Bản án 291/2017/HSST ngày 16/08/2017 về tội trốn thuế

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 

BẢN ÁN 291/2017/HSST NGÀY 16/08/2017 VỀ TỘI TRỐN THUẾ

Ngày 16 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 278/2017/HSST, ngày 23/5/2017 đối với các bị cáo:

Họ và tên: Nguyễn Việt C (Q); Giới tính: Nam; Sinh năm: 1981, tại Thành phố Hồ Chí Minh; Thường trú: 270 đường ML, phường Bi, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh; Trình độ văn hóa: 12/12; Nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM-DV C; Con ông: Nguyễn Anh V và bà: Huỳnh Thị X; Hoàn cảnh gia đình: Bị cáo có vợ và 04 con, con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2014; Tiền án, tiền sự: không;

Bị bắt tạm giam từ ngày 09/8/2013 đến ngày 14/8/2013 được thay đổi biện pháp ngăn chặn sang cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại (có mặt).

2/ Họ và tên: Nguyễn Văn B; Giới tính: Nam; Sinh năm: 1979, tại R; Thường trú: 49/17B đường T, Phường X, Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh; Chỗ ở: 55/1/24 đường P, Phường D, Quận E, Thành phố Hồ Chí Minh; Trình độ văn hóa: 12/12; Nghề nghiệp: Làm dịch vụ xuất nhập khẩu; Con ông: Nguyễn Văn S và bà: Lê Thị L; Hoàn cảnh gia đình: Bị cáo có vợ, chưa có con; Tiền án, tiền sự: không;

Nhân thân: Ngày 19/01/2016 bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 7 năm tù về tội “Buôn lậu”; bản án số 22/2016/HSPT.

Bị bắt tạm giam trong vụ án khác từ ngày 29/11/2013 (có mặt).

Người tham gia tố tụng khác:

Người bào chữa:

1.Luật sư Nguyễn TN – Văn phòng Luật sư Nguyễn TN thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Việt C  (có mặt).

2. Luật sư Bùi TO – Văn phòng Luật sư Trương Thị H thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn B (có mặt).

Nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt)

Địa chỉ: Số 2 đường Y, phường BN, Quận Z, Thành phố Hồ Chí Minh. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thụy Ngọc Ch, sinh năm: 1982, Nội trợ;

Thường trú: 270 đường ML, phường Bi, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

NHẬN THẤY

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì nội dung vụ án được xác định như sau:

Nguyễn Việt C – Giám đốc Cty TNHH C, tháng 7 năm 2012 C đã làm thủ tục nhập khẩu thép không gỉ của Trung Quốc về bán trong nước. Tuy nhiên nhập khẩu đúng thủ tục, C phải đóng thuế và chi phí rất cao nên bị thua lỗ. Tháng 12/2012, C gặp Nguyễn Văn B (bạn của C) bàn việc làm cách nào nhập khẩu không phải đóng thuế và phí... B bàn với C thông qua pháp nhân Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ XNK Tr (viết tắt là Cty Tr), trụ sở tại số 14 đường Ng, Phường D, Quận F (đã ngưng hoạt động từ tháng 3/2011) làm thủ tục nhập khẩu C đồng ý. Sau đó Nguyễn Việt C cùng vợ là Nguyễn Thụy Ngọc Ch ký Hợp đồng ngoại thương mua thép không gỉ của các đối tác Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên, khi hàng về đến Cảng ICD Ph 1, Quận M, C không làm thủ tục nhập khẩu, khai báo hải quan và nộp thuế cho Nhà nước theo quy định mà cấu kết với Nguyễn Văn B sử dụng hồ sơ tài liệu hải quan giả mạo để thông quan trái phép hàng hóa (đánh tháo), cụ thể như sau:

Sau khi liên hệ với hãng tàu vận chuyển container hàng vào Cảng ICD Ph 1, Cảng vụ cấp Phiếu giao nhận container (còn gọi là phiếu EIR) ghi thông tin giao container hàng hóa cho Cty Tr do Nguyễn Văn B nhận. Sau khi nhận mẫu phiếu giao nhận container, B không làm thủ tục hải quan theo quy định, mà thuê Mi và H (không rõ lai lịch) ký và đóng dấu giả Công chức Hải quan dưới mục “Hải quan” trên Phiếu giao nhận container. Sau đó lợi dụng ca trực khuya (từ 23 giờ đến 01 giờ), B giao Phiếu giao nhận container đã được làm giả cho lái xe trình bảo vệ Cảng để chuyển hàng ra khỏi Cảng. Từ ngày 28/12/2012 đến 17/7/2013, C đã sử dụng pháp nhân Cty Tr ký 17 Hợp đồng ngoại thương với đối tác ở Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng thép không gỉ, với tổng giá trị đã thanh toán là 1.326.029,8USD tương đương 27.820.385.578đ. Trong đó có 08 Hợp đồng ngoại thương, được sử dụng 11 Tờ khai hải quan điện tử giả số 3279, ngày 26/01/2013; Số 4792, ngày 06/02/2013; Số 5712, ngày 14/03/2013; Số 57858, ngày 04/05/2013; Số 7581, ngày 30/03/2013; Số 63161, ngày 15/05/2013; Số 7836, ngày 08/04/2013; Số  7049, ngày 28/03/2013; Số 71515, ngày 13/05/2013; 58340, ngày 05/05/2013; Số 2001, ngày 04/06/2013, gồm 26 container (20 feet) số DFSU 2113099, số TSLU 6212238, số TCKU 1757685, số TSLU 6215690, số SITU 2933492, số TEMU 2235015, số TEMU 2712843, số TEMU 3479910, số DFSU 2107199, số DFSU 2140849, số GESU 3822417, số TRHU 1997386, số DFSU 2031914, số DFSU 2791286, số BMOU 2733396, số GLDU 9771340, số CAXU 3379777, số TCKU 2985864, số FCIU 2759824, số FCIU 4194202, số BMOU 2636230, số CAIU 2044648, số GESU 3563867, số TEMU 3486756, số FCIU 4303290 và số GESU 3889771, tổng trọng lượng (638,331 tấn) hàng thép không gỉ, với tổng giá trị đã thanh toán tại Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh G là 931.214,3USD tương đương 19.499.251.157đ, Nguyễn Văn B sử dụng 26 Phiếu giao nhận container làm giả chữ ký và dấu công chức hải quan để đưa trái phép các cont hàng thép nêu trên ra khỏi Cảng ICD Ph 1, vận chuyển về kho hàng của Cty K tại số 188 đường Đ, quận B, số hàng hóa này C bán cho khách hàng để thu lợi bất chính số tiền 191.499.300 đồng.

Ngoài ra có 04 Hợp đồng ngoại thương sử dụng pháp nhân của Cty Tr ký với các đối tác ở Trung Quốc để nhập khẩu 10 container hàng thép không gỉ về Việt Nam. Khi hàng về đến cảng, B và C thực hiện làm thủ tục thông quan theo qui định, nhưng còn nợ tiền thuế GTGT hàng nhập khẩu, nên Chi cục Hải quan đang tạm giữ chờ xử lý. Có 05 Hợp đồng ngoại thương đứng tên Cty Tr ký với các đối tác ở Trung Quốc, do C chưa thanh toán, nên chưa nhận được hàng. Ngân hàng đã chuyển tiền đặt cọc cho đối tác nước ngoài là 36.807,5USD, còn lại số tiền 59.952USD tiền đặt cọc mở L/C cho các Hợp đồng nêu trên đang được lưu giữ trong tài khoản ký quỹ thanh toán quốc tế của Cty Tr tại Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh G.

Xác minh tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài gòn khu vực 1: Cty Tr không làm thủ tục đăng ký hải quan tại Chi cục đối với 11 Tờ khai hải quan điện tử số 3279, ngày 26/01/2013; Số 4792, ngày 06/02/2013; Số 5712, ngày 14/03/2013; Số 57858, ngày 04/05/2013; Số 7581, ngày 30/03/2013; Số 63161, ngày 15/05/2013; Số 7836, ngày 08/04/2013; Số 7049, ngày 28/03/2013; Số 71515, ngày 13/05/2013; 58340, ngày 05/05/2013; Số 72001, ngày 04/6/2013, gồm 26 container hàng thép đã được đánh tháo nêu trên. Các Tờ khai nêu trên được Cục Hải quan TP.HCM cấp cho nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Kết luận giám định số 1014/KLGĐ-TT ngày 04/9/2013, của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP.Hồ Chí Minh kết luận: 05 Tờ khai hải quan điện tử, số 71515 ngày 13/5/2013; Số 83166 ngày 13/5/2013; Số 80736 ngày 28/6/2013 (02 Tờ khai) và Số 84766 ngày 05/7/2013 đứng tên Công ty Tr (Cơ quan điều tra thu giữ tại nhà riêng của C) là các Tờ khai có con dấu công chức hải quan giả.

Kết luận giám định số 314/KLGĐ-TT ngày 10/02/2015, của Phòng Kỹ thuật Hình sự, kết luận: Chữ ký giám đốc Phan Thành Nh trên 05 Tờ khai hải quan điện tử nêu trên khác dạng chuyển động, không đủ cơ sở kết luận. Hình dấu mang tên Cty Tr trên 05 Tờ khai nêu trên là hình dấu thật.

Kết luận giám định số 80/DV/C54B ngày 12/8/2013 của Phân viện khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh, kết luận: 26 Phiếu giao nhận container, số 71102, số 71103, số 71360, số 71361, số 72767, số 72766, số 72768, số 72765, số 12086, số 12087, số 12341, số 12340, số 64382, số 64383, số 65636, số 65637, số 65827, số 65828, số 65826, số 65829, số 65929, số 65928, số 68731, số 68732, số 68729, số 68730 của 26 container hàng thép đứng tên Công ty Tr nhập khẩu qua Cảng ICD Ph 1 là Phiếu có chữ ký và con dấu công chức hải quan giả.

Xác minh tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh I, xác định: Trong thời gian từ ngày 28/12/2012 đến 17/7/2013, Cty Tr thực hiện ký 17 Hợp đồng ngoại thương với các đối tác ở Trung Quốc để nhập khẩu nhiều lô hàng hóa (thép không gỉ), tổng giá trị là 1.788.172,3 USD.

Trong đó, Nguyễn Việt C và Nguyễn Thụy Ngọc Ch trực tiếp nộp số tiền 1.326.029,8USD tương đương 27.820.385.578đ vào tài khoản Cty Tr tại ngân hàng để mở bảo lãnh thư (L/C) thanh toán quốc tế, trong đó có số tiền thanh toán cho 26 container thép không gỉ đã được đánh tháo ra khỏi cảng ICD Ph 1 bằng Phiếu giao nhận container giả nêu  trên, với số tiền là 931.214,3USD tương đương 19.499.251.157đ.

Xác minh tại Chi cục thuế Quận F: Cty Tr, có trụ sở tại số 14 đường Ng, phường D, Quận F do Phan Thành Nh làm Giám đốc, không còn hoạt động kinh doanh từ ngày 11/03/2011 và còn nợ số tiền thuế là 3.000.000đồng.

Tại Cơ quan điều tra, ban đầu Nguyễn Việt C và Nguyễn Văn B khai nhận đã bàn bạc thống nhất sử dụng pháp nhân của Cty Tr để ký Hợp đồng ngoại thương nhập khẩu hàng, khi hàng về đến Cảng, B làm giả phiếu giao nhận cont (phiếu EIR) để đưa trái phép các lô hàng ra khỏi cảng không cần nộp thuế, C sẽ trả công cho B số tiền khoảng 1.000USD/1 cont (tương đương 21 triệu đồng). Sau khi thỏa thuận với C, B thuê Mi và H (không rõ lai lịch) làm 26 phiếu giao nhận Cont giả con dấu, chữ ký công chức hải quan đưa cho B. Từ ngày 28/12/2012 đến ngày 13/05/2013, C và B đã dùng các phiếu giao nhận cont giả đưa trái phép 26 Container tổng trọng lượng 638,331 tấn thép, giá trị thanh toán 931.214,3USD tương đương 19.499.251.157, đứng tên Cty Tr ra khỏi cảng. B được C trả công số tiền 546.000.000đ, B thuê Mi và H làm giả phiếu EIR  số  tiền  491.400.000đ, B thu lợi số tiền 54.600.000đ, C thu lợi 191.499.300đ. Đối với 08 container hàng thép, đứng tên người nhận Cty J, trị giá  289.277 USD  tương  đương  6.083.104.620đ, C đưa cho B số tiền 168.000.000đ để nộp thuế, nhưng Mi và H chưa nộp. Đối với lô hàng thép (gồm 02 cont) đang bị Hải quan tạm giữ tại Cảng ICD Ph 3, C cũng thuê B làm dịch vụ nhận hàng, B nhờ Nguyễn Văn Ki làm thủ tục hải quan, sau khi Ki mở Tờ khai thì bị Hải quan tạm giữ hàng. Đối với 04 Cont hàng thép đứng tên người nhận Cty TA, B và C không biết là hàng hóa của đơn vị nào.

Nguyễn Thụy Ngọc Ch khai: Từ năm 2012 đến năm 2013, thông qua Nguyễn Văn B giới thiệu, C và Ch (vợ của C) có sử dụng pháp nhân Cty Tr nhập khẩu nhiều lô hàng thép không gỉ từ Trung Quốc về Việt Nam. Việc thỏa thuận mua bán hàng nêu trên là do C thực hiện, khi hàng về tới Việt Nam, mọi việc làm thủ tục hải quan để lấy hàng ra khỏi cảng do B thực hiện. C trả phí dịch vụ cho B tiền dịch vụ lấy hàng 25.000.000đ/Cont. Quá trình nhập khẩu các lô hàng trên, C có nhờ Ch đến Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh G để nộp tiền vào tài khoản của Cty Tr thanh toán cho các Hợp đồng ngoại thương nêu trên, nhưng Ch không tham gia và cũng không biết B sử dụng thủ tục hải quan giả để đưa trái phép hàng hóa ra khỏi cảng.

Nguyễn Trung Ki khai: Ngày 05/8/2013, B đưa bộ hồ sơ nhập khẩu gồm: Hợp đồng ngoại thương, invoice, packing list, Bill tàu và Tờ khai hải quan điện tử số 8811. Ngày 25/7/2013, Kiên đến Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV 4 nộp bộ hồ sơ hải quan (do B cung cấp) làm thủ tục hải quan 02 container thép không gỉ đứng tên người nhận Cty Tr, nhưng Hải quan không cho nhận hàng, Ki không biết vì sao Hải quan tạm giữ lô hàng này.

Phan Thành Nh - Giám đốc Cty Tr khai: Cty Tr là do B thuê Nhân đứng tên làm Giám đốc đăng ký thành lập tháng 6/2010, sau khi thành lập, Nh bàn giao toàn bộ con dấu pháp nhân và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho B quản lý và sử dụng, Nh không tham gia điều hành bất cứ hoạt động nào của công ty này.

Lý Bỉnh Q – Giám đốc Cty K khai: Từ cuối năm 2012 đến tháng 7/2013, C có thuê kho của Cty K, để gửi hàng hóa, hiện C còn gửi số hàng 66,88 tấn thép không gỉ, Cơ quan điều tra đã lập biên bản tạm giữ. Q hoàn toàn không biết các lô hàng C gửi tại kho của Cty K là hàng phạm pháp.

Ngoài ra, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh còn chuyển cho Cơ quan điều tra hồ sơ của 31 Container hàng thép không gỉ đứng tên Cty O có tổng trọng lượng 724 tấn thép không gỉ, được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, đã được các đối tượng sử dụng 31 Phiếu giao nhận container (phiếu EIR) giả chữ ký và con dấu công chức hải quan, đứng tên đơn vị nhập khẩu Công ty O, đã đưa trái phép 31 container hàng thép ra khỏi Cảng Vict, Quận L. Cơ quan điều tra tách ra để điều tra xử lý sau.

Đối với trách nhiệm của cán bộ Hải quan giám sát và bảo vệ cổng Cảng ICD Ph 1, 4, Cơ quan điều tra đang điều tra, xử lý trong một số vụ án khác.

Đối với Nguyễn Việt C khai không biết B sử dụng thủ tục hải quan giả mạo để thông quan 26 container hàng thép không gỉ nêu trên. Nên ngày 28/6/2016 Cơ quan CSĐT – Công an Tp.Hồ Chí Minh đã đình chỉ điều tra đối với Nguyễn Việt C về tội ""Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"

Tài sản tạm giữ, vật chứng gồm:

1. Số tiền 191.499.300đ do Nguyễn Việt C  nộp vào tài khoản tạm gửi của Cơ quan điều tra;

2. 26 Phiếu giao nhận container giả, gồm các số: 71102, số 71103, số 71360, số 71361, số 72767, số 72766, số 72768, số 72765, số 12086, số 12087, số 12341, số 12340, số 64382, số 64383, số 65636, số 65637, số 65827, số 65828, số 65826, số 65829, số 65929, số 65928, số 68731, số 68732, số 68729, số 68730 đứng tên Công ty Tr;

3. 05 Tờ khai hải quan điện tử số 71515 ngày 13/05/2013; Số 83166, ngày 13/05/2013 và Số 80736 ngày 28/6/2013 (02 Tờ khai) và số 84766 ngày 05/7/2013, đứng tên Công ty Tr giả con dấu công chức hải quan;

4. Kê biên 66,88 tấn thép cuộn (gồm 45 cuộn) của Nguyễn Việt C, hiện đang tạm giữ tại kho hàng của Cty K, (theo Lệnh kê biên tài sản số 889-08B ngày 03/03/2015);

5. Kê biên 02 Container thép cuộn của Nguyễn Việt C, gồm: Cont số FCIU 4003923 và số GESU 3832605, đứng tên đơn vị nhập khẩu Công ty Tr, hiện đang tạm giữ tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV- Cảng ICD Ph 3 (theo Lệnh kê biên tài sản số 889-08A ngày 03/03/2015);

6. Phong tỏa toàn bộ số tiền của C và Ch trong 03 tài khoản của Cty Tr : Số tiền 88.836.618đ trong tài khoản tiền gửi thanh toán (VNĐ)  số 060058557601; Số tiền 91,28USD trong tài khoản tiền gửi thanh toán (USD) số 060061377371 và số tiền 59.925,00USD trong tài khoản ký quỹ thanh toán quốc tế (USD) số 060059101008, tại Ngân hàng TM CP Sacombank – CN G.

Tại bản cáo trạng số 293/VKS-P3 ngày 08/7/2016 Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố các bị cáo: Nguyễn Việt C về tội “Buôn lậu” theo qui định tại khoản 4 Điều 153 Bộ luật hình sự. Nguyễn Văn B về các tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo qui định tại khoản 4 Điều 153; khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa Nguyễn Việt C khai vì B có nói cho bị cáo là B có mối quan hệ có thể làm thủ tục thông quan hàng hóa với mức thuế thấp hơn một nửa số thuế phải nộp nên C đã thuê B làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. B đưa tên pháp nhân công ty Tr để làm đơn vị đứng tên nhập khẩu hàng hóa, bị cáo không tham gia vào quá trình khai báo, làm thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng, toàn bộ hàng hóa sau khi thông quan B có trách nhiệm thuê xe chở về kho giao cho bị cáo. Bị cáo khoán cho B theo giá dịch vụ do B đưa ra với giá cụ thể đối với từng container hàng hóa. Việc B thông quan hàng hóa như thế nào bị cáo hoàn toàn không biết. Tuy nhiên bị cáo thừa nhận số hàng hóa theo những tờ khai này là của bị cáo, sau khi nhận hàng bị cáo đã bán với tư cách là hàng hóa của Công ty Tr mà không nộp bất cứ khoản thuế nào. Bị cáo giao cho B mỗi container hàng khoảng 30.000.000 đồng là tổng chi phí làm dịch vụ và thuế phí.

Bị cáo Nguyễn Văn B khai nhận khi thỏa thuận với C thì bị cáo có nói do bị cáo quen biết với Mi và H. Mi, H có mối quan hệ với Hải quan trong cảng nên có khả năng được giảm mức thuế. Khi C đồng ý thì bị cáo gặp Mi và H, Mi và H đưa ra giá dịch vụ một container là 1000 USD, bị cáo chỉ hưởng lợi 100 USD/container tiền hoa hồng và 26 container hàng này Mi, H thông quan như thế nào bị cáo hoàn toàn không biết. Tại thời điểm thông quan hàng bị cáo không biết các phiếu giao nhận container do H, Mi đưa là giả nên bị cáo cũng không nói cho C biết hàng hóa được thông quan bằng phiếu EIR giả. Tổng cộng bị cáo chỉ hưởng lợi tương đương số tiền 54.600.000 đồng, bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Về nguồn gốc giấy tờ, con dấu, pháp nhân công ty Tr bị cáo không biết nên đề nghị xem xét cho bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu và kết luận: Cáo trạng đã truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật tuy nhiên do chính sách pháp luật thay đổi, theo quy định của Bộ luật hình sự mới được Quốc hội thông qua thì hành vi này của các bị cáo là hành vi khai báo gian dối nhằm trốn khoản thuế giá trị gia tăng (VAT), khoản thuế này phải nộp ngay khi làm thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng. Trên thực tế toàn bộ số hàng được thông quan của 26 phiếu giao nhận container Nguyễn Việt C đã bán hết mà không nộp khoản thuế này. Do vậy căn cứ vào các Nghị quyết hướng dẫn áp dụng những điểm có lợi của Bộ luật hình sự mới, tại phiên tòa hôm nay Đại diện Viện kiểm sát rút một phần quyết định truy tố, thay đổi tội danh của các bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Việt C từ tội “Buôn lậu” sang tội “Trốn thuế”. Đối với bị cáo Nguyễn Văn B quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa đã xác định ngoài hành vi giúp sức cho C thực hiện hành vi trốn thuế thì bị cáo còn sử dụng các phiếu giao nhận container phục vụ cho việc nhận hàng tại cảng, qua giám định đây là các phiếu giao nhận container giả con dấu, chữ ký của công chức hải quan nhằm đưa ra khỏi cảng 26 cont giúp bị cáo Nguyễn Việt C thực hiện hành vi trốn thuế VAT mà theo quy định bị cáo C phải nộp trước khi đem hàng ra khỏi cảng nên bị cáo Nguyễn Văn B còn phạm vào tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Từ những căn cứ nêu trên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng:

Áp dụng khoản 3 Điều 161 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Việt C; khoản 3 Điều 161 và khoản 3 Điều 267 đối với bị cáo Nguyễn Văn B. Trong hành vi trốn thuế Nguyễn Văn B có hành vi giúp sức cho Nguyễn Việt C. Số tiền thuế chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng nên thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự. Từ những căn cứ nêu trên đề nghị xử phạt:

1/ Nguyễn Việt C từ 6 năm tù đến 7 năm tù về tội “Trốn thuế”

2/ Nguyễn Văn B từ 5 năm tù đến 6 năm tù về tội “Trốn thuế” và từ 4 năm tù đến 5 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hình phạt cho cả hai tội danh từ 9 năm tù đến 11 năm tù.

Buộc C nộp lại số tiền thuế 1.949.925.115,7 đồng. Vì C còn phải nộp những khoản thuế rất lớn nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo về tội “Trốn thuế” và cần tiếp tục kê biên tài sản của bị cáo C để đảm bảo thi hành án.

Luật sư Nguyễn TN (TN) trình bày: Thống nhất về việc chuyển tội danh nhưng không đồng ý với mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị. Do bị cáo C không am hiểu về các quy định pháp luật nên khi tiến hành nhập khẩu các lô hàng đầu tiên thì chi phí cao nên bán không có lời do vậy C đã nhờ B làm dịch vụ nhập khẩu hàng hóa. C chỉ đưa tiền và khoán cho B làm toàn bộ thủ tục từ khi bắt đầu tới khi hàng về kho. Các chứng cứ trong hồ sơ thể hiện C chỉ đề nghị B có cách nào để giảm phí, thuế chứ không phải để trốn thuế nên mục đích ban đầu của C không phải là trốn thuế. C không biết việc lô hàng chưa nộp thuế VAT vì nghĩ khi khoán cho B là chi phí và các khoản thuế, phí nên dẫn đến việc chưa đóng khoản thuế này. Điều luật mà Viện kiểm sát truy tố có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù, quá trình điều tra bị cáo C đã nộp lại tiền thu lợi bất chính, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, từ khi bị khởi tố đến nay không vi phạm gì mức án 6 đến 7 năm tù là quá nặng nên đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ xử bị cáo từ 2 đến 3 năm tù và cho hưởng án treo, không cần thiết cách ly bị cáo. Tiếp tục tạm giữ các khoản tiền tương ứng với số tiền thuế phải đóng, còn dư đề nghị trả lại các tài sản cho bị cáo

Luật sư Bùi K trình bày: Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Nguyễn Văn B phạm hai tội “Trốn thuế” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” Luật sư đồng ý với tội danh “Trốn thuế”. Về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức” Luật sư không đồng ý. Bị cáo B khẳng định sử dụng phiếu EIR nhưng không biết là chữ ký và con dấu Hải quan là giả, bị cáo nhờ H và Mi làm giấy tờ và khi bị bắt mới biết các phiếu này là giả. Không có căn cứ nào chứng minh B biết giấy tờ giả mà vẫn sử dụng vì bị cáo không thừa nhận và không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh. Điều 267 Bộ luật hình sự quy định phải có hành vi làm giả hoặc sử dụng để lừa dối cơ quan tổ chức nhưng đây B sử dụng nhưng không biết là giả. Việc bị cáo sử dụng các phiếu EIR này đã bị truy tố về tội “Trốn thuế” rồi nên không thể tiếp tục bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với cùng một hành vi.

Về tội danh Trốn thuế” theo khoản 3 Điều 161 Bộ luật hình sự, Luật sư đồng ý với Viện kiểm sát về tội danh bởi mục đích ban đầu của các bị cáo B và C là nhằm trốn thuế VAT. Theo thông tư 23/2012 mặt hàng sắt không phải xin phép nhập khẩu và không phải chịu thuế nhập khẩu. Toàn bộ thủ tục B khai Mi và H làm, B không tham gia và cũng không biết, B chỉ nhận phiếu EIR là giai đoạn cuối cùng và sau đó đưa cho C để lấy hàng ra khỏi cảng, không có căn cứ xác định bị cáo B đưa số hàng này ra khỏi kho Hải quan. Đồng ý với quan điểm Viện kiểm sát cho rằng phiếu EIR cơ quan hải quan mới có nên quy trình làm ra phiếu EIR thế nào thì bản thân cán bộ, cơ quan Hải quan mới làm được vì vậy để có phiếu EIR truyền ra ngoài là lỗi của các cơ quan Hải quan mà Cơ quan Điều tra không làm rõ được các hành vi này. Theo Nghị quyết 41/2017/QH14 27/7/2017 được áp dụng những điểm có lợi của Bộ luật hình sự mới cho các bị cáo nên Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội “Trốn thuế” là phù hợp.

Bị cáo Nguyễn Văn B không phải chủ hàng, không có quyền quyết định mọi vấn đề. Bản thân chủ hàng là người mua hàng, thanh toán, kê khai thuế. Đề nghị xem xét vai trò của bị cáo chỉ là người giúp C trốn khoản thuế VAT. Đề nghị căn cứ Điều 53 Bộ luật hình sự để cá thể hóa hình phạt, xem xét bị cáo thành khẩn khai báo, đã nộp khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng để áp dụng các điểm b,p khoản 1, khoản 2 Điều 46, bị cáo có hơn 2 tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị áp dụng thêm Điều 47 xem xét cho bị cáo hình phạt dưới 2 năm tù.

Đại diện Viện kiểm sát tranh luận: Viện kiểm sát thay đổi tội danh là do chính sách pháp luật thay đổi. Luật sư TN xin xem xét giảm nhẹ cho bị cáo C nhưng với số tiền thuế các bị cáo chiếm đoạt theo Bộ luật hình sự mức án lên đến 7 năm tù nên mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị là đã cân nhắc, xem xét tính chất vụ án, số tiền thuế chiếm đoạt lớn và phần nào ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan quản lý Nhà nước. Các bị cáo đã sử dụng phiếu EIR giả qua mặt các cơ quan để đánh tháo hàng hóa ra khỏi cảng. Về số tiền thuế nếu xử lý trong vụ án sẽ có lợi cho các bị cáo hơn là chuyển qua cơ quan thuế để xử lý.

Đối với ý kiến bào chữa của Luật sư TO: Mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị với bị cáo B là thấp hơn bởi bị cáo tham gia với vai trò giúp sức, bị cáo không phải chủ hàng nhưng mức độ đồng phạm của bị cáo là có vai trò rất quan trọng, nếu không có B thì C không thể thực hiện được hành vi. Bị cáo B có hành vi sử dụng tờ khai điện tử được cấp cho các công ty khác chỉ ghi tên công ty Tr, phiếu EIR giả con dấu, chữ ký để làm thủ tục thông quan là đã xâm phạm khách thể khác do vậy đã cấu thành một tội phạm khác nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Các bị cáo đã dùng các phiếu EIR giả để đánh tháo container ra khỏi cảng làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan Hải quan nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc nhưng do hiện nay chính sách pháp luật thay đổi nên mới thay đổi tội danh theo hướng có lợi và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Nếu các bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trong quá trình nghị án.

Luật sư TO tranh luận:Tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa bị cáo B khai không làm các tờ khai hải quan giả, các tờ khai này thu được ở nhà C và tại Ngân hàng nên cáo buộc B làm tờ khai là không có căn cứ. Việc bị cáo sử dụng phiếu EIR giả đã bị quy kết vào mục đích trốn thuế nên không thể tiếp tục quy kết bị cáo tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức.

Viện kiểm sát bảo lưu quan điểm luận tội. Các Luật sư bảo lưu quan điểm bào chữa. Các bị cáo không có ý kiến tranh luận.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo, các Luật sư, những người tham gia tố tụng khác.

XÉT THẤY

Nguyễn Việt C đã thuê Nguyễn Văn B làm thủ tục thông quan hàng hóa đối với 26 container hàng thép không gỉ đứng tên đơn vị nhập khẩu là công ty Tr với tổng trọng lượng 638,331 tấn thép, giá trị thanh toán 931.214,3 USD tương đương 19.499.251.157 đồng. Nguyễn Văn B nhận yêu cầu làm thủ tục thông quan với hình thức khoán gọn. Bị cáo B đã nhờ  H, Mi (chưa rõ lai lịch) làm các thủ tục thông quan hàng hóa và làm các phiếu giao nhận container (phiếu EIR) cho B và B đã dùng những giấy tờ này và lợi dụng lúc trời tối để thông quan đưa số hàng ra khỏi cảng. Tại phiên tòa bị cáo khai và cho rằng bị cáo không phải là người sử dụng phiếu EIR giả đưa hàng ra khỏi cảng và lời khai của bị cáo về pháp nhân công ty Tr là không có căn cứ chấp nhận bởi lẽ căn cứ vào lời khai của Phan Thành Nh có trong hồ sơ vụ án về nguồn gốc công ty Tr do Nguyễn Văn B nhờ Phan Thành Nh đứng tên và sau đó Nh đã giao con dấu pháp nhân cũng như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho B; Lời khai của lái xe vận chuyển các container hàng ra khỏi cảng đều xác định và nhận dạng người thuê họ vận chuyển hàng hóa là Nguyễn Văn B.

Xác minh tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1: Công ty Tr không làm thủ tục đăng ký hải quan tại Chi cục đối với 11 Tờ khai hải quan điện tử số 3279, ngày 26/01/2013; Số 4792, ngày 06/02/2013; Số 5712, ngày 14/03/2013; Số 57858, ngày 04/05/2013; Số 7581, ngày 30/o3/2013; Số 63161, ngày 15/05/2013; Số 7836, ngày 08/04/2013; Số 7049, ngày 28/03/2013; Số 71515, ngày 13/05/2013; 58340, ngày 05/05/2013; Số 72001; ngày 04/6/2013, gồm 26 container hàng thép. Các Tờ khai mang các số hiệu này được Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cấp cho nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Kết luận giám định số 1014/KLGĐ-TT ngày 04/9/2013, của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: 05 Tờ khai hải quan điện tử, số 71515 ngày 13/5/2013; Số 83166 ngày 13/5/2013; Số 80736 ngày 28/6/2013 (02 Tờ khai) và Số 84766 ngày 05/7/2013 đứng tên Công ty Tr (Cơ quan điều tra thu giữ tại nhà riêng của C) là các Tờ khai có con dấu công chức hải quan giả.

Kết luận giám định số 314/KLGĐ-TT ngày 10/02/2015, của Phòng Kỹ thuật Hình sự, kết luận: Chữ ký giám đốc Phan Thành Nh trên 05 Tờ khai hải quan điện tử nêu trên khác dạng chuyển động, không đủ cơ sở kết luận. Hình dấu mang tên Cty Tr trên 05 Tờ khai nêu trên là hình dấu thật.

Kết luận giám định số 80/DV/C54B ngày 12/8/2013 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết luận: 26 Phiếu giao nhận container, số 71102, số 71103, số 71360, số 71361, số 72767, số 72766, số 72768, số 72765, số 12086, số 12087, số 12341, số 12340, số 64382, số 64383, số 65636, số 65637, số 65827, số 65828, số 65826, số 65829, số 65929, số 65928, số 68731, số 68732, số 68729, số 68730 của 26 container hàng thép đứng tên Công ty Tr nhập khẩu qua Cảng ICD Ph 1 là Phiếu có chữ ký và con dấu công chức hải quan giả.

Sau khi nhận số hàng về kho, Nguyễn Việt C đã xuất bán toàn bộ số hàng này mà theo quy định tại Thông tư 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính thì hàng hóa này phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) là 10% nhưng sau khi bán số hàng này C không thực hiện nộp bất cứ khoản thuế nào.

Như vậy bị cáo Nguyễn Văn B đã sử dụng 26 phiếu EIR giả con dấu và chữ ký của Hải quan đưa 26 container hàng thép không gỉ ra khỏi cảng. Bị cáo Nguyễn Việt C sau khi nhận toàn bộ số hàng trên đã bán với tư cách công ty Tr. Kết quả xác minh tại Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh thì số hàng hóa trên phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% là 1.949.925.115,7 đồng. Như vậy căn cứ vào lời khai của các tài xế vận chuyển container thì bị cáo Nguyễn Văn B là người đã sử dụng các phiếu EIR giả này để lấy hàng hóa ra khỏi cảng nên bị cáo đã có hành vi sử dụng giấy tờ giả mạo của cơ quan tổ chức và từ những giấy tờ này đã lấy được hàng hóa ra khỏi cảng mà trên thực tế bị cáo Nguyễn Việt C chưa đóng khoản thuế VAT mà theo quy định phải nộp trước khi lấy hàng nên bị cáo Nguyễn Văn B đã sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi trái pháp luật; Hành vi này ngoài việc giúp sức cho Nguyễn Việt C thực hiện hành vi trốn thuế còn xâm phạm đến khách thể khác là trật tự quản lý hành chính nhà nước do vậy bị cáo Nguyễn Văn B phạm vào các tội “Trốn thuế”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo Điều 161 và Điều 267 Bộ luật hình sự; Bị cáo Nguyễn Việt C phạm tội “Trốn thuế” theo Điều 161 Bộ luật hình sự. Do vậy, không có cơ sở chấp nhận quan điểm bào chữa của Luật sư cho rằng bị cáo B chỉ phạm một tội.

Thuế VAT là thuế quy định phải thu trong nội địa, Cáo trạng và Kết luận điều tra cũng xác định mặt hàng thép không gỉ mà các bị cáo nhập khẩu không phải chịu thuế nhập khẩu. Đồng thời căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/NQ-QH ngày 20/6/2017 của Quốc hội và điểm g khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thì hành vi khai man nhằm trốn thuế thông qua việc nhập khẩu hàng hóa thì bị xử lý về tội “Trốn thuế” nên chấp nhận quan điểm đề nghị thay đổi tội danh của đại diện Viện kiểm sát cũng như quan điểm bào chữa của các Luật sư tại phiên tòa. Số tiền thuế các bị cáo chiếm đoạt là 1.949.925.115,7 đồng nên thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 161 Bộ luật hình sự và do số tiền trốn thuế là hơn 1 tỷ đồng nên thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do vậy cần áp dụng khoản 3 Điều 267 Bộ luật hình sự và có hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo mới đảm bảo tác dụng giáo dục, phòng ngừa.

Tuy nhiên khi lượng hình Hội đồng xét xử xem xét: Các bị cáo đều thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo Nguyễn Văn B đã chủ động nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính mà bản thân được hưởng; Bị cáo Nguyễn Việt C nộp lại một phần để khắc phục hậu quả và số tài sản đang kê biên của bị cáo Nguyễn Việt C cũng tương ứng đủ để khắc phục hậu quả số tiền thuế bị cáo chiếm đoạt và phải bồi thường, căn cứ hồ sơ bệnh án thì bị cáo C bị tai nạn và bị gãy xương hai chân, gãy xương sườn, xương chậu và dập phổi; Bị cáo Nguyễn Văn B gia đình bị cáo là gia đình có công với cách mạng, vợ bị cáo đang mắc bệnh nặng. Các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn. Do vậy, áp dụng các tình tiết quy định tại các điểm p,b khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Việt C; Điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 53; Điều 20 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn B để giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt. Ngoài ra bị cáo Nguyễn Văn B còn được xem xét lượng hình với nguyên tắc đồng phạm nhưng cũng cần xem xét vai trò đồng phạm giúp sức của bị cáo là mang tính tích cực và mang tính quyết định để bị cáo Nguyễn Việt C chiếm đoạt được số tiền thuế nên không chấp nhận quan điểm của của Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị xử bị cáo dưới khung hình phạt của tội “Trốn thuế” nhưng trong tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” xem xét bị cáo Nguyễn Văn B phạm tội với vai trò giúp sức nên áp dụng thêm Điều 47 Bộ luật hình sự đối với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” để lượng hình đối với bị cáo Nguyễn Văn B.

Ngoài ra bị cáo Nguyễn Văn B phạm cùng lúc hai tội và đang chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật nên cần áp dụng Điều 50 và Điều 51 Bộ luật hình sự để tổng hợp hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội và nhiều bản án đối với bị cáo.

Căn cứ vào các lập luận nêu trên Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo Nguyễn Việt C có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bản thân bị cáo đang bị bệnh (có hồ sơ bệnh án lưu trong hồ sơ vụ án) và số tài sản thu giữ cũng như bị cáo nộp tương ứng số tiền thuế bị cáo phải nộp khắc phục lại. Việc cho bị cáo hưởng án treo là không thuộc các trường hợp cấm cho hưởng án treo theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn về án treo nên áp dụng thêm Điều 60 Bộ luật hình sự cho bị cáo Nguyễn Việt C hưởng án treo cũng bảo đảm tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Trách nhiệm dân sự: Đối với số tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) 1.949.925.115,7 đồng theo quy định thì một trong những điều kiện để được nhận hàng hóa bị cáo C phải đóng số tiền thuế VAT là 1.949.925.115,7 đồng tương ứng với giá trị hàng hóa 19.499.251.157 đồng cho bộ phận thu thuế của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh để thu nộp về Ngân sách Nhà nước. Bị cáo cho rằng trong số tiền bị cáo giao khoán cho B đã bao gồm khoản tiền thuế phải nộp tuy nhiên thực tế xác minh thì số hàng hóa này là của bị cáo Nguyễn Việt C, bị cáo đã trực tiếp bán hưởng lợi và chưa nộp khoản thuế VAT phải nộp này; Số tiền thuế VAT này Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh có nghĩa vụ phải thu để giao nộp về Ngân sách Nhà nước nên cần buộc bị cáo Nguyễn Việt C phải bồi thường cho Cục hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và không đặt ra nghĩa vụ liên đới bồi thường của bị cáo Nguyễn Văn B.

Đồng thời xét thấy bị cáo C còn phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, bị cáo Bình hưởng lợi không lớn nên chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo trong tội “Trốn thuế”.

Xử lý vật chứng:

1. Đối với số tiền, hàng hóa, ngoại tệ đang thu giữ, kê biên, phong tỏa của bị cáo Nguyễn Việt C gồm:

+ Số tiền 191.499.300 đồng;

+ Số tiền phong tỏa của Nguyễn Việt C và Nguyễn Thụy Ngọc Ch trong 03 tài khoản của Công ty Tr: Số tiền 88.836.618 đồng trong tài khoản tiền gửi thanh toán (VNĐ) số 060058557601; Số tiền 91,28 USD trong tài khoản gửi thanh toán (USD) số 060061377371 và số tiền 59.925,00 USD trong tài khoản ký quỹ thanh toán quốc tế (USD) số 060059101008, tại Ngân hàng TM CP Sacombank – CN G;

+ 66,88 tấn thép cuộn (45 cuộn) của Nguyễn Việt C, hiện đang tạm giữ tại kho hàng của Cty K, (theo Lệnh kê biên tài sản số 889-08B ngày 03/03/2015);

Xét đây là số tiền, hàng hóa không liên quan đến hành vi làm giả tờ khai hải quan và phiếu giao nhận container để thông quan 26 container thép không gỉ trái phép mà cáo trạng truy tố nhưng do Nguyễn Việt C còn phải đóng khoản thuế rất lớn nên tiếp tục duy trì tạm giữ, kê biên, phong tỏa số tiền, tài sản này để đảm bảo thi hành nghĩa vụ dân sự mà bị cáo phải thực hiện.

2. Đối với 02 Container thép cuộn của Nguyễn Việt C, gồm: Cont số FCIU 4003923 và số GESU 3832605, đứng tên đơn vị nhập khẩu Công ty Tr, hiện đang tạm giữ tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV- Cảng ICD Ph 3 (theo Lệnh kê biên tài sản số 889-08A ngày 03/03/2015), trả lại cho bị cáo Nguyễn Việt C, bị cáo có nghĩa vụ thực hiện các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của Nhà nước.

3. Đối với số tiền 54.600.000 đồng bị cáo Nguyễn Văn B nộp lại trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là khoản tiền bị cáo thu lợi bất chính nên tịch thu sung quỹ Nhà nước.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố các bị cáo: Nguyễn Việt C (Q) phạm tội: “Trốn thuế”

Nguyễn Văn B phạm các tội: “Trốn thuế” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”

1. Áp dụng khoản 3 Điều 161; các điểm p,b khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60;Điều 20; Điều 53 Bộ luật hình sự

Xử phạt bị cáo Nguyễn  Việt C (Q):  03 (ba) năm tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 năm kể từ ngày tuyên án.Giao bị cáo Nguyễn Việt C cho chính quyền địa phương là Ủy ban nhân dân phường Bi, quận B để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian  thử thách án treo.

Trường hợp thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

2. Áp dụng khoản 3 Điều 161; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 45;Điều 20; Điều 53 Bộ luật hình sự Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn B: 02 (hai) năm tù về tội “Trốn thuế”

Áp dụng khoản 3 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33; Điều 45; Điều 53; Điều 20 Bộ luật hình sự

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn B: 02 (hai) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”

Áp dụng Điều 51 Bộ luật hình sự. Tổng hợp hình phạt chung của hai tội buộc bị cáo phải chấp hành là: 04 (bốn) năm tù.

Áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự. Tổng hợp hình phạt của Bản án này với hình phạt 07 năm tù tại Bản án số 22/2016/HSPT ngày 19/01/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử bị cáo về tội “Buôn lậu”; Hình phạt chung của cả hai bản án buộc bị cáo Nguyễn Văn B phải chấp hành là 11 (mười một) năm tù.

Thời hạn tù tính từ ngày 29/11/2013. Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự. Buộc bị cáo Nguyễn Việt C phải bồi thường cho Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh số tiền thuế chiếm đoạt là 1.949.925.115,7 đồng để nộp về Ngân sách Nhà nước.

3. Áp dụng Điều 41, căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.

3.1 Tiếp tục duy trì tạm giữ, kê biên, phong tỏa đối với số tiền, tài sản sau đây của bị cáo Nguyễn Việt C để đảm bảo thi hành nghĩa vụ dân sự của bị cáo Nguyễn Việt C:

- Số tiền 191.499.300 đồng do Nguyễn Việt C nộp khắc phục hậu quả. (Theo phiếu nhập kho vật chứng 474/PNK ngày 03/02/2015, phiếu nhập kho số 474/PNK(2) ngày 05/3/2015 của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh; Giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 03/02/2015 và giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 02/3/2015 của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an Thành phố Hồ Chí Minh nộp tại kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh).

- Số tiền của Nguyễn Việt C và Nguyễn Thụy Ngọc Ch trong 03 tài khoản của Cty Tr, gồm: Số tiền 88.836.618đ trong tài khoản tiền gửi thanh toán (VNĐ) số 060058557601; Số tiền 91,28USD trong tài khoản tiền gửi thanh toán (USD) số 060061377371 và số tiền 59.925,00USD trong tài khoản ký quỹ thanh toán quốc tế (USD) số 060059101008, tại Ngân hàng TM CP Sacombank – CN G Theo Công văn số 361/C-PC46 (Đ8) ngày 03/3/2015 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công văn số 129/2015/CNBT ngày 04/3/2015 của Sacombank chi nhánh G).

- Lệnh kê biên tài sản số 889-08B ngày 03/03/2015, Biên bản kê biên ngày 03/3/2015 đối với 66,88 tấn thép cuộn (gồm 45 cuộn) của Nguyễn Việt C, hiện đang tạm giữ tại kho hàng của Cty K.

3.2 Tịch thu sung quỹ Nhà  nước: Số tiền 54.600.000 đồng do  bị cáo Nguyễn Văn B nộp lại tiền thu lợi bất chính. (Biên lai thu số AG/2010/09258 ngày 21/9/2015 của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh).

3.3 Hủy bỏ Lệnh kê biên tài sản số 889-08A ngày 03/03/2015 của Cơ quan Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Trả lại cho bị cáo Nguyễn Việt C: 02 Container thép cuộn của Nguyễn Việt C, gồm: Cont số FCIU 4003923 và số GESU 3832605, đứng tên đơn vị nhập khẩu Công ty Tr, hiện đang tạm giữ tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV- Cảng ICD Ph 3 (Lệnh kê biên tài sản số 889-08A ngày 03/03/2015 và Biên bản kê biên ngày 03/3/2015). Bị cáo có nghĩa vụ thực hiện các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của Nhà nước

Mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm. Án phí dân sự sơ thẩm bị cáo Nguyễn Việt C phải chịu là 70.497.753,5 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, nếu bị cáo chưa thi hành các khoản tiền như án đã tuyên, thì hàng tháng bị cáo còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất phát sinh do chậm thi hành án quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trong thời hạn 15 ngày tròn kể từ ngày tuyên án, các bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo xin xét xử phúc thẩm. Đương sự vắng mặt, thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hợp lệ hoặc niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1451
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 291/2017/HSST ngày 16/08/2017 về tội trốn thuế

Số hiệu:291/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về