Bản án 254/2019/DS-PT ngày 26/06/2019 về tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại tài sản trên đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO

BẢN ÁN 254/2019/DS-PT NGÀY 26/06/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN TRÊN ĐẤT

Ngày 26 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 366/2018/TLPT-DS ngày 17 tháng 10 năm 2018 về “Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DS-ST ngày 18/7/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh S bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 886/2019/QĐPT-DS ngày 16 tháng 5 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Phong T, sinh năm 1958 – Vắng mặt; Trú 202, ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S;

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1962; Trú 290/9C đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận N, thành phố C (Văn bản ủy quyền ngày 10/6/2017) – Có mặt.

2. Bị đơn:

2.1. Ông Trần Văn C, sinh năm 1949 – Có mặt;

2.2. Bà Nguyễn Thị Kim E, sinh năm 1950 – Có mặt;

2.3. Anh Trần Anh K, sinh năm 1978 – Vắng mặt;

Cùng trú số 75, ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S;

Người đại diện hợp pháp của Nguyễn Thị Kim E và Trần Anh K: Bị đơn ông Trần Văn C (Văn bản ủy quyền ngày 10/4/2017) – Có mặt.

Người đại diện hợp pháp của ông Trần Văn C: Ông Đỗ Tấn Đ, sinh năm 1971; Trú Tổ 8, ấp Phước An, xã Phước Thạnh, huyện C, Thành phố H (Văn bản ủy quyền ngày 21/8/2018) – Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh S – Vắng mặt;

3.2. Ông Trần Văn T1, sinh năm 1954 – Có mặt;

3.3. Bà Võ Thị T2, sinh năm 1964 (Vợ ông T1) – Vắng mặt; Cùng trú 205, ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S;

3.4. Anh Nguyễn Thành Đ, sinh năm 1984 – Vắng mặt;

3.5. Anh Trần Anh T3, sinh năm 1973 – Vắng mặt;

3.6. Chị Trần Thị Thúy O, sinh năm 1984 – Vắng mặt;

Cùng trú ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S;

Người đại diện hợp pháp của Trần Anh T3 và Trần Thị Thúy O: Bị đơn ông Trần Văn C (Văn bản ủy quyền ngày 07/3/2018) – Có mặt.

3.7. Anh Hoàng Văn Đ1, sinh năm 1988 – Vắng mặt; Trú Xóm 8, Cao Nhân, huyện T, thành phố H1; Tạm trú ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S;

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Trần Văn C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 20/7/2016 của nguyên đơn ông Trần Phong T và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án trình bày:

Nguồn gốc đất tranh chấp là của ông bà nội của ông Trần Phong T là cố Trần Phước H1 và Lê Thị N chết để lại. Sau đó cụ Trần Bá D tự kê khai được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 13.485 m2 dù cụ D không được tặng cho hay nhận chuyển nhượng. Nay phần đất này do ông Trần Văn C quản lý sử dụng.

Căn cứ vào Tờ giao nhận di sản thừa kế theo di chúc lập ngày 26/9/2003 giữa ông Trần Phong T với ông Trần Văn C, ông Trần Văn Đ2 thỏa thuận phân chia diện tích 13.485 m2 như sau:

Ông Trần Văn Đ2 được nhận 4.115 m2 thuộc thửa 120, tờ bản đồ số 01.

Ông Trần Phong T được nhận 9.370 m2 thuộc thửa 119, tờ bản đồ số 01 loại đất T và Q.

Ông Trần Phong T tặng cho lại ông Trần Văn C 1.370 m2 thuộc thửa 119, tờ bản đồ số 01, có căn nhà trên đất để thờ cúng ông bà.

Ông Trần Văn C có nghĩa vụ làm thủ tục cắt chuyển giao đất lại cho ông T, ông Đ2 và ông T, ông Đ2 chịu toàn bộ chi phí như thuế chuyển quyền, phí đo đạc và các loại phí khác.

Thực hiện thỏa thuận, ông C đã làm thủ tục cắt chuyển cho ông Đ2 4.115 m 2 thửa 120 và ông Đ2 đã cất nhà sử dụng ổn định đến nay. Ông C không cắt chuyển đất cho ông T theo thỏa thuận trên.

Ông Trần Phong T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Trần Văn C, bà Nguyễn Thị Kim E, anh Trần Anh K cắt chuyển trả cho ông T phần đất có diện tích 8.000 m2 thuộc thửa 119, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S. Đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện L đã cấp cho ông Trần Văn C.

Bị đơn ông Trần Văn C trình bày:

Thửa đất tranh chấp số 119 có nguồn gốc của ông bà nội của ông T để lại. Sau đó gia đình ông T vượt biên để cố H1 và cố N già yếu ở lại không canh tác được nên cố H1 và cố N cho cha ông C là cụ D canh tác. Đến năm 1981 – 1982 cố H1 và cố N chết thì phần đất không có chủ quản lý nên Nhà nước trang trải đất đai lấy đất này cấp cho người đang canh tác là cha ông (Trần Bá D) canh tác. Do cha ông đủ điều kiện nên được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 119 vào năm 1992. Đến năm 1994 cha ông chết để lại đất cho gia đình ông nên ông được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 06/12/1999. Gia đình ông đã cất nhà kiên cố, trồng cây lâu năm trên đất. Con ông là Trần Anh K cũng cất một căn nhà cho anh Nguyễn Thành Đ thuê làm tiệm cắt tóc. Năm 2016, ông cho ông Hoàng Văn Đ1 thuê diện tích ngang 10 mét, dài 40 mét, thời hạn cho thuê 15 năm và ông Hoàng đã xây dựng lò sấy cau.

Việc ông ký tên vào Tờ giao nhận di sản thừa kế theo di chúc lập ngày 26/9/2003 là do ông Thời kêu ông ký để ông Thời có cơ sở chuộc lại phần đất Nhà nước lấy đất của cố Hậu, cố Nhàn cấp cho các hộ dân khác.

Thửa đất 119 là do Ủy ban nhân dân huyện L cấp cho hộ Trần Văn C, trong khi Tờ giao nhận di sản thừa kế chỉ có một mình ông ký tên nên việc thỏa thuận giữa ông với ông T trong Tờ giao nhận di sản thừa kế là không đúng quy định của pháp luật. Ông T không phải là người thừa kế duy nhất của cố H1 và cố N. Phần đất này cha ông và gia đình ông đã sử dụng ổn định trên 30 năm nên gia đình ông không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông T.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm Nguyễn Thị Kim E, Trần Anh K, Trần Anh T3 và Trần Thị Thúy O do ông Trần Văn C đại diện trình bày: Không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông T.

Tại bản khai ngày 15/6/2018 và tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T1 trình bày: Thửa đất số 119 đang tranh chấp có nguồn gốc của cố H1 và cố N do không canh tác nổi nên khoảng năm 1970 giao cho cụ D canh tác. Khoảng năm 1978 – 1979 mẹ và anh em ông T vượt biên. Sau khi cố H1, cố N chết thì Nhà nước lấy đất cấp cho người canh tác trực tiếp nên cụ D được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ D chết để lại cho ông C canh tác đến nay. Ông không biết Tờ giao nhận di sản thừa kế năm 2003. Riêng tờ tự thuận ngày 30/5/2011 của ông Trần Phong T thì có bà Nguyễn Thị Kim E, Trần Anh K ký tên và ông ký tên chứng kiến do ông T nhờ ông đứng tên phần đất 3.712 m2 mà ông C tách ra từ thửa 119 cho ông T theo Tờ tự thuận của ông T.

Tại bản khai ngày 05/7/2017 và tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Thành Đ trình bày: Anh có thuê của anh K căn nhà trên đất tranh chấp từ ngày 25/9/2012 đến 25/9/2018 âm lịch (nhằm ngày 08/11/2012 đến ngày 02/11/2018) và anh có tu bổ căn nhà. Nếu Tòa xử đất của ông C thì anh tiếp tục thuê nhà, còn nếu trả đất cho ông T thì anh sẽ di dời tài sản đã tu bổ để trả lại đất.

Ttại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Hoàng Văn Đ1 trình bày: Ông không có đơn yêu cầu độc lập. Nếu Tòa xử đất của ông C thì anh tiếp tục thuê nhà, còn nếu trả đất cho ông T thì anh yêu cầu ông T hoàn trả giá trị căn nhà ông đã xây dựng trên đất.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân huyện L trình bày: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 119 cho cụ Trần Bá D vào năm 1992 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B049560) và cho hộ ông Trần Văn C năm 1999 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P 494960) là đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DSST ngày 18/7/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh S đã quyết định:

Áp dụng Điều 26; Điều 37; Khoản 1 Điều 39; Các khoản 1, 4 Điều 91; Khoản 2 Điều 92; Điều 157 và Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; tại điểm b, mục 2.4 phần II Nghị quyết số 02/2004, ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Khoản 2 Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Phong T. Buộc các bị đơn ông Trần Văn C, bà Nguyễn Thị Kim E, anh Trần Anh K và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Hoàng Văn Đ1, Nguyễn Thành Đ giao trả cho ông Trần Phong T (đại diện cho các thừa kế của cố Trần Phước H1 và Lê Thị N) phần đất có diện tích 6.997 m2, thuộc một phần thửa đất số 119, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện L cấp ngày 06/12/1999 cho hộ Trần Văn C. Cụ thể phần đất có tứ cận như sau:

Hướng Đông giáp ông Trần Văn T1, số đo 37,10 m + 34,83 m;

Hướng Tây giáp Quốc lộ Nam Sông Hậu và đường bê tông, số đo 48,83 m + 14,05 m + 14,71 m + 20,0 m;

Hướng Bắc giáp hàng rào xây (phần đất còn lại thửa 119), số đo 67,42 m;

Hướng Nam giáp ông Lữ Khắc B, số đo 96,74 m.

(Có sơ đồ kèm theo).

Buộc nguyên đơn Trần Phong T (đại diện cho các thừa kế của cố Trần Phước H1 và Lê Thị N) trả cho các bị đơn ông Trần Văn C, bà Nguyễn Thị Kim E, anh Trần Anh K giá trị cây trồng trên đất phần đất 6.997 m2 tại thửa 119 với số tiền là 126.565.000 đồng (Một trăm hai mươi sáu triệu năm trăm sáu mươi lăm ngàn đồng). Ông Trần Phong T được sở hữu các cây trồng trên đất gồm: 61 cây nhãn loại A, 25 cây dừa loại A, 09 cây dừa loại B, 37 cây dừa loại C, 13 cây chuối loại A, 38 cây chuối loại B, 29 cây chuối loại C, 04 cây xoài loại A, 25 cây xoài loại C, 50 cây xoài Đài Loan loại C, 03 cây quýt loại A, 02 cây mít loại A, 01 cây mít loại B, 12 cây cam loại A, 02 cây cam loại B, 81 cây chanh loại A, 40 cây chanh loại B, 08 cây chanh loại C, 01 cây mãng cầu ta loại A, 04 cây vú sữa loại A, 01 cây vú sữa loại C, 01 tre loại A 1,5 m2, 01 cây măng cụt loại B, 07 cây măng cụt loại C, 01 cây bình linh loại A, 02 cây bình linh loại B; 02 cây bình linh loại C, 01 cây cóc loại A, 01 cây dâu loại B, 07 cây mai trên 5 cm, 02 cây mai dưới 5 cm, 14 cây bưởi loại A, 05 cây bưởi loại B, 08 cây bưởi loại C, 20 cây bưởi da xanh loại C, 02 cây nhãn da bò loại B, 05 cây bạch đàn loại A, 02 cây bạch đàn loại B, 03 cây nguyệt quế.

Buộc nguyên đơn Trần Phong T (đại diện cho các thừa kế của cố Trần Phước H1 và Lê Thị N) trả lại giá trị căn nhà (nhà nấu cau) cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Hoàng Văn Đ1 với tổng số tiền là 124.142.143 đồng (Một trăm hai mươi bốn triệu một trăm bốn mươi hai ngàn một trăm bốn mươi ba đồng). Ông Trần Phong T được sở hữu căn nhà tạm nấu cau gồm: nhà trước nấu cau ngang 10m x dài 25m = 250 m 2 có kết cấu khung cột gỗ tạp, nền xi măng, vách lá, mái lá (tỷ lệ còn lại 45%); Nhà sau nấu cau ngang 03 m x dài 09 m = 27 m2, kết cấu khung cột xi măng đúc sẵn, nên xi măng, vách tường 10, mái lợp tol xi măng, xà gồ gỗ (tỷ lệ còn lại 55%). Nhà tạm này tọa lạc một phần trên thửa đất 119, tờ bản đồ 01, tọa lạc tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S.

Buộc nguyên đơn ông Trần Phong T (đại diện cho các thừa kế của cố Trần Phước H1 và Lê Thị N) trả lại cho bị đơn Trần Anh K giá trị căn nhà tạm là 20.402.675 đồng (Hai mươi triệu bốn trăm lẽ hai ngàn sáu trăm bảy mười lăm đồng). Ông Trần Phong T được sở hữu căn nhà tạm (nhà cắt tóc) ngang 10 m X dài 5 m = 50 m2 có kết cấu: khung cột bê tông đúc sẵn, nền xi măng, vách tol, mái lợp tol (tỷ lệ còn lại 50%). Nhà tạm này tọa lạc một phần trên thửa đất 119, tờ bản đồ 01, tọa lạc tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Phong T (đại diện cho các thừa kế của cố Trần Phước H1 và Lê Thị N). Hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số P494960 đối với diện tích 6.997 m2 tại thửa đất 119, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S do Ủy ban nhân dân huyện L cấp cho hộ ông Trần Văn C vào ngày 06/12/1999. Phần quyền sử dụng đất bị hủy có tứ cận như sau:

Hướng Đông giáp ông Trần Văn T1, số đo 37,10 m + 34,83 m;

Hướng Tây giáp Quốc lộ Nam Sông Hậu và đường bê tông, số đo 48,83 m + 14,05 m + 14,71 m + 20,0 m;

Hướng Bắc giáp hàng rào xây (phần đất còn lại thửa 119), số đo 67,42 m;

Hướng Nam giáp ông Lữ Khắc B, số đo 96,74 m.

(Có sơ đồ kèm theo).

Ông Trần Phong T (đại diện cho các thừa kế của cố Trần Phước H1 và Lê Thị N) được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất nêu trên theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn dành quyền cho các thừa kế khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cố Trần Phước H1 và Lê Thị N trong vụ kiện khác; quyết định về án phí dân sự sơ thẩm; về chi phí thẩm định, định giá; trách nhiệm do chậm thi hành án; nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 26/7/2018, bị đơn ông Trần Văn C có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:

Ông Trần Văn C và người đại diện là ông Đỗ Tấn Đ giữ nguyên kháng cáo yêu cầu bác đơn khởi kiện của ông Trần Phong T và công nhận quyền sử dụng đất đang tranh chấp cho ông Trần Văn C. Sau khi gia đình ông T vượt biên và cố H1, cố N chết thì Nhà nước quản lý rồi trang trải cho nhiều hộ dân, đất đang tranh chấp vô Tập đoàn năm 1981 – 1982 cấp lại cho cha tôi đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi cha tôi chết thì tôi đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cha tôi quản lý sử dụng đất này từ khi cố H1 và cố N còn sống, trước năm 1975 sau đó giao lại cho tôi quản lý canh tác đến nay. Tôi ký vào Giấy giao nhận di sản thừa kế theo di chúc lập ngày 26/9/2003 là vì ông T nhờ tôi ký để ông T làm căn cứ đòi lại các phần đất khác của cố H1 cố N mà Nhà nước đã cấp lại cho các hộ dân khác. Hiện nay anh em ông T còn sống 3 người ở Mỹ và đều có ý kiến không đồng ý việc kiện của ông T. Ông T không bị bệnh gì và không khó khăn như bà H trình bày. Hiện ông T còn nhờ người khác đứng tên dùm 30 – 40 công đất.

Bà Nguyễn Thị Kim E nhất trí ý kiến của ông C.

Bà Nguyễn Thị H đề nghị bác kháng cáo của ông C vì các bên đều thừa nhận nguồn gốc đất là của cố H1, cố N chết để lại, cụ D không được cố H1, cố N chuyển quyền sử dụng theo di chúc hay tặng cho nhưng đã tự kê khai được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không hợp pháp. Sau khi ông C được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông C ký vào Giấy giao nhận di sản thừa kế theo di chúc lập ngày 26/9/2003 có Ủy ban nhân dân xã chứng thực và đã được thực hiện giao đất cho ông Đ2 cất nhà, sử dụng đến nay. Năm 2010 và 2011 vợ con ông C cũng đã ký vào thỏa thuận giao đất. Ông T đã hồi hương về Việt Nam sinh sống không vợ con, ông đang bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên đề nghị bác kháng cáo của ông C, y án sơ thẩm để tạo điều kiện cho ông T sinh sống.

Ông Trần Văn T1 trình bày do ông T là người nước ngoài không được đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên nhờ ông đứng tên dùm nên ông mới ký vào Tờ thỏa thuận nhưng chưa tách đất xong. Về nguồn gốc đất như ông C trình bày là đúng. Mẹ và 3 anh chị em của ông T còn sống và đang ở Mỹ, có địa chỉ rõ ràng và đều có văn bản ý kiến không đồng ý việc kiện của ông T. Ông T còn khỏe mạnh và không khó khăn như bà H trình bày.

Đại diện Viện kiểm sát có ý kiến Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự; Đơn kháng cáo đúng hình thức, đảm bảo thời hạn, đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Về nội dung do các bên đều thừa nhận nguồn gốc đất của cố H1, cố N để lại, cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ xác định người thừa kế, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên đề nghị hủy Bản án sơ thẩm giao cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo đề ngày 03/01/2018 của ông Trần Văn C trong thời hạn luật định, đảm bảo hình thức, đủ điều kiện để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Ông Trần Phong T dựa vào Tờ giao nhận di sản thừa kế theo di chúc lập ngày 26/9/2003 giữa ông Trần Phong T với ông Trần Văn C, ông Trần Văn Đ2 để khởi kiện đòi tài sản. Tuy nhiên, các bên đương sự đều thừa nhận nguồn gốc đất tranh chấp là của cố Trần Phước H1 và Lê Thị N, nên phát sinh quan hệ tranh chấp di sản thừa kế.

[2] Ông Trần Phong T là cháu nội của cố Trần Phước H1 và Lê Thị N; Bản án sơ thẩm không thu thập chứng cứ để xác định hàng thừa kế thứ nhất của cố H1, cố N gồm những ai? Còn sống hay đã chết. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, các đương sự trình bày mẹ và 03 anh em ruột của ông Trần Văn T vẫn đang sinh sống ở Hoa Kỳ, nhưng cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ làm rõ, lại công nhận ông T là người ở hàng thừa kế thứ hai làm đại diện cho các thừa kế của cố H1, cố N là không đúng quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự.

[3] Mặt khác, bị đơn Trần Văn C, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Trần Văn T1, người làm chứng Trần Văn Đ2 đều có lời khai thửa đất tranh chấp số 119, tọa lạc tại ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng, huyện L, tỉnh S vào khoảng năm 1981 – 1982 đã được chính quyền địa phương quản lý và cấp lại cho ông Trần Bá D và ông D đã kê khai được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ để làm rõ thửa đất tranh chấp đã có thực hiện chính sách của Nhà nước về đất đai theo lời khai của các đương sự hay chưa? Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật đất đai thì Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước.

Bản án sơ thẩm xác định thửa đất tranh chấp là di sản của cố H1, cố N, ông T là một trong những thừa kế và ông T đã về cư trú ở Việt Nam nên có quyền khởi kiện đòi lại đất theo quy định tại điểm b mục 2.4 phần II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, vì người đang sử dụng đất (ông Trần Văn C) đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa có tài liệu chứng minh ông C được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do thực hiện các giao dịch trái pháp luật; cũng chưa có căn cứ xác đáng để xác định phần đất tranh chấp chưa thực hiện chính sách của Nhà nước về đất đai.

[4] Do việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được; Cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nên hủy Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp.

[5] Về án phí dân sự sơ thẩm, chi phí thẩm định, định giá được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[6] Ông Trần Văn C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 3 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

2. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DSST ngày 18/7/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh S và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh S giải quyết lại vụ án.

3. Ông Trần Văn C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm nên được hoàn trả tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0004416 ngày 30/7/2018 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh S.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm, chi phí thẩm định, định giá được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

5. Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

455
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 254/2019/DS-PT ngày 26/06/2019 về tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường thiệt hại tài sản trên đất

Số hiệu:254/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về