Bản án 194/2017/DS-PT ngày 25/12/2017 về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại sức khỏe

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 194/2017/DS-PT NGÀY 25/12/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI SỨC KHỎE

Trong các ngày 22 và ngày 25 tháng 12 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 154/2017/TLPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2017, về việc “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 61/2017/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 263/2017/QĐ-PT ngày 16 tháng 11 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Hoàng K (S), sinh năm 1977 (có mặt). Địa chỉ: ấp số 01, xã Đ, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

2. Bị đơn:

2.1. Ông Phạm Văn L, sinh năm 1984 (có mặt).

2.2. Ông Lê Thành T1, sinh năm 1974 (có mặt).

Cùng địa chỉ: ấp Kinh Ngây, xã Đ, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

3. Người làm chứng:

3.1. Ông Nguyễn Trung H, sinh năm 1984 (vắng mặt). Địa chỉ: Ấp Hậu Bối, xã Đ, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

3.2. Ông Lê Trường A, sinh năm 1990 (vắng mặt). Địa chỉ: Ấp Xóm Chòi, xã Kế An, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.
 
3.3. Ông Lê Văn T2, sinh năm 1982 (có mặt). 
Địa chỉ: Ấp số 1, xã Đ, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng K và bị đơn ông Phạm Văn L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Hoàng K thì vụ án có nội dung như sau:

Vào khoảng 19 giờ ngày 28-02-2017 nguyên đơn K cùng em ruột tên Nguyễn Văn Trinh uống cà phê tại quán cà phê của ông U, thuộc ấp Số M, xã Đ, huyện K, tỉnh Sóc Trăng. Trong lúc uống cà phê thì gặp chị Phạm Thị T thì các bên đã xảy ra cự cãi về chuyện mua dừa, các bên có xô đẩy nhau thì được mọi người trong quán can ra nên nguyên đơn K đi về nhà, lúc đó chị T gọi điện thoại cho em ruột là bị đơn Phạm Văn L và chồng là bị đơn Lê Thành T1 biết và nói là bị nguyên đơn K đánh, khi nguyên đơn trên đường về nhà cách quán ông U được khoảng 50m thì bị đơn T1 và L gặp nguyên đơn K thì các bên xảy ra cự cãi rồi đánh nhau, bị đơn L đã dùng cây (không thấy rõ là cây gì vì lúc đó trời tối) đánh trúng đầu nguyên đơn K gây thương tích phải đi điều trị tại bệnh viện nhiều ngày.

Sau khi xuất viện, nguyên đơn K yêu cầu giám định thương tích và xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 02%. Ngày 14-7-2017 cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện K đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc nêu trên. Từ khi bị đánh gây thương tích đến nay, bị đơn L và bị đơn T1 chưa bồi thường tiền điều trị vết thương cho nguyên đơn K.

Các chi phí điều trị cụ thể như sau:

- Chi phí nằm viện và tiền thuốc theo toa vé là 14.924.741đ.

- Chi phí giám định thương tích là 1.895.000đ.

- Tiền xe đi khám bệnh tại thành phố Cần Thơ 08 lần là 800.000đ.

- Tiền xe đi khám bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh 03 lần là 900.000đ.

- Tiền ăn uống 11 ngày lúc nằm viện (01 người bệnh và 01 người nuôi) là 200.000đ/ngày x 2 người = 2.200.000đ.

- Tiền ngày công lao động 01 người nuôi bệnh là 120.000đ/ngày x 11 ngày = 1.320.000đ.

- Tiền ngày công lao động của nguyên đơn K lúc điều trị tại bệnh viện là 250.000đ/ngày x 11 ngày = 2.750.000đ.

- Thiệt hại trong 03 tháng do nguyên đơn K bị thương không làm việc được 250.000đ/ngày x 90 ngày = 22.500.000đ.

- Tổn thất về tinh thần là 10.000.000đ. Tổng cộng là 57.289.741đ.
 
Vì vậy, nguyên đơn K khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng giải quyết buộc bị đơn Phạm Văn L và Lê Thành T1 phải có trách nhiệm bồi thường, tổng cộng các khoản là 57.289.741đ do bị đơn L và T đã gây thương tích cho nguyên đơn K.

Tại phiên tòa, nguyên đơn K chỉ yêu cầu một mình bị đơn L bồi thường 57.289.741đ, vì thương tích ở đầu của nguyên đơn K là do bị đơn L gây ra, bị đơn T1 chỉ đánh nguyên đơn K bằng tay nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nguyên đơn K.

*Bị đơn Phạm Văn L trình bày: Bị đơn L thừa nhận có gây thương tích cho nguyên đơn K và đồng ý một mình bồi thường cho nguyên đơn K theo quy định của pháp luật vì số tiền nguyên đơn K yêu cầu bồi thường không hợp lý và quá cao. Bị đơn T1 không gây thương tích cho nguyên đơn K nên không phải bồi thường.

* Bị đơn Lê Thành T1 trình bày: Bị đơn T1 chỉ dùng tay đánh nhau với nguyên đơn K. Bị đơn L gây thương tích cho nguyên đơn K thì phải bồi thường. Bị đơn T1 không gây thương tích cho nguyên đơn K nên không phải bồi thường.

Sự việc được Tòa án nhân dân huyện K thụ lý, giải quyết. Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 61/2017/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng đã quyết định:

- Căn cứ khoản 6 Điều 26; Điều 34; Điểm a khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39 và Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ Điều 590 của Bộ luật dân sự; Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Hoàng K.

1/. Buộc bị đơn Phạm Văn L phải bồi thường các khoản chi phí do gây thương tích cho nguyên đơn Nguyễn Hoàng K với số tiền là 28.539.741đ (hai mươi tám triệu, năm trăm ba mươi chín ngàn, bảy trăm bốn mươi mốt ngàn). Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày nguyên đơn K có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn L không trả đủ số tiền nêu trên, thì hàng tháng bị đơn L còn phải trả cho nguyên đơn K số tiền lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự đối với số tiền chậm thi hành án.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

* Ngày 04-10-2017, ông Nguyễn Hoàng K kháng cáo bản án sơ thẩm số 61/2017/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm nêu trên theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông.

* Ngày 27-9-2017, ông Phạm Văn L kháng cáo bản án sơ thẩm số 61/2017/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử lại theo trình tự phúc thẩm xin được giảm tiền bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn.

* Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng K không rút đơn khởi kiện, giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo, bị đơn ông Phạm Văn L giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

* Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát là trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng chấp hành pháp luật về tố tụng và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận kháng cáo của bị đơn và áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Tại phiên tòa người làm chứng là ông Nguyễn Trung H và ông Lê Trường A vắng mặt lần thứ hai không có đơn xin xét xử vắng mặt, không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc vì trở ngại khách quan. Do đó căn cứ khoản 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt của những người làm chứng nêu trên. [2] Về nội dung:

Xét kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Hoàng K về yêu cầu sửa bản án sơ thẩm số 61/2017/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông. Bị đơn Phạm Văn L kháng cáo bản án 61/2017/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng theo hướng xin giảm tiền bồi thường cho nguyên đơn. Nhận thấy:

Về tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên của nguyên đơn K là 2%, tại phiên tòa nguyên đơn, bị đơn L cũng đồng ý với thương tích này do Trung tâm pháp y tỉnh Sóc Trăng đã kết luận, bị đơn L thừa nhận thương tích này là do bị đơn gây ra cho nguyên đơn. Căn cứ khoản 2 Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định những tình tiết sự kiện không phải chứng minh, Hội đồng xét xử công nhận thương tích 2% của nguyên đơn K là do bị đơn L gây ra nên bị đơn là người có lỗi, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn L phải có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn là có cơ sở.

Tại điều 590 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 qui định: “Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy theo quy định này thì bị đơn L phải có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho việc điều trị về phần tổn hại sức khỏe bị xâm phạm (bao gồm tiền viện phí, tiền thuốc, chi phí giám định). Qua xem xét các khoản tiền này nhận thấy: Sự việc xảy ra vào ngày 28-02-2017, sau khi bị thương, nguyên đơn K đến Trung tâm y tế thị xã N, tỉnh Hậu Giang sơ cứu sau đó về nhà. Đến ngày 22-3-2017 (22 ngày sau) nguyên đơn K mới đến bệnh viện Quân y M để khám và nằm điều trị đến ngày 23-3-2017 xuất viện về nhà. Đến ngày 31-3-2017, nguyên đơn K đến bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ khám và nằm điều trị đến ngày 05-4-2017 xuất viện. Trong quá trình điều trị tại hai bệnh viện này, bệnh viện cũng đã khám và cho ông K chụp CLVT, CCT và chụp cộng hưởng sọ não để xác định có tổn hại đến não hay không. Do đó trong quá trình khám và lấy thuốc điều trị theo các hóa đơn thuốc tại hai bệnh viện này Hội đồng xét xử chấp nhận đây là những chi phí hợp lý cho việc điều trị thương tích của nguyên đơn K. Như vậy theo các hóa đơn điều trị tại hai bệnh viện này có tổng số tiền là 8.147.749 đồng và chi phí giám định 1.356.000 đồng, tổng số tiền là 9.503.749 đồng.

Đối với các hóa đơn điều trị tại Bệnh viện ngoại thần kinh quốc tế do không có giấy chuyển viện và chỉ định của bác sĩ tại hai bệnh viện đã điều trị cho nguyên đơn trước đó, việc tự đi khám tại các bệnh viện này là tự phát của nguyên đơn nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Về khoản thu nhập thực tế bị mất của bị hại (thu nhập bị mất trong thời gian 08 ngày nằm điều trị tại hai bệnh viện); tiền thu nhập thực tế bị mất của một người nuôi bệnh (08 ngày): Tại phiên tòa nguyên đơn K cho rằng nguyên đơn làm công việc bẻ dừa bán nên mức thu nhập không ổn định có thời điểm là 1.000.000 đồng/ngày, có thời điểm thì 300.000 đồng/ngày nhưng nguyên đơn không có chứng cứ gì chứng minh về mức thu nhập như nguyên đơn trình bày. Tại phiên tòa nguyên đơn cũng thừa nhận lao động bình thường tại địa phương là 150.000 đồng/ngày, mức thu nhập này được bị đơn xác nhận là đúng. Do đó Hội đồng xét xử lấy mức thu nhập trung bình cùng loại tại địa phương để tính mức thu nhập bị mất của nguyên đơn trong những ngày nguyên đơn nằm điều trị tại hai bệnh viện, như vậy mức thu nhập bị mất của nguyên đơn sẽ là: 08 ngày x 150.000 đồng/ngày = 1.200.000 đồng. Như vậy mức thu nhập của một người nuôi bệnh cũng sẽ là 1.200.000 đồng.

Về tiền xe đi khám và điều trị: Do nguyên đơn không có toa vé hay hợp đồng xe đưa đi khám và điều trị nên Hội đồng xét xử chấp nhận cho nguyên đơn 04 (bốn) lần đi khám ở Cần Thơ với số tiền là 400.000 đồng (mỗi lần đi, về là 100.000 đồng).

Sau khi bị thương tích nguyên đơn K vẫn ở nhà làm việc bình thường, 22 ngày sau nguyên đơn mới đi khám để điều trị thương tích. Do đó Hội đồng xét xử thấy rằng thương tích này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của nguyên đơn K nên không chấp nhận việc bồi dưỡng sau điều trị cho nguyên đơn K.

Về khoản tiền tổn thất về tinh thần: Khoản tiền này tại cấp sơ thẩm sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ, đánh giá tình trạng tổn thất của bị hại đã buộc bị đơn L bồi thường cho nguyên đơn K tổng số tiền 3.900.000 đồng (tương đương 03 tháng lương cơ bản do Nhà nước qui định) là có cơ sở và phù hợp với pháp luật.

Như vậy tổng số tiền mà bị đơn L phải bồi thường cho nguyên đơn K là 16.203.749 đồng (mười sáu triệu hai trăm lẻ ba nghìn bảy trăm bốn chín đồng)

Từ những nhận định và phân tích trên, xét thấy kháng cáo của nguyên đơn không có cơ sở để chấp nhận. Kháng cáo của bị đơn L có cơ sở chấp nhận.

Ý kiến và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là có cơ sở nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3] Về án phí:

- Do bản án bị sửa về tiền bồi thường nên phần án phí sơ thẩm cũng bị sửa.

- Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án bị sửa nên các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 313, khoản 1, 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Nguyễn Hoàng K (S). Chấp nhận kháng cáo của bị đơn Phạm Văn L;

Sửa bản án dân sự số 61/2017/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về sức khỏe” như sau:

Buộc bị đơn Phạm Văn L phải bồi thường các khoản chi phí do gây thương tích cho nguyên đơn Nguyễn Hoàng K với số tiền là 16.203.749 đồng (mười sáu triệu hai trăm lẻ ba nghìn bảy trăm bốn chín đồng).

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày nguyên đơn K có đơn yêu cầu thi hành án, bị đơn L chưa thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho nguyên đơn số tiền nêu trên, thì hàng tháng bị đơn L còn phải chịu lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự đối với số tiền chậm thi hành án.

Án phí dân sự sơ thẩm: Buộc bị đơn Phạm Văn L phải chịu 810.000 đồng.
 
Án phí dân sự phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu án phí. Hoàn trả lại cho ông Phạm Văm L số tiền 300.000 đồng mà ông đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số 0009286 ngày 27-9-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

Quyền và nghĩa vụ thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và Điều 9 của Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

600
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 194/2017/DS-PT ngày 25/12/2017 về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại sức khỏe

Số hiệu:194/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về