Bản án 12/2019/DS-PT ngày 25/04/2019 về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 12/2019/DS-PT NGÀY 25/04/2019 VỀ TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU

Ngày 25 tháng 4 năm 2019, tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 51/2018/TLPT-DS ngày 18 tháng 12 năm 2018 về “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 25/2018/DS-ST ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 20/2019/QĐPT-DS ngày 02/4/2019, giữa các đương sự:

1- Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Q N.

Địa chỉ: phường B Đ, thành phố H L, tỉnh Q N.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: bà Bùi Thanh V và ông Nguyễn Văn T - Luật sư Công ty Luật TNHH T V 89 và cộng sự Chi nhánh Quảng Ninh, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

2- Bị đơn: Văn phòng công chứng G Đ.

Địa chỉ: Thành phố H L, tỉnh Quảng Ninh.

Người đại theo pháp luật: Ông Trần Đức C – Chức vụ Trưởng Văn phòng Công chứng G Đ.

3- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Cụ Nguyễn Thị N; Trú tại: phường B Đ, thành phố H L, tỉnh Q N.

- Bà Nguyễn Thị Đ; Trú tại: phường M K, thị xã Đ T, tỉnh Q N.

- Ông Nguyễn Văn B;Trú tại: phường H H, thành phố H L, tỉnh Q N.

- Ông Nguyễn Hoàng D;Trú tại: phường H Y, thành phố M C, tỉnh Q N. (Có văn bản ủy quyền cho ông Nguyễn Văn B tham gia tố tụng tại phiên tòa).

- Ông Nguyễn Văn C; Trú tại: thành phố H L, tỉnh Q N.

- Ông Nguyễn Minh T;Trú tại: phường B Đ, thành phố H L, tỉnh Q N.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Nguyễn Minh Tuấn: ông Lê Cao L - Luật sư của Công ty Luật T L thuộc Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh.

- Bà Đinh Thanh H;Trú tại: phường B Đ, thành phố H L, tỉnh Q N.

- Bà Ngô Thị Kim T;Trú tại: phường B Đ, thành phố H L, tỉnh Q N.

- Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long. Đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Tuấn P .

4. Người kháng cáo: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cụ Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Đ và ông Nguyễn Minh T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn chị Nguyễn Thị Q N trình bày:

Cụ Nguyễn Văn L và cụ bà Nguyễn Thị N sinh được 6 người con là: Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Văn B, Nguyễn Hoàng D, Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn C1 (bố đẻ chị N) và Nguyễn Minh T. Hai cụ L và N được các cụ bên nội cho một thửa đất khoảng hơn 700m2 thuộc phường B Đ, tỉnh Quảng Ninh. Ông, bà và các con sống tại thửa đất này. Khi các con của ông bà chị đến tuổi trưởng thành thì ông bà đã thống nhất chia mỗi người con một mảnh đất để xây nhà ở. Còn lại ông bà, bố đẻ chị, chú Nguyễn Minh T sống cùng nhau tại ngôi nhà cấp 4 xây trên diện tích 297, 6 m2 tại thửa đất số 123 tờ bản đồ số 09 thuộc phường B Đ, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nhưng chưa làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 1988 cụ Nguyễn Văn L chết, cụ bà Nguyễn Thị N và hai người con là ông Nguyễn Văn C1 (bố đẻ chị N) và ông Nguyễn Minh T vẫn sinh sống tại ngôi nhà này. Năm 1997, ông Nguyễn Văn C1 kết hôn với bà Ngô Thị Kim T và sinh ra một mình chị N. Năm 2010, ông Nguyễn Văn C1 chết, cụ N vẫn sống chung với mẹ con chị và vợ chồng ông T, bà Đinh Thanh H. Đến cuối năm 2017, mẹ con chị mới phát hiện cụ Nguyễn Thị N đã tự ý chia diện tích 113,6m2 trong số 297,6m2 đất cho ông T và vợ là bà Đinh Thanh H; số diện tích đất còn lại 184m2 cụ N chị tặng riêng cho ông Nguyễn Minh T, trong đó có cả căn nhà cấp 4 mẹ con chị đang ở. Ông T, bà H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và từ đó bà H luôn đe doạ đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà. Lúc này mẹ con chị mới đề nghị họp gia đình để hỏi lý do, thì được biết khoảng tháng 02/2014 cụ N và các con của cụ có đến Phòng công chứng G Đ, để lập văn bản số 518 để thoả thuận phân chia di sản của ông nội chị để lại và làm thủ tục cho cụ N đứng tên quản lý khối di sản của cụ L để lại.

Theo chị thì khi cụ L chết, bố chị là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ L khi chia di sản do cụ để lại. Do bố chị đã chết nên chị là người được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ của bố chị. Nhưng chị lại không được biết việc phân chia di sản và không được ký vào văn bản thoả thuận phân chia di sản. Như vậy, văn bản do văn phòng công chứng lập thiếu sự tham gia của chị là vi phạm điều cấm của pháp luật, nên chị đề nghị Toà án tuyên vô hiệu “Văn bản thoả thuận phân chia di sản” số 518 lập ngày 28/02/2014 của Phòng công chứng G Đ, thành phố H L.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn - bà Bùi Thanh V trình bày: Nhất trí với ý kiến của nguyên đơn đề nghị Tòa án tuyên vô hiệu văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế lập tại Văn phòng Công chứng G Đ ngày 28/02/2014.

* Đại diện theo uỷ quyền của bị đơn (Văn phòng công chứng G Đ) trình bày: Ngày 28/02/2014 tại Văn phòng Công chứng G Đ có công chứng “Văn bản thoả thuận phân chia di sản” số 518. Việc lập văn bản hoàn toàn tuân thủ đúng quy định pháp luật vì có đầy đủ thành phần các hàng thừa kế của ông Nguyễn Văn L. Đối với trường hợp của chị Nguyễn Thị Q N, do lúc này chị Nga chưa đủ 18 tuổi, mẹ chị N (là bà T) đã có 02 chữ ký (Một chữ ký ký vào phần của bà T, một chữ ký ký vào phần của chị N), việc này được hiểu là bà T ký thay cho con gái mình là Nguyễn Thị Q N, nên văn phòng đã thực hiện theo yêu cầu phân chia di sản của gia đình. Văn phòng công chứng không đồng ý với yêu cầu tuyên vô hiệu văn bản công chứng của chị N và đề nghị Toà án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - ông Nguyễn Văn B trình bày:

Ngày 28/02/2014, ông cùng 5 anh chị em ruột, bà T và cụ N đến Văn phòng công chứng G Đ để lập văn bản uỷ quyền cho cụ Nguyễn Thị N đứng tên, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 123, tờ bản đồ địa chính số 09 tại khu 5B phường B Đ, Thành phố H L, tỉnh Q N. Hôm đó, tất cả mọi người đều nhất trí ký giấy với mục đích uỷ quyền cho cụ N đứng tên làm bìa đỏ, để quản lý sử dụng ô đất và làm hồ sơ cấp phép theo quy định của pháp luật, chứ tuyệt nhiên không ai nghĩ rằng ký giấy là đồng ý thoả thuận phân chia di sản của cụ L để lại và giao cho cụ N toàn quyền định đoạt phân chia thửa đất như hiện nay, mà không thông qua họp gia đình. Do đó, mọi người không đọc lại văn bản trước khi ký.

Trong văn bản có nhắc đến ông Nguyễn Văn C1 (đã chết) là hàng thừa kế thứ nhất của cụ L, cháu N là hàng thừa kế thứ nhất của ông C1 nhưng cháu N không được tham dự việc lập văn bản và không ký tên vào văn bản. Mẹ cháu N là chị Ngô Thị Kim T ký 2 lần cùng một lúc, đến nay hỏi lại thì nói rằng: Ký tiếp lần 2 là theo yêu cầu của cô nhân viên của Văn phòng công chứng, không đại diện cho ai và hôm đó cháu N không có mặt khi mọi người lập biên bản. Ông C1 chết thì con ông C1 phải được thụ hưởng di sản của ông nội để lại cho bố cháu, nhưng cháu N không biết và không được ký tên trong văn bản công chứng thoả thuận chia di sản là chưa đúng pháp luật.

Từ những lý do như trên, nên ông đề nghị Toà án tuyên vô hiệu văn bản số 518 về việc “Văn bản thoả thuận phân chia di sản” lập tại Văn phòng công chứng G Đ ngày 28/02/2014. Sau đó gia đình sẽ họp bàn đến thống nhất giải quyết.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - ông Nguyễn Hoàng D và ông Nguyễn Văn C đồng nhất quan điểm với ông B, đề nghị Toà án tuyên bố văn bản thoả thuận phân chia di sản lập tại Văn phòng công chứng G Đ ngày 28/02/2014 là vô hiệu.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - bà Ngô Thị Kim T trình bày:

Bà không được chị N uỷ quyền, bà ký vào văn bản thoả thuận là theo chỉ dẫn của người ở Văn phòng công chứng, nên nay bà đề nghị Toà án tuyên bố văn bản thoả thuận phân chia di sản lập tại Văn phòng công chứng G Đ ngày 28/02/2014 vô hiệu.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - ông Nguyễn Minh T trình bày: Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vì Văn phòng công chứng G Đ đã làm đúng quy định của pháp luật. Việc chị N không có mặt nhưng mẹ chị N là bà Th ký thay chị N là được; mục đích sâu xa của việc yêu cầu huỷ văn bản công chứng là chia di sản thừa kế của cụ L, nên quan điểm của ông là không chấp nhận yêu cầu huỷ văn bản công chứng. Nếu huỷ văn bản của văn phòng công chứng, ông sẽ đề nghị chia lại tất cả di sản của cụ L để lại vì phần đất mà cụ L để lại hơn 700m2 đất, nhưng cụ N đã tự ý chia cho ba người anh của ông là Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn C và Nguyễn Hoàng D mỗi người một phần đất, có người giữ lại, có người đã bán đi.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Minh T là Luật sư Lê Cao L có quan điểm: Nhất trí với phần trình bày của anh Nguyễn Minh T và trình bày bổ sung: Tại thời điểm các bên ký văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì chị N chưa đủ 18 tuổi không thể tự mình xác lập, thực hiện việc phân chia di sản mà phải thực hiện thông qua người đại diện là bà T (mẹ chị N); Về thời hiệu khởi kiện: ngày 02/7/2018 chị N khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên vô hiệu văn bản thỏa thuận phận chia di sản ngày 28/02/2014 đến nay đã quá 02 năm để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Đề nghị Toà án xem xét để giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cụ Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Đ và bà Đinh Thanh H trình bày: không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì Văn phòng công chứng làm việc đúng pháp luật, chị N không có mặt nhưng mẹ chị là bà T ký thay là được. Tài sản do vợ chồng cụ N gây dựng nên cụ N có quyền định đoạt. Cụ N, bà Đ, bà H đề nghị giữ nguyên văn bản số 518 về việc “Văn bản thoả thuận phân chia di sản” lập tại Văn phòng công chứng G Đ ngày 28/02/2014.

Bà Đinh Thanh H trình bày thêm: Bà không tham gia phân chia di sản, nhưng hiện tại trên phần đất liên quan đến văn bản thoả thuận đó có khối tài sản lớn là ngôi nhà hiện tại trên đất do vợ chồng bà bỏ tiền ra xây dựng.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan UBND thành phố H L trình bày: Theo Văn bản thoả thuận phân chia di sản được Văn phòng công chứng G Đ chứng thực ngày 28/02/2014, thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Văn L (chồng bà Nguyễn Thị N) thống nhất thoả thuận giao cho bà N được toàn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt phần di sản của ông L để lại (thửa 123 tờ bản đồ số 09 phường B Đ). Bà N được toàn quyền làm các thủ tục pháp lý cần thiết để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được toàn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt; toàn quyền chuyển đổi, chuyển nhượng,....tặng cho....đối với thửa đất trên. Sau khi kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu của bà N, thấy có đủ điều kiện và không có tranh chấp nên ngày 24/4/2014, UBND thành phố H L đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho bà Nguyễn Thị N. UBND thành phố H L nhận thấy việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho bà N là đúng trình tự quy định của Luật đất đai 2003 và Điều 136 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai. Đối với yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu của chị N là việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, đề nghị Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Với nội dung trên, tại Bản án số 25/2018/DS-ST ngày 12/11/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long đã tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Nguyễn Thị Q N, tuyên bố “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản” công chứng số 518, quyển số 04TP/CC-SCC/HNGĐ ngày 28/02/2014 của Văn phòng công chứng G Đ vô hiệu. Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 26/11/2018, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Đ và ông Nguyễn Minh T kháng cáo với nội dung: cụ N và bà Đ yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm; Ông T yêu cầu sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm cụ N, bà Đi và ông T giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đồng thời cụ N, ông T có quan điểm sẽ tặng cho chị N toàn bộ ngôi nhà cấp 4 mà hai mẹ con chị N đang ở, cùng diện tích đất 45 m2 có lối đi riêng (có sơ đồ kèm theo); Tiếp đó, đồng ý tặng cho chị N toàn bộ ngôi nhà cấp 4 mà hai mẹ con chị N đang ở và phần đất còn lại khoảng 80 m 2 có lối đi riêng (cách ngôi nhà cụ N đang ở chạy dọc theo hướng nhà là 1m), nhưng chị N vẫn không chấp thuận.

Luật sư Nguyễn Văn T và Bùi Thanh V cho rằng: Phòng công chứng G Đ đã vi phạm nghiêm trọng cả hình thức cũng như nội dụng của Văn bản thảo thuận phân chia tài sản, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị N. Do đó, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh không chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư Lê Cao cho rằng: Văn phòng Công chứng G Đ đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục công chứng đối với việc phân chia di sản của ông Nguyễn Văn L để lại.Việc chị Nguyễn Thị Q N khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên vô hiệu Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế số 518 ngày 28/02/2014 của Văn phòng Công chứng G Đ là không có cơ sở.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn Bì, ông Nguyễn Văn C và bà Ngô Thị Kim T đều có quan điểm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của cụ N, bà Đ và ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh có quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

Về tố tụng: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử và Thư ký đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự chấp hành đúng pháp luật. Tuy nhiên có vi phạm về thời hạn xét xử theo quy định.

Về nội dung: Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh không chấp nhận kháng cáo của cụ N, bà Đ và ông T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của cụ Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Đ và ông Nguyễn Minh T làm trong thời hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của cụ Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Đ đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh hủy bản án sơ thẩm số 25/2018/DS-ST và ông Nguyễn Minh T đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn; Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị N kết hôn với nhau và sinh được sáu người con gồm: các ông, bà: Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Văn B, Nguyễn Hoàng D, Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn C1 và Nguyễn Văn T. Quá trình chung sống cụ L và cụ N tạo dựng được khối tài sản chung là thửa đất có diện tích 327,5m2 tại tổ 62, khu 5B, phường B Đ, thành phố H L, tỉnh Q N. Ngày 26/02/1988, cụ Nguyễn Văn L chết, khi chết cụ không để lại di chúc, cũng không để lại nghĩa vụ nào về tài sản. Như vậy di sản mà cụ L để lại là ½ tài sản trong khối tài sản chung với cụ N. Phần tài sản của cụ L sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ là vợ và 6 người con theo quy định của pháp luật về thừa kế. Ngày 05/02/2010, ông Nguyễn Văn C1 chết, nhưng không để lại di chúc. Như vậy, những người thừa kế phần di sản của ông C1 do cụ L để lại gồm cụ N (mẹ), bà Ngô Thị Kim T(vợ) và chị Nguyễn Thị Q N (con gái).

Ngày 28/02/2014, tại Văn phòng Công chứng G Đ, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Văn L gồm cụ Nguyễn Thị N, các ông, bà: Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Văn B, Nguyễn Hoàng D, Nguyễn Văn C, và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Văn C1 là cụ Nguyễn Thị N, bà Ngô Thị Kim T đã lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, với nội dung: xác nhận phần tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng cụ Nguyễn Văn L, Nguyễn Thị N có 01 thửa đất có diện tích 327,5m2 , số hiệu 123, tờ bản đồ địa chính số 09, số hiệu mảnh bản đồ gốc: E7-IV-C-d tại phường B Đ, Thành phố H L, tỉnh Q N,; Tên sử dụng Nguyễn Thị N và giao cho bà Nguyễn Thị N được toàn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt phần di sản của ông Nguyễn Văn L để lại; bà N được toàn quyền làm các thủ tục pháp lý cần thiết để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên.

Thấy rằng: tại thời điểm ký văn bản trên chị N (sinh ngày 07/02/1998) đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi nên có quyền xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự khi được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Nhưng văn bản thỏa thuận phân chia di sản nêu trên không có chữ ký của chị Nguyễn Thị Q N. Chị N cũng không ủy quyền cho mẹ chị là bà Ngô Thị Kim T thay mặt mình ký vào Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, nên bà T không có quyền đại diện để xác lập giao dịch liên quan đến quyền tài sản của chị N, mặc dù bà T là người đại diện theo pháp luật (bà T ký Văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo sự hướng dẫn của Công chứng viên). Như vậy, Văn bản thỏa thuận phân chia di sản nêu trên đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chị Nguyễn Thị Q N, nên vi phạm điều cấm của pháp luật quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Công chứng năm 2006: “d) Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật,”.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 41 Luật Công chứng thì: “Người yêu cầu công chứng, người làm chứng phải ký vào văn bản công chứng trước mặt công chứng viên”. Tại phần Lời chứng của công chứng viên trong Văn bản thỏa thuận phân chia di sản ngày 28/02/2014 đã chứng nhận: “Những người yêu cầu công chứng, những người thừa kế đã tự nguyện thỏa thuận phân chia di sản...cam đoan không bỏ sót người thừa kế nào”. Nhưng phần ký xác nhận mặc dù thể hiện chị Nguyễn Thị Q N là người thừa kế đối với di sản được phân chia, lại không có chữ ký trong văn bản này. Tại Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Như vậy, về mặt nội dung Văn bản thỏa thuận phân chia di sản ngày 28/02/2014 bị vô hiệu, do lỗi của Văn phòng Công chứng G Đ.

Mặt khác, tại Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 31/10/2018, thể hiện trên thửa đất số 123, tờ bản đồ số 09 tại tổ 62, khu 5B, phường B Đ, thành phố H L có 01 ngôi nhà cấp 4 do cụ L và cụ N xây dựng năm 1959, hiện mẹ con bà T đang ở. Do đó, việc các đương sự chỉ thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất mà không thỏa thuận về tài sản trên đất sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ con chị T và dẫn đến việc khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sẽ không thực hiện được vì còn có tài sản trên đất của người khác, nên sẽ bị vô hiệu do có đối tượng không thực hiện được theo Điều 411 Bộ luật dân sự năm 2005, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Nguyễn Thị Q N, tuyên bố “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản” công chứng số 518, quyển số 04TP/CC-SCC/HNGĐ ngày 28/02/2014 của Văn phòng công chứng G Đ vô hiệu là có căn cứ, phù hợp qui định pháp luật.

Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Đ và ông Nguyễn Minh T; cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về hậu quả pháp lý khi tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu: các đương sự không yêu cầu nên Tòa án hai cấp không xem xét giải quyết.

Về án phí: Vì không chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Đ và ông Nguyễn Minh T nên cụ N, bà Đ và ông T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Nhưng do cụ N sinh năm 1934 và bà Đ sinh năm 1954 là người cao tuổi (thuộc diện được miễn tiền án phí) và có đề nghị miễn án phí, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định miễn tiền án phí phúc thẩm cho cụ N và bà Đ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 148, khoản 1 Điều 308, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 1 Điều 70, khoản 3 Điều 73 Luật Hôn nhân và gia đình; Điều 122, Điều 128, Điều 145, Điều 411, Điều 631, điểm a khoản 1 Điều 675, điểm a khoản 4 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 5, Điều 12, Điều 41 Luật Công chứng 2006; Điều 2 Luật Người cao tuổi; điểm đ khoản 1, Điều 12 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/20126 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội ban hành về án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của cụ Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Đ và ông Nguyễn Minh T.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 25/2018/DS-ST ngày 12/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long.

Tuyên bố “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản” của cụ Nguyễn Thị N, các ông, bà: Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Văn B, Nguyễn Hoàng D, Nguyễn Văn C, Ngô Thị Kim T, Nguyễn Minh T được Văn phòng công chứng G Đ công chứng số 518, quyển số 04 TP/CC-SCC/HĐGD, ngày 28/02/2014 vô hiệu.

Về án phí: Văn phòng công chứng G Đ phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại cho chị Nguyễn Thị Q N số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0001261 ngày 02/7/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cụ Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Đ được miễn tiền án phí phúc thẩm, nên trả lại cho cụ N số tiền tạm ứng án phí phúc đã nộp là 300.000đ theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số số AA/2018/0000395 ngày 03/12/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hạ Long. Trả lại bà Đ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000đ theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số số AA/2018/0000463 ngày 07/12/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hạ Long. Buộc ông Nguyễn Minh T phải chịu 300.000đ tiền án phí phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số số AA/2018/0000396 ngày 03/12/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hạ Long.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1045
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 12/2019/DS-PT ngày 25/04/2019 về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Số hiệu:12/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về