Bản án 15/2018/HS-ST ngày 10/05/2018 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN U MINH, TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 15/2018/HS-ST NGÀY 10/05/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Trong ngày 10 tháng 5 năm 2018 tại trụ sở, Tòa án nhân dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số:09/2018/TLST-HS ngày 15 tháng 3 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 71/2018/QĐXXST - HS ngày 28 tháng 3 năm 2018 đối với các bị cáo:

1- C – sinh 1966, tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; đăng ký hộ khẩu: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; chổ ở: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đ và bà Đa; vợ A, bị cáo chung vụ án; con 04 người; tiền sự: không; tiền án: không; bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam; bị cáo có mặt.

2- A – sinh 1973, tại huyện Duy Tiên, tỉnh Quãng Nam; đăng ký hộ khẩu: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; chổ ở: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hoá: 4/12; dân tộc: kinh; giới tính: nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông D và bà L; chồng C, bị cáo chung vụ án; con 04 người; tiền sự: không; tiền án: không; bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam; bị cáo có mặt.

Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân xã P, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 08/12/2012 C chuyển nhượng của ông T thành quả lao động phần đất 6,1 ha đất rừng và đất sản xuất kết hợp (rừng 4,1ha; 2,0ha sản xuất kết hợp) phần đất này do Lâm ngư trường Sông Trẹm giao khoán. Phần đất này tháng 4/2009 Lâm ngư trường Sông Trẹm giao về cho huyện U Minh quản lý theo Quyết định số 30 ngày 12/3/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

Quá trình canh tác thấy cây tràm chết nhiều, cây rừng chủ yếu là tràm chồi tái sinh, thưa thớt, hiệu quả từ cây tràm không cao nên C bàn với vợ là A chặt phá hết toàn bộ diện tích rừng cây Tràm nói trên để trồng lúa và nuôi tôm.

Ngày 15/3/2014 C mang dao vào rừng ở phía sau nhà chặt phá cây tràm, hình thức chặt trắng toàn bộ còn A thì thu gom mang cây về hầm than, chặt đến ngày 06/4/2014 thì ngưng; ngày 16/4/2014 Hạt Kiểm lâm huyện U Minh kiểm tra phát hiện lập biên bản.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 27/4/2014 xác định: Tổng diện tích rừng do C và A chặt phá trắng 8.137 m2, mật độ 6.200 cây/ha.

Kết quả giám định ngày 31/10/2017 của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, xác định: Tổng diện tích rừng bị thiệt hại 8.137 m2; mức độ thiệt hại 100%; chỉ tiêu lâm học: Mật độ 6.200 cây/ha, chiều cao bình quân 3m, đường kính bình quân < 3cm, rừng chưa có trữ lượng; Tổng giá trị của rừng bị chặt phá thiệt hại 6.298.038đ.

Tại bản cáo trạng số 09/CT-VKS ngày 14 tháng 3 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện U Minh đã truy tố các bị cáo C, A về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại khoản 1 Điều 189 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 189 và điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, xử phạt C từ 09 tháng đến 01 năm tù về tội Hủy hoại rừng; C từ 06 tháng đến 09 tháng tù về tội Hủy hoại rừng. Tịch thu tiêu hủy vật chứng của vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Quá trình tiến hành tố tụng không có ai khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan cũng như người tiến hành tố tụng.

[2] Tại phiên tòa hai bị cáo thừa nhận hành vi của hai bị cáo thực hiện việc chặt phá cây rừng vào tháng 3/2014 trên phần đất tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đúng như cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố, không oan – sai.

Hai bị cáo khai nhận: Năm 2012, các bị cáo chuyển nhượng thành quả lao động trên phần đất diện tích 6,1 ha đất lâm nghiệp của ông T, phần đất này ông T nhận giao khoán của Lâm Ngư trường sông Trẹm. Do một phần đất trồng Tràm không hiệu quả đồng thời thấy các hộ dân lân cận chặt cây rừng mở rộng diện tích trông lúa, nuôi tôm nên hai bị cáo bàn bạc với nhau là chặt cây rừng để mở rộng diện tích đất trồng lúa; cây rừng bị chặt toàn bộ là phần rừng chồi tái sinh. Bắt đầu từ ngày 15/3/2014 hai bị cáo đã tiến hành chặt phá cây rừng, chặt đến ngày 06/4/2014 thì ngưng, diện tích chặt phá toàn bộ 8.137m2; 10 ngày sau Hạt kiểm lâm phát hiện và lập biên bản. Khi chặt phá cây rừng để chuyển sang nuôi tôm bị cáo biết rõ là cơ quan có thẩm quyền không cho phép chuyển mục đích sử dụng khác ngoài việc trồng rừng.

Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi liên quan, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 27/4/2014 xác định: Tổng diện tích rừng do hai bị cáo chặt phá trắng 8.137m2, mật độ 6.200 cây/ha.

Kết quả giám định ngày 31/10/2017 của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, xác định: Tổng diện tích rừng bị thiệt hại 8.137m2; mức độ thiệt hại 100%; chỉ tiêu lâm học: Mật độ 6.200cây/ha, chiều cao bình quân 3m, đường kính bình quân < 3cm, rừng chưa có trữ lượng; Tổng giá trị của rừng bị chặt phá thiệt hại 6.298.038đ.

Tại điểm a, tiểu mục 3.4, mục 3, phàn IV, Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 Hướng dẫn về vấn đề gây hậu quả nghiêm trọng quy tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật hình sự 1999: Người nào có hành vi đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng sản xuất với diện tích từ trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính thì được xem là gây hậu quả nghiêm trọng; Tại Điều 20 Nghị Định 157/2013/NĐ-CP, ngày11/11/2013 của Chính phủ quy định diện tích tối đa xử phạt hành chính là 5.000m2.

Hành vi chặt phá cây Tràm của các bị cáo là hành vi hủy hoại rừng. Bởi lẽ: Cây Tràm mà các bị cáo chặt phá mặc dù là Tràm tái sinh chồi mọc sau khai thác, song toàn bộ diện tích khu vực đất trên là đất rừng không được phép sử dụng vào mục đích khác. Nhưng vì lợi ích cá nhân các bị cáo đã không thực hiện đúng mục đích sử dụng đất rừng là bảo vệ rừng mà có hành vi hủy hoại cây rừng. Hành vi này của các bị cáo đã xâm phạm đến chế độ quản lý rừng của Nhà nước. Căn cứ vào hành vi vi phạm của các bị cáo, diện tích rừng bị thiệt hại, có đủ cơ sở kết luận: Bị cáo C, bị cáo A đã phạm vào tội Hủy hoại rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 đúng như cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố.

[3] Xét tính chất vụ án mà các bị cáo gây ra nghiêm trọng, hành vi này của các bị cáo sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của tự nhiên, gây nhiều hệ lụy khác môi trường sống của con người và các loại sinh vật khác. Song có xem xét bản thân là nông dân và trình độ học vấn thấp nên sự hiểu biết về pháp luật có hạn chế; chỉ vì thấy lợi ích trước mắt mà không thấy được hậu quả xấu về sau. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội là do thấy các hộ lân cận đã chặt phá cây rừng để chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không bị xử lý. Mục đích phạm tội cũng vì mưu sinh do làm rừng không hiệu quả muốn thay đổi mục đích sử dụng để chuyển sang sản xuất khác có hiệu quả kinh tế hơn. Cây Tràm các bị cáo chặt phá là Tràm tái sinh, thưa thớt không có trử lượng; các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; các bị cáo có nơi cư trú rỏ ràng; nhân thân không tiền án, tiền sự. Đối với bị cáo A có người cha tham gia cách mạng.

Trong vụ án này mặc dù hai bị cáo có bàn bạc với nhau nhưng chỉ mang tính chất đồng phạm giản đơn; vai trò của bị cáo C cao hơn bị cáo A. Tất cả các tình tiết trên được xem xét để lượng hình phạt đối với các bị cáo.

Với tính chất và mức độ cũng như nguyên nhân và điều kiện phạm tội cùng với những tình tiết giảm nhẹ được áp dụng cho bị cáo, xét thấy chỉ cần xử phạt cải tạo các bị cáo tại địa phương cũng đủ điều kiện giáo dục cải tạo các bị cáo. Đây cũng là tính ưu việt của pháp luật Việt Nam được áp dụng đối với những người vi phạm biết ăn năn hối cải.

[4] Về bồi thường thiệt hại: Ủy ban nhân dân xã P không yêu cầu nên không xem xét.

[5] Đối với vật chứng trong vụ án Cơ quan điều tra thu giữ là 01 cây dao lưỡi bằng sắt chiều ngang lưỡi dao 0.7cm, chiều dài từ mũi dao đến đui cán dao 4,9cm cán bằng gỗ tràm dài 2,2cm. Xét giá trị sử dụng không lớn nên tịch thu tiêu hủy; tang vật Chi cục Thi hành án dân sự huyện U Minh đang quản lý.
 
[6] Về án phí hình sự sơ thẩm: Tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Người bị kết án phải chịu án phí theo quy định của Tòa án; tại điểm a khoản 1 Điều 23 – Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 – 12 – 2016 quy định: Người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm; do đó các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ khoản 1 Điều 189; điểm h, p khoản 1 Điều 46; khoản 1 và 2 Điều 60 - Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.Tuyên xử: Bị cáo C phạm tội Hủy hoại rừng. Tuyên phạt: Bị cáo C 09 (chín) tháng tù nhưng cho C hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 năm 06 tháng; thời hạn thử thách kể từ ngày 10 – 5 – 2018.

Căn cứ khoản 1 Điều 189; điểm h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; khoản 1 và 2 Điều 60 - Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuyên xử: Bị cáo A phạm tội Hủy hoại rừng.Tuyên phạt: Bị cáo A 06 (sáu) tháng tù nhưng cho A hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 năm; thời hạn thử thách kể từ ngày 10 – 5 – 2018. Giao C, A về cho Ủy ban nhân dân xã P, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau để giám sát và giáo dục trong thời gian chấp hành án. Trong trường hợp C, A thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

[2] Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 106; khoản 2 điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và điểm a khoản 1 Điều 23 – Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.

- Tịch thu tiêu hủy cây dao lưỡi sắt chiều ngang lưỡi dao 0.7cm, chiều dài từ mũi dao đến đui cán dao 4.9cm, cán gỗ tràm dài 2.2cm.

- Bị cáo C phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000đ.

- Bị cáo A phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 200.000đ.
[3] Bị cáo C, A có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Ủy ban nhân dân xã P, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận bản án hoặc kể từ ngày tống đạt hợp lệ bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

736
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 15/2018/HS-ST ngày 10/05/2018 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:15/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện U Minh - Cà Mau
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về