Bản án 35/2019/DS-PT ngày 19/03/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG 

BẢN ÁN 35/2019/DS-PT NGÀY 19/03/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN

Ngày 19 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 38/2019/TLPT-DS ngày 28 tháng 01 năm 2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DS-ST ngày 07/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện GQ, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 66/2019/QĐ-PT ngày 04 tháng 3 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị Võ Ngọc B, sinh năm: 1982. Địa chỉ: Ấp TT, xã TQ, huyện GQ, tỉnh Kiên Giang (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Đoàn Công Th - Văn phòng luật sư ĐCT, đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang (Có mặt).

- Bị đơn: Chị Phạm Như Ng, sinh ngày: 27/9/2000 (Có mặt).

Người đại diện cho chị Ng: Ông Phạm Huy T, sinh năm: 1977 và bà Hồ Huỳnh H, sinh năm: 1980 (là cha mẹ ruột của chị Ng) - (Ông T có mặt, bà H có đơn xin xét xử vắng mặt).

Hộ khẩu thường trú tại: Ấp XB, xã TQ, huyện GQ, tỉnh Kiên Giang.

Chỗ ở hiện nay của chị Ng, ông T, bà H: Ấp XĐ, xã TQ, huyện GQ, tỉnh Kiên Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Phạm Hiền Tr- Văn phòng luật sư CL, đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt).

- Người kháng cáo: Bị đơn chị Phạm Như Ng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn chị Võ Ngọc B trình bày:

Chị là nhân viên Bưu điện văn hóa xã TQ được Bưu điện huyện GQ, tỉnh Kiên Giang giao chỉ tiêu bán thẻ điện thoại qua hệ thống “Sim Bông Sen” của ngành thu tiền về cho Bưu điện huyện GQ, chị có giao dịch với nhiều khách hàng, giao thẻ cho họ bán.

Chị có quen với chị Phạm Như Ng trong những lần chị Ng đến nhận bưu phẩm tại Bưu Điện xã TQ. Từ tháng 10/2016, chị Ng nhận thẻ của chị B để bán lại. Trong thời gian đầu chị Như Ng đã nhiều lần nhận thẻ về bán và thanh toán tiền mặt đầy đủ cho chị B (Thẻ của 03 nhà mạng là Vinaphone, Mobiphone, Viettel thẻ mệnh giá cao nhất là 500.000 đồng và thấp nhất là 50.000 đồng). Lúc đầu giao dịch nhận thẻ và trả tiền trực tiếp tại Bưu điện xã TQ, sau đó chị B chỉ chụp mã thẻ rồi gửi qua ứng dụng mạng Zalo theo yêu cầu của Như Ng. Khi giao dịch với Như Ng, thì chị không biết gia đình Ng có biết hay không. Nhưng từ tháng 02/2017, chị Ng lấy thẻ của chị B bán trước rồi trả tiền sau. Lúc đầu thực hiện đúng, nhưng từ ngày 31/5/2017 đến ngày 6/7/2017 thì chị Như Ng nhiều lần lấy thẻ bán nhưng không trả tiền, tổng số tiền chị Ng nợ chị là 102.400.000đồng, nên chị B ngừng giao dịch và yêu cầu chị N thanh toán tiền thiếu.

Chị B có gặp mẹ Như Ng để trao đổi số tiền này, thì mẹ của Như Ng bà Hồ Huỳnh H có hứa là để đến vụ lúa trả từ từ và để bàn bạc với chồng tính toán cách trả cho Như Ng. Đến ngày 24/7/2017 chị Ng đến Bưu điện xã TQ viết biên nhận nợ cho chị và hẹn mỗi tháng trả từ 5.000.000đồng đến 10.000.000đồng. Vào ngày 28/7/2017 chị Ng trả được 2.000.000đồng. Từ đó đến nay thì không trả thêm đồng nào nữa. Sau khi khấu trừ vào số tiền đã trả là 2.000.000đồng và chị Ng bán đạt doanh thu nên được hưởng tiền hoa hồng là 1.400.000đồng thì tính đến nay chị Ng vẫn còn nợ chị B là 99.000.000đồng. Việc chị Ng mua thẻ của chị để thực hiện vào mục đích chơi game, thì chị không biết.

Tại phiên tòa: Chị Võ Ngọc B yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chị Phạm Như Ng phải trả số tiền nợ là 99.000.000đồng, không yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu, ngoài ra không yêu cầu tính lãi.

Bị đơn chị Phạm Như Ng trình bày:

Vào khoảng tháng 10/2016 chị đang học lớp 11, chị có mua đồ trên mạng và đến Bưu điện xã TQ nhận bưu phẩm, nên mới quen chị Võ Ngọc B. Chị B hỏi chị Ng có mua thẻ chơi game thì lại chị B bán, sau đó chị có mua thẻ chơi game vài lần bằng mấy trăm ngàn thì hết tiền. Chị mua thẻ mệnh giá cao nhất là 100.000 đồng, thấp nhất là 20.000 đồng để mua đồ trong game, vì chị chơi game Võ Lâm Truyền Kỳ trên mạng. Chị B kêu lại bán thiếu được một thời gian thì không mua nữa và chị B nói chị thiếu 800.000đồng nhưng chị nhớ chỉ thiếu khoảng hơn 100.000đồng, chị B không thống nhất mà đòi thưa chị. Việc giao dịch giữa chị với chị B là không ai biết. Đến khoảng tháng 7/2017 chị đi ngang Bưu điện xã TQ, thì chị B kêu vô yêu cầu trả tiền do chị Ng không có tiền trả, nên chị B đóng cửa lại và yêu cầu chị Ng ghi theo những lời chị B đọc. Vì sợ hãi nên chị Ng mới viết, nhưng không biết số tiền đó là bao nhiêu và cũng không biết gì. Chị có xem lại biên nhận do chị B cung cấp cho Tòa án và chị thừa nhận chữ viết và chữ ký là của chị Ng nhưng “24/7/2017” là không phải chị Ng viết. Chị Ng xác định hiện nay là không còn nợ chị B.

Tại phiên tòa: Chị Phạm Như Ng khai chị có mua card của chị B để chơi game Võ Lâm Truyền Kỳ bắt đầu vào khoảng tháng 10/2016, có lúc mỗi ngày chị mua nhiều nhất là 3.000.000 đồng (6 cái card 500.000đồng) mua bằng cách chị Ng kêu chị B gửi mã thẻ qua Zalo, có tháng chị Ng mua card vài chục triệu đồng. Chị Ng thừa nhận tài liệu photo ghi lại tin nhắn liên lạc giữa chị với chị B qua ứng dụng mạng Zalo do chị B cung cấp cho Tòa án (từ bút lục 40 đến 116) là tài khoản của chị Ng đăng ký, tên tài khoản của chị là NK và chị B là NB nhưng chị Ng khai là mua ngày nào thanh toán tiền ngày đó (sáng mua thì chiều thanh toán) do chị Ng trực tiếp thanh toán, nên chị Ng khẳng định là không còn nợ tiền chị B, nên không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của chị Võ Ngọc B.

Người đại diện cho chị Ng là ông Phạm Huy T (cha ruột của chị Ng) trình bày như sau: Ông là cha ruột của Phạm Như Ng, vào năm 2016 con ông còn đi học, nên không có đủ điều kiện để mua bán với ai. Việc chị Võ Ngọc B khởi kiện con ông cho rằng con ông lấy thẻ điện thoại bán là hoàn toàn không có. Từ đó đến nay gia đình ông chưa bao giờ cho con đi mua thiếu bất cứ thứ gì của ai nên việc chị B khởi kiện yêu cầu Phạm Như Ng trả 99.000.000đồng là ông không đồng ý. Số tiền này quá lớn con ông còn nhỏ như vậy sự việc này là do chị B dụ dỗ, lừa đảo nên gia đình ông không chấp nhận trả.

Tại bản tự khai đề ngày 12/7/2018 của bà Hồ Huỳnh H (mẹ ruột Như Ng) trình bày: Bà là mẹ ruột của Phạm Như Ng, sự việc xảy ra giữa chị B và Như Ng bà không hề hay biết. Đến cuối năm 2016, bà thấy Ng không đeo nữ trang nữa (dây chuyền, nhẫn, lắc) thì bà hỏi vàng đâu thì Ng nói cầm để trả tiền cho chị B, bà hỏi

tiền gì thì Ng trả lời do Ng thiếu tiền mua card để chơi game. Lúc đầu bà H nghĩ là Như Ng chỉ thiếu nợ chị B vài chục nghìn nên bà có nói là sẽ trả dùm. Đến khi bà phát hiện số tiền lên đến mấy chục triệu thì bà quá bất ngờ về việc này. Bà H biết Như Ng có nghiện game, nhưng chị B chưa bao giờ nói với bà về việc này. Nhà bà có bán card sao Như Ng mua của chị B nhiều, mà chị B không nói với gia đình bà biết. Chị B còn dọa và bắt con bà viết biên nhận nợ lên đến số tiền quá lớn. Con bà còn nhỏ chị B làm vậy là không đúng. Bà không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của chị B.

Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DS-ST ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện GQ, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc chị Phạm Như Ng có nghĩa vụ trả cho chị Võ Ngọc B số tiền 99.000.000đồng (Chín mươi chín triệu đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên phần án phí, lãi suất chậm trả và báo quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 20/12/2018, bị đơn chị Phạm Như Ng có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, bác toàn bộ khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng: Tài liệu được in từ Zalo không có giá trị pháp lý, không đủ điều kiện để làm chứng cứ chứng minh theo quy định tại Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 và Bộ luật dân sự. Các số liệu được thể hiện trong tin nhắn Zalo có quá nhiều mâu thuẫn, chưa được làm rõ, không cách nào cộng dồn ra số tiền 102.400.000 đồng.

Đối với biên nhận nợ do chị Ng ghi không có ngày, tháng, năm (Ngày, tháng, năm do chị B ghi) hoàn toàn không phát sinh hiệu lực hợp đồng theo Điều 401 Bộ luật Dân sự.

Về quan hệ pháp luật được xác định là hợp đồng mua bán là không chính xác, mà phải là tranh chấp đòi nợ theo Điều 202 Bộ luật Dân sự.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 310 hủy bản án sơ thẩm. 

Nguyên đơn chị Võ Ngọc B không đồng ý với kháng cáo của bị đơn, yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng: Biên nhận là do cháu Ng viết, thể hiện rõ ý chí tự nguyện, không bị khống chế, ràng buộc. Trong khi Cơ quan Công an kế bên, nếu chị Ng bị ép buộc, thì có thể truy hô, tố giác.

Ngày, tháng, năm trong biên nhận không ghi, nên không có hiệu lực là không đúng, mà việc mua bán là cả một quá trình. Biên nhận nợ không phải là hợp đồng dân sự, mà chứng cứ để chứng minh chị Ng có thiếu nợ chị B.

Ngoài biên nhận nợ, thì việc chị Ng thiếu nợ chị B còn được thể hiện qua tin nhắn Zalo và lời khai tại Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện GQ. Chị Ng cho rằng đã trả xong tiền cho chị B, nhưng không đưa ra được chứng cứ để chứng minh.

Đối với quan hệ pháp luật: Việc chị Ng nợ tiền chị B phát sinh trong giao dịch mua bán hàng hóa. Việc mua bán hàng hóa chỉ kết thúc khi nhận hàng và giao đầy đủ tiền. Trong khi chị Ng còn nợ tiền chị B, nên khi tranh chấp thì Tòa xác định quan hệ tranh chấp hợp đồng mua bán là chính xác.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Các đương sự không tự hòa giải với nhau được, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến kết luận vụ án: Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và các đương sự từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm nghị án đã thực hiện và chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn chị Phạm Như Ng. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Về tố tụng: Người đại diện của chị Phạm Như Ng là bà Hồ Huỳnh H có đơn xin xét xử vắng mặt, nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 vẫn tiếp tục xét xử vụ án.

 [2] Về nội dung: Việc chị Ng và chị B giao dịch mua bán thẻ cào điện thoại là có thật, cả hai bên đều thừa nhận. Quá trình giao dịch mua bán kéo dài, dẫn đến việc nợ nần do thanh toán không đầy đủ, nên phát sinh tranh chấp. Nguyên nhân do các bên giao dịch tự phát, không thiết lập hợp đồng rõ ràng; quy định quyền, nghĩa vụ các bên một cách chặt chẽ.

Việc thanh toán cũng đơn giản bằng tiền mặt, không hóa đơn chứng từ, cũng không có biên nhận hay sổ sách ghi chép. Nên bên mua chị Ng cho rằng đã thanh toán đầy đủ, còn bên bán cho rằng chị Ng còn thiếu nợ số tiền sau khi trừ hoa hồng và tiền chị Ng thanh toán được 2.000.000 đồng, thì còn nợ 99.000.000 đồng. Chị B khởi kiện yêu cầu Tòa án xử buộc chị Ng phải trả số tiền nợ phát sinh từ việc mua bán thẻ cào 99.000.000 đồng là hoàn toàn có căn cứ.

Ngoài tờ biên nhận chị Ng đã viết (BL 90) thể hiện “con tên Ng có thiếu số tiền (car) thẻ cô B 102.400.000 đồng. Tôi hứa sẽ cố gắng gom trả từ từ”. Thì tại Biên bản ghi lời khai của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện GQ (BL 122) thì chị Ng thừa nhận có nợ cô B số tiền khoảng 100 triệu và xác định nợ cô B là tiền mua card điện thoại nạp để chơi game. Nay chị Ng cho rằng đã thanh toán hết cho chị B với nguồn tiền từ việc lấy vàng của gia đình bán trả cho chị B. Nhưng không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh cho việc trả hết nợ cho chị B.

Xét kháng cáo của chị Ng cho rằng Tòa sơ thẩm thụ lý vụ án xác định tranh chấp hợp đồng mua bán là không đúng, mà phải là tranh chấp đòi nợ. Thực chất nợ của chị Ng phát sinh từ hợp đồng mua bán. Chị Ng chưa thực hiện nghĩa vụ trả tiền mua hàng của chị B, nên Tòa sơ thẩm thụ lý tranh chấp hợp đồng mua bán là chính xác hơn, đầy đủ hơn.

Ngoài ra, chị Ng còn cho rằng chị B chỉ đòi nợ bằng giấy nợ tự ghi ngày 24/7/2017 và thiếu nợ trong khoảng 31/5 đến 15/7/2017 là không chính xác. Như đã phân tích ở trên, ngoài giấy biên nhận nợ còn lời khai của chị Ng tại Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thừa nhận nợ, mà không chứng minh được đã trả cho chị B đầy đủ, không còn nợ nữa.

Từ những nhận định trên, sau khi thảo thuận nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang tham gia phiên tòa, chấp nhận đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; không chấp nhận kháng cáo của bị đơn chị Phạm Như Ng; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DS-ST ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện GQ, tỉnh Kiên Giang.

 [4] Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm:

Chị Phạm Như Ng phải nộp án phí dân sự sơ thẩm 5% trên số tiền 99.000.000 đồng buộc phải trả cho chị Võ Ngọc B là 4.950.000 đồng.

Do yêu cầu khởi kiện của chị Võ Ngọc B được chấp nhận, nên hoàn trả tiền tạm ứng án phí cho chị B.

- Án phí dân sự phúc thẩm:

Do kháng cáo của chị Phạm Như Ng không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận, nên phải nộp án phí 300.000 đồng, khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Áp dụng khoản 1 Điều 136, Điều 430, 440 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn chị Phạm Như Ng.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DS-ST ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện GQ, tỉnh Kiên Giang.

- Phần tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Võ Ngọc B.

2. Buộc chị Phạm Như Ng trả cho chị Võ Ngọc B số tiền 99.000.000đ (Chín mươi chín triệu đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc chị Phạm Như Ng phải nộp án phí dân sự sơ thẩm 4.950.000đ (Bốn triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng).

Hoàn trả cho chị Võ Ngọc B số tiền tạm ứng án phí 2.560.000đ (Hai triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001968 ngày 05/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện GQ, tỉnh Kiên Giang.

- Án phí dân sự phúc thẩm:

Buộc chị Phạm Như Ng phải nộp án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng, nhưng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000955 ngày 20/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện HĐ, tỉnh Kiên Giang (Do ông Phạm Huy T nộp thay). Chị Ng không phải nộp thêm.

3. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

432
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 35/2019/DS-PT ngày 19/03/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán

Số hiệu:35/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về