Bản án 32/2019/DS-PT ngày 23/07/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 32/2019/DS-PT NGÀY 23/07/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Trong các ngày 18 tháng 7 và 23 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 06/2018/TLPT-DS ngày 12 tháng 3 năm 2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DS-ST ngày 29/01/2018 của Toà án nhân dân huyện T bị kháng cáo và bị kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 27/2019/QĐXX-PT ngày 18 tháng 6 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Đặng Văn Th - Sinh năm 1979.

Địa chỉ: Số 10/406 đường Đ, phường B, thành phố H (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

-Ông Nguyễn Kiều Đ - Luật sư Văn phòng luật sư A - Đoàn luật sư tỉnh Hải Dương (Vắng mặt).

Địa chỉ: 15A đường H, thành phố H, tỉnh Hải Dương.

-Ông Nguyễn Văn B - Luật sư Công ty TNHH T - Thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Địa chỉ: 104C, ngõ 76, đường K, phường V, quận B, thành phố Hà Nội (Có mặt tại phiên tòa, vắng mặt khi tuyên án).

2. Bị đơn: Anh Vũ Duy Q - Sinh năm 1983.

Địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Hải Dương (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:

-Ông Trần Văn L, Luật sư của công ty TNHH V - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Địa chỉ: P504, Tòa nhà G- D10 Giảng Võ, quận B, thành phố Hà Nội (Có mặt).

 -Ông Nguyễn Văn Th, Luật sư của công ty TNHH H, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Địa chỉ: Tầng 3, tòa nhà nhà 243, đường G, phường M, Quận Đ, thành phố Hà Nội (Có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Nguyễn Thị Y - Sinh năm 1982

Địa chỉ: Số 10/406 đường Đ, phường B, thành phố H ( Có mặt tại phần tranh luận, vắng mặt khi tuyên án).

4. Người làm chứng:

Bà Nguyễn Thị H - Sinh năm 1939 (Vắng mặt).

Chị Nguyễn Thị B - Sinh năm 1985 (Vắng mặt).

Đều ở địa chỉ: Thôn N, xã K, huyện T, tỉnh Hải Dương.

Anh Nguyễn Đình K - Sinh năm 1979 ( Có mặt).

Địa chỉ: Lô 74.10, số nhà 78 đường Trần Nguyên Đ, phường B, thành phố H, tỉnh Hải Dương.

5. Người kháng cáo: Anh Đặng Văn Th.

6. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

*Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản lấy lời khai và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn anh Đặng Văn Th trình bày:

Anh Đặng Văn Th và anh Vũ Duy Q là bạn chơi thân với nhau. Từ năm 2010 anh Th đã cho anh Q vay tiền để kinh doanh thuốc thú y, hai bên đều không viết giấy vay, nhận nợ và các khoản vay nợ đều được thanh toán đúng hạn và xong trước năm 2012. Từ giữa năm 2012 đến tháng 6/2013 anh Th cho anh Q vay 03 lần tiền với tổng số tiền là 2.230.000.000đ (Hai tỉ hai trăm ba mươi triệu đồng) để anh Q kinh doanh thuốc thú y. Cụ thể: Khoảng tháng 5/2012 anh Th cho anh Q vay số tiền 1.000.000.000đ (Một tỉ đồng), đưa tiền tại quán cà phê trên đường Nguyễn Lương Bằng, thành phố Hải Dương; khoảng tháng 11/2012 anh Th cho anh Q vay số tiền 1.000.000.000đ (một tỉ đồng), đưa tiền tại gia đình anh Th, nguồn tiền trên là do anh Th mượn của anh vợ là Nguyễn Đình K; ngày 23/6/2013 anh Th cho anh Q vay số tiền 230.000.000đ (Hai trăm ba mươi triệu đồng), nguồn tiền là của vợ chồng anh Th. Cả 03 lần cho vay đều không viết giấy biên nhận vay tiền. Thời hạn trả nợ hai bên thỏa thuận đến cuối năm 2013 anh Q sẽ trả hết tổng số tiền 2.230.000.000đ (Hai tỉ hai trăm ba mươi triệu đồng). Tiền lãi hai bên thỏa thuận khi thanh toán, anh Th tính lãi của số tiền gốc 2.000.000.000đ bao nhiêu thì anh Q sẽ trả bấy nhiêu. Còn số tiền 230.000.000đ không tính lãi. Toàn bộ số tiền trên anh Th không nói cho vợ là chị Nguyễn Thị Y biết. Đến tháng 8/2013 anh Th mới nói cho chị Y biết về các khoản nợ trên của anh Q.

Ngày 23/8/2013 chị Y đã gọi anh Q đến nhà mẹ đẻ của anh Th ở thôn N, xã K, huyện T, tỉnh Hải Dương để hỏi việc anh Th cho anh Q vay tiền. Tại đây, anh Q đã thừa nhận vay số tiền 2.230.000.000đ, hai bên viết giấy nhận nợ dưới sự chứng kiến của anh K và hẹn trong vòng 3 tháng từ ngày 01/9/2013 đến 31/12/2013 sẽ trả hết số tiền 230.000.000đ, số tiền 2.000.000.000đ hẹn đến ngày 15/01/2014 sẽ trả hết. Đến ngày 29/12/2013 anh Q đã trả được 30.000.000đ, một tháng sau anh Q trả tiếp 40.000.000đ. Còn lại số tiền 2.160.000.000đ cho đến nay anh Q chưa thanh toán hết. Anh Th khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân huyện T giải quyết buộc anh Vũ Duy Q:

-Trả anh Đặng Văn Th số tiền 2.000.000.000đ (Hai tỉ đồng) là nguồn tiền anh Th đi vay của anh K.

-Trả anh Đặng Văn Th, chị Nguyễn Thị Y số tiền 160.000.000đ (Một trăm sáu mươi triệu đồng). Không tính lãi suất.

*Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai của bị đơn anh Vũ Duy Q trình bày: Khoảng tháng 5, tháng 6 năm 2011 anh Q có vay của anh Th số tiền 100.000.000đ (một trăm triệu đồng), anh Q có ký nhận vào sổ của anh Th. Đến khoảng tháng 10, tháng 11 năm 2011 anh Q vay tiếp của anh Th số tiền 130.000.000đ (một trăm ba mươi triệu đồng), không ghi sổ và được anh Th đưa tiền tại chân cầu Cất, thành phố Hải Dương. Tổng hai lần là 230.000.000đ (Hai trăm ba mươi triệu đồng). Sau đó anh Th thông báo lãi suất là 1.500đ/1triệu/ngày. Đến khoảng tháng 8/2013 chị Y là vợ anh Th có gọi điện cho anh Q hẹn gặp tại quán cà phê Hoa Ly trên đường M kéo dài, thành phố H để viết giấy nhận nợ. Khi anh Q ra quán cà phê đã thấy vợ chồng anh Th, chị Y ngồi ở đó trước, chị Y đưa cho anh Q một tờ giấy và bút viết, sau đó chị Y lấy lại và viết giấy nhận nợ đưa cho anh Q, anh Q đọc thấy không hợp lý nên bảo chị Y viết lại bằng tờ giấy khác. Sau khi chị Y viết xong anh Q đọc và ký vào giấy nhận nợ và bảo chị Y viết thêm một tờ nữa để mỗi người giữ một bản nhưng chị Y cầm giấy và bảo đi vệ sinh rồi ra khỏi quán bắt xe taxi ra về, anh Q đuổi theo nhưng không kịp. Khi anh Q quay vào quán thì anh Th cũng đứng dậy ra về. Khoảng 10 ngày sau đó chị Y gọi điện đòi anh Q phải trả 600.000.000đ, anh Q không đồng ý mà chỉ đồng ý trả tiền gốc là 230.000.000đ, tiền lãi là 220.000.000đ, chị Y không ý kiến gì. Đến khoảng 1 tuần sau chị Y thông báo phải trả cho anh Th, chị Y số tiền 900.000.000đ và nhờ nhiều người gọi điện thoại đe dọa anh Q, anh Q gọi điện cho chị Y nói chỉ đồng ý trả tổng cả gốc và lãi là 450.000.000đ (Bốn trăm năm mươi triệu đồng) nhưng chị Y không đồng ý. Tháng 9/2013 anh Q trả cho anh Th hai lần với tổng số tiền là 70.000.000đ (Bảy mươi triệu đồng), còn lại 160.000.000đ chưa trả hết.

Nay anh Th khởi kiện, anh Q chỉ chấp nhận trả số tiền thực tế vay còn lại của anh Th, chị Y là 160.000.000đ. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện trả số tiền 2.000.000.000đ. Vì: Thực tế anh Q chỉ vay số tiền 230.000.000đ và viết giấy nhận nợ với số tiền trên. Còn giấy nhận nợ do anh Th cung cấp đã có dấu hiệu viết thêm chữ “còn”, chữ “tiếp” và dòng chữ “số tiền còn lại 2.000.000.000 (hai tỉ) vay trước đó (không ghi biên nhận) tôi trả vào 15/01/2014” là do chị Y viết thêm vào giấy nhận nợ sau khi anh Q đã ký.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị Y trình bày: Tháng 8/2013 chị Y kiểm tiền của gia đình thấy thiếu 230.000.000đ, chị Y hỏi anh Th xem số tiền hiện ở đâu, anh Th nói đã góp vốn vào công ty thức ăn chăn nuôi P, xã N, thành phố H. Chị Y gặng hỏi thì anh Th nói đã cho anh Q vay số tiền trên để kinh doanh. Đúng lúc vợ chồng đang to tiếng thì anh K là anh trai chị Y đến biết chuyện và hỏi luôn số tiền anh K cho anh Th vay 2.000.000.000đ không viết giấy biên nhận. Chị Y đã liên lạc với anh Q và mời anh Q về nhà mẹ đẻ anh Th ở thôn L, xã K, huyện T để viết giấy nhận nợ và hẹn tối ngày 23/8/2013 hai bên gặp nhau. Đến tối ngày 23/8/2013 có mặt anh Q, anh Th, anh K và anh Q đã thừa nhận vay anh Th 3 lần với tổng số tiền là 2.230.000.000đ, cụ thể số tiền 2.000.000.000đ vay vào năm 2012, số tiền 230.000.000đ vay vào năm 2013. Hai bên đã trao đổi và anh Q hứa từ 01/9/2013 đến 31/12/2013 trả số tiền 230.000.000đ, còn số tiền 2.000.000.000đ hẹn trả vào ngày 15/01/2014, anh Q nói chữ xấu nên để chị Y viết giấy nhận nợ. Quá trình viết giấy nhận nợ, hai bên xác định có hai khoản nợ, anh K nói khoản 230.000.000đ là của vợ chồng chị Y viết một giấy và ưu tiên lấy trước, còn khoản 2.000.000.000đ anh K nói là tiền của anh K nên anh K có trách nhiệm đòi và sẽ viết một tờ giấy nhận nợ khác. Sau đó khi viết gần xong tờ giấy thứ nhất chị Y suy nghĩ rằng khoản tiền này đều do anh Th cho anh Q vay nên anh Q phải có trách nhiệm với anh Th nên chị Y đề nghị thay đổi, không tách ra làm hai giấy mà viết gộp vào một giấy. Mọi người đều nhất trí quan điểm như vậy. Do chị Y suy nghĩ đơn giản nên không hủy giấy thứ nhất và không để ý, không quan tâm tờ giấy đó ai là người cầm, đến sau này mới biết anh Q là người cầm tờ giấy vay nợ lần thứ nhất. Tiếp đó chị Y lại viết giấy vay nợ lần thứ hai thể hiện nội dung gộp hai khoản tiền nợ vào trong một giấy nhận nợ và thông qua để mọi người nghe và ký tên đầy đủ. Đến thời hạn trả nợ, vợ chồng chị Y đã gọi điện, gặp anh Q để đòi tiền nhưng đến cuối năm 2013 và đầu năm 2014 anh Q mới trả được 70.000.000đ, số tiền còn lại cho đến nay anh Q chưa thanh toán hết. Nay anh Th khởi kiện đòi anh Q phải trả tổng số tiền là 2.160.000.000đ chị Y nhất trí yêu cầu khởi kiện trên.

Người làm chứng anh Nguyễn Đình K trình bày: Tháng 5/2012 anh có cho anh Th vay số tiền 1.000.000.000đ (một tỉ đồng) để kinh doanh. Tháng 11/2012 anh K cho anh Th vay tiếp số tiền 1.000.000.000đ (một tỉ đồng). Cả hai lần cho vay đều không viết giấy nhận nợ, không thỏa thuận ngày trả, không tính lãi suất. Đến tháng 8/2013 anh K đến nhà anh Th chơi thấy vợ chồng anh Th to tiếng về việc cho vay tiền, anh K có hỏi số tiền 2.000.000.000đ anh Th đã vay của anh K được sử dụng thế nào, anh Th nói đã cho anh Q vay hết số tiền trên, không có giấy tờ nhận nợ. Nguồn tiền trên là do anh K lấy từ nguồn vốn của công ty, đến năm 2014 anh K lấy tiền vốn của mình và hoãn trả nợ một số khách hàng để lấy số tiền 2.000.000.000đ trả cho công ty. Vào tối ngày 23/8/2013 anh K có xuống gia đình anh Q và chứng kiến việc thỏa thuận nợ giữa anh Th, chị Y với anh Q. Cụ thể, chị Y đưa giấy bút cho anh Q bảo anh Q viết giấy nhận nợ nhưng do chữ anh Q xấu nên anh Q đọc cho chị Y viết. Khi viết tờ giấy nhận nợ thứ nhất với số tiền 230.000.000đ mọi người nói gộp hai khoản nợ vào một giấy cho thuận tiện nên chị Y không viết giấy này và mọi người chưa ai ký vào giấy này. Chị Y viết tiếp tờ giấy nhận nợ thứ hai với nội dung gần giống tờ thứ nhất chỉ khác ở chỗ số tiền 230.000.000đ trả vào cuối năm 2013, còn số tiền 2.000.000.000đ anh Q đề nghị sang năm 2014 thu hồi được nợ mới trả anh Th. Sau khi viết giấy mọi người ký tên và anh K ký với danh nghĩa là người làm chứng. Đối với số tiền 2.000.000.000đ anh K cho anh Th vay thì giữa anh K và vợ chồng anh Th tự giải quyết với nhau nên không đề nghị Tòa án giải quyết.

Người làm chứng bà Nguyễn Thị H trình bày: Về quan hệ gia đình, anh Th là con trai và chị Y là con dâu bà H. Bà H ở một mình nên cứ buổi tối ăn cơm xong là tắt điện đi ngủ và cũng không bao giờ đi chơi ở hàng xóm. Khoảng tháng 8/2013 bà H chưa bao giờ được chứng kiến việc anh Th, anh Q, anh K, chị Y về gia đình bà để nói chuyện hoặc viết giấy vay nợ, bà H cũng không chứng kiến việc này nên không biết. Thời gian gần đây vợ chồng anh Th có về chơi thì nói chuyện vay nợ của anh Q, thực tế bà H không biết việc vay nợ như thế nào.

Người làm chứng chị Nguyễn Thị B khai: Chị không quen biết anh Th, chị Y. Có lần có người gọi điện tự xưng là Y hẹn gặp chị tại quán cà phê Hoa Ly ở thành phố H để hai bên nói chuyện về khoản nợ của anh Q. Khi gặp chị Y chỉ bảo chị B về nhà nói với anh Q trả nợ, còn cụ thể nợ bao nhiêu chị Y không nói. Khi chị B hỏi anh Q thì anh Q nói chỉ vay vợ chồng chị Y 230.000.000đ và đã trả được vài chục triệu đồng. Ngoài ra không nợ khoản nào khác. Số tiền nợ trên của anh Q là nợ riêng cá nhân anh Q, không liên quan đến tài sản chung của vợ chồng chị. Bản thân chị B không biết cụ thể khoản nợ giữa anh Q và vợ chồng anh Th thế nào, do vậy đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 02/2018/DS-ST ngày 29/01/2018 của Toà án nhân dân huyện T đã quyết định: Áp dụng Điều 471, 473, 474, 477 của Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 4 Điều 27 của Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Đặng Văn Th và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị Y.

Buộc anh Vũ Duy Q có trách nhiệm thanh toán trả nợ vợ chồng anh Đặng Văn Th chị Nguyễn Thị Y số tiền 160.000.000đ (một trăm sáu mươi triệu đồng).

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Đặng Văn Th về việc đòi anh Vũ Duy Q phải trả số tiền 2.000.000.000đ (Hai tỉ đồng).

3.Về án phí: Buộc anh Vũ Duy Q phải chịu 8.000.000đ (tám triệu đồng) tiền án phí sơ thẩm dân sự theo giá ngạch.

Buộc anh Đặng Văn Th phải chịu 72.000.000đ (bảy mươi hai triệu đồng) tiền án phí sơ thẩm dân sự theo giá ngạch. Đối trừ với số tiền tạm ứng án phí anh Th đã nộp là 37.600.000đ (Ba mươi bảy triệu sáu trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AB/2014/006891 ngày 08/11/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T. Anh Đặng Văn Th còn phải nộp tiếp số tiền án phí là 34.400.000đ (Ba mươi tư triệu bốn trăm nghìn đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về lãi suất, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 08/02/2018 anh Đặng Văn Th kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh. Buộc anh Q phải trả cho anh 2.000.000.000 đồng và không đồng ý cấp sơ thẩm tuyên anh phải chịu 72.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ngày 12/02/2018 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện T ban hành quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Đặng Văn Th, sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc anh Q phải trả cho anh Th tổng số tiền là 2.160.000.000 đồng.

Tại cấp phúc thẩm theo đề nghị của anh Vũ Duy Q, ngày 26/9/2018 Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định trưng cầu giám định các chữ các chữ “ còn”, chữ “ tiếp” và các chữ “số tiền còn lại 2.000.000.000 ( 2 tỷ ) vay trước đó (không ghi biên nhận) tôi trả vào ngày 15/01/2014” có phải được điền thêm vào sau khi văn bản đã được thiết lập hay hoàn thiện hay không. Đồng thời đề nghị giám định các tờ giấy được sử dụng ghi các giấy nhận nợ ngày 23/8/2013 (có chữ ký và không có chữ ký của anh Q) và tờ giấy anh Q sử dụng ghi giấy xác nhận có chữ ký của anh Q và anh Nguyễn Văn Tr có cùng một quyển sổ xé ra hay không? Và cả 3 tờ giấy này có được xé ra từ quyển sổ màu đen do nguyên đơn cung cấp lưu trong hồ sơ vụ án hay không? Tại kết luận giám định số 300/C09- P5 ngày 08/11/2018 của Viện khoa học Hình sự Bộ Công an kết luận:Chữ “ Còn”, chữ “ tiếp” và các chữ “ Số tiền còn lại 2.000.000.000 (hai tỷ) tôi trả vào ngày 15/01/2014 ” là các chữ được viết thêm. Không đủ cơ sở kết luận các mẫu cần giám định ký hiệu A1, A2, A3 có được xé ra từ quyển sổ màu đen ký hiệu A4 hay không.

Tại phiên toà anh Th vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương giữ nguyên nội dung kháng nghị.

Anh Q có quan điểm: Không chấp nhận kháng cáo của anh Th, xác định anh K không chứng kiến việc các bên viết giấy nhận nợ, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm Chị Y có mặt tại phần tranh luận và có quan điểm không chấp nhận kết luận giám định số 300/C09- P5 ngày 08/11/2018 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Đề nghị Hội đồng xét xử giám định lại tại phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng và yêu cầu anh Q phải trả cho chị cả gốc và lãi của số tiền 2.160.000.000 đồng.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Th có quan điểm: Xác định quan hệ thân thiết giữa anh Th và anh Q là có thật, vì nếu không thân thiết thì không có việc anh Th cho anh Q vay số tiền 230.000.000 đồng nhưng không yêu cầu anh Q viết giấy biên nhận. Số tiền 2.230.000.000 đồng mà anh Th cho anh Q vay được thể hiện bằng giấy nhận nợ có chữ ký của các bên. Anh Q chỉ thừa nhận vay anh Th 230.000.000 đồng nhưng lời khai của anh Q có nhiều mâu thuẫn về thời gian vay thể hiện sự thiếu trung thực, không khách quan. Trong quá trình giải quyết vụ án anh Q xuất trình 01 giấy xác nhận của anh Trung nhưng anh Trung lại không nhớ về nội dung cuộc trao đổi giữa anh Th, anh Q và chị Y, không biết được số người tham gia khi viết giấy nhận nợ.Viện khoa học hình sự cũng không xác định được tờ giấy này có được xé ra từ cùng 1 quyển số mà các bên đã xé ra để viết 02 tờ giấy nhận nợ hay không, nên xác nhận này không có giá trị. Bản thân anh Q đã thừa nhận anh Q đọc cho chị Y viết Giấy nhận nợ ( BL 45), nhưng lý giải của anh Q về việc đã đọc chữ Tân Kỳ trong giấy nhận nợ nhưng không có ý kiến gì là mâu thuẫn với các lời khai khác của anh Q trong hồ sơ vụ án. Điều này chứng tỏ địa điểm viết giấy nhận nợ tại Tân Kỳ là đúng. Mặt khác thời điểm đó chị Y đang nằm viện nên không thể đến quán cà phê Hoa Ly để viết giấy nhận nợ. Kết luận giám định số 4468/C54-P4+P5 ngày 18/6/2015 của Viện khoa học hình sự Bộ Công An đã kết luận không đủ cơ sở xác định thời điểm viết của giấy nhận nợ cần giám định. Đối với kết luận giám định số 300/C09- P5 ngày 08/11/2018 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã thể hiện nội dung rất mập mờ và chung chung, không minh bạch, không đúng với yêu cầu của quyết định trưng cầu giám định của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương nên không phải là chứng cứ chứng minh trong vụ án. Nếu có thể đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giám định lại tại cơ quan giám định khác. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của anh Đặng Văn Th, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện T. Sửa án bản sơ thẩm theo hướng buộc anh Q phải trả cho anh Th số tiền 2.160.000.000 đồng.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Q có quan điểm cho rằng các lập luận, phân tích của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Th là phiến diện và không khách quan. Có thể vì thời gian đã lâu nên cũng có những tình tiết nhỏ mà cả nguyên đơn, bị đơn đều không thể nhớ chính xác. Tuy nhiên từ khi vụ án được bắt đầu đến nay anh Q đều luôn luôn khẳng định anh chỉ vay anh Th 230.000.000 đồng. Anh Q đã xuất trình được giấy nhận nợ do chị Y viết, trong đó thể hiện nội dung anh Q vay của anh Th 230.000.000 đồng. Đối với giấy nhận nợ do anh Th xuất trình nếu bỏ các chữ “ còn”, chữ “ tiếp” và các chữ “số tiền còn lại 2.000.000.000 ( 2 tỷ ) vay trước đó ( không ghi biên nhận) tôi trả vào ngày 15/01/2014” thì nội dung của 2 giấy nhận nợ giống nhau. Giấy nhận nợ do anh Th xuất trình có nhiều vấn đề bất thường như về khoảng cách chữ viết không đều nhau. Về địa điểm viết giấy nhận nợ, anh Th và chị Y đều có những lời khai mâu thuẫn, trong khi đó căn cứ vào giấy xác nhận của anh Tr thể hiện địa điểm các bên viết giấy nhận nợ là ở quán cà phê Hoa Ly. Về số tiền 2.000.000.000 đồng anh K cho rằng đã rút từ tiền quỹ của công ty Đ để cho anh Th vay vào năm 2012, trong khi đó theo báo cáo tài chính của công ty Đ năm 2012 thể hiện thời điểm đó công ty đang làm ăn thua lỗ, như vậy là vô lý. Mặt khác thực tế không có căn cứ nào chứng minh anh K cho anh Th vay 2.000.000.000 đồng và cũng không có căn cứ nào chứng minh anh Th đã dùng số tiền 2.000.000.000 đồng của anh K cho vay để đưa cho anh Q. Anh Th khai khi đưa 2.000.000.000 đồng cho anh Q nhưng anh Q không đếm và không ghi giấy biên nhận là không phù hợp với thực tế, vì đây là khoản tiền rất lớn. Theo anh Th thì anh cho anh Q vay số tiền 2.000.000.000 đồng trước, sau đó mới cho anh Q vay tiếp 230.000.000 đồng. Tuy nhiên trong giấy nhận nợ lại ghi số tiền 230.000.000 đồng trước rồi mới đến số tiền 2.000.000.000 đồng sau là không logic và không đúng về trình tự thời gian. Trong giấy nhận nợ chỉ có 1 người duy nhất chứng kiến và ký vào giấy nhận nợ, đó là anh Nguyễn Đình K. Tuy nhiên anh K là anh ruột của chị Y nên việc xác định anh K là người làm chứng là không khách quan. Do thấy rằng giấy nhận nợ do anh Th xuất trình có nhiều vấn đề bất thường nên anh Q đã đề nghị giám định.Tại kết luận số 07/2017/TTTVGDDS ngày 17/5/2017 của Trung tâm tư vấn giám định dân sự đã kết luận “ Văn bản có dấu hiệu viết thêm vào giấy nhận nợ sau khi văn bản được thiết lập, hoàn thiện...”. Tuy nhiên văn bản này không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận. Tại cấp phúc thẩm anh Q tiếp tục có đơn đề nghị giám định. Tại kết luận giám định số 300/C09- P5 ngày 08/11/2018 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã kết luận: Các chữ “ còn”, chữ “ tiếp” và chữ “số tiền còn lại 2.000.000.000 ( 2 tỷ ) tôi trả vào ngày 15/01/2014” là các chữ được viết thêm. Đây là chứng cứ có giá trị pháp lý cao nhất chứng minh thực tế anh Q chỉ vay anh Th 230.000.000 đồng.

Từ phân tích trên có căn cứ xác định anh Q chỉ vay của anh Th 230.000.000 đồng. Anh Q đã trả được 70.000.000 đồng nên chỉ còn nợ anh Th 160.000.000 đồng. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của anh Th, không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện T. Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương có quan điểm:

Về việc tuân theo pháp luật: Từ khi thụ lý đến thời điểm xét xử Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tại phiên toà, Hội đồng xét xử và thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về hướng giải quyết vụ án: Căn cứ giấy nhận nợ đề Tân Kỳ ngày 23/8/2013 có đủ chữ ký của người cho vay, người vay và người làm chứng có nội dung xác định anh Q có vay của anh Th, chị Y số tiền 2.230.000.000 đồng, nên đây là chứng cứ vật chất. Tại kết luận giám định số 4468/C54-P4+P5 ngày 18/6/2015 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã kết luận không đủ cơ sở xác định thời điểm viết của giấy nhận nợ cần giám định. Tại kết luận giám định số 300/C09- P5 ngày 08/11/2018 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận các chữ cần giám định là các chữ viết thêm. Tuy nhiên kết luận số 300/C09- P5 chỉ kết luận các chữ được viết thêm mà không kết luận rõ viết thêm trong thời gian bao lâu, viết thêm cụ thể vào thời gian nào. Như vậy kết luận số 300/C09- P5 không đáp ứng được yêu cầu giám định của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương là: các chữ “ còn”, chữ “ tiếp” và các chữ “số tiền còn lại 2.000.000.000 ( 2 tỷ ) vay trước đó ( không ghi biên nhận) tôi trả vào ngày 15/01/2014” có phải được điền thêm vào sau khi văn bản đã được thiết lập hay hoàn thiện hay không. Trong khi đó tại lời khai của mình anh Th, chị Y cũng xác định: Sau khi viết xong các nội dung về số nợ 230.000.000 đồng trong giấy nhận nợ anh Th, chị Y và anh Q thấy còn số nợ 2.000.000.000 đồng định viết riêng nhưng sau đó đã thống nhất viết thêm vào trong 1 giấy cho tiện thanh toán, nên đã viết thêm vào. Như vậy bản thân nguyên đơn, bị đơn đã thừa nhận việc viết thêm. Tuy nhiên kết luận số 300/C09-P5 không làm rõ được thời gian cụ thể của việc viết thêm để chứng minh ý chí chủ quan của các được sự khi viết thêm, nên không có giá trị là căn cứ pháp lý để giải quyết vụ án. Việc anh Q khai nhận viết giấy nhận nợ số tiền 230.000.000 đồng tại quán cà phê Hoa Ly là không đủ căn cứ. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS ngày 12/02/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện T, chấp nhận kháng cáo của anh Đặng Văn Th. Sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận đơn khởi kiện của anh Th. Buộc anh Q phải trả cho anh Th số tiền còn lại chưa trả là 2.160.000.000 đồng.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên toà, nghe ý kiến trình bày của các bên đương sự, quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về việc xác định người tham gia tố tụng: Trong vụ án này các đương sự tranh chấp về khoản tiền 2.000.000.000 đồng. Anh Q cho rằng anh chỉ vay anh Th 230.000.000 đồng, anh đã trả được 70.000.000 đồng nên hiện tại anh chỉ còn nợ anh Th 160.000.000 đồng. Đối với Giấy nhận nợ do anh Th xuất trình anh Q cho rằng các chữ “ còn”, chữ “ tiếp” và các chữ” số tiền còn lại 2.000.000.000 ( 2 tỷ ) vay trước đó (không ghi biên nhận) tôi trả vào ngày 15/01/2014” là các chữ đã được viết thêm sau khi các bên đã thiết lập Giấy nhận nợ, đây không phải là ý chí của anh, điều này đã được chứng minh bằng kết luận giám định số 300/C09-P5 ngày 08/11/2018 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Đồng thời không chấp nhận anh K là người làm chứng trong việc các bên ký kết văn bản, vì cho rằng khi các bên viết giấy nhận nợ không có anh K chứng kiến.

Về phía anh Th cho rằng nguồn gốc số tiền 2.000.000.000 đồng là do anh vay của anh K sau đó đưa cho anh Q vay, điều này đã được chứng minh bằng giấy nhận nợ có chữ ký của các bên và chữ ký của anh K là người chứng kiến khi các bên thiết lập văn bản. Anh K khai nhận thực tế anh có cho anh Th vay 2.000.000.000 đồng làm 2 lần, do là anh em nên giữa anh và anh Th không viết giấy biên nhận. Nguồn tiền là do anh lấy từ nguồn vốn của công ty Đoàn thành 1,9 tỷ đồng, số tiền còn lại 100.000.000 đồng anh lấy từ tiền riêng của anh và cũng là tài sản chung của vợ chồng anh. Toàn bộ số tiền 2.000.000.000 đồng sau này anh mới biết anh Th đã cho anh Q vay nhưng cũng không có giấy tờ. Việc anh Th, anh Q, chị Y thiết lập giấy nhận nợ được thực hiện sau khi chị Y phát hiện anh Th cho anh Q vay tiền nhưng không thông báo cho chị Y biết, khi đó anh có chứng kiến nên đã ký vào giấy nhận nợ với tư cách là người làm chứng. Bản thân chị Y cũng khai nhận quá trình viết giấy nhận nợ, hai bên xác định có hai khoản nợ, anh K nói khoản 230.000.000đ là của vợ chồng chị Y viết một giấy và ưu tiên lấy trước, còn khoản 2.000.000.000đ anh K nói là tiền của anh K nên anh K có trách nhiệm đòi và sẽ viết một tờ giấy nhận nợ khác. Sau đó khi viết gần xong tờ giấy thứ nhất chị Y suy nghĩ rằng khoản tiền này đều do anh Th cho anh Q vay nên anh Q phải có trách nhiệm với anh Th nên chị Y đề nghị thay đổi, không tách ra làm hai giấy mà viết gộp vào một giấy. Sau đó 2 bên đã thống nhất viết lại giấy nhận nợ khác và trong đó ghi gộp cả 2 khoản nợ vào trong cùng 1 giấy nhận nợ, anh Th, anh Q đã ký vào biên bản. Anh K ký với tư cách là người làm chứng. Tại Giấy nhận nợ do anh Th xuất trình có chữ ký của anh K với tư cách là người làm chứng. Do vậy Tòa án cấp sơ thẩm xác định anh K tham gia với tư cách là người làm chứng là có căn cứ.

[2] Trong vụ án này mặc dù giữa nguyên đơn, bị đơn có mâu thuẫn về việc xác định khoản tiền vay nhưng đều có chung 1 quan điểm đó là, xác định khoản tiền anh Th cho anh Q vay để anh Q sử dụng vào mục đích kinh doanh của công ty. Các lời khai của anh Q tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều khẳng định anh vay số tiền 230.000.000 đồng để phục vụ việc làm ăn kinh doanh của công ty, ngoài ra không có mục đích nào khác. Khoản vay này đã được hạch toán và thông báo cho Hội đồng quản trị của công ty ( BL 683, 801). Tại phiên tòa sơ thẩm anh Q xác định công ty nơi anh Q làm việc là Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y Royanlvet có 03 cổ đông. Anh Q là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Công ty và 02 cổ đông khác là anh Nguyễn Bá P và anh Hoàng Xuân T. Thời điểm trước đó còn có anh G và anh C. Anh Q khẳng định năm 2011 số tiền vay anh Th được nhập vào tài khoản tại Ngân hàng (BL 681). Về phía anh Th cũng khai nhận khi cho anh Q vay số tiền 2.230.000.000 đồng thì anh Q đều nói vay tiền để sử dụng vào mục đích kinh doanh. Như vậy cần xác định Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y Rt là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y R vào tham gia tố tụng, không lấy lời khai của các cổ đông của công ty, không xác minh tài khoản của công ty R tại Ngân hàng để làm rõ nội dung này là thiếu sót.

Đây là những thiếu sót của Tòa án sơ thẩm mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do vậy để đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự thì cần phải hủy bản án sơ thẩm để trả hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ sơ thẩm.

[3] Do hủy án bản án sơ thẩm nên phần nội dung cũng như các yêu cầu khác của các bên đương sự, về khoản tiền chi phí giám định sẽ được xem xét khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

[4] Do hủy bản án sơ thẩm nên anh Th không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

 Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 3 Điều 148; khoản 3 Điều 308; Khoản 1 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Xử:

1.Xử: Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DS-ST ngày 29/01/2018 của Toà án nhân dân huyện T. Chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện T giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2.Về án phí dân sự phúc thẩm: Anh Đặng Văn Th không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả anh Th 300.000đ tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm anh Th đã nộp theo biên lai thu số AA/2016/0003074 ngày 09/2/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

250
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 32/2019/DS-PT ngày 23/07/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:32/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về