Bản án 26/2018/DS-PT ngày 11/09/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 26/2018/DS-PT NGÀY 11/09/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 11 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 18/TLPT-DS ngày 16 tháng 7 năm 2018 tranh chấp về thừa kế tài sản.

Do Bản án sơ thẩm số 01/2018/DS-ST ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng bi khang cao.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2645/2018/QĐ-PT ngay 30 tháng 7 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 2876/2018/QĐ- PT ngày 05 tháng 9 năm 2018, giưa cac đương sư:

- Nguyên đơn: Anh Lê Đình Tùng L, nơi cư trú: Số 60 đường S, phường V, quận Đ, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lê Thị M, nơi cư trú: Số 60 đường S, phường V, quận Đ, thành phố Hải Phòng, là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 21 tháng 6 năm 2018); có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Vũ Thị Thu T là Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư H thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng; có trụ sở tại: Số 73 đường T, Quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Bị đơn: Bà Ngô Thị M, nơi cư trú: Số 33 đường Đ, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Chị Lê Thị Minh Tr, nơi cư trú: Tổ 16 cụm 3, phường T, quận T, thành phố Hà Nội; có mặt.

+ Cháu Lê Thị Minh T, sinh ngày 17 tháng 11 năm 2005; nơi cư trú: Số 33 đường Đ, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Lê Thị Minh T: Bà Ngô Thị M, nơi cư trú: Số 33 đường Đ, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng, là người đại diện theo pháp luật; có mặt.

+ Ông Lê Đình T, nơi cư trú: Số 60 đường S, phường V, quận Đ, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người làm chứng:

1. Bà Lê Thị L, nơi cư trú: Số 37 đường Đ, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng; có mặt.

2. Ông Trần Văn C, nơi cư trú: Số 40 đường S, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng; vắng mặt. 

3. Ông Nguyễn Mạnh H - Trưởng Văn phòng Luật sư N; địa chỉ trụ sở: Tầng

3 Tòa nhà Văn phòng Số 25 đường Đ, Quận N, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

- Giám định viên: Ông Trần Văn Tr, là giám định viên pháp y của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương; có mặt.

- Người kháng cáo: Anh Lê Đình Tùng L là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng, người bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Bác ruột của Anh Lê Đình Tùng L là ông Lê Đình C có vợ là bà Ngô Thị M đã ly hôn từ năm 2014. Ông C và bà M có tài sản chung chưa chia như sau: Mảnh đất có diện tích khoảng 136m2  tại số 33 đường Đ, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng và tài sản trên đất gồm: 01 ngôi nhà cấp 4 mái đổ bê tông, diện tích khoảng 50m2, bếp ăn và công trình phụ có diện tích khoảng 40m2. Tổng trị giá tài sản khoảng 1.000.000.000 đồng. Tháng 12 năm 2015, bà M yêu cầu Tòa án nhân dân quận Đ chia tài sản sau khi ly hôn. Ngày 10 tháng 5 năm 2016, ông C bị ốm chết nên việc chia tài sản chưa giải quyết xong. Ngày 16 tháng 5 năm 2016, bà M rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ án.

Trước khi chết, ông C có nguyện vọng để lại toàn bộ phần tài sản của ông trong khối tài sản chung với bà Ngô Thị  M cho anh L Ngày 09 tháng 5 năm 2016, ông C đã nhờ Luật sư Nguyễn Mạnh H - Trưởng Văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng soạn thảo di chúc và chứng kiến việc ông C ký vào bản di chúc. Do vậy, anh L yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế theo nội dung di chúc mà ông C đã lập ngày 09 tháng 5 năm 2016 vì di chúc hợp pháp. Khi lập di chúc, ông C còn minh mẫn, sáng suốt, bản di chúc có hai người làm chứng xác nhận theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình tham gia tố tụng, bị đơn là bà Ngô Thị M đồng thời là người đại diện hợp pháp của chị Lê Thị Minh T trình bày:

Bà không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn về chia di sản thừa kế theo di chúc của ông C vì bản di chúc nguyên đơn đưa ra là không hợp pháp bởi lẽ:

Di chúc được coi là hợp pháp phải đủ các điều kiện: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Ông C được Bệnh viện quận Đ chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng lúc 05 giờ 58 phút ngày 09 tháng 5 năm 2016 với căn bệnh suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn, lạm dụng rượu, nhiễm khuẩn huyết, viêm mô tế bào cẳng chân phải. Từ sau khi nhập viện, ông C được các y bác sĩ thăm khám, cấp cứu liên tục. Đến 10 giờ cùng ngày, bác sĩ kết luận ông C bị sốc nhiễm trùng đa tạng, viêm tấy lan tỏa, xơ gan, viêm mô tế bào; tiên lượng bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao. Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, ông C được chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu ngoại; đến 11 giờ 45 phút, bác sĩ nhận xét bệnh nhân kích thích, nói sảng, thở gắng. Đến 11 giờ 50 phút, các bác sĩ hội chẩn đặt máy trợ áp, lọc máu liên tục cho ông C. Diễn biến sức khỏe của ông C ngày càng nặng. Đến 18 giờ 30 phút, ngày 09 tháng 5 năm 2016, chị Lê Minh Tr là con gái của ông C ký giấy mổ cho ông C. Vào lúc 02 giờ ngày 10 tháng 5 năm 2016, ông C suy kiệt, thoi thóp, chị Tr ký giấy xin ông C về nhà. Đến lúc 02 giờ 55 phút, ngày 10 tháng 5 năm 2016, ông C chết. Như vậy, từ lúc vào Bệnh viện Việt Tiệp, ông C luôn trong tình trạng nguy kịch, mê sảng, lúc tỉnh, lúc mê nên không thể tỉnh táo, minh mẫn và sáng suốt để lập di chúc.

Bản di chúc nguyên đơn đưa ra là di chúc bằng văn bản, có người làm chứng nhưng di chúc này đã vi phạm quy định tại Điều 656 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Trong di chúc có hai người làm chứng là ông Trần Văn C và bà Lê Thị L. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 654 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc không được làm chứng cho việc lập di chúc. Bà L không đủ điều kiện để là người làm chứng cho việc lập di chúc vì bà là chị gái ruột của ông C nên thuộc hàng thừa kế thứ hai theo pháp luật của ông C. Trên thực tế, ông C, là con nhận của bố, mẹ ông C, được coi là một thành viên trong gia đình. Vì vậy, số lượng người làm chứng cho việc lập di chúc là không đảm bảo và không hợp pháp. Luật sư không soạn thảo đánh máy bản di chúc trước mặt ông C. Từ lúc 10 giờ 30 ngày 09 tháng 5 năm 2016, ông C được chuyển về phòng hồi sức cấp cứu ngoại, được chăm sóc đặc biệt và theo quy định của bệnh viện thì chỉ có một người nhà bệnh nhân được ở lại trong phòng. Vì vậy, không thể có chuyện cùng một lúc có Luật sư và hai người làm chứng có mặt tại đó và ký vào di chúc;

Mỗi trang của bản di chúc đều có chữ ký được cho là chữ ký của ông C. Tuy nhiên, các chữ ký ở 02 trang lại khác nhau và không giống với chữ ký mà 30 năm nay ông C vẫn ký. Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cũng đã khẳng định: “Không đủ cơ sở kết luận chữ ký “C” ở góc phải phía dưới trang 1 bản di chúc với chữ ký “C” ở cuối bản di chúc với các mẫu chữ trước đây của ông C có phải do một người ký, viết ra hay không”.

Bà và ông C ly hôn năm 2014. Sau khi ly hôn, bà và các con vẫn quan tâm đến ông C. Con gái lớn của bà và ông C là chị Lê Thị Minh Tr có trách nhiệm lo toan việc giỗ, tết cũng như chịu trách nhiệm trông nom và chi tiền khi ông C đau ốm. Con gái út là cháu Lê Thị Minh T mặc dù ở với bà nhưng hàng ngày đều về chơi với ông C và rất được ông C yêu quý. Năm 2015, ông C nằm Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp với căn bệnh viêm gan, bà và các con đã ở bệnh viện chăm sóc. Tình cảm cha con giữa ông C và các con không hề rạn nứt. Anh Lê Đình Tùng L vẫn còn bố và mẹ, là cháu của ông C nhưng không một ngày chăm sóc và nuôi dưỡng ông C. Việc ông C lập di chúc để lại toàn bộ di sản của mình cho anh Lâm mà không để lại cho hai con gái ruột của mình là không phù hợp với đạo đức xã hội.

Với các căn cứ trên, bà yêu cầu Tòa án tuyên bố bản di chúc ngày 09 tháng 5 năm 2016 mà nguyên đơn đưa ra là không hợp pháp, không đồng ý chia di sản thừa kế theo đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Trong quá trình tham gia tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Lê Thị Minh Tr trình bày:

Bản di chúc bằng văn bản, được đánh máy. Luật sư - người viết di chúc hộ ông C lại tự mình ấn định trước thời điểm kết thúc của việc lập di chúc để ghi sẵn trong di chúc trước khi cầm vào cho ông C ký. Vì vậy, di chúc thể hiện rõ sự thiếu khách quan và không hợp lý. Có thể chỉ một người mang bản di chúc vào trong tình trạng ông C không tỉnh táo, sức khỏe suy kiệt và lừa dối ông C ký vào một giấy tờ gì đó của bệnh viện, sau đó mới đem ra cho người khác có tên trong bản di chúc ký.

Theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992, bệnh có mã số F05 được xác định là: Mê sảng không gây ra bởi rượu và các chất kích thích thần kinh khác. Bệnh có mã số F05.8 (Other delirium, dịch là mê sảng khác): Là mê sảng do căn nguyên hỗn hợp hoặc mê sảng do hậu phẫu. Ông C chưa phẫu thuật nên không phải mê sảng do hậu phẫu mà là sảng do căn nguyên hỗn hợp. Tức là có nhiều nguyên nhân gây ra trạng thái mê sảng như bị sốt cao, bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bị sốc. Theo từ điển bách khoa Việt Nam trang 94, mê sảng là trạng thái rối loạn ý thức cấp tính, làm tổn thương khả năng tri giác xung quanh, kèm theo các ảo tưởng, ảo giác nhất là ảo thị; thường làm cho bệnh nhân lo lắng, sợ hãi, kích động, có thể gặp trong trường hợp bệnh nhân sốt cao, một số bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc ... Vì vậy, yêu cầu Tòa án tuyên bản di chúc ngày 09 tháng 5 năm 2016 của nguyên đơn đưa ra là không hợp pháp, không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn.

Bà Ngô Thị M không đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết chi phí giám định. Bà Lê Thị M không đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết về chi phí thẩm định và định giá tài sản. Ông T đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết số tiền tạm ứng án phí mà ông đã nộp theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/DS-ST ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận Đ đã quyết định:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Anh Lê Đình Tùng L về việc chia di sản thừa thừa kế.

Di chúc lập ngày 09 tháng 5 năm 2016 của ông Lê Đình Công là không hợp  pháp.

Ngoài ra, bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 12 tháng 6 năm 2018, anh L có đơn kháng cáo không đồng ý với nội dung nhận định của bản án sơ thẩm bởi di chúc của ông C đã đảm bảo theo luật định: Tinh thần của ông C hoàn toàn tỉnh táo đủ khả năng nhận thức và thể hiện được ý chí của người lập di chúc đã có từ trước và ngay trong khi lập di chúc đều không thay đổi. Đảm bảo hai người làm chứng theo quy định lập di chúc bằng văn bản. Di chúc ông C lập hoàn toàn tự nguyện thể hiện ý chí và tự tay ký vào bản di chúc của mình, không bị ai ép buộc.

Ngày 20 tháng 6 năm 2018, anh L có đơn kháng cáo bổ sung yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm giải quyết xét xử lại vụ án chia di sản thừa kế của ông C cho anh L theo bản di chúc ngày 09 tháng 5 năm 2016.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày quan điểm bảo vệ:

Nguyên đơn không nhận được bản án sơ thẩm. Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn chỉ yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu tuyên di chúc không hợp pháp. Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi nghe Hội đồng xét xử công bố nội dung và quyết định bản án sơ thẩm, nguyên đơn mới biết bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tuyên bản di chúc ngày 09 tháng 5 năm 2016 không hợp pháp trong khi nguyên đơn không có yêu cầu này. Quá trình giải quyết ở cấp sơ thẩm, bị đơn không có yêu cầu phản tố vì nếu có yêu cầu phản tố thì phải nộp tạm ứng án phí. Do vậy, bản án đã vi phạm về tố tụng.

Về di chúc ngày 09 tháng 5 năm 2016 là hợp pháp vì là di chúc bằng văn bản đã đảm bảo hai người làm chứng là ông C và ông H. Chữ kí trong bản di chúc là của ông C, ông C đã thể hiện ý chí của mình khi viết di chúc. Đây là bản di chúc có thật, không phải di chúc giả. Do vậy, yêu cầu cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn.

Bà Ngô Thị M trình bày quan điểm bảo vệ:

Bản di chúc mà nguyên đơn đưa ra là di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Nhưng người lập di chúc này lại không tuân theo các quy định của pháp luật tại Điều 656 của Bộ luật Dân sự năm 2005 đó là: Người lập di chúc không tự mình viết được phải nhờ người khác viết hộ, nhưng luật sư lại không viết mà đánh máy tại một nơi khác, ấn định sẵn thời gian kết thúc vào di chúc. Việc nhờ viết di chúc và đánh máy di chúc không thực hiện trước hai người làm chứng không đảm bảo khách quan.

Việc ông C nhờ ông H lập di chúc là không có bằng chứng vì ông H không có sổ sách ghi chép lại việc ông C cung cấp những thông tin để nhờ ông H viết di chúc.

Chữ ký của ông C trong bản di chúc ở hai trang khác nhau và khác hoàn toàn chữ ký ông C vẫn sử dụng suốt ba chục năm qua. Kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an: “Không đủ cơ sở kết luận chữ ký, chữ viết ở trang 1 và trang 2 bản di chúc so với các mẫu chữ đưa lên có phải do một người viết, một người ký ra hay không”. Khi lập di chúc luật sư H đã không tuân theo các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 653 của Bộ luật Dân sự năm 2005: “Nơi viết di chúc chưa chính xác, dùng quá nhiều lỗi viết tắt, sai lỗi chính tả”. Không tuân theo khoản 1 Điều 654 của Bộ luật Dân sự năm 2005 đó là đưa bà Lập là chị gái ruột của ông C là người làm chứng. Bản di chúc này không hợp pháp vì vi phạm điểm a khoản 1 điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005, đó là người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt. Điều này đã được thể hiện qua bệnh án và kết luận của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. Yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Chị Lê Thị Minh Tr trình bày quan điểm bảo vệ:

Nguyên đơn cho rằng “tinh thần của ông C hoàn toàn tỉnh táo đủ khả năng nhận thức” và điều này được thể hiện qua hồ sơ bệnh án, lời khai của bác sỹ điều trị và nhân chứng. Qua hồ sơ bệnh án, qua nhận xét của các bác sỹ trực tiếp điều trị cho ông C thì thấy rằng ông C đang ở tình trạng hết sức nguy kịch, căn bệnh sốc nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, làm cho bệnh nhân rơi vào trạng thái kích thích, nói sảng. Căn cứ vào kết luận của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương ngày 17 tháng 01 năm 2018: “Trong thời gian từ 14h00 đến 15h45 ngày 09 tháng 5 năm 2016 đối tương Lê Đình C bị sảng căn nguyên hỗn hợp, theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F05.8. Tại thời điểm trên đối tượng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hànhvi”. Theo lời của giám định viên có mặt tại toà cho biết trong khoảng thời gian từ 14h00 đến 15h45 đối tượng Lê Đình C bị thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi không được như người bình thường. Như vậy, tình trạng của ông C không thể hoàn toàn tỉnh táo như lời của nguyên đơn trong đơn kháng cáo đã nêu. Ông C đang ở trong trạng thái mê sảng, không thể minh mẫn, tỉnh táo để lập di chúc cho nên bản di chúc lập ngày 09 tháng 5 năm 2016 vi phạm điểm a khoản 1 Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Quan điểm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng di chúc nguyên đơn đưa ra không thể hiện được ý chí của người lập di chúc dựa trên các lập luận sau: Theo Điều 646 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Di chúc mà nguyên đơn đưa ra là bản di chúc đánh máy, vi phạm Điều 656 của Bộ luật Dân sự năm 2005: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết”. Đối với bản di chúc đánh máy, lại không được luật sư Hà đánh máy tại bệnh viện mà đánh máy tại một nơi khác rồi mới mang đến thì ý chí của người lập di chúc đã thể hiện mờ nhạt qua chữ ký và người làm chứng.

Về chữ ký: Theo kết luận của Viện khoa học hình sự Bộ Công an, thì chữ ký và chữ viết ở trang 1, trang 2 và với các mẫu mang đi so sánh không đủ căn cứ kết luận có phải do cùng một người ký và viết ra hay không.

Về người làm chứng, để khẳng định bản di chúc nguyên đơn đưa ra là ý chí của ông C cũng không có. Luật sư H nói là đã vào viện gặp để trao đổi với ông C về việc lập di chúc cho ông. Nhưng cuộc trao đổi giữa ông C và ông H không có chứng cứ để khẳng định ý chí của ông C là như thế nào. Trong phiên tòa sơ thẩm tại Toà án nhân dân quận Đ, ông H đã xác nhận là khi trao đổi với ông C, ông H không sử dụng máy ghi âm, có ghi chép vào cuốn sổ nhưng cuốn sổ đã để mất. Tại thời điểm đó, tại Bệnh viện Việt Tiệp có ông C và bà L là người có mặt, nhưng cả hai người đều khẳng định không để ý, không nghe rõ ông C và ông H trao đổi nội dung gì. Như vậy, về chữ ký không xác định có phải do ông C ký hay không. Về ý chí khi lập di chúc, tất cả chỉ do một mình ông H nói, hoàn toàn không có chứng cứ chứng mình điều đó là đúng.

Trong đơn kháng cáo, nguyên đơn cho rằng bản di chúc đảm bảo đủ 02 người làm chứng và tại phiên tòa người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn khẳng định 02 người đó là ông Trần Văn C và luật sư Nguyễn Mạnh H nhưng theo quan điểm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông C và luật sư H không thể là người làm chứng cho bản di chúc của ông C bởi lẽ:

Đối với ông C, ông hoàn toàn không biết ý định lập di chúc của ông C, không biết việc luật sư H vào bệnh viện lập di chúc, không biết mình là người làm chứng cho bản di chúc, không biết sau khi nghe luật sư đọc di chúc ông C có phản ứng gì không, không biết bản di chúc được lập thành mấy bản, không được cầm bản di chúc nào như trong di chúc mô tả. Người làm chứng phải là người biết được các tình tiết liên quan đến nội dung sự việc. Ông C hoàn toàn không biết nội dung của việc lập di chúc, không biết đây có phải là ý chí của ông C hay không nên không đảm bảo tư cách làm chứng.

Đối với luật sư H: Trong di chúc có đoạn “để làm chứng cho việc tôi lập di chúc này, tôi có mời 02 nhân chứng” và 02 nhân chứng đó là ông C và bà L. Vai trò của luật sư H là: “Di chúc này tôi nhờ luật sư Nguyễn Mạnh H, Trưởng VPLS N, Đoàn luật sư Tp Hải Phòng soạn thảo”. Qua di chúc cho thấy, ông H không được mời để làm chứng mà là người được nhờ soạn thảo. Cho nên bản di chúc này do ông H lập nên, ông H không thể tự làm chứng cho việc mình làm.

Từ những lập luận trên, yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự:

Về nội dung kháng cáo: Anh Lê Đình Tùng L khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế theo nội dung di chúc mà ông Lê Đình C lập ngày 09 tháng 5 năm 2016. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Anh Lê Đình Tùng L về việc chia di sản thừa kế với lý do di chúc lập ngày 09 tháng 5 năm 2016 của ông Lê Đình C là không hợp pháp. Việc phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ pháp luật bởi lẽ:

- Về tình trạng sức khỏe của ông C trong quá trình lập di chúc: theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 652 Bộ luật Dân Sự năm 2005 quy định điều kiện để di chúc hợp pháp là người lập di chúc phải minh mẫn, sang suốt. Tuy nhiên, tại các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện: Biên bản xác minh ngày 24 tháng 8 năm 2016 thể hiện:Đến 14h00 ông C bị sốt cao 40 độ, huyết áp vẫn chưa đảm bảo như bình thường; đến 15h30 ông C không thể tỉnh táo như người bình thường vì bệnh sốc nhiễm trùng ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể trong đó có hệ thần kinh (như kích thích, nói sảng)”. Biên bản xác minh ngày 29 tháng 8 năm 2017, thể hiện: Trong khoảng thời gian từ 13h30 đến 16h ngày 09 tháng 5 năm 2016 ông C vẫn được điều trị tích cực (thở oxy, truyền dịch…)”. Cũng tại phiên tòa hôm nay,

Giám định viên cũng đã phân tích cụ thể rõ ràng nội dung Kết luận sức khỏe tâm thần số 08/18/GĐSKTT ngày 17 tháng 01 năm 2018 của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương tại sao lại kết luận:Trong thời gian từ 14h00 đến 15h45’ ngày 09 tháng 5 năm 2016 đối tượng Lê Đình C bị sảng căn nguyên hỗn hợp, theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F05.8. Tại thời điểm trên, đối tượng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Kết luận giám định này phù hợp với những tài liệu xác minh tại Bệnh viện Việt Tiệp về tình trạng sức khỏe của ông C. Vì vậy, không đủ cơ sở kết luận ông C minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc.

Cũng theo Kết luận giám định số 692/C54-P5 ngày 11 tháng 11 năm 2016 và Kết luận giám định số 838/C54-P5 ngày 05 tháng 01 năm 2017 của Viện khoa học hình sự - Bộ Công an thể hiện:Không đủ cơ sở kết luận chữ ký và chữ viết của ông C trong di chúc và các chữ ký của ông C trong các mẫu gửi giám định có phải do cùng một người ký, viết ra hay không”.

Về hình thức: Bản di chúc được ông Nguyễn Mạnh H - Trưởng văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng đánh máy với lý do ông C không thể tự mình viết bản di chúc nên đã nhờ ông H viết. Di chúc có hai người làm chứng là ông Trần Văn C và bà Lê Thị L. Theo quy định tại khoản 2 Điều 650 của Bộ luật Dân sự năm 2005 đây xác định là di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Theo quy định tại Điều 656 của Bộ luật Dân sự năm 2005, việc ông H đánh máy bản di chúc trên là chưa đảm bảo mà phải viết tay, sau này đến Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 634 mới chấp nhận di chúc được đánh máy.

Về người làm chứng, nội dung di chúc ghi rõ ông C chọn bà L và ông C là người làm chứng, ông H chỉ là người đánh máy lại bản di chúc không phải là người làm chứng. Xét về tư cách làm chứng của hai người này như sau: Bà L là chị ruột của ông C, là hàng thừa kế thứ hai của ông C theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 676 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Bà Lập ký tên làm chứng cho việc lập di chúc là vi phạm khoản 1 Điều 654 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Lời khai của ông Trần Văn C thể hiện ông C không được ông H trao đổi nội dung liên quan đến việc lập di chúc của ông C, ông chỉ được nhờ ký vào bản di chúc, ông C không nắm được nội dung bản di chúc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Người làm chứng cho việc lập di chúc phải là người chứng kiến việc lập di chúc. Trường hợp này tư cách làm chứng của ông Trần Văn C cũng không đảm bảo.

Về nội dung của bản di chúc: Di chúc có nhiều chữ viết tắt như “HKTT” tại dòng thứ 7, “Tp” tại các dòng thứ 20 và 32, “tp” tại các dòng 11, dòng 24 và dòng 27 từ trên xuống của trang 1 di chúc, “VPLS” tại các dòng thứ 31 từ trên xuống của trang 1 và dòng thứ 3 từ trên xuống của trang 2 di chúc. Vi phạm khoản 2 Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về nội dung của di chúc bằng văn bản.

Như vậy, với tất cả những chứng cứ như đã phân tích ở trên có thể khẳng định bản di chúc của ông Lê Đình C lập ngày 09 tháng 5 năm 2016 trên không đảm bảo quy định của pháp luật về hình thức và nội dung, người lập di chúc trong khi lập di chúc không minh mẫn và sáng suốt. Do vậy, di chúc này là không hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005. Vì vậy, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và yêu cầu khởi kiện, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Đây là quan hệ tranh châp vê thưa kê tai san ; đối tượng tranh chấp là bất động sản gồm quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 136m2 và các tài sản gắn liền với đất tại số 33 Đ, phường N, quận Đ, thành phố Hải Phòng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân quận Đ, thành phố Hải Phòng thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền.

[2] Về nội dung kháng cáo: Theo biên bản giao nhận ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận Đ, bà Lê Thị M là người đại diện theo ủy quyền của anh Lê Đình Tùng L đã nhận bản án sơ thẩm để giao lại cho anh Lâm một bản và ông Tụ một bản. Do vậy, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng nguyên đơn chưa nhận được bản án sơ thẩm là không có căn cứ. Mặt khác, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có mặt tại phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa nên đã được nghe công bố bản án, do vậy đã biết được nhận định và quyết định của bản án sơ thẩm. Nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc. Tòa án nhân dân quận Đ không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của nguyên đơn do bản di chúc không hợp pháp và quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tuyên bản di chúc không hợp pháp là đúng pháp luật.

[3] Bị đơn không có yêu cầu phản tố nhưng có ý kiến không đồng ý chia di sản thừa kế vì bản di chúc không hợp pháp. Bị đơn không có yêu cầu phản tố nên không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

[4] Xét tính hợp pháp bản di chúc lập ngày 09 tháng 5 năm 2016: Bản di chúc được đánh máy, không có công chứng, chứng thực nhưng có chữ ký của bà Lê Thị L và ông Trần Văn C. Bà L khai: Từ hơn 14 giờ đến 15 giờ 45 phút ngày 09 tháng 5 năm 2016, ông C có nhờ bà L mời Luật sư đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng làm di chúc để định đoạt di sản của mình. Di chúc thể hiện được lập xong lúc 15 giờ 45 phút ngày 09 tháng 5 năm 2016 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng. Tuy nhiên, các tài liệu trong hồ sơ cho thấy ông C nhập vào bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng lúc 05 giờ 58 phút ngày 09 tháng 5 năm 2016 với căn bệnh suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn, lạm dụng rượu, nhiễm khuẩn huyết, viêm mô tế bào cẳng chân phải. Khoảng 06 giờ 20 phút, ông C bắt đầu bị tụt huyết áp và đã phải điều trị bằng thuốc nâng huyết áp. Đến 10 giờ cùng ngày, bác sĩ kết luận ông C bị sốc nhiễm trùng đa tạng, viêm tấy lan tỏa, xơ gan, viêm mô tế bào; tiên lượng bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao. Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, ông C được chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu ngoại, 11 giờ 45 phút ông C đã ở trạng thái kích thích, nói sảng, thở gắng (là tình trạng nằm không yên, vật vã, nói những cái vu vơ không bình thường). Đến 11 giờ 50 phút, các bác sĩ hội chẩn đặt máy trợ áp. Ông C chỉ tỉnh ở mức độ cơ bản, tức là nghe được, làm được theo yêu cầu của bác sỹ (giơ tay hoặc giơ chân, có thể giao tiếp được bằng cử chỉ, ánh mắt). Đến 14 giờ, ông C bị sốt cao 400, huyết áp vẫn chưa đảm bảo như bình thường; đến 15 giờ 30 phút, ông C đã phải đặt máy theo dõi huyết áp liên tục ... Biên bản xác minh ngày 29 tháng 8 năm 2017 thể hiện: Trong khoảng thời gian từ 13 gờ 30 phút đến 16 giờ ngày 09 tháng 5 năm 2016, ông C vẫn được điều trị tích cực (thở ô xy, truyền dịch…). Kết luận giám định số 692/C54-P5 ngày 11 tháng 11 năm 2016 và Kết luận giám định số 838/C54-P5 ngày 05 tháng 01 năm 2017 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã kết luận: Không đủ cơ sở kết luận chữ ký và chữ viết của ông C trong di chúc và các chữ ký của ông C trong các mẫu gửi giám định có phải do cùng một người ký, viết ra hay không. Kết luận giám định sức khỏe tâm thần số 08/18/GĐSKTT ngày 17 tháng 01 năm 2018 của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương kết luận: “Trong thời gian từ 14 giờ 00 đến 15 giờ 45 phút ngày 09 tháng 5 năm 2016, đối tượng Lê Đình Công bị sảng căn nguyên hỗn hợp, theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F05.8. Tại thời điểm trên, đối tượng hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

[5] Theo kết luận giám định, ông C có mã bệnh F05 và theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992, bệnh có mã số F05 được xác định là: Mê sảng không gây ra bởi rượu và các chất kích thích thần kinh khác. Bệnh có mã số F05.8 (Other delirium, dịch là mê sảng khác): Là mê sảng do căn nguyên hỗn hợp hoặc mê sảng do hậu phẫu. Thời điểm viết di chúc, ông C chưa phẫu thuật nên không phải mê sảng do hậu phẫu mà là sảng do căn nguyên hỗn hợp. Theo lời trình bày của Giám định viên pháp y tâm thần tại phiên tòa thì trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 15 giờ 45 phút ngày 09 tháng 5 năm 2018, ông C đã bị tâm thần do sảng căn nguyên hỗn hợp. Chữ viết “Công” tại trang 1 và trang 2 của bản di chúc có sự khác nhau. Chữ viết “ Công” ở trang 2 của bản di chúc thể hiện chữ viết của người không minh mẫn, tỉnh táo.

[6] Từ các chứng cứ trên, thấy: Ngay từ khi vào nhập viện tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, ông C đã trong tình trạng sức khỏe yếu, được bác sỹ chỉ định có nguy cơ tử vong cao. Diễn biến quá trình điều trị bệnh có mã F05.8 của ông C cho thấy tại thời điểm di chúc được lập theo lời khai của những người làm chứng thì ông C không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Tại Điều 647 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về người lập di chúc: “Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình”. Như vậy, khoảng thời gian từ 14 giờ đến 15 giờ 45 phút, Công đã bị tâm thần do vậy ông C không có quyền lập di chúc theo quy định của pháp luật. Mặt khác, tại điểm a khoản 1 Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định di chúc được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây: “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc....”. Nhưng với tình trạng sức khỏe như trên thì trong khoảng thời gian từ hơn 14 giờ đến 15 giờ 45 phút ngày 09 tháng 5 năm 2016, ông C không thể minh mẫn sáng suốt để thể hiện ý chí lập di chúc, định đoạt di sản của mình như nội dung kháng cáo của nguyên đơn. Xét thấy, bản di chúc ngày ngày 09 tháng 5 năm 2016 được bà L là chị gái của ông C nhờ Luật sư H soạn thảo đánh máy trong khi ông C không có quyền lập di chúc và trong lúc ông C không minh mẫn, tỉnh táo nên bản di chúc lập ngày 09 tháng 5 năm 2016 được kết thúc vào hồi15 giờ 45 phút cùng ngày không hợp pháp.

 [7] Do ông C không có quyền lập di chúc theo Điều 647 của Bộ luật Dân sự năm 2005 nên không có căn cứ để nhận định đây là bản di chúc bằng văn bản có người làm chứng theo quy định tại Điều 656 của Bộ luật Dân sự năm 2005 như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm. Bản di chúc không hợp pháp nên những người làm chứng cho việc lập di chúc cũng không có giá trị pháp lý.

[8] Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cũng như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng đây là di chúc bằng văn bản đã có đủ hai người làm chứng nhưng bà L là chị ruột của ông C nên việc làm chứng của bà L không được chấp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 654 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo lời khai của bà L thì do ông C không thể tự mình viết bản di chúc nên đã nhờ ông Nguyễn Mạnh H là Trưởng Văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng viết nhưng ông H lại đánh máy bản di chúc là không đúng quy định tại Điều 656 của Bộ luật Dân sự 2005 (Bộ luật Dân sự năm 2015 mới quy định di chúc được đánh máy tại Điều 634). Theo quy định tại Điều 656 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì trong trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Như vậy, ông H là người được bà L nhờ viết di chúc cho ông C nên không thể đồng thời là người làm chứng cho việc lập di chúc.

[9] Đối với lời khai của ông Trần Văn C: Ông C không được ông H trao đổi nội dung liên quan đến việc lập di chúc của ông C; khi ông H vào đọc di chúc cho ông C nghe thì ông C và bà L mới nhờ ông C ký vào bản di chúc; ông C cũng không nắm được nội dung của bản di chúc, không được giữ bản di chúc như nội dung di chúc đã đề cập nên tư cách người làm chứng của ông C đối với việc lập di chúc của ông C là không đảm bảo.

[10] Từ các nhận định trên thấy di chúc lập ngày 09 tháng 5 năm 2016 của ông C không hợp pháp theo quy định tại các Điều 647, Điều 652, Điều 653, Điều 654 và Điều 656 của Bộ luật Dân sự năm 2005 nên yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc của anh Lê Đình Tùng L không có căn cứ. Do vậy, không có cơ sở chấp nhận nội dung kháng cáo của anh Lê Đình Tùng L.

[11] Án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm: Anh Lê Đình Tùng L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 148 và khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào Điều 647, khoản 2 Điều 650, khoản 1, khoản 3 Điều 652, khoản 2 Điều 653, khoản 1 Điều 654 và Điều 656 của Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 7 Điều 27 và khoản 1 Điều 48 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án,

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Lê Đình Tùng L.

2. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/DS-ST ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận Đ, thành phố Hải Phòng:

2.1. Không chấp nhận bản di chúc lập ngày 09 tháng 5 năm 2016 của ông Lê Đình C là hợp pháp.

2.2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Lê Đình Tùng L về việc chia di sản thừa thừa kế theo di chúc.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Anh Lê Đình Tùng L phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Trả lại ông Lê Đình T 12.000.000 đồng (mười hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí tòa án số AA/2010/7116 ngày 20 tháng 7 năm 2016 của Chi cục Thi hành án quận Đ, thành phố Hải Phòng.

4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Anh Lê Đình Tùng L phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, anh Lâm đã nộp đủ số tiền trên theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí tòa án số 0006833 ngày 22 tháng 6 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ, thành phố Hải Phòng.

5. Quyền yêu cầu thi hành án: Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2014. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

582
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 26/2018/DS-PT ngày 11/09/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:26/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về