.377đ (Hai mươi hai nghìn ba trăm bảy bảy đồng) tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,6875%/tháng, hạn trả 27 – 10 – 2020. Công nhận sự thỏa thuận trước mắt chị Trần Thị Hoa H trả cho Ngân hàng chính sách xã hội toàn bộ giá trị khoản nợ của Ngân hàng chính sách xã hội là 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng) tiền gốc và 74.589đ (bảy mươi tư nghìn năm trăm tám chín đồng) tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,6875%/tháng, hạn trả 27 – 10 – 2020, nhưng anh Phùng Quốc T phải đưa lại cho chị Trần Thị Hoa H kỷ phần của anh T là 9.000.000đ (Chín triệu đồng) tiền gốc, 22.377đ (Hai mươi hai nghìn ba trăm bảy bảy đồng) tiền lãi cùng tiền lãi phát sinh thêm kể từ ngày xét xử sơ thẩm 18 – 9 – 2018 theo lãi suất 0,6875%/tháng, hạn đưa lại 27 – 10 – 2020.

+ Buộc chị Trần Thị Hoa H và anh Phùng Quốc T phải liên đới trả cho bà Bùi Thị U 19.000.000đ (Mười chín triệu đồng), kỷ phần của mỗi người là 9.500.000đ (Chín triệu năm trăm nghìn đồng). Công nhận sự thỏa thuận trước mắt chị Trần Thị Hoa H trả cho bà Bùi Thị U toàn bộ giá trị khoản nợ của bà U là 19.000.000đ (Mười chín triệu đồng), nhưng anh Phùng Quốc T phải đưa lại cho chị Trần Thị Hoa H kỷ phần của anh T là 9.500.000đ (Chín triệu năm trăm nghìn đồng).

+ Buộc chị Trần Thị Hoa H và anh Phùng Quốc T phải liên đới trả cho ông Ngô Đức Đ 80.000.000đ (Tám mươi triệu đồng), trong đó kỷ phần của chị Trần Thị Hoa H là 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng), kỷ phần của anh Phùng Quốc T là 60.000.000đ (Sáu mươi triệu đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành thì phải trả tiền lãi quá hạn theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật dân sự.

- Về án phí:

Chị Trần Thị Hoa H phải nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí ly hôn sơ thẩm, 8.354.000đ (Tám triệu ba trăm năm tư nghìn đồng) án phí phân chia nghĩa vụ trả nợ, nhưng được khấu trừ vào khoản tiền tạm ứng án phí 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005185 ngày 29 – 01 – 2018, còn 8.354.000đ (Tám triệu ba trăm năm tư nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm chị Trần Thị Hoa H phải nộp tiếp.

Anh Phùng Quốc T phải chịu 9.753.000đ (Chín triệu bảy trăm năm ba nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Chị Hoàng Thị J được trả lại 5.000.000đ (Năm triệu đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005191 ngày 08 – 02 – 2018.

Bà Bùi Thị U được trả lại 475.000đ (Bốn trăm bảy lăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005189 ngày 07 – 02 – 2018.

Ông Ngô Đức Đ được trả lại 2.000.000đ (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005274 ngày 23 – 07 – 2018.

Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Chị Trần Thị Hoa H, chị Hoàng Thị J, Ngân hàng chính sách xã hội, bà Bùi Thị U, ông Ngô Đức Đ, vợ chồng chị Trần Thị Thu S – anh Nguyễn Tiến Z được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Anh Phùng Quốc T, bà Nguyễn Thị Thu F được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

441
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2018/HNGĐ-ST ngày 18/09/2018 về ly hôn, tranh chấp nuôi con chung, phân chia nợ chung khi ly hôn

Số hiệu:09/2018/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 18/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về