Bản án 142/2017/HSPT ngày 25/07/2017 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 142/2017/HSPT NGÀY 25/07/2017 VỀ TỘI SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, MẠNG INTERNET HOẶC THIẾT BỊ SỐ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN 

Ngày 25/7/2017 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 102/2017/HSPT ngày 15/6/ 2017 đối với các bị cáo Phạm Văn K, Trần Văn Đ, Phan Phước H do có kháng nghị của của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2017/HSST ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Toà án nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Bị cáo có kháng cáo:

1. Phạm Văn K, sinh ngày: 08/01/1997 tại Đà Nẵng; Đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: 85 đường P, tổ 10C1, phường M, quận S, thành phố Đà Nẵng; Số chứng minh nhân dân: 201740209; trình độ văn hóa: Lớp 09/12; dân tộc: Kinh; nghề nghiệp: Không; Con ông Phạm Văn P và bà Nguyễn Thị Bích H; tiền sự: Không; tiền án: Không. Bị cáo bị tạm giam ngày 06/10/2016; có mặt.

2. Trần Văn Đ, sinh ngày: 14/5/1991 tại Đà Nẵng; Đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Tổ 10B, phường M, quận S, thành phố Đà Nẵng; Số chứng minh nhân dân: 201600357; trình độ văn hóa: Lớp 12/12; dân tộc: Kinh; nghề nghiệp: Lao động phổ thông; Con ông Trần Văn C và bà Nguyễn Thị T; tiền sự: Không; tiền án: Không. Bị cáo đang tại ngoại; có mặt.

3. Phan Phước H, sinh ngày: 15/4/1994 tại Đà Nẵng; Đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Tổ 9A, phường M, quận S, thành phố Đà Nẵng; Số chứng minh nhân dân: 201692811; trình độ văn hóa: Lớp 12/12; dân tộc: Kinh; nghề nghiệp: Lao động phổ thông; Con ông Phan Văn B và bà Trần Thị S; tiền sự: Không; tiền án: Không. Bị cáo đang tại ngoại; có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn K:  Ông Võ Văn Thiết – Luật sư VPLS Thiết và cộng sự, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng và Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ tháng 10/2014 đến tháng 8/2015, Phạm Văn K thường hay đến quán Internet Tina chơi game thì thường thấy một số người ngồi chơi tại đây đang bày nhau cách hack Facebook của người khác trong danh sách bạn bè, rồi sử dụng các nick Facebook của người này nói chuyện với những người khác trong danh sách bạn bè, nhờ mua hộ thẻ cào xong rồi chiếm đoạt, nên K nảy sinh ý định lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. K sử dụng số điện thoại của mình là 0905175630 để tạo tài khoản “muaviconl’’ trên website: www.id.vtc.vn   của Công ty VTC công nghệ và nội dung số, đến tháng 05/2015 thì đổi sang số điện thoại 0905142796 để đăng kí tạo tài khoản. Sau đó K lên mạng xã hội, vào trang Facebook của người khác để xem phần thông tin cá nhân, tìm hiểu tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số điện thoại… Từ đó K dò tìm mật khẩu các nick Facebook này. Sau khi tìm được mật khẩu K đăng nhập vào tài khoản và chiếm quyền điều khiển tài khoản Facebook, K thay đổi mật khẩu, mạo danh chủ tài khoản của Facebook này nói chuyện với những người bạn có trong danh sách bạn bè và nhờ những người này mua dùm thẻ cào điện thoại của các mạng Mobiphone,Vina,Viettel với mục đích chiếm đoạt. Khi có được mã số thẻ cào, K nạp mã số thẻ cào vào tài khoản “mua viconl” để quy đổi sang vcoin, sau đó K bán lại vcoin cho người khác để lấy tiền mặt. Cách thức thực hiện hành vi lừa đảo của K như sau :

Ngày 14/7/2015, K vào Facebook “Minh Thu Nguyên” của chị Nguyễn Thị Minh T hack được mật khẩu facebook của chị T là “23081975”. Sau đó K thay đổi mật khẩu tài khoản Facebook, K vào và tìm hiểu cách nói chuyện của nick Facebook “ Minh Thu Nguyên”. Vào lúc 00h9’ ngày 15/07/2015, K sử dụng  nick  Facebook  “  Minh  Thu  Nguyên”  nói  chuyện  với  nick  Facebook “Vicky Loan’’ của chị Đoàn Thị Thanh L là bạn của chị T. Qua nói chuyện trên mạng,  K  nhờ  chị  L  mua  hộ  giùm  thẻ  cào  điện  thoại  của  các  nhà  mạng Mobiphone, Vina, Viettel. Vì tin tưởng người đang chát với mình là chị T nên L đã đồng ý mua cho K các thẻ cào điện thoại của các nhà mạng trên, các thẻ cáo L mua có mệnh giá từ 100.000 đồng , 200.000 đồng và  500.000 đồng, tổng số thẻ cào L đã mua cho K là 29 thẻ cào có tổng trị giá là 6.400.000 đồng. Có thẻ cào Loan đã nhắn mã số thẻ cào qua tin nhắn Facebook cho K, sau khi nhận được mã số thẻ cào điện thoại, K nạp 26 thẻ cào điện thoại có tổng trị giá 6.100.000 đồng vào tài khoản VTC mà K đã đăng ký: “ muaviconl” và quy đổi được 5.490 vcoin (tỷ lệ quy đổi là: Thẻ cào 100.000 đồng thì đổi được 90 vcoin, thẻ cào 200.000 đồng thì đổi được 180 vcoin, thẻ cào 500.000 đồng thì đổi được 450 vcoin). Sau khi đổi được 5.490 vcoin, K gọi Đ đến để bán số vcoin này cho Trần Văn Đ. Đ mua 5.490 vcoin với giá 780 đồng/ vcoin. Đ bán lại số vcoin này cho Đại ký VTC PAY có số tài khoản 0922196789 với giá 820 đồng/1vcoin. Tổng số tiền Đ bán 5.490 vcoin là 4.496.700 đồng. Đ đưa lại cho K số tiền 4.281.000 đồng. Còn lại 3 thẻ cào mobi có trị giá 300.000 đồng, K nạp vào số điện thoại của mình là 0905142976 của mình để sử dụng.

Ngoài ra, Phạm Văn K còn khai nhận: Từ tháng 10/2014 đến tháng 8/2015 với thủ đoạn tương tự, K đã chiếm đoạt trên 100 nick facebook khác và cũng nhờ bạn bè trong các tài khoản này mua hộ cho K thẻ cào điện thoại và đã chiếm đoạt được số tiền 66.800.000đ. Sau khi chiếm đoạt mã số thẻ cào, K nạp mã số thẻ cào vào tài khoản “muaviconl” của mình và qui đổi được 60.390. Số vcoin có trong tài khoản của K, phần lớn K bán lại cho các đối tượng thu mua vcoin gồm có Trần Văn Đ, Nguyễn Ngọc D và Phan Phước H. Cụ thể :

- Từ ngày 15/10/2014, K bắt đầu bán Vcoin cho Đ. Sau vài lần mua bán, K có nói cho Đ biết về số nguồn gốc vcoin là do K sử dụng mạng máy tính, internet thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào điện thoại, tuy nhiên Đ vẫn thu mua số vcoin của K. Tổng cộng K bán cho Đ 31.204 vcoin với giá 780đ/1 vcoin trong 23 lần giao dịch, Đ đã trả cho K 24.261.120đ. Đ bán lại số vcoin cho các đại lý vcoin trên mạng có các tài khoản “hungvcoin123”, “vcoin 0965224, 0922196789” với giá 820đ/1 vcoin và hưởng chênh lệch 40đ/1 vcoin, tương đương số tiền 1.244.160đ. Số tiền này Đ sử dụng vào mục đích tiêu xài các nhân hết.

-  Từ ngày 25/03/2015, K bắt đầu liên lạc để bán Vcoin cho H. Cũng sau vài lần mua bán, K có nói cho H biết về số nguồn gốc vcoin là do K sử dụng mạng máy tính, internet thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào điện thoại, tuy nhiên H vẫn tiếp tục thu mua vcoin cho K. Tổng cộng K bán cho H 15.072 vcoin vơi giá 750đ/1 vcoin trong 8 lần giao dịch, H trả cho K số tiền là 11.304.000đ. H bán lại cho các đại lý vcoin trên mạng có các tài khoản “hungvcoin123”, “0922196789” với giá 800đ/1vcoin và hưởng chênh lệch 50đ/1vcoin, tương đương số tiền 753.000đ. K sử dụng vào mục đích tiêu xài các nhân hết.

- Do hay thường xuyên đến quán Internet Tina chơi nên K biết được D cũng thường xuyên thu mua vcoin để bán lại kiếm lời, nên vào tháng 02/2015, K chủ động liên lạc cho D để bán vcoin. Khi bán vcoin cho D, K không nói cho D biết số vcoin với giá 800đ/1 vcoin trong 6 lần giao dịch mua bán, Duy dã trả cho K 5.212.000đ. D đã sử dụng 539 vcoin và bán cho các đại lý thu mua vcoin trên mạng có tài khoản “0922196789” là 5.976 vcoin với giá 820đ/1 vcoin, hưởng chênh lệch 20đ/1 vcoin với số tiền là 119.520đ.

Những số vcoin cần bán K đều chuyển trực tiếp vào tài khoản trên VTC PAY của những đối tượng thu mua mà Đ, D và H làm trung gian. Các đối tượng thu mua vcoin sau khi có số vcoin thì sẽ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Đ, D và H cung cấp. Đ, D và H sau khi nhận được tiền sẽ chuyển giao tiền trực tiếp cho K sau khi trừ đi số tiền chênh lệch. Như vậy, tổng số tiền K đã chiếm đoạt của các chủ tài khoản facebook bằng hình thức nhờ mua hộ thẻ cào điện thoại là 73.200.000đ. Sau khi lừa được bạn bè của chủ tài khoản nhờ họ mua thẻ cào xong, K xóa tài khoản facebook hoặc thay đổi mật khẩu. Ngoài ra, K còn dùng số vcoin có trong tài khoản của mình đổi ra thẻ cào điện thoại bán lại cho những người chơi trong quán net. Những người mà K chiếm đoạt chủ yếu ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau… Toàn bộ việc thực hiện chiếm đoạt tài sản K đều thực hiện trên các máy tính tại quán Internet Tina.

Tại Bản án sơ thẩm số 29/2017/HSST ngày 10/5/2017 Tòa án nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã quyết định:

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 226b; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Phạm Văn K 24 (hai mươi bốn) tháng tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày 06/10/2016.

- Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Trần Văn Đ 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 30 tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm 10/5/2017.

Giao bị cáo Trần Văn Đ về Ủy ban nhân dân phường M, quận S, thành phố Đà Nẵng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

- Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Phan Phước H 12 (mười hai) tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm 10/5/2017.

Giao bị cáo Phan Phước H về Ủy ban nhân dân phường M, quận S, thành phố Đà Nẵng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Ngoài ra, Bản án còn quyết định về trách nhiệm dân sự, về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo bản án.

- Ngày 09/6/2017, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng kháng nghị với nội dung: Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm theo hướng sửa một phần bản án sơ thẩm:

1/ Áp dụng điểm b, d khoản 2 Điều 226b; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Phạm Văn K và tăng mức hình phạt đối với bị cáo.

2/ Không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Trần Văn Đ, Pham Phước H; đồng thời không cho các bị cáo Trần Văn Đ, Phan Phước H được hưởng án treo.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định kháng nghị số 01/QĐ-KNPT-P7 ngày 09/6/2017 và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, d khoản 2 Điều 226b; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Văn K, tăng mức hình phạt đối với bị cáo. Không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo Trần Văn Đ, Pham Phước H; đồng thời không cho các bị cáo Trần Văn Đ, Phan Phước H được hưởng án treo.

Luật sư Võ Văn Thiết bào chữa cho bị cáo Phạm Văn K đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, giữ nguyên án sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo Phạm Văn K.

Tại phiên tòa các bị cáo Phạm Văn K, Trần Văn Đ, Phan Phước H cũng thừa nhận Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã xét xử bị cáo Phạm Văn K về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 226b Bộ luật Hình sự, xét xử các bị cáo Trần Văn Đ, Phan Phước H về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự là đúng và mức hình phạt mà cấp sơ thẩm đã áp dụng là hoàn toàn phù hợp. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, lời khai của các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Văn K, Trần Văn Đ, Phan Phước H khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có cơ sở xác định: Từ tháng 10/2014 đến tháng 8/2015, Phạm Văn K đã sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, thủ đoạn của K là vào trang mạng facebook, tìm hiểu thông tin cá nhân của các nick facebook trên mạng, dò tìm mật khẩu để đăng nhập vào tài khoản. Sau khi chiếm được quyền điều khiển facebook, K thay đổi mật khẩu và giả mạo chủ tài khoản facebook để nói chuyện với bạn bè của họ, nhờ mua thẻ cào điện thoại. Có được thông tin mã thẻ cào, K nạp thẻ cào vào tài khoản “muaviconl” để quy đổi sang vcoin và bán lại cho Trần Văn Đ, Phan Phước H để lấy tiền mặt. Toàn bộ số thẻ cào đã chiếm đoạt, K đã quy đổi được 65.880 vcoin, tương đương số tiền 73.200.000đ. Sau đó bị cáo K bán vcoin lại cho các bị cáo Đ và bị cáo H. Bị cáo Đ và bị cáo H đã bán lại cho các đại lý vcoin trên mạng để hưởng số tiền chênh lệch. Do đó, Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2017/HSST ngày 10/5/2017 của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà đã xét xử bị cáo Phạm Văn K về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 Điều 226b Bộ luật Hình sự; các bị cáo Trần Văn Đ, Phan Phước H về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc đề nghị HĐXX áp dụng điểm b, d khoản 2 Điều 226b; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74 BLHS đối với bị cáo Phạm Văn K và tăng mức hình phạt đối với bị cáo thì thấy: Trong vụ án này, bị cáo Phạm Văn K là người đã có hành vi truy cập bất hợp pháp vào trang facebook của người khác, mạo danh chủ tài khoản của facebook để nói chuyện với những người bạn có trong danh sách bạn bè và nhờ những người này mua dùm thẻ cào điện thoại mà không được sự cho phép của người đó, nạp vào tài khoản của bị cáo đã đăng ký rồi thực hiện các thao tác quy đổi trên máy tính. Qua đó, bị cáo đã chiếm đoạt tài sản của nhiều người với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 73.200.000đ, hành vi phạm tội của bị cáo đã vi phạm các quy định tại điểm b (phạm tội nhiều lần) và điểm d (chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng) khoản 2 Điều 226b Bộ luật Hình sự. Việc cấp sơ thẩm không áp dụng điểm b khoản 2 Điều 226b Bộ luật Hình sự là một thiếu sót, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với việc áp dụng các điểm b, d khoản 2 Điều 226b Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Văn K. Xét mức hình phạt của bị cáo K, Hội đồng xét xử thấy rằng: Hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng, xâm phạm đến tài sản của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an xã hội, do đó đối với bị cáo cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo kéo dài, giai đoạn đầu (từ tháng 10/2014 đến trước ngày 08/01/2015) bị cáo phạm tội là người chưa thành niên, mức án 24 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo nghiêm khắc, đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc tăng hình phạt đối với bị cáo K, giữ nguyên mức hình phạt như đề nghị của Luật sư.

Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo Trần Văn Đ, Phan Phước H và không cho các bị cáo được hưởng án treo, Hội đồng xét xử xét thấy: Hai bị cáo biết rõ nguồn gốc vcoin do bị cáo K sử dụng mạng máy tính, mạng internet thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt thẻ cào điện thoại, tuy nhiên các bị cáo vẫn tiếp tục là người trung gian thu mua số vcoin của bị cáo K. Như vậy, bị cáo Đ và H không đủ điều kiện để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h (phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng) khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự như kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, theo các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án cũng như lời khai của bị cáo Đ, H tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, những lần giao dịch mua bán vcoin ban đầu cùng với K, cả Đ và H đều không biết số vcoin đó là do K phạm tội mà có nên chưa có cơ sở xác định toàn bộ 23 lần giao dịch của Đ và 8 lần giao dịch của H đều cấu thành tội phạm như án sơ thẩm đã kết luận. Hơn nữa, các bị cáo Đ và H đều chưa có tiền án, tiền sự; Các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, thể hiện qua việc nộp hết số tiền thu lợi bất chính và giao nộp hết tài liệu liên quan việc phạm tội. Đây là hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Số tiền thu lợi bất chính không đáng kể. Sau khi bị cơ quan điều tra bắt, các bị cáo đã tự thú khai ra các lần phạm tội khác, giúp quá trình điều tra được nhanh chóng, đây cũng là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử sẽ xem xét áp dụng cho bị cáo khi lượng hình. Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình các bị cáo khó khăn, là lao động chính trong gia đình; có nơi cư trú rõ ràng. Sau khi xử sơ thẩm, vào ngày 19/7/2017, bị cáo Trần Văn Đ đã nộp 444.160đ , bị cáo Phan Phước H đã nộp 453.000đ để đảm bảo thi hành án, đây cũng là tình tiết giảm nhẹ mới. Với các tình tiết giảm nhẹ như trên, xét thấy mặc dù không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự như đề nghị của Viện kiểm sát, nhưng các bị cáo vẫn đủ các điều kiện để hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị không cho các bị cáo Trần Văn Đ, Phan Phước H được hưởng án treo, giữ nguyên án sơ thẩm đối với phần hình phạt của các bị cáo.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1.    Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, sửa án sơ thẩm về phần áp dụng điều luật đối với các bị cáo Phạm Văn K, Trần Văn Đ, Phan Phước H.

- Áp dụng điểm b, d khoản 2 Điều 226b; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Phạm Văn K 24 (hai mươi bốn) tháng tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày 06/10/2016.

- Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm o, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Trần Văn Đ 15 (mười lăm) tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 30 (ba mươi) tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm 10/5/2017.

Giao bị cáo Trần Văn Đ về Ủy ban nhân dân phường M, quận S, thành phố Đà Nẵng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

- Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm o, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Phan Phước H 12 (mười hai) tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 (hai mươi bốn) tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm 10/5/2017.

Giao bị cáo Phan Phước H về Ủy ban nhân dân phường M, quận S, thành phố Đà Nẵng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

- Tuyên qui trữ số tiền 444.160 đồng bị cáo Trần Văn Đ đã nộp tại Chi cục  THADS  quận  Sơn  Trà,  TP.  Đà  Nẵng  theo  biên  lai  thu  số  08516  ngày 19/7/2017;  số tiền 453.000 đồng bị cáo Phan Phước H tại Chi cục THADS quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng theo biên lai thu số 08517 ngày 19/7/2017 để bảo đảm thi hành án.

2. Về án phí: Áp dụng Khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các bị cáo Phạm Văn K, Trần Văn Đ, Phan Phước H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự, về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của bản án không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1338
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 142/2017/HSPT ngày 25/07/2017 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:142/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về