Bản án 16/2018/HS-ST ngày 20/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỨC PHỔ, TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 16/2018/HS-ST NGÀY 20/11/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 20 tháng 11 năm 2018 Tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 15/2018/ HSST ngày 26/9/2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 17/2018/QĐXXST- HS ngày 06 tháng 11 năm 2018 đối với bị cáo: Trương Đ – sinh ngày 04/8/1975 tại huyện Z, tỉnh Quảng Ngãi; Nơi cư trú: Thôn A, xã B, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Lái xe; Trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Con ngoài giá thú và bà Trần Thị T (chết); vợ: Lữ Thị Kim T; con: có hai đứa lớn nhất sinh năm 2000, nhỏ nhất sinh năm 2002; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

Người bị hại: Anh Nguyễn P – sinh năm 1988. Có mặt

Nơi cư trú: Thôn C, xã D, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Chị Phạm Thị K - sinh năm 1984

Nơi cư trú: Thôn M, xã N, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi. Có mặt

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Phạm Thị K có bà Hồng Thị T – Trợ giúp viên pháp lý, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi. Có mặt

Người phiên dịch: Anh Phạm Văn  H – sinh năm 1997. Có mặt

Nơi cư trú: Thôn H, xã K, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi.

Người làm chứng: Bà Đỗ Thị K, ông Phạm Văn T, ông Phạm Văn V, ông Phạm Văn L, anh Phạm Văn T, ông Phạm Văn C

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắc như sau:

Do có mâu thuẫn trong việc gọi công làm gỗ keo. Vào khoảng 10 giờ 00 phút ngày 22/3/2018, Trương Đ (SN 04/08/1975, trú tại thôn A, xã B, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển xe ô tô chở một số người nhân công đi làm gỗ keo cho người dân ở tỉnh Bình Định. Khi đến Km số 7 thuộc thôn E, F, I, Đ đỗ xe trước quán cà phê của bà Đỗ Thị K (SN 1967, trú tại E – F) để cho những người nhân công đi chợ. Một lúc sau, Nguyễn P (SN 20/4/1988, trú tại thôn C, xã D, huyện Y) cũng điều khiển xe ô tô chở người nhân công đi làm gỗ keo đến đỗ gần xe của Trương Đ, thấy Phạm Thị K (SN 20/04/1984, trú tại thôn M, xã N, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi) từ trên xe của P bước xuống, thì Trương Đ đến kéo K ra nói chuyện với nhau về việc gọi đi làm công, trong lúc cãi vả Đ dùng tay trái nắm phía sau gáy và dùng tay phải tát một cái vào vùng mặt của K rồi thả ra. Thấy vậy, Nguyễn P nói với Trương Đ tại sao đánh Phạm Thị K và hô hào một số người nhân công đi trên xe của P đứng gần đó đánh lại Đ, nhưng mọi người đứng yên không có phản ứng hay hành động gì. Nghe P hô hào người nhân công đánh mình và đã có mâu thuẫn với nhau từ trước nên Trương Đ nhặt một viên gạch (loại gạch nung 06 lỗ, không còn nguyên vẹn) tại khu vực gốc cây sanh trước quán cà phê của bà K gần vị trí Đ đang đứng (bên cạnh xe của Đ và P đang đỗ) rồi dùng tay phải ném về phía vị trí của Nguyễn P đang đứng đối diện nên trúng vào vùng đầu của P gây thương tích. Khi bị Trương Đ ném gạch trúng vào đầu mình, P xông đến đánh lại thì bị Trương Đ dùng hai tay ôm chặt và hai bên giằng co với nhau đến gốc cây sanh, sau đó được mọi người can ngăn. Hậu quả Nguyễn P bị thương ở vùng đầu và được đưa đi bệnh viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng từ ngày22/03/2018 đến 31/03/2018.

Cơ  quan  CSĐT  Công  an  huyện  Đức Phổ đã thu thập tài liệu bệnh án và trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của Nguyễn P và Phạm Thị K, kết quả như sau:

- Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 62/2018/GĐPY ngày27/4/2018 của Phòng giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của Nguyễn P là 03%. Tổn thương phù hợp với vật tày gây nên

- Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 65/2018/GĐPY ngày27/4/2018 của Phòng giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi kết luận tỷlệ tổn thương cơ thể của Phạm Thị K là 01%. Tổn thương phù hợp với vật tày gây nên.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hay khiếu nại gì về hai kết luận giám định nêu trên.

Cáo trạng số: 14/CT - VKS –ĐP ngày 25/9/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã truy tố Trương Đ về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm2017. Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Phổ vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo Trương Đ về tội “Cố ý gây thương tích” và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 134, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 xử phạt bị cáo từ 09 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định pháp luật

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: Đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu tiêu hủy 05 miếng gạch và mẫu tóc còn lại sau giám định.

Tiếp tục tạm giữ số tiền bị cáo 10.000.000đồng để đảm bảo thi hành án.

Tại phiên tòa người bị hại vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi tố đối với bị cáo và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo bồi thường cho chị Phạm Thị K các khoản chi phí thuốc men, đi lại, mất thu  nhập và tổn thất tinh thần với tổng số tiền 10.216.400đồng.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quan đồng ý với quyết định truy tố của Viện kiểm sát.

Lời nói sau cùng của bị cáo là xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra công an huyện Đức Phổ, điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Phổ, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

 [2] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên tòa bị cáo Trương Đ đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Phổ đã truy tố. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo trong giai đoạn điều tra; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án. Bị cáo dùng cục gạch gây thương tích cho người khác được xem là dùng hung khí nguy hiểm và thực tế đã gây thương tích cho anh Nguyễn P với tỉ lệ thương tật là 03% nên Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định bị cáo Trương Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Vậy cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Phổ đã truy tố bị cáo Trương Đ về tội “ Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng người và đúng tội.

 [3] Xét bị cáo nhận thức và hiểu biết pháp luật, bị cáo thừa hiểu sức khỏe và tính mạng của công dân được nhà nước và pháp luật bảo vệ nhưng chỉ vì mâu thuẩn trong việc làm ăn mà bị cáo đã sử dụng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người khác, gây mất trật tự xã hội nên cần phải áp dụng mức hình phạt tương xứng với tính chất và hành vi phạm tội của bị cáo để giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả cho người bị hại, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự và người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo được quy định tại các điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 [4] Xét bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt được thể hiện bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra ngoài đời sống xã hội mà xử phạt bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo và giao bị cáo cho chính quyền địa phương quản lý, giáo dục cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

 [5] Đối với hành vi dùng tay đánh gây thương tích cho chị Phạm Thị K với tỉ lệ thương tật 01% không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên Cơ quan cảnh sát điều tra không khởi tố là có căn cứ.

 [6] Về trách nhiệm dân sự:

[6.1] Người bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường các khoản sau:

- Tiền viện phí trong thời gian điều trị thương tích là: 9.448.588 đồng

- Tiền xe chở đi cấp cứu và điều trị: 8.560.000đồng

- Tiền ăn uống, ở của người bị hại và người chăm sóc trong thời gian điều trị 10 ngày là: 2.000.000đồng

-  Tiền  mất  thu  nhập  của  người  chăm  sóc  trong  thời  gian  điều  trị: 2.000.000đồng

-  Tiền trả chi phí cho việc chăm sóc con 04 tuổi và mẹ già 70 tuổi trong thời gian 10 ngày: 2.500.000đồng

- Tiền mất thu nhập của người bị hại trong thời gian điều trị 10 ngày là 20.000.000đồng

-  Tiền  bồi  dưỡng  phục  hồi  sức khỏe trong thời gian điều trị tại nhà 30 ngày là 3.000.000đồng

Xét yêu cầu của người bị hại có phần không hợp lý, bởi lẽ chi phí cho việc ăn uống cũng như việc chăm sóc con và mẹ già đã bao gồm trong khoản tiền yêu cầu mất thu nhập của người bị hại cũng như người chăm sóc trong thời gian điều trị. Đối với yêu cầu bồi thường ngày công thu nhập bị mất mỗi ngày 2.000.000đồng nhưng anh P không cung cấp được tài liệu chứng minh cho yêu cầu của anh nên, Hội đồng xét xử cần buộc bị cáo bồi thường cho người bị hại các khoản chi phí sau:

- Tiền viện phí trong thời gian điều trị thương tích có hóa đơn chứng từ là:9.448.588 đồng

- Tiền chi phí đi lại trong thời gian điều trị có hóa đơn, chứng từ hợp pháp: 4.560.000đồng

- Tiền mất thu nhập của người chăm sóc trong thời gian điều trị từ ngày 22/3/2018 đến ngày 31/3/2018: 200.000đồng/ngày x 10 ngày = 2.000.000đồng

-  Tiền  mất  thu  nhập  của  người  bị  hại  trong  thời  gian  điều  trị  từ  ngày 22/3/2018 đến ngày 31/3/2018: 200.000đồng/ngày x 10 ngày = 2.000.000đồng

- Tiền tổn thất tinh thần: 4.170.000đồng (tương đương với 03 tháng lương cơ sở)

Tổng số tiền bị cáo phải bồi thường cho bị hại là: 22.178.588đồng

[6.2] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phạm Thị K yêu cầu bồi thường các khoản sau:

- Tiền viện phí trong thời gian điều trị thương tích là: 2.046.480đồng

- Tiền xe chở đi cấp cứu và điều trị: 5.400.000đồng

- Tiền mất thu nhập trong thời gian điều trị và không đi làm trong thời gian 15 ngày là: 2.700.000đồng

- Tiền tổn thất tinh thần: 2.780.000đồng

- Tiền bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian 15 ngày: 120.000đồng x 15 ngày = 1.800.000đồng

Xét yêu cầu của chị Phạm Thị K, Hội đồng xét xử xét thấy phần yêu cầu của chị có phần không hợp lý, bởi lẽ thương tích của chị sau khi bị cáo dùng tay tát vào mặt là 01% và sau khi đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ thì kết quả khám phần đầu của chị không bị ảnh hưởng nên yêu cầu mất thu nhập sau khi  bị đánh là 15 ngày cũng như tiền bồi dưỡng sức khỏe sau khi bị đánh là không có cơ sơ và không hợp lý. Mặc khác, tại phiên tòa chị K trình bày đi ra Đà Nẵng khám bệnh bằng phương tiện xe khách giường nằm chứ không phải thuê xe như chứng từ chị đã cung cấp nên Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của chị và buộc bị cáo phải bồi thường các khoản sau:

- Tiền viện phí trong thời gian điều trị thương tích có hóa đơn chứng từ là: 2.046.480đồng

- Tiền xe chở đi cấp cứu và điều trị: 3.000.000đồng

- Tiền mất thu nhập trong thời gian điều trị hai ngày (22/3/2018 và ngày 27/3/2018) là: 180.000đồng/ngày x 02 ngày = 360.000đồng

- Tiền tổn thất tinh thần: 1.390.000đồng (tương đương với 01 tháng lương cơ sở)

Tổng số tiền bị cáo phải bồi thường cho chị Phạm Thị K là: 6.796.480đồng

[7] Về xử lý vật chứng: Cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ 05 miếng gạch và mẫu tóc còn lại sau giám định. Xét các vật chứng không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy

Tiếp tục tạm giữ số tiền 10.000.000đồng bị cáo đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ để đảm bảo thi hành án.

[8] Về án phí: Bị cáo phải nộp 200.000đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và (28.975.068 đồng – 10.000.000đồng) x 5% = 948.753đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm

 [9] Xét đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Phổ về hình phạt, trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Xét đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Phạm Thị K có một phần không phù hợp với Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1/ Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 134, điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổi sung năm 2017.

2/  Tuyên  bố  bị  cáo  Trương  Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”

Xử phạt bị cáo Trương Đ 09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 (mười tám) tháng, kể từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo Trương Đ cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện Y, tỉnh Quảng Ngãi giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

 “Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.

3/ Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015.

Buộc  bị  cáo  Trương  Đ  phải  bồi  thường  cho  anh  Nguyễn  P  số  tiền 22.178.588đồng (hai mươi hai triệu, một trăm bảy mươi tám ngàn, năm trăm tám mươi tám đồng) và bồi thường cho chị Phạm Thị K số tiền 6.796.480đồng (sáu triệu, bảy trăm chín mươi sáu ngàn, bốn trăm tám mươi đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành hết các hoản phải thi hành thì phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả.

4/ Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

- Tịch thu tiêu hủy: 01 (một) hộp giấy dán kín, có hình niêm phong của Phân viện khoa học hình sự tại T.P Đà Nẵng và chữ ký của Đỗ Văn T, Huỳnh Quang T (bên trong là miếng gạch số 01 và mẫu tóc còn lại sau giám định).

- 01 (một) hộp giấy (A4) bằng cát tông, bên ngoài được bọc bằng giấy trắng dán kín, có chữ ký xác nhận của ông: Đoàn P, Dương Thành T, Nguyễn Trung T, Trương Đ, Nguyễn Ngọc Đ và đóng dấu của Cơ quan CSĐT- Công an huyện Đức Phổ (bên trong là bốn miếng “cục” gạch đánh số 2, số 3, số 4, số 5).

Theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 11/10/2018 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Phổ và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Tiếp  tục  tạm  giữ    số    tiền 10.000.000đồng (mười triệu đồng) của bị cáo đã nộp theo biên lai số: AA/2010/09359 ngày 24/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để đảm bảo thi hành án.

5/ Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 01 Điều 23 Nghị quyết số: 326/UBTVQH 14 ngày 30/ 12/ 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án buộc bị cáo Trương Đ phải nộp 200.000đồng (hai trăm ngàn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm và 948.753đồng (chín trăm bốn mươi tám ngàn, bảy trăm năm mươi ba đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự và người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

208
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2018/HS-ST ngày 20/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:16/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Đức Phổ - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về