Bản án 10/2018/HS-ST ngày 09/03/2018 về tội cướp tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHƯ SÊ, TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 10/2018/HS-ST NGÀY 09/03/2018 VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN

Ngày 09/3/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 81/2017/TLST-HS ngày 25 tháng 12 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/2018/HSST-QĐ ngày 21 tháng 02 năm 2018 đối với các bị cáo:

1.  Siu K, sinh ngày 30/7/1998, tại: Huyện P, tỉnh Gia Lai. Nơi cư trú: Làng Đ, xã H, huyện P, tỉnh Gia Lai; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hoá: 5/12; dân tộc: Jarai; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Kpuih L, sinh năm 1979 và bà Siu H, sinh năm 1981; bị cáo chưa có vợ;Tiền án: không; Tiền sự: không; Bị tạm giữ ngày 28/3/2017, tạm giam ngày 06/4/2017; Bị cáo đang bị tạm giam. Có mặt.

2.  Ksor R, sinh năm 1998, tại: Huyện P, tỉnh Gia Lai. Nơi cư trú: Làng Đ, xã H, huyện P, tỉnh Gia Lai; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hoá: Không biết chữ; Dân tộc: Jarai; giới tính: Nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Siu L, sinh năm 1975 và bà Ksor N, sinh năm 1977; Bị cáo chưa có vợ; Tiền án: không; Tiền sự: không; Nhân thân: Tại bản án 18/2017/HSST ngày 25/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai xử phạt 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; Bị tạm giữ ngày 27/3/2017, tạm giam ngày 05/4/2017; Bị cáo đang bị tạm giam. Có mặt.

-Người bào chữa cho các bị cáo Siu K và Ksor R: Bà Nguyễn Hoàng Kim Loan, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Gia Lai.  Có mặt.

- Bị hại: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1967; Trú tại: Thôn x, xã B, huyện S, tỉnh Gia Lai. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Siu T, sinh ngày 27/10/2003; Trú tại: Làng Đ, xã H, huyện P, tỉnh Gia Lai. Có mặt.

Người đại diện hợp pháp của anh Siu T: Ông Kpuih L, sinh năm 1979 và bà Siu H, sinh năm 1981; Đều trú tại: Làng Đ, xã H, huyện P, tỉnh Gia Lai. Có mặt.

2. Ông Ksor H, sinh năm 1960 và bà Siu D, sinh năm 1966; Đều trú tại: Làng Đ, xã H, huyện P, tỉnh Gia Lai. Vắng mặt.

3. Ông Siu L, sinh năm 1975; Trú tại: Làng Đ, xã H, huyện P, tỉnh Gia Lai. Có mặt.

-Người tham gia  tố tụng khác:  Người phiên dịch tiếng Jarai: Bà Nay H’Chim; Công tác tại: Bệnh viện đa khoa huyện Chư Sê, Gia Lai. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 21 giờ 00 phút ngày 26/3/2017, khi đang ngồi uống rượu tại khu vực làng R, xã R, huyện P, tỉnh Gia Lai; Siu S nói với Siu T, Siu K và Ksor R “ Tụi mình vào trong kia đi lấy tiêu của người kinh” thì được tất cả đồng ý. Lúc này S hỏi T: “Nhà mày có dao không?”, T nói: “Có”, sau đó, S mượn xe mô tô NesTa biển kiểm soát 77H6 – 2XXX của R chở T về nhà bố mẹ T ở làng Đ, xã  H, huyện P lấy 01 (một) con dao mã tấu dài 62,7cm và 01 (một) con dao rựa dài 51cm, rồi S chở T quay lại chỗ K, R đang chờ ở làng R, xã R, huyện P. S dắt xe mô tô của R đến để tại nhà Kpă Đ tại làng R, xã R, huyện P rồi cùng K, T, R đi bộ đến thôn X, xã B, huyện S. Khoảng 22 giờ cùng ngày, S, K, Tối và R đi đến rẫy nhà bà Nguyễn Thị T; S và T đi vào mở cửa, S đến gần cửa thò tay kéo mở cửa nhưng không được, nên S gọi T đến mở cửa ra (lúc này cả Siu T và Siu S đều thấy bà T đang ở trong nhà). Sau khi mở được cửa S đứng ở cửa bếp cảnh giới, Siu T đi ra phía ngoài sân để canh người qua lại còn R và K cầm dao đi vào bên trong nhà bà T. Thấy có người vào, bà T thức dậy bật đèn sáng thì ngay lập tức R cầm dao dí vào người bà T yêu cầu bà T úp mặt vào tường, K lên tiếng: “Có tiền không đưa đây, nếu không tao giết”,  bà T trả lời: “Cô có 200 ngàn để trong túi áo khoác kia!”, K đến lục soát và lấy được 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng). K thấy trên cổ bà T có đeo sợi dây chuyền màu vàng đã dùng tay giật lấy, thấy bà T có đeo bông tai thì K lấy 01 đèn pin trong nhà bà T đưa cho R soi để K dùng tay tháo lấy đôi bông tai màu vàng mà bà T đang đeo trên tai cất dấu vào túi quần. K lấy tiếp 01 điện thoại di động của bà T để trong túi quần. Trong lúc K tháo dây chuyền, bông tai, điện thoại, bà T van xin thì bị K dùng tay đấm vào ngực và bả vai bà T. Lúc này S đang đứng ở cửa đi vào nhà vác 01 bao hạt tiêu mang ra ngoài sân. K và Ksor R mỗi người cũng lấy 01 bao hạt tiêu khô (loại bao cột túm) từ trong nhà mang ra ngoài sân, Sang lấy một cái tô chia đều số tiêu trên thành 03 bao túm để cho dễ vác đi ( 02 bao đầy, 01 bao lửng). Trong lúc đang san tiêu thì R gọi Siu T vào và đưa dao mã tấu, đèn pin cho Siu T cầm và nói Siu T đứng canh bà T để S, R và K san tiêu, lúc này Siu T dùng đèn pin soi vào mặt bà T để bà T không nhìn thấy được gì. Sau khi san được 03 bao tiêu nhỏ, S, K, R mỗi người vác 01 bao hạt tiêu khô (loại bao cột túm) trọng lượng 03 bao cột túm là 120kg và đi về theo hướng làng R, xã R, huyện P cất dấu 03 bao tiêu trên vào bụi cỏ gần suối; sau đó S, R và K về nhà tại làng R, xã R, huyện P để ngủ. Còn Siu T đứng lại cạnh cửa bếp để canh giới bà T nhằm mục đích để S, R và K vác tiêu đi sẽ không bị bà T bắt giữ. Khi biết Siu S, Siu K và Ksor R đã vác tiêu đi ra khỏi nhà, bà T ngó đầu ra ngoài cửa bếp để nhìn thì bất ngờ bị Siu T dùng 01 con dao mã tấu dài  62,7cm chém một nhát vào vùng mặt trán phải của bà T làm bà bị thương. Sau khi chém bà T, Siu T đi về nhà tại làng R, xã R, huyện P để ngủ. Còn bà T được mọi người đưa đến Trung tâm y tế huyện S để điều trị vết thương.

Sau khi bị cướp tài sản, bà Nguyễn Thị T đã làm đơn trình báo lên Công an huyện Chư Sê nội dung sự việc. Ngày 27/03/2017, Siu T, Ksor R đã đến đầu thú tại Công an xã R, huyện P, Gia Lai, giao nộp 01 con dao mã tấu dài 62,7cm (cán dao bằng tre, lưỡi dao bằng sắt kim loại, mũi dao nhọn) và khai báo toàn bộ sự việc phạm tội của mình.

Đến ngày 28/03/2017, Siu S và Siu K đã đến đầu thú tại Công an huyện Chư Sê, giao nộp 01 điện thoại di động, 01 đôi bông tai màu vàng, 01 dây chuyền màu vàng, 01 dao rựa (dài 51 cm, cán bằng gỗ dài 23cm, phần lưỡi rộng nhất 4,5cm) và khai báo toàn bộ sự việc. Còn số tiền 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) Siu K cướp được của bà T, K đã tiêu xài cá nhân hết.

Tại Bản kết luận định giá ngày 03/4/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện Chư Sê kết luận:

01 (một) sợi dây chuyền kim loại màu vàng dài 51,5cm; loại vàng15k, cân nặng 03 chỉ, trị giá: 6.900.000đ (Sáu triệu, chín trăm ngàn đồng); 01 (một) đôi bông tai, loại vàng 10k, cân nặng 01 chỉ, trị giá: 1.600.000 đ (Một triệu, sáu trăm ngàn đồng);120kg hạt tiêu khô x 117.000 đồng/01kg, trị giá 14.040.000 đồng(Mười bốn triệu không trăm bốn mươi ngàn đồng); 01 điện thoại di động hiệu Masste màu xanh tím (đã qua sử dụng), trị giá: 400.000 đ (Bốn trăm ngàn đồng); 01 đèn led đeo trán  LT-5900 màu rằn ri (đã qua sử dụng) trị giá: 120.000 đ (Một trăm, hai mươi ngàn đồng).

Tổng giá trị của các tài sản tại thời điểm bị chiếm đoạt là: 23.060.000đ (Hai mươi ba triệu, không trăm sáu mươi ngàn đồng) cộng với 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) tiền VNĐ thì tổng số tiền các bị cáo và đồng bọn đã chiếm đoạt là  23.260.000đ (Hai mươi ba triệu, hai trăm sáu mươi ngàn đồng).

Ngày 15/5/2017, bà Nguyễn Thị T có đơn yêu cầu giám định mức tổn hại sức khỏe. Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số:121/TgT-TTPY, ngày 22/5/2017 kết luận như sau: Một sẹo vết thương phần mền vùng mặt trán kích thước 2,5cm x 0,1cm, sẹo liền, ảnh hưởng thẩm mỹ 11%.

Tại Bản cáo trạng số 02/CT-VKS ngày 21/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã truy tố các bị cáo Siu K và Ksor R về tội “Cướp tài sản” theo các điểm d, đ khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng các điểm d, đ khoản 2 Điều 133, điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo Siu K từ 07 đến 08 năm tù; xử phạt bị cáo Ksor R từ 07 đến 08 năm tù. Áp dụng Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 1999: Tổng hợp với hình phạt 09 tháng tù tại bản án số 18/2017/HSST ngày 25/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai về tội “Trộm cắp tài sản”, buộc bị cáo Ksor R phải chấp hành hình phạt tù chung của cả hai bản án; Áp dụng các Điều 584, 585, 586, 587, 589 và Điều 590 của Bộ luật Dân sự buộc các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng đại diện hợp pháp của họ liên đới bồi thường cho người bị hại số tiền là 37.670.000đ; trong đó: Bị cáo Siu K bồi thường 9.000.000đ (Chín triệu đồng), bị cáo Ksor R bồi thường 9.000.000đ(Chín triệu đồng), Người đại diện hợp pháp của anh Siu T là ông Kpuih L và bà Siu H bồi thường 9.000.000đ(Chín triệu đồng),người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ksor H và bà Siu D bồi thường 10.670.000đ(Mười triệu sáu trăm bảy mươi ngàn đồng); Buộc các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên cùng đại diện hợp pháp của họ phải chịu án phí hình sự và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật; Tịch thu và tiêu hủy 01 con dao mã tấu và 01 con dao rựa là vật chứng của vụ án.

Người bào chữa cho các bị cáo thống nhất với tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã truy tố tạị điểm d khoản 2 Điều 133, điểm  p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999; không thống nhất với quan điểm của Viện kiểm sát truy tố các bị cáo theo điểm đ khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999. Vì các bị cáo không biết việc Siu T gây thương tích cho bà T, các bị cáo không bàn bạc và cũng không có ý định gây thương tích cho bị hại, đây là hành vi vượt quá trong đồng phạm của Siu T.  Đề nghị Hội đồng xét xử cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Về dân sự, yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét chỉ buộc các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại tài sản gây ra cho bị hại theo đúng quy định pháp luật.

Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và có lời nói sau cùng xin Hội đồng xét xử cho các bị cáo được hưởng mức án thấp nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà; Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Chư Sê, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Sê, Kiểm sát viên: Trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Về hành vi phạm tội của các bị cáo:

Vào lúc 22 giờ ngày 26/3/2017, Siu S rủ Siu T, Siu K và Ksor R đi cướp tài sản tại nhà rẫy của bà Nguyễn Thị T ở thôn X, xã B, huyện S, Gia Lai. Các bị cáo và đồng bọn đã dùng một con dao mã tấu dài 62,7cm và một con dao rựa dài 51cm khống chế, đe dọa, dùng tay đánh vào ngực, tay của bà T để cướp đi số tài sản gồm: 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng), 01 điện thoại di động, 01 đôi bông tai bằng vàng, 01 sợi dây chuyền vàng, 120 kg hạt tiêu khô, 01 đèn led đeo trán; Tổng giá trị tài sản chiếm đoạt được là 23.260.000 đồng(Hai mươi ba triệu hai trăm sáu mươi ngàn đồng). Khi K, R và S đưa tài sản đi cất giấu, Siu T cầm dao mã tấu và đèn pin do Ksor R đưa ở lại cảnh giới với mục đích không cho bà T truy hô và đuổi bắt để các bị cáo lấy được tài sản và tẩu thoát trót lọt; Trong lúc đang cảnh giới, Siu T thấy bà T ngó đầu ra cửa bếp nên đã dùng dao mã tấu chém bà T bị thương tích 11%.

Mặc dù các bị cáo và Siu T không có bàn bạc trước về việc sẽ gây thương tích cho bị hại nhưng trước khi phạm tội tất cả đã chuẩn bị công cụ là 01 con dao rựa và 01 con dao mã tấu, các bị cáo đã dùng những công cụ này để khống chế người bị hại. Trong suốt quá trình phạm tội, Siu T được giao nhiệm vụ cảnh giới, trước khi cùng S và K đưa tài sản đi cất dấu, R đã đưa con dao mã tấu cho Siu T ở lại để tiếp tục cảnh giới bị hại. Trong lúc cảnh giới, Siu T đã gây thương tích cho bị hại nhằm ngăn chặn việc truy đuổi, phản kháng của bị hại. Hành vi này không phải là hành vi vượt quá của Siu T mà các đồng phạm khác đều ý thức được và bỏ mặc nếu hậu quả thương tích có xảy ra. Do đó, các đồng phạm khác cũng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi gây thương tích do Siu T gây ra.

Hành vi của Siu K và Ksor R đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản” với các tình tiết định khung hình phạt là “Sử dụng phương tiện nguy hiểm” và “Gây thương  tích hoặc  gây tổn hại  cho sức khỏe của  người  khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%”  được quy định tại các điểm d, đ khoản 2 Điều 133Bộ luật Hình sự năm 1999 như Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã truy tố là đúng người, đúng tội.

[3]. Xét đây là vụ  án cướp tài sản có nhiều người tham gia song là đồng phạm mang tính chất giản đơn không có sự cấu kết chặt chẽ, các bị cáo và đồng bọn chỉ rủ rê và cùng nhau thực hiện  tội phạm, trong đó: Siu S là người rủ rê, khởi xướng và cùng đồng bọn thực hiện hành vi cướp tài sản của bà Nguyễn Thị T. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, S đã chết; Tòa án nhân nhân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã ra quyết định đình chỉ vụ án số 01/2018/HSST-QĐ ngày 31/01/2018 đối với S nên miễn xét. 

Đối với Siu K và Ksor R là những người giữ vai trò đồng phạm, thực hiện hành vi phạm tội một cách tích cực. Tội phạm mà các bị cáo gây ra xâm phạm chế độ sở hữu đồng thời xâm phạm đến sức khỏe của công dân được Nhà nước và pháp luật bảo vệ. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân. Nguyên nhân động cơ phạm tội không phải do hoàn cảnh khó khăn mà do ý thức coi thường pháp luật của các bị cáo, ngang nhiên dùng vũ lực uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thỏa mãn nhu cầu thấp hèn của bản thân. Do đó, cần áp dụng một mức án nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian thì mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm.

[4]. Xét trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đã thành khẩn khai báo, đã giao nộp một phần tài sản cướp được trả lại cho bị hại, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 nên cần xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần mức hình phạt nhằm thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

[5]. Bị cáo Ksor R còn bị Tòa án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai xử phạt 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo bản án số 18/2017/HSST ngày 25/7/2017 nên cần áp dụng Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 1999 để tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù chung của hai bản án theo đúng quy định pháp luật.

[6]. Đối với Siu T cũng là đồng phạm trong vụ án với vai trò người giúp sức, khi tham gia cướp tài sản, Siu T đứng ngoài cảnh giới để S, K và R vào trong nhà bà T cướp tài sản. Sau khi S, K, R lấy được tài sản đưa đi cất giấu, Siu T vẫn ở lại canh bà T với mục đích không cho bà T đuổi theo S, K và R. Siu T đã sử dụng 01 con dao mã tấu dài 62,7cm, cán dao bằng tre, lưỡi dao bằng sắt kim loại, mũi dao nhọn chém vào vùng mặt trán của bà T gây thương tích 11%. Hành vi trên của Siu T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản” theo quy định tại các điểm d, đ khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, Siu T sinh ngày 27/10/2003, khi phạm tội chưa đủ 14 tuổi nên Siu T chưa phải chịu trách nhiệm hình sự, hành chính. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Sê đã thông báo cho gia đình, chính quyền địa phương giáo dục là phù hợp nên miễn xét.

[7]. Về trách nhiệm dân sự:

Xét những thiệt hại về tài sản và sức khỏe của bị hại là do Siu S, Siu K, Ksor R và Siu T cùng gây ra nên phải có nghĩa vụ cùng liên đới bồi thường cho bị hại, phù hợp với quy định tại các Điều 584, 585, 587, 589 và 590 Bộ luật Dân sự. Siu S hiện đã chết, tại phiên tòa bố mẹ của Siu S là Ông Ksor H và bà Siu D vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt có nội dung đồng ý bồi thường phần nghĩa vụ thay cho Siu S nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Siu T sinh ngày 27/10/2003, hiện chưa đủ 15 tuổi nên theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự cần buộc bố mẹ của Siu T là ông Kpuih L và bà Siu H bồi thường cho bị hại.

Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị T yêu cầu các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện hợp pháp của họ phải bồi thường cho bà: tiền thiệt hại tài sản là 14.360.000đ (Mười bốn triệu ba trăm sáu mươi ngàn đồng); Tiền chi phí thuốc men điều trị là 2.223.000đ (Hai triệu hai trăm hai mươi ba ngàn đồng), tiền ngày công lao động của bà trong thời gian 50 ngày từ khi bị gây thương tích cho đến khi lành vết thương (170.000.đ/ngày) là 8.500.000đ (Tám triệu năm trăm ngàn đồng), tiền tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật đã được Hội đồng xét xử chấp nhận bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm bị gây thương tích là 12.100.000đ (Mười hai triệu một trăm ngàn đồng), tổng cộng 37.183.000đ (Ba mươi bảy triệu một trăm tám mươi ba ngàn đồng).

Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của bị hại buộc các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên cùng đại diện hợp pháp của họ liên đới bồi thường cho người bị hại số tiền là 37.183.000đ (Ba mươi bảy triệu một trăm tám mươi ba ngàn đồng); trong đó: các bị cáo Siu K, Ksor R mỗi bị cáo phải bồi thường cho bị hại là: 9.295.750đ (Chín triệu hai trăm chín mươi lăm ngàn bảy trăm năm mươi đồng); ông Ksor H và bà Siu D bồi thường cho bị hại là 9.295.750đ (Chín triệu hai trăm chín mươi lăm ngàn bảy trăm năm mươi đồng), ông Kpuih L và bà Siu H bồi thường cho bị hại là 9.295.750đ (Chín triệu hai trăm chín mươi lăm ngàn bảy trăm năm mươi đồng).

[8].  Về vật chứng của vụ án:

Đối với 01 sợi dây chuyền vàng dài 51,5cm, loại vàng 15k cân nặng 03 chỉ; 01 đôi bông tai bằng vàng, loại vàng 10k, cân nặng 01 chỉ; 01 điện thoại di động hiêu Masste màu xanh tím (đã qua sử dụng) là tài sản hợp pháp của bà Nguyễn Thị T. Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an huyện Chư Sê đã trả lại cho bà T là phù hợp nên miễn xét.

Đối với 120 kg hạt tiêu khô là tài sản của gia đình bà T, sau khi cướp được các bị cáo đã đem đi cất giấu tại bụi cỏ không rõ vị trí nào ở khu vực cánh đồng của làng R, xã Ia R, huyện P. Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an huyện Chư Sê đã tiến hành truy tìm nhưng không thu giữ được nên miễn xét.

Đối với 01 đèn led loại đeo trán LT-5900 màu rằn ri (đã qua sử dụng) là tài sản của gia đình bà T, các bị cáo đã lấy sử dụng cho việc cướp tài sản. Sau khi gây án Siu T đã vứt bỏ ở khu vực cánh đồng của làng R, xã R, huyện P. Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an huyện Chư Sê đã tiến hành truy tìm nhưng không thu giữ được nên miễn xét.

Đối với 01 xe mô tô nhãn hiệu NESTA, BKS 77H6-2XXX do ông Siu L làm chủ sở hữu ( ông L là bố đẻ của Ksor R). Khi R sử dụng xe mô tô trên để đi chuẩn bị công cụ phạm tội ông Siu L hoàn toàn không biết. Xe mô tô có giấy tờ hợp lệ. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an huyện Chư Sê không tiến hành thu giữ nên không đề cập xử lý.

Đối với 01 con dao rựa (dài 51 cm, cán bằng gỗ dài 23cm, phần lưỡi rộng nhất 4,5cm) ; 01 con dao mã tấu (dài 62,7cm, cán dao bằng tre, lưỡi dao bằng sắt kim loại, mũi dao nhọn) là công cụ các bị cáo và đồng bọn sử dụng để thực hiện tội phạm nên cần tịch thu tiêu hủy.

[9]. Về án phí:

Buộc các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện hợp pháp của họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí toà án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Các bị cáo Siu K và Ksor R phạm tội “Cướp tài sản”.

Áp dụng các điểm d, đ khoản 2 Điều 133, điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, và Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt: Bị cáo Siu K 08 (Tám) năm tù. Thời hạn tù tính kể từ ngày bị tạm giữ 28/3/2017.

Áp dụng các điểm d, đ khoản 2 Điều 133, điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 51 và Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt: Bị cáo Ksor R 08 (Tám) năm tù.

Tổng hợp với 09 (Chín) tháng tù tại bản án số 18/2017/HSST ngày 25/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai về tội “Trộm cắp tài sản”, buộc bị cáo Ksor R  phải chấp hành hình phạt tù chung của hai bản án là 08 (Tám) năm 09 (Chín) tháng tù.Thời hạn tù tính kể từ ngày bị tạm giữ 27/3/2017.

2. Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng các Điều 584, 585, 587, khoản 2 Điều 586, Điều 589 và Điều 590 Bộ luật Dân sự;  xử buộc: Các bị cáo Siu K, Ksor R mỗi bị cáo phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị T là: 9.295.750đ (Chín triệu hai trăm chín mươi lăm ngàn bảy trăm năm mươi đồng); ông Ksor H và bà Siu D bồi thường cho bà Nguyễn Thị T là 9.295.750đ (Chín triệu hai trăm chín mươi lăm ngàn bảy trăm năm mươi đồng), ông Kpuih L và bà Siu H bồi thường cho bà Nguyễn Thị T là 9.295.750đ (Chín triệu hai trăm chín mươi lăm ngàn bảy trăm năm mươi đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án tương ứng thời gian chưa thi hành án theo quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

3. Về vật chứng của vụ án: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự; Xử: Tịch thu tiêu hủy 01 con dao rựa (dài 51 cm, cán bằng gỗ dài 23cm, phần lưỡi rộng nhất 4,5cm); 01 con dao mã tấu (dài 62,7cm, cán dao bằng tre, lưỡi dao bằng sắt kim loại, mũi dao nhọn). Đặc điểm nhận dạng như mô tả trong biên bản giao nhận vật chứng ngày 02/01/2018 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Sê với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chư Sê.

4. Về án phí:

Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí toà án: Xử buộc mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 464.787đ (Bốn trăm sáu mươi bốn ngàn bảy trăm tám mươi bảy đồng ) án phí dân sự sơ thẩm; buộc ông Ksor H và bà Siu D phải chịu 464.787đ (Bốn trăm sáu mươi bốn ngàn bảy trăm tám mươi bảy đồng )án phí dân sự sơ thẩm; buộc ông Kpuih L và bà Siu H phải chịu 464.787đ (Bốn trăm sáu mươi bốn ngàn bảy trăm tám mươi bảy đồng) án phí dân sự sơ thẩm để sung vào công quỹ Nhà nước.

“Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án  dân  sự có quyền thoả  thuận  thi hành  án,  quyền yêu cầu  thi hành  án,  tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, các bị cáo có quyền kháng cáo bản án; bị hại có quyền kháng cáo bản án về phần bồi thường và hình phạt đối với các bị cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và đại diện hợp pháp của họ. có quyền kháng cáo phần bản án liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; những người vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được trích sao bản ản hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết công khai lên Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai để yêu cầu xét xử phúc thẩm./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

358
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 10/2018/HS-ST ngày 09/03/2018 về tội cướp tài sản

Số hiệu:10/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Chư Sê - Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về