Bản án 30/2019/DS-PT ngày 13/03/2019 về tranh chấp đòi lại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 30/2019/DS-PT NGÀY 13/03/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Ngày 13 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 22/2018/TLPT-DS ngày 15 tháng 01 năm 2019 về việc “Tranh chấp đòi lại tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 29/2018/DS-ST ngày 06/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 37/2019/QĐ-PT ngày 28 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà M.(có mặt)

Nơi cư trú: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

2. Bị đơn: Ông N.(có mặt)

Nơi cư trú: ấp C1, xã B1, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

3. Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn: ông N1, Luật sư Văn phòng luật sư N1 thuộc Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng (có mặt)

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông P.

Địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng

5. Người làm chứng: ông Q (có mặt)

Nơi cú trú: ấp C2, xã B2, huyện A1, tỉnh Sóc Trăng.

Người kháng cáo: Bị đơn ông N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, nội dung vụ kiện được tóm tắt như sau: Nguyên đơn bà M trình bày:

Vào ngày 09/08/2013, bà có vay tiền của Ngân hàng X với số tiền 600.000.000 đồng. Sau khi vay bà dùng số tiền này để mua máy gặt đập liên hợp hiệu KUBOTA, hiệu máy DC-60 (mua ngày 10/08/2013 theo Hợp đồng số 519/HĐVL-CKĐL ngày 26/07/2013 với giá 515.000.000 đồng; Máy kéo Nông nghiệp KUBOTA M6040 và dàn xới hiệu RX 220H theo Hợp đồng số 520/CKĐL/HĐVL ngày 26/07/2013 với giá 510.000.000 đồng do bà đứng tên chủ sở hữu. Sau khi mua xong, bà và ông N có thỏa thuận là bà cho ông N mượn các máy trên để đi cắt và kéo lúa thuê cho người khác với điều kiện ông N phải có nghĩa vụ thanh toán tiền vốn và lãi cho Ngân hàng. Kể từ ngày mua và nhận các máy trên, ông N không thực hiện theo thỏa thuận là trả vốn và lãi cho Ngân hàng, ông N quản lý sử dụng toàn bộ nguồn thu, hoa lợi từ việc khai thác sử dụng máy từ khi mua cho đến nay. Nay phía Ngân hàng khởi kiện yêu cầu bà phải trả số tiền nợ gốc cùng với tiền lãi suất gần 750.000.000 đồng, bà có đến gặp ông N để yêu cầu ông N thanh toán tiền cho Ngân hàng nhưng ông N cho rằng máy gặt đập liên hợp, máy kéo nông nghiệp và dàn xới là của ông N mua chứ không phải của bà mua. Vì vậy nay bà khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc ông N trả cho bà máy gặt đập liên hợp hiệu KUBOTA, máy kéo nông nghiệp hiệu KUBOTA M6040 và dàn xới hiệu RX 220H. Tổng giá trị tài sản khoảng 600.000.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm M yêu cầu Tòa án buộc ông N trả cho bà là 600.000.000 đồng (bằng khoản tiền đã vay của Ngân hàng để mua máy) và bồi thường cho bà khoản tiền lãi phát sinh từ khoản vay 600.000.000 đồng còn thiếu Ngân hàng từ khi vay cho đến nay.

Cùng với đơn khởi kiện bà M còn nộp các tài liệu chứng cứ sau: Hợp đồng tín dụng số TA0365.13/HĐTD (bản photo); Hóa đơn giá trị gia tăng số hóa đơn 0000236 ngày 09/02/2013 (bản photo); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp ngày 24/04/2013 (bản photo); Một giấy xác nhận ngày 14/04/2017 (bản gốc);

Bị đơn ông N trình bày:

Năm 2013, khi đang định cư ở Hoa Kỳ, với mục đích giúp gia đình mở rộng việc kinh doanh, ông đã chuyển tiền từ Hoa Kỳ về để mua các máy móc gồm: Máy gặt đập liên hợp hiệu KUBOTA – DC 60 trị giá 515.000.000 đồng; Máy kéo cộ lúa KUBOTA trị giá 115.000.000 đồng; Máy kéo nông nghiệp hiệu NN KUBOTA M6040 và dàn xới hiệu RX 220H trị giá 510.000.000 đồng. Tổng giá trị là 1.140.000.000 đồng.

Do chưa đủ tiền chuyển về cùng một lúc nên ông có bàn với gia đình thế chấp căn nhà để vay thêm tiền từ Ngân hàng. Tiền mua máy ông trực tiếp chuyển trả cho Công ty Y và còn nợ lại 600.000.000 đồng. Số tiền 600.000.000 đồng này, các anh em trong gia đình đã bàn bạc cùng nhau ủy quyền cho bà M đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục vay Ngân hàng 600.000.000 đồng để trả tiền mua máy. Sau khi mua các máy nông nghiệp này ông là người trực tiếp quản lý sử dụng máy móc và mọi hoa lợi, nguồn thu từ việc khai thác sử dụng máy cho đến nay. Nay đối với yêu cầu của bà M thì ông không đồng ý. Cùng với ý kiến, lời trình bày nêu trên ông N còn giao nộp các chứng cứ sau: Chứng từ giao dịch giữa Ngân hàng X1 với ông Q ngày 24/02/2016 (bản gốc); Giấy xác nhận ngày 25/04/2017 của Công ty Y (bản gốc);

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông P (ông P) trình bày: Ông hoàn toàn thống nhất với toàn bộ lời trình bày và yêu cầu của M, ông không có ý kiến hay yêu cầu gì khác.

Sự việc được Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại bản án sơ thẩm số: 29/2018/DS-ST ngày 06/12/2018 đã quyết định Áp dụng: khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 92, Điều 147, khoản 3 Điều 235, điểm b khoản 2 Điều khoản 2 Điều 229, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 155, Điều 163, 164, 166, Điều 357 Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án; Điều 26 Luật thi hành án dân sự.

* Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M. Buộc ông N có nghĩa vụ trả cho bà M và ông P 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng).

Khi án có hiệu lực pháp luật và kể từ ngày bà M, ông P có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi ông N trả xong cho bà M, ông P toàn bộ số tiền 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng), thì hàng tháng ông N còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn thiếu theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Không chấp nhận yêu cầu của bà M buộc ông N bồi thường về khoản tiền lãi phát sinh từ khoản vay 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng). Đối với khoản tiền này Tòa án sẽ thụ lý, giải quyết trong vụ kiện khác nếu bà M có yêu cầu.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, chi phí tố tụng và thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 19/12/2018, bị đơn ông N có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc ông N trả cho M 600.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút lại yêu cầu khởi kiện; bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn trình bày các đương sự đều xác nhận M đã vay tiền 600.000.000đ và thế chấp tài sản để mua 01 máy cắt lúa, số tiền còn lại do ông N bỏ ra. M cho rằng có trả một phần tiền nhưng lời khai của M lại cho rằng không trả khoản tiền nào, có lúc M trình bày có trả 100.000.000đ thông qua ông Q, trong khi ông Q xác nhận số tiền 100.000.000đ do ông N giao. Theo đơn khởi kiện, M yêu cầu trả máy nhưng án sơ thẩm buộc trả tiền là không đúng yêu cầu khởi kiện. Ngoài ra, vụ án không liên quan đến ông P nhưng án sơ thẩm lại đưa ông P tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng. Đề nghị Tòa sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần khởi kiện.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm. Về nội dung vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng, ý kiến phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Người kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo theo đơn kháng cáo ngày 14/12/2018 của bị đơn là đúng theo quy định tại Điều 271, Điều 272 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên kháng cáo hợp lệ và đúng theo luật định.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn ông N thì thấy theo đơn khởi kiện, các lời khai của nguyên đơn M là yêu cầu trả máy, trị giá 600.000.000đ nhưng tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn yêu cầu ông N trả số tiền 600.000.000đ để trả cho Ngân hàng, sau khi xét xử sơ thẩm M không kháng cáo nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử là đúng yêu cầu trong phạm vi khởi kiện của nguyên đơn M. Nguyên đơn bà M là em ruột của bị đơn ông N. Theo hợp đồng tín dụng số TA0365.13/HĐTD ngày 09/8/2013, bà M là người trực tiếp đứng ra giao dịch, ký kết hợp đồng vay vốn với Ngân Hàng X - Phòng Giao dịch huyện A vay số tiền 600.000.000 đồng để mua các máy nông nghiệp: máy gặt đập liên hợp hiệu KUBOTA, máy kéo nông nghiệp hiệu KUBOTA M6040 và dàn xới hiệu RX 220H và Ngân hàng đã chuyển tiền đúng như hợp đồng. Theo các tài liệu chứng cứ thể hiện tổng giá trị các máy này là 1.025.000.000 đồng do M là người đứng tên mua và đứng tên quyền sở hữu, trong đó Ngân hàng chuyển số tiền 600.000.000 đồng, M không ra khoản tiền nào để mua các máy trên theo lời khai ngày 21/8/2017. Sau khi mua, M không sử dụng mà theo yêu cầu của ông N là bà giao các máy móc này cho vợ chồng ông L và bà L1 khai thác sử dụng để trả tiền nợ ngân hàng và nợ Công ty. Đến năm 2014 khi ông L chết thì ông N về lấy lại máy sử dụng, quản lý cho đến nay. Do đó, ông N phải có trách nhiệm trả số tiền vay là 600.000.000đ để M trả tiền cho Ngân hàng theo hợp đồng và hiện nay Ngân hàng đang khởi kiện M trả tiền vốn vay trong vụ án khác. Cho nên, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử buộc ông N trả trả cho M số tiền 600.000.000đ là có cơ sở, phù hợp với các Điều 163, 164, 166 Bộ luật Dân sự, kháng cáo của bị đơn ông N cũng như đề nghị của Luật sư là không có căn cứ, không được chấp nhận.

[3] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông N và căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4] Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn ông N phải chịu theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 và khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tuyên xử:

- Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông N.

- Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 29/2018/DS-ST ngày 06/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng như sau:

Áp dụng: khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 92, Điều 147, khoản 3 Điều 235, điểm b khoản 2 Điều khoản 2 Điều 229, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 155, Điều 163, 164, 166, Điều 357 Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án; Điều 26 luật thi hành án dân sự.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M. Buộc ông N có nghĩa vụ trả cho bà M và ông P 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng). Khi án có hiệu lực pháp luật và kể từ ngày bà M, ông P có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi ông N trả xong cho bà M, ông P toàn bộ số tiền 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng), thì hàng tháng ông N còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn thiếu theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Không chấp nhận yêu cầu của bà M buộc ông N bồi thường về khoản tiền lãi phát sinh từ khoản vay 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng). Đối với khoản tiền này Tòa án sẽ thụ lý, giải quyết trong vụ kiện khác nếu bà M có yêu cầu.

2. Về chi phí xem xét thẩm định và định giá tài sản: Ông N phải chịu chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản là 1.550.000 đồng (Một triệu, năm trăm năm mươi nghìn đồng). Ông N có nghĩa vụ hoàn lại cho bà M 1.550.000 đồng (Một triệu, năm trăm năm mươi nghìn đồng).

3. Về án phí sơ thẩm: ông N phải chịu 28.000.000 đồng (Hai mươi tám triệu đồng) án phí dân sự sơ thẩm. Bà M và ông P không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm hoàn trả lại cho bà M số tiền tạm ứng án phí đã nộp 14.000.000 đồng (Mười bốn triệu đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0006757 ngày 10 tháng 04 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn ông N phải chịu là 300.000 đồng, sau khi khấu trừ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 300.000 đồng ông N đã nộp theo Biên lai thu số 0006922 ngày 19 tháng 11 năm 2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Ông N đã hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí phúc thẩm.

5. Trong trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án, thoả thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

318
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 30/2019/DS-PT ngày 13/03/2019 về tranh chấp đòi lại tài sản

Số hiệu:30/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về