Bản án 152/2018/HSPT ngày 25/07/2018 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 152/2018/HSPT NGÀY 25/07/2018 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ

Ngày 25 tháng 7 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 106/2018/HSPT ngày 14 tháng 5 năm 2018 do có kháng cáo của bị cáo K' L đối với bản án sơ thẩm số 19/2018/HSST ngày 28/03/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tân Phú.

- Bị cáo: K' L – sinh năm 1982 tại Đồng Nai; Nơi cư trú: Ấp 4, xã T, huyện T1, tỉnh Đồng Nai; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: 0/12; Dân tộc: Châu Mạ; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Thiên chúa; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông K' L1 - sinh năm 1958 và bà Ká H - sinh năm 1965; có vợ là Ká B - sinh năm 1982 và 02 con (lớn nhất sinh năm 2002, nhỏ nhất sinh năm 2006); Tiền án: Không; Tiền sự: Không; Bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 25/12/2017. (có mặt)

- Người phiên dịch cho bị cáo: Ông K’L2, sinh năm 1989. Địa chỉ: ấp 4, xã T, huyện T1, tỉnh Đồng Nai. (có mặt)

- Nguyên đơn dân sự: Vườn quốc gia C do ông Huỳnh Văn T, sinh năm 1967 - chức vụ: Phó hạt kiểm lâm vườn Quốc gia C đại diện. (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án hình sự sơ thẩm: Khoảng 07 giờ sáng ngày 06/11/2017, K' L vào Vườn Quốc gia C để bẫy chim. Khi đi, K' L mang theo 02 lồng bẫy chim và 01 con chim mồi (loại Chích chòe lửa), dao và túi vải để đựng chim. Khoảng 10 giờ sáng cùng ngày K' L bẫy được 01 con chim Chích chòe lửa, bắt bỏ vào túi vải và đi đến nơi khác để tiếp tục bẫy chim. Khoảng 14 giờ cùng ngày khi đi đến khu vực suối R, tiểu khu 43 do Vườn Quốc gia C quản lý (là rừng đặc dụng thuộc địa giới hành chính xã Đ, huyện T1) K' L phát hiện 01 con Voọc chà vá chân đen đã chết nổi trên mặt nước dưới suối, thấy thịt vẫn còn ăn được nên K' L dùng dao cắt bỏ đầu, đuôi, mổ bụng, lột da và lấy phần thịt bỏ vào túi vải đem về để ăn. Trên đường về K' L bị lực lượng kiểm lâm kiểm tra phát hiện K' L có hành vi vận chuyển trái phép 01 cá thể động vật rừng là loài linh trưởng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Vật chứng thu giữ:

- 01 cá thể động vật rừng đã chết (xác định ban đầu là loài linh trưởng) và bị phân chia thành các phần gồm: Phần thân có 04 chi (không còn da và lông, không có đầu và đuôi) có trọng lượng 3,1 kg và phần da còn nguyên lông và nội tạng có trọng lượng 1,1kg.

- 02 cá thể động vật rừng có đặc điểm giống nhau (xác định ban đầu là loài chim) gồm 01 cá thể đã bị chết và 01 cá thể còn sống.

- 01 con dao cán gỗ, lưỡi sắt có kích thước 15cm x 3,5cm; 02 lồng bẫy chim kích thước 30cm x 50cm x 10cm; 13 túi vải để đựng chim.

Bản kết luận xác định mẫu vật số 212/BB-SHNĐ ngày 13/11/2017 của Viện sinh học nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh kết luận:

- Phần chân có 04 chi (không còn da và lông, không có đầu và đuôi) có trọng lượng 3,2kg và phần da còn nguyên lông, nội tạng có trọng lượng 1,1kg là loài Voọc chà vá chân đen, có tên khoa học là Pygathrix nigripes; thuộc nhóm IB, Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thuộc Phụ lục I của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- 01 cá thể đã chết và 01 cá thể còn sống là loài chim Chích chòe lửa, tên khoa học: Copsychus malabaricus, thuộc nhóm IIB, Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2018/HSST ngày 28/3/2018 của TAND huyện Tân Phú đã áp dụng khoản 1 Điều 190 Bộ luật hình sự 1999, điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 BLHS 1999 xử phạt bị cáo: K' L 04 (bốn) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ngày 10/4/2018, bị cáo K' L kháng cáo xin được hưởng án treo. Tại phiên tòa, bị cáo K' L tiếp tục giữ nguyên kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến sự quản lý của nhà nước về động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, xâm phạm môi trường sinh thái tự nhiên cần được xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, tại phiên tòa xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị HĐXX áp dụng Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa, đại diện Vườn quốc gia Nam C xác định rừng Nam C là rừng đặc dụng thuộc địa giới hành chính xã Đ, huyện T1 do Vườn quốc gia C quản lý, nghiêm cấm người dân vào rừng khai thác, săn bắn trái phép.

Sáng ngày 06/11/2017, K' L mang theo dụng cụ săn bắt thú gồm: 02 lồng chim, 01 con chim mồi (chích chòe lửa), dao và túi vải vào khu vực vườn quốc gia Nam C, huyện T1 để bẫy chim. Sau khi bẫy được 01 con chim Chích chòe lửa, K' L tiếp tục đi đến địa điểm khác trong rừng để bẫy chim. Khi đi ngang qua khu vực Suối R, K' L phát hiện 01 con Voọc chà vá chân đen đã chết nổi trên mặt nước, bị cáo đã dùng dao mổ lấy phần thịt bỏ vào túi đem về. Trên đường về thì K' L bị lực lượng kiểm lâm kiểm tra phát hiện có hành vi đang vận chuyển cá thể nêu trên. Tại Bản kết luận xác định mẫu vật số 212/BB-SHNĐ ngày 13/11/2017 của Viện sinh học nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh xác định cá thể mà K' L vận chuyển (nhặt được) là loài Vọoc chà vá chân đen. Theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục I của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý thì là nhóm IB thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Theo biên bản phạm tội quả tang ngày 06/11/2017, biên bản lấy lời khai và các bản tự khai (các bút lục 70 đến 83), K' L xác nhận trong lúc đi bẫy chim đã nhìn thấy con Vọoc bị chết trong tư thế nằm ngửa tại khu vực Suối Ray, không biết nguyên nhân chết (đã có mùi hôi) nhưng nghĩ còn có thể ăn được nên bị cáo lấy dao cắt bỏ phần đầu, hai đùi sau và lột da, nội tạng bỏ lại bờ suối, phần còn lại (thịt) K' L bỏ vào túi mang về. Trên đường về nhà thì bị lực lượng kiểm lâm phát hiện bắt giữ. Lời khai này phù hợp với tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, phù hợp với Kết luận điều tra và biên bản xác minh hiện trường và quan trọng nhất là lời khai của đại diện Vườn quốc gia C tại phiên tòa. Cho thấy, trước khi bị cáo dùng dao phân chia con Vọoc thành nhiều phần nhỏ, con Vọoc đã chết trước đó nhưng không rõ nguyên nhân. Quá trình điều tra Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng không điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của con Vọoc chà vá chân đen mà K' L đang vận chuyển (nhặt) để làm cơ sở xử lý đối với K' L theo quy định của pháp luật. Tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đại diện vườn quốc gia C cũng xác định do con Vọoc bị cắt đầu, phần thân bị cắt chia thành nhiều mảnh nên cũng không thể xác định được nguyên nhân chết do tự nhiên hay bị bắn chết (do ai bắn). Tuy nhiên, tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra bị cáo khai biết con Vọoc mà bị cáo nhặt được là động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và rừng Nam C là rừng đặc dụng và nghiêm cấm người dân vào rừng khai thác, săn bắn trái phép. Do đó hành vi của bị cáo tự ý vào rừng Nam C và nhặt con Vọoc về sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật. Sau khi bị phát hiện bắt giữ, bị cáo cũng tỏ ra rất ăn năn hối cải, bị cáo đã bồi thường số tiền 1.560.000đ cho Vườn quốc gia Nam C. Hành vi phạm tội của bị cáo K' L là ít nghiêm trọng; bị cáo mang xác con Vọoc đã chết về chỉ với mục đích để ăn mà không nhằm đem bán hoặc vận chuyển kiếm tiền; bị cáo phạm tội lần đầu và là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn và hiểu biết pháp luật rất hạn chế nên HĐXX thấy rằng không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà áp dụng khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015, miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo K' L là thỏa đáng.

[2] Quan điểm của đại diện VKS tại phiên tòa phù hợp nhận định của HĐXX nên được chấp nhận.

[3] Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án; bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm b, g, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS 1999; khoản 3 Điều 29 BLHS 2015;

Tuyên xử: Miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo K' L về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1214
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 152/2018/HSPT ngày 25/07/2018 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Số hiệu:152/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Nai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về