Bản án 24/2018/HS-PT ngày 25/01/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 24/2018/HS-PT NGÀY 25/01/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 25 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 18/2017/TLPT-HS ngày 31/10/2017 đối với bị cáo Võ Thị H và đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo của người bị hại và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hành đối với bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Các bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, bị kháng nghị:

1. Võ Thị H, sinh ngày 03/7/1979; Trú tại: Thôn X, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Trình độ học vấn: 4/12; Con ông Võ C (Chết) và bà Đoàn Thị B; Có chồng tên là Nguyễn Diên B và 3 con, lớn nhất sinh năm 2001, nhỏ nhất sinh năm 2009; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên toà;

2. Võ Đình M, sinh ngày 18/3/1994; Trú tại: Thôn N, xã N, huyện T, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Thợ sơn PU; Trình độ học vấn: 9/12; Con ông Võ Đình C và bà Lê Thị S; Vợ, con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” ngày 06/3/2017, đến ngày 22/8/2017 bị cáo bị bắt tạm giam; bị cáo đang giam; có mặt tại phiên toà;

3. Nguyễn Văn T, tên gọi khác Bợm, sinh ngày 12/10/1993; Trú tại: Thôn N, xã N, huyện T, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Trình độ học vấn: 9/12; Con ông Nguyễn Y và bà Võ Thị Thu T; Vợ, con: Chưa có; Tiền sự, tiền án: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” ngày 06/3/2017, đến ngày 22/8/2017 bị cáo bị bắt tạm giam; bị cáo đang giam; có mặt tại phiên toà;

4. Nguyễn Lương Bá Th, sinh ngày 02/02/1987; Trú tại: Thôn A, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: Nông; Trình độ học vấn: 7/12; Con ông Nguyễn Thanh T và bà Lương Thị G; Vợ, con: Chưa có; Tiền sự, tiền án: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 21/3/2017; Bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên toà;

Người bị hại: Ông Nguyễn Diên B1 (tên gọi khác Tâm); sinh năm 1961; Nơi cư trú: Thôn X, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi; Có mặt tại phiên tòa;

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trương Thị T, sinh năm 1966;

2. Ông Nguyễn Diên B, sinh năm 1976;

Đều cư trú: Thôn X, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi; Bà T, ông B đều có mặt tại phiên tòa;

3. Ông Bùi Minh T, sinh năm 1988; Nơi cư trú: Thôn N, xã N, huyện T, tỉnh Quảng Ngãi; Vắng mặt tại phiên tòa;

Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại Nguyễn Diên B1: Ông Nguyễn Xuân Phương- Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, bảo vệ theo Quyết định về việc cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng số 36/QĐ-TGPL ngày 27/3/2017 của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi; Có mặt tại phiên tòa;

Người làm chứng: Ông Nguyễn Đăng B (Chút), sinh năm 1993; trú tại Thôn N, xã N, huyện T, tỉnh Quảng Ngãi; Vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do không thống nhất trong việc làm sen chung nên giữa ông Nguyễn Diên B1 và ông Nguyễn Diên B nảy sinh mâu thuẫn. Khoảng 11 giờ ngày 27/10/2016, Võ Thị H (là vợ của ông Nguyễn Diên B) điều khiển xe mô tô chở con gái đi đến đoạn đường trước chùa Long Bửu (thuộc Thôn X, xã H, huyện N) thì gặp ông B1 đang điều khiển xe máy kéo theo cộ sắt đi ngược chiều, ông B1 đã điều khiển xe đi lấn đường làm Võ Thị H bị ngã nhưng không gây thương tích.

Sau đó H đã điện thoại cho hai người cháu của H là Võ Đình M và Nguyễn Văn T (tên gọi khác là Bợm) để nói về việc mâu thuẫn với ông B1 và H nhờ M, T lên Nghĩa Hành đánh ông B1 để “dằn mặt”, M và T đồng ý. Ngay sau đó, M đã điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 54X9-7400 chở T và bạn là Nguyễn Đăng B (tên gọi khác là Chút) đi từ huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi lên gặp H tại khu vực hồ sen ở thôn H, xã H, huyện N. Lúc này, ngoài H còn Nguyễn Lương Bá Th (là người trông coi vịt cho Nguyễn Diên B) cùng ở đó, H đã kể lại sự việc mâu thuẫn giữa H và ông B1 cho M, T nghe và bàn bạc, thống nhất việc đánh ông B1, H nói, “giờ cô đi trước, mấy đứa bây đi sau, nếu ổng (tức là ông B1) chạy ra đánh tao thì bọn bây ập vô đánh”.

Võ Thị H điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 49M6-2204 đi trước, Th điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 76V5-7890 chở M, còn T điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 54X8-7400 chở Nguyễn Đăng B cùng đi đến nhà ông B1. Trên đường đi, M thấy 01 đoạn ống sắt rỗng ruột dài 01 mét, đường kính 03 cm (thân cây dù) nên M nói Th dừng xe lại để M cầm đoạn sắt này đi theo.

Đến đoạn đường trước chùa Long Bửu thì Th và T dừng xe lại, M và T đi vào trong chùa Long Bửu để quan sát (nhà ông B1 sát cạnh chùa Long Bửu, giữa tường ngăn cách chùa và nhà ông B1 có 1 lối đi nhỏ), Th và B đứng trước cổng chùa Long Bửu. Võ Thị H điều khiển xe mô tô đến ngõ nhà ông B1 kêu la nhiều lần với nội dung “T ơi T, tao đây nè, mày ra đây”, mục đích là để chọc tức ông B1 nhằm dụ ông B1 đi ra. Thấy vậy, bà Trương Thị T (là vợ của ông B1) đứng ở hè nhà la chửi và yêu cầu H đi về, nhưng H vẫn tiếp tục kêu la. Ông B1 đang nằm trong nhà nghe H la lối nên đã chạy ra sân và chạy về hướng H lúc này đang đứng ở ngoài bờ rào nhà ông B1, liền lúc đó M cầm đoạn ống sắt và T cầm 02 viên gạch 06 lỗ từ chùa Long Bửu chạy sang nhà ông B1 để đánh ông B1. Bà T nhìn thấy, kêu la và giằng giữ ống sắt trên tay M để ngăn cản nhưng M giật mạnh giữ lại ống sắt, đồng thời cầm ống sắt chạy đến vị trí ông B1 đứng và đánh liên tiếp 02 cái vào người ông B1.

Khi M cầm ống sắt đánh lần thứ nhất lúc này ông B1 đứng trực diện với M nên ông B1 đưa hai tay lên đỡ nên ống sắt trúng vào mặt ngoài đoạn phía trên của cánh tay phải, lần thứ hai do ông B1 đang xoay người để quay lưng lại phía M thì M đánh ống sắt theo đường chéo từ vai phải xuống vùng dưới bả vai trái của ông B1. Ngay khi đó T cầm viên gạch ở tay phải ném vào đầu ông B1 gây thương tích ở vùng thái dương trái, M tiếp tục dùng chân đạp vào đùi ông B1 01 cái làm ông B1 ngã nằm ngửa xuống đất. Bà T kêu la nhờ người tới giúp, đồng thời bà T chạy đến chống tay choàng qua người ông B1 để che chắn, ngăn cản không cho M và T đánh trúng vào người ông B1 (hai chân, hai tay của bà T chống xuống đất ở hai bên người ông B1, cơ thể của bà T không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của ông B1). Th và B chạy vào bên trong ngõ nhà ông B1 và nói với M và T “không được đánh ổng nữa, đi về”. Nghe vậy, M cầm ống sắt đi ra phía ngõ nhà ông B1. Lúc này bà T chạy vào nhà gọi điện thoại. T thấy ông B1 ngước đầu lên, nên T đã cầm viên gạch 06 lỗ ở tay trái đập vào đầu ông B1 một cái gây thương tích. Sau đó, T điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 54X8-7400 chở M và B đi về nhà, trên đường đi cách nhà ông B1 khoảng 500 mét thì M vứt bỏ ống sắt, còn Th điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 76V5- 07890 về lại hồ sen.

Ông B1 được người thân đưa đến Bệnh viện đa khoa Nghĩa Hành sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị thương tích. Ngày 31/10/2016, Bệnh viện Đà Nẵng cho ông B1 xuất viện chuyển về y tế địa phương điều trị tiếp, nhưng ông B1 không đến y tế địa phương điều trị mà về nhà ở Thôn X, xã H, huyện N. Đến ngày 04/11/2016, do thấy đau ở bụng nên ông B1 đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, phát hiện vỡ lách và đã phẫu thuật cắt bỏ lách, ngày 11/11/2016 ra viện.

Tại Kết luận giám định pháp y số 203/2016/GĐPY ngày 19/12/2016 và Kết luận giám định pháp y số 212/2016/GĐPY ngày 30/12/2016 của Phòng Giám định pháp y tỉnh Quảng Ngãi kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Diên B1 là 32 %, trong đó tỷ lệ tổn thương do vỡ lách phải cắt bỏ là 30% và tổn thương vùng đầu là 2%.

Ngày 31/5/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Hành Bn hành Quyết định trưng cầu giám định số 42/CSĐT gửi Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng để xác định trong quá trình điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng thì ông B1 đã bị tổn thương lá lách hay chưa. Ngày 09/6/2017, Trung tâm pháp y thuộc Sở y tế thành phố Đà Nẵng có công văn số 37/TTPY-GĐTH từ chối giám định với lý do không thuộc thẩm quyền.

Ngày 13/6/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Hành Bn hành Quyết định trưng cầu giám định số 44/CSĐT gửi Phòng pháp y Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi để xác định trong quá trình điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng thì ông B1 đã bị tổn thương lá lách hay chưa. Ngày 15/6/2017, Phòng pháp y Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có Công văn số 17/CV- PY từ chối giám định với lý do không đủ cơ sở để trả lời nội dung cần giám định.

Ngày 21/6/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Hành tiếp tục Bn hành Quyết định trưng cầu giám định số 45/CSĐT gửi Phòng pháp y Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi để xác định: Tác động của M đối với ông B1 và tư thế, động tác ngã của ông B1 có gây thương tích về lá lách hay không. Ngày 26/6/2017 Phòng pháp y Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có công văn số 18/CV- PY từ chối giám định với lý do không đủ cơ sở để trả lời nội dung cần giám định.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi quyết định:

Tuyên bố: Võ Thị H, Võ Đình M, Nguyễn Văn T, Nguyễn Lương Bá Th phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 1 Điều 104, Điều 20, Điều 53, điểm b, p khoản 1 Điều 46 và Điều 33 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Võ Thị H 12 (Mười hai) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt thi hành án.

Áp dụng khoản 1 Điều 104, Điều 20, Điều 53, điểm b, p khoản 1 Điều 46, điểm d khoản 1 Điều 48 và Điều 33 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 15 (Mười lăm) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 22/8/2017, tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Áp dụng khoản 1 Điều 104, Điều 20, Điều 53, điểm b, p khoản 1 Điều 46, điểm d khoản 1 Điều 48 và Điều 33 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Võ Đình M 12 (Mười hai) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 22/8/2017, tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Áp dụng khoản 1 Điều 104, Điều 20, Điều 53, điểm b, p khoản 1 Điều 46 và Điều 33 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Lương Bá Th 09 (Chín) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt thi hành án.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự, Điều 584, Điều 585, Điều 587 và Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo Võ Thị H, bị cáo Nguyễn Văn T, bị cáo Võ Đình M và bị cáo Nguyễn Lương Bá Th phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị hại Nguyễn Diên B1 số tiền là 72.922.943đồng, cụ thể như sau:

Bị cáo H phải bồi thường số tiền là 29.169.177đồng, được khấu trừ số tiền 10.000.000đồng bị cáo đã đưa trước, số tiền bị cáo H còn phải tiếp tục bồi thường cho ông B1 là 19.169.177đồng;

Bị cáo T phải bồi thường số tiền là 21.876.883đồng, được khấu trừ số tiền 05.000.000đồng bị cáo đã đưa trước, số tiền bị cáo T còn phải tiếp tục bồi thường cho ông B1 là 16.876.883đồng;

Bị cáo M phải bồi thường số tiền là 14.584.589đồng, được khấu trừ số tiền 05.000.000đồng bị cáo đã đưa trước, số tiền bị cáo M còn phải tiếp tục bồi thường cho ông B1 là 09.584.589đồng;

Bị cáo Th phải bồi thường số tiền là 07.292.294đồng, được khấu trừ số tiền 05.000.000đồng bị cáo đã đưa trước, số tiền bị cáo Th còn phải tiếp tục bồi thường cho ông B1 là 2.292.294đồng.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự, Điều 584, Điều 585, Điều 587 và Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo Võ Thị H, bị cáo Nguyễn Văn T, bị cáo Võ Đình M và bị cáo Nguyễn Lương Bá Th phải liên đới bồi thường thiệt hại cho bà Trương Thị T số tiền 1.000.000đồng, cụ thể như sau:

Bị cáo H phải bồi thường số tiền là 400.000 đồng; Bị cáo T phải bồi thường số tiền là 300.000 đồng; Bị cáo M phải bồi thường số tiền là 200.000 đồng; Bị cáo Th phải bồi thường số tiền là 100.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 29/9/2017, các bị cáo Nguyễn Văn T, Võ Đình M có đơn kháng cáo với nội dung xin được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ và xin giảm phần bồi thường thiệt hại.

Ngày 02/10/2017, các bị cáo Võ Thị H, Nguyễn Lương Bá Th có đơn kháng cáo với nội dung xin được hưởng án treo và xin giảm phần bồi thường thiệt hại.

Ngày 04/10/2017, ông Nguyễn Diên B1 có đơn kháng cáo với nội dung tăng mức hình phạt đối với tất cả các bị cáo và tăng phần bồi thường thiệt hại.

Ngày 04/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hành có kháng nghị phúc thẩm số 988/QĐ-VKS đề nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” theo điểm d khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Võ Đình M và bị cáo Nguyễn Văn T. Giảm nhẹ hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại cho các bị cáo theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo, người bị hại vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vẫn giữ nguyên nội dung kháng nghị.

Tại phần kết luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Hội đồng xét xử:

Về phần thủ tục tố tụng: Kháng cáo của các bị cáo, người bị hại; kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hành nằm trong thời hạn luật định và đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung:

Bà T, ông B1 khai có tính logic của sự việc ngoài việc các bị cáo M, T dùng cây, gạch đánh ông B1 thì còn dùng tay, chân đánh đá nhiều cái vào người ông B1 nên bà T mới nằm choàng qua người ông B1 để che chắn. Quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm chưa làm rõ có việc các bị cáo M, T, Th và người khác đánh, đạp vào người bị hại không?

Bà T, ông B1 khẳng định việc ông B1 bị dập lách là do các bị cáo gây ra vì từ sau khi bị đánh đến ngày dập lách phải cắt bỏ là 7 ngày, trong 7 ngày này ông B1 nằm viện tại Đà Nẵng có nói với Bác sĩ là đau nhiều chỗ để Bác sĩ khám nhưng Bác sĩ chỉ chú ý ở phần đầu mà không khám kỹ các phần khác và sau đó cho ông B1 về nhà điều trị. Khi về nhà sức khỏe của ông B1 rất yếu, ăn uống, vệ sinh đều phải có người đỡ. Vấn đề này có nhiều người biết và chứng kiến.

Bị cáo T khai chỉ dùng gạch chọi và đập vào đầu ông B1, ngoài ra không có hành động gì khác nhưng khi thực nghiệm điều tra lại có hình ảnh bị cáo T dùng chân đá vào đầu ông B1. Nguyên nhân vì sao có mâu thuẫn này cũng chưa được làm rõ?

Cấp sơ thẩm chưa làm rõ sau khi bị đánh ông B1 được đưa đi cấp cứu bằng phương tiện gì, ai là người đưa đi cấp cứu, trên đường đưa đi cấp cứu thì ông B1 có bị va chạm nào khác dẫn đến thương tích dập lách không? Khi điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng thì ông B1 có đi đâu, làm gì, có theo y lệnh của Bác sĩ không, khi điều trị thì Bác sĩ, y tá, người chăm sóc biết việc này như thế nào, triệu chứng tình trạng bệnh của ông B1 tại thời điểm này như thế nào, cấp sơ thẩm chưa làm rõ. Sau khi ông B1 về nhà thì ông B1 làm gì, ở đâu, ai biết. Ông B1 có va chạm nào khác dẫn đến thương tích dập lách hay không?

Cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc bị dập lách của ông B1 do đâu mà có, có phải do các bị cáo gây ra hay không, nội dung này chưa được làm rõ mà chỉ căn cứ vào kết quả siêu âm ổ bụng của Bệnh viện Đà Nẵng cho rằng thương tích dập lách không phải do các bị cáo gây ra là không vững chắc. Chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả của thương tích này như thế nào nên kết luận thương tích của ông B1 2% để giải quyết vụ án là không thuyết phục, chưa đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của bị hại cũng như đấu tranh phòng chống tội phạm. Nội dung mâu thuẫn trong các lời khai của các bị cáo với người có quyền lợi liên quan, người bị hại chưa chưa được làm rõ và cấp phúc thẩm xét thấy không thể bổ sung được.

Mặt khác, bản án hình sự sơ thẩm xác định: Đây là vụ án đồng phạm nhưng tính chất đồng phạm giản đơn, khi thực hiện hành vi gây thương tích các bị cáo không có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đồng phạm. Bị cáo H là người chủ mưu, cầm đầu, rủ rê lôi kéo các bị cáo tham gia và là người có mâu thuẫn với ông B1 nên các bị cáo M, T chỉ giúp sức nên không thể áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo nhưng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết này cho các bị cáo Võ Đình M và Nguyễn Văn T là không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chưa xem xét vai trò của từng đồng phạm và có người khác phạm tội không, cụ thể, trước khi đi đến nhà ông B1 gây thương tích thì có anh Nguyễn Đăng B đi cùng xe với các bị cáo T, M và bị cáo T, M nghe điện thoại của H và sau đó cả B người đến trại vịt, H có nói sự việc bị ông B1 đánh và bàn cách đánh ông B1 thì có anh B, anh B trực tiếp chở T đến nhà ông B1. Sau khi đánh xong thì chở bị cáo T quay về nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc tiếp nhận thông tin, thống nhất ý chí như thế nào, tại sao cùng đi và cùng về với các bị cáo khác trong vụ án.

Bà Trương Thị T khai anh Nguyễn Đăng B có xông vào vườn và cùng T, M, Th đánh ông B1, thực tế anh B có mặt tại nơi xảy ra việc đánh nhau nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ ý thức chủ quan. Mục đích của anh B như thế nào, có hay không vai trò đồng phạm của anh Nguyễn Đăng B với các bị cáo.

Việc Tòa án sơ thẩm tuyên phần bồi thường thiệt hại là không có cơ sở vì căn cứ thương tích 2% để làm căn cứ bồi thường nhưng buộc các bị cáo liên đới bồi thường 50 tháng lương cơ sở là không đúng với tính chất và hậu quả của hành vi.

Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi chuyển hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Luận cứ bảo vệ quyền lợi cho người bị hại Nguyễn Diên B1 của Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Xuân Phương: Ông Nguyễn Diên B1 bị tổn thương tỉ lệ cơ thể là 32%, trong đó tổn thương do bị vỡ lách phải cắt bỏ là 30%, còn lại 2% là bị thương vùng đầu. Tuy nhiên, tổn thương lá lách của ông Nguyễn Diên B1 chưa được làm rõ; lời khai tại phiên tòa của các bị cáo, người bị hại còn mâu thuẫn, nên đề nghị Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo Võ Thị H, Võ Đình M, Nguyễn Văn T thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình; riêng bị cáo Nguyễn Lương Bá Th kêu oan vì cho rằng không tham gia đánh gây thương tích cho ông Nguyễn Diên B1, Hội đồng xét xử nhận thấy: Từ năm 2015, ông Nguyễn Diên B (là chồng của bị cáo Võ Thị H) ông Nguyễn Diên B1 và ông Hoàng Việt T góp vốn trồng sen chung, nhưng sau đó xảy ra mâu thuẫn nên không còn làm chung với nhau nữa. Ngày 27/10/2016, ông Nguyễn Diên B1 điều khiển xe mô tô kéo theo một chiếc xe cộ, khi đến trước chùa Long Bửu, thuộc địa phận Thôn X, xã H, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi thì thấy Võ Thị H đang trên đường chở con gái đến trại nuôi vịt của gia đình, ông Nguyễn Diên B1 đã điều khiển xe mô tô lấn sang phần đường của Võ Thị H đang đi khiến H và con gái bị ngã nhưng không gây thương tích gì. Bực tức vì hành động sai trái của ông Nguyễn Diên B1, Võ Thị H đã gọi điện Võ Đình M, Nguyễn Văn T, Nguyễn Lương Bá Th đến nhà ông B1 đánh dằn mặt. Hậu quả các bị cáo đã dùng cây sắt, gạch sáu lỗ đánh vào đầu, vào lưng gây thương tích cho ông B1. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Võ Thị H, Võ Đình M, Nguyễn Văn T, Nguyễn Lương Bá Th về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ.

[2] Tại phiên tòa ông B1 khai, sau khi bị các bị cáo đánh gây thương tích ông nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng để khám và điều trị từ ngày 27/10/2016 đến ngày 31/10/2016 ông xuất viện về tại nhà điều trị. Nhưng đến ngày 04/11/2016, ông thấy đau tức ở vùng bụng nên đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi khám thì được chẩn đoán vỡ lách độ 2-3, phải phẫu thuật cắt bỏ lách. Tại Kết luận giám định pháp y số 203/2016/GĐPY ngày 19/12/2016 và Kết luận giám định pháp y số 212/2016/GĐPY ngày 30/12/2016 của Phòng Giám định pháp y Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Nguyễn Diên B1 là 32%, trong đó tỷ lệ tổn thương do vỡ lách phải cắt bỏ là 30% và tỉ lệ tổn thương vùng đầu là 2%. Tại phiên tòa bị cáo Võ Đình M khai, tôi cầm cây sắt đánh vào lưng ông B1 một cái, sau đó dùng chân đạp vào đùi ông B1 khiến ông ngã khụy xuống đất. Lúc này, T dùng gạch đập vào đầu ông B1 gây thương tích và dùng chân đạp vào mặt ông B1 khiến ông nằm tại chỗ, tôi thấy bà T ngồi lên người ông B1, động tác tư thế như thế nào thì tôi không xác định được (BL 433, 435, 439, 626). Bị cáo Nguyễn Văn T khai, khi Võ Đình M dùng cây sắt đánh vào lưng ông B1, thì tôi cầm gạch đánh vào đầu ông B1 nhưng ông né được và đi lùi lại, tôi liền gạt chân ông B1 ngã xuống đất, sau đó tôi dùng gạch đập một cái vào đầu của ông B1 làm viên gạch bị bể, vợ ông B1 chạy đến can ngăn thì tôi dùng chân đạp nhiều cái vào mặt ông B1 (BL 503, 511). Bị cáo Nguyễn Lương Bá Th khai, tôi thấy ông B1 cầm rựa chạy ra cổng và vấp đoạn tre nằm ngang cổng nên té ngã thì bà vợ chạy đến giật cây rựa giữ lại (BL 563). Tuy nhiên, tại phiên tòa Bà Trương Thị T lại khai, bà thấy các bị cáo Võ Đình M, Nguyễn Văn T đánh, đá vào người ông B1 nhiều cái vào lưng, bụng, ngực, vai; bị cáo Nguyễn Lương Bá Th và anh Nguyễn Đăng B (Chút) cầm cây gỗ đánh ông B1 nên bà đã choàng lên người ông B1 để che chắn. Ông Nguyễn Diên B1 khai ông bị các bị cáo dùng gậy sắt, gạch 6 lỗ và dùng tay, chân đánh, đạp nhiều cái vào người ông làm ông ngã ngửa. Sau khi bị đánh ông B1 được đưa đi điều trị tại bệnh viện Đà nẵng 4 ngày, sau đó xuất viện về nhà tiếp tục điều trị. Nhưng tình trạng sức khỏe của ông vẫn chưa ổn định ông thấy đau ở vùng bụng, ăn không tiêu đến ngày thứ 3 thì bụng đau dữ dội nên nhập viện tiếp tục điều trị do vỡ lách và phải cắt lách.

Như vậy, các bị cáo M và T ngoài đánh vào vùng đầu của ông B1, gây thương tích cho ông B1 2% thì bị cáo M còn dùng cây sắt đánh vào vùng lưng của ông B1, dùng chân đạp vào người ông B1 khiến ông ngã khuỵ xuống đất; sau đó bị cáo T xông đến dùng chân gạt ngã ông B1 và tiếp tục đạp vào đầu ông B1. Cơ quan điều tra không làm rõ vì sao lời khai của người bị hại, các bị cáo và lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mâu thuẫn với nhau; việc các bị cáo dùng cây sắt, tay chân đánh vào người ông B1 có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra vết thương vỡ lách (gây tỉ lệ tổn thương cơ thể 30%) cho ông B1 hay không? Hay trong quá trình rượt đuổi bị cáo H ông B1 vấp ngã rồi chấn thương? Hay trong lúc che chắn cho ông B1 bà Trương Thị T ngồi lên người ông khiến ông B1 vỡ lách là có thiếu sót.

[3] Ngày 31/5/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Hành có Quyết định trưng cầu giám định số 42/CSĐT, Công văn số 204/CV-CSĐT gửi Trung tâm Pháp y thành phố Đà Nẵng với nội dung trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng thì ông Nguyễn Diên B1 đã tổn thương lá lách hay chưa. Ngày 09/6/2017, Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng có văn bản số 37/TTPY-GĐTH về việc từ chối giám định.

Ngày 13/6/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Hành có Quyết định trưng cầu giám định số 44/CSĐT, Công văn số 216/CV-CSĐT gửi Phòng giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi với nội dung trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng thì ông Nguyễn Diên B1 đã tổn thương lá lách hay chưa. Ngày 15/6/2017, Phòng giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi có văn bản số 17/CV-PY về việc từ chối giám định pháp y về thương tích trên hồ sơ bệnh án vì lý do không đủ cơ sở để trả lời nội dung trưng cầu giám định.

Ngày 21/6/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghĩa Hành có Quyết định trưng cầu giám định số 45/CSĐT đề nghị xác định: “Với động tác, tư thế và vị trí Võ Đình M đánh ông Nguyễn Diên B1 như thực nghiệm điều tra có gây thương tích vỡ lách đối với ông Nguyễn Diên B1 hay không? Với tư thế té ngã, tay cầm rựa như thực nghiệm điều tra có gây thương tích vỡ lách đối với ông Nguyễn Diên B1 hay không?” Ngày 26/6/2017, Phòng giám định pháp y bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có văn bản số 37/TTPY-GĐTH về việc từ chối giám định.

Căn cứ các văn bản trả lời của Phòng Giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và trả lời của Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng về việc từ chối giám định. Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Nghĩa Hành có kết luận điều tra bổ sung số 27/KLĐTBS ngày 04/7/2017 nội dung không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm các bị cáo Võ Thị H, Võ Đình M, Nguyễn Văn T, Nguyễn Lương Bá Th với chấn thương vỡ lách 30% của ông Nguyễn Diên B1 là điều tra chưa đầy đủ. Vì đây không phải là cơ sở để xác định tỉ lệ thương tích 30% của ông B1 là không liên quan đến vụ án này. Đáng lý ra Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Nghĩa Hành phải tiến hành làm việc, xác minh trực tiếp với các Bệnh viện nơi ông B1 đã điều trị để xác định ông B1 được đưa đi cấp cứu bằng phương tiện gì, ai là người đưa đi cấp cứu, trên đường đưa đi cấp cứu thì ông B1 có bị va chạm nào khác dẫn đến thương tích vỡ lách không; Khi điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng thì ông B1 có đi đâu, làm gì, có tuân theo phác đồ điều trị của Bác sĩ không, quá trình điều trị thì Bác sĩ, y tá, người chăm sóc trực tiếp cho ông B1 biết việc này như thế nào; Tại thời điểm ngày 27/10/2016 ngoài vết thương ở vùng đầu thì các bộ phận trên cơ thể ông B1 có bị thương tích không, vì lúc nhập viện ông B1 khai bị đánh ở vùng đầu; Vết thương vỡ lách có bị vỡ ngay sau khi bị đánh hay không, hay một thời gian sau khi bị đánh vết thương mới bị vỡ vì có việc thương tích do vỡ lách lúc đầu là chấn thương kín, sau đó mới bị vỡ lách; Trường hợp tách vụ án (chấn thương vỡ lách) ra để điều tra ở một vụ án khác thì đó là vụ án nào, do ai gây ra, gây ra vào thời điểm nào.

[4] Theo ông Nguyễn Diên B1 khai, sau khi xuất viện từ Bệnh viện Đà Nẵng về nhà tôi vẫn còn đau đầu, chóng mặt nên chỉ nằm một chỗ, mỗi lần ngồi dậy phải có người đỡ mới ngồi dậy được, nên tôi không đi đâu và làm gì được. Như vậy, theo lời khai của ông B1 thì nguyên nhân ông vỡ lách là do bị các bị cáo đánh gây thương tích, kể từ ngày xuất viện ông không đi đâu, hay làm gì. Nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra chưa điều tra làm rõ từ ngày ông B1 xuất viện về nhà (ngày 31/10/2016) đến ngày ông nhập viện phẫu thuật vỡ lách (ngày 04/11/2016) ông có đi đâu, làm gì không? Có xô xát với ai gây thương tích không? Có đi ra ngoài và xảy ra tai nạn hay không? Có ai biết việc ông B1 chấn thương vỡ lách hay không? Điều tra làm rõ những nội dung trên mới có căn cứ để giải quyết vụ án một cách toàn diện, khách quan.

[5] Bản án sơ thẩm xác định các bị cáo Võ Đình M, Nguyễn Văn T phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự là không đúng. Vì xuất phát từ nguyên nhân khi bị ông Nguyễn Diên B1 vô cớ dùng xe mô tô có kéo một cây cộ đằng sau cố ý lấn qua phần đường của bị cáo Võ Thị H đang đi khiến bị cáo té ngã, nhưng không gây thương tích gì. Vì bực tức về hành động vô cớ của ông B1 nên bị cáo mới gọi cho các bị cáo khác đến đánh ông B1. Như vậy, ông B1 có một phần lỗi, nên cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” đối với các bị cáo Võ Đình M, Nguyễn Văn T là chưa phù hợp.

[6] Bản án sơ thẩm xác định thương tích do các bị cáo gây ra cho ông B1 2% không ảnh hưởng đến thẩm M, sinh hoạt hằng ngày. Nhưng buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho ông Nguyễn Diên B1 50 tháng lương tối thiểu. Thành tiền là 65.000.000 đồng là không đúng. Vì theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 thì tiền bồi thường tổn thất tinh thần phải được xác định trên cơ sở tổn thất tinh thần do thương tích gây ra.

[7] Do điều tra chưa đầy đủ và những vi phạm, thiếu sót trên không thể khắc phục được tại phiên tòa phúc thẩm. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần hủy bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại theo thủ tục chung.

[8] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Do hủy bản án hình sự sơ thẩm nên yêu cầu kháng cáo của các bị cáo Võ Thị H, Võ Đình M, Nguyễn Văn T, Nguyễn Lương Bá Th; kháng cáo của người bị hại Nguyễn Diên B1; kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hành không được Hội đồng xét xử xem xét.

[9] Về án phí: Các bị cáo Võ Thị H, Võ Đình M, Nguyễn Văn T, Nguyễn Lương Bá Th; người bị hại Nguyễn Diên B1 không phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 14/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi để điều tra lại.

2. Về án phí: Các bị cáo Võ Thị H, Võ Đình M, Nguyễn Văn T, Nguyễn Lương Bá Th; người bị hại Nguyễn Diên B1 không phải chịu án phí.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

409
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 24/2018/HS-PT ngày 25/01/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:24/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về