Bản án 43/2018/DS-PT ngày 13/03/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

 TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN 43/2018/DS-PT NGÀY 13/03/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 13 tháng 3 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 122/2017/TLPT-DS ngày 30 tháng 10 năm 2017, về việc:“Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 38/2017/DS-ST ngày 18/07/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 17/2018/QĐ-PT ngày 05/01/2018; Quyết định hoãn phiên tòa số 04/2018/QĐ-PT ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1971

Bị đơn: Ông Ngô M, sinh năm 1963

Bà Trần Thị M, sinh năm 1965

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Bà Ngô Thị Ngọc M’, sinh năm 1985

Ông Đặng Đông A, sinh năm 1970

Cùng địa chỉ: khu phố 7, phường Đ, thành phố P, tỉnh Bình Thuận.

Người kháng cáo bị đơn ông Ngô M, bà Trần Thị M; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị Ngọc M’  .

Tại phiên tòa có mặt: Bà N, bà M’, ông M, bà M và ông A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm; Tại nội dung đơn kiện, bản khai nguyên đơn trình bày:

Do quen biết nhau nên vào khoảng thời gian từ tháng 4/2009 đến ngày 24/11/2010 bà Trần Thị M có mượn của bà N nhiều lần tiền, mục đích để mua bán hải sản sơ chế bán lại cho Công ty sản xuất cá ngừ đóng hộp HL và xí nghiệp đông lạnh BR. Lúc mượn tiền có khi bà N trả tiền cho các vựa cá (có sổ sách do bà Ngô Thị Ngọc M’ - con của bà M ghi chép), có khi bà M, ông M, bà M’ nhận tiền mặt, khi mượn tiền gia đình bà M hứa hẹn cam kết sẽ trả vốn và tiền huê hồng cho bà N nhưng thực tế sau khi nhận tiền gia đình bà M không thực hiện đúng cam kết. Khi bà N đến yêu cầu bà M trả nợ thì vợ chồng bà M nại ra lý do là các Công ty còn nợ tiền hàng gần 2 tỷ đồng nên chưa có tiền trả cho bà N. Sau nhiều lần đòi nợ không được, ngày 10/3/2011 gia đình bà M’ có giấy xác nhận nợ cho bà N với nội dung: xác nhận số nợ của bà N là 2.409.500.000đồng và hứa đến ngày 14/3/2011 sẽ thanh toán dứt nợ cho bà N.

Bà N xác định đưa tiền cho gia đình bà M mượn để mua hải sản sơ chế xuất bán cho Công ty khác nhưng đến khi bên mua thanh toán tiền thì gia đình bà M không chịu trả tiền cho bà N mà dùng số tiền này để mua sắm tài sản trong gia đình nên bà N làm đơn khởi kiện yêu cầu gia đình bà M phải có trách nhiệm trả nợ cho bà N theo giấy xác nhận nợ. Mục đích vợ chồng ông M, bà M vay tiền để kinh doanh, trong khi đó người đứng tên kinh doanh của gia đình bà M là bà Ngô Thị Ngọc M’, tại biên bản hòa giải của UBND phường Đức Thắng, bà M’  có tham dự ký biên bản và đồng ý cùng ông M, bà M chịu trách nhiệm trả nợ cho bà N.

Ngày 14/3/2011 bà Trần Thị M có làm giấy thỏa thuận bán container để trừ nợ cho bà N số tiền 600.000.000đồng, sau đó gia đình bà M không thanh toán dứt điểm số tiền còn lại như đã cam kết. Năm 2012 bà N khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông M, bà M và bà M’ cùng chịu trách nhiệm trả nợ cho bà N số tiền nợ còn lại là 1.809.500.000đồng và tiền lãi kèm theo.

Tại Bản án số 24/2012/DS-ST ngày 25/4/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết; Tuyên xử: Buộc vợ chồng ông M, bà M và bà Ngô Thị Ngọc M’ trả nợ cho bà N 2.074.139.000đồng (trong đó 1.809.500.000đồng tiền gốc và 264.639.000đồng tiền lãi). Vợ chồng ông M , bà M và bà Ngô Thị Ngọc M’ kháng cáo, ngày 20/7/2012 Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm theo bản án số 47/2012/DS-PT tuyên xử chấp nhận một phần kháng cáo sửa phần tiền lãi, buộc vợ chồng ông M, bà M và bà Ngô Thị Ngọc M’ trả nợ cho bà N 1.809.500.000đồng và 203.568.758đồng tiền lãi. Tổng cộng: 2.013.068.758đồng.

Sau khi án có hiệu lực, Cục Thi hành án tỉnh Bình Thuận đã thi hành xong một phần bản án, hiện số tiền còn lại chưa thi hành là 651.000.000đồng và tiền lãi suất phát sinh do chậm thi hành án.

Ngày 06/7/2015 Tòa án nhân dân tối cao có Kháng nghị Giám đốc thẩm, ngày 22/02/2016 Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định giám đốc thẩm số 45/2016/DS-GĐT Quyết định:  Hủy bản án số 47/2012/DS-PT ngày 20/7/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận và Bản án số 24/2012/DS-ST ngày 25/4/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết.

Nay bà N vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu ông Ngô M , bà Trần Thị M  và bà Ngô Thị Ngọc M’  trả số tiền nợ còn lại là 651.000.000đồng và lãi suất chậm trả từ tháng 8/2012 cho đến nay theo lãi suất do pháp luật quy định.

Tại phiên tòa, bà N trình bày: Vẫn giữ ý kiến như nội dung đã khai, bà N xác định có đưa tiền cho gia đình bà M mượn để mua hải sản sơ chế xuất bán cho các Công ty khác, việc giao dịch làm ăn đều ghi vào cuốn sổ màu đen, ngoài bìa ghi “Sổ dì N – 01/09”, sổ này do bà N giữ, mỗi lần đưa tiền để trả tiền hàng hoặc đưa tiền mặt thì bà N đưa sổ cho bà M và con gái bà M (tên M’) ghi vào sổ. Đến cuối cùng, hai bên có kết tổng số tiền 2.409.500.000đồng, bà M là người ký, ghi rõ họ tên, đồng thời bà M’ cũng đã xem và ghi “Thống nhất tổng tiền kết sổ là 2.409.500.000đ” và ký tên Ngô Thị Ngọc M’. Sau khi nhận được tiền bán hàng, gia đình bà M lại không thanh toán tiền nợ mà lại để mua sắm tài sản trong gia đình, nhiều lần đòi nợ gia đình bà M cấn trừ 05 container với giá 600.000.000đồng (trong khi đó giá 05 container chỉ khoảng 500.000.000đồng), số tiền còn lại 1.809.500.000 đồng thì ký giấy xác nhận nợ. Do gia đình bà M không thực hiện nghĩa vụ trả nợ như cam kết nên bà N  làm đơn khởi kiện.

Tại bản án sơ và phúc thẩm đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N, buộc vợ chồng ông M, bà M và bà M’trả nợ cho bà N 2.013.068.758đồng (trong đó 1.809.500.000đồng tiền gốc và tiền lãi đến tháng 7/2012 là 203.568.758đồng). Gia đình bà M đã thi hành án trả nợ cho bà N được khoảng hơn 1.300.000.000đồng, hiện còn nợ lại 651.000.000đồng. Ngày 06/7/2015 Tòa án nhân dân tối cao có Kháng nghị giám đốc thẩm số 195/2015/KN-DS nên không thi hành án nữa. Nay bà N yêu cầu ông Ngô M , bà Trần Thị M và bà Ngô Thị Ngọc M’tiếp tục trả số tiền nợ còn lại là 651.000.000đồng và tiền lãi phát sinh theo quy định của pháp luật.

Tại bản khai, biên bản hòa giải bị đơn bà Trần Thị M trình bày:

Trước đây bà M và bà Nguyễn Thị N quen biết nhau nên rủ nhau hùn vốn mua bán cá với hình thức: bà N hùn vốn mua cá, bà N hưởng tiền hoa hồng trên đầu ký cá mua được là 500đồng/kg. Trong quá trình cùng nhau mua bán khoảng gần một năm, tổng số tiền bà N hùn vốn là 1.270.000.000đồng và số tiền hoa hồng của bà N là 65.650.000đồng. Tổng cộng 1.335.650.000đồng.

Đến ngày 13/12/2009, bà N thấy bà M mua bán thua lỗ và tiền bán hàng chưa lấy được, lúc bấy giờ bà N không đồng ý hùn vốn chung để mua bán với nhau nữa. Thời gian tiếp theo bà N lui tới nhà bà M liên tục thúc đẩy bà M đi lấy tiền nợ để về đưa cho bà N. Đến tháng 01/2011, bà N đem sổ ghi tiền đã ghi sẵn đến nhà bà M và bảo con gái bà tên Ngô Thị Ngọc M’ghi chép lại giúp bà N vì chữ con gái bà M viết đẹp. Con gái bà M vô tư ghi chép giúp bà N, cuối cùng bà N nói sổ ghi mua bán giữa bà M với bà N là do cháu M’- con gái bà M  ghi.

Thực ra trong sổ ghi gì, bao nhiêu tiền, tiền gì bà M cũng không rõ, đến tháng 3/2011 bà N dẫn theo một số người đến nhà bà M gây áp lực và buộc bà M phải ký giấy vay tiền mà bà N đã soạn sẵn, lúc đó do hoảng sợ nên bà M phải ký vào giấy nợ. Trong cuốn sổ ghi chép màu đen, bà M xác nhận tại trang cuối cùng có ghi từ hàng có chữ số “9/9 âm lịch...” đến cuối sổ ghi “kết tổng số tiền là 2.409.500.000đ” là do bà M ghi, ký tên và ghi tên “Trần Thị M ”, phía dưới có chữ ký và ghi tên “Ngô Thị Ngọc M’” là do M’ (con gái bà M ) trực tiếp viết “Thống nhất tổng tiền kết sổ là 2.409.500.000đ”. Sau đó bà N đến phường Đức Thắng nhờ ông Nguyễn Văn N là cán bộ tư pháp phường xác nhận giấy vay tiền, thực tế khi ký giấy ông N không có mặt tại nhà bà M .

Sự thật bà M cùng bà N hùn hạp mua bán cá, tiền vốn của bà N là 1.270.000.000đồng và tiền hoa hồng trên đầu ký cá mua được là 65.650.000đồng chứ bà M không vay mượn tiền của bà N. Toàn bộ tài sản đã phát mãi để trả nợ cho bà N tại Thi hành án là tài sản của con gái bà M tên Ngô Thị Ngọc M’. Nay bà M yêu cầu trả lại phần tiền đã thi hành thừa cho Ngô Thị Ngọc M’.

Bà M với bà N chỉ đến Ủy ban nhân dân phường Đức Thắng để xác nhận việc bán 05 container cho bà N với giá 600.000.000đồng. Bà M xác định chỉ nợ bà N 1.270.000.000đồng và tiền huê hồng.

Việc ký giấy nhận nợ thì bà M xin trình bày như sau: do bà N dắt xã hội đen đến nhà nên bà M có kêu con bà M viết giấy nhận nợ và ký vào cho nó xong để sau đó có gì nhờ pháp luật, khi đến phường giải quyết trong biên bản làm việc tại phường, trừ tiền container, số tiền còn lại bà M có ký xác nhận nợ cho bà N khoảng 1.800.000.000đồng, trong đó bà M có ghi rõ là bao gồm tiền nợ của ai, lãi suất bao nhiêu cụ thể: tiền lãi bà SP 09 phân, tiền lãi bà HL 06 phân (bà N là người dắt bà HL xuống nhà bà M lấy tiền lãi 06 phân chứ bà M không mượn tiền của bà HL), tiền lãi bà AL 09 phân. Bà M là người trực tiếp ghi rõ trong tờ giấy tại biên bản làm việc của phường nhưng hiện nay biên bản này không có.

Nay bà N khởi kiện đòi nợ, bà M có ý kiến như sau:Bà M xác nhận có nợ của bà N 1.335.650.000đồng và đồng ý trả số nợ trên. Phần tiền còn lại khoản 1.073.850.000đồng là tiền lãi nên bà M yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.

Tại phiên tòa bà M trình bày: Vẫn giữ ý kiến đã trình bày, bà M xác định chỉ nợ bà N 1.335.650.000đồng và đồng ý trả số nợ trên, khoản tiền còn lại là tiền lãi, giấy tờ để chứng minh là không có vì do nghĩ tình cảm nên bà M ghi số tiền cụ thể vào sổ theo yêu cầu của bà N. Về lý do viết vào sổ từ chữ “9/9 âm lịch...” đến cuối sổ và ghi “kết tổng số tiền là 2.409.500.000đ” là do khi bà N xuống tính toán tiền lãi, trừ số tiền hàng bà N nhận bán, số tiền còn lại bà N kêu ghi vào sổ, bà M cũng đồng ý khoản tiền đã tính toán nên mới ghi vào sổ, mặt khác bà M nghĩ rằng: do nghĩ tình cảm chị em và cũng suy nghĩ cứ ghi vào sổ, sau này sẽ tính sau. Còn lý do ký Giấy mượn nợ, Giấy xác nhận nợ và Giấy thỏa thuận bán container để trừ nợ là do bà N kêu xã hội đen đến nhà gây áp lực nên bà M phải ký vào theo yêu cầu của bà N. Nay bà M yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.

Bị đơn ông Ngô M  trình bày:

Số tiền vợ chồng bà N đưa cho vợ chồng ông M và con gái ông M là 1.270.000.000 đồng, số tiền hoa hồng chưa đưa cho bà N là 65.650.000 đồng, trong cuốn sổ màu đen ghi sổ dì N có thể hiện. Theo nguyên tắc, đã tính tiền hoa hồng thì không tính lãi, nếu tính lãi như vậy là thiệt thòi cho gia đình ông M . Nay bà N khởi kiện đòi nợ tiền vay, ông M yêu cầu Tòa án xem xét. Ông M xác định vợ chồng ông M chỉ còn nợ bà N 735.650.000đồng (đã trừ 600.000.000đồng tiền bán container) nhưng thi hành án đã phát mãi tài sản của con gái ông Mới là Ngô Thị Ngọc M’để trả nợ cho bà N là 1.210.000.000đồng và nộp án phí 75.000.000 đồng, như vậy là thiệt thòi cho gia đình ông M, ông M yêu cầu Tòa án xem xét.

Nay bà N khởi kiện đòi nợ, ông M có ý kiến như sau: ông M xác định vợ chồng ông chỉ nợ bà N 1.335.650.000đồng và đồng ý trả số nợ trên, số tiền còn lại đề nghị Tòa án xem xét vì thực tế đây là tiền lãi, nên ông M không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa ông M trình bày: Vẫn giữ ý kiến như đã trình bày trước đây, ông M thống nhất với lời trình bày của bà M, xác nhận khoản nợ của bà N là 1.335.650.000đồng và đồng ý trả số nợ trên, sau khi trả tiền hàng đợt cuối đến tháng 6 năm 2009 việc mua bán đã dừng, hai bên không còn giao dịch nhận khoản tiền nào nữa, ông M chỉ biết số nợ 1.335.650.00đồng, còn những khoản tiền sau này ông M không biết, do bà M và bà N tính toán tự ghi sổ sách với nhau, nhưng theo ông M biết thì khoản tiền ghi từ chữ “9/9 âm lịch...” đến cuối sổ là tiền lãi. Ông M không đồng ý với yêu cầu của bà N và yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị Ngọc M’ trình bày:

Từ năm 2009 - 2010, bà Nguyễn Thị N cùng với bà Trần Thị M (mẹ bà M’) hùn hạp làm ăn với nhau. Việc giữa mẹ bà M và bà N hùn mua cá với nhau, bà N là người trực tiếp xuống cảng mua cá, bà Nghi chép vào sổ riêng của bà N, sau đó bà M’chỉ giúp bà Nghi lại vào trong cuốn sổ màu đen cho sạch sẽ, vì sổ bà N ghi dính cá dơ, bà M’ giúp bà M tính tiền hoa hồng cho bà N. Bà M’ không biết bà M thiếu bà N bao nhiêu tiền nhưng khi bà N đưa người xuống gây áp lực tại gia đình bà M’, liên tục bắt mẹ bà M’phải ký vào nhiều giấy nhận nợ và giấy bán container, bà M’ có ghi vào cuốn sổ màu đen là thống nhất tổng tiền kết sổ là 2.409.500.000đồng.

Bà M’ yêu cầu Tòa án xác định lại phần nợ của mẹ bà M’với bà N cho cụ thể cái nào gốc, cái nào lãi. Còn container là của doanh nghiệp của bà M’, không phải là của mẹ bà M’. Bà M’đồng ý hỗ trợ mẹ bà M’trả nợ chứ việc ép mua bán container là không đúng. Việc này bà M’chỉ trình bày cho Tòa án xem xét chứ bà M’ không có yêu cầu gì khác. Trước đây bà Mai có làm đơn yêu cầu độc lập, sau đó bà M’ không yêu cầu nữa nhưng bà M’yêu cầu Tòa án xem xét nội dung của đơn để xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, bà M’ trình bày: vẫn giữ ý kiến đã trình bày, bà M’xác định việc bà N và bà M (mẹ bà M’) làm ăn với nhau không liên quan gì đến bà M’, bà M’ chỉ ghi sổ giùm, đến khi kết sổ do bảo vệ tính mạng cho gia đình, sợ những người thân trong gia đình xảy ra việc nên bà M’có ghi: thống nhất tổng tiền kết sổ là 2.409.500.000đồng, ký và ghi họ tên. Tại biên bản hòa giải của UBND phường Đức Thắng bà M’có tham dự và cũng chỉ có ý kiến đồng ý hỗ trợ để trả nợ, bà M’ không đồng ý với nội dung biên bản hòa giải ngày 28/6/2011 của UBND phường Đức Thắng đã cung cấp cho Tòa. Nay bà M’ đồng ý hỗ trợ cha mẹ trả nợ cho bà N số tiền 1.335.650.000 đồng, số tiền còn lại bà M’ yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Đặng Đông A trình bày:

Ông A thống nhất với lời trình bày của bà Nguyễn Thị N, số tiền bà N đưa cho vợ chồng bà M, ông M, bà M’mượn là tiền của vợ chồng ông A, trong quá trình vay mượn có một vài lần ông A là người trực tiếp đưa tiền cho gia đình ông M nhận trong đó người nhận có cả bà M, ông M, bà M’.

Tiền đưa cho gia đình ông M vay là tiền của vợ chồng ông A đi vay ngân hàng trả lãi, tiền bán tài sản của vợ chồng ông. Nay ông A thống nhất theo yêu cầu của vợ (bà N): yêu cầu vợ chồng ông M, bà M, bà M’trả tiền vay + tiền lãi cho vợ chồng ông A theo quy định của pháp luật.

Vụ án đã được Tòa án hòa giải nhưng không thành, Ngày 18/7/2017, Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết xét xử vụ án, tại Bản án dân sự số 38/2017/DS-ST; Quyết định: Áp dụng: Điều 5, khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 75, khoản 1 Điều 91, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 471, Điều 474, Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 27, Điều 30, Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc vợ chồng ông Ngô M, bà Trần Thị M và bà Ngô Thị Ngọc M’ phải có nghĩa vụ trả cho vợ chồng ông Đặng Đông A, bà Nguyễn Thị N số tiền 651.000.000đồng và 170.887.500đồng tiền lãi. Tổng cộng 821.887.500đồng (Tám trăm hai mươi mốt triệu, tám trăm tám mươi bảy ngàn, năm trăm đồng). Về án phí: Vợ chồng Ngô M, bà Trần Thị M và bà Ngô Thị Ngọc M’phải chịu 8.544.375đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Bà Nguyễn Thị N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm (đã hoàn trả số tiền 21.315.000đồng tạm ứng án phí cho bà Nguyễn Thị N).

Ngoài ra bản án còn tuyên lãi suất do chậm thi hành án, trách nhiệm thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật cho các đương sự.

Ngày 01/8/2017 bị đơn bà M và ông M kháng cáo không đồng ý bản án sơ thẩm; yêu cầu phúc thẩm làm rõ số tiền 2.409.500.000đồng vì trong đó tiền gốc và hoa hồng 1.326.587.000đồng số tiền lãi 1.082.913.000đồng bản án dân sự số 24/2012/DS-ST ngày 25/12/2012 Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết buộc trả bà Nuôi số tiền 264.639.000đồng là số tiền lãi chồng lãi; bản án dân sự số 48/2012/DS- ST ngày 18/7/2017 Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết buộc trả lãi cho bà Nuôi số tiền 170.887.500đồng là tiền lãi chồng tiền lãi. Án phí 8.544.375đồng là án phí chồng án phí.

Ngày 01/8/2017 người có quyền lợi và liên quan bà M’kháng cáo không đồng ý bản án dân sự sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ tư cách tham gia tố tụng của tôi và làm rõ bà N ép mua 5 container của Doanh nghiệp tư nhân ND có đúng pháp luật hay không.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và không có kháng cáo bản án sơ thẩm.

Bị đơn không có yêu cầu phản tố và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà M’ không có yêu cầu độc lập và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận phát biểu việc tuân theo pháp luật trong vụ án: Thẩm phán và Hội đồng xét xử tiến hành tố tụng đúng pháp luật; người tham gia tố tụng chấp hành pháp luật; Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Bà M ông M cho rằng là quan hệ hùn vốn kinh doanh chung theo phương thức bà Nuôi đưa tiền, bà M ông M mua cá bán có lời chia; bà N cho rằng đây là quan hệ vay tiền không phải là quan hệ kinh doanh chung. Xét yêu cầu của hai bên thấy rằng: Có cuốn sổ ghi chép việc giao nhận tiền của hai bên, đây là chứng cứ duy nhất chứng minh có việc giao nhận tiền của bà N và bà M, tuy bà M cho rằng đây là quan hệ kinh doanh chung nhưng lại thừa nhận có nợ tiền của bà N 1.260.000.000đ như vậy đủ căn cứ để xác nhận quan hệ đưa nhận tiền của hai bên là vay mượn tiền không phải kinh doanh chung, hoặc có kinh doanh chung thì sau đó cũng đã cộng sổ lại không kinh doanh nữa và thống nhất số nợ, chuyển đổi từ quan hệ làm ăn chung sang quan hệ nợ tiền. Bản án sơ thẩm xác định đây là quan hệ tranh chấp hợp đồng vay tài sản là có căn cứ và đúng pháp luật.

Về khoản tiền nợ: Bà N khởi kiện và có cung cấp các chứng cứ thể hiện bà M ông M có nợ tiền của bà 2.409.500.000đ:

-Sổ ghi chép có chữ viết và chữ ký của bà M xác nhận:“ Kết tổng số tiền là 2.409.500.000đ”,

-“Giấy mượn tiền 2.409.500.000đ của bà M ghi ngày 10/3/2011”.

- Giấy mượn tiền ngày 14/3/2011 xác nhận có nợ 2.409.500.000đ của bà N và ngày 14/3/2011 bà M có bán cho bà N 5 cái công lạnh với giá 600.000.000đ nên số tiền trên còn nợ 1.809.500.000đ. Giấy này có xác nhận của ông N chứng kiến việc lập giấy xác nhận nợ giữa 2 bên. Ngoài ra còn 2 người làm chứng khác là H và P cùng ký.

Các giấy này bà M đều thừa nhận là có viết có ký nhưng do bà N đưa người tới đe dọa ép buộc bà ký nên mới ký vào giấy. Xét yêu cầu của bà M cho rằng bị đe dọa ép buộc và do lo sợ nên mới ký giấy nhận nợ thấy rằng đây chỉ là lời khai nại của bà mà không có căn cứ chứng minh, hơn nữa cũng không thỏa đáng vì không phải việc xác nhận nợ của bà 1 lần mà còn nhiều lần, ký khi còn có những người làm chứng ký xác nhận. Do vậy bà M ông M kháng cáo cho rằng bị đe dọa khi ký giấy nợ là không có cơ sở xác nhận.

Đối với yêu cầu của bà M cho rằng số tiền 1.073.850.000đ không có phải là tiền nợ mà là khoản tiền lãi phát sinh do bà Nuôi tự tính, tuy nhiên đây cũng chỉ là lời khai nại, không có căn cứ chứng minh, kể cả giải trình của bà M về những khoản tiền ghi trong sổ cũng không hợp lý và trùng số tiền ghi nợ, trình bày này của bà không đủ cơ sở để bác chứng cứ do bà N cung cấp là các giấy nhận nợ của bà M với bà N.

Đối với yêu cầu của bà M’về việc không có trách nhiệm trả nợ khoản nợ của cha mẹ vì bà cho rằng tuy ở phường có thỏa thuận trả nợ thay mẹ và cha nhưng đó là thỏa thuận nếu bà có điều kiện trả nợ. Do vậy nay bà rất khó khăn về kinh tế, doanh nghiệp tạm thời ngưng không hoạt động, bà phải đi làm thuê nên không có điều kiện để trả nợ thay cha mẹ. Yêu cầu được trả lại khoản tiền thi hành án đã cưỡng chế buộc bà bán tài sản trả nợ. Xét các yêu cầu này của bà M’ thấy rằng: Tuy bà M’ không phải là người trực tiếp xác nhận số nợ nhưng ông M và bà M kinh doanh thu mua hải sản có mở doanh nghiệp, bà M’ là người đứng tên giấy tờ nhưng các việc kinh doanh của cơ sở đều có sự tham gia của cả bà M và bà M’. Trong sổ ghi chép có thể hiện bút tích của bà M’ghi nhận các giao dịch mua bán. Do vậy án sơ thẩm buộc bà M’có trách nhiệm liên đới trả nợ chung là có căn cứ, Đối với yêu cầu đòi trả lại khoản tiền thi hành án đã cưỡng chế bán trả nợ bà M’ không có yêu cầu độc lập, không có kháng cáo nên không xem xét.

Bà M ông M kháng cáo nhưng không có cung cấp chứng cứ nào khác nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà bà M và ông M, đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của bà M, ông M.

Tuy nhiên trong phần tuyên của bản án sơ thẩm không tuyên cụ thể trách nhiệm của bà M, ông M, bà M’ nên trong quá trình thi hành án sẽ gặp khó khăn nên đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm chỉnh sửa tuyên cụ thể trách nhiệm của từng người phải trả cho bà N và xem xét phần tuyên về án phí cho phù hợp.

Vì các lẽ trên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận nhận thấy quyết định sơ thẩm do tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết đã tuyên là phù hợp pháp luật. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận căn cứ khỏan 2 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 xử sửa quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[ 1] Qúa trình giải quyết vụ án kèm theo đơn khởi kiện của nguyên đơn có các tài liệu chứng cứ như giấy mượn tiền, giấy xác nhận nợ, giấy thỏa thuận sang nhượng Conteiner để trừ nợ .. các giấy này đều có chữ ký xác nhận của bị đơn bà Trần Thị M, nội dung của các tài liệu chứng cứ trên đều thể hiện việc vay mượn nợ, trừ nợ. Bị đơn bà M cho rằng giữa bị đơn và nguyên đơn chỉ là quan hệ hùn hạp làm ăn chung, lời cùng chia, lỗ cùng chịu chứ bị đơn không vay mượn tiền của nguyên đơn, nhưng bị đơn không cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh cho lời trình bày. Do đó tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” là có căn cứ và phù hợp pháp luật.

[ 2] Đối với kháng cáo của bị đơn bà M và ông M, Hội đồng xét xử nhận thấy: Quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn xác định các khoản tiền thể hiện tại quyển sổ bìa màu đen, có tiêu đề “sổ Dì N- 01/09” đều được bà M và chị M thừa nhận là sổ ghi theo dõi về số lượng cá mua vào, số liệu ghi bắt đầu từ 20/8/2009 đến ngày 13/12/2009 và số tiền mà bà N yêu cầu bà M trả được chốt từ cuốn sổ này và thống nhất kết sổ là 2.409.500.000đồng; nguyên đơn xác định số tiền trên đều là tiền mặt mà nguyên đơn đưa cho gia đình bà M để trả tiền mua hàng, chỉ có 10.500.000đồng ghi ngày 9 tháng giêng là tiền huê hồng (trong sổ ghi tiền lãi), khi đưa tiền gia đình bà M có nhận tiền thì ghi vào sổ chứ không có việc vì tình cảm mà ghi tiền lãi thành tiền nợ vào sổ như bà M khai. Ngược lại, bị đơn cho rằng số tiền này là tiền lãi, bà Ntrả cho những người vay, đến khi tính toán bà M cũng đồng ý các khoản tiền lãi do bà N đưa ra và đồng ý ghi vào sổ theo yêu cầu của bà N, mặt khác bà M khai do nghĩ tình cảm chị em nên cứ ghi vào sổ rồi sẽ tính sau. Xét thấy, tại sổ ghi chữ “Dì N” thể hiện tiền mặt 02 cột 82.692.000đồng và 518.000.000đồng tiền lãi là 01 cột 10.500.000đồng những cột khác không thể hiện rõ tiền gì chỉ ghi 9/9 Alịch, 25/10 Alịch, 24/11 Dlịch…, bà M và ông M đều khai là tiền lãi nhưng không đưa ra được tài liệu chứng cứ nào để chứng minh cho lời khai của mình trong khi đó đương sự đều xác định, sổ ghi chữ “Dì N” là do bà N giữ, khi nào đưa tiền thì bà M hoặc bà M’ ghi cụ thể số tiền vào sổ. Xét thấy, số tiền hai bên giao dịch có giá trị rất lớn nên không thể vì tình cảm mà bà M và bà M’ đã ghi số tiền nợ lên đến hàng tỷ đồng, đồng thời ở cuối sổ đều có xác nhận số tiền cụ thể. Qúa trình giải quyết vụ án bị đơn không đưa ra tài liệu, chứng cứ nào chứng minh khoản tiền trên là tiền lãi và cuối sổ bà M’ và bà M đều xác nhận tổng số tiền, vì vậy có đủ căn cứ để xác định khoản tiền gia đình bà M ghi vào sổ cho bà N là tiền mặt đã được nhận từ bà N (Trong đó chỉ có số tiền 10.500.000đồng được ghi là tiền lãi của ngày 09 tháng Giêng). Do đó tòa án cấp sơ thẩm xác định số tiền gia đình bà M thiếu bà N là 2.409.500.000đồng (trong đó có 01 khoản tiền huê hồng là 65.650.000đồng, 01 khoản tiền lãi là 10.500.000đồng, các số tiền còn lại là nhận tiền mặt). Ngày 14/3/2011 bà Trần Thị M có làm giấy thỏa thuận bán container để trừ nợ cho bà N số tiền 600.000.000đồng bà M xác nhận số tiền còn nợ lại là 1.809.500.000đồng.

Qúa trình giải quyết vụ án ông Ngô M đồng ý cùng bà M trả nợ 1.335.650.000đồng, số tiền còn lại ông M khai là không biết nhưng khi gia đình bà N xuống gây áp lực đòi nợ buộc bà M ký giấy nợ thì ông biết được cụ thể số tiền; tuy nhiên ông cho rằng số tiền chênh lệch là tiền lãi nhưng ông cũng không cung cấp tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh rằng tiền chênh lệch là tiền lãi cùng với việc bà N gây áp lực để buộc bà M viết giấy nợ như lời trình bày của ông. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Ngô M có biết việc giao dịch mua bán nợ nần giữa bà N và bà M nhưng ông không có ý kiến gì là có căn cứ; do đó tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ Điều 27, Điều 30, Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình để buộc ông M có trách nhiệm liên đới cùng bà M thực hiện việc trả nợ cho bà N là có căn cứ và phù hợp pháp luật.

Bản án số 47/2012/DS-PT ngày 20/7/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên xử buộc vợ chồng ông Ngô M, bà Trần Thị M và bà Ngô Thị Ngọc M’trả nợ cho bà Nguyễn Thị N 1.809.500.000đồng tiền vốn và 203.568.758đồng tiền lãi. Tại Thông báo số 329/CTHADS-NV ngày 07/8/2015 Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận đã thi hành được một phần bản án; số tiền còn lại chưa thi hành là 651.000.000đồng. Do vậy tòa án cấp sơ thẩm xử buộc vợ chồng bà M và bà M’có trách nhiệm trả cho bà N số tiền 650.000.000đồng tiền gốc theo yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ và phù hợp pháp luật. Về kháng cáo cho rằng lãi chồng lãi Hội đồng xét xử nhận thấy: Bản án số 47/2012/DS-PT ngày 20/7/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tính tiền lãi chậm trả đến tháng 7 năm 2012, nay nguyên đơn bà N tiếp tục yêu cầu trả lãi từ tháng 8/2012 đến khi xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên tòa án cấp sơ thẩm đã xác định thời điểm từ tháng 8/2012 đến tháng 6/2015 để tính lãi tuy nhiên nguyên đơn không có kháng cáo nên hội đồng xét xử không xét. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định giao dịch dân sự giữa các bên là hợp đồng vay tài sản do đó bên vay phải có trách nhiệm trả khoản tiền chậm trả với lãi suất 0,75% = 170.887.500đồng là hoàn toàn phù hợp.

Tòa án cấp sơ thẩm đã khấu trừ án phí đối với số tiền 651.000.000đồng; do bản án số 47/2012/DS-PT ngày 20/7/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tính án phí; Cục thi hành án dân sự đã thi hành xong, do đó tòa án cấp sơ thẩm tính án phí đối với phần tiền lãi được tính từ tháng 8/2012 trở về sau do vậy án phí sơ thẩm bà M ông M và bà M’chỉ phải chịu đối với khoản tiền 170.887.500đồng là không chồng án phí như kháng cáo của ông M bà M đã nêu.

[3] Xét kháng cáo của bà Ngô Thị Ngọc M’cho rằng bà không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hội đồng xét xử nhận thấy: mặc dù bà M’cho rằng bà không trực tiếp giao dịch mua bán và làm ăn với bà N nhưng bà M’xác định bà là người ghi hộ sổ sách và khi có tranh chấp thì bà hứa là người trả nợ thay cho mẹ bà khi có điều kiện. Hồ sơ vụ án thể hiện các tài liệu chứng cứ cho thấy ngày mua hàng, số tiền hàng, tiền huê hồng đã được ghi trong sổ có chữ “Dì N” là do chính bà Ngô Thị Ngọc M’ghi nhiều lần, vào nhiều thời điểm khác nhau và tại phần cuối số tiền kết sổ bà Mcó ghi rõ thống nhất tổng tiền kết sổ là 2.409.500.000đồng và bà M’ đã ký tên và ghi rõ họ tên bên dưới; Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân phường Đức Thắng ngày 28/6/2011 bà M’có ý kiến đồng ý là sẽ bán tài sản do tôi đứng tên là khu nhà lều tại Phú Hài, Phan Thiết để hỗ trợ việc trả nợ cho bà Nvà cũng tại biên bản này bà M cũng xác nhận Bà N trả tiền và trực tiếp cân, sau đó thì tính toán tiền huê hồng vào sổ là do con tôi (M’) ghi. Ngoài ra, qúa trình điều giải quyết vụ án bà M xác định con gái bà là Ngô Thị Ngọc M’ làm ăn chung một cơ sở với bà các giao dịch thanh toán tiền mua bán qua hệ thống ngân hàng đều do con gái bà thực hiện. Chứng cứ do nguyên đơn cung cấp và được các đương sự xác nhận là quyển sổ ghi có bìa mà đen có chữ ký của bà Ngô Thị Ngọc M’ ký bên dưới phần tổng kết số tiền. Từ các chứng cứ trên cho thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Ngô Thị Ngọc M’ là người liên quan trong việc mua bán giao dịch giữa bà N và bà M và đủ cơ sở để Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Ngô Thị Ngọc M’ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là hoàn toàn có căn cứ và phù hợp với pháp luật.

Đối với kháng cáo của bà M’cho rằng bà Nuôi ép bán 5 container nhận thấy thể hiện tại giấy thỏa thuận bán container để trừ nợ là do bà M ký bà M và bà M’cho rằng do bị bà N kêu xã hội đen đến ép ký bán nhưng bà M và bà M’ đều không cung cấp tài liệu chứng cứ nào để chứng minh cho lời khai nại trên do vậy không có căn cứ để chấp nhận.

[4] Từ những nhận xét trên, Hội đồng xét xử nhận thấy bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan có kháng cáo nhưng không cung cấp tài liệu chứng cứ nào để chứng minh cho các yêu cầu kháng cáo của mình do đó không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bà M, ông M và bà M’cùng có trách nhiệm trả tiền cho bà N và ông A số tiền 821.887.500đồng không chia phần trách nhiệm trả tiền đối với từng cá nhân là có khó khăn cho việc thi hành bản án do vậy cấp phúc thẩm nghĩ nên sửa một phần bản án sơ thẩm chia trách nhiệm trả nợ đối với từng cá nhân với số tiền cụ thể.

Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan Ngô Thị Ngọc M’; sửa bản án sơ thẩm.

- Áp dụng: Điều 5, khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 75, khoản 1 Điều 91, Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 471, Điều 474, Điều 476 Bộ Luật Dân sự năm 2005; Điều 27, Điều 30, Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

- Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc vợ chồng ông Ngô M, bà Trần Thị M và bà Ngô Thị Ngọc M’phải có nghĩa vụ trả cho vợ chồng ông Đặng Đông A, bà Nguyễn Thị N số tiền 651.000.000 đồng và 170.887.500 đồng tiền lãi. Tổng cộng: 821.887.500 đồng (Tám trăm hai mươi mốt triệu, tám trăm tám mươi bảy nghìn, năm trăm đồng). Chia phần bà Trần Thị M có nghĩa vụ trả cho bà N và ông A số tiền là 273.962.500đồng; ông Ngô M có nghĩa vụ trả cho bà N và ông A số tiền là 273.962.500đồng; bà Mai có nghĩa vụ trả cho bà N và ông A số tiền là 273.962.500đồng.

Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 01 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 02 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

- Về án phí: Ông Ngô M, bà Trần Thị M và bà Ngô Thị Ngọc M’ mỗi người phải chịu 2.848.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Nguyễn Thị N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm (đã hoàn trả số tiền 21.315.000 đồng tạm ứng án phí cho bà Nguyễn Thị N).

Hoàn trả lại cho bị đơn bà Trần Thị M, ông Ngô M số tiền 300.000đồng và người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan bà Ngô Thị Ngọc M’ số tiền 300.000đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0013659 ngày 01/8/2017 và số 0013658 ngày 02/8/2017 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Phan Thiết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (13/3/2018). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

587
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 43/2018/DS-PT ngày 13/03/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:43/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Thuận
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về