Bản án 300/2017/DS-PT ngày 16/10/2017 về yêu cầu chia tài sản chung

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 300/2017/DS-PT NGÀY 16/10/2017 VỀ YÊU CẦU CHIA TÀI SẢN  CHUNG

Ngày 16 tháng 10 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 03/2017/TLPT-DS ngày 10 tháng 01 năm 2017 về việc “Yêu cầu chia tài sản chung” do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2016/DS-ST ngày 26 tháng 9 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3140/2017/QĐ-PT ngày 26 tháng 9 năm 2017, giữa:

Nguyên đơn: Anh Ngô Như V, sinh năm 1986; Trú tại: Xóm A, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An; có mặt.

Bị đơn: Ông Ngô Như H, sinh năm 1965; Trú tại: Xóm A, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Ngô Thị H1, sinh năm 1960; Địa chỉ: Xóm B, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

2. Chị Ngô Thị C, sinh năm 1974; Địa chỉ: Xóm C, xã T, huyện N, tỉnh Nghệ An; vắng mặt

3. Chị Ngô Thị H2, sinh năm 1972; Địa chỉ: Xóm X, xã X, huyện N, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

4. Bà Phùng Thị H3, sinh năm 1957; vắng mặt.

5. Chị Ngô Thị T, sinh năm 1983.

Đều trú tại Xóm A, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An

6. Chị Ngô Thị Thanh T1, 1981; Địa chỉ: Xóm K, xã A, thành phố V, tỉnh Nghệ An.

Người đại diện theo ủy quyền của chị Ngô Thị T, chị Ngô Thị Thanh T1 là bà Phùng Thị H3, sinh năm 1957 (Mẹ đẻ của chị T, chị T1); vắng mặt.

7. Vợ chồng anh Ngô Tiến D và chị Nguyễn Thị Thu Th, trú tại xóm 02, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An; vắng mặt và Th có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 04/4/2014, đơn xin thay đổi nội dung đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là anh Ngô Như V trình bày: Ông nội của anh là cụ Đào Như H4 chết năm 1993, bà nội của anh là cụ Đào Thị H5 chết năm 2002. Ông bà nội anh sinh được 06 người con gồm: Ông Ngô Thanh H6 (là bố của anh, chết năm 2000), ông Ngô Như H7 (là liệt sỹ, không có vợ con), ông Ngô Như H, bà Ngô Thị H1, bà Ngô Thị H2, bà Ngô Thị C. Tài sản ông bà để lại là một thửa đất số 276, Tờ bản đồ số 7 tại Xóm A, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An. Tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện N cấp tại thửa đất số 103, Tờ bản đồ số 2, tại Xóm A, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An thì diện tích là 1833m2 (bao gồm 1633 m2 đất vườn và 200 m2 đất ở). Ngày 20/01/2013, ông Ngô Như H (là chú của anh) mời các con, cháu của ông nội về nhà ông H bàn bạc và thống nhất chia diện tích đất của ông bà để lại, có sự chứng kiến của ông Nguyễn Đình T3, xóm trưởng Xóm A cụ thể như sau: Ông Ngô Như H được chia 720m2, các bà Ngô Thị H1, Ngô Thị H2, Ngô Thị C được chia 360 m2, ông Ngô Như V được chia 360m2 và 200m2 để làm nhà thờ (tổng cộng là 560m2). Tuy nhiên, sau khi lập biên bản ông H không chịu thực hiện theo biên bản khiến cho quyền lợi của anh không được đảm bảo. Nay anh yêu cầu Tòa án chia đất của ông bà nội theo Biên bản chia đất ngày 20/01/2013, cụ thể chia cho anh 360m2 và 200m2 để làm nhà thờ.

* Bị đơn là ông Ngô Như H trình bày: Thống nhất với trình bày của anh V về quan hệ huyết thống và thời gian bố mẹ ông mất. Bố mẹ ông chết không để lại di chúc, tài sản để lại là một mảnh đất tại Xóm A, xã N đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Đào Thị H5 diện tích 1833 m2 (bao gồm 1633 m2 đất vườn và 200 m2 đất ở) theo đo đạc địa chính mới thì diện tích 1600 m2, lý do có sự chênh lệch diện tích là do khâu đo đạc chứ khuôn viên không thay đổi. Ngoài ra, cha mẹ không có tài sản nào khác. Từ khi bố mẹ ông chết đến nay, ông là người trực tiếp quản lý đất. Năm 2013 họp gia đình đã thỏa thuận phân chia đất cha mẹ để lại, cụ thể giao cho ông 720m2, ba bà (bà C, bà H1, bà H2) là 360m2, cháu V 360m2, nhà thờ 200m2 về phía giáp đất của gia đình ông Cường, bà Oanh. Sau khi thỏa thuận phân chia, ông và ba bà (bà H1, bà H2, bà C) đã giao phần đất ông và ba bà được chia cho cháu Ngô Tiến D (là con của ông) làm nhà ở ổn định. Nay ông không nhất trí chia cho cháu V nữa vì cháu V có thái độ hỗn láo, khi cha mẹ của ông chết cháu V không thắp hương. Hơn nữa phải thỏa thuận xây nghĩa trang, làm nhà thờ xong mới chia đất của cha mẹ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang tranh chấp được cầm cố ở Ngân hàng, việc cầm cố để vay tiền do anh D (con trai ông) thực hiện, ông chỉ ký giấy tờ, vay ở Ngân hàng nào thì ông không biết.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị C, bà Ngô Thị H1, bà Ngô Thị H2 thống nhất như anh V và ông H trình bày. Năm 2013 đã thỏa thuận phân chia ông H 720m2; bà C, bà H1, bà H2 360m2; nhà thờ 200m2, cháu V 360m2, phần cháu V về phía giáp với thửa đất của vợ chồng ông Cường, bà Oanh. Sở dĩ phân chia cho ông H nhiều hơn là do vợ chồng ông H có công sức quản lý thửa đất đó sau khi cha mẹ mất. Sau khi phân chia, phần của ba bà đã chuyển nhượng cho cháu Ngô Tiến D (là con trai của ông H) và cháu Dũng đã làm nhà ở ổn định. Nay bà H1, bà H2, bà C yêu cầu ông H giao lại cho cháu V như đã thỏa thuận. Ngày 28/4/2014, bà H1, bà H2 và bà C làm đơn yêu cầu Tòa chia tài sản của cha mẹ để lại theo quy định của pháp luật. Ngày 08/6/2016, bà Ngô Thị H1, bà Ngô Thị H2 làm đơn xin rút yêu cầu chia tài sản chung của cha mẹ.

*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Phùng Thị H3, chị Ngô Thị Thanh, chị Ngô Thị Thanh T1 trình bày: Thống nhất như lời trình bày của anh V, yêu cầu ông Ngô Như H giao lại cho Vinh là 360m2 và 200m2 để làm nhà ở và nhà thờ theo biên bản chia đất ngày 20/01/2013. Phần diện tích đất thiếu hụt do làm đường thôn, xóm nên chấp nhận phần diện tích thiếu hụt đó. Ông Ngô Thanh H6 (là chồng của bà H và bố của anh V, chị T, chị T1) chết sau thời điểm bố mẹ của ông H6 là cụ Ngô Như H4 và cụ Đào Thị H5 chết. Vì vậy, phần quyền lợi ông H4 được hưởng thì giao toàn bộ cho anh V. Ngoài ra, bà H và chị T, chị T1 không có ý kiến nào khác.

Vợ chồng anh Ngô Tiến D và chị Nguyễn Thị Thu Th trình bày: Đất của ông bà nội để lại đã được thỏa thuận phân chia năm 2013. Sau khi thỏa thuận, vợ chồng anh chị đã làm nhà trên khoảng 100m2, còn lại thì làm hoa màu. Nay anh V yêu cầu được lấy 360m2 đã chia cho anh. Vợ chồng anh D, Th hoàn toàn nhất trí giao lại cho anh V phần đất của anh về phía giáp đất của vợ chồng ông C, bà O với điều kiện anh V không được bán đất đó vì đất đó do ông bà để lại.

*Qua xác minh tại Uỷ ban nhân dân xã N cho biết tại trang số 26 sổ địa chính (Xóm 1,2) xã N lập năm 1996 tên chủ sử dụng thửa đất số 103, Tờ bản đồ số 2 tại Xóm A, xã N tên chủ sử dụng là Đào Thị H5, sinh năm 1938. Tại trang số 19 sổ mục kê phản ánh tên chủ sử dụng là Bà H5, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện N cấp ngày 10/10/1996 thì chủ sử dụng là Đào Văn H4 là do sai sót trong quá trình kê khai thủ tục địa chính. Tên “Đào Thị H5” trong sổ địa chính “Bà H5”, sổ mục kê “Đào Văn H4” là một người ĐàoThị H5.

Kết quả thẩm định: Diện tích đất thuộc thửa số 103, tờ bản đồ số 2 tại Xóm A, xã N, huyện N có diện tích 1833m2 (trong đó 200m2 đất ở, 1633m2 đất vườn) đã được Uỷ ban nhân dân huyện N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1143/QSDĐ số hiệu M 375939 ngày 10/10/1996 mang tên Đào Văn H4, nay thửa đất này thuộc thửa số 276, tờ bản đồ số 7 tại Xóm A, xã N, huyện N có diện tích 1621m2 (trong đó 200m2 đất ở, 1421m2 đất vườn) đã được Sở Tài nguyên môi trường Nghệ An phê duyệt vào năm 2009. Sở dĩ thửa đất trên hiện nay giảm 212m2 so với diện tích đất được thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 1996 là do toàn xã có chủ trương thực hiện bê tông hóa và mở rộng đường nông thôn nên diện tích đất của thửa đất có giảm. Thửa đất không có tranh chấp gì về ranh giới với các hộ liền kề. Thửa đất trên hiện nay không được cầm cố, thế chấp tại tổ chức tín dụng nào cả.

Kết quả định giá diện tích đất ở là 500.000đ/m2 x 200m2 = 100.000.000đ, diện tích đất vườn là 58.000đ/m2 x 1421m2 = 82.418.000đ.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2016/DSST ngày 26/09/2016 Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định:

Áp dụng Điều 224 Bộ luật dân sự 2005; Điều 203 Luật Đất đai. Xử:

1. Đình chỉ đối với yêu cầu chia tài sản chung là di sản thừa kế của bà Ngô Thị C, bà Ngô Thị H2, bà Ngô Thị H1.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Ngô Như V. Giao cho anh Ngô Như V được quyền sử dụng diện tích đất 355m2 có trị giá 36.890.000đ (Trong đó 50m2 đất ở và 205m2 đất vườn). Trong tổng số diện tích 1.621m2 tại thửa đất số 276 Tờ bản đồ số 07, Xóm A xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An. Tứ cận, độ dài các cạnh phần đất giao cho anh Ngô Như V như sơ đồ kèm theo bản án.

3. Giao quyền sử dụng chung cho Nhà thờ họ Ngô Như tại Xóm A xã N được quyền sử dụng 200m2 diện tích đất vườn, trị giá 11.600.000đ. Giao cho anh Ngô Như V quản lý diện tích đất của nhà thờ (trong tổng số diện tích 1.621m2) tại thửa đất số 276 tờ bản đồ số 07, Xóm A xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An. Tứ cận, độ dài các cạnh phần đất giao cho nhà thờ như sơ đồ kèm theo bản án.

Anh Ngô Như V có quyền đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao cho anh và Nhà Thờ họ Ngô Như tại Xóm A xã N, huyện N theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về án phí: Anh Ngô Như V phải chịu 2.424.000đ án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 3.500.000đ. Hoàn trả cho anh V 1.076.000đ tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 0006090 ngày 18/4/2014 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N.

Hoàn trả cho bà Ngô Thị H2 số tiền 200.000đ tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 0005784 ngày 28/4/2014 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N.

Hoàn trả cho bà Ngô Thị H1 số tiền 200.000đ tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 0005785 ngày 28/4/2014 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N.

Sung công quỹ số tiền 200.000đ tạm ứng án phí của bà Ngô Thị C theo biên lai thu tiền số 0005786 ngày 28/4/2014 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Tại Quyết định số 12/QĐ-VC1 ngày 25/10/2016 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2016/DS-ST ngày 26/9/2016 của Tòa án nhân dân Nghệ An theo thủ tục phúc thẩm; đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm nêu trên và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Ngô Như V trình bày gia đình đã họp phân chia đất theo thỏa thuận tại Biên bản ngày 20/01/2013, nhưng ông H không thực hiện theo thỏa thuận nên anh đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Sau khi xét xử sơ thẩm, các đương sự đều không có kháng cáo. Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội gây khó khăn, phiền phức cho gia đình chúng tôi và đề nghị được thực hiện theo quyết định của bản án sơ thẩm. Anh đồng ý xác định diện tích 200m2 đất vườn làm nhà thờ thuộc quyền sử dụng chung của các đồng thừa kế của ông, bà nội anh.

Tại phiên tòa này, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đối với việc bản án sơ thẩm xác định diện tích 200m2 đất vườn để làm nhà thờ thuộc quyền sử dụng chung của các đồng thừa kế của vợ chồng cụ Hiến nhưng cho anh V được quyền đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh V là không đúng quy định của pháp luật và rút kháng nghị đối với các phần khác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận và trình bày của đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy:

Về tố tụng: Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đảm bảo đúng thời hạn do pháp luật quy định nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Các đương sự trong vụ án không có kháng cáo.

[1] Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã triệu tập bị đơn là ông Ngô Như H; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị H1, bà Ngô Thị C, bà Ngô Thị H2, bà Phùng Thị H3, chị Ngô Thị T, chị Ngô Thị Thanh T1, vợ chồng anh Ngô Tiến D và chị Nguyễn Thị Thu Th đến tham dự phiên tòa phúc thẩm vào ngày 31/8/2017 và 16/10/2017. Giấy triệu tập đã được tống đạt hợp lệ cho các đương sự, nhưng tại phiên tòa ngày 16/10/2017 các đương sự nêu trên vẫn vắng mặt. Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa vợ chồng anh Ngô Tiến D và chị Nguyễn Thị Thu Th (là con của ông H) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, anh D và Th đã có lời khai về việc không có ý kiến đối với yêu cầu đòi tài sản chung của anh V, đề nghị xét xử cho có tình, có lý. Tháng 11/2014, anh D đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Sau đó, Th (là vợ anh D) tiếp tục có lời khai thể hiện đồng ý giao cho anh V đất được chia, nhưng yêu cầu anh V không được chuyển nhượng. Xét thấy, vợ chồng anh D đã có ý kiến thể hiện quan điểm đối với việc giải quyết vụ án, sau khi xét xử sơ thẩm vợ chồng anh D, Th không có đơn kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đã triệu tập và tống đạt hợp lệ giấy triệu tập anh D, Th cho Th để Th thông báo cho anh D nhưng các đương sự vẫn vắng mặt và ngày 10/10/2017 Th có đơn xin xét xử vắng mặt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa xác định các đương sự đã được tống đạt giấy triệu tập hợp lệ và đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành xét xử.

Hội đồng xét xử xét thấy các đương sự đã được tống đạt giấy triệu tập hợp lệ (hai lần nhưng vẫn vắng mặt), việc xét xử không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự là bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo.

Về nội dung:

[2] Sau khi xét xử sơ thẩm, các đương sự trong vụ án đều không có đơn kháng cáo; chỉ có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đối với diện tích 200m2 đất vườn để làm nhà thờ thuộc quyền sử dụng chung của các đồng thừa kế của của vợ chồng cụ Ngô Như H4 và cụ Đào Thị H5 và rút kháng nghị đối với các phần khác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với các phần Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã rút kháng nghị.

[3] Tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 12/QĐ-VC1 ngày 25-10-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội kháng nghị về việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích 200m2 đất vườn để làm nhà thờ họ Ngô thuộc quyền sử dụng chung của các đương sự nhưng cho anh V làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Ngô Như V là trái quy định tại Điều 221, 222 và 223 Bộ luật Dân sự năm 2005. Hội đồng xét xử thấy rằng: Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thống nhất để 200m2 đất vườn trong tổng diện tích đất của bố mẹ là cụ Ngô Như Hiến và cụ Đào Thị H5 để lại làm nhà thờ và thuộc quyền sử dụng chung của các đồng thừa kế của vợ chồng cụ Hiến, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại quyết định cho anh V được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh V đối với phần diện tích đất dùng để làm nhà thờ là không đúng với ý chí thỏa thuận của các đương sự và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế khác. Do đó, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vấn đề này là có căn cứ chấp nhận, cần sửa lại Bản án sơ thẩm theo hướng xác định 200m2 đất để làm nhà thờ thuộc quyền sử dụng chung của các đồng thừa kế của vợ chồng cụ Hiến, các đồng thừa kế có quyền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên đồng sử dụng chung hoặc tự thỏa thuận thống nhất cử người đại diện đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích 200m2 đất để làm nhà thờ nêu trên theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 và khoản 3 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 289; khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ các Điều 214, 215, 224 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013.

Căn cứ khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[1] Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với các phần rút kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội (cụ thể gồm: phần chia tài sản chung; về công sức duy tu tôn tạo khối tài sản chung của vợ chồng ông Ngô Như H; về việc tính án phí đối với ông H; về việc không đưa các con của ông H vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

[2] Chấp nhận một phần kháng nghị số 12/QĐ-VC1 ngày 25/10/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2016/DSST ngày 26/9/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An về việc đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng 200m2 đất làm nhà thờ, cụ thể như sau:

Xác định 200m2 đất vườn, trị giá 11.600.000đ trong tổng diện tích 1.621m2 đất tại thửa số 276 Tờ bản đồ số 7 tại Xóm A, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An để làm nhà thờ họ Ngô Như thuộc quyền sử dụng chung của các đồng thừa kế của cụ Ngô Như Hiến và cụ Đào Thị H5 gồm: ông Ngô Như H, bà Ngô Thị C, bà Ngô Thị H1, bà Ngô Thị H2 và anh Ngô Như V (là đại diện cho các đồng thừa kế của ông Ngô Thanh H6). Giao cho anh Ngô Như V quản lý diện tích đất của nhà thờ. Tứ cận, độ dài các cạnh phần đất làm nhà thờ như sơ đồ kèm theo bản án.

Ông Ngô Như H, bà Ngô Thị C, bà Ngô Thị H1, bà Ngô Thị H2 và anh Ngô Như V (là đại diện cho các đồng thừa kế của ông Ngô Thanh H6) có quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên đồng sử dụng chung hoặc tự thỏa thuận thống nhất cử người đại diện đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với diện tích đất làm nhà thờ theo quy định của pháp luật về đất đai.

[3] Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người bị thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

611
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 300/2017/DS-PT ngày 16/10/2017 về yêu cầu chia tài sản chung

Số hiệu:300/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về