Bản án 22/2019/HS-ST ngày 03/05/2019 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HƯỚNG HOÁ, TỈNH QUẢNG TRỊ

BẢN ÁN 22/2019/HS-ST NGÀY 03/05/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 03 tháng 5 năm 2019, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 16/2019/TLST-HS ngày 20/3/2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 20/2019/QĐXXST-QĐ ngày 22 tháng 4 năm 2019, đối với các bị cáo:

Bùi Ta B, sinh năm 1975 tại huyện B, tỉnh Quảng Bình; nơi cư trú: Khối 4, thị trấn K, huyện H, tỉnh Quảng Trị; nghề nghiệp: Làm rẩy; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh, tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Quang T và và Phạm Thị L (đều đã chết); có vợ: Đặng Thị Kim T2, sinh năm: 1976, nơi cư trú: Khối 4, thị trấn K, huyện H, tỉnh Quảng Trị và có 03 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt.

Hồ Văn P, sinh năm 1993 tại huyện H, tỉnh Quảng Trị; nơi cư trú: Thôn T, xã X, huyện H, tỉnh Quảng Trị; nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ học vấn: 8/12; dân tộc: Vân kiều; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hồ Lâm P (đã chết) và bà Hồ Thị A D, sinh năm: 1948; có vợ Hồ Thị D2, sinh năm 1993 và có 02 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”; có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Hồ Văn P: Ông Nguyễn Lương C – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Trị; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

Anh Hoàng Hữu C2 – Chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại và dịch vụ Q;

địa chỉ: 26 đường H, thị trấn K, huyện H, tỉnh Quảng Trị; vắng mặt.

- Người tham gia tố tụng khác:

Người làm chứng:

Anh Lê Văn Ch, sinh năm 1990, nơi cư trú: Thôn 2, xã H, huyện B, tỉnh Quảng Bình; vắng mặt.

Chị Hồ Thị D2, sinh năm 1993, nơi cư trú: Thôn T, xã X, huyện H, tỉnh Quảng Trị; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Chiều ngày 14/10/2018 Hồ Văn P ở Thôn T, xã X, huyện H đi làm rẫy tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về thì gặp 04 người lạ mặt (quá trình điều tra không xác định được lai lịch) tại bờ sông Sê Pôn thuộc địa phận xã Xy, huyện Hướng Hóa đang bán 01 con Sơn Dương (thường gọi là Dê Núi) đã nô bụng lấy nội tạng, không có bộ phận sinh dục với giá 3.600.000đồng. P điện thoại cho Bùi Ta B ở Khối 4, thị trấn K, huyện H nói cho Bùi Ta B có người bán 01 con Sơn Dương với giá 3.600.000đ, Bùi Ta B nhờ Hồ Văn P mua cho B để về ăn thịt và lấy xương nấu cao. Do không mang theo tiền nên P yêu cầu người bán đưa con Sơn dương về nhà P giao hàng và nhận tiền.

Khoảng 20 giờ cùng ngày Bùi Ta B điều khiển xe ô tô biển số 74A-037.52 (thuê của Doanh nghiệp tư nhân thương mại và dịch vụ Q có trụ sở tại khối 3A, thị trấn K, huyện H, tỉnh Quảng Trị do ông Hoàng Hữu C2 làm giám đốc) đi cùng với Lê Văn Ch ở xã H, huyện B, tỉnh Quảng Bình vào nhà P, B đưa cho P 3.600.000đ rồi cùng P khiêng con Sơn Dương bỏ vào trong cốp xe ô tô biển số 74A-037.52, sau đó B điều khiển xe chạy ra Quốc lộ 9 về hướng thị trấn Khe Sanh. Khi đến Km 73+250 Quốc lộ 9 thuộc địa phận xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thì bị lực lượng Đồn biên phòng Thuận phối hợp với đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm và đội trinh sát đặc nhiệm, đoàn đặc nhiệm miền trung – Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Đội kiểm soát ma túy cục Hải Quan tỉnh Quảng Trị, trạm cảnh sát giao thông Đakrông và đội cảnh sát giao thông Công an huyện Hướng Hóa kiểm tra xe ô tô, phát hiện và tạm giữ:

01 cá thể động vật nghi là Sơn Dương, có trọng lượng 45kg đã chết, bị mổ lấy nội tạng và bộ phận sinh dục.

01 chiếc xe ô tô 74A-037.52 và giấy tờ liên quan.

Ti bản kết luận giám định động vật số 882/STTNSV ngày 12/01/2018 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận:

01 cá thể động vật (đã chết, bị mổ lấy nội tạng, không có bộ phận sinh dục) là loài Sơn Dương có tên khoa học là Naemorhedus (capricornis) sumatraensis.

Loài Sơn dương Naemorhedus (capricornis) sumatraensis có tên trong phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ).

Loài Sơn dương Naemorhedus (capricornis) sumatraensis có tên trong nhóm IB, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 20/3/2006 của Chính phủ).

Loài Sơn dương Naemorhedus (capricornis) sumatraensis có tên trong phụ lục I, danh mục loài động vật hoang dã quy cấp (Ban hành kèm theo thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Quá trình điều tra:

Đã trả lại chiếc xe mô tô 74A-037.52 và giấy tờ liên quan cho Doanh nghiệp tư nhân thương mại và dịch vụ Q.

Ht kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã xử lý tiêu hủy 01 cá thể Sơn dương đã thu giữ trong quá trình điều tra.

Bản cáo trạng số: 20/CT-VKSHH ngày 18 tháng 3 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã truy tố các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm b khoản 1 Điều 244 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Hướng Hóa đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm b khoản 1 Điều 244; căn cứ điểm b khoản 1 Điều 244, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 1, 2 Điều 65 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo, xử phạt mỗi bị cáo từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH buộc các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Người bào chữa cho bị cáo Hồ Văn P đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244, điểm i, s, m khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 36 của Bộ luật hình sự xử phạt cải tạo giam giữ đối với bị cáo.

Ti phiên tòa các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P đều khai nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Đã nhận lại chiếc xe mô tô 74A-037.52 và giấy tờ liên quan, không có yêu cầu gì thêm.

Các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P đều nói lời sau cùng: Xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hướng Hóa, điều tra viên; Hật kiểm lâm huyện Hướng Hóa; Viện kiểm sát nhân dân huyện Hướng Hóa, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, người bào chữa cho bị cáo P và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có người nào có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa là khách quan, hoàn toàn phù hợp với kết quả điều tra và các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở để Hội đồng xét xử khẳng định: Chiều ngày 14 tháng 10 năm 2018 các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P có hành vi mua, vận chuyển 01 cá thể động Sơn Dương đã chết, bị mổ lấy nội tạng, là loài có tên trong phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ) và nhóm IB, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 20/3/2006 của Chính phủ) và phụ lục I, danh mục loài động vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn). Từ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy có đủ căn cứ để khẳng định hành vi của các bị cáo đã phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 của Bộ luật hình sự.

[3] Về vai trò, nhân thân của từng bị cáo trong vụ án, Hội đồng xét xử thấy rằng bị cáo Hồ Văn P là người liên lạc thông báo với bị cáo Bùi Ta B để mua con Sơn Dương và các bị cáo cùng cố ý thực hiện một tội phạm, giữa các bị cáo không có sự phân công cấu kết chặt chẽ nên chỉ là đồng phạm giản đơn.

Xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thấy rằng: Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa hôm nay các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên các bị cáo được áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Đối với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và “Phạm tội do lạc hậu” quy định tại điểm i, m khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự mà người bào chữa đề nghị áp dụng cho bị cáo Hồ Văn P, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ chấp nhận. Các bị cáo được áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, đều có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, Hội đồng xét xử thấy cần căn cứ khoản 1 Điều 54, khoản 1, 2 Điều 65 của Bộ luật hình sự xử phạt các bị cáo mức án dưới mức khởi điểm của khung hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo là có căn cứ, phù hợp.

Hiện các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Vì vậy, cần tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với các bị cáo cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Đi với anh Hoàng Hữu C2 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Trong quá trình điều tra cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hướng Hóa đã ra quyết định xử lý vật chứng trả lại tài sản và các giấy tờ liên quan đối với chiếc xe ô tô biển kiểm soát 74A-037.52 cho Doanh nghiệp tư nhân thương mại và dịch vụ Q do ông Hoàng Hữu C2 làm giám đốc. Anh Hoàng Hữu C2 không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết. Xét việc trả lại của cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hướng Hóa là đúng với quy định của pháp luật.

[4] Về xử lý vật chứng liên quan đến vụ án: Trong quá trình điều tra cơ quan chức năng đã thu giữ và đã bàn giao cho Hạt kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã xử lý tiêu hủy 01 cá thể Sơn dương đã thu giữ trong quá trình điều tra. Xét việc tiêu hủy 01 cá thể Sơn Dương của cơ quan chức năng là đúng với quy định của pháp luật.

[5] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án buộc các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P mỗi bị cáo phải chịu 200.000đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 244; Điều 38, điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 1 Điều 54, khoản 1, 2 Điều 65 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P.

Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội 1. Tuyên bố các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P đều phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Xử phạt bị cáo Bùi Ta B 09 (Chín) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng tình từ ngày tuyên án sơ thẩm (03/5/2019).

Xử phạt bị cáo Hồ Văn P 09 (Chín) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 (Mười tám) tháng tình từ ngày tuyên án sơ thẩm (03/5/2019).

Giao bị cáo Bùi Ta B cho UBND thị trấn K, huyện H, tỉnh Quảng Trị giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND thị trấn Khe Sanh trong việc giám sát giáo dục bị cáo.

Giao bị cáo Hồ Văn P cho UBND xã Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND xã Xy trong việc giám sát giáo dục bị cáo.

Trường hợp các bị cáo Bùi Ta B, Hồ Văn P thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Tiếp tục áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 09/2019/HSST-CĐKNCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 và số 10/2019/HSST-CĐKNCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Hướng Hóa đối với các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật.

2. Về án phí: Buộc các bị cáo Bùi Ta B và Hồ Văn P mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.

3. Các bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (03/5/2019). Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

452
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 22/2019/HS-ST ngày 03/05/2019 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Số hiệu:22/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hướng Hóa - Quảng Trị
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 03/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về