Bản án 26/2019/DS-PT ngày 25/06/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 26/2019/DS-PT NGÀY 25/06/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong ngày 25 tháng 6 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 09/2019/TLPT-DS ngày 11 tháng 02 năm 2019 về việc Tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 29/2019/QĐPT-DS ngày 11 tháng 4 năm 2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 32/2019/DS-PT ngày 07 tháng5 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 38/2019/DS-PT ngày 05 tháng 6 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Kim C – sinh năm 1958.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn T, xã T, huyện Đ, tỉnh Thái Bình;

Chỗ ở hiện nay: Thôn L, xã M, huyện Đ, tỉnh Thái Bình.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

+ Ông Bùi Văn D - sinh năm 1955; Nơi cư trú: Thôn T1, xã M, huyện Đ, tỉnh Thái Bình.

+ Ông Nguyễn Thế N – sinh năm 1965; Nơi cư trú: Số nhà 02, ngõ 32, đường H, tổ 16, phường P, thành phố T, tỉnh Thái Bình.

2. Bị đơn:

- Anh Nguyễn Tú A – sinh năm 1975.

- Chị Bùi Thị Kiều D – sinh năm 1976.

Đều cư trú: Tổ 01, phường H, thành phố T, tỉnh Thái Bình.

3. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị Kim C – Nguyên đơn.

(Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có mặt; Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

* Tại Đơn khởi kiện đề ngày 07/02/2018, đơn khởi kiện sửa đổi bổ sung đề ngày 10/7/2018 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim C trình bày: Bà có cho anh Tú A và chị D vay tiền hai lần: lần thứ nhất vào ngày 25/10/2009 tiền gốc 63.000.000 đồng, lần thứ hai vào ngày 28/3/2010 tiền gốc 5.000.000 đồng, tổng số tiền cho vay là 68.000.000 đồng. Cả hai khoản vay anh Tú A đều viết Giấy vay tiền, anh Tú A và chị D đều ký vào giấy vay tiền, hai bên thỏa thuận lãi suất 2500 đồng/triệu/ngày. Do chậm trả tiền nên ngày 01/7/2011 anh Tú A viết giấy chốt nợ khoản vay 5.000.000 đồng cả gốc lãi chuyển thành số tiền gốc là 11.700.000 đồng, có tính lãi, thời hạn trả là hai tháng và ngày 26/9/2011 viết giấy khất nợ đối với khoản vay 63.000.000 đồng, tổng cả gốc và lãi là 128.000.000 đồng, thời hạn trả là ngày 26/11/2011. Khoản tiền 11.700.000 đồng phát sinh lãi đến ngày 26/9/2011 là 300.000 đồng. Tính đến ngày 26/9/2011, tổng số tiền anh Tú Anh còn nợ bà C cả gốc và lãi của 2 khoản vay là 140.000.000 đồng. Đến hạn trả tiền anh Tú A, chị D không trả tiền như cam kết, bà phải đòi nhiều lần anh Tú A và chị D mới trả cho bà C tổng số được 80.000.000 đồng, cụ thể như sau: Bà nhận 44.000.000 đồng qua ông Lại Văn D ở tổ 16, phường B, thành phố T; nhận trực tiếp từ anh Tú A và chị D 04 lần với số tiền 36.000.000 đồng. Bà trừ 72.000.000 đồng vào tiền lãi trong số tiền 140.000.000 đồng, trừ 8.000.000 đồng vào tiền nợ gốc. Như vậy số tiền gốc anh Tú A và chị D còn nợ lại bà từ ngày 26/9/2011 là 60.000.000 đồng.

Ngày 21/6/2017, tại buổi hòa giải ở đền C, phường H, thành phố T do ban hòa giải phường H tiến hành, trước sự chứng kiến của nhiều người, anh Tú A đã công nhận còn nợ bà số tiền gốc là 60.000.000 đồng từ ngày 01/01/2013 đến ngày 21/6/2017 anh Tú A chưa thanh toán.

Ngày 03/7/2017 tại gia đình bà, bà và anh Tú A có viết bản thỏa thuận thống nhất số tiền vay từ năm 2009 đã thanh toán các khoản, còn lại là 60.000.000 đồng tiền gốc từ ngày 01/01/2013 chưa thanh toán, anh Tú A đồng ý trả gốc và lãi suất thỏa thuận 2,5%/1 tháng, lãi suất tính theo năm một. Các giấy tờ thanh toán từ ngày 31/12/2012 trở về năm 2009 không còn giá trị, trong vòng 60 ngày anh Tú A sẽ thanh toán trả tiền vay như trên. Khi viết bản thỏa thuận ngoài bà và anh Tú A còn có hai người làm chứng là bà Lương Thị T và ông Trịnh Huy K là người ở cùng thôn với bà.

Hết thời hạn trả nợ, anh Tú A, chị D vẫn không thanh toán tiền cho bà vì vậy bà Chung khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh Tú A và chị D phải thanh toán cho bà số tiền nợ gốc là 60.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 01/01/2013 tính đến hết ngày 31/01/2018 là 168.345.195 đồng, tổng là 228.345.195 đồng.

Đơn khởi kiện bổ sung và trong quá trình giải quyết vụ án, bà C thay đổi yêu cầu khởi kiện với lý do có sự nhầm lẫn về thời điểm tính lãi; đến ngày 12/9/2018, giữa bà và anh Tú A đã thống nhất lại và lập Biên bản thỏa thuận với nội dung: anh Tú A còn nợ bà tiền gốc 60.000.000 đồng và tiền lãi từ 26/9/2011, lãi suất thỏa thuận 2,5%/tháng. Bà yêu cầu Tòa án buộc anh Nguyễn Tú A và chị Bùi Thị Kiều D phải trả cho bà 60.000.000 đồng tiền nợ gốc và tiền lãi tính từ ngày 26/9/2011 đến ngày xét xử là 146.763.000 đồng theo lãi suất Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cho vay vào thời điểm tháng 9/2011 là 23%/năm, lãi suất quá hạn là 34,5% năm, thời gian tính lãi quá hạn từ 26/9/2011 đến ngày xét xử sơ thẩm. Tổng cả gốc và lãi anh Tú A và chị D phải trả là 206.763.000 đồng. Từ khi bản án có hiệu lực pháp luật nếu anh Tú A và chị D không trả được tiền cho bà thì phải trả tiền lãi theo quy định của pháp luật.

* Bị đơn - anh Nguyễn Tú A trình bày: Năm 2009 anh có vay của bà Nguyễn Thị Kim C số tiền gốc là 39.000.000 đồng, lãi suất ban đầu là 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày, mục đích vay để làm công trình chống mối cho Trường dạy nghề cho người khuyết tật nơi bà C làm việc. Khi vay không làm giấy biên nhận, không có người làm chứng, anh là người trực tiếp đi vay, không liên quan đến vợ anh là chị D. Sau 3 tháng anh đã trả cho bà C 42.000.000 đồng nhưng bà Chung không trừ vào gốc và nói đã trừ hết vào tiền lãi, sau đó đến đòi tiền anh rất nhiều lần. Do không muốn to tiếng nên anh có viết giấy nhận nợ và đưa cho chị D cùng kí. Ngày 26/9/2011 anh đã viết giấy khất nợ 128.000.000 đồng trong đó có 39.000.000 đồng nợ gốc. Các giấy tờ khất nợ anh đều viết trong tình trạng bà C đến khi nhà anh có giỗ, có sự kiện và có mặt nhiều người. Từ khi vay tiền của bà C, anh đã nhiều lần trả tiền cho bà C, nhưng bà C không trừ vào tiền gốc mà tính hết vào lãi, tổng số tiền anh đã trả cho bà C là khoảng 300.000.000 đồng, tuy nhiên anh không lưu được hết các giấy tờ trả nợ cho bà C, chỉ còn 01 giấy ghi ngày 19/01/2013 thể hiện đã trả cho bà C 70.000.000 đồng. Tại Biên bản hòa giải ở đền Cống Túc và biên bản thỏa thuận tại nhà bà C, anh và bà C đã thống nhất anh còn nợ bà C 60.000.000 đồng từ ngày 01/01/2013, ngày 19/01/2013 bà C đã nhận của anh 70.000.000 đồng, như vậy anh đã trả hết tiền cho bà C nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà C.

* Bị đơn – chị Bùi Thị Kiều D trình bày: Năm 2009, chồng chị là anh Tú A có vay của bà C39.000.000 đồng để làm công trình chống mối cho Trường dạy nghề cho người khuyết tật, có tính lãi hàng tháng. Đến ngày 25/10/2009 số tiền gốc lãi cộng lại là 63.000.000 đồng, sau đó số tiền này lại cộng với lãi và gốc để viết thành giấy nhận nợ tiếp theo. Đã rất nhiều lần vợ chồng chị thanh toán cho bà C, tổng số tiền đã thanh toán cho bà C là khoảng 300.000.000 đồng, có lần trả có giấy biên nhận, có lần thì không có giấy, do thời gian đã lâu chị không nhớ đã trả cho bà C cụ thể vào thời gian nào, bao nhiêu lần và mỗi lần trả bao nhiêu. Việc vay mượn ban đầu giữa anh Tú A và bà C chị không được biết, nhưng những lần lãi cộng gốc về sau thì bà C thường đến khi gia đình có việc như giỗ, tết, lúc có đông người nên chị biết. Chị cho rằng đây là khoản nợ riêng của anh Tú A, không liên quan đến chị, những lần chị trả tiền cho bà C là do anh Tú A nhờ trả hộ. Chị khẳng định không vay nợ bà C nên chị không có nghĩa vụ trả nợ cho bà C. Chị ủy quyền cho anh Tú A tham gia tố tụng tại Tòa án.

* Người làm chứng – ông Trịnh Huy K trình bày: Ngày 21/6/2017 ông có tham gia buổi hòa giải tại Đền C, H về việc vay nợ giữa bà C với anh Tú A và chị D. Tại buổi hòa giải ông được biết số tiền bà C cho anh Tú A và chị D vay là 140.000.000 đồng, không rõ gốc lãi thế nào. Trong buổi hòa giải hai bên xác nhận từ khi nợ đến năm 2017 anh Tú A đã trả được 80.000.000 đồng. Số tiền 80.000.000 đồng đã trả cũng không rõ là trả gốc hay lãi. Cuối cùng hai bên thống nhất số tiền nợ gốc còn lại là 60.000.000 đồng và thời điểm tính từ năm 2013 (ngày tháng nào thì ông không nhớ), đến thời điểm diễn ra buổi hòa giải chưa trả lãi. Tại buổi hòa giải anh Tú A công nhận số tiền gốc 60.000.000 đồng và xin số tiền lãi do làm ăn bị thất thoát. Anh Tú A khất 10 ngày sau đến nhà bà C để hai bên giải quyết với nhau. Sau đó ngày 03/7/2017 anh Tú A có đến nhà bà C để làm việc, tại đây có sự chứng kiến của ông và bà Lương Thị T, người cùng thôn với bà C. Anh Tú A hứa với bà Clà hai tháng nữa trả số tiền 60.000.000 đồng. Còn tiền lãi thì anh Tú A xin nhưng bà C chưa nhất trí.

* Người làm chứng – ông Trần Văn Q trình bày: Ngày 21/6/2017 ông có tham gia buổi hòa giải tại đền C về việc vay nợ giữa bà C với anh Tú A và chị D. Tại buổi hòa giải có mặt của anh Tú A, bà C đưa ra các giấy biên nhận nợ và đọc to cho mọi người cùng nghe. Ông không nhớ số tiền cho vay từng đợt là bao nhiêu mà chỉ biết sau khi bà C và anh Tú Acó sự đối trừ các chứng từ, cuối cùng anh Tú A nhất trí với số nợ gốc còn lại là 60.000.000 đồng. Thời điểm nợ gốc như thế nào thì ông không nắm được. Tại buổi hòa giải ngày hôm đó không bàn về số tiền lãi suất, hai bên hẹn lại vào ngày 03/7/2017 gặp nhau tại nhà bà C để giải quyết số nợ gốc, lãi và thời gian trả nợ. Buổi làm việc ngày 03/7/2017 tại nhà bà C ông không có mặt nên không rõ nội dung như thế nào, chỉ nghe bà C nói lại là trước khi vào việc bà C có nói với anh Tú A là còn thiếu một khoản tiền khoảng 20.000.000 đồng chưa đưa vào biên bản hôm hòa giải. Bà C nói với ông là anh Tú A nhất trí khoản tiền còn thiếu này nhưng bỏ ra ngoài để hai bên tính sau. Cần tôn trọng biên bản làm việc ngày 21/6/2017 tại đền C.

* Người làm chứng – ông Lại Văn D trình bày: Khoảng năm 2012, 2013 ông có nhận từ anh Nguyễn Tú A số tiền 44.000.000 đồng để chuyển cho bà C làm nhiều lần, lần ít nhất là 5.000.000 đồng, lần nhiều nhất là 12.000.000 đồng, có ghi sổ sách giấy tờ nhưng do thời gian đã lâu và sổ sách giấy tờ ông đã đưa cho bà Chung nên không còn nhớ thời gian cụ thể, chính xác. Ngoài số tiền trên ông không nhận thêm bất kỳ khoản tiền nào khác từ anh Tú A. 

Hội đồng xét xử sơ thẩm đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 150, khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, 273, 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 285, 290, 305, 471, 474, 476, 477 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 357, 468, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 26 Luật thi hành án dân sự 2014; Điều 24, 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Kim Cđối với anh Nguyễn Tú A và chị Bùi Thị Kiều D.

Buộc anh Tú A và chị D phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà Nguyễn Thị Kim C số tiền là 117.915.000 đồng, trong đó nợ gốc là 60.000.000 đồng, nợ lãi là: 57.915.000 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thi hành thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

2. Về án phí: Anh Nguyễn Tú A và chị Bùi Thị Kiều D phải chịu 5.895.750 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Trả lại bà Nguyễn Thị Kim C số tiền 9.500.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Bình tại biên lai thu số 0007203 ngày 04/9/2018.

Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

* Ngày 28/12/2018 Tòa án nhân dân Thành phố Thái Bình quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm, về nội dung trả lại bà C số tiền 9.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp.

* Ngày 01/12/2018, bà Chung có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bà C yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015, tính lãi suất theo thỏa thuận giữa bà và anh Tú A là 2,5%/tháng, cụ thể: tiền gốc 60.000.000 đồng tính từ 26/9/2011; tiền lãi tạm tính ngày 26/11/2018 là 7 năm 2 tháng (86 tháng). Tiền lãi: 60.000.000 đ x 2,5%/tháng x 86 tháng = 129.000.000 đồng. Cộng gốc và lãi: 60.000.000 đồng + 129.000.000 đồng = 189.000.000 đồng.

Ngày 03/6/2019, bà Chung nộp Đơn trình bày về việc kháng cáo, bà Cyêu cầu Tòa án buộc anh Tú A và chị D phải trả bà 60.000.000 đồng tiền gốc và tiền lãi tính từ ngày 26/9/2011 đến ngày 05/6/2019, với mức lãi suất thỏa thuận 2,5%/tháng. Tổng số tiền cả gốc và lãi là 198.500.000 đồng.

* Tại phiên tòa phúc thẩm, bà C vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp của bà C trình bày: Việc yêu cầu khởi kiện của bà C là có chứng cứ, lời trình bày của bị đơn là không có chứng cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết vụ án và buộc bị đơn trả nguyên đơn tiền nợ gốc 60.000.000đ và tiền lãi theo mức lãi suất 2,5%/1 tháng tính từ ngày 26/9/2011.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát biểu tại phiên tòa: Quá trình thực hiện tố tụng của Hội đồng xét xử và các đương sự đảm bảo đúng pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị Kim C, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu đã thu thập có trong hồ sơ vụ án, cũng như thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa lần thứ 2 không có lý do, mặc dù đã được Tòa án phúc thẩm triệu tập hợp lệ. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vụ án theo thủ tục vắng mặt bị đơn.

[1.2] Bản án sơ thẩm xác định ông Trần Xuân Đ - sinh năm 1952, địa chỉ: thôn H, xã M, huyện D, tỉnh Thái Bình (chồng của bà C) là đồng nguyên đơn, tuy nhiên, ông Đ không ký Đơn khởi kiện; lời khai của ông Đ tại Tòa án cấp sơ thẩm thể hiện: ông Đ và bà C là vợ chồng nhưng ông bà đã sống ly thân từ lâu, ông không biết gì về việc vay nợ giữa bà C với anh Tú A và chị D, ông cũng không biết anh Tú A và chị Dlà ai. Số tiền bà C cho anh Tú A và chị D vay là tài sản riêng của bà C, không liên quan đến ông. Như vậy Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Trần Xuân Đ là nguyên đơn là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tuy nhiên quyết định của bản án sơ thẩm không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đ và những người tham gia tố tụng khác. Vì vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lại, không đưa ông Đ vào tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn trong vụ án.

[2] Về nội dung:

Xét yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị Kim C, thấy:

Bà Chung cho anh Tú A vay tiền 2 lần, lần 1 vào ngày 25/10/2009; lần 2 vào ngày 28/3/2010. Anh Tú A viết Giấy vay tiền của bà C, có chữ ký của anh Tú A và chị D. Như vậy xác định thời điểm xác lập hợp đồng vay tài sản giữa bà C với anh Tú A và chị D là trước ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành).

Giấy vay tiền ngày 25/10/2009 (Bút lục 08), số tiền vay 63.000.000 đồng ghi lãi suất theo thỏa thuận; giấy vay tiền ngày 28/3/2010 (Bút lục 81) số tiền vay 5.000.000 đồng, không ghi lãi suất. Giấy khất nợ ngày 26/9/2009 (Bút lục 68) và nội dung chốt nợ ngày 01/7/2011 (mặt sau Bút lục 81) đều ghi lãi suất 1.500 đồng/triệu/ngày tương đương lãi suất 4,5%/tháng, 54%/năm. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm, bà C và anh Tú A đã lập Biên bản thống nhất hòa giải, trả nợ ngày 12/9/2018 (Bút lục 179), trong đó anh Tú A và bà C thống nhất: Anh Tú A còn nợ bà C 60.000.000 đồng tiền gốc từ ngày 26/9/2011, chưa thanh toán kể cả lãi suất thỏa thuận 2,5%/tháng, tính theo 01 năm/lần.

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Lãi suất do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”.

Tại phiên tòa bà C trình bày mức lãi suất 2,5%/tháng đó là tính gộp cả lãi suất trong hạn 20%/năm và lãi xuất quá hạn 10%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, tuy nhiên, trong Biên bản thống nhất hòa giải, trả nợ ngày 12/9/2018 ghi rõ “lãi suất thỏa thuận 2,5%/tháng/tính theo năm/lần, năm một”, không có nội dung ghi như trình bày của bà C.

Điều 2 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (sau đây viết tắt là Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP quy định:

“1. Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng được xác lập trước ngày 01-01-2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực) thì việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất xác định như sau:

[…]

c) Hợp đồng đang được thực hiện là hợp đồng mà các bên chưa thực hiện xong quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận và các quyền, nghĩa vụ khác phát sinh từ hợp đồng mà pháp luật có quy định.

Hợp đồng đang được thực hiện mà lãi, lãi suất không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14-6-2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết.

[…]”.

Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực pháp luật thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:

a) […] Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 […]”.

Như vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng vay tài sản, các bên đã thống nhất tính toán đối trừ số tiền vay, số tiền gốc, lãi đã trả, và thống nhất xác nhận đến thời điểm ngày 26/9/2011 anh Tú A còn nợ bà C số tiền gốc là 60.000.000đ, đồng thời đã thỏa thuận sửa đổi về lãi suất. Mặc dù văn bản đó được lập ngày 12/9/2018 nhưng các bên thống nhất thời điểm xác định nghĩa vụ của anh Tú A đối với bà C là ngày 26/9/2011, trước thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, mặt khác thỏa thuận về lãi suất giữa các bên (2,5%/tháng) không phù hợp quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 như đã nhận định trên. Vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tính lãi, lãi suất trên nợ gốc mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn là đúng pháp luật.

Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về lãi suất :

“1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Quyết định 2868/QĐ –NNNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm. Như vậy 150% lãi suất cơ bản là 13,5%/năm.

Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng quy định của Bộ luật dân sự 2005 để tính lãi, lãi suất trên nợ gốc 60.000.000 đồng kể từ ngày 26/9/2011 đến ngày tuyên án sơ thẩm (20/11/2018) là 60.000.000 đồng x 13,5 %/năm x ( 07 năm 01 tháng 24 ngày) = 57.915.000 đồng; quyết định buộc anh Tú A và chị D phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà C 117.915.000 đồng, trong đó nợ gốc là 60.000.000 đồng, nợ lãi là 57.915.000 đồng là phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 và điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy kháng cáo của bà C và ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà C đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, tính lãi suất theo thỏa thuận 2,5%/tháng để buộc anh Tú A trả nợ cho bà C là không có căn cứ, vì vậy không được chấp nhận.

Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định về “Quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án”. Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019, được áp dụng để giải quyết bao gồm vụ án dân sự phúc thẩm đã được thụ lý trước ngày Nghị quyết 01/2019/NQQ-HĐTP có hiệu lực. Do thay đổi quy định pháp luật, vì vậy Tòa án cấp phúc thẩm cần sửa án sơ thẩm về lãi suất do chậm thi hành án, thời điểm tính lãi suất chậm thi hành án kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn: 150% x 13,5%/1 năm = 1,6875%/tháng.

Vì vậy, cần áp dụng khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình về việc xác định lại tư cách tố tụng của ông TrầnXuân Đ và về nghĩa vụ chậm thi hành án.

[3] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm nên bà C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 227; Điều 228; khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;

[1] Không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị Kim C.

[2] Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DSST ngày 20/11/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 150, khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, 273, 280 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 285, 290, 305, 471, 474, 476, 477 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 357, 468, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 26 Luật thi hành án dân sự 2014; Điều 24, 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Kim C đối với anh Nguyễn Tú A và chị Bùi Thị Kiều D.

- Buộc anh Tú A và chị D phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bà Nguyễn Thị Kim C số tiền là 117.915.000 đồng, trong đó nợ gốc là 60.000.000 đồng, nợ lãi là: 57.915.000 đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất là 1,6875%/tháng.

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Anh Nguyễn Tú A và chị Bùi Thị Kiều D phải chịu 5.895.750 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Trả lại bà Nguyễn Thị Kim C số tiền 9.000.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Bình, biên lai thu số 0007203 ngày 04/9/2018.

[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị Kim C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 25/6/2019.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

400
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 26/2019/DS-PT ngày 25/06/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:26/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về