Bản án 126/2019/DS-PT ngày 16/10/2019 về tranh chấp bồi thường tiền bảo hiểm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 126/2019/DS-PT NGÀY 16/10/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG TIỀN BẢO HIỂM

Ngày 16 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 129/2019/TLPT-DS ngày 04 tháng 9 năm 2019, về “tranh chấp bồi thường tiền bảo hiểm”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 30/2019/DS-ST ngày 22/07/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 191/2019/QĐ-PT ngày 11/9/2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trần Văn V, sinh năm 1950 (vắng mặt).

Đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn: Ông Trần Văn H, sinh năm 1975 (có mặt).

Cùng địa chỉ: ấp C, thị trấn T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của ông Trần Văn V: Ông Triệu Du Long, Luật sư của Văn phòng Luật sư Triệu Du Long thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng;

Đa chỉ: ấp F, thị trấn L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng (có mặt)

2. Bị đơn: Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P (PC)

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Nam H – Tổng giám đốc. Địa chỉ: Toà nhà M ST, quận Đ2, thành phố Hà Nội (văng mặt).

Người đại diện hợp pháp: Ông Ngô Thanh L, sinh năm 1978; địa chỉ: đường Q, khóm C, phường B, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng (theo văn bản ủy quyền số 582, ngày 25/10/2018) (có mặt)

4. Người kháng cáo: Tổng công ty Cồ phần bảo hiểm P (PC)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1.Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Trần Văn H trình bày:

Tàu cá ST-98479 TS của ông Trần Văn V được cấp các giấy tờ hợp lệ và được Chi cục thủy sản tỉnh Sóc Trăng cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá số: ST- 98479-TS, ngày 11/04/2016 và được phép thực hiện dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo Quyết định số2013/QĐ-UBND, ngày 29/8/2016 của UBND tỉnh Sóc Trăng.

Tháng 6 năm 2016 ông Trần Văn V có mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm PC Sóc Trăng (trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm P - Trụ sở chính: Toà nhà M ST, Đ2, Hà Nội) cho tàu cá mang số hiệu ST-98479 TS. Tàu cá ST-98479 TS được kiểm tra kỹ thuật hàng năm, khi Công ty Bảo hiểm PC Sóc Trăng bán bảo hiểm cho ông Trần Văn V cũng đã có thẩm định trước. Ông V đã được Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng giao cấp giấy chứng nhận bảo hiểm số 50004244(P- 16/STR/KSA/2600/0040) ngày 21/6/2016 với tổng giá trị bảo hiểm cho thân tàu là 7.902.825.000 đồng.

Tàu cá ST-98479 TS làm thủ tục xuất bến tại Trạm kiểm soát biên phòng Trần Đề vào ngày 04/02/2017 để ra khơi phục vụ hậu cần khai thác hải sản. Đến khoảng 4 giờ 30 phút sáng ngày 05/02/2017 khi đến toạ độ 080 45’ 000’’ N-1060 30’ 000’’E thuộc vùng biển Vũng Tàu- Côn Đảo, cách Hòn Tre khoảng 3-4 hải lý, thì phía trước mũi tàu bị va vào một vật gì dưới biển (chưa xác định được) làm cho bên mạn phải của tàu bị thủng, nước biển vào quá nhanh. Tất cả thuyền viên trên tàu không khắc phục sự cố kịp. Thuyền trưởng Phạm Văn P gọi điện nhờ tàu cá NT90524 TS kéo Tàu cá ST-98479TS vào Hòn Tre, Côn Đảo. Khi còn cách Côn Đảo khoảng 700 mét, thì tàu cá ST-98479 TS chìm hoàn toàn xuống biển. Thuyền trưởng Phạm Văn P đến Trạm kiểm soát Biên phòng Đ trình báo toàn bộ sự việc trên. Ngày 05/02/2017, ông Trần Văn V đã thuê Công ty Tân Phú A, An Giang trục vớt và kéo về cảng Đ; Sau đó, kéo tàu vào đất liền (cảng Trần Đề) để sửa chữa.

Ngay khi sự cố xảy ra, ông Trần Văn V cũng đã thông báo cho Công ty Bảo hiểm PC Sóc Trăng về tai nạn, về giá cả, nơi sửa chữa tàu, phối hợp với Công ty PC Sóc Trăng và Công ty Giám định - Thẩm định C (do Công ty Bảo hiểm PC Sóc Trăng chỉ định) trong việc giám định nguyên nhân tai nạn, mức thiệt hại và giải quyết bồi thường; Sau đó, theo hướng dẫn của ông Phan Ngọc Đ là cán bộ Công ty PC Sóc Trăng, ông V cũng đã nộp đơn yêu cầu bồi thường, chi trả bảo hiểm kèm theo toàn bộ bản chính các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc bảo quản và sửa chữa con tàu.

Đến tháng 8 năm 2018, ông V nhận được văn bản số190/PJICO-ST-TB, ngày 07/8/2018 của Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng thông báo về việc từ chối bồi thường cho tàu ST-98479TS của Trần Văn V với lý do chủ tàu ST-98479TS đã vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm.

Lý do (ghi trong văn bản số 190/PJICO-ST-TB, ngày 07/8/2018) mà Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng đưa ra để từ chối bồi thường cho tàu ST-98479TS của ông Trần Văn V là không phù hợp với pháp luật và xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông.

Nay ông Trần Văn V yêu cầu Toà án giải quyết buộc Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm P phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Trần Văn V số tiền bảo hiểm thân tàu là 1.163.437.777 đồng và tiền lãi chậm thanh toán đối với số tiền trên, theo lãi suất trả chậm của Ngân hàng Nhà nước quy định (0,83 %/tháng), kể từ ngày 16/10/2017 đến khi xét xử sơ thẩm tính tròn là 20 tháng với số tiền là 193.130.680 đồng.

2. Đại diện hợp pháp của bị đơn ông Ngô Thanh L trình bày:

Ngày 21/6/2016 ông Trần Văn V có mua bảo hiểm thân tàu số ST-98479 TS của Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm P tại Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng, thời gian bảo hiểm từ ngày 21/6/2016 đến 21/6/2017 theo giấy chứng nhận bảo hiểm số 50004244(P-16/STR/KSA/2600/0040) đã giao cho ông V cùng ngày 21/6/2016, phí đóng một lần nhà nước hỗ trợ 90%, còn lại 10% ông V đóng nhưng đến ngày 31/10/2016 thì ông V mới đóng đủ số tiền này; Căn cứ vào bản quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo công văn số 18759/BTC-QLBH tại khoản 1 Điều 5 có quy định trách nhiệm của chủ tàu đóng đầy đủ phần phí bảo hiểm không được nhà nước hỗ trợ trước khi doanh nghiệp bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, đây là cơ sở để Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm P căn cứ từ chối bồi thường cho ông V.

Nay theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý bồi thường với lý do nguyên đơn ông Trần Văn V đóng phí bảo hiểm trễ hạn là 132 ngày.

Sự việc được Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 30/2019/DS-ST, ngày 22 tháng 7 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; khoản 1 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm b, khoản 1 Điều 40; khoản 2,khoản 4 Điều 91; theo khoản 2 Điều 92, khoản 1 Điều 95; Điều 147; Điều 271, Điều 273, khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 351; Điều 357; Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Căn cứ vào Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Điều 29 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Căn cứ vào điểm đ, khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/QH14, 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần văn V.

Buộc bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P bồi thường tiền bảo hiểm cho ông Trần Văn V số tiền là 1.325.020.824 đồng.

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn V với số tiền là 31.547.633 đồng.

Khi bản án có hiệu lực pháp luật nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án mà bị đơn chậm trả số tiền nêu trên thì bị đơn còn phải trả lãi cho nguyên đơn theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án.

2. Về án phí: Bị đơn Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 51.750.625 đồng.

Nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được Hội đồng xét xử chấp nhận là 1.577.382 đồng. Tuy nhiên nguyên đơn ông Trần Văn V sinh năm 1950 là người cao tuổi và có đơn xin miễn tiền án phí nên nguyên đơn được miễn số tiền án phí nêu trên.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự theo luật định.

Ngày 30/7/2019 bị đơn Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm là bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn ông Trần Văn V. Với lý do: Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P cho rằng Toà án nhân dân thành phố Sóc Trăng xét xử không đúng với tinh thần của quy định đối với nghĩa vụ của người được bảo hiểm được ghi nhận tại Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật về bảo hiểm liên quan. Hội đồng xét xử không áp dụng quy định tại điểm 2 Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 về hợp đồng bảo hiểm để tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn do hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện Công ty Cổ phẩn bảo hiểm P không rút lại đơn kháng cáo, người đại diện hợp pháp cho nguyên đơn không rút lại đơn khởi kiện, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo, việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm. Đồng thời, phát biểu quan điểm về nội dung kháng cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của PC, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng, ý kiến phát biểu và đề nghị của những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về chủ thể, nội dung, hình thức đơn kháng cáo và thời hạn kháng cáo của bị đơn Tổng công ty Cổ phần P là đúng theo quy định tại Điều 271, Điều 272 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự nên kháng cáo hợp lệ và đúng theo luật định.

[2] Nội dung vụ án:

Ông Trần Văn V có mua bảo hiểm của Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng (trực thuộc Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P) cho tàu cá mang số hiệu ST-98479 TS. Ông V đã được Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng cấp giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số 50004244 ngày 21/6/2016 với tổng giá trị bảo hiểm cho thân tàu là 7.902.825.000 đồng. Ngày 05/02/2017 thì tàu cá của ông Trần Văn V xảy ra sự kiện bảo hiểm và ông V đã làm đầy đủ các thủ tục, hồ sơ cần thiết và thông báo cho Công ty bảo hiểm PC đúng theo trình tự mà bên Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng yêu cầu. Đến tháng 08/2018 ông V nhận được văn bản số 190/PJICO-ST-TB ngày 07/8/2018 của Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng thông báo về việc từ chối bồi thường cho tàu cá mang số hiệu ST-98479 TS của ông V với lý do ông V đã vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Ông V cho rằng lý do mà Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng đưa ra không phù hợp với pháp luật và xâm hại đến quyền lợi ích hợp pháp của ông nên hai bên đã xảy ra tranh chấp. Sự việc được Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông V, buộc Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P bồi thường tiền bảo hiểm cho ông Trần Văn V số tiền là 1.325.020.824 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm bị đơn Tổng công ty Cổ phần P kháng cáo đề nghị sửa bản án sơ thẩm là bác yêu cầu của ông Trần Văn V.

[3] Xét kháng cáo của bị đơn Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P (PC):

Lý do PC kháng cáo: PC cho rằng phán quyết của Tòa án thành phố Sóc Trăng là thiếu khách quan, không đúng tinh thần của của các quy định đối với đối với nghĩa vụ của người được bảo hiểm được ghi nhận tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật về bảo hiểm liên quan. Cấp sơ thẩm không áp dụng khoản 2 Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 về hợp đồng bảo hiểm để tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn do hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời gian thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm dẫn đến gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của PC.

Xét thấy, tại Điều 23. Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm “…

2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;…” PC chỉ nêu có 1 vế là: “2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm” nhưng không nêu vế sau “trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;” Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số P-16/STR/KSA/2600/0040 có hiệu lực bảo hiểm từ 00h00 ngày 21/6/2016 đến 24h00 ngày 21/06/2017, sau khi Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng đã thu tiền hỗ trợ 90% của Nhà nước và thu 10% phí bảo hiểm của ông Trần Văn V ngày 31/10/2016 thì PC cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho ông V, xem như ông V đã đóng phí đầy đủ tiền bảo hiểm và PC chấp nhận thu số tiền trên mà không có ý kiến gì. Điều này xem như giữa ông V và PC có thỏa thuận khác.

Tại Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm quy định:

“6. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 15. Thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm

Trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường hợp sau đây:

1. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm;

2. Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm;

3. Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.” Như vậy, việc PC cho rằng cấp sơ thẩm đã không áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của PC là không có căn cứ.

Ngày 05/02/2017 xảy ra sự kiện bảo hiểm nằm trong hiệu lực của giấy chứng nhận bảo hiểm, tại thời điểm này thì ông V cũng đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm, đồng thời trách nhiệm bảo hiểm phát sinh từ thời điểm bắt đầu hiệu lực bảo hiểm được ghi trên giấy bảo hiểm, phù hợp với khoản 3 Điều 2 của Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ của Công ty và Điều 15 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Điều 29 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cho nên phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường tiền bảo hiểm là có căn cứ chấp nhận.

Về số tiền bảo hiểm, sau khi xảy ra tai nạn thì phía nguyên đơn đã sữa chữa tàu và đã cung cấp hóa đơn, chứng từ cho phía bị đơn trên giá trị thực tế với số tiền là 1.163.437.777 đồng, tuy nhiên theo giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số P-16/STR/KSA/2600/0040 ngày 21/06/2017 thì mức khấu trừ là 2% số tiền bồi thường mỗi vụ tổn thất nên sau khi khấu trừ, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm chấp nhận số tiền bồi thường là 1.140.169.021 đồng là có căn cứ.

Đi với việc nguyên đơn yêu cầu tính lãi với lãi suất 0,83%/tháng trên số tiền bồi thường từ ngày 16/10/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm tính tròn là 20 tháng với số tiền là 193.130.680 đồng. Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng điều 10 của Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ của Công ty và Điều 29 của Luật kinh doanh bảo hiểm thì thời hạn phía bị đơn bồi thường là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Theo giấy yêu cầu bồi thường chi trả tiền bảo hiểm ngày 09/10/2017 của ông Trần Văn V và tờ trình ngày 11/10/2017 của Công ty bảo hiểm PC Sóc Trăng xác định ngày nhận được hồ sơ hợp lệ là ngày 11/10/2017. Tuy nhiên phía bị đơn từ chối bồi thường nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lãi từ ngày 02/11/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 18/7/2019) tính là 19 tháng 16 ngày với mức lãi suất 0,83%/tháng là phù hợp với Điều 351; Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 nên được Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận và tiền lãi được tính như sau: 1.140.169.021 đồng x 0,83%/tháng x 19 tháng 16 ngày = 184.851.803 đồng là có căn cứ.

Cấp sơ thẩm chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền là 1.325.020.824 đồng là có căn cứ.

[4] Lời đề nghị của vị Kiểm sát viên và trình bày của người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ chấp nhận.

[5] Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 và khoản 6 Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự. Áp dụng khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P (PC).

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 30/2019/DS-ST, ngày 22 tháng 7 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng như sau:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26; khoản 1 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 35;

điểm b, khoản 1 Điều 40; khoản 2,khoản 4 Điều 91; theo khoản 2 Điều 92, khoản 1 Điều 95; Điều 147; Điều 271, Điều 273, khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 351; Điều 357; Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Căn cứ vào Điều 15 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Điều 29 của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Căn cứ vào điểm đ, khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 nghị quyết số 326/2016/QH14, 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn V. Buộc bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P bồi thường tiền bảo hiểm cho ông Trần Văn V số tiền là 1.325.020.824 đồng (một tỷ, ba trăm hai mươi lăm triệu, không trăm hai mươi ngàn, tám trăm hai mươi bốn đồng) Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn V với số tiền là 31.547.633 đồng (ba mươi mốt triệu, năm trăm bốn mươi bảy ngàn, sáu trăm ba mươi ba đồng).

Khi bản án có hiệu lực pháp luật nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án mà bị đơn chậm trả số tiền nêu trên thì bị đơn còn phải trả lãi cho nguyên đơn theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án.

Về án phí: Bị đơn Tổng công ty cổ phần bảo hiểm P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 51.750.625 đồng (năm mươi mốt triệu, bảy trăm năm mươi ngàn, sáu trăm hai mươi lăm đồng).

Nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được Hội đồng xét xử chấp nhận là 1.577.382 đồng (một triệu, năm trăm bảy mươi bảy ngàn, ba trăm tám mươi hai đồng). Tuy nhiên nguyên đơn ông Trần Văn V sinh năm 1950 là người cao tuổi và có đơn xin miễn tiền án phí nên nguyên đơn được miễn số tiền án phí nêu trên.

2. Án phí phúc thẩm: Bị đơn Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P phải chịu 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng), được khấu trừ tiền tạm ứng theo biên lai thu tiền số 0007694 ngày 31/7/2019 của Chi Cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm P đã thực hiện xong.

Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải Thi hành án có quyền thỏa thuận Thi hành án, quyền yêu cầu Thi hành án, tự nguyện Thi hành án hoặc bị cưỡng chế Thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu Thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

590
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 126/2019/DS-PT ngày 16/10/2019 về tranh chấp bồi thường tiền bảo hiểm

Số hiệu:126/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về