Bản án 33/2019/DS-PT ngày 14/01/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 33/2019/DS-PT NGÀY 14/01/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Vào các ngày 11 và 14 tháng 01 năm 2019 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 587/2018/TLPT-DS ngày 19 tháng 11 năm 2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 1935/DS-ST ngày 28 tháng 9 năm 2018 củaTòa án nhân dân quận Y bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 6178/2018/QĐPT-DSngày 18 tháng 12 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Dương Thị M, sinh năm 1976; cư trú tại: Đường A, xã C, huyện D1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Bà Phạm Chu Trang Đ, sinh năm 1966; cư trú tại: Đường E, Phường G, quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Đỗ Hải B, sinh năm 1974; cư trú tại: Đường I, Phường K, Quận L1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Giấy ủy quyền ngày 21/10/2013).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Ông Phùng Văn D, sinh năm 1961; cư trú tại: Đường E, Phường G, quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của ông D: Bà Nguyễn Lan O, sinh năm 1978; cư trú tại: Đường M1, Phường N, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Giấy ủy quyền ngày 14/9/2017).

2/ Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1969; cư trú tại: Đường A, xã C, huyện D1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của ông L: Bà Dương Thị M, sinh năm 1976; cư trú tại: Đường A, xã C, huyện D1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Giấy ủy quyền ngày 20/9/2017).

- Người kháng cáo: bà Dương Thị M là nguyên đơn, bà Phạm Chu Trang Đ là bị đơn và ông Phùng Văn D là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 18 tháng 02 năm 2011, các bản tự khai, biên bản hòa giải, bà Dương Thị M là nguyên đơn trình bày: Ngày 11/3/2010, bà cho bà Phạm Chu Trang Đ vay 800.000.000 (Tám trăm triệu) đồng, có làm hợp đồng vay, thời hạn vay là 06 tháng từ ngày 11/3/2010 đến ngày 11/9/2010, không quy định trả tiền lãi.

Ngày 22/4/2010, bà M cùng chồng là ông Nguyễn Văn L tiếp tục cho bà Đ vay số tiền là 1.100.000.000 (Một tỷ một trăm triệu) đồng có làm hợp đồng vay tiền, ký tại trụ sở Văn phòng công chứng Nguyễn Thị T với lãi suất tính theo lãi suất có kỳ hạn (12 tháng) của Ngân hàng X tại thời điểm thanh toán. Số tiền vay được tính lãi giảm dần mỗi năm sau khi trừ số tiền góp mỗi năm tính trên số dư thực tế, phương thức thanh toán như sau:

Ngày 22/6/2011 thanh toán 200.000.000 đồng; Ngày 23/6/2012 thanh toán 200.000.000 đồng; Ngày 24/6/2013 thanh toán 200.000.000 đồng; Ngày 25/6/2014 thanh toán 200.000.000 đồng; Ngày 26/6/2015 thanh toán 200.000.000 đồng; Ngày 27/6/2016 thanh toán 100.000.000 đồng.

Trong quá trình vay từ 11/3/2010 đến tháng 4/2018 bà Trang Đ đã trả tiền lãi cho bà được 1.413.600.000 đồng chuyển qua các tài khoản:

+ A3 là: 1.307.600.000 đồng ;

+ Ngân hàng A1 là: 42.000.000 đồng;

+ Ngân hàng A2 là : 64.000.000 đồng;

Bà M yêu cầu bà Phạm Chu Trang Đ và chồng là ông Phùng Văn D phải liên đới trả cho bà M và ông L số tiền vay của 02 hợp đồng như sau :

+ Hợp đồng vay ngày 11/3/2010, với số tiền bà Đ phải thanh toán tổng cộng là 1.382.000.000 đồng, gồm: tiền vốn là 800.000.000 đồng, tiền lãi là 582.000.000 đồng tạm tính từ ngày 12/3/2010 đến ngày 12/4/2018.

+ Hợp đồng vay ngày 22/4/2010 với số tiền bà Đ phải thanh toán tổng cộng là 1.892.000.000 đồng gồm tiền vốn là 1.100.000.000 đồng, tiền lãi là 792.000.000 đồng tạm tính từ ngày 23/4/2010 đến ngày 23/4/2018.

Tổng cộng là 1.860.400.000 (Một tỷ tám trăm sáu mươi triệu bốn trăm nghìn) đồng, trả làm một lần khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ông Đỗ Hải B là đại diện theo ủy quyền của bị đơn Phạm Chu Trang Đ trình bày: Xác nhận ngày 11/3/2010, bà Phạm Chu Trang Đ có vay của bà Dương Thị M số tiền là 800.000.000 (Tám trăm triệu) đồng, có làm hợp đồng vay tiền với thời hạn vay là 06 tháng từ ngày 11/3/2010 đến ngày 11/9/2010, không quy định trả tiền lãi.

Ngày 22/4/2010, bà Đ tiếp tục vay của bà M số tiền là 1.100.000.000 (Một tỷ một trăm triệu) đồng, có làm hợp đồng vay tiền được ký kết tại phòng công chứng Nguyễn Thị T với lãi suất tính theo lãi suất của ngân hàng X, thời hạn vay tính từ 22/4/2010 đến ngày 27/6/2016. Quá trình vay tiền bà Phạm Chu Trang Đ đã thanh toán cho bà M số tiền vốn của hợp đồng vay tiền ngày 22/4/2010 tổng cộng là 1.413.600.000 đồng tại 03 ngân hàng đó là:

+ Ngân hàng A3 là: 1.307.600.000 đồng;

+ Ngân hàng A1 là: 42.000.000 đồng;

+ Ngân hàng A2 là: 64.000.000 đồng.

Do hợp đồng vay tiền ngày 11/3/2010 không thỏa thuận về lãi nên bà Đ chỉ thanh toán tiền nợ gốc cho bà M là 800.000.000 đồng. Từ khi bà Đ vay tiền của bà M đến nay bà Đ đã thanh toán cho bà M tiền nợ của hợp đồng ngày 22/4/2010 là 1.413.600.000 (Một tỷ bốn trăm mười ba triệu sáu trăm nghìn) đồng, trong đó số tiền nợ gốc là 1.100.000.000 (Một tỷ một trăm triệu) đồng và một phần tiền lãi là 313.600.000 (Ba trăm mười ba triệu sáu trăm nghìn) đồng. Bà Đ không có chứng cứ chứng minh trong số tiền đã trả cho bà M có 1.100.000.000 (Một tỷ một trăm triệu) đồng là trả nợ gốc. Hiện nay bà Đ chỉ còn nợ là 1.300.000.000 (Một tỷ ba trăm triệu) đồng, gồm: 800.000.000 (Tám trăm triệu) đồng là tiền vốn của hợp đồng vay ngày 11/3/2010 + 500.000.000 (Năm trăm triệu) đồng là tiền lãi của hợp đồng vay tiền ngày 22/4/2010. Số tiền này sẽ được thanh toán một lần khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Bà Nguyễn Lan O là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày: Bà Phạm Chu Trang Đ vay tiền của bà Dương Thị M theo 02 hợp đồng vay tiền ngày 11/3/2010 và ngày 22/4/2010 với số tiền vay tổng cộng là 1.900.000.000 (Một tỷ chín trăm triệu) đồng thì ông D không biết, không liên quan. Do đó, ông D không đồng ý chịu trách nhiệm liên đới cùng với bà Phạm Chu Trang Đ trả nợ cho bà M, ông L.

Bà Dương Thị M đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày: Số tiền của bà Dương Thị M cho bà Phạm Chu Trang Đ vay theo 02 hợp đồng vay tiền ngày 11/3/2010 và ngày 22/4/2010 với số tiền tổng cộng là 1.900.000.000 (Một tỷ chín trăm triệu) đồng. Số tiền này là tài sản chung của hai vợ chồng. Nay, ông L yêu cầu bà Đ và ông D liên đới phải trả số tiền còn nợ cho ông L và bà M, số tiền này thanh toán một lần khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Tại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 57/2011/QĐ- BPKCTT ngày 21/4/2011; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số số 97/2011/QĐ-BPKCTT ngày 06/6/2011 của Tòa án nhân dân quận Y đã quyết định: Cấm bà Phạm Chu Trang Đ sang nhượng, mua bán, chuyển quyền dưới bất kỳ hình thức nào đối với các bất động sản:

+ Căn nhà đường Q, Phường R, quận Y, TP. Hồ Chí Minh.

+ Căn nhà đường S, phường U, Quận V, TP. Hồ Chí Minh.

+ Căn nhà số Đường A1, Phường B1, quận Y, TP. Hồ Chí Minh.

+ Bất động sản thuộc thửa đất số 760, tờ bản đồ số 3 (theo tài liệu số 02/CT-Ủy ban nhân dân) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số00078/4B.QSDĐ/QLĐT do Ủy ban nhân dân quận C1 cấp ngày 04/9/2003 và

Hợp đồng được phòng công chứng D1 chứng nhận số 020651 ngày 05/6/2008.

Ngày 02/8/2011 Tòa án nhân dân quận Y đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 121/2011/QĐST-DS với nội dung: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc bà Đ nợ bà M, ông L là 1.960.000.000 (Một tỷ chín trăm sáu mươi triệu) đồng, trong đó tiền vốn là 1.900.000.000 (Một tỷ chín trăm triệu) đồng và tiền lãi là 60.000.000 (Sáu mươi triệu) đồng. Bà Đ phải trả cho bà M, ông L là 1.960.000.000 (Một tỷ chín trăm sáu mươi triệu) đồng một lần ngay sau khi có quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Tiếp tục duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 97/2011/QĐ- BPKCTT ngày 06/6/2011; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 57/2011/QĐ-BPKCTT ngày 21/4/2011 của Tòa án nhân dân quận Y.

Ngày 04/4/2013, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2013 đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 121/2011/QĐST-DS ngày 02/8/2011 của Tòa án nhân dân quận Y.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 37/2013 ngày 12/8/2013 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: “Chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2013, ngày 04/4/2013 của Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 121/2011/QĐST-DS ngày 02/8/2011 của Tòa án nhân dân quận Y. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Y xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.”

Ngày 16/3/2016 Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo sửa chữa, bổ sung quyết định giám đốc thẩm số 118/TB-TA với nội dung nhận định: “việc Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 97/2011/QĐ-BPKCTT ngày 06/6/2011; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 57/2011/QĐ-BPKCTT ngày 21/4/2011 là không đúng với quy định Điều 190 của Bộ luật Tố tụng dân sự.”

Ngày 04/11/2016, ông Nguyễn Danh Đ1 có đơn đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 97/2011/QĐ-BPKCTT ngày 06/6/2011; Ngày 25/11/2016, bà Huỳnh Thị T1 là đại diện theo uỷ quyền của bà Trần Thị U1, bà Huỳnh Thị Thu V1, ông Huỳnh Văn T2, bà Huỳnh Thị Thu T3, bà Huỳnh Thị Thu H1, bà Huỳnh Thị Thu H2, bà Huỳnh Thị Thu H3 có đơn đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 57/2011/QĐ- BPKCTT ngày 21/4/2011; Ngày 07/12/2016, ông Trương Văn V1 có đơn đề nghị hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 57/2011/QĐ- BPKCTT ngày 21/4/2011.

Ngày 09/8/2017, Tòa án nhân dân quận Y đã ra Quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 34/2017/QĐ – HBBPKCTT để hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 57/2011/QĐ-BPKCTT ngày 21/4/2011 và Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 97/2011/QĐ-BPKCTT ngày 06/6/2011 của Tòa án nhân dân quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được nhận lại tiền thực hiện biện pháp bảo đảm.

Tại phiên tòa sơ thẩm:

Bà Dương Thị M là nguyên đơn trình bày: Tính đến nay bà Đ, ông D đã trả tiền lãi cho bà M là 1.503.600.000 (Một tỷ năm trăm lẻ ba triệu sáu trăm nghìn) đồng. Hiện bà Đ, ông D còn nợ 2.335.000.000 (Hai tỷ ba trăm ba mươi lăm triệu) đồng, gồm tiền vốn là 1.900.000.000 đồng (Một tỷ chín trăm triệu) đồng + tiền lãi quá hạn là 1,2%/tháng là 435.000.000 (bốn trăm bam mươi lăm triệu) đồng, thời hạn tính tiền lãi tính từ ngày 02/8/2011 là ngày bà và bà Đ đã thỏa thuận với nhau tại quyết định công nhận thỏa của các đương sự số 121/2011/QĐST-DS ngày 02/8/2011 của Tòa án nhân dân quận Y đến ngày xét xử, thanh toán một lần khi bản án có hiệu lực pháp luật. Trong hợp đồng vay tiền ngày 22/4/2010 lãi suất của ngân hàng X mà các bên đã thỏa thuận là 0,75%/tháng. Đề nghị làm tròn ngày tính tiền lãi.

Ông Đỗ Hải B đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Chu Trang Đ là bị đơn trình bày: Tính đến nay bà Đ đã trả tiền lãi cho bà M là 1.503.600.000 (Một tỷ năm trăm lẻ ba triệu sáu trăm nghìn) đồng. Do đó, bà Đ còn nợ bà M số tiền nợ của hợp đồng vay ngày 22/4/2010 là 1.925.000.000 đồng -1.503.600.000 đồng là số tiền vốn bà Đ đã trả cho bà M = 421.400.000 đồng nhưng để tạo điều kiện cho bà M nên bà Đ đồng ý hỗ trợ cho bà M với số tiền lãi của hợp đồng vay tiền ngày 22/4/2010 là là 600.000.000 (Sáu trăm triệu) đồng. Tổng số tiền bà Đ phải trả cho bà M là 1.400.000.000 (Một tỷ bốn trăm triệu) đồng.

Bà Nguyễn Lan O là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Phùng Văn D trình bày: Giữ nguyên ý kiến như đã trình bày ở trên.

Bà Dương Thị M đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn L trình bày: Thống nhất với ý kiến và yêu cầu của nguyên đơn. 

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 1935/DS-ST ngày 28 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân quận Y đã quyết định:

Áp dụng khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 471, Điều 474, Điều 476 của Bộ luật dân sự 2005; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 25, Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Luật thi hành án dân sự năm 2008.

Tuyên xử:

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn:

Bà Phạm Chu Trang Đ, ông Phùng Văn D liên đới phải trả cho bà Dương Thị M, ông Nguyễn Văn L số tiền còn nợ tổng cộng là 1.805.650.000 (Một tỷ tám trăm lẻ năm triệu sáu trăm năm nghìn) đồng, trả làm một lần ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày bà M, ông L có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bà Phạm Chu Trang Đ, ông Phùng Văn D liên đới chưa thi hành xong khoản tiền nêu trên, thì bà Phạm Chu Trang Đ, ông Phùng Văn D còn phải chịu thêm tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án tại thời điểm thanh toán.

2/ Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Phạm Chu Trang Đ, ông Phùng Văn D liên đới phải chịu án phí là 66.169.500 đồng, nộp tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Bà Dương Thị M phải chịu án phí là 25.170.000 đồng, nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí là 34.833.750 đồng đã nộp theo biên lai thu số 0003672 ngày 26/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh, bà M được nhận lại số tiền 9.663.175 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo và quyền thi hành án của các đương sự.

Ngày 12/10/2018, nguyên đơn bà Dương Thị M, bị đơn bà Phạm Chu Trang Đ và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phùng Văn D có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bà Dương Thị M là nguyên đơn trình bày:

Bà yêu cầu sửa bản án sơ thẩm do cấp sơ thẩm đã tính toán chưa chính xác về số tiền mà bà Đ, ông D có trách nhiệm trả cho vợ chồng bà. Cụ thể:

+ Đối với hợp đồng vay ngày 11/3/2010: mặc dù trong hợp đồng không ghi lãi suất nhưng hai bên tự thỏa thuận với nhau sẽ tính lãi là 4%/tháng. Do đó số tiền bà Đ, ông D phải thanh toán cho bà bao gồm: tiền vốn là 800.000.000 đồng, tiền lãi tính từ ngày 02/8/2011 (là ngày bà và bà Đ đã thỏa thuận với nhau tại Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số 121/2011/QĐST-DS ngày 02/8/2011 của Tòa án nhân dân quận Y) đến ngày xét xử sơ thẩm với lãi suất 4%/tháng.

+ Đối với hợp đồng vay ngày 22/4/2010: mặc dù trong hợp đồng thỏa thuận lãi suất là 0,75%/tháng nhưng lãi suất trên thực tế là 4%/tháng. Do đó số tiền bà Đ, ông D phải thanh toán cho bà bao gồm: tiền vốn là 1.100.000.000 đồng, tiền lãi cũng tính từ ngày 02/8/2011 đến ngày xét xử sơ thẩm với lãi suất 4%/tháng.

Bà thừa nhận không có chứng từ gì chứng minh việc hai bên thỏa thuận lãi suất của hai hợp đồng vay là 4%/tháng. Mức lãi suất này bà cũng mới yêu cầu tại phiên tòa phúc thẩm.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Đ đã chuyển trả thêm cho bà 80.000.000 đồng, tổng cộng là 1.583.600.000 đồng. Bà xác định đây là số tiền lãi mà vợ chồng bà Đ phải trả cho hai hợp đồng vay. Do đó bà chỉ đồng ý cấn trừ số tiền này vào số tiền lãi của hai hợp đồng. Bà Đ, ông D phải trả cho vợ chồng bà toàn bộ số tiền vốn gốc là 1.900.000.000 đồng và tiền lãi còn lại.

Bà không đồng ý với kháng cáo của bà Đ và ông D. Khi bà giao tiền là có mặt cả hai vợ chồng bà Đ, ông D; bà Đ nói với bà cần tiền để xây sửa nhà.

Ông Đỗ Hải B là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Phạm ChuTrang Đ trình bày:

Không đồng ý với kháng cáo của nguyên đơn, không có việc hai bên thỏa thuận lãi suất là 4%/tháng. Ông D không hề có mặt khi bà Đ nhận tiền vay từ bà M. Bà Đ vay tiền của bà M để giải chấp cho Ngân hàng.

Phía bị đơn đề nghị sửa bản án sơ thẩm, xác định lại cách tính toán các khoản nợ như sau:

+ Hợp đồng vay tiền ngày 11/3/2010 hai bên không thỏa thuận về việc trả lãi nên bà Đ chỉ phải thanh toán tiền nợ gốc cho bà M là 800.000.000 đồng, không có trách nhiệm trả lãi.

+ Hợp đồng vay ngày 22/4/2010, lãi suất cho vay trong hợp đồng là 0,75%/tháng. Bà Đ đã thanh toán cho bà M tổng số tiền là 1.503.600.000 đồng, trong đó bao gồm số tiền nợ gốc là 1.100.000.000 đồng và một phần tiền lãi là 403.600.000 đồng. Do đó, bà Đ chỉ còn phải thanh toán cho bà M số tiền lãi còn lại nhưng để tạo điều kiện cho bà M nên bà Đ đồng ý hỗ trợ cho bà M với số tiền lãi là 600.000.000 đồng.

Như vậy tổng số tiền bà Đ phải trả cho bà M đối với hai hợp đồng là 1.400.000.000 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Đ đã chuyển trả thêm cho bà M số tiền 80.000.000 đồng, hiện nay bà Đ chỉ còn phải trả cho bà M số tiền 1.320.000.000 đồng.

Bà Nguyễn Lan O là đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Phùng Văn D trình bày:

Đề nghị sửa bản án sơ thẩm. Ông D không biết việc bà Đ vay tiền của bà M do đó ông D không đồng ý chịu trách nhiệm liên đới cùng với bà Đ trả nợ cho bà M, ông L. Ông D thừa nhận có đi chuyển tiền vào tài khoản bà M nhưng chỉ là do bà Đ nhờ chuyển giúp, còn sự việc cụ thể vay mượn như thế nào ông D không biết.

Bà Dương Thị M đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn L trình bày:

Thống nhất với ý kiến và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

- Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của bộ luật tố tụng dân sự, đảm bảo cho các đương sự có các quyền và nghĩa vụ theo quy định; gửi các Quyết định, Thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự đầy đủ, đúng thời hạn. Hội đồng xét xử đúng thành phần, phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

- Về nội dung: Đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phùng Văn D, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

 [1] Hội đồng xét xử xem xét đối với từng hợp đồng vay tài sản của các bên như sau:

 [1.1] Đối với hợp đồng vay tiền ngày 11/3/2010: trên hợp đồng thể hiện số tiền vay là 800.000.000 đồng, thời hạn vay là 06 tháng từ ngày 11/3/2010 đến ngày 11/9/2010, không thỏa thuận về việc trả tiền lãi. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, tại các đơn khởi kiện, biên bản hòa giải, biên bản phiên tòa…, nguyên đơn chỉ yêu cầu tính lãi suất 1,2%/tháng nhưng tại phiên tòa phúc thẩm lại yêu cầu tính lãi suất theo mức 4%/tháng. Yêu cầu này của nguyên đơn là vượt quá yêu cầu khởi kiện cũng như vượt quá yêu cầu kháng cáo. Ngoài ra bà M cũng không có chứng cứ gì chứng minh cho việc giữa các đương sự có thỏa thuận trả lãi theo mức lãi suất 4%/tháng. Trong hợp đồng không có thỏa thuận về việc trả lãi nên không thể chấp nhận lời khai của nguyên đơn khi cho rằng trong số tiền mà bị đơn đã chuyển trả là bao gồm cả tiền lãi của khoản vay này. Nguyên đơn yêu cầu được tính lãi từ ngày 02/8/2011 theo thỏa thuận tại Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số 121/2011/QĐST-DS ngày 02/8/2011 của Tòa án nhân dân quận Y nhưng Quyết định này đã bị tuyên hủy. Do đó Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu kháng cáo của phía nguyên đơn.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 471 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: “Bên vay tài sản là tiền phải trả đủ tiền khi đến hạn; trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ”. Vì vậy không chấp nhận kháng cáo của bị đơn khi cho rằng mình không có trách nhiệm trả lãi đối với khoản vay này.

Căn cứ Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước về lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, lãi suất cơ bản là 0.75%/tháng. Như vậy, tổng số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn bao gồm: tiền vốn gốc 800.000.000 (Tám trăm triệu) đồng; tiền lãi do chậm thanh toán từ ngày 12/9/2010 đến ngày 28/9/2018 (là ngày xét xử sơ thẩm) là 800.000.000 đồng x 96 tháng x 0,75%/tháng = 576.000.000 đồng. Tổng cộng là 1.376.000.000 (Một tỷ ba trăm bảy mươi sáu triệu) đồng.

 [1.2] Đối với hợp đồng vay tiền ngày 22/4/2010:

Theo thỏa thuận trong hợp đồng thì phía bị đơn sẽ thanh toán số nợ gốc làm sáu đợt, mỗi đợt 200.000.000 đồng vào các ngày cụ thể và tiền lãi sẽ giảm dần theo dư nợ gốc. Tuy nhiên, tổng số tiền mà bị đơn trả cho nguyên đơn qua tài khoản Ngân hàng được chia ra làm nhiều lần, kéo dài từ năm 2010 cho đến nay, không có lần trả tiền nào trùng khớp về số tiền và đúng thời gian theo thỏa thuận về đợt thanh toán quy định trong Hợp đồng. Số tiền thanh toán có lúc ít nhất là 600.000 đồng, 1.000.000 đồng… nhiều nhất là 64.000.000 đồng; số tiền không cố định, có tháng trả, có tháng không. Tổng số tiền bị đơn đã chuyển trả cho nguyên đơn tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 1.503.600.000 đồng. Do đó không có cơ sở để xác định đây chỉ là tiền lãi theo như lời trình bày của nguyên đơn hay xác định đây vừa là tiền gốc vừa là tiền lãi như lời trình bày của bị đơn. Cấp sơ thẩm xác định số tiền bị đơn đã trả cho nguyên đơn sẽ được cấn trừ vào số tiền bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn theo hợp đồng vay tiền ngày 22/4/2010 là hợp lý và có căn cứ.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 474, khoản 1 Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Theo lời khai của các đương sự, lãi suất trong hạn các bên thỏa thuận trong hợp đồng là 0.75%/tháng. Cũng như phân tích đối với hợp đồng vay ngày 11/3/2010, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn khi yêu cầu tính lãi từ ngày 02/8/2011 với mức lãi suất 4%/tháng.

Như vậy tổng số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn bao gồm: tiền vốn gốc 1.100.000.000 đồng; tiền lãi nợ trong hạn, nợ quá hạn tính từ ngày 22/4/2010 đến ngày 28/9/2018 là 1.100.000.000 đồng x 0,75% x 101 tháng = 833.250.000 đồng. Tổng cộng là 1.933.250.000 đồng. Do phía bị đơn đã chuyển trả cho nguyên đơn tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 1.503.600.000 đồng nên cấp sơ thẩm đã tuyên buộc phía bị đơn có trách nhiệm trả tiếp cho nguyên đơn số tiền 429.650.000 đồng.

- Như vậy, tổng số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn theo hai hợp đồng vay tiền ngày 11/3/2010 và ngày 11/4/2010 là 1.805.650.000 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, các đương sự xác nhận phía bà Đ đã chuyển trả thêm 80.000.000 đồng, như vậy phía bà Đ còn phải trả cho bà M số tiền 1.725.650.000 đồng.

Do đó cần sửa bản án sơ thẩm sau khi đã tính toán lại khoản nợ phải trả cho phù hợp.

 [2] Đối với kháng cáo của ông Phùng Văn D không đồng ý liên đới trả khoản nợ cùng bà Đ vì ông cho rằng mình không biết và không liên quan đến các khoản vay này. Hội đồng xét xử xét thấy, tại sổ phụ được thống kê của Ngân hàng A3 thể hiện vào các ngày 07/8/2012, ngày 18/8/2012, ngày 24/5/2016, ngày 13/6/2016, ngày 28/6/2016, ngày 07/10/2016, ngày 25/10/2016... thì ông D là người đã chuyển khoản trả nợ nhiều lần cho bà M, nội dung chuyển khoản ghi rõ là trả nợ cho bà M. Quá trình trả nợ kéo dài nhiều năm, ông D và bà Đ vẫn còn quan hệ hôn nhân, số tiền nợ lớn do đó không chấp nhận lời trình bày của ông D khi cho rằng ông không biết việc vay tiền giữa bà Đ và bà M. Cấp sơ thẩm căn cứ Điều 25, Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 buộc ông D có trách nhiệm liên đới với bị đơn trả nợ cho nguyên đơn là có căn cứ. Vì số tiền nguyên đơn cho bị đơn vay là tài sản chung của nguyên đơn và ông L trong thời kỳ hôn nhân nên bị đơn và ông D phải liên đới trả số tiền nêu trên cho bà M và ông L.

 [3] Từ những phân tích nêu trên, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà M, bà Đ, ông D. Tuy nhiên cần sửa một phần bản án sơ thẩm do đã có tính toán lại số tiền mà bà Đ, ông D phải trả vì phía bị đơn đã chuyển trả thêm một khoản tiền cho nguyên đơn sau khi xét xử sơ thẩm.

 [4] Bà M, bà Đ, ông D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Điều 471, Điều 474, Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 25, Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; Nghị quyết 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009; Luật thi hành án Dân sự năm 2008.

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Dương Thị M, bị đơn bà Phạm Chu Trang Đ và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phùng Văn D.

Sửa một phần bản án sơ thẩm. Tuyên xử:

1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

- Buộc bà Phạm Chu Trang Đ, ông Phùng Văn D có trách nhiệm liên đới trả cho bà Dương Thị M, ông Nguyễn Văn L số tiền còn nợ tổng cộng là 1.725.650.000 (Một tỷ bảy trăm hai mươi lăm triệu sáu trăm năm mươi nghìn) đồng theo Hợp đồng vay tiền ngày 11/3/2010 và Hợp đồng vay tiền ngày 22/4/2010.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

2/ Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Phạm Chu Trang Đ, ông Phùng Văn D liên đới phải chịu án phí là 63.769.500 (Sáu mươi ba triệu bảy trăm sáu mươi chín nghìn năm trăm) đồng.

Bà Dương Thị M phải chịu án phí là 25.170.000 (Hai mươi lăm triệu một trăm bảy mươi nghìn) đồng, nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí bà M đã nộp là 34.833.750 đồng (Ba mươi bốn triệu tám trăm ba mươi ba nghìn bảy trăm năm mươi) đồng theo biên lai thu số 0003672 ngày 26/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh, bà M được nhận lại số tiền 9.663.175 (Chín triệu sáu trăm sáu mươi ba ngàn một trăm bảy mươi lăm) đồng.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Bà M, bà Đ, ông D không phải chịu; bà M, bà Đ, ông D được trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng theo các Biên lai thu số 0005666 ngày 23/10/2018, 0005697 ngày 29/10/2018, 0005698 ngày 29/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

405
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 33/2019/DS-PT ngày 14/01/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:33/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về