Bản án 23/2018/DS-PT ngày 05/01/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 23/2018/DS-PT NGÀY 05/01/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 05/01/2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 528/2017/TLPT - DS ngày 25/10/2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” do bản án dân sự sơ thẩm số 410/2017/DSST ngày 14/9/2017 của Tòa án nhân dân Quận A bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3249/QĐPT-DS ngày 27/12/2017 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Lại Thế D, sinh năm 1977

Trú tại: Đường N, tổ M, khu phố B, Phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Ông Đào Văn U, sinh năm 1963

Trú tại: Đường HT, khu phố C, Phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị Minh H, sinh năm 1981

Trú tại: Đường N, tổ M, khu phố B, Phường T, Quận A, Thành phố HồChí Minh.

2. Bà Đào Thị T, sinh năm 1965

Trú tại: Đường HT, khu phố C, Phường T, Quận A, Thành phố Hồ ChíMinh.

Người làm chứng:

1. Ông Đào Văn T, sinh năm 1927

Địa chỉ: 515/1 Phạm Văn Chiêu, khu phố 7, Phường 13, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bà Đào Thị Hồng T, sinh năm 1986

Trú tại: Đường HT, khu phố C, Phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 25/10/2013, bản tự khai, biên bản hòa giải ngày 04/3/2014, biên bản không tiến hành hòa giải được ngày 11/7/2017 nguyên đơn ông Lại Thế D trình bày:

Vào thời điểm trước ngày 23/11/2011 ông có vay của ông Đào Văn U số tiền 4 lượng vàng và 100.000.000 đồng với lãi suất là 3%/tháng nhưng do không nhớ rõ nên ông ghi trong đơn khởi kiện và bản tự khai là 110.000.000 đồng. Ngày 23/11/2011 ông cho ông U vay lại 510.000.000 đồng với lãi suất 2%/tháng.

Nay ông có những yêu cầu sau:

Ông đồng ý trả cho ông U số tiền ông vay của ông U là 4 lượng vàng SJCvà 100.000.000 đồng.

Yêu cầu ông U trả cho ông số tiền ông U đã vay của ông là 510.000.000 đồng và tiền lãi suất tạm tính từ ngày 23/11/2011 đến ngày 14/9/2017 là 69,7 tháng. Lãi suất theo quy định là 1,125%/tháng bằng tổng số tiền lãi là 399.903.750 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là 909.903.750 đồng.

Ngoài ra, ông không yêu cầu giám định chữ ký của ông Đào Văn U trong giấy vay tiền ngày 23/11/2011 tại Viện khoa học hình sự Bộ Công an, tại Hà Nội.

Bị đơn ông Đào Văn U trình bày tại bản tự khai, biên bản hòa giải và đơn phản tố như sau:

Ông Lại Thế D là cháu bà con bên vợ ông. Do thấy ông D ở quê nghèo khó nên ông đã đưa ông D từ quê vào Sài Gòn làm ăn và cưu mang, lo công ăn việc làm cho ông D những ngày đầu mới vào Sài Gòn.

Vì là họ hàng nên khi ông D cần tiền kinh doanh cầm đồ, ông đã cho ôngD vay tất cả 4 lần tiền và vàng. Cụ thể như sau:

Ngày 17/8/2011 cho ông D vay 40.000.000 đồng Ngày 22/9/2011 cho ông D vay 3 lượng vàng SJC Ngày 28/11/2011 cho ông D vay 50.000.000 đồng

Ngày 01/01/2012 cho ông D vay 10.000.000 đồng và 1 lượng vàng SJC nhưng khi làm giấy vay tiền ông D ghi ngày 30/9/2011. Ông có hỏi ông D tại sao không ghi đúng ngày mà lại lùi ngày thì ông D trả lời ghi vậy để dễ tính toán với vợ. Vì tin tưởng nên ông không nghi ngờ gì về việc này.

Như vậy, tổng cộng 4 lần ông cho ông D vay là 100.000.000 đồng và 4 lượng vàng SJC, cả 4 lần đều làm giấy vay viết tay, không ghi thời hạn vay nhưng hai bên thỏa thuận miệng khi nào cần thì báo cho ông D biết trước 1 tháng, thỏa thuận miệng lãi suất là 3%/tháng.

Sau khi vay 2 lần đầu, đến ngày 23/11/2011 ông D trả cho ông 10.000.000 đồng tiền lãi, ông D đưa cho ông tờ giấy trắng có ghi 10.000.000 đồng, phía dưới ghi dòng chữ “ Người nhận tiền” và yêu cầu ông ký nhận vì là người nhà tin tưởng ông D nên ông đã ký tên.

Đến ngày 28/11/2011 ông D tiếp tục vay 50.000.000 đồng, ngày 01/01/2012 ông D vay thêm 10.000.000 đồng và 1 lượng vàng. Từ đó đến nay ông D không trả thêm cho ông đồng tiền lãi nào, cũng không trả nợ gốc. Ông đến nhà đòi nợ nhưng ông D cố tình lánh mặt không trả, vì vậy không có việc ông lại đi vay tiền của ông D.

Ông khẳng định giấy vay tiền ngày 23/11/2011 là hoàn toàn giả mạo bởi các lý do:

Thứ nhất: Ngày 17/8/2011 và ngày 22/9/2011 ông cho ông D vay hai lần tiền tổng cộng là 40.000.000 đồng và 3 lượng vàng, giả sử ngày 23/11/2011 ông D có tiền tại sao không trả cho ông mà lại cho ông vay.

Không thể có chuyện ông cho ông D vay rồi ông lại đi vay của ông D rồi đến ngày 28/11/2011 ông lại cho ông D vay 50.000.000 đồng và ngày 01/01/2012 cho ông D vay tiếp 10.000.000 đồng và 1 lượng vàng SJC.

Thứ hai: Không thể có chuyện ông D vay của ông với lãi suất 3%/tháng mà lại cho ông vay với lãi suất 2%/tháng trong khi đó ông D làm nghề cầm đồ không thể có chuyện vô lý như thế.

Thứ ba: Theo đơn khởi kiện ông D không thừa nhận việc vay tiền của ông có lãi suất thì cũng không thể có chuyện ông cho ông D vay không lãi suất mà lại vay của ông D với lãi suất 2%/tháng. Nếu như thế thì ngày 28/11/2011 và ngày 01/01/2012 có tiền ông phải trả cho ông D để bớt nợ, bớt lãi suất chứ tại sao ông D vay thêm 60.000.000 đồng của ông và 1 lượng vàng.

Thứ tư: Nếu ông nợ ông D số tiền trên thì tại sao từ ngày vay đến nay dù chưa trả nợ gốc và lãi mà ông D chưa một lần đòi nợ ông ? Trong khi đó nhiều lần ông đến nhà đòi nợ thì ông D cố ý lánh mặt.

Thứ năm: Nếu ông và ông D có nợ qua lại với nhau thì tại sao trong đơn khởi kiện ông D không xác định trả số vàng vay của ông bằng vàng mà lại quy ra tiền với giá 44.500.000 đồng/lượng trong khi đó giá vàng SJC tại thời điểm khởi kiện chỉ khoảng 35.000.000 đồng/lượng .

Vì vậy, từ những lý do hết sức mâu thuẫn như đã nói ở trên ông khẳng định giấy vay tiền ngày 23/11/2011 là hoàn toàn giả mạo, ông không vay tiền của ông D. Có thể ngày 23/11/2011 khi ông D trả cho ông 10.000.000 đồng tiền lãi và đưa cho ông tờ giấy trắng có ghi số 10.000.000 đồng phía dưới ông ghi dòng chữ người nhận tiền và yêu cầu ông ký nhận. Sau khi ông ký nhận, ông D đã ghi thêm các nội dung khác vào.

Nay ông D đòi nợ 510.000.000 đồng và tiền lãi từ 23/11/2011 cho đến ngày xử sau khi cấn trứ số tiền vàng mà ông D vay của ông thì ông phải trả cho ông D 222.000.000 đồng và lãi thì ông không đồng ý vì ông không vay của ông D và cũng không ký tên trên giấy vay tiền ngày 23/11/2011, giấy vay này do ông D cung cấp hoàn toàn là giả mạo.

Vợ chồng ông D còn nợ vợ chồng ông 100.000.000 đồng và 4 lượng vàng SJC nay ông yêu cầu vợ chồng ông D phải trả cho ông số tiền nêu trên và tiền lãi của khoản tiền ông đã cho ông D vay, riêng số vàng ông không yêu cầu tính lãi. Ông yêu cầu Tòa án giám định tờ giấy vay nợ ngày 23/11/2011.

Bà Nguyễn Thị Minh H có ý kiến trình bày như ý kiến chồng bà là ôngLại Thế D.

Bà Đào Thị T có ý kiến trình bày như ý kiến chồng bà là ông Đào Văn U. Bà còn trình bày thêm tại bản tự khai ngày 06/01/2014 như sau: Bà là vợ ông U, ông Lại Thế D là cháu của bà. Việc ông U cho ông D vay 4 lần tiền bà đều được ông U báo cho bà biết. Sau khi vay, ông D không trả nên nhiều lần ông U đến nhà đòi nợ trong đó có lần đòi nợ ngay trước mặt cha mẹ bà và đòi đánh ông D. Còn việc ông D cho ông U vay tiền là hoàn toàn không có vì vợ chồng bà không làm ăn gì, cũng không nợ ai nên không có nhu cầu cần số tiền lớn như vậy. Hơn nữa, nếu ông U vay thì ông D là cháu bà phải báo cho bà biết. Khi ông U không trả nợ thì ông D phải đến đòi nhưng hoàn toàn không có. Nay ông D đòi bà không đồng ý và cũng không chịu trách nhiệm liên đới trả cùng với ông U vì không biết ông U vay tiền của ông D. Bà yêu cầu ông D phải trả số tiền và vàng vay của vợ chồng bà.

Người làm chứng ông Đào Văn T trình bày tại bản tự khai nagỳ 13/5/2016:

Trưa ngày 05/2/2013 ông Lại Thế D đến nhà ông chơi chưa kịp ngồi thì vô tình con rể của ông tên Đào Văn U cũng đến. Thấy ông U đến ông D bỏ ra về, ông U yêu cầu ông D ở lại nói chuyện trả tiền và vàng cho ông U. Trong lúc nói chuyện do bức xúc nên ông U có đánh ông D , ông D quỳ lại và ôm vào ông xin ông U tha cho để về thu xếp trả tiền và vàng cho ông U . Lúc này ông U đã buông không đánh ông D nữa. Ngày hôm sau ông D viết đơn thưa ông U ra công an Phường 17, Quận G, công an đã đến nhà ông để điều tra sự việc. Sau đó công an có mời hai bên ra phường điều tra, hòa giải. Ông nhận thấy ông D mới là người vay tiền của ông U, ông U không mượn tiền của ông D.

Người làm chứng bà Đào Thị Hồng T trình bày tại bản tự khai ngày16/8/2016:

Ông U là bố của bà, ông U có cho ông D vay 100.000.000 đồng và 4 lượng vàng SJC từ tháng 11/2011 đến tháng 01/2012, ông U đã nhiều lần đến nhà ông D đòi nhưng ông D không tiếp và cố tình lẩn tránh để không gặp. Ngày 01/01/2013 bà tới nhà ông D nói chuyện và yêu cầu ông D trả lại tiền cho bố bà. Lúc đầu ông D không thừa nhận là có vay của bố bà. Sau một hồi tranh cãi, đôi co, thuyết phục khi bà chuẩn bị ra về thì ông D có nói với bà là gia đình ông thù bố bà không cho ông ngoại bà mua mảnh đất gần nhà ông D nên ông không trả tiền và vàng cho bố bà

Viện kiểm sát nhân dân Quận A phát biểu quan điểm: Trong quá trình giải quyết vụ án thẩm phán và hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án. Về nội dung: Đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận lời trình bày của nguyên đơn là nguyên đơn đã trả bị đơn số tiền 50.000.000 đồng và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Tại bản án sơ thẩm số 410/2017/DSS ngày 14/9/2017 của Tòa án nhân dân Quận A đã quyết định:

Căn cứ Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Căn cứ các Điều 124, 471, 472, 474, 476, 477 Bộ luât Dân sự năm 2005. Căn cứ Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Căn cứ Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.

1. Không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lại Thế D là buộc ông Đào Văn U phải trả cho ông số tiền 510.000.000 đồng và tiền lãi suất tạm tính từ ngày 23/11/2011 đến ngày 14/9/2017 là 69,7 tháng. Lãi suất theo quy định là 1,125%/tháng tổng số tiền lãi là 399.903.750 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là 909.903.750 đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Đào Văn U. Buộc ông Lại Thế D và bà Nguyễn Thị Minh H phải trả cho ông Đào Văn U và bà Đào Thị T số tiền lãi và gốc là 164.617.375 đồng và 4 lượng vàng SJC tương đương số tiền là146.680.000 đồng. Tổng cộng là 311.297.375 đồng. Trả ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Việc giao nhận tiền do các bên tự nguyện thực hiện hoặc thực hiện tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chậm thi hành án, quyền kháng cáo của các đương sự và phần án phí các đương sự phải chịu.

Ngày 25/9/2017 ông Lại Thế D nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông Lại Thế D cho là các chữ ký của ông Đào Văn U gửi đi giám địnhkhông giống nhau nên làm cho cơ quan giám định không giám định được nên ông yêu cầu cho giám định lại tại Bộ công an. Còn giấy nợ ngày 17/8/2011 do ông đã trả vốn 40.000.000 đồng cho ông U nên hai bên đã thỏa thuận đốt. Vậy nếu ông có trả nợ cho ông U ông chỉ trả 60.000.000 đồng, lãi và 4 lượng vàng SJC

Ông Đào Văn U trình bày: Giấy nợ 40.000.000 đồng ngày 17/8/2011 ông để trên bàn cho bạn coi nhưng bạn ông quên để điếu thuốc lên nên cháy một lỗ ở giữa chứ không phải dấu vết đốt bỏ đi, không có việc ông D trả vốn40.000.000 đồng tại cấp sơ thẩm ông khai trả tới 50.000.000 đồng. Ông U yêu cầu ông D trả đủ số nợ như án sơ thẩm đã xử. Về yêu cầu đòi giám định lại giấy nợ 510.000.000 đồng do ông D giả mạo, đã được Công an giám định 5 lần vàkhông kết luận chữ ký tên của ông nên ông không đồng ý dừng phiên tòa để cho giám định lại nữa.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quá trình tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, của những người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Về nội dung: Có cơ sở để không chấp nhận yêu cầu của ông Lại Thế D đòi bị đơn trả 510.000.000 đồng và lãi suất vì giấy nợ không được bị đơn thừa nhận, kết quả trưng cầu giám định chữ ký và chữ viết họ tên không phải của bị đơn ký và viết ra như kết quả trả lời của cơ quan giám định. Về yêu cầu phản tố của bị đơn đòi nguyên đơn số nợ được nguyên đơn thừa nhận, án sơ thẩm xử có căn cứ nên được giữ nguyên. Tại cấp sơ thẩm đã có lời khai nguyên đơn chốt lại không yêu cầu giám định nữa nhưng nay lại đòi dừng phiên tòa cho đi giám định lại là không cần thiết, vì đã được giám định 5 lần, nội dung kết luận không có điểm gì mâu thuẫn nên đề nghị bác yêu cầu xin giám định lại của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Lại Thế D nộp trong thời hạn luật định, thực hiện theo đúng quy định tại Điều 272, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và nộp tạm ứng án phí đúng thời hạn quy định nên được chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ.

[2] Về nội dung: xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Lại Thế D Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: theo yêu cầu của ông D, ông D đòi ông Đào Văn U trả cho ông số tiền vay của ông D là 510.000.000 đồng ngày vay 23/11/2011, lãi suất vay 2%/tháng, thời hạn vay 2 tháng. Ông D đòi ông U chưa trả vốn và lãi cho ông D từ ngày vay đến ngày xét xử sơ thẩm. Nên nay ông D yêu cầu trả lãi theo quy định của luật, thời gian trả lãi tính từ ngày 23/11/2011 cho đến ngày Tòa xét xử sơ thẩm.

Ông U không thừa nhận có vay của ông D số tiền 510.000.000 đồng như ông D khởi kiện mà ông U còn kiện ngược lại ông D còn nợ vợ chồng ông số tiền 100.000.000 đồng và 4 lượng vàng SJC do ông D vay mượn làm 4 lần với lãi suất 3%/tháng, có làm 4 giấy nợ.

Xét thấy: Vào ngày 17/8/2011 và 22/9/2011 ông D vay của ông U40.000.000 đồng và 3 lượng vàng SJC, lãi suất thỏa thuận là 3%/tháng nhưng ông D khai cho ông U vay lại 510.000.000đồng vào ngày 23/11/2011 lãi suất là 2%/tháng, lời khai của ông D vô lý vì nếu có tiền cho vay lại tại sao không cấn trừ ngay số tiền ông D đang nợ ông U vay mà ông U phải vay lại của ông D, và càng vô lý hơn khi ông U cho ông D vay với lãi suất 3% mà ông D lại cho ông U vay với lãi suất 2% ông D bị thiệt 1%. Sau đó ngày 28/11/2011 ông D vay của ông U 50.000.000 đồng nếu có nợ 510.000.000 đồng tại sao không trừ vào số nợ này mà phải ghi giấy nợ 50.000.000 đồng. Điều đó càng thể hiện sự vô lý như lời khai đòi nợ của ông D ông cho mượn lại mà không cấn trừ nợ mình đang thiếu.

Do giấy vay nợ ngày 23/11/2011 ông D xuất trình cho là giấy nợ ông U ký nhưng ông U không công nhận nên theo yêu cầu của hai ông, Tòa án nhân dân Quận A đã trưng cầu giám định 5 lần tại Phân viện Khoa học Hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh và Viện khoa học hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát.

Kết luận giám định ngày 25/7/201của Viện khoa học hình sự: “ Không đủ kết luận chữ ký mang tên Đào Văn U trên tài lệu ký hiệu A so với chữ ký của ông Đào Văn U trên các tài liệu ký hiệu từ M1 đến M12 có phải do cùng một người ký ra hay không.

Không xác định được chữ viết tại mặt trước và mặt sau trên tài liệu ký hiệu A có phải viết cùng thời đểm hay không

Không đủ cơ sở kết luận chữ viết tại mặt trước và mặt sau trên tài liệu ký hiệu A có phải cùng một bút viết ra hay không”.

Kết luận giám định ngày 16/02/2017của Phân viện khoa học hình sự: “ Không đủ cơ sở kết luận chữ ký mang tên Đào Văn U, chữ viết họ tên “Đào Văn U” dưới mục “ người nhận tiền” trên tài liệu cần giám định: “Giấy vay tiền” đề ngày 23/12/2011 (Ký hiệu A) so với chữ ký chữ viết đứng tên Đào Văn U trên các mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M7 có phải do cùng một người ký và viết ra hay không.

Sau đó có công văn điều chỉnh vì ghi sai tháng: Giấy vay tiền ngày 23/11/2011 chứ không phải 23/12/2011.

Kết luận giám định ngày 20/4/2017 của Phân viện khoa học hình sự: Không kết luận được chữ ký, chữ viết tên “Đào Văn U” dưới mục “Người nhận tiền” trên “ giấy vay tiền” đề ngày 23/11/2011 (ký hiệu A) so với chữ ký chữ viết đứng tên Đòa Văn U trên 5 tài liệu mẫu so sánh ( ký1hiệu từ M1 đến M5) là có phải do cùng một người ký và viết ra hay không”

Như vậy qua kết quả trả lời giám định của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh và Viện khoa học hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát đều kết luận không có cơ sở để kết luận chữ ký và chữ viết họ tên Đào Văn U giống với chữ ký mẫu so sánh do ông Đào Văn U viết ra cung cấp làm mẫu so sánh để giám định.

Án sơ thẩm nhận định không có cơ sở để cho là ông U có vay của ông D 510.000.000 đồng vào ngày 23/11/2011. Ông D cho là ông U đã thừa nhận do ông khai có ký trong khi nhận tiền lãi 10.000.000 đồng và ghi bên người nhận tiền, xét thấy lời khai này của ông U cho là ký nhận trong giấy nhận lãi10.000.000 đồng chứ không phải trong giấy nợ 510.000.000 đồng và không ký tên dưới dòng chữ người nhận tiền của giấy 510.000.000 đồng này cho nên án sơ thẩm nhận định ông D đòi nợ ông U 510.000.000 đồng là không có cơ sở nên không chấp nhận yêu cầu này là đúng nên Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giữ nguyên phần này của bản án sơ thẩm.

 [3] Về yêu cầu phản tố của bị đơn Đào Văn U, Hội đồng xét xử xét thấy: Ông U đòi vợ chồng ông D phải trả cho ông 100.000.000 đồng và 4 lượngvàng SJC do ông D vay của ông U vào các ngày 17/8/2011, 22/9/2011,28/11/2011, 30/9/2011( nhưng thực tế vay ngày 01/01/2012 ông D bảo ghi ngày như vậy để tính toán với vợ). Giấy nợ không ghi thời hạn vay nhưng ghi khi cần đòi thì báo trước 1 tháng, lãi suất hai bên thỏa thuận miệng là 3%/tháng. Ông D đã trả được 15.000.000 đồng tiền lãi. Như nhận định của án sơ thẩm, mức lãi suất ông U cho ông D vay 3%/tháng là quá cao so với quy định của luật, quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 “ Lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Lãi suất cơ bản theo quy định tại Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định lãi suất cơ bản 9%/năm như vậy lãi trong hạn của ông U cho ông D vay được tính 9%/năm x 1,5 = 13,5%/năm, tương ứng1,125%/tháng. Số lãi được tính là:

Ngày 17/8/2011 vay 40.000.000 đồng, tính đến ngày xét xử sơ thẩm 14/9/2017 là 72 tháng 27 ngày , lãi suất 1,125%/tháng , tiền lãi là 32.805.000 đồng, cộng cả gốc và lãi là 72.805.000 đồng.

Ngày 28/11/2011 vay 50.000.000 đồng, tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 69 tháng 16 ngày, lãi suất 1,125%/tháng , tiền lãi là 39.112.500 đồng, cộng cả gốc và lãi là 89.112.500 đồng.

Ngày 01/01/2012 vay 10.000.000 đồng, tính đến ngày xét xử sơ thẩm14/9/2017 là 68 tháng 14 ngày , lãi suất 1,125%/tháng , tiền lãi là 7.702.500 đồng, cộng cả gốc và lãi là 17.702.500 đồng.

Tổng cộng vốn lãi là 179.620.000 đồng. Án sơ thẩm tính 179.617.375 đồng sai số không đáng kể nên giữ nguyên.

Ông U đã nhận của ông D tiền lãi là 15.000.000đ nên còn lại là 164.620.000 đồng.

Lãi suất vàng ông U cho vay không được tính lãi; số vàng 4 lượng cho vay khi thanh toán sẽ được quy đổi ra tiền đồngViệt Nam như quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính Phủ.

Giá vàng ngày 14/9/2017 là 36.670.000 đồng/lượng (theo Trang Thông tin điện tử của Công ty TNHH một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn –SJC). Như vậy 4 lượng x 36.670.000 đồng/lượng = 146.680.000 đồng.Cộng vốn và lãi của số tiền cho vay và 4 lượng vàng thì ông D phải trả cho ông U tổng cộng là 311.300.000 đồng. do ông D sử dụng tiền này để kinh doanh tạo thu nhập trong gia đình nên bà Nguyễn Thị Minh H là vợ ông D cũng phải liên đới chịu chung trách nhiệm với ông D trả nợ cho vợ chồng ông U như quy định của luật Hôn nhân gia đình năm 2014.

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm, tòa án cấp sơ thẩm đã tính đúng nên được giữ nguyên. Án phí dân sự phúc thẩm: do nguyên đơn kháng cáo nhưng không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm là 300.000 đồng.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ các Điều 27, 29, 30, 33, 37 Luật hôn nhân gia đình năm 2014; Căn cứ các Điều 124, 471, 472, 474, 476, 477 Bộ luật Dân sự năm 2005; Căn cứ Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và Mức thu án phí, lệ phí;

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lại Thế D Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lại Thế D đòi ông Đào Văn U phải trả cho ông số tiền 510.000.000 đồng và tiền lãi suất tạm tính từ ngày 23/11/2011 đến ngày 14/9/2017 là 69,7 tháng. Lãi suất theo quy định là 1,125%/tháng, tổng số tiền lãi là 399.903.750 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là909.903.750 đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Đào Văn U đòi ông Lại Thế D và bà Nguyễn Thị Minh Hải H nợ cho vợ chồng ông.

Buộc ông Lại Thế D và bà Nguyễn Thị Minh H phải trả cho ông Đào Văn U và bà Đào Thị T số tiền lãi và gốc là 164.620.000 đồng và 4 lượng vàng SJC tương đương số tiền là 146.680.000 đồng. Tổng cộng là 311.300.000 đồng (Ba trăm mười một triệu ba trăm ngàn đồng). Trả ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Việc giao nhận tiền do các bên tự nguyện thực hiện hoặc thực hiện tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Kể từ ngày vợ chồng ông U có đơn yêu cầu thi hành án mà vợ chồng ông D chưa giao trả hết số tiền nêu trên, thì vợ chồng ông D còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Án phí dân sự sơ thẩm: ông Lại Thế D và bà Nguyễn Thị Minh H phải nộp là 54.862.000 đồng (năm mươi tư triệu tám trăm sáu mươi hai nghìn đồng). Cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông D đã nộp là 6.700.000 đồng (sáu triệu bảy trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2012/00715 ngày

05/11/2013 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận A, ông D và bà H còn phải nộp thêm 48.162.000 đồng (bốn mươi tám triệu một trăm sáu mươi hai nghìn đồng). Nộp ngay khi bản án có hiệu lực thi hành.

Hoàn trả cho ông Đào Văn U số tiền tạm ứng án phí đã nộp là8.991.250 đồng (tám triệu chín trăm chín mươi mốt nghìn hai trăm năm mươi đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AD/2014/0006709 ngày22/10/2015 của Chi cục thi hành án dân sự Quận A.

Án phí dân sự phúc thẩm: ông Lại Thế D phải nộp án phí là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) được cấn trừ số tiền tạm ứng án phí ông D đã nộp theo biên lai thu số 003426 ngày 25/9/2017.

3.Trường hợp bản án,quyết định được thi hành theo quy định tại Điều2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

610
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2018/DS-PT ngày 05/01/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:23/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về