Bản án 137/2018/DS-PT ngày 26/10/2018 về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất trồng rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 137/2018/DS-PT NGÀY 26/10/2018 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG RỪNG

Ngày 26 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk,xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số: 89/2018/TLPT-DS ngày25/7/2018, về việc “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất trồng rừng”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 08/6/2018 của Toà án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 143A/2018/QĐ-PT ngày 25/9/2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 162/2018/QĐ-PT ngày 19/10/2018,giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị X, sinh năm 1959; địa chỉ: Thôn H, xã K,huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1973 và bà Lê Thị Băng T, sinh năm 1981; địa chỉ: Buôn J, xã E, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Nguyễn Trí H, sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn H, xã K, huyện M, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Trí H: Bà Nguyễn Thị X; địa chỉ: Thôn H, xã K, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

3.2. Ban quản lý rừng phòng hộ N, huyện M; địa chỉ: xã C, huyện M, tỉnhĐắk Lắk, vắng mặt.

4. Người làm chứng:

4.1. Bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1951; địa chỉ: Thôn H, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa, vắng mặt.

4.2. Trần Thị Thúy H1, sinh năm 1985; địa chỉ: Thôn H, xã V, thành phố N, tỉnh Khánh Hòa, vắng mặt.

4.2. Bà Trần Thị H2, sinh năm 1958; địa chỉ: Tổ dân phố M, thị trấn M, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.

4.3. Ông Hoàng Giang L, sinh năm 1948; địa chỉ: Tổ dân phố M1, thị trấn M, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

4.4. Ông Nguyễn Thanh T1, sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn X, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.

4.5. Ông Nguyễn Tiến L1, sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn H, xã C, huyện M,tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.

4.6. Ông Nguyễn Viết C, sinh năm 1956; địa chỉ: Địa chỉ: Thôn H, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

4.7. Ông Nguyễn Công H2, sinh năm 1957; địa chỉ: Địa chỉ: Thôn H, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

5. Người kháng cáo: Bị đơn ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 28/6/2017 và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án nguyên đơn bà Nguyễn Thị X trình bày có nội dung như sau:

Năm 1996, bà Nguyễn Thị X được Ủy ban nhân dân xã C, huyện M và Ban quản lý chương trình 327 huyện M giao 10 ha đất trồng rừng tại lô 01, khu vực đèo MĐ, thuộc địa phận hành chính xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Việc giao đất và trồng rừng được thể hiện tại Biên bản làm việc, nghiệm thu thực hiện hợp đồng chương trình 327 ngày 27/11/1996 và danh sách trích ngang nghiệm thu, danh sách các hộ tham gia trồng rừng năm 1996. Sau khi được giao đất, bà X đã trồng cây keo trên diện tích đất được giao và chăm sóc, do điều kiện công việc bận không có thời gian chăm sóc, nên bà X giao cho chồng là ông Nguyễn Trí H quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng từ năm 1996 đến năm 2001. Tuy nhiên, vào năm 2001 ông H đã tự ý giao 10 ha đất rừng trên cho ông Trần Xuân L2 (là anh rể ông H) quản lý, chăm sóc và bảo vệ, với thoả thuận tiền chăm sóc cây trồng và bảo vệ rừng ông L2 được nhận, còn đất rừng vẫn thuộc quyền sở hữu của bà X. Năm 2009 ông L2 chết, thì bà Nguyễn Thị Cẩm N1 (là người chung sống với ông L2 như vợ chồng, sau khi ông L2 ly hôn với vợ là bà Nguyễn Thị K) quản lý diện tích đất rừng này, bà X đã yêu cầu bà N1 phải trả lại đất nhưng bà N1 không trả. Sau đó bà X đã làm đơn đến Ủy ban nhân dân xã C và Ban quản lý rừng phòng hộ N, là đơn vị tiếp nhận chương trình 327 của huyện M, nhưng không được giải quyết. Đến năm 2012, bà N1 đã chuyển nhượng tài sản nhà và đất của mình cho vợ chồng ông Nguyễn Văn N, bà Lê Thị Băng T và giao cả diện tích đất trồng rừng cho vợ chồng ông N. Bà X đã làm đơn báo với chính quyền địa phương về việc bà N1 chỉ được quyền chuyển nhượng tài sản của bà N1, còn đối với đất rừng thì bà N1 không được quyền chuyển nhượng, vì diện tích đất trồng rừng là của bà X được Nhà nước giao nhận khoán để trồng rừng, quản lý và chăm sóc.

Theo đơn khởi kiện bà X yêu cầu Tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông N, bà T phải trả lại 10 ha đất trồng rừng tại lô 01, khu vực đèo MĐ thuộc địa phận xã C, huyện M. Ngày 02/5/2018, bà X có đơn thay đổi nội dung khởi kiện, rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với diện tích 45.900m2, lý do tại thời điểm giao đất chỉ đo đạc bằng tay (đo thủ công), đất trồng rừng là một quả đồi có hình chóp nón, diện tích thể hiện trong danh sách là 100.000m2 (10ha) và nhiều hơn so với thực địa, qua đo đạc, định vị bằng máy thì diện tích đất rừng được giao được xác định là 54.100m2, tuy nhiên vị trí, ranh giới đất vẫn không thay đổi. Do đó, bà X chỉ yêu cầu vợ chồng ông N, bà T phải trả lại 54.100m2 diện tích đất trồng rừng theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 14/12/2017.

Tại bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng bị đơn ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T trình bày có nội dung như sau:

Vợ chồng ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T không đồng ý với yêu cầukhởi kiện của bà Nguyễn Thị X, vì toàn bộ diện tích đất rừng này do vợ chồng ôngN, bà T đã nhận chuyển nhượng hợp pháp của bà Nguyễn Thị Cẩm N1 từ năm2012 và không liên quan gì đến bà X. Trong quá trình quản lý, canh tác đất từ đó đến nay, vợ chồng ông N đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp với ai và đã hai lần khai thác cây keo trồng trên đất, có đóng thuế đầy đủ. Còn bà X có được bàn giao rừng trồng hay không thì vợ chồng ông N không biết và bà X không chứng minh được diện tích đất rừng mà vợ chồng ông N đang quản lý là của mình và cũng không biết vị trí đất ở đâu. Như vậy, bà X khởi kiện là không có căn cứ nên đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.

Đối với chứng cứ do bà X cung cấp cho Tòa án là Biên bản bàn giao diện tích rừng trồng năm 1997, được lập vào ngày 28/7/2001 giữa ông Nguyễn Trí H và ông Trần Xuân L2, thì đã bị ghi thêm nội dung “Chỉ được hưởng về rừng”, nên biên bản này không có giá trị. Đề nghị Tòa án làm rõ việc bà X là giáo viên thì có được Nhà nước giao đất hay không và ông H, là chồng bà X thì có quyền chuyển giao đất cho người khác hay không.

Quá trình tham gia tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Trí H và người đại diện theo ủy quyền trình bày có nội dung như sau:

Năm 1996, bà X được Nhà nước giao cho 10ha đất trồng rừng theo dự án trồng rừng 327 của Ủy ban nhân dân huyện M. Sau khi bà X nhận trồng rừng vì công việc bận rộn, không có thời gian chăm sóc nên đã giao cho ông H quản lý và chăm sóc thay. Đến năm 2001, ông L2 (anh rể ông H) không có việc làm và ông L2 có nhà ở giáp với đất trồng rừng của bà X, nên ông H đã nhờ ông L2 quản lý, chăm sóc. Ông H và ông L2 lập hợp đồng bàn giao đất rừng nhưng không thông báo cho bà X biết. Ông H chỉ giao quyền quản lý, chăm sóc và được hưởng lợi từ cây trồng, còn đất trồng rừng vẫn thuộc quyền quản lý của bà X, ông H là người ghi thêm vào hợp đồng nội dung “Chỉ được hưởng về rừng”, nhưng đã được sự nhất trí của ông L2. Việc bà N1 tự ý chuyển nhượng diện tích đất rừng cho vợ chồng ông N là không đúng, vì diện tích đất rừng bà X được Nhà nước giao quản lý, trồng rừng và chăm sóc, chỉ có bà X mới có quyền định đoạt.

Ý kiến của Ban quản lý rừng phòng hộ N theo nội dung Công văn số 04/CV-BQL ngày 16/11/2017 như sau:

Về trình tự thủ tục giao đất trồng rừng của Chương trình 327 trước đây là giao cho người dân để nhận giao khoán trồng rừng theo chương trình của Nhà nước. Ban quản lý rừng phòng hộ N được thành lập trên cơ sở chuyển giao từ Ban quản lý dự án trồng rừng huyện M và Ban quản lý dự án trồng rừng huyện M tiếp nhận bàn giao từ Ban quản lý dự án 327 của huyện M. Về hồ sơ giao đất trồng rừng theo Chương trình 327, khi Ban quản lý dự án trồng rừng của huyện M tiếp nhận thì số lượng hồ sơ không đầy đủ, không tìm thấy hồ sơ giao đất trồng rừng cho bà Nguyễn Thị X.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 33/2017/DS-ST ngày 08/6/2018 của Toà ánnhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Căn cứ khoản 9 Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 85, Điều 147, Điều 177, Điều 227, Điều 228, Điều 244, Điều 266 và Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự; Áp dụng Điều 6, Điều 12, Điều 170, Điều 202 và Điều 203 Luật đất đai; Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử: 1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

- Bà Nguyễn Thị X tiếp tục được quyền sử dụng diện tích đất đã được dự án trồng rừng Ủy ban nhân dân huyện M giao năm 1996 và hưởng lợi từ cây trồng trên đất. Buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn N, bà Lê Thị Băng T phải trả cho bà X54.100m2 đất tại lô số 19, 24, 25, 26 khoảnh 2 tiểu khu 781, thuộc địa bàn xã C,huyện M. Đất trồng rừng, thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ N, huyện M. Có vị trí: Phía Đông giáp khe suối, đất vườn của gia đình ông N; phía Tây giáp đất rừng của ông H2, ông H3; phía Nam giáp đất rừng của gia đình ông N; phía Bắc giáp đất vườn, nhà của gia đình ông N.

- Bà X phải trả cho vợ chồng ông N, bà T 155.748.457 đồng, tiền trồng và chăm sóc cây trồng (keo) trên đất.

2. Về án phí:

Bị đơn vợ chồng ông N, bà T phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm; bà X phải chịu 7.787.500 đồng tiền án phí. Được khấu trừ 300.000 đồng tiền tạm ứng đã nộp theo biên lai số AA/2016/0004456 ngày 04/7/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M. Bà X còn phải nộp 7.487.500 đồng tiền án phí.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12/6/2018 bị đơn ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, với nội dung: Bản án sơ thẩm xử không khách quan, gây thiệt hại đến quyền sử dụng đất của gia đình ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Nguyễn Thị X vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa trình bày ý kiến xác định: Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự; về nội dung vụ án: Diện tích đất 54.100m2 là đất trồng rừng của chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Ủy ban nhân dân huyện M triển khai dự án trồng rừng theo Chương trình 327 năm 1996. Ủy ban nhân dân xã C cùng với Ban quản lý chương trình 327 (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ N) giao trực tiếp diện tích đất 54.100m2 cho bà Nguyễn Thị X quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng, bà X được hưởng lợi từ việc chăm sóc cây trồng trên đất. Việc ông Nguyễn Trí H tự ý giao đất trồng rừng cho ông Trần Xuân L2 vào năm 2001 mà không có sự đồng ý của bà X và Ban quản lý chương trình 327 là không đúng. Sau khi ông L2 chết, bà Nguyễn Thị Cẩm N1 đã giao lại diện tích đất trên cho ông N và bà T mà không có giấy tờ gì. Theo Công văn số 04/CV-BQL ngày 16/11/2017 của Ban quản lý rừng phòng hộ N, thì việc bà X nhận giao khoán trồng rừng được thực hiện theo quy định, người được giao đất trồng rừng không được tự ý chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho người khác việc chăm sóc và quản lý bảo vệ, ngoài ra ông N, bà T không cung cấp được chứng cứ để chứng minh cho quyền quản lý, sử dụng đất hợp pháp. Do đó, bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông N, bà T phải trả lại cho bà X 54.100m2 đất rừng là có căn cứ. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử:

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn đơn ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2017/DS-ST ngày 08/6/2018 của Toà án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ban quản lý rừng phòng hộ N đã được triệu tập hợp lệ, nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với bà Nguyễn Thị Cẩm N1, thì các bên đương sự không cung cấp được địa chỉ hiện nay của bà N1 và qua xác minh tại chính quyền địa phương (xã C, huyện M) nơi bà N1 cư trú trước đây, cũng đã xác định nội dung sau khi ông Trần Xuân L2 chết, bà N1 đã bán nhà đất và chuyển đi nơi khác sinh sống, không có làm thủ tục chuyển khẩu, nên địa phương không xác định được hiện nay bà N1 đang cư trú ở đâu. Do đó, không thể triệu tập làm việc và đưa bà N1 vào tham gia tố tụng trong vụ án được.

[2] Về nội dung: Đối với kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T, Hội đồng xét xử xét thấy:

[2.1] Về nguồn gốc diện tích đất trồng rừng tranh chấp: Diện tích đất 54.100m2 tại vị trí lô số 19, 24, 25, 26 thuộc khoảnh 2, tiểu khu 781 tại thôn X, xã C, huyện M, là đất trồng rừng chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Ủy ban nhân dân huyện M triển khai dự án trồng rừng theo Chương trình 327. Năm 1996, Ủy ban nhân dân xã C cùng với Ban quản lý chương trình 327 của huyện M (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ N trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) đã giao cho bà Nguyễn Thị X 10 ha đất để trồng rừng và quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, bà X được hưởng lợi từ việc chăm sóc cây trồng trên đất. Việc giao đất của Ban quản lý chương trình 327 cho bà Nguyễn Thị X được thể hiện tại Danh sách giao đất trích ngang, Biên bản làm việc nghiệm thu thực hiện hợp đồng năm 1996 ngày 27/11/1996 (kèm theo Danh sách nghiệm thu các hộ tham gia trồng rừng năm 1996), có xác nhận của Ban quản lý Chương trình 327, Ủy ban nhân dân xã C và Ủy ban nhân dân huyện M (bút lục số 25-29), theo đó bà X được giao 10 ha đất để trồng rừng theo Chương trình 327. Tuy nhiên, diện tích đất trên thực địa qua đo đạc, định vị bằng máy là 54.100m2, lý do có sự chênh lệch là vì tại thời điểm giao đất chỉ đo đạc bằng tay (đo thủ công), đất trồng rừng là một quả đồi có hình chóp nón, nên diện tích không chính xác, nhưng vị trí, ranh giới đất vẫn không thay đổi. Đồng thời, lời khai của những người làm chứng là ông Hoàng Giang L (nguyên là Phó Ban quản lý chương trình 327), ông Nguyễn Viết C (nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã C từ năm năm 1994 đến 1999) và ông Nguyễn Tiến L1 (nguyên là cán bộ phòng nông nghiệp địa chính huyện M, thủ quỹ Chương trình 327), đều xác định năm 1996, Ban quản lý Chương trình 327 có giao cho bà Nguyễn Thị X 10 ha đất để trồng rừng. Lời trình bày của những người làm chứng là phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

[2.2] Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định vào năm 1996, Ban quản lý chương trình 327 huyện M có giao cho bà Nguyễn Thị X 54.100m2 đất tại lô 01, khu vực đèo MĐ thuộc xã C, huyện M (nay là lô số 19, 24, 25, 26 thuộc khoảnh 2, tiểu khu 781 tại thôn X, xã C, huyện M) để trồng rừng. Sau khi được giao đất, bà X đã trồng rừng và đã được nghiệm thu, sao đó do điều kiện công việc bà X đã giao cho chồng là ông Nguyễn Trí H chăm sóc và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, đến năm2001 ông H lại tự ý giao lại 10ha đất rừng cho ông Trần Xuân L2 quản lý, chăm sóc và bảo vệ, theo biên bản bàn giao lập ngày 28/7/2001 , mà chưa được sự đồng ý của bà X và Ban quản lý chương trình 327, là không đúng. Sau khi ông Trần Xuân L2 chết năm 2009, đến năm 2012 bà Nguyễn Thị Cẩm N1 (là người chung sống như vợ chồng với ông L2) đã giao diện tích đất rừng cho vợ chồng ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T, việc giao đất không có lập giấy tờ gì. Theo nội dung Công văn số 04/CV-BQL ngày 16/11/2017 của Ban quản lý rừng phòng hộ N, thì việc bà X nhận giao khoán trồng rừng được thực hiện theo quy định, người được giao đất trồng rừng không được tự ý chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho người khác việc chăm sóc và quản lý bảo vệ. Như vậy, bà N1 không phải là người được giao quản lý đất và không có quyền sử dụng đối với diện tích đất trồng rừng trên nên không được quyền giao hoặc chuyển nhượng, nhưng lại tự ý giao diện tích đất trồng rừng cho vợ chồng ông N, bà T là không đúng và không hợp pháp. Đồng thời, bị đơn ông N và bà T cho rằng đã nhận chuyển nhượng 10ha đất trồng rừng nói trên từ bà Nguyễn Thị Cẩm N1, nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc nhận chuyển nhượng này và cũng không cung cấp được chứng cứ để chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất trồng rừng. Do đó, diện tích 54.100m2 đất trồng rừng nói trên vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của bà Nguyễn Thị X. Do đó, bản án sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, công N diện tích đất trồng rừng là thuộc quyền sử dụng của bà X và buộc ông Nguyễn Văn N, bà Lê Thị Băng T phải trả lại cho bà X diện tích đất 54.100m2 tại lô số 19, 24, 25, 26 khoảnh 2, tiểu khu 781 thuộc địa bàn thôn X, xã C, huyện M, là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2.3] Đối với các tài sản trên diện tích đất: Trên diện tích đất tranh chấp hiện nay đã được trồng cây (keo lai dâm hom), do gia đình ông N và bà T trồng và chăm sóc từ tháng 8/2017, đây là tài sản và công sức của vợ ông N, bà T, do thời gian sinh trưởng của cây là dài ngày, cần phải tiếp tục chăm sóc thì mới khai thác được. Do phần diện tích đất trồng rừng được giao trả lại cho bà Nguyễn Thị X và bà X sẽ được khai thác, hưởng lợi cây trồng trên đất, trị giá cây trồng trên đất qua định giá có giá trị là 155.748.457 đồng. Do đó, bản án sơ thẩm buộc bà X phải thanh toán lại giá trị tài sản trên đất số tiền 155.748.457 đồng cho ông N, bà T là có cơ sở và đúng pháp luật.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T, là không có căn cứ chấp nhận và cần giữ nguyên bản án sơ thẩm, là đúng đắn.

[3] Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn vợ chồng ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000 đồng. BàNguyễn Thị X phải chịu 7.787.500 đồng tiền án phí, được khấu trừ 300.000 đồng tiền tạm ứng đã nộp theo biên lai số AA/2016/0004456 ngày 04/7/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M, bà X còn phải nộp 7.487.500 đồng tiền án phí.

Án phí dân sư phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, nên người kháng cáo là ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T, mỗi người phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm và được khấu trừ vào số tiền tạm ứngán phí phúc thẩm đã nộp.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng: Các Điều 6, 12, 129, 135, 136, 166, 170, 202 và 203 Luật đất đai; áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 08/6/2018 của Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Tuyên xử:

[1] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị X.

Bà Nguyễn Thị X tiếp tục được quyền sử dụng diện tích đất đã được dự án trồng rừng Ủy ban nhân dân huyện M giao năm 1996 và hưởng lợi về cây trồng trên đất. Buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T phải trả cho bà Nguyễn Thị X diện tích đất trồng rừng là 54.100m2 tại lô số 19, 24, 25, 26 khoảnh 2, tiểu khu 781, thuộc địa bàn thôn X, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk, đất có vị trí: Phía Đông giáp khe suối, đất vườn của gia đình ông N; phía Tây giáp đất rừng của ông H2, ông H3; phía Nam giáp đất rừng của gia đình ông N; phía Bắc giáp đấtvườn, nhà của gia đình ông N. Đất trồng rừng thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ N - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.

Bà Nguyễn Thị X được hưởng lợi toàn bộ cây trồng trên diện tích đất 54.100m2 và phải có nghĩa vụ trả cho vợ chồng ông Nguyễn Văn N và bà Lê ThịBăng T trị giá cây trồng trên đất với số tiền là 155.748.457 đồng. [2] Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm:

Bị đơn vợ chồng ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T phải chịu 300.000đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Nguyễn Thị X phải chịu 7.787.500 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2016/0004456 ngày 04/7/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Bà Nguyễn Thị X còn phải nộp 7.487.500 đồng tiền án phí dân sư sơ thẩm.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Nguyễn Văn N và bà Lê Thị Băng T, mỗi người người phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí là 300.000 đồng mà ông N đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0006064 ngày 12/6/2018 và số tiền tạm ứng án phí là 300.000 đồng mà bà T đã nộp theo biên lai thu số AA/2017/0006063 ngày 12/6/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M, tỉnh Đắk Lắk.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

418
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 137/2018/DS-PT ngày 26/10/2018 về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất trồng rừng

Số hiệu:137/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về