Bản án 24/2018/HS-PT ngày 20/06/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 24/2018/HS-PT NGÀY 20/06/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 20 tháng 6 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 39/2018/TLPT-HS ngày 04 tháng5 năm 2018 đối với bị cáo Phạm Viết Q, do có kháng cáo của bị cáo và bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 08/2018/HSST ngày 20 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện YB, tỉnh Yên Bái.

- Bị cáo có kháng cáo:

Phạm Viết Q (tên gọi khác: không), sinh ngày 12 tháng 6 năm 1974, tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ; đăng ký hộ khẩu thường trú: Khu 10, xã ĐX, huyện TT, tỉnh Phú Thọ; nơi ở hiện nay: Thôn LM, xã MS, huyện YB, tỉnh Yên Bái; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 6/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; con ông Phạm Viết T sinh năm 1924 (đã chết); con bà Phùng Thị T1, sinh năm 1923; vợ là Phạm Thị C, sinh năm 1979; có hai con (con lớn sinh năm 2004, con nhỏ sinh năm 2009); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại - có mặt.

- Bị hại có kháng cáo: Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1981, trú tại thôn LM, xã MS,huyện YB, tỉnh Yên Bái - có mặt;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Chiều ngày 03-9-2017, cháu Nguyễn Anh D (cháu của chị Nguyễn Thị H) bị mất 01 chiếc điện thoại và 501.000 đ (năm trăm linh một nghìn đồng) nên nghi ngờ Phạm

Viết Q lấy để trong cốp xe mô tô của Phạm Viết Q. Khoảng 18 giờ cùng ngày, chị Nguyễn Thị H cùng con gái là Trần Thị Thanh H1 và cháu Nguyễn Anh D đến nhà Phạm Viết Q để hỏi Q về chiếc điện thoại bị mất; tại đây, giữa chị Nguyễn Thị H và Phạm Viết Q xẩy ra xô xát, cãi chửi nhau. Phạm Viết Q dùng chiếc điện thoại nhãn hiệu Masstel màu đen của mình ném trúng vào mặt chị H, làm chị H bị gãy xương chính mũi phải đi bệnh viện cấp cứu, điều trị.

Tại bản Kết luận Giám định pháp y số: 95/TgT ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Yên Bái giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với chị Nguyễn Thị H tại thời điểm giám định là 14% (mười bốn phần trăm).

Vật chứng thu giữ: 01 điện thoại di động màu đen nhãn hiệu Masstel, không có vỏ máy phía sau; 01 quả pin của điện thoại di động Masstel.

Quá trình điều tra, bị cáo, bị hại và những người làm chứng đều khai nhận nội dung sự việc như đã nêu trên.

Tại bản khai ngày 01-3-2018 và tại phiên tòa sơ thẩm, chị Nguyễn Thị H yêu cầu bồi thường tổng các khoản là 51.934.000 đ (năm mươi mốt triệu, chín trăm ba mươi tư nghìn đồng).

* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 08/2018/HSST ngày 20 tháng 3 năm 2018 củaTòa án nhân dân huyện YB, tỉnh Yên Bái đã quyết định:

I. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Phạm Viết Q phạm tội "Cố ý gây thương tích".

II. Về hình phạt: Áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội; khoản 3 Điều 7, điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), phạt Phạm Viết Q 03 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

III. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999; các Điều 584, 585, 590 và các Điều 357; 468 Bộ luật Dân sự năm 2015:Buộc bị cáo Phạm Viết Q bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho chị Nguyễn Thị H số tiền 41.704.000 đ (bốn mươi mốt triệu, bảy trăm linh tư nghìn đồng).

Ngày 21 tháng 3 năm 2018, bị cáo Phạm Viết Q kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo; Về phần bồi thường chỉ chấp nhận số tiền bồi thường số tiền thuốc cho người bị hại là 5.000.000đồng.

Ngày 29 tháng 3 năm 2018, bị hại chị Nguyễn Thị H, kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo và tăng tiền bồi thường đối với 31 ngày công sau khi ra viện để phục hồi sức khỏe.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo, rút yêu cầu kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự; thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình.

Bị hại: Giữ nguyên nội dung yêu cầu kháng cáo về phần hình phạt đối với bị cáo;rút yêu cầu kháng cáo về phần bồi thường dân sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử:

Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Chấp nhận mộtphần kháng cáo của bị cáo; sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2018/HSST ngày 20 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện YB, tỉnh Yên Bái theo hướng giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999: Xử phạt Phạm Viết Q 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách theo quy định của pháp luật.

Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo và kháng cáo của người bị hại đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo.

Bị cáo và bị hại rút yêu cầu kháng cáo về phần bồi thường tại phiên tòa, căn cứ khoản 3 Điều 342 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo về trách nhiệm dân sự của bị cáo và của người bị hại.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999; các Điều 584, 585, 590 và các Điều 357; 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015: Buộc bị cáo Phạm Viết Q bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho chị Nguyễn Thị H số tiền 41.704.000 đ (bốn mươi mốt triệu, bảy trăm linh tư nghìn đồng) được trừ vào số tiền bị cáo đã bồi thường cho chị H 5.000.000đồng (năm triệu đồng), bị cáo còn phải bồi thường tiếp cho người bị hại số tiền 36.704.000đồng.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đề nghị giữ nguyên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Viết Q đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với Kết luận Giám định pháp y, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong hồ sơ vụ án nên đã có đủ căn cứ xác định: Khoảng 18 giờ ngày 03-9-2017, tại thôn LM, xã MS, huyện YB, tỉnh Yên Bái, do có mâu thuẫn về việc chị Nguyễn Thị H nghi ngờ Phạm Viết Q lấy chiếc điện thoại của cháu chị H nên hai bên xảy ra cãi chửi, xô xát nhau, Phạm Viết Q đã dùng một chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Masstel không có vỏ máy phía sau ném vào mặt chị Nguyễn Thị H làm chị H bị gãy xương chính mũi tỷ lệ tổn thương cơ thể là 14% như Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định.

Việc Phạm Viết Q dùng chiếc điện thoại có trọng lượng 100g, có vỏ làm bằng nhựa cứng, bốn góc bo tròn không có góc, cạnh sắc nhọn ném trúng vào vùng mặt của chị Nguyễn Thị H đã thực tế gây tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể cho chị H tại thời điểm giám định là 14% thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là “Dùng hung khí nguy hiểm” như bản án sơ thẩm đã xác định là phù hợp.

 [2] Xét nội dung kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo Phạm Viết Q, kháng cáo của bị hại đề nghị tăng hình phạt, Hội đồng xét xử thấy:

Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến sức khỏe của chị Nguyễn Thị H một cách trái pháp luật, gây mất trật tự trị an ở địa phương. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7; điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) phạt bị cáo Phạm Viết Q 03 (ba) năm tù là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử sơ thẩm và phúc thẩm thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Bộ luật này về việc được áp dụng những quy định có lợi đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Do vậy, được áp dụng quy định có lợi cho bị cáo theo khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự mà không cần thiết phải áp dụng khoản 2 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, cần điều chỉnh lại điều luật áp dụng cho phù hợp.

Quá trình tham gia tố tụng, bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình; Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã tự nguyện bồi thường số tiền 5.000.000đồng cho người bị hại nên cần áp dụng cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Mặt khác, việc chị Nguyễn Thị H cùng con gái và cháu tự đến nhà bị cáo để hỏi về chiếc điện thoại của cháu chị H bị mất và nghi ngờ cho bị cáo, con trai của bị cáo lấy chiếc điện thoại mà không có căn cứ chứng cứ xác thực đã gây ức chế, kích động về tinh thần nên dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo. Do vậy, hành vi phạm tội của bị cáo cũng có nguyên nhân xuất phát từ một phần lỗi của người bị hại. Cần áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tuy nhiên, xét thấy mức án 03 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là thỏa đáng, phù hợp với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nên Hội đồng xét xử thấy cần giữ nguyên mức hình phạt, không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.

Tại cấp phúc thẩm chị H không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình nên kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

Đối với kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng: Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng nên có đủ điều kiện cho bị cáo được hưởng chế định quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Vì vậy, kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo là có cơ sở cần được chấp nhận.

Về phần trách nhiệm bồi thường dân sự: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo và người bị hại đã rút yêu cầu kháng cáo, việc rút phần kháng cáo này không liên quan đến kháng cáo khác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm về phần này. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho chị H 5.000.000đồng, vậy bị cáo còn phải bồi thường tiếp cho người bị hại số tiền 36.704.000đồng.

 [3] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, cần được chấp nhận.

[4] Căn cứ nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phạm Viết Q. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2018/HS- ST ngày 20/3/2017 của Tòa án nhân dân huyện YB, tỉnh Yên Bái theo hướng giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng chế định quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo và kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo. Đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo của bị cáo và bị hại về trách nhiệm dân sự.

 [5] Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo Phạm Viết Q không phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm, án phí dân sự sơ thẩm được tính lại theo quy định.

[6] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đãcó hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phạm Viết Q. Sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2018/HS-ST ngày 20/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện YB, tỉnh Yên Bái như sau:

Áp dụng khoản 3 Điều 7; điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm1999: Phạt bị cáo Phạm Viết Q: 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội: ''Cố ý gây thương tích”, thời gian thử thách 05(năm) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Phạm Viết Q cho Ủy ban nhân dân xã MS, huyện YB, tỉnh Yên Bái giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo và kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo của người bị hại.

2. Căn cứ khoản 3 Điều 342 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Đình chỉ xét xử phúc thẩm kháng cáo của bị cáo và người bị hại về phần trách nhiệm dân sự.

Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự năm 1999; các Điều 584, 585, 590 và các Điều 357; 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015: Buộc bị cáo Phạm Viết Q phải bồi thường tiếp thiệt hại về sức khỏe cho chị Nguyễn Thị H số tiền 36.704.000 đ (ba mươi sáu triệu, bảy trăm linh tư nghìn đồng).

3. Về án phí:

Căn cứ khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng12 năm 2016 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Bị cáo Phạm Viết Q không phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo phải chịu 1.835.000đồng (một triệu tám trăm ba mươi lăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

275
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 24/2018/HS-PT ngày 20/06/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:24/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Yên Bái
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về