Bản án 10/2017/DS-ST ngày 21/08/2017 về tranh chấp chia thừa kế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUẾ VÕ, TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 10/2017/DS-ST NGÀY 21/08/2017 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Ngày 21 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh mở phiên toà công khai xét xử sơ thẩm vụ án Tranh chấp chia thừa kế thụ lý số 16/2016/TLST- DS ngày 27 tháng 10 năm 2016 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 13/2017/QĐST- DS ngày 01/8/2017, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Anh Trần Tú A, sinh năm 1995 (vắng mặt)

Đại diện theo ủy quyền: Bà Phạm Thị N, sinh năm 1973 (có mặt)

Địa chỉ: Thôn H, xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư Phạm Thu H (có mặt) Văn phòng Luật sư Trung Hòa, chi nhánh Bắc Ninh

Địa chỉ: Thôn Đ, thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

Bị đơn: Ông Trần Văn T, sinh năm 1940 (có mặt)

Địa chỉ: Thôn P, xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1/ Bà Trần Thị T, sinh năm 1942 (vắng mặt)

Đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn T, sinh năm 1940 (có mặt)

Cùng địa chỉ: Thôn P, xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

2/ Bà Dương Thị S, sinh năm 1966 (vắng mặt)

Địa chỉ: Khu phố 5, thị trấn D, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Anh Trần Tú A là con trai duy nhất của ông Trần Văn Q, sinh năm 1966. Ngày 21/7/2014 ông Q mất vì bệnh tật, khi mất không để lại di chúc và không có tài sản gì để lại. Tuy nhiên do ông Q là bộ đội nên khi mất có được trả chế độ tử tuất là 882.871.400đ (Tám trăm tám mươi hai triệu tám trăm bẩy mốt nghìn bốn trăm đồng). Ngoài chế độ trên thì không còn gì nữa.

Hàng thừa kế thứ nhất của ông Q gồm: Trần Tú A, ông Trần Văn T, bà Trần Thị T, bà Dương Thị S (vợ thứ hai của ông Q). Riêng chế độ của bộ đội thì có một khoản cho mẹ bà S (bà Khương Thị N). Sau khi ông Quyên mất, gia đình làm giấy ủy quyền cho bà S nhận tiền từ đơn vị tổng cộng là 882.871.400đ. Gia đình đã thống nhất chia tiền như sau:

- Tiền bảo hiểm xã hội 454.935.400đ : 5 người = 90.987.080đ (gồm: Trần Văn T, Trần Thị T, Dương Thị S, Khương Thị N, Trần Tú A). Ngày 14/6/2016, bà S chuyển cho ông T khoản tiền của 3 người (Trần Văn T, Trần Thị T, Trần Tú A) là 273.000.000đ (Hai trăm bẩy mươi ba triệu đồng).

- Tiền theo nghị định 21 và Nghị định 36 là 427.936.000đ – 106.436.000 (tiền phục vụ ông Q từ khi đi viện cho đến giỗ thứ 2) = 321.500.000đ. Ngày 29/9/2016, bà S chuyển cho ông T số tiền của 4 người (Trần Văn T, Trần Thị T, Dương Thị S, Trần Tú A) là 321.500.000đ. (Ba trăm hai mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng).

Nay anh Trần Tú A yêu cầu ông Th chia trả số tiền thừa kế theo quy định trong tổng số tiền mà bà S chuyển cho ông T. Ngoài ra anh không có yêu cầu gì khác.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn nhất trí với lời khai trên của nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn.

Tại bản tự khai và biên bản ghi lời khai ngày 08/11/2016, bị đơn ông Trần Văn T xác nhận lời khai của anh Trần Tú A về: năm sinh, năm mất, số tiền tử tuất cũng như hàng thừa kế thứ nhất của ông Trần Văn Qvà trình bày: Gia đình ông đã thống nhất thỏa thuận chia số tiền tử tuất của anh Q như sau:

- Tiền bảo hiểm xã hội 454.935.400đ : 5 người = 90.987.080đ (gồm: Trần Văn Th, Trần Thị T, Dương Thị S, Khương Thị N, Trần Tú A), trong đó bà Dương Thị S và bà Khương Thị N đã nhận đủ, không có tranh chấp gì. Số tiền còn lại của ông, bà T và cháu Tú A là 273.000.000đ (Hai trăm bẩy mươi ba triệu đồng), ngày 14/6/2016, bà S đã chuyển lại cho ông.

- Tiền theo Nghị định 21 và Nghị định 36 là 427.936.000đ – 106.436.000đ (tiền phục vụ anh Q từ khi đi viện cho đến giỗ thứ 2) = 321.500.000đ. Đây là tiền của ông, bà T, bà Svà cháu Tú A. Ngày 29/9/2016, bà S chuyển cho ông 321.500.000đ. (Ba trăm hai mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng).

Cả hai khoản trên ông vẫn đang quản lý và chưa chia cho ai cả. Nay quan điểm của ông là đồng ý chia cho cháu Trần Tú A 90.987.080đ (tiền bảo hiểm xã hội), số tiền còn lại 321.500.000đ để lại lo sang cát và giỗ hàng năm cho anh Q, còn lại sẽ chia cho cháu Tú A hưởng 1/4 số tiền trên. Ngoài ra ông không có yêu cầu gì khác.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án bà Trần Thị T (vợ ông Trần Văn T) nhất trí với lời khai của ông Trần Văn T và trình bày: Do bà bị đau lưng không  thể đến Tòa án làm việc thường xuyên được nên bà ủy quyền cho ông Trần Văn T tham gia tố tụng và giải quyết mọi việc tại tòa án. Quyết định của ông T cũng là của bà. Đối với bà Khương Thị N (mẹ của bà S) là người được hưởng chế độ riêng, phần của bà N thì bà S đã nhận, bà không thắc mắc gì.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án bà Dương Thị Strình bày: Bà kết hôn với ông Trần Văn Q tháng 01/2003, có đăng ký kết hôn tại thị trấn D, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vợ chồng không có con chung, sau khi ông Q chết, bà được những người trong gia đình ủy quyền nhận toàn bộ số tiền tử tuất tại Vùng 5 Hải Quân là 882.871.400đ, trong đó: Tiền Bảo hiểm xã hội: 454.935.400đ (đối tượng được hưởng gồm: vợ, con, bố đẻ, mẹ đẻ, mẹ vợ); Tiền hỗ trợ theo Nghị định 21 và Nghị định 36: 427.936.000đ (đối tượng được hưởng gồm: vợ, con, bố đẻ, mẹ đẻ). Số tiền trên đã được chia theo bảng chia chi tiết, bà và mẹ bà (bà Khương Thị N) đã nhận tiền của mình, không có tranh chấp gì, số còn lại bà đã chuyển cho ông Trần Văn T 2 lần là 594.500.000đồng, bà không có tranh chấp gì với số tiền đã chuyển cho ông T và đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành hòa giải để các bên đương sự đạt được sự thỏa thuận trong việc giải quyết vụ án nhưng không thành.

Tại phiên toà hôm nay đại diện nguyên đơn rút yêu cầu đòi chia 256.000.000đ do không hiểu biết pháp luật, chỉ yêu cầu chia 1/4 kỷ phần thừa kế là 171.362.000đ. Bị Đơn ông Trần Văn T vẫn giữ nguyên lời khai trên. Bà Dương Thị S, bà Trần Thị Tvắng mặt, Hội đồng xét xử đã công bố lời khai của bà Svà bà T tại phên tòa.

Đại diện VKSND huyện Quế Võ tham gia phiên toà nhận xét:

Về tố tụng: Thẩm phán chủ toạ đã chấp hành đúng các quy định tại Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án; việc thu thập chứng cứ đầy đủ, khách quan, đảm bảo trình tự thủ tục tố tụng dân sự.

Tại phiên toà HĐXX đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai bằng lời nói và liên tục.

Đương sự thực thực hiện đúng các quy định tại các Điều 70, 71, 72 và 234 Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị xử áp dụng các Điều 612, 613, 623, 649, 658 Bộ luật dân sự

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Xác định số tiền còn lại là 594.500.000đ là tài sản thừa kế còn lại của anh Trần Văn Q hiện do ông Trần Văn T quản lý. Trích chia cho ông Trần Văn T 41.500.000đ đẻ ông T lo ma chay, hương hỏa, cúng giỗ cho ông Q. Những người được hưởng thừa kế là ông T, bà T, chị S, anh Tú A (chị S được hưởng thừa kế của số tiền 321.500.000đ).

Buộc ông Trần Văn T phải có nghĩa vụ giao cho anh Trần Tú A 161.000.000đ. Do bà Trần Thị T, chị Dương Thị S không yêu cầu Tòa án giải quyết nên tạm giao số tiền còn lại cho ông Trần Văn T quản lý.

Áp dụng Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Quốc Hội về án phí, lệ phí tòa án: Anh Trần Tú Aphải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, hội đồng xét xử nhận định:

Về thủ tục tố tụng: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Dương Thị S đã có đơn xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án vắng mặt bà Sự theo quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với bà Khương Thị N (mẹ đẻ bà Dương Thị S và là mẹ vợ của ông Trần VănQ), là đối tượng được hưởng chế độ tử tuất của ông Trần Văn Q theo Quyết định 347/QĐ-BHXH ngày 14/9/2015 của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc Phòng. Bà N (do bà Dương Thị S đại diện) đã được nhận 90.987.080đồng trong tổng số 882.871.400đồng tiền tử tuất một lần của ông Trần Văn Q. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Trần Văn Q và bà Khương Thị N đều không có tranh chấp gì về số tiền bà N đã nhận, bà Ncũng không có liên quan đến số tiền còn lại mà anh Trần Tú A và ông Trần Văn T đang tranh chấp. Vì vậy Tòa án không đưa bà Khương Thị N tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Về nội dung:

- Về thời hiệu thừa kế và chia thừa kế: Ông Trần Văn Q, sinh năm 1966, mất năm 2014 khi mất không để lại di chúc. Theo quy định tại Điều 623, điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu thừa kế vẫn còn và thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật.

- Về hàng thừa kế: Ông Trần Văn Q kết hôn với bà Phạm Thị N sinh ra anh Trần Tú A, sau khi ly hôn với bà N thì kết hôn với bà Dương Thị S nhưng không có con chung. Bố, mẹ đẻ ông Q là ông Trần Văn T và bà Trần Thị T. Như vậy hàng thừa kế thứ nhất của ông Trần Văn Q gồm 4 người là: ông Trần Văn T, bà Trần Thị T, bà Dương Thị S, anh Trần Tú A.

- Về di sản thừa kế: Tài sản ông Trần Văn Q để lại là số tiền chế độ tử tuất 882.871.400đ (Tám trăm tám mươi hai triệu tám trăm bẩy mốt nghìn đồng), ngoài ra không còn gì nữa.

Ngoài những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Trần Văn Q còn có mẹ vợ ông Q là bà Khương Thị N là đối tượng được hưởng chế độ tử tuất. Cụ thể số tiền được hưởng như sau:

1/ Trợ cấp đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng (Quyết định số 15/QĐ- BTL ngày 27/7/2015 của Bộ Tư lệnh Hải quân) là 129.120.000đồng.

2/ Trợ cấp theo Nghị định 21/2009/NĐ-CP ngày 23/02/2009 của Chính phủ (Quyết định số 21/QĐ-TC ngày 03/4/2015 Bộ tư lệnh Hải quân) là 298.816.000đồng.

Cộng cả hai khoản là 427.936.000đồng (đối tượng được hưởng gồm: vợ, con, bố đẻ, mẹ đẻ); cụ thể gồm 4 người: Bà Dương Thị S, anh Trần Tú A, ông Trần Văn T, bà Trần Thị T.

Cả 4 người đều thống nhất số tiền bà Dương Thị S đã chi cho việc phục vụ ông Trần Văn Q từ khi đi viện đến giỗ thứ 2 là 106.436.000đồng. Vì vậy cần chấp nhận sự tự nguyện này của các đương sự. Số tiền các đồng thừa kế được hưởng còn là: 427.936.000đ – 106.436.000đ = 321.500.000đ (Ba trăm hai mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng).

3/ Trợ cấp tuất một lần (theo Quyết định 347/QĐ-BHXH ngày 14/9/2015 của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc Phòng) là 454.935.400đồng (đối tượng được hưởng gồm: vợ, con, bố đẻ, mẹ đẻ, mẹ vợ); cụ thể gồm 5 người: Bà Dương Thị Sự, anh Trần Tú A, ông Trần Văn T, bà Trần Thị T, bà Khương Thị N; số tiền mỗi người được hưởng sẽ là: 90.987.080đ (454.935.400đồng : 5người = 90.987.080đồng/người).

Trừ đi phần của bà Khương Thị N thì số tiền các đồng thừa kế được hưởng còn là: 454.935.400đồng - 90.987.080đồng = 363.948.320đ(Ba trăm sáu mươi ba triệu chín trăm bốn mươi tám nghìn ba trăm hai mươi đồng).

Như vậy di sản thừa kế của ông Trần Văn Q để lại là 321.500.000đ 363.948.320đ = 685.448.320đ (Sáu trăm tám mươi lăm triệu bốn trăm bốn tám nghìn ba trăm hai mươi đồng).

- Về kỷ phần thừa kế: Di sản ông Trần Văn Q để lại là 685.448.320đ, hàng thừa kế thứ nhất của ông Q là 4 người nên mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng sẽ là: 685.448.320đ : 4 = 171.362.080đ, làm tròn là 171.362.000đ (Một trăm bẩy mươi mốt triệu ba trăm sáu mươi hai nghìn đồng chẵn).

Số tiền chế độ tử tuất của ông Trần Văn Q đã được các đồng thừa kế ủy quyền cho bà Dương Thị S nhận, sau khi trừ đi các chi phí cho ông Trần Văn Q, phần của bà Khương Thị N và bà Dương Thị S, bà S đã chuyển cho ông Trần Văn T 594.500.000đồng (ngày14/6/2016 chuyển: 273.000.000đ và ngày 29/9/2016 chuyển: 321.500.000đ), số tiền này hiện vẫn do ông Trần Văn T quản lý.

Đây là vụ án chia thừa kế theo yêu cầu khởi kiện của anh Trần Tú A, các đồng thừa kế khác là: bà Dương Thị S, ông Trần Văn T, bà Trần Thị T không yêu cầu chia thừa kế và không có tranh chấp đối với di sản thừa kế mà ông Trần Văn T hiện đang quản lý nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết trọng vụ án này.

Xét yêu cầu khởi kiện của anh Trần Tú A, kiện đòi ông Trần Văn T và bà Trần Thị T phải trả tiền chế độ của ông Trần Văn Q là 256.000.000đ thì thấy:

+ Ông Trần Văn T là người quản lý số tiền chế độ tử tuất một lần của ông Trần Văn Q, bà Trần Thị T không quản lý số tiền đó nên Hội đồng xét xử không đưa bà T tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn trong vụ án.

+ Đối với số tiền 256.000.000đ: Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn anh Trần Tú A đã chấp nhận các khoản chi phí khác chi cho ông Trần Văn Q, tại phiên đại diện theo quyền của nguyên đơn cũng đồng ý rút một phần yêu cầu khởi kiện và chỉ yêu cầu chia 171.362.000đ nên cần chấp nhận sự tự nguyện này của nguyên đơn.

Từ những phân tích trên, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Trần Tú A và buộc ông Trần Văn Tphải chia trả anh Trần Tú A số tiền chế độ tử tuất của ông Trần Văn Q là 171.362.000đ (Một trăm bẩy mươi mốt triệu ba trăm sáu mươi hai nghìn đồng chẵn).

Đối với yêu cầu của ông Trần Văn T về việc giữ lại số tiền 321.500.000đ để sau khi sang cát và mua sắm bàn thờ cho ông Trần Văn Q xong còn lại thì mới chia là không hợp lý. Vì thời hạn giải quyết vụ án không thể kéo dài đến thời điểm sang cát ông Trần Văn Q, Tòa án cũng không thể tách giải quyết riêng số tiền 321.500.000đ bằng một vụ án dân sự khác, hơn nữa chi phí cho việc sang cát cũng như mua sắm bàn thờ cho ông Q là việc xảy ra trong tương lai, khó có thể dự tính được là bao nhiêu. Do đó không chấp nhận yêu cầu này của ông Trần Văn T được.

Đối với đề nghị giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quế Võ thì thấy:

+ Về di sản thừa kế còn lại là 594.500.000đ là không có căn cứ. Vì tổng số tiền tử tuất của ông Trần Văn Q là 882.871.400đ, trong đó chi phí cho ông Q là 106.436.000đ, trả cho bà Khương Thị N là 90.987.080đ, còn lại bằng: 882.871.400đ – (106.436.000đ + 90.987.080đ) = 685.448.320đ.

+ Đối với số tiền 41.500.000đ trích lại cho ông Trần Văn Tđể lo hương hỏa cho ông Trần Văn Q là không có cơ sở. Vì tại phiên tòa bản thân ông T cũng không dự tính được số tiền sẽ phải chi cho việc giỗ tết, sang cát cho ông Q là bao nhiêu nên không thể trích lại 41.500.000đ cho ông T được.

- Án phí: Đương sự phải chịu án phí đối với phần tài sản thừa kế được hưởng. Đương sự có quyền kháng cáo theo luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Áp dụng: Điều 612, Điều 613, Điều 623, Điều 649, điểm a khoản 1 Điều 650, điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Quốc Hội về án phí, lệ phí tòa án. Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Trần Tú A.

2. Xác nhận số tiền 685.448.320đ (Sáu trăm tám mươi lăm triệu bốn trăm bốn tám nghìn ba trăm hai mươi đồng) là di sản thừa kế của ông Trần Văn Q.

3. Hàng thừa kế thứ nhất của ông Trần Văn Q là: ông Trần Văn T, bà Trần Thị T, bà Dương Thị S, anh Trần Tú A.

4. Buộc ông Trần Văn T phải chia trả cho anh Trần Tú A kỷ phần thừa kế của ông Trần Văn Q là 171.362.000đ (Một trăm bẩy mươi mốt triệu ba trăm sáu mươi hai nghìn đồng chẵn).

Án phí: Anh Trần Tú A phải chịu 8.560.100đồng án phí dân sự sơ thẩm. Xác nhận anh Trần Tú A đã nộp 6.400.000đồng tạm ứng án phí tại biên lai số 04527 ngày 27/10/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Anh Trần Tú A còn phải nộp 2.160.100đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Án xử sơ thẩm, đương sự có mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án hoặc niêm yết công khai.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

666
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 10/2017/DS-ST ngày 21/08/2017 về tranh chấp chia thừa kế

Số hiệu:10/2017/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quế Võ - Bắc Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về