Bản án 23/2018/HNGĐ-ST ngày 10/08/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIA LỘC - TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 23/2018/HNGĐ-ST NGÀY 10/08/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON CHUNG SAU LY HÔN

Ngày 10 tháng 8 năm 2018, tại Trụ sở, Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương xét xử công khai sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 137/201/TLST-HNGĐ, ngày 06-6-2018 về việc “tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 26/2018/QĐXXST-HNGĐ ngày 06-7-2018; Quyết định hoãn phiên tòa số 17/2018/QĐST-DS ngày 24-7-2018; giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1975. Đăng ký hộ khẩu và trú tại: Thôn NC, xã PT, huyện GL, tỉnh Hải Dương (Có mặt).

- Bị đơn: Anh Hoàng Văn C, sinh năm 1974. Đăng ký hộ khẩu và trú tại: xã ĐT, huyện GL, tỉnh Hải Dương (Vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Cháu Hoàng Văn C2, sinh ngày 02/3/2006. Đăng ký hộ khẩu: xã ĐT, huyện GL, tỉnh Hải Dương. Hiện ở tại: thôn NC, xã PT, huyện GL, tỉnh Hải Dương. (có mặt)

- Người đại diện theo pháp luật của cháu C2: Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1975. Đăng ký hộ khẩu và trú tại: thôn NC, xã PT, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (có mặt).

 Người làm chứng:

1- Ông Hoàng Văn C3, sinh năm 1938;

2- Bà Phùng Thị L, sinh năm 1937;

3- Chị Trần Thị Đ, sinh năm 1966.

Đều đăng ký hộ khẩu và trú tại: xã ĐT, huyện GL, tỉnh Hải Dương (Tất cả đều vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, bản tự khai, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn chị Nguyễn Thị T trình bày:

Chị và anh Hoàng Văn C được Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương giải quyết ly hôn vào ngày 22-01-2013 theo Bản án số 03/2013/HNGĐ-ST. Tại quyết định của bản án trên về con chung xử giao cho chị trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu Hoàng Thị M còn anh C trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu Hoàng Văn C2. Không bên nào phải cấp dưỡng tiền nuôi con cho nhau và không ai được ngăn cản quyền thăm nom và chăm sóc con chung. Tuy nhiên, sau khi ly hôn, thời gian đầu chị sang gặp cháu C2 nhưng đều bị bố mẹ anh C và anh C đuổi, ngăn cản chị thăm gặp con. Nhiều khi nhớ con chị phải ra trường học của con mới gặp được. Còn cháu M, chị gái sang thăm cháu C2 lúc đầu cũng bị ông bà nội cấm, sau một thời gian mới được ông bà đồng ý. Cháu C2 tâm sự với chị là cuộc sống của cháu rất buồn. Hằng ngày anh C đi làm từ sáng sớm đến tối mới về không quan tâm, chăm sóc cháu. Còn ông bà nội trước đây còn khỏe là người trực tiếp chăm sóc cháu nay già yếu, tay run, mắt kém nên không thể chăm lo cho cháu được. Việc học hành, chăm sóc bản thân hiện nay do cháu C2 tự lo. Hơn nữa, anh C thường uống rượu say rồi chửi, đánh cháu C2 khiến cháu rất sợ hãi nên nhiều lần đã bỏ nhà bố sang ở cùng chị và mẹ. Lần gần đây nhất vào giữa tháng 5/2018 cháu C2 chạy từ nhà ông bà nội cháu sang ở với chị, sau 3 ngày anh C mới đến tìm cháu nhưng cháu không về. Từ đó cháu C2 ở cùng chị do chị chăm sóc, anh C không tìm gặp cháu nữa. Nay cháu C2 có nguyện vọng muốn được ở với chị và chị gái cháu nên chị đồng ý và đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được nuôi cháu C2 vì chị không muốn có những ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của con trai. Chị không yêu cầu anh C phải cấp dưỡng tiền nuôi con chung cùng chị. Nếu cháu C2 ở với chị, chị cam đoan sẽ nuôi dậy cháu phát triển tốt, hàng tuần sẽ để cháu về thăm ông bà nội và anh C.

Hiện nay chị đang làm công ty giầy da ở thị trấn TM, huyện TM, tỉnh Hải Dương. Thu nhập trung bình là 5.000.000đ/tháng. Con gái chị là Hoàng Thị M nay đã trên 18 tuổi và cũng đã đi làm cùng chị, có thu nhập ổn định. Do vậy, cháu C2 về ở cùng chị và cháu M sẽ tốt hơn vì khi ở cùng anh C, anh C hay uống rượu, không chăm sóc con, ông bà nội cháu đã già, yếu, đều đã 85 tuổi, không thể quan tâm, chăm sóc cháu.

- Ý kiến của anh C: Anh và bố mẹ anh nuôi cháu C2 từ bé đến nay. Anh không trực tiếp chăm sóc con nhưng anh đi làm có tiền lương về đều đưa cho mẹ để mẹ anh chi tiêu cho gia đình, đóng tiền ăn, học cho cháu C2. Hằng ngày anh có uống rượu, có hôm uống say anh ngủ đến trưa ngày hôm sau, mọi việc chăm sóc cháu C2 là do ông bà nội lo, cháu C2 cần mua gì thì nói với bà nội, mọi chi phí trong gia đình và của bố con anh là do mẹ anh lo. Hằng ngày, anh đi làm từ sáng đến tối, ăn cơm xong thì đi ngủ. Cháu C2 ngủ với bà nội. Anh không tâm sự với cháu C2 nên không biết nguyện vọng của cháu như thế nào. Nhiều lần cháu C2 xin sang chơi với mẹ cháu, anh không đồng ý vì cháu phải ở nhà học, làm việc nhà. Anh chỉ đồng ý cho cháu C2 sang với mẹ vào ngày lễ, nghỉ hè và chỉ được đi một hai ngày rồi về do chị gái cháu là Mùa đón. Khi cháu C2 mải chơi, anh có chửi cháu và dọa đánh chứ không đánh thật.

Chị T đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con là cháu C2 từ anh sang cho cô T nuôi anh không nhất trí. Anh đề nghị được tiếp tục nuôi cháu C2 vì sau khi ly hôn anh vẫn nuôi cháu C2 tốt. Anh làm phụ xây, thu nhập một ngày 230.000đ, mỗi tháng làm khoảng 20 đến 23 ngày. Công việc không ổn định, có việc thì làm, không có việc thì nghỉ ở nhà nên thu nhập không cố định, khoảng 4.000.000đ/ tháng. Anh xác định đủ điều kiện nuôi cháu C2 và cam đoan không ngăn cấm chị T sang thăm con.

Còn nguyện vọng của cháu C2 muốn về ở với mẹ là chị T, anh sẽ không cấp dưỡng tiền nuôi con cho chị T, tùy Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Ý kiến của cháu C2: Sau khi bố mẹ cháu ly hôn, cháu ở với bố cháu và ông bà nội. Hằng ngày bố cháu đi làm từ sáng đến tối mới về, việc chăm sóc cháu hoàn toàn do ông bà nội cháu. Tối cháu ngủ với bà, tự cháu học bài. Bố cháu không nói chuyện, tâm sự với cháu, không biết nguyện vọng của cháu thế nào. Mọi sinh hoạt của cháu đều do bà nội lo. Cháu thấy cuộc sống của cháu khi ở với bố không vui vẻ. Mẹ cháu sang gặp cháu nhưng bị ông bà, bố cháu cấm nên mẹ cháu phải đến trường học gặp cháu. Bố là thợ xây nên hay uống rượu, thường xuyên chửi cháu, đánh cháu có lần không vì lỗi của cháu. Vào tháng 5/2018, cháu đi chơi thả diều thì bị bố cháu gọi về và chửi cháu, cháu biết lỗi nhưng bố cháu cầm que để đánh cháu, cháu sợ quá nên đã chạy trốn sang nhà bạn. Đến 7 giờ tối cháu không thấy ai tìm cháu nên cháu đã chạy về với mẹ cháu. Ba ngày sau bố cháu sang tìm cháu và bảo cháu về với bố nhưng cháu không muốn về và cháu ở với mẹ từ đó đến nay. Bố cháu không tìm cháu nữa. Nay nguyện vọng của cháu muốn được ở với mẹ và chị gái. Cháu không muốn ở với bố cháu vì trong suốt thời gian cháu ở cùng bố, bố cháu không quan tâm, chăm sóc cháu. Nếu Tòa án không cho cháu ở với mẹ thì cháu cương quyết không về ở cùng với bố cháu.

- Ý kiến của người làm chứng là chị Đ: Chị là chị dâu của anh C. Chị sống cạnh nhà bố mẹ chồng. Sau khi chị T và anh C ly hôn, bố con anh C sống cùng nhà với bố mẹ chồng chị. Chị chứng kiến mọi chuyện hằng ngày xảy ra giữa anh C và cháu C2. Anh C và cháu C2 sống không hợp nhau, thường xuyên cãi nhau. Nhiều lần, cháu C2 bỏ nhà đi, gia đình chị phải đi tìm cháu về. Anh C đi làm từ sáng đến tối mới về, ông bà nội già yếu, đã trên 85 tuổi, là người trực tiếp chăm sóc cháu, tối cháu C2 ngủ với bà nội. Nay chị T đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi cháu C2 từ anh C sang cho chị T: đây là việc riêng của anh chị và cháu C2 tự quyết định, chị không có ý kiến gì.

Ý kiến của bố mẹ anh C: Sau khi anh C, chị T ly hôn ông bà nuôi cháu C2 từ đó đến khi cháu bỏ về ở cùng mẹ và chị gái.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lộc phát biểu ý kiến

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Nguyên đơn đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; bị đơn chỉ có mặt tại phiên hòa giải lần đầu, các lần hòa giải tiếp theo và tại phiên tòa đều vắng mặt không lý do là vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị T; giao cháu Hoàng Văn C2 cho chị Nguyễn Thị T trực tiếp nuôi dưỡng, anh Hoàng Văn C không phải cấp dưỡng nuôi con chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, phát biểu quan điểm của kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Đối với sự vắng mặt của bị đơn: Tòa án đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do vì vậy căn cứ khoản 2 Điều 227, khoản 3 Đ228  Bộ Luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt đối với bị đơn.

[2]. Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Chị Nguyễn Thị T và anh Hoàng Văn C đều có Hộ khẩu thường trú và cư trú tại địa bàn huyện Gia Lộc đã ly hôn. Nay chị T khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con, nên quan hệ pháp luật được xác định là “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Gia Lộc theo khoản 3 Điều 28, Điều 35 và Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về nội dung: Căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, HĐXX xét thấy: Quá trình hôn nhân chị T và anh C có 02 con chung là Hoàng Thị M và Hoàng Văn C2. Khi ly hôn, tại Bản án số 03/2013/ HNGĐ- ST ngày 22-01-2013, Tòa án giao cho chị T được trực tiếp nuôi cháu Hoàng Thị M và anh C trực tiếp nuôi cháu Hoàng Văn C2. Tuy nhiên sau khi ly hôn anh C và bố mẹ anh C đã ngăn cản không cho chị T thăm nom, chăm sóc con. Việc làm này của anh C vi phạm quyền, nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc con của người không trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 82 của Luật hôn nhân và gia đình. Mặc khác, anh C được Tòa án giao quyền trực tiếp nuôi cháu C2 nhưng ngay sau khi được giao, năm 2013 anh C đã không trực tiếp chăm sóc con mà phó mặc cho bố mẹ anh nuôi dưỡng và chăm sóc cháu C2, còn anh chỉ biết đi làm và đưa tiền cho bố mẹ tự trang trải cuộc sống trong gia đình. Anh đi làm từ sáng đến tối mới về không quan tâm, chia sẻ với con nên không biết con muốn gì. Điều đó phù hợp với lời khai của những người làm chứng là chị Đ, bố mẹ anh C và trực tiếp là cháu C2 cũng xác định việc anh không trực tiếp chăm sóc và nuôi con. Hai bố con không hợp nhau. Điều này cho thấy anh C không thực hiện được nghĩa vụ trực tiếp nuôi con của mình. Trẻ em cần được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cả cha lẫn mẹ, mặc dù cháu C2 được giao cho anh C trực tiếp nuôi dưỡng nhưng anh C lại nhờ bố mẹ anh nay đã già yếu nuôi dưỡng hộ, anh chỉ chu cấp tiền hàng tháng để chi phí nuôi con là không đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của cháu C2.

Xét về điều kiện nuôi con của mỗi bên thì thấy: Chị T đi làm công ty có thu nhập ổn định trung bình mỗi tháng 5.000.000 đồng, có nơi cư trú ổn định. Cháu M ở cùng chị T cũng đã trưởng thành, đi làm có thu nhập phụ giúp mẹ về kinh tế gia đình. Còn anh C lao động tự do, thu nhập trung bình mỗi tháng được4.000.000đồng lại phải nuôi bố mẹ già nên điều kiện kinh tế để nuôi con sẽ không tốt bằng chị T.

Hơn nữa cháu C2 về ở với chị T và cháu M sẽ tốt cho cháu về tâm lý tuổi mới lớn. Có chị và mẹ chỉ bảo, dạy dỗ, cháu C2 sẽ có điều kiện phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Tại phiên tòa, chị T vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của mình, còn anh C vắng mặt không lý do. Do đó, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của chị Nguyễn Thị T là có cơ sở để chấp nhận theo quy định tại Điều 84 của Luật hôn nhân và gia đình.

[4]. Về cấp dưỡng: Chị T không yêu cầu anh C cấp dưỡng nuôi con chung nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[5]. Về án phí: Tại phiên tòa, chị Nguyễn Thị T tự nguyện chịu cả án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 81, Điều 82, Điều 83 và Điều 84 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014; khoản 3 Điều 28, Điều 35, Điều 39, Điều 147, khoản 2 Điều 227 và Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự;

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị T về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”.

1. Buộc anh Hoàng Văn C có nghĩa vụ giao cháu Hoàng Văn C2, sinh ngày 02/3/2006 cho chị Nguyễn Thị T trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi đủ tuổi thành niên (đủ 18 tuổi). Anh C không phải cấp dưỡng nuôi con chung. Anh C được quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung, không ai được quyền cản trở. Khi cần thiết, các đương sự có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con và cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật.

2. Án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng chị Nguyễn Thị T tự nguyện chịu, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí chị T đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003744 ngày 04/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chị T đã thực hiện xong nghĩa vụ về án phí.

3. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm nguyên đơn có quyền làm đơn kháng cáo gửi lên Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương để yêu cầu xét xử theo trình tự phúc thẩm. Riêng bị đơn vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc được niêm yết hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

323
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2018/HNGĐ-ST ngày 10/08/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con chung sau ly hôn

Số hiệu:23/2018/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Gia Lộc - Hải Dương
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 10/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về