Bản án 32/2018/HS-ST ngày 16/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN N - TỈNH B

BẢN ÁN 32/2018/HS-ST NGÀY 16/11/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 16 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh B xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 33/2018/TLST-HS ngày 29 tháng 11 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 33/2018/QĐXXST-HS ngày 02 tháng 11 năm 2018 đối với các bị cáo:

1. Phạm Thanh H (tên gọi khác: không) sinh ngày 10 tháng 11 năm 1971 tại xã ĐL, huyện ĐH, tỉnh B; nơi cư trú: tổ nhân dân N, thị trấn Y, huyện N, tỉnh B; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Trọng N (đã chết) và bà Phạm Thị H; có vợ là Lường Thị Th (vợ đầu là Phạm Thị L đã ly hôn) và 03 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

2. Phạm Ngọc S (tên gọi khác không), sinh ngày 22 tháng 11 năm 1996 tại huyện PY, tỉnh S; nơi cư trú: tổ nhân dân N, thị trấn Y, huyện N, tỉnh B; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hóa (học vấn) lớp 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Thanh H và bà Phạm Thị L; có vợ là Hoàng Thị S và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

3. Bị hại: anh Hoàng Văn C, sinh năm 1984.

Trú tại: thôn Nà V, xã Đ, huyện N, tỉnh B, “Có mặt”.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Bà Hoàng Thu Chung là trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh B, “Có mặt”.

4. Người có quyền lợi liên quan:

- Nguyễn Thị Nh, sinh năm 1991, “Vắng mặt”.

Địa chỉ: thôn P, xã L, huyện N, tỉnh B.

- Nguyên đơn dân sự: Công ty TNHH T; địa chỉ: tổ Đ, phường X, thành phố B, tỉnh B.

Người đại diện theo pháp luật: ông Trần Văn T, giám đốc Công ty TNHH T; địa chỉ: tổ Đ, phường X, thành phố B, tỉnh B, “Vắng mặt”.

5. Người làm chứng:

+ Đàm Anh Q, sinh năm 2005, “Vắng mặt”.

Người đại diện theo pháp luật: ông Đàm Văn H1 là bố của Đàm Anh Q, “Vắng mặt”.

+ Đàm Thị Hồng Hh, sinh năm 2005, “Vắng mặt”.

Người đại diện theo pháp luật: chị Nông Thị X là mẹ của Đàm Thị Hồng Hh, “Vắng mặt”.

+ Nông Mạnh Cg, sinh năm 1990, “Vắng mặt”.

+ Bùi Văn Ch, sinh năm 1963, “Vắng mặt”.

Địa chỉ: cùng trú tại thôn P, xã L, huyện N, tỉnh B.

+ Triệu Văn Đ, sinh năm 1991; địa chỉ: thôn K, xã D, huyện N, tỉnh B, “Vắng mặt”.

+ Hoàng Văn Th, sinh năm 1974; địa chỉ: thôn Nà Đ, xã H, huyện N, tỉnh B, “Vắng mặt”.

+ Lường Thị Th, sinh năm 1983; địa chỉ: tổ nhân dân N, thị trấn Y, huyện N, tỉnh B, “Vắng mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng thời gian đầu năm 2017 anh Hoàng Văn C là lái xe cho công ty TNHH T có trụ sở tại phường X, thành phố B, tỉnh B có đi giao hàng cho xưởng cơ khí của Phạm Thanh H tại tổ nhân dân N, thị trấn Y, huyện N, tỉnh B nên có quen biết và nhắn tin qua lại với vợ H là chị Lường Thị Th. Do nghi ngờ vợ mình có quan hệ nam nữ bất chính với C nên ngày 14/11/2017 H gọi điện cho vợ C là chị Vi Thị Ng nói là C có quan hệ nam nữ với vợ H và xin số điện thoại của bố mẹ C để lên nhà C nói chuyện. Chị Ng gọi điện báo cho C biết nội dung cuộc nói chuyện với H. Khoảng 19 giờ 00 phút ngày 14/11/2017 C gọi điện cho H bảo H không được gọi điện cho vợ và gia đình C nữa, rồi xảy ra cãi vã, thách thức nhau qua điện thoại. Sáng ngày 15/11/2017, C điều khiển xe ô tô BKS 9xC-015.xx cùng với anh Triệu Văn Đ đi giao hàng trong khu vực huyện N, lúc này Công ty TNHH T cũng có 01 chiếc xe ô tô tải khác do anh Nông Mạnh Cường trú tại thôn Pò Chẹt, xã Lam Sơn, huyện Na Rì đi giao hàng trong huyện Na Rì. Khi giao hàng xong vào khoảng 14 giờ cùng ngày C gọi điện thoại cho anh Cg để vào nhà Cg chơi rồi cùng nhau về thành phố B. Khoảng 14 giờ 16 phút ngày 15/11/2017, C dùng điện thoại có số thuê bao 0169629xxxx gọi điện cho Hải có số thuê bao 094573xxxx để bảo H không được gọi điện cho chị Ng nữa nên hai người lại xảy ra cãi vã, thách thức nhau qua điện thoại, H hỏi C đang ở đâu để nói chuyện, C nói đang ở trên đầu dốc L. Sau khi gọi điện cho H xong thì C đỗ xe ô tô ở lề đường bên phải theo hướng K- Thác G gần cầu P, xã L, C xuống xe và mượn dao của bà Triệu Thị X trú tại thôn P, xã L đang chăn trâu gần đấy chặt 01 cây bằng gỗ dài 0,78m ở ngay sát cầu P rồi lấy lên xe, đặt vào sau ghế lái. Phạm Thanh H sau khi nghe điện thoại của C thì bảo con trai là Phạm Ngọc S điều khiển xe mô tô BKS 9xB1-053.xx chở H đến cầu P thì thấy xe ô tô BKS 9xC-015.xx đang dừng ở lề đường bên phải, S điều khiển xe mô tô dừng trước đầu xe ô tô, lúc này C đang ngồi ở ghế lái hạ kính xe xuống còn Triệu Văn Đ đang ngồi ở ghế phụ trong ca bin xe ô tô. Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S tiến đến gần cửa bên trái của xe ô tô BKS 9xC-015.xx, H nói chuyện với C thì hai bên to tiếng và cãi nhau. H đặt tay vào cánh cửa xe thì C lấy gậy ở sau ghế lái, chọc ra ngoài trúng mũ bảo hiểm của H đang đội trên đầu và chọc chạm tới cổ H. C dùng cây gậy chọc nhiều lần về phía H nhưng không trúng người H mà trúng gương chiếu hậu bên trái của xe ô tô làm gương chiếu hậu bị vỡ. Còn Phạm Ngọc S lấy mũ bảo hiểm ném vào trong ca bin xe ô tô, Phạm Thanh H nhặt đá ở đường ném lên ca bin xe ô tô, tiếp đó S nhặt đá ném vào trong ca bin xe ô tô. H và S ném nhiều lần vào trong ca bin xe ô tô, làm vỡ kính cửa xe bên phụ của xe ô tô BKS 9xC-015.xx. Sau khi bị ném đá, C cầm theo 01 đoạn gậy mở cửa xuống xe đánh nhau với H và S, C cầm gậy vụt một phát trúng mũ bảo hiểm của H đang đội trên đầu, vụt lần thứ hai trúng vào vai trái của H, thấy vậy S cầm một cục đá lao về phía C nhưng bị C dùng gậy đập vào đầu S, S dùng tay phải cầm một cục đá vừa tay đập một phát vào vùng đầu phía bên tai trái của C thì cục đá rơi xuống đất, C nhặt cục đá S vừa đánh mình đập vào phía góc mắt trái của S. S và H xông vào ôm, vật lộn với C làm cây gậy của C bị rơi xuống đất, C và S ngã lăn ra đường, S dậy được trước nhặt được đoạn gậy của C làm rơi, rồi dùng gậy đánh nhiều lần vào người của C ở hông, chân, tay. Trong lúc C và S vận lộn với nhau, thì H đã đi ra lề đường nhặt một cục đá rồi tiến đến chỗ C, khi C đang nhổm dậy thì bị H dùng đá cầm trên tay đập hai phát vào đầu C, lúc này Triệu Văn Đ đã xuống xe, thấy C bị chảy máu đầu và vẫn đang đánh nhau với H và S nên vào can ngăn tước được đoạn gậy từ tay S rồi ném đoạn gậy về phía bờ ruộng bên trái đường theo hướng xã L đi thành phố B. Trong lúc C và S vẫn đang giằng co với nhau thì H chạy ra trước ô tô nhặt một cục đá định đánh C nhưng không đánh được, nên H chạy theo hướng đi thị trấn Y, huyện N lên gara ô tô của ông Chung Văn M gần đó để tìm mượn ống công xe ô tô tiếp tục đánh nhau với C, nhưng không tìm được, nên H lại đi xuống lề đường; còn S lúc này không đánh nhau với C nữa mà lấy xe mô tô để đi về, C thấy vậy liền giật ngay lấy cây mía của cháu Đàm Anh Quân ở gần đó đuổi theo S rồi dùng tay giữ xe mô tô của S kéo lại nhưng không được, nên C bị ngã ra đường và chống tay xuống đường nhựa nên bị xước ở hai bên khuỷu tay bên trái và phải, S đi xe mô tô đến đường rẽ lên ga ra ô tô của ông M cách chỗ đánh nhau khoảng 40m đón H rồi cùng nhau đi về theo hướng thị trấn Y, huyện N. Ngay lúc đó anh Nông Mạnh Cg và anh Triệu Văn T đi xe ô tô đến thấy C bị thương ở đầu và chảy nhiều máu nên Cg đưa C đi cấp cứu, điều trị tại Trung tâm y tế huyện N.

Theo bệnh án ngoại khoa số lưu trữ: 1532 ngày 22/11/2017 của Trung tâm y tế huyện N có ghi Hoàng Văn C vào viện 15 giờ 50 phút ngày 15/11/2017, ra viện 16 giờ 30 phút ngày 22/11/2017. Chuẩn đoán khi vào khoa: Đa chấn thương do bị đánh. Tại phần bệnh án ngoại khoa thể hiện: Vùng chấm trái 01 vết thương 1x3cm sâu sát xương chảy máu, xung quanh nhiều vết sưng; giữa đỉnh đầu 1 vết thương kích thước 1x1,5cm sâu sát xương; vùng trán 1 vết thương kích thước 1x1,5cm sâu sát xương; vùng khuỷu tay hai bên nhiều vết xây sát da; cẳng chân trái vết bầm tím nhẹ. Các phiếu chiếu/chụp X-Quang (Chụp X-Quang xương cẳng chân thẳng nghiêng; khớp khuỷu thẳng nghiêng hoặc chếch; sọ thẳng nghiêng; khớp khuỷu thẳng, nghiêng hoặc chếch). Kết quả: Không thấy hình ảnh tổn thương xương cẳng chân trái; không thấy hình ảnh tổn thương khớp khuỷu phải; không thấy hình ảnh tổn thương xương hộp sọ trên phim chụp thường quy; không thấy hình ảnh tổn thương xương khớp khuỷu tay trái.

Tại bản kết luận giám định số 110 ngày 28/11/2017 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh B đã xác định thương tích của Hoàng Văn C: Một vết thương phần mềm ở vùng trán thái dương trái, đang trong quá trình tạo sẹo; một vết thương phần mềm ở giữa đỉnh đầu đang trong quá trình tạo sẹo; một vết thương ở phần mềm ở vùng chẩm trái, đang trong quá trình tạo sẹo; một vết thương phần mềm ở mặt sau khuỷu tay phải; một vết thương phần mềm ở mặt sau sau khuỷu tay trái. Tỷ lệ thương tật toàn bộ là 11%. Vật gây thương tích là vật có cạnh.

Trong quá trình điều tra C khai nhận 02 vết thương tại khuỷu tay phải và trái là do C bị ngã khi kéo xe mô tô của S mà không phải là do bị H và S gây ra. Bản kết luận giám định số 110 ngày 28/11/2017 của Trung tâm giám định pháp y Sở y tế tỉnh B không nêu rõ tỷ lệ tổn thương cơ thể của từng vết thương. Do đó, ngày 29/6/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N ra Quyết định số 309a ngày 29/6/2018, quyết định trưng cầu giám định lại.

Tại bản kết luận giám định pháp y số 3593/C54-TT1 ngày 10/7/2018 của Viện khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an kết luận: Sẹo vết thương phần mềm vùng đỉnh (lệch phải), không ảnh hưởng chức năng 02%; sẹo vết thương phần mềm vùng chấm trái không ảnh hưởng chức năng 02%; sẹo vết thương phần mềm vùng trán trái không ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ 01%; sẹo vết thương phần mềm vùng khuỷu tay phải, không ảnh hưởng chức năng 01%; sẹo vết thương phần mềm vùng khuỷu tay trái, không ảnh hưởng chức năng 01%.

Áp dụng phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế, xác định tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của Hoàng Văn C là 07%. Các thương tích của C do vật tày gây nên.

Trong quá trình điều tra H và S đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, khai nhận diễn biến vụ việc. Đồng thời H thừa nhận được dùng đá đập vào vùng đầu của C hai phát; S thừa nhận được dùng đá đập vào đầu C một phát, nhưng H và S không nhớ chính xác đập vào vị trí nào. Lời khai nhận của H và S hoàn toàn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Ngoài ra S còn thừa nhận được ném 01 cục đá vào trong ca bin xe ô tô BKS 9xC-015.xx nhưng không thừa nhận việc ném đá làm vỡ kính cửa xe bên phải xe ô tô; còn H không thừa nhận được ném đá vào trong ca bin xe ô tô BKS 9xC-015.xx, nhưng qua lời khai nhưng người làm chứng có đủ cơ sở xác định Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S cùng nhau ném đá vào trong xe ô tô và làm vỡ kính cửa xe ô tô BKS 9xC-015.xx.

Tại bản kết luận định giá tài sản số 22/KLĐGTS ngày 24/11/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện N kết luận: 01 chiếc gương chiếu hậu của xe ô tô có trị là 350.000,đ; 01 kính cửa xe ô tô có giá trị là 400.000,đ.

Vật chứng và các đồ vật, tài liệu tạm giữ:

- Thu giữ 01 chiếc mũ bảo hiểm nhãn hiệu SPORT HELMET của Phạm Ngọc S;

- Thu giữ 02 hòn đá, có nhiều góc cạnh, trong đó có 01 hòn đá có kích thước 0,1mx0,11mx0,1m; 01 hòn đá có kích thước 0,08mx0,1mx0,09m. Hai hòn đá được phát hiện trong ca bin xe ô tô BKS 9xC-015.xx (hai hòn đá này do H và S ném);

- Thu giữ 01 hòn đá có kích thước chỗ dài nhất là 0,135m, dày nhất là 0,075m, có nhiều góc cạnh. Phạm Ngọc S xác nhận nhặt hòn đá này ở lề đường và cầm trên tay phải đập một phát vào vùng đầu bên trái của C;

- Tạm giữ 01 mẩu gạch có kích thước 0,05mx0,07mx0,05m;

- Tạm giữ 01 chiếc mũ bảo hiểm có chữ “NhuY” của Phạm Thanh H;

- Tạm giữ 01 áo sơ mi cộc tay có nhiều họa tiết sọc trắng, đen của Phạm Thanh H mặc khi đánh nhau;

- Tạm giữ 01 chiếc áo phông màu xanh cộc tay có dòng chữ: CHEVROLET là áo của Hoàng Văn C mặc khi đánh nhau;

- Tạm giữ 01 đoạn cây bằng gỗ có chiều dài 0,78m, chu vi trung bình là 0,085m, đã khô héo. Đây là đoạn cây C đã chặt và mang lên ca bin xe ô tô và được sử dụng để đánh nhau với H, S;

- 01 đoạn cây mía có chiều dài 0,72m đã khô héo;

- Tạm giữ 01 chiếc thẻ nhớ điện thoại có lưu đoạn Video quay lại quá trình H, S và C đánh nhau, thẻ nhớ này là của chị Nguyễn Thị Nh;

- Tạm giữ 01 đôi dép tông cao su màu đen của Phạm Ngọc S;

Các vật chứng, đồ vật hiện đang được bảo quản theo quy định của Pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra Hoàng Văn C không nêu cụ thể mức bồi thường thiệt hại và cũng không cung cấp được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc chữa trị các thương tích mà khai sẽ nêu cụ thể mức bồi thường thiệt hại khi vụ án được đưa ra xét xử.

Đối với việc chiếc ô tô BKS 9xC-015.xx bị hỏng các bộ phận: gương chiếu hậu bên trái do Hoàng Văn C dùng gậy chọc trúng bị vỡ, kính cửa xe bên phải do Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S ném đá bị vỡ, ông Trần Văn T là giám đốc Công ty TNHH T đề nghị bồi thường gương chiếu hậu bên trái bị vỡ là 800.000,đ, kính cửa xe bên phải bị vỡ là 2.000.000,đ. Anh Hoàng Văn C và Phạm Thanh H, Phạm Ngọc S chưa bồi thường được khoản nào cho Công ty TNHH T.

Tại biên bản hỏi cung bị can và tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện N truy tố. Các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuận về việc H có trách nhiệm bồi thường số tiền 11.390.000,đ cho Hoàng Văn C, Phạm Ngọc S không phải hoàn trả phần bồi thường cho H tương ứng với phần bồi thường lẽ ra S phải liên đới bồi thường cho C. Các bị cáo không chấp nhận việc bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH T.

Tại biên bản ghi lời khai, đơn yêu cầu bồi thường và tại phiên tòa, bị hại Hoàng Văn C trình bày: Giữ nguyên đề nghị khởi tố vụ án. Đối với yêu cầu các bị cáo Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S phải bồi thường tổng số tiền là 21.638.000,đ bao gồm các khoản sau: Tiền thuốc và chữa trị trong thời gian chữa trị tại Trung tâm y tế huyện N là 1.800.000,đ; Tiền chiếu chụp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh B là 500.000,đ; tiền mua thuốc điều trị là 2.338.000,đ; tiền thuê xe đi chiếu chụp là 1.200.000,đ; tiền thu nhập bị mất trong thời gian chữa trị và phục hồi sức khỏe là 7.500.000,đ/tháng x 2 tháng= 15.000.000,đ; tiền công người phục vụ: 100.000,đ/người x 8 ngày = 800.000,đ. Nay tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuận giữa anh với các bị cáo về việc bị cáo Phạm Thanh H có trách nhiệm bồi thường số tiền 11.390.000,đ, thời hạn bồi thường theo quy định của pháp luật; anh C chấp nhận bồi thường số tiền 800.000,đ cho công ty TNHH T và đề nghị Hội đồng xét xử các bị cáo theo quy định của pháp luật.

Tại biên bản ghi lời khai và đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, ông Trần Văn T là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH T yêu cầu Phạm Thanh H phải bồi thường số tiền kính cửa cửa xe ô tô bị vỡ là 400.000,đ và tiền công lắp đặt kính + thiệt hại cho những ngày ô tô bị tạm giữ là 1.600.000,đ, nhưng không cung cấp được các tài liệu liên quan đến số tiền 1.600.000,đ; Hoàng Văn C phải bồi thường thiệt hại cho gương chiếu hậu bị vỡ là 800.000,đ.

Tại biên bản ghi lời khai, chị Nguyễn Thị Nh là người có quyền lợi liên quan trình bày: Những người đánh nhau thì chị không biết tên, sau này được biết là hai bố con. Khi nghe thấy tiếng kính vỡ thì chị nhìn thấy 02 người cầm đá ném vào trong xe ô tô, không thấy ném mũ bảo hiểm. Hai người trong xe ô tô xuống xe đánh nhau với người ném đá. Hai người ném đá lao vào đánh người áo xanh. Khi đánh nhau thì người đội mũ bảo hiểm dùng đá đánh nhiều lần vào đầu người mặc áo xanh, còn người mặc quần cộc dùng chân đạp, tay cầm gậy giống với cây gậy của người áo xanh đã chặt lúc trước đánh vào đầu người áo xanh. Khi hai bố con đi khỏi thì có anh Cg đi xe ô tô đến đưa người áo xanh đi viện. Chị đã lấy điện thoại di động ghi video và giao nộp cho Cơ quan Công an huyện chiếc thẻ nhớ lưu đoạn video.

Tại biên bản ghi lời khai, người làm chứng Đàm Thị Hồng H trình bày: Ngày hôm đó, H thấy có hai người đi xe mô tô đến chiếc ô tô đang đỗ, người ngồi sau xe mô tô xuống xe cầm đá ném vào trong xe ô tô, còn người lái xe mô tô cầm mũ bảo hiểm ném vào xe ô tô, sau đó hai người tiếp tục ném đá vào xe ô tô. Người lái xe ô tô mặc áo xanh xuống xe cầm theo gậy đánh hai người ném đá. Người đội mũ bảo hiểm cầm đá đập vào đầu người áo xanh, còn người không đội mũ bảo hiểm cầm cây đánh và dùng đá đánh nhiều lần vào đầu người mặc áo xanh, sau đó vật đè người áo xanh. Khi có bác Ch xuống can ngăn thì người đội mũ bảo hiểm đi lên gara ô tô gần đó còn người không đội mũ bảo hiểm đi lấy xe thì người áo xanh có giật cây mía của Q đuổi theo xe mô tô thì bị ngã xuống đường. Sau đó có xe ô tô tải đi đến đưa người mặc áo xanh đi cấp cứu.

Tại biên bản ghi lời khai, người làm chứng, Đàm Anh Q trình bày: Ngày xảy ra đánh nhau thì Q có chăn trâu và thấy mấy người đánh nhau, và họ dùng đá đánh nhau khiến người mặc áo xanh bị chảy máu. Ngoài ra Q không biết gì hơn.

Tại biên bản ghi lời khai, người làm chứng, anh Triệu Văn Đ trình bày: Ngày 15/11/2017 anh có đi theo xe ô tô tải cùng C để đi giao hàng trong huyện N. Khi giao hàng xong thì C cho xe dừng tại cầu C thuộc thôn P, xã L, còn bản thân thì ngủ. Sau đó có hai người đi xe mô tô đến gõ cửa xe và chửi C. Một người ném mũ bảo hiểm vào xe, một người bám vào cửa xe thì C dùng cây gậy chọc ra ngoài thì có người ném đá lần hai vào xe làm vỡ kính xe. C cầm gậy xuống xe và bản thân cũng xuống xe sau đó thì thấy họ đang xô xát và đè C xuống đường nên đã vào can ngăn. Khi họ xô xát thì thấy hai người kia dùng đá và cây đánh liên tiếp vào đầu và người C khiến C bị chảy máu đầu và có vết rách ở trán. Sau đó thì có Nông Mạnh Cg đi xe ô tô đến đưa C đi viện.

Tại biên bản ghi lời khai, người làm chứng, anh Nông Mạnh Cg trình bày: Sáng ngày 15/11/2017 Công ty TNHH T có cho hai xe ô tô tải của công ty đi giao hàng trong huyện N. Trong đó C điều khiển một xe, còn bản thân điều khiển một xe. C có gọi điện hẹn vào nhà Cg chơi. Sau khi vụ xô xát xảy ra thì Cg có đến nơi thì thấy C bị chảy máu đầu nên đã đưa C đi vào viện cấp cứu. Từ trước đó cho đến ngày C bị đánh thì Cg không biết mâu thuẫn giữa họ như thế nào.

Tại biên bản ghi lời khai, người làm chứng, anh Bùi Văn Ch trình bày: Khi thấy có người đánh nhau thì đã xuống can ngăn. Khi đến nơi thì thấy người mặc áo xanh bị đánh. Người cầm gậy vụt vào người áo xanh đang nằm. Khi anh hô lên thì hai người lấy xe mô tô bỏ đi, còn người áo xanh bị chảy máu đầu được đưa đi viện.

Tại biên bản ghi lời khai, người làm chứng, anh Hoàng Văn T trình bày: Khi xảy ra đánh nhau thì anh thấy một người mặc áo đen cộc tay đang can ngăn hai người đánh một người áo xanh. Người đội mũ bảo hiểm đè người mặc áo xanh xuống đường, một người mặc quần ngố cầm cây giống như cây mía đánh vào người mặc áo xanh. Một lúc sau người đội mũ bảo hiểm bỏ chạy, còn người mặc quần ngố lấy xe máy đuổi theo.

Lường Thị Th là vợ Phạm Thanh H, từ khi xảy ra vụ xô xát giữa H với C cho đến ngày mở phiên tòa, chị Th đã bỏ nhà đi khỏi địa phương nên không lấy được lời khai của chị.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đề nghị Tòa án ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tinh thần giữa các bị cáo với bị hại với số tiền là 11.390.000,đ cùng đề nghị của bị hại xét xử các bị cáo đúng quy định của pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N giữ nguyên cáo trạng truy tố đối với các bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S phạm “Tội cố ý gây thương tích”. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999; các Điều 584, 585, 587, 589, 590 của Bộ luật dân sự 2015.

Xử phạt bị cáo: Phạm Thanh H từ 9 tháng đến 12 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18 tháng đến 24 tháng, thời gian chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo; về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bị cáo với người bị hại về việc Phạm Thanh H có trách nhiệm bồi thường số tiền 11.390.000,đ cho bị hại; buộc bị cáo H phải liên đới bồi thường số tiền 200.000,đ cho Công ty TNHH T. Bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm, dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Xử phạt bị cáo: Phạm Ngọc S từ 6 tháng đến 9 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 tháng đến 18 tháng, thời gian chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo; ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bị cáo với người bị hại về việc Phạm Thanh H có trách nhiệm bồi thường số tiền 11.390.000,đ cho bị hại, S không phải hoàn trả phần bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho H; buộc bị cáo S phải liên đới bồi thường số tiền 200.000,đ cho Công ty TNHH T. Bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm, dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Ghi nhận sự tự nguyện của Hoàng Văn C về việc bồi thường số tiền 800.000,đ cho Công ty TNHH T. Hoàng Văn C phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Nguyên đơn dân sự phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu đòi bồi thường không được chấp nhận.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 của BLHS năm 1999 và Điều 106 của BLTTHS năm 2015.

- Tịch thu tiêu hủy: 01 hòn đá có kích thước 0,1mx0,11mx0,1m; 01 hòn đá có kích thước 0,08mx0,1mx0,09m; 01 hòn đá có kích thước chỗ dài nhất là 0,135m, dày nhất là 0,075m; 01 mẩu gạch có kích thước 0,05mx0,07mx0,05m; 01 đoạn cây bằng gỗ có chiều dài 0,78m, chu vi trung bình là 0,085m; 01 đoạn cây mía có chiều dài 0,72m.

- Tịch thu hóa giá sung Ngân sách Nhà nước: 01 chiếc mũ bảo hiểm nhãn hiệu SPORT HELMET;

- Trả lại cho Phạm Thanh H: 01 chiếc mũ bảo hiểm có chữ “NhuY”; 01 áo sơ mi cộc tay có nhiều họa tiết sọc trắng, đen;

- Trả lại cho Hoàng Văn C: 01 chiếc áo phông màu xanh cộc tay có dòng chữ: CHEVROLET.

- Trả lại cho chị Nguyễn Thị Nh: 01 chiếc thẻ nhớ điện thoại;

- Trả lại cho Phạm Ngọc S: 01 đôi dép tông cao su màu đen;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên Cơ quan điều tra Công an huyện N, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện N, trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Tại phiên tòa nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan và những người làm chứng vắng mặt. Những người tham gia tố tụng có mặt và Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng tiếp tục xét xử vắng mặt họ. Hội đồng xét xử xét thấy: nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan và những người làm chứng vắng mặt. Yêu cầu và lời khai của những người vắng mặt đã có trong hồ sơ vụ án. Việc vắng mặt họ không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 292, khoản 1 Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự và những người làm chứng tại phiên tòa là hợp pháp.

[2] Về trách nhiệm hình sự: Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan Điều tra, lời khai của bị hại, các đương sự, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Do vậy, có đủ cơ sở kết luận: Do H nghi ngờ Hoàng Văn C có quan hệ nam nữ bất chính với vợ mình là chị Lường Thị Th nên giữa H và C nhiều lần cãi vã, thách thức nhau qua điện thoại. Khoảng 14 giờ 16 phút ngày 15/11/2017 C gọi điện thoại cho H thì hai người lại xảy ra cãi vã, thách thức nhau. Sau khi nghe C nói địa điểm, Phạm Thanh H bảo con trai là Phạm Ngọc S điều khiển xe mô tô chở H đến chỗ C. H đứng dưới đất nói chuyện với C đang ngồi ở ghế lái thì hai bên to tiếng và cãi nhau. H đặt tay vào cánh cửa xe thì C lấy gậy chuẩn bị sẵn cất ở sau ghế lái, chọc ra ngoài nhiều lần về phía H. Sau đó bị H và S ném mũ bảo hiểm, đá vào trong ca bin xe ô tô. Sau đó, C cầm theo 01 đoạn gậy mở cửa xuống xe đánh nhau với H và S. Trong lúc xô xát thì H và S đã dùng đá và gậy để đánh C. Khi S và H về thì anh Nông Mạnh Cg đến đưa C đi cấp cứu, điều trị tại Trung tâm y tế huyện N. Ngày 23/11/2017 Hoàng Văn C có đơn đề nghị giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật và tại phiên tòa anh C vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi tố vụ án và khai nhận 02 vết thương tại khuỷu tay phải và trái là do C bị ngã khi kéo xe mô tô của S mà không phải là do bị H và S gây ra. Căn cứ vào Bản kết luận giám định pháp y số 3593/C54-TT1 ngày 10/7/2018 của Viện khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an đã kết luận, thì tỷ lệ thương tật của C do các bị cáo gây ra là 5% không ảnh hưởng chức năng.

Hành vi nêu trên của Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S đã phạm vào “Tội cố ý gây thương tích”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều luật có nội dung: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật... dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm...”

Xét về tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là ít nghiêm trọng. Khi phạm tội, các bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, trực tiếp xâm phạm vào sức khỏe của người khác được Luật hình sự bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Xét về vai trò của các bị cáo trong vụ án: Khi xảy ra xô xát giữa H với C, S là con trai của H đã tham gia vào đánh C. Trước khi đi đến địa điểm của C thì H và S không có bàn tính trước với nhau. Do vậy, trong vụ án này Phạm Thanh H giữ vai trò chính và là người thực hiện, còn Phạm Ngọc S là người giúp sức.

Xét về nhân thân: Các bị cáo có nhân thân tốt; tiền án, tiền sự: không.

Xét về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; trong vụ án thì bị hại cũng có lỗi nên cùng được hưởng 03 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của bộ luật hình sự năm 1999; các bị cáo không có tình tiết tăng nặng; bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xét xử đối với các bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tổng hợp các tình tiết của vụ án, Hội đồng xét xử xét thấy: Các bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo khỏi xã hội; áp dụng Điều 60 của BLHS năm 1999, xử phạt tù các bị cáo tương ứng với vai trò của từng bị cáo và cho hưởng án treo, để cải tạo, giáo dục các bị cáo tại địa phương dưới sự giám sát, giáo dục của Chính quyền địa phương và gia đình mà vẫn đảm bảo mục đích giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung.

Đối với Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S trong lúc đánh nhau cũng bị Hoàng Văn C dùng gậy và đá đánh vào người, nhưng H, S không đến cơ sở y tế nào để khám, điều trị và cũng không có yêu cầu gì. Do đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra không xem xét xử lý đối với Hoàng Văn C là có căn cứ.

[3] Về trách nhiệm dân sự:

- Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Tại phiên tòa, các bị cáo và người bị hại đã tự nguyện thỏa thuận mức bồi thường và nghĩa vụ liên đới, do vậy Hội đồng xét xử xét thấy cần ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bị cáo với người bị hại và không đặt vấn đề xem xét mức độ lỗi của từng bị cáo và bị hại. Trên cơ sở đó, Buộc Phạm Thanh H phải có trách nhiệm bồi thường cho Hoàng Văn C số tiền 11.390.000,đ. Phạm Ngọc S không phải hoàn trả phần bồi thường thiệt hại sức khỏe và tinh thần cho H mà H đã bồi thường thay cho S.

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: Tại đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản, nguyên đơn dân sự yêu cầu Hoàng Văn C bồi thường thiệt hại cho chiếc gương chiếu hậu bị vỡ là 800.000,đ; H phải bồi thường cho kính cửa xe ô tô bị vỡ số tiền 2.000.000,đ, nhưng không cung cấp các tài liệu liên quan đến yêu cầu bồi thường. Tại phiên tòa Hoàng Văn C chấp nhận bồi thường 800.000,đ cho Công ty TNHH T; các bị cáo không chấp nhận bồi thường. Hội đồng xét xử xét thấy cần ghi nhận sự tự nguyện của Hoàng Văn C, đồng thời căn cứ vào Bản kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện N và hành vi ném đá của các bị cáo lên ca bin xe ô tô, để chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty TNHH T, buộc:

- Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S, mỗi bị cáo phải liên đới bồi thường 200.000,đ cho Công ty TNHH T;

- Ghi nhận sự tự nguyện bồi thường số tiền 800.000,đ cho Công ty TNHH T của Hoàng Văn C;

Không chấp nhận phần yêu cầu đòi bồi thường số tiền 1.600.000,đ tiền công lắp kính cửa xe ô tô và thời gian tạm giữ xe của Công ty TNHH T đối với Phạm Thanh H.

[4] Chấp nhận yêu cầu của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho bị hại: Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của bị hại với các bị cáo về việc Phạm Thanh H có trách nhiệm bồi thường số tiền 11.390.000,đ cho Hoàng Văn C và yêu cầu xét xử các bị cáo đúng quy định của pháp luật.

[5] Đánh giá về quan điểm truy tố, đề nghị của Kiểm sát viên: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N tại phiên tòa giữ nguyên quyết định truy tố như nội dung bản cáo trạng là có căn cứ. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 của bộ luật hình sự năm 1999; các Điều 584, 585, 587, 589, 590 của bộ luật dân sự 2015 để đề nghị tuyên bố các bị cáo phạm “Tội cố ý gây thương tích” và mức hình phạt tù cho hưởng án treo áp dụng đối với từng bị cáo; trách nhiệm dân sự của các bị cáo đối với bị hại và nguyên đơn dân sự; trách nhiệm dân sự của bị hại đối với nguyên đơn dân sự; biện pháp xử lý vật chứng và án phí hình sự của các bị cáo, án phí dân sự của các bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự của Kiểm sát viên là hợp pháp.

[6] Về xử lý vật chứng:

- 03 hòn đá, 01 mẩu gạch; 01 đoạn cây bằng gỗ; 01 đoạn cây mía là công cụ, phương tiện phạm tội cần tịch thu tiêu hủy.

- 01 chiếc mũ bảo hiểm nhãn hiệu SPORT HELMET của Phạm Ngọc S là công cụ, phương tiện phạm tội cần tịch thu, hóa giá sung Ngân sách Nhà nước.

- 01 chiếc mũ bảo hiểm có chữ “NhuY “; 01 áo sơ mi cộc tay có nhiều họa tiết sọc trắng, đen của Phạm Thanh H không liên quan đến tội phạm cần trả lại cho chủ sở hữu;

- 01 chiếc áo phông màu xanh cộc tay có dòng chữ: CHEVROLET là áo của Hoàng Văn C không liên quan đến tội phạm cần trả lại cho chủ sở hữu.

- 01 chiếc thẻ nhớ điện thoại của chị Nguyễn Thị Nh không liên quan đến tội phạm cần trả lại cho chủ sở hữu;

- 01 đôi dép tông cao su màu đen của Phạm Ngọc S không liên quan đến tội phạm cần trả lại cho chủ sở hữu;

Số lượng, tình trạng, đặc điểm vật chứng theo biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Huyện với Chi cục thi hành án dân sự huyện N lập ngày 13/11/2018.

[6] Về án phí: các bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm; ngoài ra các bị cáo còn phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 104; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 của bộ luật hình sự năm 1999; các Điều 288, 584, 585, 587, 589, 590 của bộ luật dân sự 2015.

[1] Về tội phạm: Tuyên bố các bị cáo Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S phạm “Tội cố ý gây thương tích”.

[2] Về hình phạt:

Xử phạt:

- Phạm Thanh H 09 (chín) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (mười tám) tháng, thời hạn chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 16/11/2018).

- Phạm Ngọc S 06 (sáu) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng, thời hạn chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 16/11/2018).

Giao các bị cáo Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S cho UBND thị trấn Y, huyện N, tỉnh B giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 16/11/2018). Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

[3] Về trách nhiệm dân sự:

Ghi nhận sự tự nguyện của bị hại và các bị cáo, buộc:

- Phạm Thanh H phải bồi thường số tiền 11.390.000,đ (mười một triệu ba trăm chín mươi nghìn đồng) cho Hoàng Văn C. Phạm Ngọc S không phải hoàn trả phần bồi thường thiệt hại sức khỏe và tinh thần cho H.

- Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S, mỗi bị cáo phải bồi thường 200.000,đ (hai trăm nghìn đồng) cho Công ty TNHH T.

- Hoàng Văn C phải bồi thường cho Công ty TNHH T số tiền 800.000,đ (tám trăm nghìn đồng).

Không chấp nhận một phần yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại tài sản của Công ty TNHH T đối với Phạm Thanh H với số tiền 1.600.000,đ (một triệu sáu trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, khoản tiền phải thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự 2015.

[4] Về vật chứng: Áp dụng Điều 41 của BLHS năm 1999 và Điều 106 của BLTTHS năm 2015.

- Tịch thu tiêu hủy: 03 hòn đá; 01 mẩu gạch; 01 đoạn cây bằng gỗ; 01 đoạn cây mía.

- Tịch thu hóa giá sung Ngân sách Nhà nước 01 chiếc mũ bảo hiểm nhãn hiệu SPORT HELMET;

- Trả lại cho Phạm Thanh H 01 chiếc mũ bảo hiểm có chữ “NhuY”; 01 áo sơ mi cộc tay;

- Trả lại cho Hoàng Văn C 01 chiếc áo phông Cộc tay có dòng chữ: CHEVROLET.

- Trả lại cho chị Nguyễn Thị Nh: 01 chiếc thẻ nhớ điện thoại;

- Trả lại cho Phạm Ngọc S: 01 đôi dép tông cao su;

Số lượng, tình trạng, đặc điểm vật chứng theo biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Huyện với Chi cục thi hành án dân sự huyện N lập ngày 13/11/2018.

[5] Về án phí: áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngay 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Về án phí hình sự sơ thẩm: buộc Phạm Thanh H và Phạm Ngọc S mỗi bị cáo phải chịu 200.000,đ (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Về án phí dân sự sơ thẩm, buộc:

- Phạm Thanh H phải chịu 869.500,đ (tám trăm sáu mươi chín nghìn năm trăm đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm (Trong đó có 569.500,đ tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với khoản tiền bồi thường cho Hoàng Văn C và 300.000,đ tiền án phí đối với khoản tiền bồi thường cho Công ty TNHH T).

- Phạm Ngọc S phải chịu 300.000,đ (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Hoàng Văn C phải chịu 300.000,đ (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Công ty TNHH T phải chịu 300.000,đ (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

[6] Quyền kháng cáo: Án xử công khai sơ thẩm có mặt các bị cáo, người bị hại; vắng mặt nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan. Các bị cáo và bị hại có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười năm) ngày kể từ ngày tuyên án. Nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan vắng mặt, có quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết công khai tại Trụ sở UBND xã, phường nơi họ cư trú.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự; người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

329
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 32/2018/HS-ST ngày 16/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:32/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Na Rì - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về