Bản án 131/2018/HS-PT ngày 11/12/2018 về tội chống người thi hành công vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 131/2018/HS-PT NGÀY 11/12/2018 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 11 tháng 12 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 129/2018/TLPT-HS ngày 18 tháng 10 năm 2018 đối với bị cáo Ngô Minh T1 do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 45/2018/HS-ST ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Cà Mau.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Ngô Minh T1, sinh năm 1964 tại C; tên gọi khác: T (Hiệp sỹ mù); nơi cư trú: Khóm 1, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau; nghề nghiệp: Không; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Ngô Minh O (Ngô Văn O) và bà Nguyễn Thị H; vợ: Cao Tuyết L; con: 03 người; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: Năm 2008 bị Tòa án nhân dân huyện C xử phạt 04 tháng tù về tội đánh bạc, chấp hành xong, đã được xóa án tích; khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú: Ngày 04/12/2017; bị cáo tại ngoại có mặt.

- Bị cáo không kháng cáo và không bị kháng cáo, không bị kháng nghị (Tòa án không triệu tập):

1. Ngô Thanh N1, sinh năm 1966.

2. Ngô Thanh T2, sinh năm 1976.

3. Trương Hồng N2, sinh năm 1987.

4. Ngô Ngọc T3, sinh năm 1984.

5. Dương Bích H, sinh năm 1978.

6. Bùi Thị Như Q, sinh năm 1994.

Tất cả cùng trú: Khóm 1, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau.

- Những người tham gia tố tụng khác không có kháng cáo hoặc liên quan đến kháng cáo:

- Nguyên đơn dân sự:

1. Ông Trần Văn N3, sinh năm 1968; cư trú tại: Ấp M, xã Trần T, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt). 

2. Anh Lê Văn T4, sinh năm 1995; cư trú tại: Ấp C, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

3. Anh Lê Thanh Đ1, sinh năm 1993; cư trú tại: Ấp Giá N, xã Đông H, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

4. Ông Nguyễn Thanh P, sinh năm 1974; cư trú tại: Ấp Đồng T, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

5. Anh Nguyễn Văn Đ2, sinh năm 1987; cư trú tại: Ấp Hữu T, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

6. Ông Trương Minh C, sinh năm 1980; cư trú tại: Khóm 2, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

7. Ông Quách Văn N4, sinh năm 1983; cư trú tại: Ấp Ngọc H, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

8. Anh Nguyễn Phi H, sinh năm 1997; cư trú tại: Ấp Ngọc H, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

9. Ông Nguyễn Văn T5, sinh năm 1981; cư trú tại: Ấp Ngọc T, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

10. Ông Lê Văn R, sinh năm 1982; cư trú tại: Ấp Đồng T, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Ông Ngô Minh O, sinh năm 1931; cư trú tại: Khóm 1, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (có mặt).

2. Ông Ngô Quốc T6, sinh năm 1977; cư trú tại: Khóm 1, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (có mặt).

3. Ông Huỳnh Trúc L1, sinh năm 1988; cư trú tại: Khóm 1, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (vắng mặt).

4. Ông Huỳnh Vũ L2, sinh năm 1994; cư trú tại: Khóm 1, thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 19/10/2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau ban hành quyết định số 205/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ bảo vệ thi công công trình nâng cấp chợ C giai đoạn 3 tại khóm 1, thị trấn C, huyện C. Tổ bảo vệ gồm 38 đồng chí cán bộ liên ngành do ông Nguyễn Hoàng S - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn C làm Tổ trưởng. Tổ bảo vệ thi công có xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Khoảng 15 giờ ngày 14/11/2017, Tổ bảo vệ đến khu vực bảo vệ công bố việc thực hiện bảo vệ thi công công trình chợ, cấm biển báo khu vực xây dựng công trình, giăng dây khoanh khu vực thi công để mọi người biết. Đồng thời phát loa tuyên truyền yêu cầu những người không có nhiệm vụ ra khỏi khu vực thi công. Khi giăng dây khoanh khu vực thì Ngô Thanh N1 dùng kéo cắt dây của công trình, không cho công nhân kéo dây. Gia đình ông Ngô Minh O gồm: Ông O, Ngô Đức H, Ngô Minh T1, Ngô Thanh N1, Ngô Thanh T2, Trương Hồng N2, Ngô Ngọc T3, Dương Bích H, Bùi Thị Như Q, Huỳnh Trúc L1, Huỳnh Vũ L2, Ngô Quốc T6, Ngô Kiều A và Nguyễn Thúy G vào bên trong khu vực công trình có hành vi la hét, kích động, xúi giục, cản trở, chống đối không cho lực lượng làm nhiệm vụ thực thi công vụ, không cho công trình thi công.

Để thực thi nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ tiếp tục giải thích, đề nghị những người không có trách nhiệm rời khỏi khu vực bảo vệ thi công. Những người nêu trên không chấp hành, tiếp tục có những hành động la hét, xô đẩy lực lượng làm nhiệm vụ, ném đá vào lực lượng thi công công trình. Cụ thể:

Lúc Lê Văn R tài xế xáng cuốc nổ máy để đào hố đóng cừ tràm thì Ngô Thanh T2 đi đến hai tay cầm 02 cục đá hâm dọa "ĐM. mày tắt máy không, nếu không tao chọi mày". Anh R sợ tắt máy xáng cuốc. T2 bỏ hai cục đá xuống, đi ra bên ngoài nhặt đá gom lại mục đích dọa không cho công trình thi công.

Khi Trần Văn N3 và Lê Văn T4 cậm cây tràm làm cọc để đóng tôn làm vách hàng rào thì T2 cùng với Ngô Thanh N1, Trương Hồng N2 nhặt đá bê tông cầm trên hai tay đe dọa không được cậm cây làm hàng rào. Anh N3 và anh T4 tiếp tục cậm cây bị N1 ném 02 cục đá trúng vào tay trái của anh N3 và anh T4.

Ngô Minh T1 ở trong khu vực công trình đang thi công có hành vi la hét, xúi giục, kích động bằng lời lẽ lớn tiếng như "chính quyền xây dựng chợ không có quyết định, làm xong mai mốt có gì đổ thừa cho xe ôm chỉ đạo; công an làm thay công trình, kết hợp với thầu xây dựng chiếm đất của dân”. Khi lực lượng thi công công trình cậm cây tràm làm hàng rào thì T1 nói lấy cây và đá chọi chết mẹ nó, quất nó cho tao; còn xúi giục người nhà của ông Tuyến đặc biệt là phụ nữ kêu nằm dưới ngay chỗ cấm hàng rào không cho lực lượng thi công làm việc. Sau đó N1, T2 và N2 nhảy vào ôm, nhổ cọc tràm không cho công nhân đóng tôn làm rào.

Lúc này lực lượng bảo vệ gồm Trương Minh C, Quách Văn N4, Lương Pha G cùng với Nguyễn Văn T5, Lê Thành Đ, Lê Duy T và nhiều người khác trong Tổ bảo vệ bắt N1 để áp giải đưa ra ngoài khu vực công trình đang thi công. Ngô Ngọc T3 chạy vào bên trong khu vực công trình xô đẩy lực lượng bảo vệ không cho bắt N1. T3 bị ngã xuống đất, T3 nhặt được cục đá bê tông trên tay phải giơ lên hâm dọa, yêu cầu lực lượng bảo vệ buông N1 ra nếu không sẽ dùng đá chọi lực lượng. T3 bị lực lượng bảo vệ khống chế bắt đưa về Công an thị trấn C.

Công nhân công trình tiếp tục dựng tôn để đóng vào cọc tràm làm hàng rào thì Ngô Thanh T2, Trương Hồng N2, Ngô Thanh N1, Dương Bích H, Ngô Kiều A, Nguyễn Thúy G và Huỳnh Trúc L1 đứng lên trên những tấm tôn không cho công nhân dựng tôn. T2 và Vũ L2 tiếp tục quay sang xô đẩy Nguyễn Phi H là công nhân ra ngoài. Quách Văn N4 và Trương Minh C cùng lực lượng bảo vệ hành khống chế bắt giữ Huỳnh Vũ L2, bị N1, N2, H, Trúc L1, T6, G, Kiều A và T2 xô đẩy, kéo áo lực lượng bảo vệ không cho bắt Vũ L2. Trong đó:

Dương Bích H xô đẩy Nguyễn Văn T5 và Lê Thanh Đ té ngã. N2 xô đẩy Lê Duy T; nắm áo Trương Minh C, Quách Văn N4 và Lê Thanh Đ kéo ra ngoài không cho bắt Vũ L2. N1giật lấy còng số 8 của C, xô đẩy lực lượng không cho bắt Vũ L2. Q xô đẩy lực lượng bảo vệ không cho bắt Vũ L2 và bắt N2, giật lấy còng số 8 của C, đánh C và T5. T1 la lối lớn tiếng nói “Công an bắt người sai pháp luật, lệnh bắt người đâu” la rất nhiều lần.

Những người khác gồm T6, Trúc L1, Kiều A và G chen lấn, xô đẩy không cho lực lượng bắt người thân của những người này. Khi lực lượng bắt được N2 đưa về trụ sở Công an thị trấn C, tình hình cản trở công nhân thi công công trình và chống đối lực lượng bảo vệ công trình của gia đình của ông Ngô Minh O mới chấm dứt.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 45/2018/HS-ST ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Cà Mau quyết định:

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 257, điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự 1999; xử phạt bị cáo Ngô Minh T1 01 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Áp dụng khoản 1 Điều 257; điểm h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015;

Xử phạt các bị cáo: Ngô Thanh N1, Ngô Thanh T2, Dương Bích H 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ”; thời gian thử thách 01 năm 06 tháng tính từ ngày tuyên án 10/9/2018.

Xử phạt các bị cáo Trương Hồng N2, Ngô Ngọc T3 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ”; thời gian thử thách 01 năm tính từ ngày tuyên án 10/9/2018.

Áp dụng khoản 1 Điều 257, điểm h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999; Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Bùi Thị Như Q 09 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Chống người thi hành công vụ”; thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày tuyên án 10/9/2018. Miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo Q.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên giao các bị cáo bị được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ cho chính quyền địa phương nơi cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án; xử lý vật chứng; án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 15 tháng 9 năm 2018, bị cáo Ngô Minh T1 có đơn kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T1 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo kêu oan cho rằng bị cáo không phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự; không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Ngô Minh T1; giữ nguyên bản án sơ thẩm số 45/2018/HS-ST ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Cà Mau. Điều chỉnh lại cách tuyên xử phạt đối với các bị cáo không có kháng cáo trong vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Ngô Minh T1 thừa nhận: Khoảng 15 giờ ngày 14/11/2017, Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện C đưa lực lượng đến tổ chức thi công công trình chợ C thuộc khu vực đất của gia đình bị cáo. Do đất bị giải tỏa, chưa bồi thường thỏa đáng nên nhiều người trong gia đình bị cáo có ngăn cản không đồng ý cho thi công công trình. Bị cáo có mặt tại khu vực thi công chợ, có lớn tiếng, không đồng ý cho thi công. Khi Công an bắt người thân trong gia đình bị cáo, bị cáo có hỏi bắt người lệnh đâu; có nói Công an làm thay công trình, kết hợp nhà thầu chiếm đất của dân. Bị cáo thừa nhận do bức xúc quyền lợi của gia đình, của bản thân chưa được đáp ứng nên có lớn tiếng ngăn cản thi công chứ không có hành động chống đối, không xúi giục, kích động người khác chống đối lại lực lượng thi hành công vụ. Từ đó, bị cáo cho rằng không phạm tội, án sơ thẩm xử bị cáo 01 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” theo điểm c khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự là oan đối với bị cáo.

 [2] Hội đồng xét xử xét thấy, việc giải tỏa đất của ông Ngô Minh O cha bị cáo T1 để xây dựng chợ là có và đã được quy hoạch thực hiện từ nhiều năm trước. Gia đình bị cáo chưa hài lòng về chế độ bồi thường, có đơn yêu cầu khiếu nại nhiều nơi và đã được nhiều cơ quan cấp có thẩm quyền giải quyết trả lời việc giải tỏa, bồi thường là đúng, nhưng gia đình vẫn tiếp tục yêu cầu. Việc thực hiện xây dựng, nâng cấp chợ C giai đoạn 3 là chủ trương của địa phương nhằm phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn trung tâm huyện.

Ngày 14/11/2017, Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện C tiến hành cử lực lượng tổ chức bảo vệ việc thi công công trình theo kế hoạch thực hiện Quyết định số 205/QĐ-UBND ngày 19/10/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn C. Việc thi công và bảo vệ thi công công trình chợ C đã được các cấp chính quyền địa phương thông báo cho gia đình bị cáo T1 và nhân dân được biết từ trước. Nhiều lần đại diện chính quyền tổ chức đối thoại vận động gia đình không được ngăn cản để thực hiện thi công xây chợ.

Tuy nhiên, khi thực hiện thi công gia đình bị cáo gồm nhiều người như: Ngô Minh T1, Ngô Đức H, Ngô Thanh N1, Ngô Thanh T2, Trương Hồng N2, Ngô Ngọc T3, Dương Bích H, Bùi Như H … có hành vi la lối chống đối, ngăn cản không cho thi công. Các bị cáo đã thực hiện hành vi cắt dây giăng, nhổ cọc rào, không cho dựng tol làm rào, dùng đá dọa và ném lực lượng làm nhiệm vụ thi công và bảo vệ thi công. Khi lực lượng bảo vệ thi công bắt giữ người chống đối thì các bị cáo ngăn cản, xô đẩy, giật còng, không cho bắt người.

Hành vi trên của các bị cáo Ngô Minh T1, Ngô Thanh N1, Ngô Thanh T2, Trương Hồng N2, Ngô Ngọc T3, Dương Bích H, Bùi Như H thể hiện rõ việc chống đối lực lượng làm nhiệm vụ trong quá trình thực hiện công vụ; xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cán bộ, cơ quan, chính quyền địa phương nên đã vi phạm pháp luật hình sự. Án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C xử phạt các bị cáo trong vụ án phạm tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật hình sự 1999 nay là Điều 330 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

 [3] Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo T1 thấy rằng, bị cáo không trực tiếp dùng hành động xô đẩy, chống đối ngăn cản lực lượng thi công và bảo vệ thi công tại hiện trường là thực tế. Nhưng bị cáo dùng lời lẽ lớn tiếng, thiếu tôn trọng lực lượng làm nhiệm vụ, với ý thức đồng tình cùng những người trong gia đình ngăn cản, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ ngày 14/11/2017 tại hiện trường khu vực thi công chợ C là có. Điều này được bị cáo thừa nhận tại Cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm phù hợp với chứng cứ có tại hồ sơ gồm: USB ghi lại hình ảnh, âm thanh và hành động tham gia của bị cáo; lời khai của bị cáo N1, T2, của Vũ L2, Trúc L1 và những người tham gia bảo vệ thi công có mặt tại hiện trường. Mặt dù bị cáo không dùng hành động chống trả trực tiếp nhưng lời nói của bị cáo như: “Chính quyền xây dựng chợ không có quyết định, làm xong mai mốt đổ thừa cho xe ôm chỉ đạo. Công an làm thay công trình, kết hợp với nhà thầu xây dựng chiếm đất của dân. Thấy thằng nào đóng thì quất nó cho tao. Công an tấn công phụ nữ và trẻ em. Giàu đâu rối, mầy livetream cho tao, ừ mầy live sát tao nè, nhứt là quay ngay lực lượng công án đó, Công an bắt người sai pháp luật, lệnh bắt người đâu …”. Thể hiện rõ thái độ không chấp hành, chống đối, ngăn cản người thi hành công vụ. Do đó, hành vi của bị cáo T1 đủ cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ”, án sơ thẩm xử phạt bị cáo phạm tội là không oan.

 [4] Tuy nhiên, xét hành vi của bị cáo T1 án sơ thẩm xử phạt 01 năm tù theo điểm c khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự 1999 với tình tiết định khung xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội là nghiêm khắc, chưa chính xác. Bởi lẽ, lời nói của bị cáo tuy có tạo ra sự hiểu lầm của người khác khi nghĩ rằng chính quyền làm sai, cũng như bị cáo ủng hộ hành vi chống đối của họ và việc họ chống đối chính quyền là đúng. Song chưa có cơ sở để xác định bị cáo có vai trò chính chủ mưu, cầm đầu, trong vụ án với tính chất chỉ đạo, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác chống đối. Vì vậy, hành vi phạm tội của bị cáo T1 chỉ phạm vào khoản 1 Điều 257 Bộ luật hình sự 1999 là phù hợp. Cần sửa án sơ thẩm về điều luật và hình phạt áp dụng đối với bị cáo.

 [5] Xét nhân thân bị cáo có bị xử phạt về tội “Đánh bạc” vào năm 2008 (đã được xóa án tích), việc phản đối giải tỏa, xây dựng chợ của bị cáo có tính lâu dài ở địa phương. Tại phiên tòa bị cáo cho rằng bị khiếm thị không thấy đường, nhưng hồ sơ chưa có tài liệu xác định bị cáo bị mù hòa toàn và theo hình ảnh ghi lại bị cáo có mặt đi lại, bình thường tại hiện trường khi phản đối với lực lượng làm nhiệm vụ. Do đó, việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc là hình phạt tù để bị cáo có điều kiện cải tạo là cấn thiết.

 [6] Ngoài ra, đối với các bị cáo N1, T2, H, N2, T3 tuy không có kháng cáo, không bị kháng nghị, nhưng xét cách thức án sơ thẩm tuyên hình phạt chung đối với cùng lúc nhiều bị cáo là chưa đúng quy định, cần sửa lại cách tuyên án riêng lẽ đối với từng bị cáo. Án sơ thẩm tuyên thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Q là chưa đúng nên cũng cần sửa lại cách tuyên cho đúng là cần thiết. Do tội danh và hình phạt Điều luật 257 Bộ luật hình sự 1999 và Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 quy định như nhau nên cần áp dụng thống nhất Bộ luật hình sự 2015 xử phạt đối với các bị cáo.

[3] Do sửa án sơ thẩm nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. [4] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm b, c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự;

1. Sửa bản án sơ thẩm số 45/2018/HS-ST ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Cà Mau.

Tuyên bố các bị cáo Ngô Minh T1, Ngô Thanh N1, Ngô Thanh T2, Dương Bích H, Trương Hồng N2, Ngô Ngọc T3, Bùi Thị Như Q phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

Áp dụng khoản 1 Điều 330, điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Ngô Minh T1 09 (chín) tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

Áp dụng khoản 1 Điều 330, điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự;

Phạt bị cáo Ngô Thanh N1 09 (chín) tháng tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo; thời gian thử thách 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 10/9/2018.

Phạt bị cáo Ngô Thanh T2 09 (chín) tháng tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo; thời gian thử thách 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 10/9/2018.

Phạt bị cáo Dương Bích H 09 (chín) tháng tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo; thời gian thử thách 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 10/9/2018.

Phạt bị cáo Trương Hồng N2 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo; thời gian thử thách 01 (một) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 10/9/2018.

Phạt bị cáo Ngô Ngọc T3 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo; thời gian thử thách 01 (một) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 10/9/2018.

Giao các bị cáo Ngô Thanh N1, Ngô Thanh T2, Dương Bích H, Trương Hồng N2, Ngô Ngọc T3 cho Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện C quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Áp dụng khoản 1 Điều 330, điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự;

Phạt bị cáo Bùi Thị Như Q 09 tháng cải tạo không giam giữ; thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Giao bị cáo Bùi Thị Như Q cho Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện C, tỉnh Cà Mau giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án.

2. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; bị cáo T1 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

352
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 131/2018/HS-PT ngày 11/12/2018 về tội chống người thi hành công vụ

Số hiệu:131/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/12/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về