Bản án 128/2019/DS-PT ngày 26/04/2019 về tranh chấp quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản doanh nghiệp tư nhân

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 128/2019/DS-PT NGÀY 26/04/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU VÀ CÁC QUYỀN KHÁC ĐỐI VỚI TÀI SẢN DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Ngày 26 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 279/2018/TLPT-DS ngày 07 tháng 12 năm 2018 về việc “Tranh chấp quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản doanh nghiệp tư nhân”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 23/2018/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Năm Căn bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 66/2019/QĐPT-DS ngày 18 tháng 02 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông A, sinh năm 1966. Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của ông A: Bà Th, sinh năm 1965. Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 31/01/2018).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư M và Luật sư T - Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp.

- Bị đơn: Ông D, sinh năm 1952.

Nơi cư trú: huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Hu, sinh năm 1985.

Nơi cư trú: quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ là người đại diện theo ủy quyền

(Giấy ủy quyền ngày 08/3/2017).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Cụ K, sinh năm 1931.

Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

+ Ông S, sinh năm 1971.

Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

+ Bà M, sinh năm 1966.

Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

+ Ông L, sinh năm 1975.

Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; Chổ ở hiện nay: Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của ông L: Ông Hu, sinh năm 1985. Nơi cư trú: quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 08/3/2017).

+ Ông H, sinh năm 1961.

Nơi cư trú: huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của ông H: Ông Th, sinh năm 1977. Nơi cư trú: quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 10/01/2018).

+ Bà T, sinh năm 1968 (chết ngày 27/2/2018).

Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà T: Ông H (chồng bà T); cụ K (mẹ bà T); Ha, sinh năm 1989 và Du, sinh năm 1993 (con bà T, hiện cư trú: huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau).

+ Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn

Trụ sở: Khóm 1, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau

Trụ sở: Số 93 Lý Thường Kiệt, phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau

Người kháng cáo: Ông D là bị đơn trong vụ án; ông H, ông Nguyễn Hiền Lương là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Ông A, bà Th, ông M, ông T, ông Hu, ông Th có mặt; cụ K, bà M, ông S, chị Ha, anh Du, ông D, ông L, ông H, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Năm Căn, đại diện Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Đơn khởi kiện và lời trình bày của ông A: Năm 1999 ông chuyển nhượng của bà Ng 480m2 đất tại ấp Xẻo Thùng (nay là khóm 5), thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau và mua máy sản xuất nước đá cũ về xây dựng nhà máy sản xuất nước đá, đăng ký tên “Doanh nghiệp tư nhân V”. Thời điểm đó ông là Việt Kiều Úc nên không được phép đứng tên chủ Doanh nghiệp, do đó ông nhờ ông D (anh ruột thứ 2) đứng tên chủ Doanh nghiệp. Nhà máy hoạt động được vài tháng ông trở lại Úc nên ông thuê vợ chồng H (ông H và bà T, bà T là em ruột ông A) quản lý với hình thức: Vợ chồng ông H hưởng 20% lợi nhuận, còn lại 80% lợi nhuận giao cho cụ Q và cụ K (cha mẹ ông A). Năm 2003, ông H báo (điện thoại) cho ông biết là mua thêm phần đất của bà Y cặp ranh với phần đất của hãng nước đá, nguồn tiền mua lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp, ông đồng ý. Quá trình sử dụng có lấn thêm phần đất bãi bồi, ven sông nên diện tích hiện nay lên đến 827,7m2.

Cụ Q chết ngày 26/9/2008, từ đó trở đi phần lợi nhuận 80% ông L quản lý. Năm 2014, hồi hương về Việt Nam ông yêu cầu giao lại hãng nước đá, ông D, ông L và vợ chồng ông H không trả. Ông yêu cầu đến chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết. Đầu năm 2016, ông D đồng ý trả lại nhưng ông L và vợ chồng ông H không chịu giao. Ông có đơn yêu cầu đến Công an tố cáo ông L và vợ chồng ông H có hành vi chiếm đoạt tài sản của ông. Qua xác minh, Công an trả lời chỉ là tranh chấp dân sự. Nay ông khởi kiện yêu cầu ông D, ông L và vợ chồng ông H giao trả lại 480m2 đất và toàn bộ tài sản là nhà máy nước đá trên phần đất 480m2. (BL: 27 - 28, 35 - 35a, 150 - 152, 155, 283 - 284, 346 - 351).

* Ông D trình bày: Năm 1999 ông A tiến hành xây dựng hãng nước đá và đăng ký tên Doanh nghiệp tư nhân V. Ông là người đứng tên chủ Doanh nghiệp, ông chỉ đứng tên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứ tài sản Doanh nghiệp không phải của ông. Ông không tham gia quản lý cũng như không tham gia vào hoạt động sản xuất, thu, chi tài chính của hãng nước đá. Đến năm 2014, ông không còn đứng tên chủ Doanh nghiệp mà chuyển qua cho ông L đứng tên vì ông nghe nói ông A đã chuyển nhượng cho ông L (BL: 56-57).

* Ông L trình bày: Năm 1999 cụ Q xuất tiền ra mua phần đất của bà Ng với diện tích 376m2 để xây dựng hãng nước đá và đăng ký tên Doanh nghiệp tư nhân V do ông D đứng tên chủ Doanh nghiệp. Năm 2003, tiếp tục mua thêm phần đất của bà Y cặp ranh với phần diện tích hiện có của hãng nước đá. Nguồn tiền mua đất lần này do tiền cá nhân ông chi xuất. Toàn bộ các tài sản của hãng nước đá hiện nay chỉ còn lại 01 võ lốc máy lạnh và một võ máy lạnh là tài sản nguyên thủy lúc mới xây dựng hãng nước đá, còn lại các tài sản khác đã được sửa chữa, thay mới trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn tiền sửa chữa, thay mới là tiền của ông chi xuất. Nay ông yêu cầu bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông A và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp 2000313567 đăng ký lần đầu ngày 24/12/1999, đăng ký thay đổi lần thứ tư ngày 01/11/2016, tên doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân V, chủ doanh nghiệp A.

* Ông H trình bày: Năm 1999, tiến hành xây dựng hãng nước đá, cụ Q và cụ K giao vợ chồng ông quản lý. Nhiệm vụ của ông là trông coi, quản lý về kỹ thuật còn tài chính do vợ ông quan lý. Khi giao hãng nước đá cụ Q và cụ K có hứa sau này sẽ cho vợ chồng ông một ngôi nhà. Vợ ông quản lý tài chính đến năm 2018 vợ ông chết nên ông L quản lý tài chính. Đối với tài sản của hàng nước đá vợ chồng ông không có chi xuất tiền ra mua. Hiện nay hãng nước đá ông L giao cho ông quản lý (giao từ năm 2014); nếu giao hãng nước đá lại ông L thì ông sẽ thỏa thuận với ông L về quyền lợi của ông trong suốt quá trình quản lý hàng nước đá thời gian đã qua; còn phải giao hãng nước đá cho người khác thì ông yêu cầu người nhận hãng nước đá phải thực hiện cho ông một ngôi nhà như lời hứa của cụ Q.

* Ông S trình bày: Tài sản của hãng nước đá hiện nay ông có đầu tư hệ thống nước lọc “RO” gồm hồ chứa: 70.000.000 đồng, dàn máy lọc 120.000.000 đồng, nhà bao che thiết bị lọc 70.000.000 đồng, tổng số tiền đã đầu tư vào nhà máy 260.000.000 đồng. Hiện nay ông không đặt ra yêu cầu gì đối với số tiền ông đã đầu tư vào hãng nước đá (BL: 195 – 196, 222, 330 – 334).

* Cụ K trình bày: Cụ không liên quan gì đến tài sản tranh chấp, tài sản trên đất là của L (BL: 202).

* Ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau: Tất cả những Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Phòng Đăng ký kinh doanh cấp (cấp lần đầu và cấp lại lần thứ tư) đều hợp lệ, đúng trình tự quy định. Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứ không xác lập quyền sở hữu đối với tài sản.

Bán án sơ thẩm số 23/2018/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Năm Căn quyết định:

Căn cứ vào các Điều 100, 203 của Luật đất đai; Điều 221 của Bộ luật dân sự; Điều 27, điểm a khoản 1 Điều 211 Luật doanh nghiệp; Điều 14, Điều 62 của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Điều 147, điểm g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 12, 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Quyền sử dụng đối với 480m2 đất thuộc quyền sử dụng, định đoạt của ông A và toàn bộ tài sản trên 480m2 đất thuộc quyền sở hữu của ông A.

Buộc ông D và ông L có trách nhiệm giao trả cho ông A 480m2 đất và tài sản gắn liền với 480m2 đất. (Vị trí đất được thể hiện tại Mảnh trích đo địa chính số 417 ngày 10/8/2017 và số 417 ngày 01/11/2018).

Tài sản có trên 480m2 đất, gồm: Nhà ở chính; Xưởng sản xuất nước đá cây: Trong nhà xưởng có hai bầu tách lỏng, hai bầu tách nhớt, hai bơm nước giải nhiệt, hai bơm nước trong khuôn, một giàn cẩu đá, 1122 cái khuôn đá bằng Inox, một hầm đá, một bơm thổi và một mô tơ 15 KVA; Trạm biến áp 400 KVA; Nhà máy điện: Trong nhà máy điện có hai máy nén, hai động cơ lớn kéo máy nén; một hồ nước (là một giàn nóng); một mái che bồn lạnh: Trong mái che có để một bầu ngưng + một giàn lạnh; Cây trồng có trên đất (gồm cây cau, cây mận, cây me).

- Đình chỉ đối với yêu cầu độc lập của ông L về việc hủy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp 2000313567 đăng ký lần đầu ngày 24/12/1999, đăng ký thay đổi lần thứ tư ngày 01/11/2016, tên doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân V, chủ doanh nghiệp A. Ông L có quyền yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau giải quyết về việc cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Chi phí thẩm định, định giá tài sản: 2.000.000 đồng, ông A đồng ý nộp.

- Án phí dân sự có giá ngạch 34.330.000 đồng Ông D và ông L liên đới chịu; do ông D là người cao tuổi nên miễn án phí cho ông D, còn lại ông L phải chịu 17.165.000 đồng.

Ngày  20/11/2018 ông  L  nộp  đơn  kháng  cáo  (Đơn  kháng  cáo  đề  ngày 19/11/2018), ngày 21/11/2018 ông D nộp đơn kháng cáo (Đơn kháng cáo đề ngày 19/11/2018), ngày 21/11/2018 ông H nộp đơn kháng cáo (Đơn kháng cáo đề ngày 20/11/2018) ông L, ông D, ông H yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng, sai về nội dung, không khách quan, không đúng bản chất của vụ án, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Tại phiên tòa, qua tranh luận người đại diện cho ông D và ông L cũng như người đại diện cho ông H thay đổi yêu cầu kháng cáo đó là yêu cầu hủy án sơ thẩm với lý do: Án sơ thẩm cho rằng tranh chấp quyền sử dụng đất nhưng lại không được hòa giải tại Ủy ban thị trấn nơi có đất tranh chấp; không có văn bản hỏi ý kiến Ủy ban về việc ai là người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Án sơ thẩm xác định trước khi xảy ra tranh chấp là đất thuộc của ông D và trong Sổ mục kê đều là tên ông D nhưng không đưa vợ con ông D tham gia tố tụng. Án sơ thẩm xác định ông D là bị đơn nhưng lại buộc ông L cùng có nghĩa vụ giao tài sản là không phù hợp. Tài sản hiện nay đã thuộc Doanh nghiệp tư nhân M nhưng không đưa chủ Doanh nghiệp tư nhân M tham gia là thiếu. Tài sản hiện nay ông H cũng là người đang quản lý nhưng không buộc ông H giao tài sản là không thi hành án được. Buộc bị đơn giao 480m2  đất nhưng trong đó có đất ở và đất kinh doanh như vậy bao nhiêu đất ở, bao nhiêu đất kinh doanh không được tuyên rỏ ràng.

Nguyên đơn đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm với lý do: Tài sản được hình thành từ nguồn tiền của ông A đầu tư, chính ông D thừa nhận và nhiều nhân chứng đã làm chứng. Khi thành lập ông S là người quản lý, sau đó mới chuyển giao ông L quản lý. Còn việc ông D chuyển toàn bộ tài sản cho ông L là việc chuyển giao không đúng quy định của pháp luật. Không cần thiết phải đưa vợ con ông D vào tham gia vì chính ông D thừa nhận không phải tài sản của ông đồng thời đất chưa cấp quyền sử dụng đất cho ông D hoặc hộ ông D. Ông H là người làm công thì người đang thuê có nghĩa vụ đối với quyền và lợi ích của ông H.

Ý kiến của Kiểm sát viên: Về trình tự thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử, đương sự đã tuân thủ và thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử: Hủy án sơ thẩm giao về cấp sơ thẩm điều tra, xác minh thu thập chứng cứ để giải quyết lại vì có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng và thu thập chứng cứ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thay đổi yêu cầu kháng cáo: Tại phần tranh luận người đại diện hợp pháp cho ông D, ông L, ông H yêu cầu hủy án sơ thẩm giao hồ sơ về Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại. Thấy rằng, đây là thay đổi yêu cầu chứ không phải bổ sung yêu cầu kháng cáo mới và việc thay đổi yêu cầu này không vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu, nên chấp nhận việc thay đổi yêu cầu kháng cáo của người kháng cáo.

[2] Xác định quan hệ pháp luật về tranh chấp: Ông A khởi kiện yêu cầu ông D và ông L giao trả lại tài sản gồm: 480m2 đất tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau và tài sản trên đất là hãng sản xuất nước đá. Tức là, yêu cầu giao trả lại Doanh nghiệp tư nhân V mà ông A cho rằng tài sản của Doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của ông. Tại phiên tòa người đại diện nguyên đơn xác định nguyên đơn khởi kiện yêu cầu xác định tài sản của Doanh nghiệp tư nhân V thuộc sở hữu của nguyên đơn và yêu cầu giao trả lại các tài sản đó cho nguyên đơn trực tiếp quản lý, sử dụng. Nguyên đơn yêu cầu giao trả lại các tài sản (hiện vật) chứ không đồng ý nhận lại giá trị thành tiền hoặc nhận lại tiền mà nguyên đơn đã đầu tư.

Ông L cho rằng, tài sản trên được hình thành từ nguồn tiền không chỉ riêng của ông A mà có nguồn tiền của ông. Quá trình sản xuất ông đã sửa chữa nhà ở, thay mới các thiết bị máy sản xuất nước đá bằng nguồn tiền của ông. Đồng thời ông A đã chuyển nhượng phần tài sản có của ông A lại cho ông, nên tài sản trên thuộc quyền sở hữu của ông. Còn ông D cho rằng, ông chỉ đứng tên trên giấy tờ chứ tài sản không phải của ông.

Như vậy, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được xác định là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và các quyền khác đối với tài sản Doanh nghiệp tư nhân, chứ không phải tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất như án sơ thẩm xác định.

[3] Xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự:

Tại Đơn khởi kiện ngày 14/02/2017 ghi rõ: Người bị kiện là ông L, vợ chồng ông H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ông A yêu cầu ông L và vợ chồng ông H giao trả lại hãng nước đá (BL: 27 – 28). Do đơn ghi chưa rỏ ràng về đặc điểm tài sản nên Tòa án yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung ngày 22/02/2017 ông A bổ sung về đặc điểm tài sản tranh chấp và thay đổi người bị kiện là vợ chồng ông H, còn ông L là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nội dung yêu cầu khởi kiện vẫn yêu cầu ông L và vợ chồng ông H có nghĩa vụ giao trả lại tài sản (BL: 35 – 35a) và Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện. Như vậy, căn cứ vào Đơn khởi kiện ngày 14/02/2017 thì ông L là người bị kiện, còn Đơn khởi kiện ngày 22/02/2017 thì vợ chồng ông H là người bị kiện.

Đến ngày 29/5/2017 ông A có đơn khởi kiện bổ sung, vẫn ghi người bị kiện là vợ chồng ông H, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông L và bổ sung thêm ông D là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nội dung Đơn ghi: Ngày 22/02/2017 ông nộp đơn khởi kiện yêu cầu ông H và bà T giao trả 480m2 đất và tài sản trên đất do ông H và bà T đang quản lý. Nay thay đổi yêu cầu khởi kiện là yêu cầu buộc ông D có trách nhiệm trả. Các nội dung còn lại đã trình bày trong đơn khởi kiện ngày 22/02/2017 vẫn giữ nguyên (BL: 155). Như vậy, Đơn khởi kiện ngày 29/5/2017 chỉ bổ sung thêm ông D là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án chứ không phải là người bị kiện.

Đến ngày 11/8/2017, tại phiên hòa giải có ông A, ông M (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông A) và ông Tr (người đại diện theo ủy quyền của ông H và bà T). Biên bản hòa giải lại ghi: Ngày 29/5/2017 ông A nộp đơn khởi kiện bổ sung là không yêu cầu ông H và bà T trả lại tài sản mà yêu cầu ông D trả. Song, biên bản ghi: Năm 2016, ông D đồng ý trả lại tài sản còn ông L, ông H và bà T không chịu trả; hiện nay tài sản ông H và bà T đang quản lý. Nay ông A yêu cầu ông D trả lại tài sản.

Thấy rằng, lời trình bày và yêu cầu của ông A tại phiên hòa giải lại mâu thuẫn với Đơn khởi kiện nhưng chưa được làm rõ để xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự. Đến ngày 10/11/2017 Tòa án căn cứ Đơn khởi kiện ngày 29/5/2017 ra Thông báo thay đổi địa vị tố tụng nhưng xác định ông D là bị đơn, ông L và vợ chồng ông H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và bản án đã xác định ông D là bị đơn còn ông L và vợ chồng ông H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Như vậy, nếu căn cứ vào việc xác định bị đơn theo Đơn khởi kiện ghi thì Đơn  khởi  kiện  ngày  14/02/2017  ghi  bị  đơn  là  ông  L;  đơn  khởi  kiện  ngày 22/02/2017 ghi bị đơn là vợ chồng ông H; Đơn khởi kiện ngày 29/5/2017 ghi bị đơn là vợ chồng ông H. Còn xác định bị đơn theo yêu cầu của nguyên đơn, tức là nguyên đơn yêu cầu đương sự nào phải có nghĩa vụ giao tài sản thì người đó là bị đơn thì tất cả các Đơn khởi kiện đều xác định ông L, ông D và vợ chồng ông H đều là bị đơn. Do đó cần làm rõ lại yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là kiện ai, yêu cầu ai phải có nghĩa vụ đối với yêu cầu của nguyên đơn. Đồng thời, tài sản tranh chấp hiện ông H là người đang trực tiếp quản lý thì ông H phải có nghĩa vụ gì đối với tài sản ông đang nắm giữ khi phải giao cho người khác hay không? Có như vậy mới xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự, nhưng sai sót này cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

[4] Do từ việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án chưa đúng dẫn đến phần quyết định có sai sót. Ông A, ông L và vợ chồng ông H đều xác định tài sản tranh chấp do vợ chồng ông H cùng ông L đang trực tiếp quản lý, sản xuất kinh doanh, đang trực tiếp nắm giữ. Chính ông A xác định: Năm 2014, ông A yêu cầu được nhận lại tài sản nhưng vợ chồng ông H và ông L không đồng ý trả. Năm 2016 ông A tố cáo đến cơ quan Công an về việc ông L và vợ chồng ông H cố tình chiếm đoạt tài sản nhưng vợ chồng ông H và ông L vẫn không giao trả. Thế nhưng, án sơ thẩm chỉ buộc ông L và ông D có nghĩa vụ giao trả mà không buộc vợ chồng ông H có nghĩa vụ cùng giao trả là chưa đầy đủ, có nhiều vướng mắc khó khăn trong việc thi hành bản án.

[5] Ông A cho rằng, việc vợ chồng ông H trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh nhà máy là do ông thuê, vợ chồng ông H hưởng 20% lợi nhuận, nhưng khi ông yêu cầu giao trả lại nhà máy thì vợ chồng ông H không đồng ý giao trả (BL: 27-28, 35, 283). Lời khai tại Cơ quan Điều tra ngày 23/11/2016 bà T cho rằng, vợ chồng bà được cụ Q và cụ K kêu về quản lý, kinh doanh nhưng không nói cụ thể trả tiền công như thế nào mà chỉ nói: Buôn bán được, mỗi năm cho vợ chồng bà 10 chỉ vàng 24k. Từ khi quản lý đến nay chưa trả tiền công cho vợ chồng bà. Nếu giao trả lại hãng nước đá thì chủ sở hữu phải trả lương cho vợ chồng bà từ khi quản lý nhà máy cho đến nay (BL: 110-111). Còn lời khai của ông H thì ông yêu cầu trả công bằng xây cất một ngôi nhà, còn người đại diện theo ủy quyền thì không yêu cầu gì về quyền lợi của vợ chồng ông H.

Như vậy, án sơ thẩm buộc giao trả tài sản cho ông A nhưng những yêu cầu của vợ chồng ông H có nhiều mâu thuẫn chưa được cấp sơ thẩm ghi lời khai để xác minh và giải quyết là chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do cấp sơ thẩm chưa xem xét nên không thể xem xét giải quyết được ở cấp phúc thẩm.

[6] Toàn bộ phần đất trong khuôn viên Doanh nghiệp tư nhân V theo đo đạc thực tế ngày 10/8/2017 và ngày 31/10/2018 có diện tích 827,8m2, ông A yêu cầu giao lại 480m2 và án sơ thẩm buộc ông D và ông L giao lại 480m2. Đối với phần đất còn lại 347,8m2 cấp sơ thẩm cho rằng đây là phần đất còn lại của hãng nước đá nhưng không xác định rõ là thuộc quyền sử dụng của ai. Ông A cho rằng phần đất đó do mua từ nguồn tiền lợi nhuận của doanh nghiệp, còn ông L cho rằng mua từ nguồn tiền cá nhân của ông. Song, cấp sơ thẩm cũng không xác minh làm rõ nguồn tiền mua 347,8m2 đất từ đâu, để xác định thuộc quyền sử dụng của ai. Nếu của ông A thì có phải giao cho ông A hay không phải giao. Nếu không giao thì giao cho ai tiếp tục quản lý, sử dụng phần đất này.

Mặc khác, nguyên đơn cho rằng ngoài phần đất chuyển nhượng thì có lấn chiếm thêm đất của Nhà nước nên mới có diện tích lên đến 827,8m2 nhưng cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ phần đất nào là phần chuyển nhượng của người khác, phần đất nào là phần lấn chiếm của Nhà nước.

Tờ bản đồ số 23 do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất – Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Năm Căn cung cấp thì diện tích đất trồng cây lâu năm 643,2m2 (BL: 04) nhưng tại Thông báo kết luận định giá thì diện tích đất sản xuất kinh doanh 627,8m2 chứ không phải là diện tích đất trồng cây lâu năm (BL: 363 – 364).

Mãnh trích đo địa chính số 417 ngày 31/10/2018 (BL:1102, 316, 317) trong 827,8m2  chỉ ghi gồm có đất trồng cây lâu năm và đất ở tại đô thị nhưng cấp sơ thẩm chưa xác minh, thẩm định vị trí từng loại đất. Đồng thời giao cho ông A 480m2 đất thì có bao nhiêu đất ở tại đô thị, bao nhiêu đất trồng cây lâu năm. Vấn đề này khó khăn cho việc thi hành bản án cũng như thực hiện việc cấp quyền sử dụng đất sau khi bản án được thi hành.

Hơn  nữa,  theo  Sơ  đồ  bản  vẽ  Mãnh  trích  đo  địa  chính  số  417  ngày 31/10/2018 (BL: 589) và Biên bản xem xét thẩm định tại chổ ngày 09/8/2017 (BL: 257) thể hiện: Toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất nước đá không chỉ có trên phần đất 480m2 mà còn có trên phần đất 347,8m2. Song biên bản thẩm định tại chỗ cũng như Sơ đồ bản vẽ Mãnh trích đo địa chính cũng không thể hiện đầy đủ số đo cụ thể các tài sản như nhà ở, nhà kho ở vị trí nào trên tổng thể 827,7m2. Chỉ có thể hiện được nhà ở chính, nhưng nhà ở chính lại có vị trí 2/3 ngôi nhà trên phần đất 480m2 (10,6m) còn lại 1/3 ngôi nhà (4,9m) có vị trí trên phần đất 347,8m2 nên có nhiều vướng mắc, khó thi hành bản án. Do đó, cần phải đo đạc, thẩm định cụ thể vị trí từng công trình kiến trúc trên đất.

[7] Vốn, tài sản và nghĩa vụ về tài sản: Ông A cho rằng toàn bộ tài sản trên hình thành từ nguồn tiền của ông và nguồn tiền từ lợi nhuận của hãng nước đá. Ông thừa nhận toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất nước đá hiện nay không còn là những thiết bị nguyên thủy ban đầu như khi mới thành lập mà đã có nhiều bộ phận thay thế, sửa đổi, bổ sung. Nhưng ông cho rằng chi phí cho việc thay thế bổ sung cũng từ nguồn tiền lợi nhuận của hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng nước đá. Còn ông L cho rằng, bằng nguồn tiền cá nhân của ông; đồng thời, ông đã chuyển nhượng lại hãng nước đá này của ông A. Ông A thừa nhận có nhận 800.000.000 đồng nhưng cho rằng đây là tiền lợi nhuận được phân chia của 06 hãng nước đá (BL: 217). Song cấp sơ thẩm chưa điều tra, xác minh về nguồn gốc và nội dung số tiền 800.000.000 đồng ông A đã nhận. Chưa điều tra xác minh làm rõ vốn đầu tư ban đầu của Doanh nghiệp tư nhân V là bao nhiêu, nguồn vốn đó duy nhất chỉ mình ông A chi xuất hay có nhiều người cùng chi xuất. Ông S cho rằng ông có đầu tư 260.000.000 đồng hệ thống nước lọc “RO”. Tại phiên tòa nguyên đơn cho rằng đây là nguồn tiền từ hoạt động lợi nhuận của các nhà máy nước đá khác chứ không phải tiền cá nhân ông S. Nhưng cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ nguồn tiền từ đâu, nếu nguồn tiền của ông S thì vì sao ông lại đầu tư vào, nếu nguồn tiền của 05 hãng nước đá khác thì những hàng nước đá đó ai là chủ doanh nghiệp, vì sao lại đầu tư vào hãng nước đá V.

Cấp sơ thẩm chưa điều tra xác minh về tình hình hoạt động tài chính của Doanh nghiệp từ khi thành lập cho đến khi xảy ra tranh chấp để xác định hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào, có tăng giảm tài sản, vốn hoạt động đầu tư kinh doanh hay không. Toàn bộ tài sản mà cấp sơ thẩm buộc giao cho ông A thì tài sản nào là tài sản hình thành từ nguồn tiền của ông A đầu tư ban đầu. Tài sản nào là tài sản hình thành từ nguồn tiền lợi nhuận, tài sản nào là tài sản hình thành từ nguồn của người khác. Đồng thời cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét đến khối tài sản hiện nay buộc phải giao cho ông A thì có hay không có công sức đóng góp của những người đã trực tiếp quản lý, hoạt động sản xuất doanh nghiệp trong thời gian qua, nếu có thì giải quyết vấn đề này như thế nào. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình trước mọi hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp. Cấp sơ thẩm chưa xác minh, làm rõ hiện nay Doanh nghiệp tư nhân V có nợ người khác hay người khác nợ lại không, nếu giao Doanh nghiệp cho ông A thì trách nhiệm trả nợ hoặc thu hồi nợ như thế nào, tất cả những vấn đề trên cấp sơ thẩm chưa xác minh để xem xét giải quyết nên không thể xem xét giải quyết được ở cấp phúc thẩm.

Từ những vi phạm trên, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên phải huỷ bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án về cho Toà án nhân dân huyện Năm Căn giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Do huỷ án sơ thẩm nên những yêu cầu kháng cáo của ông D, H, L cấp phúc thẩm không xem xét giải quyết.

[8] Án phí: Do huỷ án sơ thẩm nên ông L, ông D, ông H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310; khoản 3 Điều 148 – Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 3 Điều 29 - Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Toà án.

Tuyên xử:

- Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 23/2018/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm2018 của Tòa án nhân dân huyện Năm Căn; chuyển hồ sơ vụ án về cho Toà án nhân dân huyện Năm Căn giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Ông L, ông D, ông H không phải chịu. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

842
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 128/2019/DS-PT ngày 26/04/2019 về tranh chấp quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản doanh nghiệp tư nhân

Số hiệu:128/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về