Bản án 274/2018/DS-PT ngày 07/11/2018 về đòi lại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 274/2018/DS-PT NGÀY 07/11/2018 VỀ ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Ngày 07 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 34/2018/TLPT-DS ngày 02 tháng 02 năm 2018 về Đòi lại tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện P.T. bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 322/2018/QĐ-PT ngày 05 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Đ.V.TN., sinh năm 1965.Có mặt

Địa chỉ: Tổ 30, khu 4, phường H.G., TP H.LG., tỉnh Q.N.

Tạm trú: Cụm 8, thị trấn P.T., huyện P.T., TP Hà Nội

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ô.T.: Luật sư P.T.HG.- Công ty luật hợp danh Hùng Vương. Có mặt

Bị đơn: Bà Đ.T.TM., sinh năm 1969. Có mặt

Địa chỉ: Cụm 10, xã V.X., huyện P.T., TP Hà Nội

Người đại diện theo ủy quyền của b.TM.: Anh Đ.V.L., sinh năm 1975. Có mặt

Địa chỉ: Cụm 10, xã V.X., huyện P.T., TP Hà Nội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho b.TM.: luật sư C.V.T. - Cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội. Có mặt

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Cháu Đ.T.H., sinh ngày 25/12/2003. Người đại diện hợp pháp của cháu H.: Bà Đ.T.TM. (mẹ đẻ)

Địa chỉ: Cụm 10, xã V.X., huyện P.T., TP Hà Nội

+ Cháu Đ.L.A.T., sinh ngày 13/7/2000. Xin vắng mặt

Địa chỉ: Tổ 30, khu 4, phường H.G., TP H.LG., tỉnh Q.N. Tạm trú: Cụm 8, thị trấn P.T., huyện P.T., TP Hà Nội Người kháng cáo: bà Đ.T.TM..

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai của các bên thì nội dung vụ án như sau:

Ông Đ.V.TN. và bà Đ.T.TM. là hai anh em ruột. Bố mẹ ô.T., b.TM. là cụ Đ.V.P., mất cuối năm 2003 (28/11/2003 Âm lịch) và cụ N.T.M., mất năm 2010.  Cụ P. và Cụ M.sinh được 08 người con gồm:

- Ông Đ.V.L., mất năm 2014. Ông L.có vợ là bà N.T.B., đã mất năm 2002. Ông L, bà B. có 02 người con là anh Đ.V.L., sinh năm 1975 và anh Đ.V.H., sinh năm 1980 hiện cùng ở Cụm 10, xã V.X., huyện P.T., TP Hà Nội;

- Ông Đ.V.C., sinh năm 1950. Hiện đang ở tổ dân phố 12, phường T.T., TP Đ.B.P., tỉnh Đ.B.;

- Bà Đ.T.K., sinh năm 1954. Hiện đang ở Cụm 8a, thôn B.L., xã V.X., huyện P.T., TP Hà Nội;

- Ông Đ.V.C., sinh năm 1958. Đã mất năm 2012. Ông C.có vợ là N.T.K. và 03 người con là: Đ.T.C., Đ.V.L.,Đ.V.C.. Đều đang ở Cụm 10, thôn B.L., xã V.X., huyện P.T..

- Bà Đ.T.X., đã mất năm 1986. Bà X. không có chồng con.

- Bà Đ.T.B., sinh năm 1961. Hiện đang ở Cụm 8a, thôn B.L., xã V.X., huyện P.T., TP Hà Nội;

- Ông Đ.V.TN.

- Bà Đ.T.TM.

Theo ô.T. khai: Khi bố mẹ ông còn sống, vào đầu năm 2003, các cụ đã thực hiện việc chia đất cho các con trai. Khi đó các cô con gái đều đã đi lấy chồng (Bà X. thì đã chết trước đó). Tổng cộng, Cụ P. và Cụ M.có 02 thửa đất, chia cho 4 người con trai.

Thửa thứ nhất: Hơn 230m2, ở Cụm 10, B.L., V.X.. Tên thường gọi là ở khu miếu Rộc Chùa thì chia cho 02 ông Đ.V.C. và Đ.V.C.. Phần ông C.được chia không sử dụng nên bán lại cho ông CF..

Thửa thứ hai: Là thửa các cụ đang ở, tổng diện tích khoảng gần 200m2, thuộc xóm 2, cụm 10, B.L., V.X. thì chia cho Ông L.và ô.T., trong đó Ông L.là con trưởng nên được nhiều hơn còn ô.T. được chia 67m2.

Do ô.T. đi công tác xa, ở Q.N., không thường xuyên ở nhà nên không rõ hai cụ có bàn bạc với anh em trong gia đình hay không. Ông chỉ biết là bố mẹ nói đã chia đất rành mạch và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các con trai. Các cụ đã chủ động tự làm thủ tục chia tách và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các con, Cụ P. bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ô.T.. Ô.T. được nhận sổ đỏ trước khi bố mất. Thửa đất ô.T. được chia là thửa số 343b, tờ bản đồ số 10, diện tích 67m2, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Đ.V.TN., được UBND huyện P.T. cấp ngày 17/4/2003. Trên đất có ngôi nhà cấp 4 của các cụ xây dựng. Các cụ có nói là chia đất thì cho cả nhà trên đất.

Sau khi được chia đất, do ô.T. ở Q.N. chưa về nên chưa sử dụng thửa đất đó, Cụ M.vẫn sinh sống ở đó cho đến khi cụ mất.

Năm 2001, b.TM. đi lấy chồng ở Phú Thọ. Đến cuối năm 2002, do hôn nhân đổ vỡ nên b.TM. lại quay về nhà ở với bố mẹ và sinh cháu H. ở nhà bố mẹ. Việc hai cụ chia đất cho các con trai và giao sổ đỏ cho các con thì b.TM. có biết. Do ô.T. chưa nghỉ hưu, chưa về quê sinh sống mà b.TM. thì hôn nhân đổ vỡ nên ô.T. đồng ý cho b.TM. ở nhờ đất nhà của mình. Khi mẹ con b.TM. ở cùng với mẹ thì ô.T. vẫn thường xuyên gửi tiền về cho mẹ sinh hoạt, còn tiền đóng thuế đất thì b.TM. đóng.

Cuối năm 2005, đầu năm 2006, ô.T. có chủ trương sửa nhà nên đã nhờ anh trai là ông Đ.V.C. đứng ra làm (vì Ông C.là thợ xây), ô.T. gửi tiền qua bưu điện từ thị xã Móng Cái về cho anh rể là ông N.Đ.L.(chồng của bà Đ.T.K.), ông L.nhận tiền và đưa cho b.TM. để b.TM. quán xuyến, trông nom, thanh toán tiền sửa nhà cho ô.T.. Tổng số tiền ô.T. đã gửi về sửa nhà khoảng hơn 10.000.000đ. Nhà cũ là nhà mái ngói thì được sửa thành 02 gian mái bằng như hiện nay.

Năm 2012, vợ ô.T. mất. Năm 2013, ô.T. đưa con là cháu Đ.L.A.T. về quê sinh sống. Nhưng b.TM. lại nhận đất nhà của mình và đuổi bố con ông. Vì thế bố con ông phải đi thuê nhà ở thị trấn P.T. để ở. Ô.T. quyết định chuyển gạch về xây nhà và nhờ cháu là anh Đ.V.H. mua gạch và chuyển về để xây thì xảy ra tranh chấp. B.TM. có đơn trình báo Công an xã V.X.. Công an xã đã hòa giải và yêu cầu ô.T. dừng việc chuyển gạch cũng như xây dựng. Sự việc dừng lại. Anh em bất hòa từ đó.

Năm 2013, do quá trình chuyển chỗ ở về quê, ô.T. để thất lạc mất sổ đỏ.

Năm 2016, ô.T. làm thủ tục báo mất sổ đỏ và đề nghị UBND xã V.X. làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó b.TM. làm đơn tranh chấp, đề nghị không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ô.T.. Do vậy, UBND xã đã tổ chức hòa giải nhiều lần. Tại UBND xã, ô.T. đồng ý hỗ trợ b.TM. 20.000.000đ để b.TM. thuê nhà ở chỗ khác nhưng b.TM. không đồng ý.

Do vậy, ô.T. làm đơn khởi kiện b.TM. để đòi lại tài sản là đất nhà mà ông đã cho b.TM. ở nhờ để bố con ông có chỗ ở, thực hiện việc cúng giỗ gia tiên. Ô.T. vẫn đồng ý hỗ trợ b.TM. 20.000.000đ là tiền b.TM. trông nom đất và trông nom việc sửa nhà để b.TM. đi thuê nhà nơi khác.

Theo b.TM. khai thì thửa đất đang tranh chấp có nguồn gốc như sau: Ông Đ.V.L. có 1 thửa đất ở xóm Miếu, Cụm 10 là đất được Nhà nước cấp sau khi đi bộ đội về, diện tích 11 thước. Cụ P. có 01 thửa đất ở xóm Ngánh, cụm 10,  diện tích 7 thước – là đất cha ông để lại. Năm 1980, Cụ M.và Ông L.mua chung thêm 2,5 thước của bà T.T.V.nên thửa đất ở xóm Ngánh tăng diện tích lên 9,5 thước. Năm 1985, Cụ P. và Ông L.thỏa thuận đổi đất cho nhau, Cụ P. lên ở đất xóm Miếu, còn gia đình Ông L.về ở đất xóm Ngánh. Cụ M.ở lại đất của gia đình ông L..

Năm 2012, gia đình đã họp toàn thể gia đình gồm 6 anh em còn sống (khi đó ông CF., Bà X. đã mất) và thống nhất về việc giải quyết đất đai. Tại cuộc họp đó, toàn bộ các anh chị em đã thống nhất nhường toàn bộ quyền thừa kế tài sản đất đai của bố mẹ cho vợ con Ông C.là bà N.T.K. và 03 người con là: Đ.T.C., Đ.V.L.,Đ.V.C.. Đó là thửa đất ở xóm Miếu. Việc thống nhất này gia đình có được làm thủ tục ký tại Văn phòng công chứng P.T..

Năm 2001, b.TM. đi lấy chồng ở Phú Thọ nhưng vì lý do mâu thuẫn không ở được nên chỉ được hơn 1 tháng thì quay về ở với mẹ.

Trên thửa đất của ông L., năm 1987, Ông L.đã xây cho Cụ M.và b.TM. một ngôi nhà cấp 4, ba gian mái ngói để ở riêng. Toàn bộ tiền và công xây dựng là do Ông L.bỏ ra. Hai mẹ con bà chỉ việc ở. Khi đó hai cụ có nói với Ông L.là tách cho Cụ M.và b.TM. đất riêng. Khi nào b.TM. đi lấy chồng thì sẽ trả lại ông L.. Do vậy, hai mẹ con bà sử dụng đất thành khuôn viên riêng và trong sổ sách của UBND xã đã đứng tên cụ N.T.M., Cụ M.vẫn đóng thuế hàng năm.

Năm 2003, Cụ P. mất. B.TM. sinh cháu H. vào năm 2003 đúng thời điểm Cụ P. mất. Sau đó, ô.T. do đi làm ở Q.N. xa, thỉnh thoảng về quê thì vẫn về nhà ở với mẹ con bà.

Năm 2005, Cụ M.và tất cả các anh chị em trong gia đình đã thống nhất miệng là cho b.TM. làm nhà trên đất đó để ở và nuôi con. Do vậy, năm 2006, b.TM. đã làm nhà (ngôi nhà hiện nay). Khi đó b.TM. nhờ Ông C.đứng ra làm cho vì Ông C.là thợ xây. Toàn bộ tiền làm nhà là của b.TM. dành dụm. Khi đó, ô.T. có gửi tiền cho bà để làm nhà (nói là cho), gửi qua ông L.(là chồng của bà K.), số tiền gửi là 8.000.000đ, gửi 1 lần. Nhưng không hiểu sao được khoảng 1 tuần thì bà K. lại đến đòi lại, bà K. nói là ô.T. đòi lại số tiền đó không cho nữa nên bà đã đưa lại đủ 8.000.000đ cho bà K. để trả ô.T..

Năm 2010, Cụ M.mất đột ngột nên không có di chúc gì. Từ sau khi Cụ M.mất thì b.TM. vẫn đóng thuế đất. B.TM. và cháu H. vẫn tiếp tục sinh sống ở đất nhà đó cho đến nay.

Năm 2013, ô.T. về đòi đất nhà và đuổi mẹ con bà. Bà không đồng ý thì ô.T. cho người đến đập phá tường bao và chuyển gạch vào định xây nhà. Bà đã trình báo Công an xã. Công an xã V.X. đã giải quyết, yêu cầu ô.T. dừng việc đập phá và xây dựng.

Năm 2016, bà thấy ô.T. làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà có đơn kiến nghị đến UBND xã V.X. đề nghị không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ô.T. vì đất đó là gia đình và Cụ M.đã cho bà.

Việc ô.T. nói đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tất cả những người trong gia đình bà hoàn toàn không biết.

Nay ô.T. khởi kiện đòi lại đất nhà thì bà không đồng ý. Bà khẳng định là đất đó bà đã được mẹ và anh em trong gia đình đồng ý cho bà. Bà không đồng ý với việc ô.T. hỗ trợ 20.000.000đ.

Cháu Đ.T.H. cùng ý kiến với b.TM. và cháu Đ.L.A.T. cùng ý kiến với ô.T.. Cụ L.V.DG.và cụ Đ.T.X.là bố mẹ vợ của ô.T. trình bày 2 cụ không liên quan gì đến thửa đất đang tranh chấp và đề nghị Tòa án không đưa 2 cụ vào tham gia tố tụng.

Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, sau khi tiến hành phiên hòa giải lần thứ hai thì b.TM. mới có đơn phản tố yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà nhà nước đã cấp cho ô.T.. Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự thì bị đơn chỉ được quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ, do vậy Tòa án không chấp nhận phản tố của b.TM.. Sau đó b.TM. có đơn khiếu nại gửi đến UBND huyện P.T. về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ô.T., khiếu nại việc UBND xã V.X. cung cấp thông tin cho Tòa án không đúng sự thật. Ngày 13/12/2017, UBND huyện P.T. đã có văn bản số 1300/UBND-TNMT trả lời cho Tòa án biết nội dung b.TM. khiếu nại là không có cơ sở.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/ DS-ST ngày 25/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện P.T. đã quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Đ.V.TN.:

Công nhận thửa đất số 343b, tờ bản đồ số 10, diện tích 67m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số vào sổ 1147 theo quyết định số 216/QĐ-H ngày 17/4/2003 của UBND huyện P.T. tại Cụm 10, xã V.X., huyện P.T., TP Hà Nội thuộc quyền sử dụng của hộ ông Đ.V.TN. gồm ông Đ.V.TN. và cháu Đ.L.A.T.. Buộc bà Đ.T.TM. và cháu Đ.T.H. phải trả lại quyền sử dụng đất cho ô.T., cháu Tuấn. Ô.T. được quyền sở hữu ngôi nhà và các công trình xây dựng trên thửa đất này.

Ông Đ.V.TN. phải thanh toán trả b.TM. số tiền giá trị tài sản trên đất và công trông nom đất trong 14 năm, tổng cộng là 67.320.000đ (Sáu mươi bảy triệu ba trăm hai mươi nghìn đồng) Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự. Không đồng ý với quyết định của bản án, ngày 08/01/2018 bà Đ.T.TM. nộp đơn kháng cáo (đề ngày 05/01/2018), kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên.

Tại phiên toà phúc thẩm, các đương sự không xuất trình các tài liệu chứng cứ khác. Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện. Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho b.TM.: Việc xét xử chưa đủ căn cứ pháp luật, vi phạm tố tụng và nội dung đề nghị hủy án sơ thẩm.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ô.T.: Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết đúng quy định của pháp luật. Đề nghị giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên toà phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Hội đồng xét xử phúc thẩm, thư ký Toà án và các đương sự đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm.

Về nội dung: Việc Tòa án sơ thẩm không thụ lý yêu cầu phản tố hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của b.TM. là không phù hợp, vì tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ lần đầu ô.T. chưa cung cấp được tài liệu thể hiện ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ô.T.. Tại phiên họp lần hai, Tòa án mới công khai chứng cứ thể hiện thửa đất đang tranh chấp ô.T. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đó b.TM. mới có căn cứ để yêu cầu phản tố hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Tám.

Mặt khác đơn phản tố của b.TM. có liên quan chặt chẽ đến việc giải quyết vụ án, kể cả khi b.TM. không có đơn phản tố thì Tòa án vẫn phải xem xét đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ô.T. có đúng hay không và phải đưa UBND huyện P.T. tham gia tố tụng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn cho rằng vân tay trong đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất không phải của Cụ M.và yêu cầu giám định vân tay của cụ M.. Việc giám định vân tay là căn cứ quan trọng để giải quyết vụ án nhưng chưa được giám định. Tòa án sơ thẩm quyết định buộc b.TM. trả nhà là chưa đủ căn cứ vững chắc.

Những thiếu sót trên của Tòa án cấp sơ thẩm không thể khắc phục được tại cấp phúc thẩm. Đề nghị hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện P.T..

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bà Đ.T.TM. đã thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự nên được chấp nhận.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của bà Đ.T.TM. kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm: Vợ chồng cụ Đ.V.P. (mất ngày 28/11/2003 âm lịch) và cụ N.T.M. (mất năm 2010) sinh được 08 người con gồm:

- Ông Đ.V.L., mất năm 2014.

- Ông Đ.V.C., sinh năm 1950.

- Bà Đ.T.K., sinh năm 1954.

- Ông Đ.V.C., mất năm 2012.

- Bà Đ.T.X., mất năm 1986.

- Bà Đ.T.B., sinh năm 1961.

- Ông Đ.V.TN.

- Bà Đ.T.TM.

Thửa đất đang tranh chấp được xác định là thửa đất số 343b, tờ bản đồ số 10, diện tích 67m2 tại xóm 2 xã V.X., huyện P.T., Thành phố Hà Nội. Các đương sự đều thừa nhận là của Cụ P. và cụ M..

Về nguồn gốc diện tích đất tranh chấp giữa ô.T. và b.TM. :

Tại công văn số: 1300/UBND-TNMT ngày 13/12/2017 của Ủy ban nhân dân huyện P.T. trả lời công văn số 197/CV-TA ngày 01/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện P.T. có nội dung: Theo hồ sơ quản lý đất thì thửa số 343, tờ bản đồ số 10, diện tích 194m2 là đất của vợ chồng ông Đ.V.P. và bà N.T.M.. Sau năm 1996 tách thửa 343 cho hai người con là ông Đ.V.L. và ông Đ.V.TN.…. Năm 2001, bà N.T.M. đứng ra đại diện gia đình kê khai đề nghị UBND xã V.X. xét duyệt và trình UBND huyện quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con là Đ.V.TN. với diện tích 67m2 tại thửa 343b, tờ bản đồ số 10”.

Như vậy, diện tích đất tranh chấp giữa ô.T. và b.TM. là của cụ Đ.V.P. và cụ N.T.M.. Việc sau năm 1996 tách thửa 343 cho hai người con là ông Đ.V.L. và ông Đ.V.TN. thì cũng chỉ được ghi vào trong sổ mục kê. Việc các cụ có văn bản tách thửa cho các con thì không có. Theo công văn số: 1568/BTNMT-ĐKTK ĐĐ ngày 25/4/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì: sổ mục kê đất cũng không được coi là một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật đất đai năm 2003. Do vậy, mặc dù năm 1996 có sự việc tách thửa và ghi vào sổ mục kê cho ông Đ.V.L. và ông Đ.V.TN. thì diện tích đất trên vẫn thuộc quyền sử dụng của Cụ P. và cụ M..

Theo tài liệu có trong hồ sơ thể hiện tại Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất (BL177) ngày 12/5/2001, có nội dung: chủ sử dụng đất ghi tên ông Đ.V.TN.. Chủ hộ gia đình ghi tên cụ N.T.M. số sổ đăng ký hộ khẩu 78957 D20 trang 47, địa chỉ: cụm 10 xã V.X., huyện P.T.. Tại mục Ý kiến của Ủy ban nhân dân xác nhận ngày 26/11/2002 có nội dung: Ủy ban nhân dân xã V.X. xác nhận đơn của hộ ông Đ.V.TN. đang sử dụng thửa đất trên không có tranh chấp, đề nghị Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Tại thời điểm này, hộ ông Đ.V.TN. không sinh sống tại địa phương mà làm việc và đăng ký hộ khẩu thường trú tại Q.N. và không thực tế sử dụng đất tại địa phương như nội dung Ủy ban nhân dân xã V.X. xác nhận vào Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất mà chủ hộ gia đình được ghi tên cụ N.T.M.. Diện tích đất này là tài sản chung của Cụ P. và Cụ M.nhưng tại Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất này không có ý kiến và chữ ký của Cụ P. trong đơn.

Tại mục “người sử dụng đất ký tên” trong Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất có 01 điểm chỉ không biết điểm chỉ ngón nào, của ai và không có xác nhận.

Lời khai của ông H., ông Ch. và ông Thc. khẳng định Cụ M.không trực tiếp viết Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, việc điểm chỉ không rõ bằng ngón nào do đó chưa thể có căn cứ xác định Cụ M.là người làm Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, trong khi đó khi đó cả Cụ P. và Cụ M.đều còn khỏe mạnh, minh mẫn nhưng các cụ cũng không lập văn bản chia tách đất cho các con.

Tòa án nhân dân huyện P.T. nhận định có đủ cơ sở để khẳng định, Cụ P. và Cụ M.đã cho hộ ô.T. thửa đất này là chưa có căn cứ vững chắc. Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất (BL177) ngày 12/5/2001 là căn cứ quan trọng để giải quyết vụ án, tại phiên tòa phúc thẩm anh Lưu đại diện theo ủy quyền của b.TM. đề nghị tiến hành giám định điểm chỉ của Cụ M.trong Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, đây là tình tiết mới cần phải thu thập các tài liệu và mẫu vân tay của Cụ M.để tiến hành giám định mới đảm bảo đánh giá các chứng cứ toàn diện và khách quan. Việc thu thập tài liệu chứng cứ tiến hành giám định dấu vân tay là những tình tiết mới không khắc phục được tại Tòa án phúc thẩm. Do vậy, cần phải hủy án bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện P.T. để giải quyết lại đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

Mặt khác, diện tích đất đang tranh chấp đã được UBND huyện P.T. cấp giấy chứng nhận cho ô.T.. Tòa án nhân dân huyện P.T. đã tiến hành thu thập chứng cứ quy trình cấp giấy chứng nhận cho ô.T. tại UBND huyện P.T. để xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ô.T. có đúng trình tự quy định của pháp luật không. Do đó, cần đưa UBND huyện P.T. tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết vụ án.

[3].Về yêu cầu phản tố của b.TM. đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ô.T. sẽ được giải quyết nếu b.TM. có yêu cầu khi vụ án được giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

Nhận định của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Do hủy án dân sự sơ thẩm nên người kháng cáo không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm. Do b.TM. là hộ nghèo có giấy chứng nhận hộ nghèo của UBND xã xác nhận nên không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Án phí dân sự sơ thẩm sẽ được Tòa án nhân dân huyện P.T. quyết định khi giải quyết lại vụ án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 2 Điều 26, Điều 148, khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện P.T., thành phố Hà Nội xét xử vụ án tranh chấp đòi lại tài sản giữa nguyên đơn ông Đ.V.TN. và bị đơn bà Đ.T.TM.; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện P.T., thành phố Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

652
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 274/2018/DS-PT ngày 07/11/2018 về đòi lại tài sản

Số hiệu:274/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về