Bản án 160/2018/HSST ngày 29/06/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐIỆN BIÊN, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 160/2018/HSST NGÀY 29/06/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 29/6/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 146/2018/HSST ngày 17/5/2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 162/2018/QĐXXST-HS ngày 15/6/2018 đối với bị cáo:

Họ tên: Lường Văn D; tên gọi khác: Không; sinh năm: 1976; tại: Điện Biên. Nơi ĐKNKTT: Bản H, xã T, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: 2/12; dân tộc: Thái; Tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lường Văn A (đã chết) và bà: Lường Thị L (đã chết); Bị cáo chưa có vợ con; Tiền sự: Không; Tiền án: 04 tiền án. Ngày 31/3/1998, bị Tòa án nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên xử phạt 24 tháng tù về tội: Cố ý gây thương tích. Ngày 21/02/2001, Tòa án nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện biên xử phạt 30 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngày 20/02/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xử phạt 08 năm tù về tội Cướp tài sản và 02 năm tù về tội Trộm cắp tài sản. Ngày 25/9/2012, Tòa án nhân dân huyện Điện Biên xử phạt 30 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Nhân thân: Chưa được xoá án tích. Bị cáo bị tạm giam từ ngày: 05/01/2018. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bị hại: Anh Quàng Văn S; SN: 1964; Trú tại: Bản S 1, xã T, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là ngƣời làm chứng: Chị Lò Thị M; SN: 1966; Trú tại: Bản S 1, xã T, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Người m chứng:

1. Anh Quàng Văn Kh; SN: 1993; Trú tại: Bản S 1, xã T, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.2. Chị Lò Thị Ch; SN: 1984; Trú tại: Bản H, xã T, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.(Anh S, chị M, anh Kh, chị Ch có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 20 giờ 45 phút ngày 21/6/2017, Lường Văn D mang theo một con dao mũi nhọn quấn bên ngoài bằng mảnh vải màu đen để trong túi quần rồi đi đến nhà anh Quàng Văn S ở Bản S 1, xã T, huyện Điện Biên để hỏi về việc vào tháng 7 năm 2012, anh S điều khiển xe mô tô gây tai nạn làm bà Lường Thị L là mẹ đẻ của D chết đã được giải quyết như thế nào. Tại bàn uống nước nhà anh S, D ngồi đối diện với anh S hỏi chuyện, anh S nói sự việc đã được giải quyết xong, anh S đã đền bù cho gia đình rồi có gì về hỏi anh, chị của D. Nhưng D cho rằng số tiền anh S đền bù D không được tiêu hai bên lời qua tiếng lại. Khi đó D nói: “Anh trả lời đi, anh muốn trả lời bằng máu à”, anh S đáp lại: “Tùy chú muốn làm gì thì làm”, nghe vậy D rút con dao trong túi quần ra đặt lên bàn và bỏ mảnh vải bọc dao ra, tay phải cầm dao đứng dậy, anh S cũng đứng lên, lập tức D giơ dao ngang mặt đâm về phía trước người anh S, anh S giơ tay trái lên đỡ và nắm được cẳng tay D đang cầm dao. D và anh S giằng co nhau, do cổ tay của D vẫn cử động được nên đã cứa một nhát dao vào mặt trước phía ngoài cẳng tay trái của anh S gây rách da. Anh S bỏ chạy ra phía cửa chính thì vấp vào đống thóc ngã nằm xuống sàn nhà, D đuổi theo đến chỗ anh S dùng chân phải đạp ba nhát vào lưng anh S. Khi đó, chị Lò Thị M (vợ anh S) và Quàng Văn Kh (con trai anh S) đang ngồi gần đó đã can ngăn không cho D đánh anh S. Chị M đỡ anh S đứng dậy, D liền dí dao vào mang tai trái của anh S cứa một nhát vào má trái gây vết thương rách da. Anh S bỏ chạy xuống dưới vào phía gầm sàn nhà nhặt một đoạn gậy gỗ, D chạy đuổi theo xuống dưới đứng ở góc sân phía gần cổng và quay mặt vào phía gầm sàn nhà cách khoảng 5,3m thì nhìn thấy anh S tay phải cầm gậy gỗ chạy đến phía D và nói: “Mày đến nhà tao, mày giết tao à”. Khi chạy đến gần bị cáo, anh S giơ gậy vụt một nhát về phía D, D dùng tay trái đỡ được gậy của anh S, đồng thời dùng tay phải đang cầm dao đâm hai nhát liên tiếp theo hướng từ phải sang trái, từ ngoài vào trong, một nhát trúng vào vùng nách sau bên trái gây tổn thương màng phổi trái; một nhát trúng vào vùng hạ sườn trái gây tổn thương ruột (thủng hỗng tràng). Anh S bỏ tay cầm gậy ra, ôm vết thương đang chảy máu chạy về phía gầm sàn nhà qua chân cầu thang thì gục ngã. Anh Quàng Văn S được đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên từ ngày 21/6/2017 đến ngày 03/7/2017 thì ra viện.

Sau khi đâm anh S, D cầm con dao và đoạn gậy gỗ về nhà, khi đi qua nhà anh Lường Văn H và chị Lò Thị Ch (H là anh trai của Dương) D vào gọi cửa, D nói lại sự việc đã đâm anh S rồi để chiếc gậy gỗ tại nhà anh chị H, Ch và dặn chị Ch nếu công an đến thì đem ra nộp, sau đó D về nhà. Sau khi D về, chị Ch đã trình báo sự việc với Công an xã T, huyện Điện Biên. Đến khoảng 01 giờ ngày 22/6/2017, D bỏ trốn khỏi địa phương và đi làm thuê cho mỏ than tại tỉnh Quảng Ninh. Trên đường bỏ trốn D đã vứt con dao dùng đâm anh S tại đoạn đường thuộc khu bờ mương xã T, huyện Điện Biên cách nhà D khoảng 500m. Ngày 04/01/2018, Lường Văn D đến Hà Nội thì bị Công an phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội bắt theo Quyết định truy nã.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số: 46/TgT ngày 28/6/2017 của Trung tâm Pháp y, Sở Y tế tỉnh Điện Biên, đã xác định dấu vết thương tích của anh S do tác động ngoại lực của vật sắc nhọn gây ra gồm: 01 vết thương phần mềm ở 1/3 trên mặt trước ngoài cẳng tay trái có kích thước 8cm x 0,1cm; 01 vết thương phần mềm từ vành tai trái xuống đến phía ngoài mép trái có kích thước 14,8cm x 0,2cm; 01 vết thương ở đường nách sau bên trái cách hố nách trái 7cm có kích thước 6cm x 0,1cm; 01 vết thương phần mềm ở vùng hạ sườn trái có kích thước 3,2cm x 0,1cm; tổn thương màng phổi trái; tổn thương ruột (thủng hỗng tràng). Các dấu vết thương tích do quá trình can thiệp của y tế gồm có: 01 vết đặt sonde dẫn lưu màng phổi ở đường nách sau bên trái có kích thước 2cm x 0,2cm; 01 vết mổ dưới rốn có kích thước 15,5cm x 0,1cm; 01 vết đặt sonde dẫn lưu ổ bụng ở vùng hố chậu phải có kích thước 1,5cm x 1,4 cm. Kết luận: Các vết thương phần mềm là: 9%; tổn thương màng phổi trái đã phẫu thuật: 4%; tổn thương ruột: 33%. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên cho anh S là: 41%. Bị cáo và người bị hại không có ý kiến gì về Bản kết luận giám định pháp y về thương tích.

Tại phiên tòa bị cáo Lường Văn D một lần nữa đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu ở trên. Người bị hại Quàng Văn S, người có quyền lợi, nghĩa vụ đồng thời là người làm chứng Lò Thị M, người làm chứng anh Quàng Văn Kh, Lò Thị Ch đều thừa nhận bị cáo D đã khai đúng hành vi phạm tội của bị cáo không có ý kiến gì bổ sung hay thay đổi đối với các lời khai của bị cáo D. Anh S và chị M yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại với số tiền là: 38.868.000đ theo văn bản đề nghị ngày 08/6/2018. Bị cáo hoàn toàn nhất trí với các yêu cầu bồi thường thiệt hại của anh S và chị M.

Tại bản Cáo trạng số 92/CT-VKSĐB ngày 17/5/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã truy tố bị cáo Lường Văn D về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại phiên tòa trong phần tranh luận đại diện VKSND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo và đề nghị HĐXX áp dụng Căn cứ Khoản 3 Điều 7; Điểm c Khoản 3 Điều 134; Điểm h Khoản 1 Điều 52; Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 BLHS sự năm 2015. Xử phạt bị cáo từ 07 năm đến 07 năm 06 tháng tù. Căn cứ Điểm c Khoản 2 Điều 106/BLTTHS năm 2015: Tịch thu tiêu hủy 01 một đoạn gậy gỗ. Căn cứ Điều 48/BLHS năm 2015; Điều 584; 585; 590/BLDS năm 2015 buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo phải chịu án phí dân sự có giá ngạch tương ứng với mức tiền bị cáo phải bồi thường thiệt hại.

Bị cáo hoàn toàn nhất trí với bản Cáo trạng, không có ý kiến tự bào chữa và cũng không có ý kiến tranh luận với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến gì về bản Cáo trạng cũng như bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát.

Lời nói sau cùng của bị cáo ngoài xin giảm nhẹ hình phạt bị cáo không có ý kiến gì khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi và các Quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Điện Biên, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Điện Biên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hoặc có khiếu nại gì về hành vi, Quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, Quyết định tố tụng của các cơ tiến hành tố tụng huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã thực hiện đều hợp pháp Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2]. Về hành vi của bị cáo: Vì lý do năm 2012 anh Quàng Văn S đã gây ra vụ tai nạn giao thông làm bà Lường Thị L mẹ của Lường Văn D chết, nên ngày 21/6/2017 Lường Văn D đã đến nhà anh S để hỏi về việc anh S gây ra cái chết cho mẹ bị cáo. Trong quá trình nói chuyện do không giữ được bình tĩnh Lường Văn D đã dùng dao gây ra thương tích cho anh Quàng Văn S. Mặc dù đã được vợ anh S là chị Lò Thị M và con trai là Quàng Văn Kh can ngăn nhưng D vẫn cố tình dùng dao nhọn gây thương tích cho anh S gồm: 01 vết thương phần mềm ở 1/3 trên mặt trước ngoài cẳng tay trái; 01 vết thương phần mềm từ vành tai trái xuống đến phía ngoài mép; 01 vết thương ở đường nách sau bên trái cách hố nách trái; 01 vết thương phần mềm ở vùng hạ sườn trái; tổn thương màng phổi trái; tổn thương ruột (thủng hỗng tràng). Hành vi của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng, Kết luận giám định pháp y về thương tích số: 46/TgT ngày 28/6/2017 của Trung tâm Pháp y, Sở Y tế tỉnh Điện Biên và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do vậy có đủ căn cứ pháp lý kết luận hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội: “Cố ý gây thương tích” theo quy định Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mặc dù Cơ quan Điều tra không thu giữ được con dao nhưng bị cáo đã thừa nhận các vết thương của anh S là do bị cáo dùng dao nhọn gây ra lời khai của bị cáo phù hợp với Kết luận giám định pháp y về cơ chế hình thành các dấu vết thương tích của anh S là do tác động ngoại lực của vật sắc nhọn gây nên, phù hợp các lời khai của anh S của người làm chứng Lò Thị M, Quàng Văn Kh, Lò Thị Ch. Con dao bị cáo dùng để gây thương tích là “hung khí nguy hiểm” được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 104/BLHS năm 1999. Bị cáo cho rằng bị cáo sang nhà anh S để hỏi về việc tháng 7/2012, anh S ây tai nạn giao thông làm bà Lường Thị L, mẹ của D, tại buổi nói chuyện bị cáo mất bình tĩnh đã gây thương tích cho anh S. Việc anh S gây nên cái chết cho mẹ bị cáo sảy ra đã lâu, bản thân anh S đã bị pháp luật xử lý và đã thực hiện việc bồi thường cho gia đình bà L.

Mặt khác từ khi ra tù ngày 02/01/2015 đến ngày bị cáo gây thương tích cho anh S 21/6/2017 là hơn 02 năm bị cáo cũng không lần nào đến gặp anh S hay có bất cứ thái độ gì bực tức đối với anh S về việc anh S gây nên cái chết cho mẹ bị cáo. Nên việc bị cáo không vì nguyên cớ gì dùng dao nhọn hành động rất manh động gây nhiều thương tích cho anh S trong thời ngắn phải được coi là “phạm tội có tính chất côn đồ” theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 104/BLHS năm 1999. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên cho anh Quàng Văn S hiện tại là 41% lẽ ra chỉ thuộc Khoản 2 Điều 104/BLHS năm 1999 nhưng bị cáo dùng “hung khí nguy hiểm” gây thương tích và “phạm tội có tính chất côn đồ” như đã phân tích ở trên nên bị cáo phải bị áp dụng tình tiết định khung theo quy định tại Khoản 3 Điều 104/BLHS năm 1999. Cáo trạng truy tố bị cáo là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bị cáo là người có đủ năng lực để chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phạm tội của bị cáo.

[3]. Về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm, hành vi đó đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác được luật hình bảo vệ, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an, an toàn xã hội trên địa bàn huyện Điện Biên nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Tội phạm mà bị cáo vi phạm là tội phạm rất nghiêm trọng, vì vậy cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

[4]. Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Ngày 31/3/1998, bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Điện Biên xử phạt 24 tháng tù về tội: Cố ý gây thương tích; ngày 21/02/2001, bị Tòa án nhân dân huyện Điện Biên xử phạt 30 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, ngày 02/9/2002 bị cáo chấp hành xong hình phạt; ngày 20/02/2004, bị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, xử phạt 08 năm về tội Cướp tài sản và 02 năm tù về tội Trộm cắp tài sản; tổng hợp hình phạt là 10 năm tù; ngày 25/10/2011 chấp hành xong hình phạt; ngày 25/9/2012, bị Tòa án nhân dân huyện Điện Biên, xử phạt 30 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản; ngày 02/01/2015 bị cáo chấp hành xong hình phạt. Cả bốn bản án trên bị cáo đều đã chấp hành xong, nhưng chưa được xóa án tích theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Bộ luật hình sự năm 2015, bị cáo đã bị áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm chưa được xóa án tích lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng nên phải chịu tình tiết tăng nặng “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 5 BLHS năm 2015. Sau khi phạm tội và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình; bị cáo có bố đẻ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng nhì nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51/BLHS năm 2015.

[5]. Bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ 05 năm tù đến 15 năm tù, nhưng theo quy định tại Khoản 3 Điều 134/BLHS năm 2015 có khung hình phạt từ 05 đến 10 năm tù. So với Bộ luật hình sự năm 1999 thì mức hình phạt quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 là có lợi cho bị cáo. Hội đồng xét xử sẽ căn cứ Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội khóa 14 để áp dụng quy định tại Khoản 3 Điều 134/BLHS năm 2015 khi quyết định mức hình phạt cho bị cáo. Mặc dù vậy HĐXX nhận thấy bị cáo phạm tội với lỗi cố ý, tỷ lệ thương tổn bị cáo gây ra cho anh Slà 41%, bị cáo là người có nhân thân rất xấu đã nhiều lần bị Toà án xét xử bị cáo nhưng không chịu tu dưỡng rèn luyện tiếp tục vi phạm pháp luật nên cần phải áp dụng hình phạt tù cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội để tiếp tục cải tạo giáo dục bị cáo thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.

[6]. Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo gây thương tích cho anh S vào ngày 21/6/2017 nên Toà án áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự 2015 để xem xét giải quyết. Trong hồ sơ vụ án thể hiện anh S yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho anh số tiền 33.718.000 đ. Tuy nhiên đến ngày 08/6/2018 anh S và chị M lại có văn bản thay đổi về các khoản bồi thường, tại phiên tòa anh S đề nghị Tòa án xem xét các đề nghị bồi thường theo văn bản ngày 08/6/2018, HĐXX chấp nhận sự thay đổi này. Bị cáo phạm tội với lỗi cố ý, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48/BLHS năm 2015; Khoản 1 Điều 584; Điều 585; Khoản 1 Điều 586; Điều 590/BLDS năm 2015 bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm cho anh S và chị M. Tại văn bản ngày 08/6/2018 anh S và chị M yêu cầu bị cáo phải bồi thường các khoản tiền sau:

- Tiền viện phí: 166.000đ

- Tiền mua thuốc: (4.312.000đ + 690.000 đ) = 5.002.000đ

- Tiền bồi dưỡng sức khoẻ trong thời gian anh S nằm viện: 13 ngày x 100.000đ = 1.300.000đ

- Thu nhập thực tế bị mất trong thời gian anh S nằm viện (từ ngày 21/6/2017 đến ngày 03/7/2017 ra viện) là: 13 ngày x 150.000đ = 1.950.000đ

- Tiền thu nhập thực tế bị mất trong thời gian anh S nghỉ ở nhà phục hồi sức khoẻ: 30 ngày x 150.000đ = 4.500.000đ.

- Tiền tổn thất tinh thần với tỷ lệ thương tổn 41% cơ thể là: 24.000.000đ. Tổng các khoản bị cáo phải bồi thường cho anh S là: 36.918.000đ

- Thu nhập thực tế của chị M bị mất trong thời gian chăm anh S nằm viện là: 13 ngày x 150.000đ = 1.950.000đ

[6.1]. Xét các khoản anh S và chị M yêu cầu bị cáo phải bồi thường:

[6.1.2]. Đối với khoản tiền viện phí 166.000đ  và 5.002.000đ tiền thuốc có hoá đơn nên HĐXX chấp nhận.

[6.1.3]. Tiền bồi dưỡng sức khoẻ trong thời gian anh S nằm viện: 13 ngày x 100.000đ = 1.300.000đ. Trong thời gian anh S nằm viện điều trị vết thương nên cần thiết phải mua thức ăn, đường, sữa bồi dưỡng cho anh S với mức chi phí 100.000đ/ngày là phù hợp vì vậy HĐXX chấp nhận.

[6.1.4]. Thu nhập thực tế bị mất trong thời gian anh S nằm viện là: 13 ngày x 150.000đ = 1.950.000đ. Nghề nghiệp chính của anh S là làm ruộng, ngoài ra anh S còn đi làm thuê. Trong thời gian anh S nằm viện anh S đã bị mất thu nhập với mức yêu cầu bồi thường là 150.000đ/ngày đã được UBND xã T xác nhận mức yêu cầu này phù hợp với giá ngày công lao động phổ thông tại địa phương do vậy HĐXX chấp nhận.

[6.1.5]. Tiền thu nhập thực tế bị mất trong thời gian anh S nghỉ ở nhà phục hồi sức khoẻ: 30 ngày x 150.000đ = 4.500.000đ. Anh S bị tổn thương cơ thể là 41%, sau khi anh ra viện cần phải có thời gian nghỉ phục hồi sức khoẻ. Với thời gian 1 tháng nghỉ phục hồi sức khoẻ và khoản tiền yêu cầu bị cáo bồi thường 4.500.000đ là phù hợp nên HĐXX chấp nhận.

[6.1.6]. Tiền tổn thất tinh thần là: 24.000.000đ. Theo quy định tại khoản 2 Điề 590/BLDS năm 2015 mức bồi thường không quá 50 lần mức lương cơ sở (50 x 1.300.000đ/tháng = 65.000.000đ). Anh S bị tổn thương cơ thể là 41% nên mức bồi thường tổn thất về tinh thần anh S đưa ra 24.000.000đ là phù hợp nên HĐXX chấp nhận. Tổng các khoản bị cáo phải bồi thường cho anh S là: 36.918.000đ.

[6.1.7]. Tiền thu nhập thực tế của chị M bị mất trong thời gian chăm anh Snằm viện là: 13 ngày x 150.000đ = 1.950.000đ. Anh S nằm viện 13 ngày do vậy việc chị M yêu cầu phải bồi thường khoản tiền thu nhập của chị M bị mất do phải nghỉ để chăm anh S là phù hợp HĐXX chấp nhận đề nghị này của chị M.

[6.1.8]. Tổng các khoản tiền bị cáo phải bồi thường cho anh S và chị M là: 38.868.000đ. Bị cáo D nhất trí đối với các yêu cầu của anh S và chị M.

[7]. Vật chứng của vụ án: Con dao bị cáo dùng để đâm anh S, trên đường bỏ trốn D đã bỏ tại đoạn đường thuộc khu bờ mương xã T, huyện Điện Biên cách nhà D khoảng 500m. Ngày 12/01/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Điện Biên đã tiến hành truy tìm con dao nhưng không thấy nên HĐXX không xem xét; 01 đoạn gậy gỗ do Lò Thị Ch giao nộp là gậy anh S dùng để đánh bị cáo, cần tịch thu, tiêu hủy theo điểm c Khoản 2 Điều 106/BLTTHS năm 2015.

[8]. Lò Thị Ch biết Lường Văn D dùng dao đâm gây thương tích cho anh Quàng Văn S gây thương tích, Chinh đã trình báo Công an xã T và giao nộp đoạn gậy gỗ cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Điện Biên. Do vậy, hành vi của Lò Thị Ch không cấu thành tội phạm; Quàng Văn S dùng gậy gỗ để đánh Lường Văn D, nhưng chưa gây ra hậu quả, nên không đề cập xử lý trong vụ án.

[9]. Về án phí: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm a Khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVHQ14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo phải chịu 200.000đ án phí HSST; bị cáo phải bồi thường cho anh Svà chị M số tiền 38.868.000đ nên bị cáo còn phải chịu 1.943.400đ án phí DSST có giá ngạch (38.868.000đ x 5% = 1.943.400đ)

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điểm c Khoản 3 Điều 134; Điểm s Khoản 1 Điều 51; Điểm h Khoản 1 Điều 52; Khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015; Nghị quyết 41/QH14 ngà 20/6/2017 của Quốc Hội khóa 14.

1. Tuyên bố: Bị cáo Lường Văn D phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Xử phạt bị cáo Lường Văn D 07 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giam là 05/01/2018.

3. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào Điều 48/BLHS năm 2015; Điều 357; Điều 468; Khoản 1 Điều 584; Điều 585; Khoản 1 Điều 586; Điều 590/BLDS năm 2015. Bị cáo phải bồi thường cho anh Quàng Văn S và chị Lò Thị M cụ thể như sau:

3.1 Bồi thường cho anh Quàng Văn S các khoản tiền sau:

- Tiền viện phí: 166.000đ

- Tiền mua thuốc: 5.002.000đ

- Tiền bồi dưỡng sức khoẻ trong thời gian anh Snằm viện: 1.300.000đ

- Thu nhập thực tế bị mất trong thời gian anh S nằm viện: 1.950.000đ

- Tiền thu nhập thực tế bị mất trong thời gian anh S nghỉ ở nhà phục hồi sức khoẻ: 4.500.000đ.

- Tiền tổn thất tinh thần: 24.000.000đ. Tổng các khoản bị cáo phải bồi thường cho anh S là: 36.918.000đ

3.2. Bồi thường cho chị Lò Thị M khoản tiền thu nhập thực tế bị mất trong thời gian chăm anh S nằm viện là: 1.950.000đ.

3.3. Tổng các khoản tiền bị cáo phải bồi thường cho anh S và chị M là: 38.868.000đ.

Kể từ ngày anh S, chị M có đơn yêu cầu thi hành án nếu bị cáo không tự nguyện thi hành đối với khoản phải bồi thường cho anh S và chị M thì bị cáo phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Về vật chứng: Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:

- Tịch thu tiêu hủy 01 gậy gỗ.

(Toàn bộ vật chứng của vụ án đã được cơ quan Điều tra Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chuyển giao cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 01/6/2018).

5. Về án phí: Căn cứ Khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và điểm a, điểm c  Khoản 1 Điều 23; Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVHQ 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử d ụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Lường Văn D phải chịu 200.000đ án phí HSST và 1.943.400đ án phí DSST có giá ngạch

6. Quyền kháng cáo: Bị cáo, anh S có quyền kháng cáo bản án; chị M có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của chị mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (29/6/2018).

"Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự".

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

439
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 160/2018/HSST ngày 29/06/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:160/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Điện Biên - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về