Bản án 22/2018/DS-PT ngày 25/12/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 22/2018/DS-PT NGÀY 25/12/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 25 tháng 12 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 21/2018/TLPT-DS ngày 29 tháng 8 năm 2018 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 06/2018/DS-ST ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Kim Sơn bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 20/2018/QĐ-PT ngày 29 tháng 10 năm 2018, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Ninh Văn H sinh năm 1950; địa chỉ: Xóm N, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Bị đơn:

- Ông Ninh Văn A sinh năm 1956; địa chỉ: Xóm N, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Người đại diện theo ủy quyền của ông A: Bà Ninh Thị H sinh năm 1959; địa chỉ: Xóm T, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Văn bản ủy quyền ngày 26/11/2018)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ninh Văn A: Bà Ngô Thị L – Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình.

- Ông Ninh Văn T sinh năm 1960; địa chỉ: Xóm N, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Nguyễn Thị Th sinh năm 1969; địa chỉ: Xóm N, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (là vợ ông A).

- Bà Trần Thị Ph1 sinh năm 1964; địa chỉ: Xóm N, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (là vợ ông T).

- Ông Ninh Văn B sinh năm 1954; địa chỉ: Xóm N, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

- Bà Ninh Thị H sinh năm 1959; địa chỉ: Xóm T, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

- Bà Ninh Thị Kim L sinh năm 1962; địa chỉ: Tổ N, phố Phát Diệm Đông, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

- Bà Ninh Thị Ph sinh năm 1967; địa chỉ: Xóm T, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Người kháng cáo: Ông Ninh Văn A, ông Ninh Văn T là bị đơn, ông Ninh Văn B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Ninh Văn H trình bày: Bố đẻ ông H là cụ Ninh Văn H1 sinh năm 1920 và mẹ đẻ là cụ Trần Thị Kh sinh năm 1921, hai cụ sinh được 07 người con gồm: Ông Ninh Văn H, ông Ninh Văn B, ông Ninh Văn A, bà Ninh Thị H, ông Ninh Văn T, bà Ninh Thị Kim L, bà Ninh Thị Ph (không có con nuôi, không ai có con riêng). Cụ H1 chết ngày 20/01/1996, cụ Kh chết ngày 22/4/1996. Trước khi chết bố mẹ ông H có để lại tài sản chung là quyền sử dụng đất tại xóm N, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số H 778090 do Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn cấp có tổng diện tích là 2.138m2, trong đó: Tại thửa 17 tờ bản đồ số 27 có diện tích là 1.280m2 (đất ở 360 m2, đất vườn 320 m2, đất ao 600 m2); tại thửa 19 tờ bản đồ số 27 có 808m2 đất hai lúa và tại thửa 25 tờ bản đồ số 21 là 50 m2 đất mạ (do ghi sai họ tên nên ghi là bà Ninh Thị H1). Toàn bộ diện tích đất ở, đất vườn, đất ao hiện tại do ông T và ông A quản lý, sử dụng; diện tích đất nông nghiệp do bà L quản lý, sử dụng. Trước khi chết cụ H1 và cụ Kh không để lại di chúc hay chia tài sản cho ai. Ông H yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với tài sản của cụ H1 và cụ Kh là quyền sử dụng đất được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế. Tài sản trên đất thừa kế là của ông T và A xây dựng nên ông H không tranh chấp, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Do gia đình đông con cần tách hộ nên ông H xin nhận kỷ phần thừa kế bằng hiện vật. Hiện tại đất vườn, đất ở, ông T và A đã xây dựng nhà và vật kiến trúc khác, không có điều kiện thanh toán giá trị tài sản trên đất nên ông H xin được nhận kỷ phần thừa kế là đất ao và thanh toán chi phí cho việc bảo quản di sản.

Trong bản tự khai và trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là ông Ninh Văn A, ông Ninh Văn T trình bày: Ông A và ông T cùng xác định hàng thừa kế, di sản thừa kế cũng như người đang quản lý, sử dụng di sản thừa kế đúng như ông H trình bày. Ông A, ông T không nhất trí với yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của ông H vì trước khi chết bố, mẹ ông có gọi các con lại dặn: “Các anh, các chị đã có vợ chồng cả rồi; con gái lấy chồng thì theo chồng; còn anh H và anh B đã có nhà có đất ở riêng rồi thì thôi, bố mẹ chẳng có gì để lại mà chia cả. Thằng A nó tàn tật, cái nhà đất nó đang ở để cho nó không được tranh chấp gì cả. Còn thằng T chưa có chỗ ở thì làm nhà ra nửa phía ngoài để ở, thằng A ở nửa trong. Hai anh em ở đây còn nhờ nhau lúc ốm lúc đau”. Lời dặn của bố mẹ ông được coi như di chúc chia tài sản thừa kế của bố mẹ để lại cho hai ông. Ông H cho rằng bố mẹ ông không để lại di chúc và đòi chia tài sản thừa kế theo luật là không có căn cứ. Nếu bắt buộc phải chia thừa kế thì ông A, ông T xin nhận phần đất thừa kế được hưởng và của những người khác cho bằng hiện vật; về ranh giới, mốc giới phần đất hai ông được hưởng, đề nghị để hai ông tự phân định, vì các công trình của hai gia đình đang có sự sen kẽ. Ông A và ông T đề nghị được được hưởng thù lao quản lý di sản với tổng số tiền là 50.000.000 đồng.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm bà Ninh Thị L, bà Ninh Thị H, ông Ninh Văn B cùng trình bày: Trước khi chết cụ H1 và cụ Kh đã gọi tất cả các con họp và mọi người đều nhất trí giao lại tài sản là nhà đất cho ông A và ông T quản lý, sử dụng; tài sản đã thuộc quyền sở hữu của ông T và ông A nên không còn gì để chia thừa kế. Nay ông H đòi chia thừa kế quyền sử dụng đất của bố mẹ theo luật, các ông bà đều không đồng ý chia. Tại phiên tòa sơ thẩm bà L có ý kiến: Trường hợp bắt buộc phải chia thừa kế theo pháp luật thì bà nhận phần di sản thừa kế của mình và cho ông A và giao lại cho ông A quản lý đất nông nghiệp. Trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa phúc thẩm bà H có ý kiến: Trường hợp phải chia thừa kế theo pháp luật thì bà nhận phần di sản thừa kế của mình và cho ông T. Ông B nhận phần di sản thừa kế của mình và cho ông T, ông A.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Ninh Thị Ph có cùng quan điểm với ông H. Bà Ph xác định bố mẹ chết không để lại di chúc, di sản thừa kế chưa cho ai. Bà Ph đề nghị được nhận kỷ phần thừa kế bằng hiện vật là đất ao và chấp nhận thanh toán chi phí cho việc bảo quản di sản.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Th, bà Trần Thị Ph1 vợ các ông T và A có quyền lợi liên quan đến phần tài sản xây dựng trên đất thừa kế, không có ý kiến hay quan điểm gì đối về vụ kiện mặc dù Tòa án đã tiến hành triệu tập lấy lời khai nhưng từ chối khai báo.

Theo yêu cầu của ông H ngày 06/3/2018 Công ty cổ phần thẩm định giá khu vực I (AAI), tiến hành thẩm định giá di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ H1 và cụ Kh có tổng giá trị 244.134.000 đồng, trong đó: Đất ở trị giá 129.600.000 đồng (360m2 x 360.000đ); đất vườn trị giá 25.680.000 đồng (320 m2 x 80.000đ); đất ao 48.000.000 đồng (600 m2 x 80.000đ); đất nông nghiệp 40.934.000 đồng (858 m2).

Trong sơ đồ hiện trạng sử dụng đất kèm theo Biên bản thẩm định tại chỗ ngày 19/01/2018 xác định đất của cụ H1 và cụ Kh tại thửa 17 tờ bản đồ số 27 có diện tích là 1.321,4m2 (BL 54). Ngày 29/3/2018 UBND xã Tân Thành đã xác định diện tích thừa so với GCNQSDĐ 41,4m2 là do quá trình thẩm định các bên đã xác định mốc giới lấn ra đường (BL 103); phần đất nông nghiệp tại thửa 19 và thửa 25 hiện trạng không thay đổi. Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, ngày 30/10/2018 UBND xã Tân Thành có Công văn số 86/CV xác định: Đất nông nghiệp cấp cho cụ H1 và cụ Kh tại thửa 25 tờ bản đồ số 27 và thửa số 19 tờ bản đồ số 21 có tổng diện tích là 858m2. Thực hiện nông thôn mới xã Tân Thành đã dồn điền đổi thửa, diện tích đất nông nghiệp ở hai thửa đất nêu trên được dồn vào một thửa mang số mới là thửa 95, tờ bản đồ số 8 đo vẽ năm 2016 có diện tích là 792,6m2 (do khấu trừ để làm kênh mương). Các đương sự đều nhất trí với diện tích đất trồng lúa sau khi dồn điền đổi thửa và thống nhất giá đất như thẩm định giá xác định.

Tại Bản án số 06/2018/DS-ST ngày 16 tháng 7 năm 2018 Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn đã quyết định:

Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 79, Điều 203 Luật đất đai; các Điều 611, 612, 613, 616, 618, 623, 650, 651, 658, 660 Bộ luật Dân sự 2015

Căn cứ Điều 147, 227, 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật của ông Ninh Văn H.

2. Xác định di sản thừa kế của cụ Ninh Văn H1 và cụ Trần Thị Kh để lại là quyền sử dụng đất ở, đất vườn và đất ao tại thửa 17 tờ bản đồ số 27; đất lúa thửa số 25 tờ bản đồ số 27 diện tích 1.286m2; đất mạ tại thửa số 19, tờ bản đồ số 21 có tổng diện tích 808m2, xóm N, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tổng trị giá di sản thừa kế là 244.514.000đ.

3. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ Ninh Văn H1 và Trần Thị Kh gồm các ông bà Ninh Văn H, Ninh Văn B, Ninh Văn A, Ninh Văn T, Ninh Thị H, Ninh Thị L, Ninh Thị Ph.

4. Di sản thừa kế của cụ Ninh Văn H1 và cụ Trần Thị Kh trị giá 244.514.000đ được chia thành 07 kỷ phần bằng nhau cho 07 đồng thừa kế mỗi kỷ phần được hưởng giá trị là 34.930.000đ; Cụ thể:

- Ông Ninh Văn A được chia một phần kỷ phần thừa kế của mình được hưởng, nhận 1/2 kỷ phần thừa kế của ông Ninh Văn B và bà Ninh Thị H và kỷ phần thừa kế của bà Ninh Thị L nhường lại bằng hiện vật là 180m2 đất ở và 163m2 đất vườn và 31m2 đất ao tại thửa 17 và 808m2 đất trồng lúa, đất mạ tại thửa 21 và 25. Tổng giá trị di sản được giao 121.234.000đ. Phải thanh toán chênh lệch tài sản cho ông Ninh Văn H 6.348.000đ và bà Ninh Thị Ph 6.348.000đ.

- Ông Ninh Văn T được chia một phần kỷ phần thừa kế của mình được hưởng, nhận 1/2 kỷ phần thừa kế của bà Ninh Thị H, ông Ninh Văn B nhường lại bằng hiện vật là 180m2 đất ở và 163m2 đất vườn và 31m2 đất ao tại thửa 17. Tổng giá trị tài sản được giao 80.400.000đ. Phải thanh toán chênh lệch tài sản cho ông Ninh Văn H 1.689.000đ và bà Ninh Thị Ph 1.689.000đ.

- Quyền sử dụng đất ở, đất vườn và đất ao tại thửa 17 giao cho ông A và ông T nằm ở phía Bắc có chiều phía nam giáp đất giao cho bà Ph, phía Tây giáp ruộng, phía Đông giáp đường kích thước 31,29m x 25,99m diện tích 786m2. Ghi nhận đề nghị của ông Ninh Văn A về việc phân chia ranh giới sử dụng đất giao cho hai ông sẽ do ông A và ông T tự thỏa thuận cho phù hợp với tài sản hai ông đã xây dựng trên đất.

- Bà Ninh Thị Ph được chia kỷ phần thừa kế của mình được hưởng bằng hiện vật là diện tích đất ao ở phía Nam thửa 17. Phía bắc giáp phần đất giao cho ông T và ông A phía Nam giáp đất giao cho ông H, phía Tây giáp ruộng, phía Đông giáp đường; có kích thước 8m x 31.22m = 250m2, trị giá 20.000.000đ. Còn được nhận chênh lệch giá trị tài sản chia thừa kế do ông T và ông A thanh toán.

- Ông Ninh Văn H được giao kỷ phần thừa kế của mình bằng hiện vật là diện tích đất ao ở phía Nam thửa 17. Phía bắc giáp phần đất giao cho bà Ph phía Nam và phía tây giáp đất ruộng, phía Đông giáp đường có kích thước 8m x 31.22m = 250m2 trị giá 20.000.000đ. Còn được nhận chênh lệch giá trị tài sản chia thừa kế do ông T và ông A thanh toán. (Có sơ đồ xác định vị trí ranh giới đất giao cho các đương sự kèm theo)

5. Ông A phải thanh toán cho ông H 4.284.00đ, ông T phải thanh toán cho ông H 2.856.000đ, bà Ph phải thanh toán cho ông H 1.428.500đ tiền lệ phí thẩm định giá tài sản.

6. Ông Ninh Văn T phải nộp 3.493.000đ án phí dân sự sơ thẩm; bà Ninh Thị Ph phải nộp 1.746.500đ án phí dân sự sơ thẩm. Ông H được trả lại số tiền 7.500.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA 2756 ngày 07/12/2017 của chi cục THA dân sự huyện Kim Sơn.

Ngoài ra, bản án còn tuyên lãi suất chậm thi hành án, quyền kháng cáo, quyền, nghĩa vụ thi hành án đối với các bên đương sự theo quy định của pháp luật.

Không nhất trí với bản án sơ thẩm, ngày 30/7/2018 ông Ninh Văn A, ông Ninh Văn T, ông Ninh Văn B, bà Ninh Thị H, bà Ninh Thị L kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 06/2018/DS-ST ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bỏ toàn bộ bản án sơ thẩm; lý do: Bản án sơ thẩm chia thừa kế cho ông H và bà Ph mỗi người được hưởng 250m2 đất ao và tiền chênh lệch tài sản là không hợp lý vì trước khi qua đời ông H1 và bà Kh đã cho ông A và ông T được quyền sử dụng đất. Giao cho ông A sử dụng toàn bộ đất nông nghiệp là không hợp lý vì ông A là người tàn tật và không có khả năng thanh toán khoản tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế khác; không nhất trí trả khoản tiền thẩm định tài sản.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Ông H giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Ông T và bà H là người đại diện theo ủy quyền của ông A, ông B giữ nguyên nội dung kháng cáo theo đơn kháng cáo ngày 30/7/2018.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ninh Văn A: Đề nghị Tòa án cấp phúc xem xét lại bản án sơ thẩm với các lý do: Bản án sơ thẩm chia thừa kế cho ông H và bà Ph mỗi người được hưởng 250m2 đất ao và tiền chênh lệch tài sản là không hợp lý vì trước khi qua đời ông H1 và bà Kh đã cho ông A và ông T được quyền sử dụng đất. Giao cho ông A sử dụng toàn bộ đất nông nghiệp là không hợp lý vì ông A là người tàn tật và không có khả năng thanh toán khoản tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế khác; không nhất trí trả khoản tiền thẩm định tài sản.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến: Trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã tuân theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Bản án sơ thẩm đã tính toán sai, nhầm lẫn về diện tích đất và giá trị của di sản thừa kế, trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, do dồn điền đổi thửa nên diện tích đất trồng lúa của cụ H1 và cụ Kh có sự thay đổi; vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sửa Bản án số 06/2018/DS-ST ngày 16 tháng 7 năm 2018 Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Ông Ninh Văn A, ông Ninh Văn T, ông Ninh Văn B, bà Ninh Thị H, bà Ninh Thị L là các đương sự của vụ án, có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự; đơn kháng cáo nộp trong hạn luật định, hình thức, nội dung đơn kháng cáo phù hợp với quy định tại Điều 272, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Ông A, ông B là người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, ông T đã nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định. Đơn kháng cáo của ông A, ông T, ông B hợp lệ nên được xem xét theo trình tự thủ tục phúc thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm đã ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nhưng bà H, bà L không nộp nên được coi là từ bỏ việc kháng cáo; yêu cầu kháng cáo của bà H, bà L không được xem xét giải quyết theo trình tự thủ tục phúc thẩm.

[2] Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm Đơn khởi kiện ngày 28/11/2017 của ông Ninh Văn H là đúng thẩm quyền được quy định tại các Điều 26, 35, 39 của Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử sơ thẩm trong bản án đúng quy định tại các Điều 11, 12, 14, 63 của Bộ luật tố tụng dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng, ban hành, tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án, thu thập chứng cứ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Xét về nội dung vụ án và yêu cầu kháng cáo:

[3.1] Trên cơ sở thừa nhận của các đương sự, Trích lục khai tử của UBND xã Tân Thành, đủ căn cứ xác định: Cụ Ninh Văn H1 và cụ Trần Thị Kh là vợ chồng; hai cụ sinh được 07 người con gồm: Ông Ninh Văn H, ông Ninh Văn B, ông Ninh Văn A, ông Ninh Văn T, bà Ninh Thị L, bà Ninh Thị H, bà Ninh Thị Ph. Cụ H1 và cụ Kh không có con nuôi, không ai có con riêng (bố, mẹ cụ H1 và cụ Kh đều đã chết trước hai cụ). Cụ H1 chết ngày 20/01/1996, cụ Kh chết ngày 22/04/1996, tại xã Tân Thành, huyện Kim Sơn. Theo quy định của Pháp lệnh thừa kế và quy định của Điều 611, 613, 651 của Bộ luật dân sự năm 2015, thời điểm mở thừa kế đối với cụ H1 được xác định là ngày 20/01/1996, hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ và tất cả các con; thời điểm mở thừa kế của cụ Kh được xác định là ngày 22/04/1996, hàng thừa kế thứ nhất gồm tất cả các con. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản sau khi cụ H1 và cụ Kh đều đã chết, do đó bản án sơ thẩm xác định hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ gồm ông H, ông B, ông A, ông T, bà L, bà H, bà Ph là có căn cứ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự trong vụ án.

[3.2] Về di sản thừa kế: Theo các đương sự trình bày và theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 778090 do Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn cấp, trước khi chết cụ H1 và cụ Kh có tài sản chung là quyền sử dụng đất, tổng diện tích 2.138m2, trong đó: Tại thửa 17 tờ bản đồ số 27 có diện tích là 1.280m2 (đất ở 360 m2, đất vườn 320 m2, đất ao 600 m2); tại thửa 19 tờ bản đồ số 27 có 808m2 đất hai lúa và tại thửa 25 tờ bản đồ số 21 là 50 m2 đất mạ. Diện tích đất ở, đất vườn, đất ao do ông T và ông A quản lý, sử dụng; diện tích đất nông nghiệp do bà L quản lý, sử dụng.

Ông T, ông A, ông B, bà H, bà L cùng xác định di sản thừa kế như nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế là không còn, vì vào khoảng năm 1993 – 1994 cụ H1 và cụ Kh đã gọi tất cả các con di chúc miệng cho ông A và ông T được quyền sử dụng đất. Lời khai của ông T, ông A, ông B, bà H, bà L không được ông H, bà Ph thừa nhận và cũng không có tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh cho lời khai của mình. Không đủ căn cứ để xác định trước khi chết cụ H1 và cụ Kh có để lại di chúc như ông T, ông A, ông B, bà H, bà L trình bày và cũng không có căn cứ xác định cụ H1 và cụ Kh đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho ông A và ông T theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh thừa kế quy định những người không được chứng thực, xác nhận di chúc, chứng kiến việc chứng thực di chúc là “người được thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người nào thì không được chứng thực hoặc xác nhận di chúc của người đó”. Theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh thừa kế đất đai không được xác định là di sản thừa kế và theo quy định tại đoạn 2 điểm a phần 1 Nghị quyết số 02/1990/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao thì “Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, quyền sử dụng đất được giao không phải là quyền sở hữu về tài sản của công dân nên không thể trở thành di sản khi công dân chết”. Theo quy định tại Điều 654, 657 Bộ luật Dân sự năm 1995 và Điều 629, 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì “di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý trí cuối cùng trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”; theo quy định tại khoản 1 Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015 thì “người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc” không được làm chứng cho việc lập di chúc. Với các quy định nêu trên, nếu có việc cụ H và cụ Kh có di chúc miệng để lại di sản thừa kế cho ông T và ông A thì di chúc đó cũng không hợp pháp và không được chấp nhận. Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H, chia di sản thừa kế của cụ H1 và cụ Kh theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là có căn cứ, phù hợp với quy định tại các Điều 650, 651, 660 của Bộ luật dân sự năm 2015. Vì vậy, ông A, ông T, ông B kháng cáo với lý do không nhất trí chia thừa kế cho ông H, bà Ph vì di sản thừa kế không còn là không có căn cứ.

[3.3] Tuy nhiên khi chia thừa kế, bản án sơ thẩm xác định thửa đất số 17 tờ bản đồ số 27 có diện tích là 1.286m2 là không phù hợp với thực tế, không đúng với diện tích ghi trong GCNQSDĐ, thừa 6m2. Đối với đất trồng lúa tại thửa 19 tờ bản đồ số 27 có diện tích 808m2 đất, đất mạ tại thửa 25 tờ bản đồ số 21 là 50 m2 nhưng khi chia án sơ thẩm lại chỉ xác định hai thửa có diện tích 808m2 là không có căn cứ. Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, UBND xã Tân Thành có văn bản xác định: Đất nông nghiệp trước đây cấp cho cụ H1 và cụ Kh tại thửa 25 tờ bản đồ số 27 và thửa số 19 tờ bản đồ số 21 có tổng diện tích là 858m2. Thực hiện nông thôn mới xã Tân Thành đã dồn điền đổi thửa, diện tích đất nông nghiệp ở hai thửa đất nêu trên được dồn vào một thửa mang số mới là thửa 95, tờ bản đồ số 8 xã Tân Thành, huyện Kim Sơn đo vẽ năm 2016 có diện tích 792,6m2. Về tổng giá trị di sản thừa kế, án sơ thẩm xác định 244.514.000 đồng là không phù hợp với kết quả thẩm định giá, không phù hợp với diện tích đất thực tế chia thừa kế. Khi chia thừa kế án sơ thẩm đã không thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại Điều 658 Bộ luật dân sự. Từ những quyết định không có căn cứ, không đúng pháp luật nêu trên và việc phát sinh tình tiết mới sau khi xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ quy định tại Điều 308, 309 của Bộ luật tố tụng dân sự, sửa Bản án sơ thẩm số: 06/2018/DS-ST ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn.

[4] Căn cứ vào lời khai của các đương sự, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 778090 do Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn, ý kiến của UBND xã Tân Thành, xác định di sản thừa kế của cụ H1 và cụ Kh là quyền sử dụng đất tại xóm N, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn có tổng diện tích là 2.072,6m2, trong đó: Thửa 17 tờ bản đồ số 27 có diện tích 1.280m2 (đất ở 360 m2, đất vườn 320 m2, đất ao 600 m2); thửa 95, tờ bản đồ số 8 xã Tân Thành, huyện Kim Sơn đo vẽ năm 2016 có diện tích 792,6m2 đất nông nghiệp.

Theo giá đất do cơ quan thẩm định giá xác định và các đương sự đều đã chấp nhận thì tổng giá trị di sản thừa kế quyền sử dụng đất là 241.244.000 đồng (Đất ở 129.600.000đ, đất vườn 25.600.000đ, đất ao 48.000.000đ; đất trồng lúa 38.044.000đ).

Đối với khoản tiền chi phí bảo quản di sản không có kháng cáo, cần giữ nguyên như bản án sơ thẩm đã xác định là 50.000.000 đồng (ông A và ông T mỗi người được hưởng 25.000.000 đồng)

Tổng giá trị di sản thừa kế của cụ H1 và cụ Kh là 241.244.000 đồng, sau khi trừ đi khoản tiền chi phí bảo quản di sản 50.000.000 đồng còn lại 191.244.000 đồng, được phân chia theo pháp luật cho 07 đồng thừa kế thuộc hàng thứ nhất, mỗi kỷ phần thừa kế được hưởng 27.320.000 đồng.

Đối với đất ở phải nộp thuế sử dụng đất hàng năm từ 1996 đến nay tổng số thuế là 927.000 đồng, ông A và ông T đã được thanh toán khoản tiền trông coi bảo quản và trực tiếp sử dụng đất nên phải chịu thuế. Bà L quản lý sử dụng đất trồng lúa của hai cụ, thụ hưởng sản phẩm trồng trọt nên không được thanh toán công quản lý bảo quản.

[5] Việc phân chia di sản: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm bà L, bà H, ông B có ý kiến nhận kỷ phần thừa kế nhưng cho ông A và ông T; vì vậy, ông A, ông T mỗi người được hưởng 2,5 kỷ phần thừa kế tổng giá trị là 68.300.000 đồng. Ông H và bà Ph mỗi người được hưởng 01 kỷ phần thừa kế giá trị là 27.320.000 đồng.

Chấp nhận yêu cầu của ông H và bà Ph, chia cho mỗi người được hưởng một phần đất tại thửa đất số 17 tờ bản đồ số 27 cụ thể:

- Chia cho ông H được quyền sử dụng 243,6m2 đất ao, vị trí: Phía Nam giáp đất ruộng dài 30,45m, phái Bắc giáp phần đất giao cho bà Ph dài 30,46m, phía Tây giáp đất ruộng rộng 8m, phía Đông giáp đường rộng 8m, trị giá 19.488.000 đồng. Đối trừ chênh lệch giá trị tài sản được giao với kỷ phần thừa kế được hưởng ông H còn được nhận 7.832.000 đồng (27.320.000 - 19.488.000 = 7.832.000).

- Chia cho bà Ph được quyền sử dụng 243,7m2 đất ao, vị trí: Phía Nam giáp đất ông H dài 30,46m, phía Bắc giáp phần đất giao cho ông T và ông A dài 30,47m, phía Tây giáp đất ruộng rộng 8m, phía Đông giáp đường rộng 8m, trị giá 19.496.000 đồng. Đối trừ chênh lệch giá trị tài sản được giao với kỷ phần thừa kế được hưởng bà Ph còn được nhận 7.824.000 đồng (27.320.000 - 19.496.000 = 7.824.000).

- Chia cho ông T được được quyền sử dụng 180m2 đất ở, 160m2 đất vườn và 56,35m2 đất ao, tổng giá trị 82.108.000 đồng. Ông T được hưởng 2,5 kỷ phần thừa kế giá trị là 68.300.000 đồng, cộng với 25.000.000 đồng tiền chi phí bảo quản di sản, tổng giá trị ông T được hưởng là 93.300.000 đồng. Đối trừ chênh lệch giá trị tài sản được giao với quyền được hưởng ông T còn được nhận 11.192.000 đồng (93.300.000 - 82.108.000 = 11.192.000 đồng).

- Chia cho ông A được quyền sử dụng 180m2 đất ở, 160m2 đất vườn, 56,35m2 đất ao, tổng giá trị 82.108.000 đồng. Đối với diện tích đất nông nghiệp, theo quan điểm của bà L tại giai đoạn xét xử sơ thẩm là giao lại cho ông A quản lý sử dụng. Trên cơ sở ý kiến của bà L và thực tế ông A là người khuyết tật nhưng có vợ, con nên vẫn đảm bảo việc sử dụng đất; vì vậy, giao cho ông A được quyền sử dụng 792,6m2 đất nông nghiệp tại thửa 95, tờ bản đồ số 8 đo vẽ năm 2016, trị giá 38.044.000 đồng. Tổng giá trị tài sản ông A được giao là 120.152.000 đồng. Ông A được hưởng 2,5 kỷ phần thừa kế giá trị 68.300.000 đồng, cộng với 25.000.000 tiền chi phí bảo quản di sản, tổng giá trị ông A được hưởng là 93.300.000 đồng. Đối trừ giá trị tài sản được giao với quyền được hưởng ông A phải thanh toán tiền chênh lệch về tài sản cho ông T 11.192.000 đồng, ông H 7.832.000 đồng, bà Ph 7.824.000 đồng.

- Vị trí đất ông T và ông A được sử dụng tại thửa đất số 17 tờ bản đồ số 27: Phía Nam giáp đất bà Ph dài 30,47m, phía Bắc giáp mương dài 30,52m, phía Đông giáp đường rộng 25,99m, phía Tây giáp đất ruộng rộng 26,07m. Trên phần đất được chia, các công trình đã xây dựng của hai gia đình có sự sen kẽ; vì vậy ghi nhận ý kiến của ông A và ông T, để hai gia đình tự phân định ranh giới, mốc giới quyền sử dụng đất được chia.

[6] Đối với khoản tiền chi phí thẩm định giá: Theo khoản 2 Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Trường hợp yêu cầu chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia”. Vì vậy, những người được hưởng di sản thừa kế phải chịu phần chi phí thẩm định giá tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản được hưởng là phù hợp và có căn cứ. Tổng số tiền chi phí thẩm định giá ông H đã nộp là 10.000.000 đồng, được chia theo tỷ lệ cho 07 kỷ phần thừa kế, mỗi kỷ phần phải chịu 1.428.500 đồng; do đó ông A phải thanh toán cho ông H 3.571.000 đồng, ông T phải thanh toán cho ông H 3.571.000 đồng, bà Ph phải thanh toán lại cho ông H 1.428.500 đồng.

[7] Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông H, ông A là người cao tuổi nên được miễn án phí sơ thẩm. Ông T, bà Ph phải nộp tiền án phí sơ thẩm tương ứng với kỷ phần thừa kế được hưởng. Hoàn trả lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí sơ thẩm cho ông H.

[8] Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông A, ông T, ông B không phải nộp tiền án phí phúc thẩm. Hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho ông T.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 và các Điều 147, 148, 165, 166 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ các Điều 5, 100, 166, 167 của Luật đất đai năm 2013;

Căn cứ các Điều 33, 59 của Luật Hôn nhân và Gia đình;

Căn cứ các Điều 649, 650, 651, 658, 660 và khoản 2 điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

1. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2018/DS-ST ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn.

Xử:

1.1. Chia thừa kế quyền sử dụng đất của cụ Ninh Văn H1 và cụ Trần Thị Kh gồm: 1.280m2 đất, trong đó có: Đất ở 360 m2, đất vườn 320 m2, đất ao 600 m2 tại thửa số 17 tờ bản đồ số 27, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 778090 của Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn cấp ngày 24/9/1996 và 792,6m2 đất nông nghiệp tại thửa số 95, tờ bản đồ số 8, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đo vẽ năm 2016 như sau:

1.1.1. Chia cho ông Ninh Văn H được quyền sử dụng 243,6m2 đất ao, tại thửa số 17 tờ bản đồ số 27, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 778090 của Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn cấp ngày 24/9/1996; vị trí: Phía Nam giáp đất ruộng dài 30,45m, phái Bắc giáp phần đất giao cho bà Ph dài 30,46m, phía Tây giáp đất ruộng rộng 8m, phía Đông giáp đường rộng 8m.

1.1.2. Chia cho bà Ninh Thị Ph được quyền sử dụng 243,7m2 đất ao, tại thửa số 17 tờ bản đồ số 27 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 778090 của Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn cấp ngày 24/9/1996; vị trí: Phía Nam giáp đất ông H dài 30,46m, phía Bắc giáp phần đất giao cho ông T và ông A dài 30,47m, phía Tây giáp đất ruộng rộng 8m, phía Đông giáp đường rộng 8m.

1.1.3. Chia cho ông Ninh Văn T được được quyền sử dụng 180m2 đất ở, 160m2 đất vườn và 56,35m2 đất ao, tại thửa số 17 tờ bản đồ số 27 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 778090 của Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn cấp ngày 24/9/1996. 

1.1.4. Chia cho ông Ninh Văn A được quyền sử dụng 180m2 đất ở, 160m2 đất vườn, 56,35m2 đất ao, tại thửa số 17 tờ bản đồ số 27 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 778090 của Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn cấp ngày 24/9/1996 và 792,6m2 đất nông nghiệp tại thửa 95, tờ bản đồ số 8 xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đo vẽ năm 2016.

1.1.5. Vị trí đất ông T và ông A được quyền sử dụng tại thửa số 17 tờ bản đồ số 27: Phía Nam giáp đất bà Ph dài 30,47m, phía Bắc giáp mương dài 30,52m, phía Đông giáp đường rộng 25,99m, phía Tây giáp đất ruộng rộng 26,07m. Ghi nhận ý kiến của ông A và ông T, để hai gia đình tự phân định ranh giới, mốc giới quyền sử dụng đất được chia. (Có sơ đồ kèm theo)

1.2. Ông Ninh Văn A phải thanh toán tiền chênh lệch về tài sản cho ông Ninh Văn T, ông Ninh Văn H, bà Ninh Thị Ph với số tiền cụ thể như sau:

- Thanh toán cho ông Ninh Văn T 11.192.000 đồng (Mười một triệu một trăm chín mươi hai nghìn đồng).

- Thanh toán cho ông Ninh Văn H 7.832.000 đồng (Bảy triệu tám trăm ba mươi hai nghìn đồng).

- Thanh toán cho bà Ninh Thị Ph 7.824.000 đồng (Bảy triệu tám trăm hai mươi bốn nghìn đồng).

1.3. Đối với khoản tiền chi phí thẩm định giá:

- Ông Ninh Văn A phải thanh toán cho ông Ninh Văn H 3.571.000 đồng (Ba triệu năm trăm bảy mươi mốt nghìn đồng).

- Ông Ninh Văn T phải thanh toán cho ông Ninh Văn H 3.571.000 đồng (Ba triệu năm trăm bảy mươi mốt nghìn đồng).

- Bà Ninh Thị Ph phải thanh toán cho ông Ninh Văn H 1.428.500 đồng (Một triệu bốn trăm hai mươi tám nghìn năm trăm đồng).

1.4. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án, theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự. 

1.5. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Ông Ninh Văn H, ông Ninh Văn A được miễn án phí sơ thẩm.

- Hoàn trả lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí sơ thẩm cho ông Ninh Văn H số tiền 7.500.000 đồng (Bảy triệu năm trăm nghìn đồng), theo biên lai số AA/2013/0002756 ngày 07/12/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kim Sơn.

- Ông Ninh Văn T phải nộp 3.415.000 đồng (Ba triệu bốn trăm mười lăm nghìn đồng) tiền án phí sơ thẩm.

- Bà Ninh Thị Ph phải nộp 1.366.000 đồng (Một triệu ba trăm sáu mươi sáu nghìn đồng) tiền án phí sơ thẩm.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Ninh Văn A, ông Ninh Văn T, ông Ninh Văn B không phải nộp tiền án phí phúc thẩm. Hoàn trả lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho ông Ninh Văn T với số tiền là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), theo biên lai số AA/2013/0002888 ngày 10/8/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kim Sơn.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (25/12/2018).

(Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự, có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự)

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1574
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 22/2018/DS-PT ngày 25/12/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:22/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/12/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về