Bản án 11/2017/KDTM-PT ngày 23/11/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

BẢN ÁN 11/2017/KDTM-PT NGÀY 23/11/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 23 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 10/TLPT-KDTM ngày 17 tháng 10 năm 2017 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 21/2016/KDTM-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09/2017/QĐ-PT ngày 06 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại Cổ phần A.

Trụ sở: đường T, quận H, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1973; Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần A; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bành Trung D, sinh năm 1965; Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Thương mại Cổ phần A chi nhánh Bạc Liêu (Văn bản ủy quyền ngày 22/8/2016).

- Bị đơn: Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu B.

Trụ sở: ấp K, xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Việt N, sinh năm 1953 – Chủ tịch Hội đồng quản trị; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Mai Bá D, sinh năm 1972 - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu B (Văn bản ủy quyền ngày 23/8/2016).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần Thủy sản C (nay là Công ty Cổ phần thủy sản C Cà Mau) Trụ sở: đường L, phường X, thành phố C, tỉnh Cà Mau;

Người đại diện theo pháp luật: Bà Lê Thị H, sinh năm 1968 - Giám đốc Công ty; Người đại diện theo ủy quyền: ông Lê Minh C, sinh năm 1965; Trú tại: Số 24, L, khóm Y, phường X, thành phố C, tỉnh Cà Mau (Văn bản ủy quyền ngày 30/8/2017).

- Người kháng cáo: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần Thủy sản C.

(Người đại diện theo ủy quyền của: Nguyên đơn, Bị đơn, Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Ngân hàng Thương mại cổ phần A là ông Bành Trung D trình bày:

Năm 2010, Ngân hàng Thương mại cổ phần A (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) chi nhánh Bạc Liêu và Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu B (sau đây gọi là công ty B) ký kết hợp đồng tín dụng số 10.36.2912/HĐTD ngày 29/12/2010 thỏa thuận cấp cho Công ty B hạn mức tín dụng 20.000.000.000 đồng. Theo đó Công ty Cổ phần Thủy sản C (sau đây gọi tắt là Công ty C) có cam kết bảo lãnh ngày 29/12/2010 cho Công ty B vay vốn với mức dư nợ cao nhất là 40.000.000.000 đồng.

Năm 2011, giữa Ngân hàng và Công ty B ký kết tiếp hợp đồng tín dụng số 11.36.0606/HĐTD ngày 06/6/2011 thoả thuận cấp cho Công ty B hạn mức tín dụng là 40.000.000.000 đồng; hợp đồng này chuyển toàn bộ dư nợ của hợp đồng năm 2010 nêu trên sang với số tiền 19.970.479.772 đồng. Theo đó Công ty C có cam kết bảo lãnh ngày 06/6/2011 cho Công ty B vay vốn với mức dư nợ cao nhất là 40.000.000.000 đồng.

Năm 2012, Giữa Ngân hàng và Công ty B ký kết tiếp hợp đồng tín dụng số 36.290812/HĐTD ngày 29/8/2012 thoả thuận cấp cho Công ty B hạn mức tín dụng là 40.000.000.000 đồng, thời hạn 12 tháng, lãi suất tiền vay tính trên từng lần nhận nợ thực tế, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn; mục đích vay là thu mua, chế biến, đông lạnh xuất khẩu thủy hải sản và bán nội địa; thời hạn vay của từng lần nhận nợ là 05 tháng; hợp đồng này chuyển toàn bộ dư nợ của hợp đồng năm 2011 nêu trên sang với số tiền là 33.417.374.410 đồng, đồng thời trong năm 2012, Công ty B đã nhận nợ vay thêm 20 lần theo 20 giấy nhận nợ tương ứng với số tiền 39.981.697.511 đồng. Bên cạnh đó, ngày 04/4/2012 Công ty C có cam kết bảo lãnh cho công ty B vay vốn với mức bảo lãnh dư nợ cao nhất là 60.000.000.000 đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng số 36.290812/HĐTD ngày 29/8/2012 nêu trên, hai bên đã ký kết văn bản sửa đổi bổ sung hợp đồng tín dụng ngày 16/7/2013 nhằm cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho Công ty B nhưng Công ty B chỉ thực hiện trả nợ được một kỳ với số tiền 1.000.000.000 đồng (do Công ty C trả nợ thay) và Ngân hàng trừ nợ từ các tài khoản có của Công ty B với số tiền là 50.697.511 đồng. Do Công ty B vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty B thực hiện việc trả nợ với số tiền vay gốc là 38.931.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh tính đến hết ngày 29/9/2016 là 22.784.228544 đồng (trong đó lãi trong hạn là 18.894.545.318 đồng, lãi quá hạn là 3.889.683.226 đồng) và tiền lãi quá hạn phát sinh theo hợp đồng tín dụng và các giấy nhận nợ đã ký kết tính kể từ ngày 30/9/2016 cho đến khi trả hết nợ cho Ngân hàng.

Trường hợp Công ty B không trả được nợ thì yêu cầu Công ty C thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay theo cam kết bảo lãnh ngày 04/4/2012 để trả nợ cho Ngân hàng.

- Bị đơn Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu B, người đại diện theo ủy quyền là ông Mai Bá D trình bày:

Ông xác nhận Công ty B có ký kết các hợp đồng tín dụng vay vốn đúng như đại diện Ngân hàng trình bày. Phía Công ty C có ký các cam kết bảo lãnh trả nợ thay cho Công ty B tại Ngân hàng như lời trình bày của đại diện Ngân hàng tại phiên toà.

Nay Ngân hàng yêu cầu đòi nợ thì Công ty B đồng ý trả nợ. Tuy nhiên, đề nghị Ngân hàng xem xét giảm tiền lãi để Công ty B có khả năng thanh toán nợ cho Ngân hàng vì Công ty B hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Đối với cam kết bảo lãnh của Công ty C thì phía Công ty B đề nghị Công ty C thực hiện.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty cổ phần thủy sản C, người đại diện theo ủy quyền là ông Lê Minh C trình bày: Năm 2012, Công ty C có ký cam kết bảo lãnh trả nợ cho Công ty B như đại diện Ngân hàng trình bày. Tuy nhiên, cam kết này chưa phải là hợp đồng bảo lãnh và không gắn với hợp đồng tín dụng có tranh chấp; bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 4 của Hợp đồng tín dụng có tranh chấp có thỏa thuận việc thực hiện ký kết giao dịch bảo đảm nhưng các bên đã không ký kết giao dịch bảo đảm nào nên trên thực tế không phát sinh nghĩa vụ ràng buộc về việc trả nợ thay của Công ty C đối với Công ty B. Mặt khác, chứng thư bảo lãnh này là không hợp lệ do tỷ lệ vốn góp của các thành viên Hội đồng quản trị Công ty C dưới 65% là không được phép quyết định việc bảo lãnh trả nợ thay.

Từ nội dung trên tại bản án số 21/2016/KDTM-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu quyết định:

1/- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần A yêu cầu Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu B phải thanh toán nợ gốc, nợ lãi là 61.715.228.544 đồng.

Buộc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu B phải có trách nhiệm thanh toán nợ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần A (do Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu nhận theo hợp đồng đã ký kết) tổng cộng tiền nợ gốc và lãi tính đến ngày 29/9/2016 là 61.715.228.544 đồng (sáu mươi mốt tỷ bảy trăm mười lăm triệu hai trăm hai mươi tám nghìn năm trăm bốn mươi bốn đồng), trong đó tiền nợ gốc là 38.931.000.000 đồng (ba mươi tám tỷ chín trăm ba mươi mốt triệu đồng) và nợ lãi phát sinh tính đến hết ngày 29/9/2016 là 22.784.228.544 đồng (hai mươi hai tỷ bảy trăm tám mươi bốn triệu hai trăm hai mươi tám nghìn năm trăm bốn mươi bốn đồng).

2/- Buộc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu B phải có trách nhiệm thanh toán nợ lãi quá hạn cho Ngân hàng Thương mại cổ phần A (do Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu nhận theo hợp đồng đã ký kết) theo Hợp đồng tín dụng số 36.290812/HĐTD ngày 29/8/2012 và các giấy nhận nợ tính kể từ ngày 30/9/2016 cho đến khi thanh toán hết nợ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần A.

3/- Trong trường hợp Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Xuất nhập khẩu B không thanh toán nợ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần A thì Công ty Cổ phần Thủy sản C có nghĩa vụ trả nợ thay theo cam kết bảo lãnh ngày 04/4/2012 trong phạm vi bảo lãnh là 60.000.000.000 đồng (sáu mươi tỉ đồng).

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, điều luật thi hành án và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Ngày 01/9/2017 Tòa án thành phố B thông báo về việc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần Thủy sản C kháng cáo bản án số 21/2016/KDTM-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu. Nội dung kháng cáo bà Lê Thị H là người đại diện theo pháp luật của Công ty C yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng yêu cầu Công ty C thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ thay cho Công ty B theo cam kết bảo lãnh ngày 04/4/2012.

Tại phiên Tòa phúc thẩm đại diện Công ty C vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Thông qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý phúc thẩm đến thời điểm này thấy rằng Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 trong quá trình giải quyết vụ án và đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa phúc thẩm, Tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự và Viện kiểm sát đúng theo quy định.

Về nội dung vụ án: Nếu xác định ông Lê Minh C không có quyền kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm khi nhận Đơn kháng cáo của ông C cần thông báo đến Công ty C để Công ty C tự mình hoặc ủy quyền cho người khác kháng cáo; Tòa án cấp sơ thẩm cần yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung Đơn kháng cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 274 Bộ luật tố tụng dân sự mới đảm bảo quyền kháng cáo của Công ty C. Ngoài ra, việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự có bao hàm cả nội dung chấp nhận kháng cáo trong hạn là vi phạm Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại số 21/2017/KDTM-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, nghe ý kiến đề xuất của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[2] Xét quá trình tiến hành thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm số 21/2017/KDTM-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án nhân dân thành phố B: Vụ án được xét xử sơ thẩm ngày 30/9/2016, ngày 14/10/2016 ông Lê Minh C là đại diện theo ủy quyền cho Công ty C đã có Đơn kháng cáo nộp cho Tòa án nhân dân thành phố B.

[3] Theo khoản 12 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự có quy định về quyền: “Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình”. Tại điểm a khoản 4 Điều 274 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về trường hợp trả đơn kháng cáo do: “Người kháng cáo không có quyền kháng cáo”. Đối chiếu Mẫu số 58 –DS Ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì việc trả lại đơn kháng cáo được thực hiện bằng thông báo.

[4] Như vậy, Tòa án nhân dân thành phố B giao Thông báo trả đơn kháng cáo ngày 17/7/2017 cho ông C là sau hơn 09 tháng kể từ ngày ông C nộp đơn kháng cáo; không giao Thông báo trả đơn kháng cáo cho Công ty C, không yêu cầu đương sự sửa chữa, bổ sung Đơn kháng cáo theo quy định khoản 3 Điều 274 Bộ luật tố tụng dân sự để đương sự được thực hiện quyền kháng cáo của họ theo đúng quy định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

[5] Đến ngày 24/7/2017 Công ty C do bà Lê Thị H là đại diện theo pháp luật đã có Đơn khiếu nại trong tố tụng dân sự về hành vi của Thẩm phán và Thư ký, bà H cho rằng hành vi không thông báo về việc trả lại đơn kháng cáo và không tống đạt Thông báo trả lại đơn kháng cáo cho Công ty C làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Công ty C nên yêu cầu xử lý hành vi trên và yêu cầu cho phép Công ty C được thực hiện quyền kháng cáo trong hạn luật định.

[6] Hội đồng xét xử xét thấy, khiếu nại của Công ty C có liên quan đến quyền kháng cáo của đương sự nên căn cứ quy định khoản 2 Điều 499 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định rõ: “Đối với bản án sơ thẩm, phúc thẩm,…nếu có kháng cáo, kháng nghị và các quyết định tố tụng khác do người tiến hành tố tụng dân sự ban hành nếu có khiếu nại, kiến nghị thì không giải quyết theo quy định của Chương này mà được giải quyết theo quy định của các chương tương ứng của Bộ luật này”. Vì vậy, cần áp dụng quy định tại Chương XV của Bộ luật Tố tụng Dân sự để xử lý yêu cầu được thực hiện quyền kháng cáo của Công ty C mới đảm bảo đúng thủ tục tố tụng dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm cho phép đương sự được quyền thực hiện quyền kháng cáo trong thời hạn luật định là vi phạm tố tụng và ảnh hưởng quyền lợi của đương sự còn lại trong vụ án.

[7] Trong vụ án, Ngân hàng yêu cầu Công ty B thanh toán nợ đối với Hợp đồng tín dụng đã ký kết, đồng thời yêu cầu buộc Công ty C thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty B theo cam kết bảo lãnh ngày 04/4/2012. Xét thấy, bảo lãnh là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng tín dụng, giữa quan hệ hợp đồng tín dụng và bảo lãnh có mối liên kết chặt chẽ không thể tách rời, cần xử lý cùng lúc cả hai quan hệ để đảm bảo công tác thi hành án; mặt khác, Công ty C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên cấp phúc thẩm cần hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[8] Đối với nội dung kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty C: do vụ án bị hủy vì vi phạm thủ tục tố tụng và chuyển hồ sơ vụ án về Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm nên Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét nội dung kháng cáo của Công ty C, yêu cầu này sẽ được cấp sơ thẩm xem xét khi thụ lý giải quyết lại vụ án.

[9] Xét nhận định của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về các vi phạm nghiêm trọng của cấp sơ thẩm và đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại số 21/2016/KDTM-ST ngày 30/9/2016 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm là phù hợp pháp luật nên có căn cứ chấp nhận.

[10] Án phí kinh doanh thương mại: Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được giải quyết khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết lại vụ án. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm Công ty C không phải chịu.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/. Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 21/2016/KDTM-ST ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2/. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét khi thụ lý giải quyết lại vụ án.

- Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty Cổ phần Thủy sản C không phải chịu. Đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản C là ông Lê Minh C đã nộp tạm ứng án phí 300.000 đồng theo biên lai thu số 0007646 ngày 30/8/2017 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố B được hoàn lại.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

543
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 11/2017/KDTM-PT ngày 23/11/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:11/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bạc Liêu
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 23/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về