Bản án 45/2017/HS-ST ngày 31/08/2017 về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN DẦU TIẾNG, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 45/2017/HS-ST NGÀY 31/08/2017 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN VÀ TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ

Ngày 31 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý 43/2017/TLST-HS ngày 21 tháng 7 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử45/2017/QĐXXST-HS ngày 18 tháng 8 năm 2017 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Nguyễn Công D (tên thường gọi khác là H), sinh năm 1995, tại Bình Dương. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện tại: Ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Nguyên làm công nhân; trình độ văn hóa:09/12; dân tộc: Kinh; con ông Nguyễn Công L,sinh năm 1970 và bà Trần Thị D,sinh năm 1974; chưa có vợ và con; tiền án: Không, tiền sự: Không. Ngày 12/4/2017, bị cáo bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại. Có mặt.

2. Họ và tên: Lê Quang H (tên thường gọi khác là B), sinh năm 1992, tại Bình Dương. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện tại: Ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ văn hóa: 08/12; dân tộc Kinh; con ông Lê Quang H, sinh năm 1970 (đã chết) và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1973; có vợ: Nguyễn Thị Thanh T, sinh năm 1993 (đã ly hôn theo quy định pháp luật) và có 01 người con sinh năm 2012; tiền án: Không; tiền sự: Không. Ngày 12/4/2017, bị cáo bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú . Bị cáo tại ngoại. Có mặt.

3. Họ và tên: Trần Huỳnh K, sinh năm 1995, tại Bình Dương. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện tại: Ấp B, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Không; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Kinh; con ông: Trần Văn Đ, sinh năm 1967 và bà Huỳnh Xuân L, sinh năm 1969; chưa có vợ và con; tiền án: Không, tiền sự: Không. Ngày 12/4/2017, bị cáo bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại. Có mặt.

4. Họ và tên: Huỳnh Công Đ, sinh ngày 05/5/1999 và đến ngày phạm tội thì bị cáo 17 tuổi 06 tháng 09 ngày, tại Bình Dương. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện tại: Ấp T, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Phụ giúp gia đình; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Kinh; con ông: Huỳnh Văn H (đã chết) và bà Mai Thị T, sinh năm 1963; chưa có vợ và con; tiền án: Không, tiền sự: Không. Ngày 12/4/2017, bị cáo bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại. Có mặt.

5. Họ và tên: Mai Thị T, sinh năm 1963, tại Thanh Hóa. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện tại: Ấp T, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ văn hóa: 07/12; dân tộc: Kinh; con ông Mai Bá T (đã chết) và bà Mai Thị T (đã chết); có chồng Huỳnh Văn H (đã chết) và có 02 con, lớn đã trưởng thành (trên 18 tuổi) và nhỏ 17 tuổi; tiền án: Không, tiền sự: Không. Ngày 12/4/2017, bị cáo bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại. Có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Công ty TNHH MTV Cao su D. Địa chỉ: Đường T, khu phố 2, thị trấn D, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Thanh H, sinh năm 1966, chức vụ: Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su D.

- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự:

1. Ông Lê Văn M, sinh năm 1958, chức vụ: Trưởng phòng Thanh tra bảo vệCông ty TNHH MTV Cao su D. Có mặt.

2. Ông Lê Phương T, sinh năm 1974, chức vụ: Giám đốc Nông trường Cao su T. Có mặt. (theo văn bản ủy quyền số 287/UQ-CSDT-VP ngày 22/8/2017)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. NLQ 1. Có mặt

2. NLQ 2. Có mặt.

- Người làm chứng:

1. NLC 1. Có mặt.

2. NLC 2. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Công D là bảo vệ tại trạm bảo vệ số 6, lô 16B Nông trường cao su T thuộc Công ty TNHH MTV Cao su D tại ấp T, xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương. Khoảng tháng 10/2016, D nảy sinh ý định trộm cắp mủ cao su tại trạm bảo vệ số 6 để bán lấy tiền tiêu xài. Để thực hiện ý định trên, khi công nhân mở cửa nhà lồng chứa mủ, D đứng gần, lén nhìn và ghi nhớ mã số khoá của nhà lồng. Cũng trong khoảng thời gian này, D gặp Huỳnh Công Đ và nói “Mày mua mủ chén không?”, Đ trả lời: “Mủ ở đâu?” thì D nói “Mủ ở trạm tao làm đó”, Đ biết được mủ do D lấy trộm được tại trạm bảo vệ nhưng không quyết định được việc mua mủ nên nói: “Để tao về hỏi mẹ tao coi sao, nếu được thì mua chứ có gì đâu”, Đ về gặp mẹ mình là Mai Thị T và nói “Con có quen thằng bạn làm bảo vệ tại trạm số 6, nó có mủ lậu (mủ trộm được mà có), mẹ mua không?”, T nói: “Có mủ thì mày chở về đây tao mua rồi tính tiền cho có gì đâu”, khoảng 03 ngày sau D gọi điện cho Đ hỏi về việc mua bán mủ trộm được, Đ nói T đồng ý mua nên cả hai hẹn khi nào có mủ thì D điện thoại cho Đ đến chở mủ về cân và tính tiền.

Trong thời gian từ khoảng tháng 10 đến ngày 14/11/2016, Nguyễn Công Dcùng đồng phạm thực hiện 04 vụ trộm mủ cao su tại trạm số 6, cụ thể như sau:

Vụ thứ nhất: Thời gian không xác định được cụ thể, khoảng tháng 10/2016, D trực một mình tại trạm bảo vệ số 6 nên nảy sinh ý định trộm mủ cao su. Khoảng 17 giờ 00 phút, D điện thoại cho Đ và hẹn tối sẽ gọi cho Đ đến trạm bảo vệ số 6 chở mủ cao su. Đến khoảng 20 giờ 00 phút cùng ngày, D đi bộ ra nhà lồng chứa mủ mở khoá, lấy trộm được khoảng 08 đến 10 cục mủ cao su, sau đó D gọi điện thoại cho Đ đến chở. Sau khi nghe điện thoại của D, Đ gặp T và nói: “Con đi chở mủ của thằng bạn nó lấy trong trạm nha”, bà T nói: “Mày chở về đi tao mua cho”. Đ điều khiển xe ba gác màu sơn đỏ, không có biển số, số máy: LX162MJ- 10MW027197 đến trạm bảo vệ số 6 chở số mủ trên về nhà và cân được 130kg,T đồng ý mua 130kg mủ cao su trên với giá 1.300.000 đồng và đưa tiền cho Đ,Đ điều khiển xe mô tô đem số tiền trên đến trạm số 6 đưa cho D. Số tiền do bán mủ trộm được mà có, D đã tiêu xài cá nhân hết.

Vụ thứ hai: Cũng khoảng thời gian tháng 10/2016, cách vụ thứ nhất khoảng 07 đến 10 ngày, D trực một mình tại trạm bảo vệ số 6 nên nảy sinh ý định trộm mủ cao su. Khoảng 16 giờ 00 phút, D điện thoại cho Đ và hẹn tối sẽ gọi điện thoại cho Đ đến chở mủ cao su, Đ đồng ý. Đến khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, D đi bộ ra nhà lồng chứa mủ, mở khoá nhà lồng và lấy trộm được khoảng 15 đến 16 cục mủ, sau đó D điện thoại cho Đ đến chở. Đ điều khiển xe ba gác màu sơn đỏ, không có biển số, số máy: LX162MJ-10MW027197 đến trạm bảo vệ số 6 chở số mủ cao su trên về nhà. T thấy Đ chở mủ về nhà nên hỏi “Mủ này ở đâu?” thì Đ trả lời: “Mủ của thằng bạn con làm bảo vệ ở trạm số 6 đó mẹ”, T biết số mủ trên là do D cùng Đ trộm được mà có nhưng vẫn đồng ý mua. Đ cân số mủ trên được 220kg, T đồng ý mua với giá 2.200.000 đồng và đưa tiền cho Đ, sau đó Đ điều khiển xe mô tô đem số tiền trên đến trạm bảo vệ số 6 đưa cho D. Số tiền do bán mủ trộm được mà có, D đã tiêu xài cá nhân hết.

Vụ thứ ba: Trong khoảng tháng 10/2016, cách vụ thứ hai khoảng 10-15 ngày. Khoảng 19 giờ 00 phút , Lê Quang H đến trạm số bảo vệ số 6 chơi, tại đây D rủ H tham gia trộm mủ cao su bán lấy tiền tiêu xài, H đồng ý. Khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, D và H đến nhà lồng chứa mủ của trạm, D mở khoá, cả hai người lấy trộm được khoảng 15 đến 20 cục mủ cao su, sau đó D điện thoại cho Đ đến chở mủ. Khoảng 15 phút sau, Đ điều khiển xe ba gác màu sơn đỏ, không có biển số, số máy: LX162MJ-10MW027197 đến trạm bảo vệ số 6 chở số mủ cao su trên về. D nói H điều khiển xe mô tô đi theo Đ cân mủ và lấy tiền. Đ chở số mủ trên về cân được 240kg, T biết số mủ trên do Đ và bạn của Đ trộm được mà có nhưng vẫn đồng ý mua với giá 2.400.000 đồng và đưa tiền cho H, H mang số tiền trên về đưa cho D, D giữ 1.400.000 đồng và chia cho H 1.000.000 đồng. Số tiền do bán mủ trộm được mà có, D và H đã tiêu xài cá nhân hết.

Vụ thứ tư: Khoảng 18 giờ ngày 14/11/2016, D, H và Trần Huỳnh K tổ chức uống bia tại trạm số 6. Khoảng 20 giờ 00 phút, sau khi uống bia xong thì D rủ H và K trộm mủ cao su tại trạm bảo vệ số 6 để bán lấy tiền tiêu xài, H và K đồng ý. D, H, K đến nhà lồng chứa mủ của trạm, D mở khoá, cả ba người lấy trộm được 38 cục mủ cao su, khối lượng 534 kg, sau đó D điện thoại gọi Đ đến chở, Đ điều khiển xe ba gác màu sơn đỏ, không có biển số, số máy: LX162MJ-10MW027197 đến trạm bảo vệ số 6 để chở số mủ trên. Tại đây, Đ cảnh giới còn D, H, K cùng nhau chất mủ cao su lên thùng xe ba gác. Khi đang thực hiện hành vi chất mủ cao su lên xe thì K và Đ bị đội bảo vệ của Nông trường cao su Thanh An kết hợp với Công an xã Thanh An bắt quả tang, D và H chạy trốn khỏi hiện trường.

Như vậy:

- Nguyễn Công D và Huỳnh Công Đ đã thực hiện 04 lần trộm cắp mủ cao su của Nông trường cao su T thuộc Công ty TNHH MTV Cao su D và đã chiếm đoạt được 1.124 kg với tổng trị giá là 11.240.000 đồng.

- Lê Quang H thực hiện 02 lần trộm cắp mủ cao su của Nông trường cao su T thuộc Công ty TNHH MTV Cao su D và đã chiếm đoạt được 774 kg với tổng trị giá là 7.740.000 đồng.

- Trần Huỳnh K thực hiện 01 lần trộm cắp mủ cao su của Nông trường cao su T thuộc Công ty TNHH MTV Cao su D và đã chiếm đoạt được 534 kg với trị giá là 5.340.000 đồng.

- Mai Thị T thực hiện 03 lần tiêu thụ tài sản là mủ cao su do các bị can D, Đ, H phạm tội mà có với tổng khối lượng 590 kg, trị giá 5.900.000 đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng thu giữ các vật chứng gồm:

- 38 (ba mươi tám) cục mủ cao su (loại mủ chén được đánh đông) tổng khối lượng 534 kg;

- 01 (một) xe ba gác, màu sơn đầu xe và thùng xe: Đỏ, không biển số, số máy: LX162MJ-10MW027197

- 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA, số loại: SIRIUS, màu sơn: Đỏ -đen, biển số: 61V1-8751, số máy: 5C63292078, số khung: 292028;

- 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu WAVE, màu sơn: Xanh, biển số: 61T5-8362,số máy: 0482536, số khung: Y482736

- 01 (một) điện thoại di động màu tím hiệu Nokia model 1280, loại RM647;

- 01 (một) điện thoại di động màu trắng hiệu OPPO bị hỏng màn hình.

Tại Kết luận định giá tài sản số: 102/KLĐG ngày 08/12/2016 của Hội đồng định giá tài sản Uỷ ban nhân dân huyện Dầu Tiếng kết luận:

- 38 (ba mươi tám) cục mủ cao su (loại mủ chén được đánh đông) tổng khối lượng 534 kg trị giá tổng số tiền là 534kg x 10.000đ/kg = 5.340.000đ (năm triệu ba trăm bốn mươi ngàn đồng).

- 590kg mủ cao su (loại mủ chén được đánh đồng) trị giá là 590kg x 10.000đ/kg = 5.900.000 đồng (năm triệu chín trăm ngàn đồng).

Vậy tổng giá trị tài sản thiệt hại là: 11.240.000đ (mười một triệu hai trăm bốn mươi ngàn đồng).

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo D, H, K, Đ, T và đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự Công ty TNHH MTV Cao su D không có ý kiến hay khiếu nại gì về kết luận của Hội đồng định giá nêu trên.

Các bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương truy tố tại bản cáo trạng số 43/QĐ-KSĐT ngày 19/7/2017, cụ thể:

Truy tố:

Nguyễn Công D, Lê Quang H, Trần Huỳnh K và Huỳnh Công Đ về tội“Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự, Mai Thị T về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa giữ nguyên quan điểm và quyết định truy tố đối với các bị cáo theo tội danh trong bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:

- Về hình phạt:

+ Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm g, p khoản 1 Điều 46; điểm g, n khoản 1 Điều 48, Điều 53 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn Công D với mức hình phạt từ 12-14 tháng tù.

+ Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm g, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 53 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Lê Quang H với mức hình phạt từ 10-12 tháng tù.

+ Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm g, h, p khoản 1 Điều 46, Điều 53, Điều 60 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Trần Huỳnh K với mức hình phạt từ 06-08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 12-16 tháng.

+ Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm g, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 53, Chương X Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Huỳnh Công Đ với mức hình phạt từ 06-08 tháng tù.

+ Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm g, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Mai Thị T với mức hình phạt từ 12-14 tháng tù.

- Về trách nhiệm dân sự:

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự yêu cầu các bị cáo D, H, Đ bồi thường thiệt hại đối với 590kg mủ cao su theo Kết luận định giá số 102/KLĐG ngày 08/12/2016 là 5.900.000 đồng. Các bị cáo D, Đ, H đồng ý liên đới bồi thường số tiền trên.

- Về biện pháp tư pháp:

+ Đối với 38 (ba mươi tám) cục mủ cao su (loại mủ chén được đánh đông) tổng khối lượng 534 kg, là tài sản hợp pháp của Nguyên đơn dân sự Công ty TNHH MTV Cao su D: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng đã trả lại cho người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn dân sự theo Biên bản trao trả tài sản ngày 15/5/2017.

Đối với 01 (một) xe ba gác, màu sơn: Đỏ, không biển số, số máy: LX162MJ-10MW027197: Là phương tiện mà bị cáo Đ dùng để thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình điều tra xác định phương tiện trên không có giấy tờ hợp pháp nên tịch thu giao cho Uỷ ban nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xử lý theo quy định.

Đối với 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA, số loại: SIRIUS, màu sơn: Đỏ - Đen, biển số: 61V1-8751, số máy: 5C63292078, số khung: 292028: Là tài sản hợp pháp của NLQ1, không liên quan đến việc phạm tội nên trả lại cho NLQ1.

Đối với 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu WAVE, màu sơn: Xanh, biển số: 61T5-8362, số máy: 0482536, số khung: Y482736: Là tài sản hợp pháp của NLQ2, không liên quan đến việc phạm tội nên trả lại cho NLQ2.

+ Đối với 01 (một) điện thoại di động màu tím hiệu Nokia model 1280, loại RM647: Là tài sản hợp pháp của bị cáo Đ để sử dụng vào việc phạm tội nên cần tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Đối với 01 (một) điện thoại di động màu trắng hiệu OPPO bị hỏng màn hình: Là tài sản hợp pháp của bị cáo K, không sử dụng vào việc phạm tội nên trả lại cho bị cáo K.

+ Buộc bị cáo T nộp 590.000 đồng (năm trăm chín mươi ngàn đồng) là số tiền thu lợi bất chính từ việc mua bán 590 kg mủ trộm kiếm lời để sung quỹ Nhà nước.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Công D, Lê Quang H, Trần Huỳnh K, Huỳnh Công Đ và Mai Thị T không có ý kiến gì khác, đồng ý đối với quyết định truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương theo Cáo trạng số 43/QĐ-KSĐT ngày 19/7/2017.

Tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Công D, Lê Quang H, Trần Huỳnh K, Huỳnh Công Đ và Mai Thị T đều có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, biết hành vi lấy trộm tài sản của người khác và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là vi phạm pháp luật và mong Hội đồng xét xử xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện D, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện D, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Công D, Lê Quang H, Trần Huỳnh K, Huỳnh Công Đ và Mai Thị T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, thể hiện: Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến ngày 14/11/2016, do muốn có tiền tiêu xài, lười lao động nên bị cáo Nguyễn Công D đã nảy sinh ý định trộm cắp mủ cao su tại trạm bảo vệ số 6 của Nông trường Cao su T thuộc Công ty TNHH MTV Cao su D. Để thực hiện ý định trên, bị cáo D đã rủ rê, lôi kéo các bị cáo Lê Quang H, Trần Huỳnh K và Huỳnh Công Đ cùng thực hiện với số lần phạm tội cụ thể như sau: Bị cáo D và bị cáo Đ đã thực hiện 04 lần trộm cắp mủ cao su, chiếm đoạt 1.124 kg, trị giá 11.240.000 đồng; bị cáo H đã thực hiện 02 lần trộm cắp mủ cao su, chiếm đoạt 774 kg với trị giá là 7.740.000 đồng và bị cáo K đã thực hiện 01 lần trộm cắp mủ cao su, chiếm đoạt 534 kg với trị giá 5.340.000 đồng. Sau ba lần đầu trộm được khối lượng mủ cao su là 590 kg, các bị cáo đã đem đến bán lại cho bị cáo Mai Thị T làm nghề thu mua mủ cao su. Mặc dù, bị cáo T biết rõ về nguồn gốc của khối lượng mủ trên là tài sản do phạm tội mà có nhưng bị cáo T vẫn đồng ý thu mua với giá 5.900.000 đồng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự thì “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”, như vậy, hành vi trộm cắp tài sản của các bị cáo D, Đ, H và K đều đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự thì “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, như vậy, hành vi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có của bị cáo T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Do đó, đã có đủcở sở khẳng định Cáo trạng số 43/QĐ-KSĐT ngày 21/7/2017 của Viện kiểm sánhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương truy tố các bị cáo Nguyễn Công D, Lê Quang H, Trần Huỳnh K và Huỳnh Công Đ về tội “Trộm cắp tài sản” theokhoản 1 Điều 138 của Bộ luật Hình sự và truy tố bị cáo Mai Thị T về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo khoản 1 Điều 250 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Đối với các bị cáo Nguyễn Công D, Huỳnh Công Đ, Lê Quang H và Trần Huỳnh K: Hành vi phạm tội của các bị cáo tuy đơn giản nhưng đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cơ quan, tổ chức Nhà nước được pháp luật bảo vệ. Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi nhưng nhất thời vì ham lợi nhuận, muốn có tiền tiêu xài nhưng lười lao động. Về nhận thức, các bị cáo biết việc lén lút lấy cắp tài sản hợp pháp của cơ quan, tổ chức là vi phạm pháp luật, bất chấp hậu quả, quyết tâm thực hiện tội phạm để có tiền thỏa mãn nhu cầu cá nhân nên các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội vơi lôi cô y . Hâu quả là các bị cáo đã chiêm đoat tài sản hợp pháp của nguyên đơn dân sự Công ty TNHH MTV Cao su D là 11.240 kg mủ cao su với tổng trị giá là 11.240.000 đồng (mười một triệu hai trăm bốn mươi ngàn đồng) theo Kết luận định giá tài sản số 102/KLĐG ngày08/12/2016 của Hội đồng định giá tài sản huyện D. Vì vậy, các bị cáo Nguyễn Công D, Huỳnh Công Đ, Lê Quang H và Trần Huỳnh K bị truy tố và xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự là phù hợp pháp luật.

[4] Đối với bị cáo Mai Thị T: Hành vi phạm tội của bị cáo T đã xâm phạm trật tự công cộng do Nhà nước quản lý. Bị cáo là người có đầy đủ năng lực để nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo lại bất chấp hậu quả để thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo thực hiện tội phạm xuất phát từ lòng tham, tư lợi cho cá nhân nên thực hiện với lỗi cố ý. Bị cáo biết rõ tài sản do các bị cáo D, H, K và Đ đem bán là do phạm tội mà có nhưng vẫn đồng ý thu mua nhằm mục đích bán lại kiếm lời, thu lợi bất chính. Bị cáo đã thực hiện 03 lần hành vi phạm tội này với tổng khối lượng mủ thu mua là 590 kg với trị giá là 5.900.000 đồng. Hành vi này của bị cáo bị truy tố và xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự là phù hợp.

[5] Để cá thể hóa trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử cần đánh giá, xem xét đến vai trò và hành vi của từng bị cáo như sau:

Đối với bị cáo D: Bị cáo đã lợi dụng sự tín nhiệm của Công ty phân công làm công tác bảo vệ để thực hiện hành vi phạm tội; bị cáo tham gia với vai trò là người chủ mưu, tích cực lôi kéo người khác thực hiện hành vi phạm tội, chỉ vìmuốn có tiền tiêu xài cá nhân nhưng lại lười lao động, bị cáo đã rủ rê các bị cáo Đ, H, K thực hiện hành vi phạm tội. Trong bốn lần phạm tội, bị cáo D đều là người trực tiếp thực hiện.

Đối với bị cáo Đ: Khi được bị cáo D rủ rê, lôi kéo thực hiện hành vi trộm cắp, bị cáo Đ đã đồng ý tham gia với vai trò là người giúp sức trong việc dùng phương tiện chuyên dùng chở mủ của gia đình để chở tài sản mà bị cáo D đã trộm đi đến nơi tiêu thụ.

Đối với bị cáo H: Bị cáo đã cùng với bị cáo D thực hiện hai vụ trộm mủ với vai trò là người thực hành, sau khi bị cáo D mở cửa nhà lồng chứa mủ, bị cáo đã cùng với bị cáo D khiêng các cục mủ cao su trộm được và chất lên thùng xe ba gác do bị cáo Đ điều khiển tới.

Đối với bị cáo K: Bị cáo cùng với các bị cáo D, H trực tiếp thực hiện một vụ trộm mủ với vai trò là người thực hành. Sau khi bị cáo D mở cửa nhà lồng chứa mủ, bị cáo đã cùng với các bị cáo D, H khiêng các cục mủ cao su trộm được và chất lên thùng xe ba gác do bị cáo Đ điều khiển tới.

Đối với bị cáo T: Hành vi phạm tội của bị cáo đã gián tiếp xâm phạm đến quyền tài sản của nguyên đơn dân sự, tạo điều kiện, tiếp tay cho bọn tội phạm có nơi tiêu thụ tài sản mà chúng chiếm đoạt được và cụ thể trong vụ án này là các bị cáo D, H, K và Đ.

Đây là vụ án có tính chất đồng phạm giản đơn. Các bị cáo D, H, K, Đ cùng nhau chuẩn bị và trực tiếp tham gia thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo T không hứa hẹn trước nhưng có vai trò giúp sức cho các bị cáo D, H, K, Đ để tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Do vậy, cần phải xử phạt các bị cáo với mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo.

[6] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Các bị cáo D, H, Đ và T đều có nhân thân tốt thể hiện qua việc các bị cáo không có tiền án, tiền sự. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đều có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Do đó, cần cho các bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Đối với các bị cáo D và Đ: Các bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại đối với 590 kg mủ đã bán lấy tiền tiêu xài cá nhân, không thu hồi lại được để trả lại cho Công ty TNHH MTV Cao su D bằng việc nộp số tiền 5.900.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng để khắc phục hậu quả. Do đó, cần cho các bị cáo D và Đ hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Đối với các bị cáo H, K và T:

Hành vi phạm tội của các bị cáo mặc dù đã gây thiệt hại cho Công ty TNHH MTV Cao su D, tuy nhiên số tài sản bị mất tại lần phạm tội thứ tư của các bị cáo đã được Công ty thu hồi lại được. Do đó, giá trị thiệt hại thực tế mà các bị cáo gây racho Công ty có giá trị không lớn, cần cho các bị cáo hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo T còn có anh trai ruột Mai Bá T là liệt sĩ nên cần cho bị cáo T hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo K thuộc trường hợp phạm tội lân đâu  thuôc trương hơp it nghiêm trọng nên cần cho bị cáo hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.Đối với bị cáo Đ: Tại thời điểm phạm tội, bị cáo là người chưa thành niên, có hạn chế về nhận thức khi thực hiện các hành vi phạm tội. Do đó, khi quyết định hình phạt cho bị cáo, Hội đồng xét xử áp dụng các quy định tại Chương X Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình bị cáo đang gặp khó khăn, mẹ của bị cáo hiện đang phải điều trị nhiều loại bệnh theo xác nhận của chính quyền địa phương nên xem xét cho bị cáo hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

[7] Về tinh tiêt tăng năng trách nhiệm hình sự:

Vì Công ty TNHH MTV Cao su D là doanh nghiệp nhà nước nên hành vi trộm cắp tài sản của công ty mà các bị cáo đã thực hiện là xâm phạm tài sản của Nhà nước. Đây là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, áp dụng điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội và Công văn 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tình tiết “Xâm phạm tài sản của Nhà nước” không xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này đối với các bị cáo.

Đối với các bị cáo D, Đ, Hvà T: Do số lần thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo đều là 02 lần trở lên nên các bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Riêng đối với bị cáo D còn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi trực tiếp rủ rê, lôi kéo bị cáo Đ là người chưa thành niên phạm tội. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo K không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.

[8] Khi xem xét quyết định hình phạt đối với các bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy:

Để quyết định mức hình phạt của từng bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy các bị cáo đều bị truy tố xử phạt ở khung hình phạt không quá 03 (ba) năm tù về tội ít nghiêm trọng; các bị cáo có nhân thân tốt, ngoài lần phạm tội này chưa bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính; có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo công tác xét xử nghiêm minh, công bằng và có tác dụng giáo dục, răn đe nhưng vẫn thể hiện được chính sách khoan hồng của pháp luật, Hội đồng xét xử xem xét quyết định hình phạt dựa trên việc đánh giá vai trò cụ thể của mỗi bị cáo trong vụ án. Cụ thể:

Đối với bị cáo Nguyễn Công D: Mặc dù bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự nhưng trong vụ án này, bị cáo tham gia với vai trò là người chủ mưu, tổ chức thực hiện các lần phạm tội và có hai tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g, n khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Do đó, cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian và mức hình phạt đối với bị cáo cũng phải nghiêm khắc hơn so với các bị cáo khác mới đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo.

Đối với bị cáo Lê Quang H: Bị cáo có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 và có hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự nhưng trong vụ án này, bị cáo tham gia với vai trò là người giúp sức tích cực, cùng với bị cáo D thực hiện hai lần phạm tội. Do đó, cần xử lý bị cáo với mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội bị cáo gây ra.

Đối với bị cáo Trần Huỳnh K: Bị cáo có ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g, h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự; không có tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 Điều 48. Xét thấy bị cáo có khả năng tự cải tạo, không cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội, việc không bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nên Hội đồng xét xử xem xét áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo.

Đối với bị cáo Huỳnh Công Đ: Bị cáo có một tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 và có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Xét thấy bị cáo có khả năng tự cải tạo, không cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội, việc không bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhằm thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật, Hội đồng xét xử xem xét áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo

Đối với bị cáo Mai Thị T: Bị cáo có một tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 và có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Xét thấy hiện bị cáo là lao động chính trong gia đình, bị cáo đang còn nuôi người con thứ hai ăn học và tình trạng sức khỏe của bị cáo không tốt, hiện đang phải điều trị bệnh thường xuyên, bị cáo có khả năng tự cải tạo nên không cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội, việc không bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhằm thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật, Hội đồng xét xử xem xét áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo.

[9] Về hình phạt bổ sung: Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

[10] Xét ý kiến luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa đối với các bị cáo D, H, K, Đ và T về phần tội danh, điều khoản truy tố, mức hình phạt đề nghị áp dụng cho các bị cáo D, K, Đ, T là có căn cứ và phù hợp với các tình tiết của vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Tuy nhiên, đối với các bị cáo K, Đ, T, Hội đồng xét xử thấy không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội nên áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự cho các bị cáo được hưởng án treo dưới sự giám sát của chính quyền địa phương nơi cư trú. Riêng đối với bị cáo Lê Quang H với mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị là từ 10-12 tháng tù là nghiêm khắc so với hành vi, tính chất, mức độ tội phạm đã gây ra. Bởi lẽ mặc dù bị cáo H đã thực hiện hai lần phạm tội nhưng tại lần phạm tội thứ hai bị cáo đã bị băt quả tang, thiệt hại thực tế bị cáo gây ra là không lớn nên Hội đồng xét xử quyết định mức hình phạt nhẹ hơn để thể hiện tính khoan hồng của pháp luật Nhà nước ta.

[11] Về trách nhiệm dân sự:

Các bị cáo D, H và Đ đã chiếm đoạt 590kg mủ cao su trị giá là 5.900.000 đồng của nguyên đơn dân sự Công ty TNHH MTV Cao su D nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường. Hiện các bị cáo D và Đ đã nộp đủ số tiền trên tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

[12] Về biện pháp tư pháp:

+ Đối với 38 (ba mươi tám) cục mủ cao su (loại mủ chén được đánh đông) tổng khối lượng 534 kg: Đã được trả lại cho Công ty TNHH MTV Cao su D nên không xem xét.

+ Đối với 01 (một) xe ba gác, màu sơn: Đỏ, không biển số, số máy: LX162MJ-10MW027197: Quá trình điều tra đã tiến hành đăng báo 03 kỳ liên tiếp trên báo Bình Dương để xác định chủ sở hữu xe nhưng không có kết quả (thể hiện tại các bút lục 225, 241 và 253) nên giao cho Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xử lý theo thẩm quyền.

+ Đối với 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA, số loại: SIRIUS, màu sơn: Đỏ - Đen, biển số: 61V1-8751, số máy: 5C63292078, số khung: 292028: Là tài sản hợp pháp của NLQ1, không liên quan đến việc phạm tội nên trả lại cho NLQ1.

+ Đối với 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu WAVE, màu sơn: Xanh, biển số:61T5-8362, số máy: 0482536, số khung: Y482736: Là tài sản hợp pháp của NLQ2, không liên quan đến việc phạm tội nên trả lại cho NLQ2.

+ Đối với 01 (một) điện thoại di động màu tím hiệu Nokia model 1280, loại RM647: Là tài sản hợp pháp của bị cáo Đ để sử dụng vào việc phạm tội nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước.

+ Đối với 01 (một) điện thoại di động màu trắng hiệu OPPO bị hỏng màn hình: Là tài sản hợp pháp của bị cáo K, không sử dụng vào việc phạm tội nên trả lại cho bị cáo K.

+ Đối với số tiền thu lợi từ hành vi phạm tội mà có: Sau khi thực hiện việc mua 590 kg mủ từ các bị cáo với giá 10.000 đồng/kg, bị cáo T đã bán kiếm lời đối với sổ mủ trên với giá 11.000 đồng/kg. Tổng số tiền bị cáo T thu lợi trong việc buôn bán này là 590.000 đồng nên bị cáo T phải có trách nhiệm nộp lại số tiền trên để sung quỹ Nhà nước.

[13] Về án phí hình sự sơ thẩm: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Công D, Lê Quang H, Trần Huỳnh K và Huỳnh Công Đ phạm tội “Trộm cắp tài sản”; bị cáo Mai Thị T phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1 Điều 46; điểm g, n khoản 1 Điều 48, Điều 53 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Nguyễn Công D 01 (một) năm 02 (hai) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án. Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm g, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1Điều 48, Điều 53 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Lê Quang H 08 (tám) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.

Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm g, h, p khoản 1 Điều 46, Điều 53, Điều 60 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Trần Huỳnh K 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (một) năm tính từ ngày tuyên án (31/8/2017).

Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 53, Điều 60, Điều 69, Điều 74 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Huỳnh Công Đ 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (một) năm tính từ ngày tuyên án (31/8/2017).

- Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm g, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 60 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Mai Thị T 01 (một) năm 02 (hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm 04 (bốn) tháng tính từ ngày tuyên án (31/8/2017).

Giao các bị cáo Trần Huỳnh K, Huỳnh Công Đ, Mai Thị T cho Uỷ ban nhân dân xã T, huyện D, tỉnh Bình Dương giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

2. Trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 585, 586 và 587 của Bộ luật Dân sự năm 2015, tuyên:

Buộc các bị cáo Nguyễn Công D, Lê Quang H và Huỳnh Công Đ có trách nhiệm liên đới bồi thường cho nguyên đơn dân sự Công ty TNHH MTV Cao su D số tiền 5.900.000 đồng (năm triệu chín trăm ngàn đồng). Hiện số tiền trên đã được các bị cáo D và Đ nộp tại Chi cuc thi hanh an dân sư huyên Dâu Tiêng theo biên lai thu số AA/2016/0005657 ngày 04 tháng 8 năm 2017. Nguyên đơn dân sự Công ty TNHH MTV Cao su D nhận số tiền trên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng.

3. Biện pháp tư pháp: Áp dụng khoản 1 Điều 41, Điều 42 của Bộ luật Hình sự và khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tuyên:

- Giao cho Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương xử lý theo thẩm quyền đối với 01 (một) xe ba gác, màu sơn đầu xe và thùng xe: Đỏ, không biển số, số máy: LX162MJ-10MW027197.

- Trả cho NLQ1 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA, số loại: SIRIUS,màu sơn: Đỏ - Đen, biển số: 61V1-8751, số máy: 5C63292078, số khung: 292028.

- Trả cho NLQ2 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu WAVE, màu sơn: Xanh, biển số: 61T5-8362, số máy: 0482536, số khung: Y482736.

- Trả lại cho bị cáo Trần Huỳnh K 01 (một) điện thoại di động màu trắng, hiệu OPPO bị hỏng màn hình.

Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với 01 (một) điện thoại di động màu tím hiệu Nokia model 1280, loại RM647.

(Tài sản hiện do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng, tỉnh BìnhDương quản lý theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 26/6/2017)

- Buộc bị cáo Mai Thị T nộp số tiền 590.000 đồng (năm trăm chín mươi ngàn đồng) tiền thu lợi bất chính từ việc mua bán mủ trộm có được để sung quỹ Nhà nước.

4. Án phí:

Áp dụng khoản 1, 2 Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Các bị cáo Nguyễn Công D, Lê Quang H, Trần Huỳnh K, Huỳnh Công Đ và Mai Thị T: Mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Các bị cáo, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (31/8/2017)./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

281
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 45/2017/HS-ST ngày 31/08/2017 về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Số hiệu:45/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Dầu Tiếng - Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về