Bản án 24/2019/HNGĐ-ST ngày 27/06/2019 về ly hôn, tranh chấp nuôi con, tranh chấp hợp đồng dân sự góp hụi

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN AN MINH, TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 24/2019/HNGĐ-ST NGÀY 27/06/2019 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON, TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ GÓP HỤI

Ngày 27 tháng 6 năm 2019, tại Phòng xử án Tòa án nhân dân huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 226/2018/TLST-HNGĐ ngày 24 tháng 12 năm 2018 về ly hôn, tranh chấp nuôi con, tranh chấp hợp đồng dân sự góp hụi theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 39/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 13 tháng 5 năm 2019, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Trần Quốc D_NĐ, sinh năm 1985. Địa chỉ: kp4, thị trấn T11, huyện An Minh, Kiên Giang. (Có mặt).

Bị đơn: Bà Vũ Thị Ngọc T_BĐ, sinh năm 1984. Địa chỉ: kp4, thị trấn T11, huyện An Minh, Kiên Giang. (Vắng mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Bà Phạm Thị U_NLQ (U_NLQ), sinh năm 1974. Địa chỉ: ấp NT, xã VKĐ, huyện An Minh, Kiên Giang. (Có mặt).

Người đại diện hợp pháp của bà U_NLQ: Ông Thái Văn B_NLQ, sinh năm 1962. Địa chỉ: 75/39/9A QT, phường VQ, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 14-11-2018 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn anh Trần Quốc D_NĐ trình bày và yêu cầu như sau:

Anh D_NĐ và chị T_BĐ kết hôn vào năm 2004, đến năm 2011 đăng ký kết hôn tại UBND thị trấn T11, huyện An Minh. Quá trình sống chung phát sinh mâu thuẩn và ly thân nhau từ ngày 28 tháng 10 năm 2018 và chị T_BĐ bỏ đi từ đó cho đến nay. Về con, anh, chị có 2 con chung là Trần Ngọc V_NLQ, sinh ngày 13/10/2005 và Trần Ngọc T_NLQ, sinh ngày 14/3/2009; hiện các cháu đang sống chung anh D_NĐ.

Anh D_NĐ khởi kiện xin ly hôn với chị T_BĐ; về con anh D_NĐ xin nuôi 2 con chung là Trần Ngọc V_NLQ và Trần Ngọc T_NLQ, không yêu cầu chị T_BĐ cấp dưỡng; về tài sản chung anh D_NĐ không yêu cầu giải quyết.

Đối với yêu cầu của chị U_NLQ về việc yêu cầu anh D_NĐ, chị T_BĐ cùng trả số tiền hụi 155.500.000đ. Anh D_NĐ xác định số nợ trên đa số do chị T_BĐ giao dịch trong thời gian anh D_NĐ ở tù từ ngày 19/4/2017 đến ngày 19/10/2018. Do đó, có 1 số nợ hụi chị T_BĐ tham gia nên anh không biết rõ. Theo khởi kiện của chị U_NLQ, anh D_NĐ đồng ý trả ½ số nợ của chị U_NLQ bằng 155.600.000đ x ½ =77.750.000đ; phần ½ còn lại thì T_BĐ tự trả.

Bị đơn chị T_BĐ vắng mặt nên không có lời trình bày:

Tại đơn khởi kiện ngày 02-11-2018 và trong quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị U_NLQ và người đại diện trình bày: Chị T_BĐ, anh D_NĐ có tham gia chơi hụi của do chị U_NLQ làm chủ, cụ thể các dây hụi như sau:

+ Dây hụi áp ngày 30-5-2016al, mỗi chân 2.000.000đ, hụi 1 tháng khui 1 lần, tổng số 27 chân, chị T_BĐ tham gia 1 chân. Chị T_BĐ đã hốt lần thứ 13; chị T_BĐ đã đóng được 12 lần sống, 12 lần hụi chết; còn lại 3 lần hụi chết chưa đóng 6.000.000đ (chị U_NLQ đã tràn cho chị T_BĐ; hụi đã mãn ngày 30-11-2018);

+ Dây hụi áp ngày 10-5-2017al, mỗi chân 2.000.000đ, hụi 1 tháng khui 1 lần, tổng số 27 chân, chị T_BĐ tham gia 2 chân. Chị T_BĐ hốt lần thứ 11 với lần thứ 16; chị T_BĐ đã đóng được 10 lần sống, 8 lần chết (của cả 2 chân), còn lại 9 lần bằng 36.000.000đ, do T_BĐ không đóng nên chị U_NLQ đã tràn để trả cho hụi viên khác;

+ Dây hụi áp ngày 20-8-2017al, mỗi chân 2.000.000đ, mỗi tháng khui hụi 1 lần, tổng số 27 chân, T_BĐ tham gia 2 chân. T_BĐ đã hốt hụi lần thứ 1 và lần thứ 3; đã đóng lại được 13 lần hụi chết; còn lại 14 lần hụi chết bằng 56.000.000đ, chị U_NLQ đã tràn hụi để trả tiền cho các hụi viên;

+ Dây hụi áp ngày 15-01-2018, mỗi chân 2.000.000đ, mỗi tháng khui hụi 1 lần, tổng số có 22 chân, T_BĐ tham gia chơi 2 chân. T_BĐ đã hốt hụi lần thứ 3 và lần thứ 5; đã đóng được 2 lần sống 6 lần chết; còn lại 14 lần bằng 56.000.000đ T_BĐ chưa đóng nên chị U_NLQ đã tràn để trả cho các hụi viên;

+ Dây hụi ngày 15-7-2017, hụi 500.000đ một chân, 15 ngày khui hụi 1 lần, tổng số 30 chân, T_BĐ tham gia 3 chân; T_BĐ đã hốt và đóng hụi được 29 lần, còn lại 1 lần cuối chưa đóng bằng 3.000.000d, chị U_NLQ đã tràn hụi để trả cho các hụi viên.

Tổng cộng số tiền hụi còn nợ là 155.500.000đ.

Các phần tiền T_BĐ hốt hụi và nợ hụi chị U_NLQ đều không có biên nhận; chỉ có danh sách hụi viên nhưng không có chữ ký của T_BĐ. Trong các dây hụi có 1 số dây hụi thì D_NĐ còn ở nhà và có tham gia.

Chị U_NLQ khởi kiện yêu cầu chị T_BĐ, anh D_NĐ cùng trả nợ đối với số nợ hụi 155.500.000đ.

Tại các đơn xin trình bày nguyện vọng (cùng đề ngày 14-11-2018) các con chung của chị T_BĐ, anh D_NĐ là cháu Trần Ngọc V_NLQ và cháu Trần Ngọc T_NLQ đều xác định đang sống cùng anh D_NĐ. Các cháu đều có nguyện vọng được sống cùng cha (là anh D_NĐ) sau khi cha mẹ ly hôn.

Tại phiên tòa, - Nguyên đơn anh D_NĐ: xin ly hôn với chị T_BĐ, xin nuôi 2 con chung, không yêu cầu cấp dưỡng; về tài sản không yêu cầu. Đối với số nợ của chị U_NLQ đồng ý trả ½ bằng 77.750.000đ.

- Ông B_NLQ là người đại diện cho chị U_NLQ trình bày: Vợ chồng T_BĐ, D_NĐ có tham gia chơi hụi và còn nợ chị U_NLQ số tiền 155.500.000đ. Nay thống nhất cho D_NĐ trả ½ bằng 77.750.000đ; Yêu cầu buộc T_BĐ trả ½ bằng 77.750.000đ.

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật tố tụng dân sự; đối với các đương sự thì từ khi thụ lý vụ án đến nay phía nguyên đơn thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình; phía bị đơn vắng mặt nên đã không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định; việc xét xử vắng mặt bị đơn là đúng quy định.

Về quan điểm giải quyết vụ án: đề nghị HĐXX cho anh D_NĐ được ly hôn với chị T_BĐ; giao 2 con chung cho anh D_NĐ nuôi dưỡng, chị T_BĐ không phải cấp dưỡng nuôi con. Về yêu cầu của chị U_NLQ đề nghị ghi nhận sự thống nhất giữa anh D_NĐ với người đại diện của chị U_NLQ. Theo đó anh D_NĐ, chị T_BĐ mỗi người trả cho chị U_NLQ 77.750.000đ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra, xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án ly hôn giữa anh D_NĐ với chị T_BĐ thì Tòa án có thụ lý vụ án dân sự do chị U_NLQ khởi kiện anh D_NĐ, chị T_BĐ trả nợ tiền hụi. Tuy anh D_NĐ, chị T_BĐ không yêu cầu phân chia tài sản nhưng thấy việc nhập vụ án nợ vào vụ án hôn nhân để cùng giải quyết là đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật. Do đó, Tòa án đã tiến hành nhập vụ án để giải quyết là phù hợp.

Theo các tài liệu thể hiện: bị đơn chị T_BĐ có nơi đăng ký HKTT và sinh sống tại kp4, thị trấn T11, huyện An Minh vì vậy Tòa án nhân dân huyện An Minh thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án tiến hành tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng (bằng các hình thức niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng) nhưng chị T_BĐ đều vắng mặt, không tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và phiên tòa. Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa lần thứ hai nhưng chị T_BĐ vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên HĐXX căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt đối với chị T_BĐ.

[2] Về quan hệ hôn nhân, anh D_NĐ và chị T_BĐ được gia đình tổ chức lễ cưới và sống với nhau như vợ chồng vào năm 2004. Anh, chị chung sống với nhau trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn và được UBND thị Trấn T11, huyện An Minh cấp giấy chứng nhận kết hôn ngày 08-12-2011 nên là quan hệ hôn nhân hợp pháp, được pháp luật công nhận theo quy định tại Điều 9 của Luật hôn nhân và gia đình.

[3] Anh D_NĐ và chị T_BĐ sống chung một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân là do anh, chị có nhiều bất đồng trong cuộc sống, cự cải nhau. Nhất là từ sau khi anh D_NĐ mãn hạn tù về vào tháng 10/2018. Từ đó, chị T_BĐ ly thân, bỏ nhà đi từ tháng 11/2018 cho đến nay. Tòa án tổ chức hòa giải đoàn tụ thì chị T_BĐ vắng mặt không tham dự. Việc chị T_BĐ không có ý kiến khi nguyên đơn xin ly hôn, không tham dự phiên hòa giải, phiên tòa vừa vi phạm nghĩa vụ bị đơn vừa đánh mất cơ hội hòa giải đoàn tụ tại Tòa án. Cho thấy giữa anh D_NĐ với chị T_BĐ thì vợ, chồng đã không sống chung một thời gian dài làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, cho anh D_NĐ được ly hôn với chị T_BĐ.

[4] Về con chung, anh D_NĐ xác định anh, chị có 02 con chung tên Trần Ngọc V_NLQ, sinh ngày 13-10-2005 và Trần Ngọc T_NLQ, sinh ngày 14-3- 2009, hiện hai cháu đang sống cùng anh D_NĐ. Anh D_NĐ xin được nuôi con sau khi ly hôn. Xét thấy yêu cầu của anh D_NĐ là phù hợp vì chị T_BĐ đã bỏ địa phương đi, không biết địa chỉ cụ thể nên không có điều kiện để chăm sóc con; hai cháu V_NLQ, T_NLQ đều thể hiện nguyện vọng sống cùng với cha sau khi cha mẹ ly hôn. HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình giao 02 con chung cho anh D_NĐ nuôi dưỡng. Chị T_BĐ không phải cấp dưỡng nuôi con do anh D_NĐ không yêu cầu.

[5] Về tài sản chung: anh D_NĐ không yêu cầu giải quyết nên không xét.

[6] Xét yêu cầu độc lập của chị U_NLQ thấy rằng, anh D_NĐ vi phạm pháp luật bị bắt giam ngày 19-4-2017 và chấp hành án đến ngày 19-10-2018 mới mãn hạn tù. Trong khi đó các dây hụi do chị U_NLQ kê khai thì 4 dây hụi được chị T_BĐ giao dịch và lĩnh hụi (hốt hụi) trong thời gian anh D_NĐ đang chấp hành án phạt tù. Việc chị T_BĐ giao dịch hụi với chị U_NLQ cũng không có sự ủy quyền của anh D_NĐ; số tiền chị T_BĐ lĩnh hụi của 4 dây hụi nêu trên theo chị U_NLQ kê khai là khoảng 140 triệu đồng, được xác định là số tiền lớn nên không chỉ là để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho gia đình. Như vậy, theo quy định tại Điều 37 của Luật Hôn nhân và gia đình không đủ cơ sở xác định trách nhiệm liên đới của anh D_NĐ đối với nghĩa vụ của chị T_BĐ thiết lập trong giao dịch với chị U_NLQ. Tuy nhiên, anh D_NĐ đã đồng ý trả ½ số nợ mà chị U_NLQ yêu cầu nên HĐXX ghi nhận. Từ đó, thấy rằng chị T_BĐ là hụi viên đã lĩnh hụi nhưng không góp hụi là vi phạm quy định nghĩa vụ của hụi viên quy định Điều 30 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27-11-2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường và Điều 479 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015 nên phát sinh nghĩa vụ trả tiền. Do đó, chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, ghi nhận nhận ý kiến của anh D_NĐ. Theo đó, anh D_NĐ, chị T_BĐ mỗi người có nghĩa vụ trả cho chị U_NLQ ½ số tiền nợ là 155.500.000đ x ½ = 77.750.000đ.

[7] Về án phí, nguyên đơn anh D_NĐ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn là 300.000đ; anh D_NĐ, chị T_BĐ mỗi người phải chịu án phí đối với nghĩa vụ về tài sản là 77.750.000đ x 5% = 3.887.500đ theo quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự, điểm a, e khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Chị U_NLQ không phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 4 Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 266 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 9, Điều 37, khoản 1 Điều 56, Điều 60, khoản 2 Điều 81, Điều 82 của Luật hôn nhân và gia đình; Điều 30 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27-11-2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường và Điều 479 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015; điểm a, e khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Về quan hệ hôn nhân: cho ly hôn giữa anh Trần Quốc D_NĐ và chị Vũ Thị Ngọc T_BĐ.

2. Về con chung: giao cháu Trần Ngọc V_NLQ, sinh ngày 13-10-2005 và Trần Ngọc T_NLQ, sinh ngày 14-3-2009 cho anh D_NĐ trực tiếp nuôi dưỡng (hiện hai cháu đang sống cùng anh D_NĐ). Chị T_BĐ không phải cấp dưỡng nuôi con.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con, không ai được cản trở. Người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

3. Về tài sản chung: không yêu cầu nên không xem xét.

4. Buộc anh Trần Quốc D_NĐ, chị Vũ Thị Ngọc T_BĐ mỗi người có nghĩa vụ trả cho chị Phạm Thị U_NLQ (U_NLQ) số tiền hụi là 77.750.000đ (hai người bằng 155.500.000đ).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của chị U_NLQ nếu anh D_NĐ, chị T_BĐ không trả tiền thì hàng tháng còn phải trả tiền lãi cho chị U_NLQ theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 đối với số tiền chậm trả.

5. Về án phí ly hôn, anh Trần Quốc D_NĐ phải chịu là 300.000 đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 0006048 ngày 21-12-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Minh. Anh D_NĐ đã nộp xong tiền án phí ly hôn.

Về án phí dân sự đối với nghĩa vụ về tài sản, anh Trần Quốc D_NĐ, chị Vũ Thị Ngọc T_BĐ mỗi người phải chịu là 3.887.500đ.

Hoàn trả cho chị Phạm Thị U_NLQ số tiền tạm ứng án phí 3.787.500đ nộp tại biên lai thu số 0006050 ngày 24-12-2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện An Minh.

5. Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Chị T_BĐ vắng mặt tại phiên tòa nên có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

315
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 24/2019/HNGĐ-ST ngày 27/06/2019 về ly hôn, tranh chấp nuôi con, tranh chấp hợp đồng dân sự góp hụi

Số hiệu:24/2019/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện An Minh - Kiên Giang
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 27/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về